Thursday, March 27, 2008

Trả lại Danh Dự

Trả Lại Danh Dự Cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Sunday, March 12, 2006 (Ngày Nay- Houston, TX)
BÙI DIỄM

Trước đây ở Việt Nam, dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, ngày 19 tháng 6 được gọi là Ngày Quân Lực. Được tổ chức nhằm mục đích ghi nhận và nhắc nhở mọi người về vai trò và nhiệm vụ cao quý của quân đội hồi đó là bảo vệ miền Nam chống lại sự xâm lăng do miền Bắc chủ trương.

Ngày Quân Lực lâu dần đã trở thành một truyền thống đối với những quân nhân miền Nam, hãnh diện với những khẩu hiệu mà họ mang theo với đơn vị của họ: Danh Dự, Tổ Quốc và Trách Nhiệm. Nhưng rồi chiến tranh chấm dứt, miền Nam bị chế độ Cộng Sản miền Bắc thôn tính và từ đó đến nay hơn 30 năm, truyền thống đó chỉ còn được nhắc lại một đôi khi ở nước ngoài, ở những miền đất tự do. Nếu có chăng nữa thì tất cả cũng chỉ là những kỷ niệm cũ được khơi lại, trong khi đó thì ngay cả trong chính giới, Mỹ và đặc biệt trong giới truyền thông của họ, dư luận chung vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những nhận định sai lầm và thiên lệch về vai trò và trách nhiệm của quân đội miền Nam trong cuộc chiến. Đây là một sự bất công trong lịch sử cận đại cần phải được sớm điều chỉnh lại . Vì vậy mà nhân dịp Trung Tâm Việt Nam (Vietnam Center) tại trường Đại Học Texas Tech University ở Lubbock, Texas, đang sửa soạn tổ chức một buổi hội thảo về quân lực Việt Nam, người viết có một vài ý kiến đóng góp.

Với tư cách là người đã được cái may cùng làm việc với một số người bạn Mỹ của Việt Nam từ ngày Trung Tâm Việt Nam được thành lập cách đây 15 năm, đặc biệt với giáo sư James R. Reckner, Giám Đốc Trung Tâm và đồng thời cũng là người đã có công lớn kiếm nguồn tài trợ để dựng lên cơ sở có quy mô hiện nay, người viết được biết là một trong những chương trình được trù liệu ngay từ lúc đầu là sưu tầm tài liệu về chiến tranh Việt Nam và đặc biệt hơn cả, về miền Nam Việt Nam.

Theo ông Reckner thì “việc cần thiết phải làm là gìn giữ được càng nhiều càng tốt những tài liệu về nền Cộng Hòa Việt Nam để cho những thế hệ về sau này của những người Mỹ gốc Việt và rộng lớn hơn của tất cả những người Việt Nam khác có thể hiểu rõ được một cách trung thực về miền Nam Việt Nam, vai trò của những người đi trước và tại sao họ lại phải đi tìm tự do và lập nghiệp ở Hoa Kỳ. Cần thiết vì những thế hệ về sau này không thể trông cậy được vào những nguồn tin hay tài liệu của chế độ Hà Nội”.

Về mục đích chính đáng này thì tất nhiên chúng ta, những nạn nhân của chế độ Cộng Sản miền Bắc, ai cũng hoan nghênh, còn về phương pháp làm việc thì đây cũng lại là điều chúng ta nên cổ võ. Là một tổ chức gắn liền với một trường Đại Học (Texas Tech University) Trung Tâm Việt Nam, qua tất cả những cuộc hội thảo được tổ chức cho đến nay, theo lề lối làm việc của một tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu, nhằm mục đích cố gắng đưa ra những sự kiện lịch sử, những lập luận chính xác, chứ không phải để bênh vực một quan điểm chính trị nào. Với những bảo đảm ấy, cuộc hội thảo sắp tới về Quân Lực Việt Nam có thể được coi như một cơ hội để chúng ta nói lên tiếng nói của những người biết rõ hơn ai hết về một tập thể mà chính chúng ta, anh em, họ hàng hay bạn bè đã từng tham gia trong cuộc chiến.

Nói lên để trả lại sự thực và danh dự cho quân đội miền Nam. Dĩ nhiên, tiếng nói là cần, nhưng cần hơn nữa là tính cách thuyết phục của tiếng nói. Cuộc hội thảp sắp tới đây không phải là một diễn đàn chính trị, vì vậy mà chúng ta không cần phải quá hăng say, lập luận một chiều, không chịu nhìn nhận những lầm lỗi hay thiếu sót của chính mình để rồi đổ lỗi hết cho Mỹ. Hãy thẳng thắn phân tích cho rõ những lầm lẫn thiếu sót này, nếu có về phía Việt Nam, để làm bài học cho tương lai. Còn về phía Mỹ thì cũng chỉ cần nhắc lại là sau 30 năm nhìn lại cuộc chiến, sự thật lịch sử càng ngày càng sáng tỏ hơn trước và ngay cả những sử gia của Mỹ cũng không thể không nhìn nhận những lỗi lầm hay trách nhiệm của Mỹ trong suốt thời gian họ can thiệp vào Việt Nam.

Trình bầy một cách công bằng như vậy không có nghĩa là chấp nhận những lời tuyên bố không xứng đáng của một số nhân vật trong chính giới Mỹ hay trong giới truyền thông Mỹ (như Bộ Trưởng Quốc Phòng Rumsfeld hay nhà báo Krauthammer qua một vài chương trình truyền hình gần đây), mỗi lần phải so sánh chiến tranh Irak với chiến tranh Việt Nam đều cho rằng Việt Nam không chiến đấu nên mới thua trận. Nếu không chiến đấu thì tại sao lại có những trận đấu oanh liệt như Quảng Trị, An Lộc hay Xuân Lộc? Ngoài ra trên thế giới, trong số những quân đội thua trận có được bao nhiêu tướng tá hay binh nhì đã tuẫn tiết để khỏi bị rơi vào tay địch như các tướng Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ hay Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn cùng với biết bao nhiêu quân nhân không tên khác nữa?

Trong khuôn khổ một cuộc hội thảo tại một trường Đại Học để “suy ngẫm và tái thẩm định, sau 30 năm” về quân đội Cộng Hòa Việt Nam (theo như chủ đề do Vietnam Center đề nghị), người viết nghĩ rằng chỉ trình bầy một cách trung thực và vô tư những khuyết điểm cũng như ưu điểm của những quân nhân miền Nam trong cuộc chiến cũng đủ đóng góp để trả lại danh dự cho tất cả tập thể quân đội miền Nam qua những thập niên của lịch sử cận đại..

Ngày 22 tháng 2, 2006

LTS – Cựu Đại sứ Bùi Diễm là một thành viên trong Hội Đồng Cố Vấn Toàn Quốc (National Advisory Council) đầu tiên của Trung Tâm Việt Nam cùng với một số nhân vật nay đã qua đời như Đại Tướng Westmoreland, Đô Đốc Zumwalt, các ông William Bundy, William Colby và học giả Douglas Pike.

No comments: