Sunday, September 27, 2009

Kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 8 của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (29/9/2001 – 29/9/2009) - Đỗ Văn Phúc


Ngày giỗ thứ 8 năm 2009




Nhớ về người Tư Lệnh cũ
Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (29/9/2001 – 29/9/2009)

Trong các đơn vị thuộc vùng 3 Chiến thuật, Sư đoàn 5 Bộ binh là đại đơn vị trấn nhậm một trọng điểm có tầm sinh tử đối với thủ đô Sài Gòn nhất. Do đó, các cuộc binh biến không thể thiếu sự đóng góp của Sư đoàn 5 BB. Đại tá Nguyễn Văn Thiệu nhờ vào chức vụ Tư lệnh SĐ5BB mà đã được mời tham gia vào cuộc đảo chánh lật đổ cố Tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1 tháng 11 năm 1963.

Từ các căn cứ ở Bình Dương, chỉ cách Sài Gòn không đầy 30 ki lô mét, các đơn vị mang số 5 đỏ giữa ngôi sao trắng đã được nhanh chóng điều động về thủ đô chiếm cứ các cơ quan trọng yếu của chế độ. Trong tấm ảnh chụp chung của các Tướng lãnh tham gia đảo chính, Đại Tá Thiệu lúc đó còn ngồi một cách khiêm tốn ở hàng sau giữa những ông tướng có vẻ hùng hổ, tự đắc. Khuôn mặt ông Thiệu ngày đó còn gầy guộc, nhưng đã thấy trong đôi mắt nét sắc sảo, hứa hẹn một bước tiến chính trị rộng mở trong tương lai.

Là một sĩ quan cấp úy nhỏ nhoi trong đội quân cả triệu người, thì hiểu biết được bao nhiêu mà dám viết về một Tổng thống, một Tổng Tư Lệnh Quân đội! Nhất là về cố Tổng thống Thiệu, người đã được công chúng và nhiều sử gia nhận xét thiếu công minh cho đến khi các tài liệu dần dần được giải mật và công bố để trả lại cho ông phần nào sự công bằng.

Lần đầu tiên tôi được gần ông nhất là ngày lễ mãn khoá của Khoá 1 Sĩ quan hiện dịch Chiến Tranh Chính Trị vào đầu tháng 5 năm 1969. Sau đại lễ huy hoàng tại vũ đình trường, các tân thiếu úy được đưa vào hội trường mới xây phía sau lưng toà nhà Bộ Chỉ Huy. Nơi đây, chúng tôi sắp hàng một để lần lược bước đến nhận quà do Tổng thống trao tận tay. Đó là một cây bút bi hiệu Parker, trên đó có in huy hiệu của Tổng Thống bằng kim nhũ và một cửa sổ nhỏ để mỗi lần bấm thì hiện ra theo thứ tự các dòng chữ biểu hiện ba mục tiêu mà chính phủ của ông đã đề ra: xây dựng dân chủ, giải quyết chiến tranh, và cải tạo xã hội.

Nhận xét đầu tiên khi đối mặt vị Tổng thống là ông có khuôn mặt nhỏ nhưng rất thông minh, đôi mắt sáng sắc sảo, và nụ cười rất thân tình, cởi mở. Nhờ đó, những tân thiếu úy đã không cảm thấy khoảng cách quá xa đối với người lãnh đạo cao nhất của quốc gia và quân đội. Ông đã dùng cơm với chúng tôi sau khi ban một huấn thị ngắn và đầy ý nghĩa của một người anh đối với các em vừa chuẩn bị bước vào cuộc chiến gian nguy.

Vì đường công danh chính trị của ông phát xuất từ Sư Đoàn 5 Bộ binh, nên mối quan tâm của ông đối với sư đoàn này cũng có phần đặc biệt ưu đãi. Các tư lịnh sư đoàn thường là những vị thân tín của Tổng thống Thiệu và rất có tương lai trong binh nghiệp. Sau khi ra trường tôi may mắn phục vụ sư đoàn này, và đã từng hãnh diện khi nhìn thấy tấm hình của vị cựu Tư lịnh Nguyễn Văn Thiệu treo trong các phòng họp cấp Sư đoàn và Trung đoàn. Ngoài cái biệt danh “Sư Đoàn Nùng” (vì là hậu thân của một đơn vị toàn người Nùng từ miền Thượng Du Bắc Việt chuyển vào sau hiệp định Geneve), người ta còn gọi chúng tôi là “lính ông Thiệu”.

Thuyên chuyển qua Không Quân cuối năm 1971, tôi không được vinh dự tham chiến trận An Lộc vào Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, nên không được có mặt công kênh Tổng thống khi ông đến chiến trường ủy lạo binh sĩ giữa lúc tiếng súng còn chưa dứt ở các đồn diền cao su quanh thị trấn An Lộc đổ nát. Chúng tôi quý ông ở điểm này. Là một nguyên thủ quốc gia, ông có quyền hưởng những ngày tết an toàn ở thủ đô trong không khí hạnh phúc của gia đình. Nhưng không có Tết nào mà ông không tìm đến với các đơn vị tiền đồn hẻo lánh. Trong bộ ka ki bốn túi bình dị, chiếc nón jockey đen có phù hiệu hai con rồng, Tổng thống Thiệu đã mang lại cho những người lính chiến chúng tôi niềm an ủi sâu xa thể hiện một mối quan tâm mà hiếm khi thấy được ở những vị lãnh đạo khác.

Tính bình dị của ông, lần nữa tôi được thấy khi ông đến thăm Căn Cứ 20 Chiến Thuật Không Quân ở Phan Rang. Hồi đó là gần cuối năm 1972, sau khi chúng tôi hoàn tất việc tiếp nhận căn cứ từ Không Lực Hoa Kỳ. Một đại đơn vị tân lập của Không Quân Việt Nam đang thành hình, đi vào ổn định để tích cực tham gia chiến đấu ở Vùng 2 Chiến thuật.

Tổng thống đã đến với chúng tôi, ăn tối với các sĩ quan tại Câu Lạc Bộ trên ngọn đồi nhìn ra hướng bờ biển Ninh Chữ. Không một chút quan cách, lễ nghi, ông đã tươi cười trò chuyện cùng chúng tôi trong hơn hai tiếng đồng hồ. Ông đã trao cho Căn cứ một món tiền nhỏ và dí dỏm: “Thường là cấp nhỏ hối lộ cấp trên! Bây giờ thì tôi hối lộ các anh”. Số là Tổng thống còn bà mẹ già đang ở trong căn nhà gần bờ biển. Hàng ngày, các phản lực cơ của Không đoàn 92 Chiến Thuật cất cánh thường bay qua phía làng của Tổng Thống. Tiếng gầm rú của động cơ quấy nhiễu không khí yên bình của bà cụ, làm bà sợ hãi. Ông Tổng Tư Lệnh phải hối lộ cho thuộc cấp để yêu cầu bay chệch một chút, né cái làng Ninh Chữ kia ra.

Miền Nam mất.

Người ta đổ lỗi cho nhau. Người chịu nhiều tai tiếng là Tổng thống Thiệu.

Dĩ nhiên, ông không thể tránh phần trách nhiệm nặng nề đã làm mất miền Nam mà hậu quả là Cộng sản đã đưa đẩy mười lăm triệu đồng bào vào hỏa ngục, gần ba trăm ngàn đồng đội vào các trại tù khắc nghiệt mà hậu quả có hàng chục ngàn đã chết cách này hay cách khác, cùng với cả triệu người liều thân vượt biển mà con số bỏ thây làm mồi cho cá lên đến hơn một nửa.

Ông cũng bị tai tiếng về tài sản miền Nam, điển hình là 16 tấn vàng mà thực tế là đã do tên phản bội Nguyễn Văn Hảo trao lại cho bọn Việt Cộng. Lưu vong ra nước ngoài, ông đã sống ẩn dật, không ồn ào phô trương mà âm thầm chịu đựng búa rìu dư luận. Có thể ông có tài sản lên đến bạc triệu đô la. Nhưng nó đáng kể vào đâu nếu so sánh với con số hàng tỷ đô là mà bọn Việt Cộng thủ đắc hiện nay ?

Tôi cầu xin vong linh cố Tổng Thống tha thứ vì chính tôi cũng đã có lần viết thiếu công bằng về ông khi nhìn sự thất bại của miền Nam theo cách nhìn hạn hẹp của mình. Làm lãnh tụ một nước nhỏ, hoàn toàn lệ thuộc về kinh viện và quân viện của ngoại bang, thì việc quyết định không thể nào tự chủ được. Tổng thống Diệm cũng vì yêu nước, kiên cường trước áp lực Mỹ mà bị thảm sát. Tổng thống Thiệu đã vẫy vùng mà không thoát được. Ông cũng đã từng chứng tỏ sự can đảm, cứng rắn đến độ căng thẳng với Mỹ trong thời gian chuẩn bị Hoà Đàm Paris. Ông cũng từng đối đầu với tên cáo già Henry Kissinger và đã bị tên Do Thái này gán cho những từ ngữ không đẹp. Tựu trung, ông đã chứng minh bản lãnh, lòng yêu nước, trí thông minh đáng để chúng ta khâm phục hơn là trách cứ. Sự thành bại của miền Nam hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của chúng ta.

Duy chỉ có một điều chúng tôi trách ông. Đó là việc dùng người của ông thiên về cảm tình, sự trung thành hơn là dựa trên khả năng. Tiếc thay cho những anh tài không được trọng dụng, mà thay vào đó là những tướng lãnh thiếu kinh nghiệm chiến đấu, một số thì đầy lòng tham. Hậu quả là nạn tham nhũng đã làm suy giảm tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam. Quân Lực VNCH có hơn trăm vị tướng mà con số vị trong sạch tài đức chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà ngay họ cũng chẳng ngồi lâu hay được trọng dụng đúng với khả năng. Khi thành lập đảng Dân Chủ, Tổng Thống Thiệu đã vì an toàn chính trị của mình mà làm tan vỡ khối đại đoàn kết quốc gia giữa các đảng phái chính trị và tôn giáo. Những năm đấu thập niên 1970, khi tình hình quân sự rất khả quan, phải chi ông chú tâm vào cuộc chiến bài trừ tham nhũng, nâng đỡ đối lập, phát huy thêm tự do để tăng cường sức mạnh quần chúng thì có hy vọng cải thiện phần nào cách nhìn của người Mỹ và cuộc chiến đã không kết thúc theo chiều hướng bi đát như đã xảy ra năm 1975.
Nói gì đi nữa thì công và tôi của một vị Tổng thống phải chờ thêm thời gian để phán đoán. Những cuốn sách do các chính khách, báo giới cả Mỹ lẫn Việt viết ra sau này, những tài liệu được giải mật đã đem lại phần nào sự xét đoán công minh về vị Tổng thống thứ hai của chế độ Cộng Hoà Việt Nam.

Hôm nay, nhân ngày giỗ lần thứ 8 của cố Tổng Thống, tôi mua chai Chivas Regal (loại rượu mà ông thường dùng), rót ra một chung để kính mời người cựu Tư Lệnh Sư Đoàn. Tôi vẫn quý ông về lòng ái quốc và những đức tính hiếm hoi trong vai trò người lãnh đạo quốc gia và nhất là người Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực VNCH.

Chúng ta sẽ nhớ mãi câu nói của ông:
    ”Sống mà không có Tự do, thì coi như đã chết”
    (To live without freedom is to have already died.)
Austin, tháng 9, 2009
Kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 8 của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (29/9/2001 – 29/9/2009)

Đỗ Văn Phúc
oooOooo

Bài điếu văn của cựu Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp đọc trước linh cửu Cố Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU ngày 5/10/2001
    Kính thưa Phu Nhân Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU và gia đình,
    Kính thưa các cấp cựu Tướng Lãnh,
    Kính thưa các vị Quan Khách.
Hôm nay tôi được chỉ định đại diện Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đến đây để thành kính nghiêng mình trước linh cữu của cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và cũng là vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Trước sự mất mát lớn lao của gia đình, QLVNCH chúng tôi xin trân trọng chia buồn cùng phu nhân và tang quyến.
    Kính thưa Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU,

    Từ đâu đó chúng ta đã từng nghe những lời như sau:

    "Như ngọn gió, ta từ đâu tới ?
    Ai trả lời câu hỏi giùm ta.
    Cõi trần một thoáng vút qua,
    Dẫu trăm năm tuổi ... chỉ là giấc mơ !"
Giấc mơ nào thì cũng vô cùng ngắn ngủi, vì đời người như gió thoảng qua, và nơi kiếp phù sinh có ai sống mãi bao giờ.

Xuất thân từ khóa I Sĩ Quan Võ Bị Huế năm 1948. Tiếp theo chuỗi thời gian dài, Tổng Thống đã phục vụ dưới cờ qua khắp các chiến trường Trung Nam Bắc và qua các chức vụ từ Trung Ðội Trưởng, Ðại Ðội Trưởng, Tiểu Ðoàn Trưởng, Tư Lệnh Sư Ðoàn, Quân Ðoàn đến Tổng Trưởng Bộ Quốc Phòng, và cuối cùng là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia rồi Tổng Thống nền Ðệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa.

Ðã 3 lần phục vụ tại Trường Võ Bị Sĩ Quan Dalat. Vào năm 1951, Tổng Thống là Sĩ Quan Huấn Luyện Viên của Khóa 5 Võ Bị Dalat, một khóa nổi tiếng trong lịch sử của Trường, đã đào tạo ra nhiều vị Tư Lệnh Sư Ðoàn và Quân Ðoàn cho QLVNCH.

Hai lần sau đó Tổng Thống đã đảm nhiệm chức vụ Chỉ Huy Trưởng của Trường nầy vào các năm từ 1957 và 1958 tới 1960.

Trong chức vụ trên, Tổng Thống đã dày công xây dựng nền tảng cho Trường Võ Bị từ ngày đầu tiên của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa - Từ cải tổ chương trình huấn luyện liên quân cho đến các nghi thức, lễ phục, phù hiệu, trong đó có phần lễ Truy Ðiệu Tử Sĩ đã tạo nhiều cảm xúc lưu truyền đến ngày nay. Tổng Thống cũng tổ chức lại phần quan trọng trong chương trình Văn Hóa, kéo dài thời gian huấn luyện 4 năm đào tạo, các sinh viên Võ Bị ra trường có trình độ cấp Ðại Học để đảm nhiệm được những chức vụ chuyên môn ngoài lãnh vực quân sự.

Ngày 19 tháng 6 năm 1965, Tổng Thống đã cùng các Tướng Lãnh trong Hội Ðồng Quân Nhân đứng ra đảm nhiệm trách vụ lịch sử, lãnh đạo Quốc Gia sau một thời gian đất nước bị xáo trộn và khủng hoảng khắp nơi. Ðể lấy lại niềm tin cho Quốc dân và Quân Ðội, Hội Ðồng Quân Nhân dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống đã đưa ra quyết tâm:
    1. Tôn trọng tinh thần dân chủ và
    2. Quân Ðội phải triệt để phục vụ toàn dân.
Từng bước một, Tổng Thống cùng toàn thể Chính Phủ chấn chỉnh an ninh trật tự, nêu cao tinh thần Quân Ðội, thực hiện cuộc bầu cử Quốc Hội với Bản Hiến Pháp mở đầu cho giai đoạn dân chủ căn bản của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa.

Và từ đó ngày 19 tháng 6 cũng trở thành Ngày Quân Lực và ngày này đã gắn liền tên tuổi của Tổng Thống cùng các vị Tướng Lãnh đã can đảm ra nắm quyền lo việc đất nước lúc bấy giờ.

Trong thời gian lãnh đạo, Tổng Thống luôn luôn có mặt tại các chiến trường, đặc biệt trong các trận chiến lớn lao và khốc liệt để thăm viếng, ủy lạo, khuyến khích tinh thần các cấp quân dân chống lại quân thù.

