Thursday, July 23, 2009

NÚI CÔ TÔ VẪN THUỘC VỀ VIỆT NAM CỘNG HÒA - Nguyễn Khắp Nơi


Hình chụp Núi Cố Tô tháng 11 Năm 1968
Nguyễn Khắp Nơi

Lễ kỷ niệm 49 năm thành lập Binh Chủng Biệt Động Quân đã được anh em Biệt Động Quân New South Wales Úc Đại Lợi tổ chức rất trọng thể tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Sydney, vào ngày thứ Bẩy 4 tháng Bẩy 2009 vừa qua. Trong dịp này, tôi đã được hân hạnh nói về một trong những chiến thắng oai hùng của binh chủng Biệt Động Quân:

Chiến thắng tại Núi Cô Tô, Châu Đốc, năm 1970

Núi Cô Tô, còn được gọi là Núi Bái Voi, là một trong bẩy ngọn núi nổi tiếng của dẫy Thất Sơn, tỉnh Châu Đốc, sát bên các tỉnh Kiến Phong, Phong Dinh, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Chương Thiện và Kiên Giang. Đây là những vùng đất trù phú nhất của miền Nam, đã một thời được coi là “Vựa Lúa” của Việt Nam cũng như của vùng Đông Nam Á. Vì là một vùng đất trù phú, có núi non hiểm trở, lại dễ xâm nhập bằng đuờng bộ từ phía Cao Miên và đường biển từ Vịnh Thái Lan, nên Việt Cộng đã biến vùng núi Thất Sơn trở thành một căn cứ dưỡng quân và kinh tài lớn nhất ở vùng IV.Vùng núi này được gọi là “Thất Sơn” bởi vì nó bao gồm bẩy ngọn núi chính:

Bẩy ngọn núi của Dẫy Thất Sơn

1. Núi Trà Sơn (tên của một vị sư tên là Trà,

2. Núi Két (Giống hình mỏ con két),

3. Núi Bà Đội Om (giống một người đàn bà đội nón om của người Miên),

4. Núi Cấm (cấm không được lai vãng),

5. Núi Tượng (giống vòi con voi),

6. Núi Dài (dài 8000m, dài nhất trong các ngọn núi),

7. Núi Cô Tô – còn có tên khác là Núi Tô hoặc Núi Bái Voi – có hình như một cái tô lật úp.

Núi Cô Tô dài 5800m, ngang 3700m, cao 614m, thuộc địa phận quận Tri Tôn. Dân trong vùng đa số là người Việt gốc Miên, gọi là Khmer Krom. Từ khi khởi động chiến tranh năm 1954, Việt Minh đã biến vùng Thất sơn trở thành một căn cứ địa mà chúng cho là bất khả xâm phạm. Kể từ năm 1956, căn cứ này trở thành nơi dưỡng quân chính của Sư Đoàn 1 CSBV (gồm 3 trung đoàn 95A, 18 B và 101D ), bộ tư lệnh của chúng đóng ở bên kia biên giới Cao Miên. Bọn chúng đã dùng địa thế hiểm trở của ngọn núi Cô Tô để biến những hang động thiên nhiên ở đây thành nơi dưỡng quân, bệnh viện và kho chứa lương thực thật là an toàn. Để ngăn ngừa sự xâm nhập và tiêu diệt bọn cộng phỉ, chính phủ VNCH đã cho thành lập Biệt Khu 44, bao gồm địa phận các tỉnh Kiến Phong, Châu Đốc và một phần của tỉnh Kiên Giang.


Hình Núi Cô Tô chụp từ Satellite (Google Earth)

Sau cuộc tổng công kích tết Mậu Thân, tàn quân của Việt Cộng kéo về vùng núi Thất Sơn để chữa trị và bổ xung quân số, tạo nên một căn cứ địa thật lớn mà Quân lực Việt Nam Cộng Hòa nhất định phải dẹp tan. Từ tháng 2 năm 1969, Quân Đoàn IV đã quyết đinh mở một cuộc tảo thanh trong vùng Thất sơn, triệt hạ bằng được mật khu trong vùng núi Cô Tô. Lực lượng hành quân bao gồm Lữ Đoàn Mike Force (Lực Lượng Tác Chiến Lưu Động) từ Nha Trang đưa về, quân số cơ hữu của Biệt Khu 44 và Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Tin tình báo cho biết, tiểu đoàn 510 của CSBV đang bảo vệ căn cứ này cùng với 1 bộ chỉ huy cấp trung đoàn đóng tại hang núi Tuk Chup.