Mặt trận An Lộc, Trị Thiên như dầu sôi lửa bỏng, cả thế giới cùng theo dõi lo ngại, Tổng Thống cũng đã đến tận nơi để chia sẻ nỗi hiểm nguy và khổ cực của quân dân.

Giai Ðoạn từ 1971 đến tháng 4-1975 là giai đoạn hết sức khó khăn cho vị lãnh đạo như Tổng Thống - Mặt trận dồn dập tiếng súng không dứt, ngày đêm Tổng Thống phải theo dõi chiến trường, mặt khác Tổng Thống phải liên tục đấu trí hòa đàm trước những áp lực và dối trá của Ðồng Minh đã không muốn cho chúng ta tham dự trực tiếp vào bàn thảo Hiệp Ðịnh Ba-Lê.

Từng giờ từng phút, lúc nào Tổng Thống cũng tỏ ra điềm tĩnh và can đảm ra sức tranh đấu quyết liệt cho quyền lợi và sự mất còn của quốc gia Việt Nam cho đến giây phút cuối cùng.

Nhưng than ôi!

Làm sao được khi mà tay của Tổng Thống cũng như của các Tướng Lãnh ngoài mặt trận đã bị trói chặt, khi mà vận nước đã đến hồi đen tối và khi mà lòng trời cũng đứng về phía mạnh và hình như Ngài cũng đã quyết định bắt buộc dân tộc Việt Nam phải trải qua một kiếp nạn không thể tránh khỏi thì từ Tổng Thống cho đến 17 triệu dân Miền Nam cũng đành cam số phận mà thôi.

Từ khi ra nước ngoài, Tổng Thống cũng không ngại miệng tiếng thị phi vẫn luôn luôn cố gắng gặp gỡ nhiều cấp và cũng đã có nhiều dịp tâm sự cùng các cựu Sĩ Quan Võ Bị Dalat cũng như các chiến hữu khác, để khuyên nhủ anh em cố gắng giữ vững niềm tin, Quân Lực VNCH cố gắng giải phóng đất nước và mong anh em đừng bao giờ bỏ cuộc.
    Kính thưa Tổng Thống,
25 năm tại đất người, Tổng Thống thường khuyên anh em đừng bỏ cuộc nhưng hôm nay Tổng Thống đã bỏ cuộc ra đi vĩnh viễn về nơi an nghỉ. Lần bỏ cuộc nầy không có ai có thể trách cứ Tổng Thống được cả - Nghĩa Tử - Nghĩa Tận.

Thật vậy, từ ngày mất nước Tổng Thống đã bị nhiều nguồn dư luận lên án gần như đôi lúc quá khắt khe trong 2 việc là: Tổng Thống đã bỏ chạy không ở lại chiến đấu cùng anh em như lời đã hứa và sau đó là không lo gì cho đồng bào tỵ nạn cả.

Hôm nay ở đây nhắc lại, chúng tôi không đủ tư cách luận công hay giải oan vì lịch sử về sau sẽ nhận xét công bằng hơn - lịch sử bao giờ cũng khách quan và công bằng. Nhưng dù gì công việc làm đã qua và tinh thần tranh đấu bất khuất của Tổng Thống đối với Quốc gia, đối với đất nước thì quả những nguồn dư luận kia có phần khắt khe và có phần nào oan uổng cho người có lòng.

Việc Tổng Thống ra đi hay ở lại, đã là một sự trả giá xong xuôi giữa Cộng sản và Ðồng minh của chúng ta rồi. Hơn nữa sự ra đi của Tổng Thống là một áp lực đe dọa lấy cớ nếu Tổng Thống không đi thì Miền Nam không thể nào giải quyết được; Và đó là điều kiện căn bản Cộng sản đòi hỏi nhiều năm trên bàn hội nghị, và đó cũng là màn bịp bợm mua bán của BẠN và THÙ.