Cô Tô là núi đá hoa cương, rất cứng, lại có hang động thiên nhiên thật nhiều, thế nên, mặc dù trước khi đổ quân, pháo binh đã bắn rất nhiều vào khu núi và không quân cũng đã mở thật nhiều đợt oanh tạc, nhưng bọn Việt Cộng ẩn nấp trong hầm sâu vẫn được an toàn.

Đường bộ di chuyển đến chân núi lại cực kỳ khó khăn, phải lội qua những con suối nước chẩy rất xiết. Khi tới chân núi thì lại không có đưởng mòn để đi lên, những chiến binh của ta đã phải dùng dây có móc sắt ném lên để rồi từng người lính leo dần lên. Bọn Việt Cộng nấp trong hang đá cứ thế mà bắn ra, làm cho cuộc tiến quân bị kéo dài và và thiệt hại nhiều cho những đơn vị đầu tiên. Đến tháng 9 năm 1970, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 quyết định sử dụng một chiến đoàn, trong đó, 2 tiểu đoàn 42 và 44 Biệt động quân là nỗ lực chính để tấn công Núi Cô Tô. Cuộc hành quân đặt dưới sự điều động của bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ binh, do chuẩn tướng Trần Bá Di làm Tư Lệnh.Hướng đạo dẫn đường đoàn quân là các hồi chánh viên ở Tri Tôn. Các đơn vị Biệt động quân di chuyển từ bãi đổ quân nơi chân núi vào khu vực hành quân. Các chiến sĩ Biệt Động Quân đã phải lội qua những con suối, con lạch mà mực nước có nơi lên đến ngang ngực. Khi đến vị trí tập trung, tiểu đoàn còn phải phá đường qua rừng tràm để khởi động cuộc tấn công. Điểm kháng cự chính của Cộng quân là một hang động nằm ở khoảng cao độ 1/3 tính từ chân núi lên đến đỉnh về hướng Đông Bắc. Một trung đội quyết tử của Cộng quân được bố trí đóng chốt tử thủ tại đây. Toán Cộng quân này được trang bị các vũ khí tối tân, hỏa lực rất mạnh, trong đó có cả đại bác không giật 57 ly.Trong trận đánh quyết định vào ngày 21 tháng 10 năm 1970, tiểu đoàn 44 đổ quân đánh từ chân núi đánh lên, tiểu đoàn 42 sẽ từ trên đánh xuống.Tiểu đoàn 42 đã đổ quân vào ban đêm, dùng chiến thuật gọng kìm: 2 đại đội án ngữ khu lưng chừng núi, đánh lên, hai đại đội còn lại sẽ được đổ ngay trên đỉnh núi, đánh xuống.

Hai đại đội “Đánh xuống” được trang bị hoàn toàn bằng lựu đạn cá nhân: Từ vị Tiểu đoàn trưởng cho tới người lính xung kích, đều cột súng dài vào người, lựu đạn nhét đầy túi quần túi áo, nón sắt cũng lột ra để đựng lựu đạn, đã được trực thăng vận ngay lên đỉnh núi Cô Tô để từ trên đánh xuống.

Tới giờ G, các chiến sĩ Mũ Nâu từ trực thăng nhẩy xuống đỉnh núi, rồi cứ từng tổ 3 người vừa nhào xuống núi vừa thẩy lựu đạn vào trong các hang núi có bọn Việt Cộng đặt chốt sẵn. Đánh xung kích kiểu này có lợi thế là thật bất ngờ và mãnh liệt: Lựu đạn được thẩy vào từng hang đá, từng góc núi. Toán này thẩy lựu đạn chưa diệt được hết bọn VC thì toán kế tiếp đã trờ tới thẩy tiếp lựu đạn vào hang diệt trọn ổ. Nhưng bất lợi là không dùng súng, nếu rủi ro bị tên địch nào sống sót bắn trả lại, sẽ không kịp lấy súng ra để chống cự. Tuy nhiên, vì bị đánh quá bất ngờ, vả lại, bọn Việt Cộng cũng không thể ngờ những chiến binh Biệt Động đã dùng chiến thuật quá thần tốc như vậy, nên đa số bọn chúng chưa kịp bắn phát đạn nào thì đã bị “Sinh Bắc Tử Nam” hết rồi.

Tới lưng chừng núi, 2 đại đội này dừng lại đóng chốt để 2 đại đội kia lặng lẽ dùng dây leo núi leo lên chờ sẵn ở ngoài những hang động. Bọn Việt Cộng còn sống sót, tưởng là những “Thần Chết” đã đi khỏi rồi, vội vàng bò ra ngoài để xem tình thế, đã bị tỉa hết từng đứa. Những ổ kháng cự còn lại, cũng bị các chiến sĩ Mũ Nâu bò vào từng khe núi mà tiêu diệt.

Với kinh nghiệm “Tỉa từng người, diệt từng chốt” tối hôm qua, sáng sớm ngày hôm sau, Biệt Động Quân không tấn công lớn nữa, mà cho các đại đội phân chia ra từng tổ 3 nguời bò đi khắp núi để lục soát và tiêu diệt những chốt còn lại của Việt Cộng. Lý do là vì: Hang động quá nhiều, tập trung binh lính ở một chỗ sẽ rất dễ bị bắn sẻ hoặc bị tập kích. Đến trưa, số Cộng quân đóng chốt bên ngoài các hang đá đã bị tiêu diệt hết, nhưng vẫn còn súng từ trong bắn ra. Anh em Biệt Động dùng loa phóng thanh kêu gọi bọn này ra đầu thú, chỉ có một số ít dám ra mà thôi, số còn lại cố thủ trong hang sâu, lính ta bò vào bị bọn chúng thẩy lựu đạn hoặc bắn ra rất dữ dội. Cuối cùng, các chiến sĩ mũ nâu phải dùng lựu đạn hơi ngạt CS2 hun chúng suốt đêm tới sáng. Trời sáng, lộ rõ quang cảnh: Thổi khói vào từ một chỗ, nhưng khói phun ra lại ở rất nhiều nơi: Có tới từ 10 tới 12 lối ra. Anh em chiến sĩ cứ tiếp tục phun hơi ngạt vào và theo những chỗ có khói thoát ra mà thả lựu đạn xuống.

Kết quả thật khả quan: Từng toán từng toán cộng quân ho sặc sụa đầy nước mắt buớc ra đầu hàng, kê khai tất cả những gì chứa trong hang núi. Theo đó, anh em chiến sĩ Biệt Động Quân đã khám phá ra một hang núi thật lớn. Hang này bao gồm một hệ thống nhiều hang nhỏ chằng chịt với nhau, dùng làm bệnh viện cho cả một trung đoàn Việt cộng. Ba ngày sau, anh em binh sĩ theo lời khai của tù binh, đã khám phá ra một hang lớn nữa, đó là nơi đặt bản doanh của tiểu đoàn 510 do tên Châu Kem làm Tỉểu đoàn trưởng. Tại hai hang động này, chiến sĩ ta đã tịch thu được rất nhiều vũ khí cùng quân trang quân dụng, thuốc men, dụng cụ y khoa, tiền bạc và rất nhiều quân lương.

Cuộc hành quân tảo thanh Cộng quân ở núi Bá Voi chấm dứt vào ngày 20 tháng 11 1970 với kết quả là hàng trăm Cộng quân bị bỏ xác tại trận, toàn bộ hệ thống kinh tài, kho võ khí, tiếp vận của Cộng quân dành cho lực lượng Cộng quân địa phương tại vùng Châu Đốc, Rạch Giá bị phá hủy. Căn cứ Cô Tô, một căn cứ mà bọn Việt Cộng rất tự hào là “Bất khả xâm phạm” đã bị phá hủy tan tành. Tiểu đoàn 510 của Cộng sản Bắc Việt đã bị xóa sổ, biệt tăm biệt tích cho tới khi chiến tranh chấm dứt.