Về việc đồng bào tỵ nạn, có thể một vài tờ báo ngoại quốc diễn đạt lệch lạc và sai hẳn ý nghĩ của Tổng Thống. Làn sóng người Việt tỵ nạn lên đến hằng triệu người, cả thế giới phải điên đầu góp tay cứu giúp còn chưa xong, làm sao Tổng Thống có thể làm gì được khi thân phận chính mình cũng đang là một người tỵ nạn không biết về đâu.
    Thưa Tổng Thống,
Trong sự mất mát lớn lao của đất nước qua 25 năm nay, chúng tôi biết Tổng Thống là người chịu đựng đau khổ âm thầm nhất, người chịu đắng cay nhiều nhất, nhưng Tổng Thống luôn luôn cố giữ yên lặng nuốt trôi tất cả buồn giận của thế nhân. Tất cả mọi người không ai bao giờ muốn mình có lỗi cả, chỉ việc đổ lỗi cho vị lãnh đạo là mình được yên tâm rồi ? Ðến ngay cả những kẻ mưu mô bán đứng miền Nam Việt Nam cho Cộng sản cũng đã tạo ra dư luận là QLVNCH là bất lực và tham nhũng để mất miền Nam!

Chúng tôi biết trong nhà Tổng Thống, đặc biệt trong phòng đọc sách bị cấm không một ai được vào để ở đó Tổng Thống đôi lúc giam mình, yên lặng suy nghĩ hằng ngày hằng đêm.

Cũng có những buổi chiều ngồi bên hồ vắng, Tổng Thống đã lặng đi hằng giờ trầm ngâm suy tưởng cho chính mình và cho đất nước rằng biết bao giờ được thanh bình và hơn 70 triệu dân thoát khỏi ách Cộng sản để có được tự do no ấm.
    Kính thưa Tổng Thống,
Thôi, từ xưa tới nay, dễ mấy ai vội đem sự thành bại luận anh hùng?

Tôi xin đọc vài vần thơ dưới đây của một cựu sinh viên Sĩ Quan Khóa 12 Võ Bị Dalat để tiễn đưa anh linh Tổng Thống cùng cánh Hoa Dù...bay về nơi vĩnh cửu - Nơi đó có hằng rừng Quốc và Quân kỳ - Nơi đó có những Hiệu kỳ của 4 Quân Ðoàn cùng toàn thể Hiệu kỳ của các Quân Binh Chủng, Nha Sở thuộc QLVNCH đang chờ chào đón Tổng Thống:
    "Chúng ta, trước như sau, vẫn Ðúng,
    Dưới trời xanh, sừng sững hiên ngang.

    Lời thề xưa ... vẫn rền vang:


    - Không nề gian khổ, chẳng màng lợi danh !
    Ai luận việc không thành, cứ xét.
    Mặc cho đời suy tính thiệt hơn.
    Chúng ta ... không có gì buồn,
    Tiếc chăng,
    Tiếc chăng chẳng được chiến trường phơi thây !"
Hôm nay tụ họp nơi đây, trên 11 vị Tướng Lãnh, hàng trăm Sĩ Quan các cấp từ các nơi đổ về đứng bên cạnh Tổng Thống, nhưng chưa hết, xin Tổng Thống lướt qua hàng trăm vòng hoa chung quanh, gần như đầy đủ tên tuổi các Tướng Lãnh đều về đây tiễn đưa Tổng Thống.

Chúng tôi cũng xin nguyện trước linh cữu của Tổng Thống vẫn luôn ghi tạc nhớ lời khuyên của Tổng Thống là Không bao giờ bỏ cuộc cho đến lúc toàn dân Việt Nam được giải phóng và tự do, no ấm. Nếu không làm được chúng tôi cũng xin bỏ mình theo Tổng Thống nơi đất người.

Một lần nữa, chúng tôi xin cầu nguyện linh hồn của cố Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU ra đi được an bình và được mọi sự che chở trong vòng tay đầy ân sủng của đấng Từ Bi Toàn Năng Cao Cả trên trời.
    Muôn vàn tiếc thương - Nghìn thu vĩnh biệt.
Phan Hòa Hiệp
oooOooo