Về phía tiểu đoàn 42 và 44 BĐQ, có 81 chiến binh vừa tử trận vừa bị thương.

Qua bữa thứ Hai 06 07 2009, tôi đã được một độc giả gọi điện thoại báo cho một tin thật là khó tin:

“Ông vừa nói về chiến thắng núi Cô Tô, phải không? Tôi báo cho ông một tin mừng: Núi Cô Tô ở Châu Đốc vẫn còn thuộc về Việt Nam Cộng Hòa đó! Bằng chứng là Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vẫn còn hiện diện ở trên cám mỏm đá của Núi Cô Tô. Cờ được sơn thật là rõ nét, không thể nào lầm được!”

Hình chụp năm 2008:
Cờ Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn trên đỉnh núi Cô Tô, Châu Đốc.

Tôi không tin, hỏi ông có bằng chứng gì không mà dám nói? Ông bạn mới quen hẹn gặp tôi khoảng một giờ sau, sẽ đem tới cho tôi coi những tấm hình mới chụp đường hoàng.

Đúng giờ, ông bạn mới tên Minh tới gặp tôi thật, ông kể rằng:

“Vào năm 2008, hai vợ chồng tôi có về Châu Đốc thăm bạn bè. Hai người lính ngồi nhậu lai rai, kể lại những trận chiến ngày xưa, nhất là trận đánh ở Núi Cô Tô. Người bạn vui vẻ cho biết, anh hồi đó đang ở Tiểu Đoàn 42, có tham dự trận đánh này. Sau trận đánh, anh và đồng đội đã vẽ rất nhiều cờ Việt Nam Cộng Hòa trên những mỏm đá trên núi Cô Tô. Nay, một số cờ Vàng đã bị xóa đi rồi, nhưng một số vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Sáng sớm ngày hôm sau, hai anh em đã dẫn nhau leo lên núi Cô Tô, và đúng như lời anh bạn đã nói, những lá cờ Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đó, tôi đã vội vàng chụp mấy tấm hình lá cờ,đem về làm kỷ niệm.

Buổi chiều Chủ Nhật vừa qua, tôi được một người bạn ở Sydney có tham dự lễ 49 năm Biệt Động Quân, cho biết là “Có nghe Nguyễn Khắp Nơi nhắc tới trận chiến này”, nên tôi liền gọi điện thoại cho anh để báo tin và tặng những tấm hình này cho anh và cho độc giả của Việt Luận làm tài liệu.”

Xin cám ơn anh Minh và mời quý độc giả cùng thưởng lãm tấm hình độc đáo này.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, lại có một anh bạn khác, tên Phùng, tới gặp tôi, xin cái phù hiệu Biệt Động Quân để đem về Việt Nam tặng cho người bạn cũ, là lính Cọp Đen ngày xưa. Anh Cọp này bị bệnh nặng, muốn có cái huy hiệu Biệt Động, để, nếu có chết, sẽ yêu cầu vợ con chôn cái huy hiệu này theo quan tài.

Khi được tôi cho xem tấm hình cờ Việt Nam Công Hòa trên núi Cô Tô, anh Phùng cũng đã xác nhận với tôi là:

“Đúng! Chính mắt tôi cũng đã nhìn thấy những lá cờ Việt Nam Cộng Hòa còn rõ nét trên đỉnh núi Cô Tô.”

Tôi thắc mắc, hỏi anh:

“Bọn Việt Cộng rất sợ, rất kỵ những gì còn lại của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, nhất là Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Lý do nào mà bọn chúng lại không xóa hết đi những lá cờ trên núi Cô Tô đi?”

Người bạn mới của tôi suy nghĩ một lúc, rồi mới trả lời:

“Bọn Việt Cộng vẫn còn cay cú về trận Cô Tô lắm! Từ lúc bắt đầu cuộc chiến, chúng đã khoe khoang “Mật khu Núi Cô Tô là bất khả xâm phạm” Sau đó, bị quân đội ta đánh cho tan hoang, chúng hận thù ghê lắm. Nay chiến tranh chấm dứt rồi, chúng mới lại được dịp khoe lại cái mật khu cũ, để lá cờ VNCH còn lại để ra oai đó mà. Mặc kệ cho chúng khoe khoang, đối với chúng ta, nơi nào có cờ VNCH, nơi đó là đất của chúng ta, phải không, anh bạn?Hơn nữa, cái gì đúng thì sẽ lưu danh muôn thủa, bây giờ khác lắm rồi, anh Khắp Nơi ạ! Bọn Việt Cộng có đàn áp, có bắt buộc người dân tới đâu đi nữa, cũng không thể đi vào tâm tư của từng người một. Dân chúng họ nhớ tới thời Cộng Hòa Tự Do của chúng ta lắm, họ hết sợ cái đám Cộng Sản rồi, họ có cờ của mình, họ cứ việc trưng (ở trong nhà). Nhất là những thanh niên trẻ, họ nghe nhạc Lính của mình, họ nhìn lại những hình ảnh oai hùng của người Lính Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, họ đọc những bài viết về thủa xưa thịnh trị của Miền Nam, họ thích lắm. Các thanh niên này đã tìm mua những bộ quân phục của Lính mình ngày xưa, gắn phù hiệu binh chủng vào, mặc đi đầy đường đầy phố hết trơn á! Tại anh không về Việt Nam, nên không biết đó thôi. Hồi trước, ở khu Dân Sinh và các chợ trời, có bán đầy những bộ quân phục và huy hiệu lính, nhưng bây giờ, tìm đỏ con mắt cũng không có. ”

Lạ quá nhỉ! Cờ Việt Nam Cộng Hòa còn? Thanh niên trẻ thì thích nghe nhạc Lính? Thích mặc quân phục của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa?

Không lẽ mai đây, chính quyền Việt Cộng cũng trở thành . . . chính quyền của Việt Nam Cộng Hòa Do Dân và Vì Dân, có Nhân Quyền, có Tự Do báo Chí, Tự Do Tín Ngưỡng?

Biết đâu đấy! Lòng dân muốn là cái gì cũng phải được!

Bánh xe lịch sữ đã quay, đang quay và còn quay mãi. Chủ Nghĩa Cộng Sản trước sau gì cũng bị quay vào quá khứ mà thôi.

Người Việt của tôi, là thế đấy!

Nguyễn Khắp Nơi

Tài liệu tham khảo

Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, Nguyễn Đức Phương
Lược Sử Tiểu Đoàn 42, Vương Hồng Anh 99

Bản đồ Thất Sơn
( Đây là bản đồ hành quân tỉ lệ 1/25.000 - Bấm vào chữ Thất Sơn để phóng lớn bản đồ)

Source: vietluanonline.com

Monday, July 20, 2009

Thi hành trước khiếu nại sau - Lê Đình An



Năm 1965, 10 Người Nhái được tuyển chọn theo lệnh của BTL/HQ/P3. để phối hợp với Seals Team Mỹ trên Đệ Thất Hạm Đội để trắc nghiệm khả năng Người Nhái Việt Nam do Trung Úy Liên Đội Trưởng Phan Tấn Hưng hướng dẫn .

Toán NN được phi cơ Hoa Kỳ đưa ra phi trường Chu Lai và Trực Thăng H-34 của Hải Quân Hoa Kỳ đưa ra Hạm Đội 7 đang hành quân di chuyển trong vùng. Chúng tôi được thả xuống một Hộ Tống Hạm vào lúc 5 giờ chiều. Tất cả đều vào họp trong phòng Hành Quân của chiến hạm để nghe lệnh hành quân. Sau buổi họp Trung Úy Hưng họp chúng tôi lại và cho biết nội dung buổi họp không đúng với tinh thần Văn Thư của BTL/HQVN/P3. Vì theo Lệnh Hành Quân Hoa Kỳ thì NN Việt Nam chỉ có nhiệm vụ Thông Dịch Viên đi theo các toán Thám Sát và các đơn vị TQLC đổ bộ để thông dịch cho dân chúng Việt Nam mà thôi! Trung Úy Hưng vào phòng Vô Tuyến trên tàu đánh công điện về BTL/HQ/P3. báo cáo chi tiết buổi họp và xin chỉ thị BTL/HQ/Phòng 3, Người Nhái có nên nhận công tác nầy hay không? Khoảng nửa giờ sau NN chúng tôi nhận được công điện của BTL/HQ/ phòng 3 trả lời "Thi hành trước khiếu nại sau".

Công tác thám sát vùng Việt Cộng kiểm soát

LĐNN phối hợp hành quân với TQLC Hoa Kỳ
trên Hàng Không Mẫu Hạm Iwojima
10 NN chúng tôi chia ra làm 5 tổ, mỗi tổ 2 người, tôi và Thượng Sĩ Lê Quán chung một tổ. Bên TQLC Hoa Kỳ cũng thành lập 5 toán Thám Sát, chúng tôi sát nhập 5 tổ vào 5 toán TQLC nầy.

Trong lúc đó chiến hạm loại AP đang trực chỉ đến địa điểm công tác với tốc độ khoảng 40 đến 50 Hải Lý/giờ. Chúng tôi được hướng dẫn đến phòng ăn và sau đó thì ra boong tàu để xem chiếu phim (Phim ảnh mới đang trình chiếu các rạp tại Hoa Kỳ.)

Trước giờ đến điểm công tác, tất cả các toán công tác đều tập họp kiểm điểm nhân số và dụng cụ, vũ khí và máy truyền tin.v.v.. Được biết Toán Thám Sát TQLC Hoa Kỳ cũng là thành phần ưu tú được huấn luyện rất kỹ như NN, chỉ khác về kỹ thuật hoạt động chuyên ngành mà thôi.

Một giờ khuya chiến hạm tắt đèn lặng lẽ dừng lại điểm đổ bộ là vùng Đầm Môn Thượng, các chiếc xuồng cao su đen của các toán thả xuống nước. Toán chúng tôi gồm có 7 TQLC và 2 người NN chúng tôi, quân phục nón và giày vải ngụy trang, súng M18 ngắn nòng gắn phóng lựu M.72. Xuồng cao su trang bị máy đẩy hãm thanh nhẹ nhàng rời khỏi chiến hạm tiến vào bờ. Trên xuồng dựng một chiếc dầm bọc giấy bạc để trên chiến hạm theo dõi bằng hồng ngoại tuyến, tất cả đều nằm rạp trên xuồng. Khoảng 20 phút sau chúng tôi vào gần đến bờ, tắt máy đẩy xuồng, tất cả đều lặn nhẹ xuống nước và lội đẩy chiếc xuồng vào bờ, trong bóng đêm đen như mực chúng tôi lập vòng đai an toàn trên bờ biển im lặng để nghe động tịnh, sau đó đâm thủng xuồng cao su, đào lỗ trên cát để chôn xuồng và máy đẩy, lấp cát lại và xóa dấu chân trên cát bằng nhánh cây. Đâu đó xong xuôi toán di chuyển lần vào trong sâu, chúng tôi vượt nhiều đồi cát khoảng 3 giờ sau mới đến địa điểm trên một ngọn đồi cách bờ biển vài cây số. Trưởng Toán báo cáo về trung tâm hành quân trên chiến hạm để lấy tọa độ.

Chúng tôi lập vòng đai trên đồi cát có nhiều cây chồi để theo dõi một ấp dưới chân đồi do Việt Công kiểm soát, trời bắt đầu hừng sáng, Dân trong ấp tản ra khỏi hàng rào bao quanh ấp để lo việc đồng áng, chúng tôi nằm im lặng quan sát đến 11 giờ trưa chúng tôi thấy có 2 người dân đi vòng từ phía sau đồi cát mà chúng tôi đang ẩn núp, họ phát giác dấu chân còn sót lại vì đêm tối chúng tôi không thể thấy để xóa hết được, họ vội vã chạy về ấp. Chúng tôi biết đã bị lộ rồi. Trưởng toán cấp tốc gọi máy báo cáo về TTHành Quân và ra lệnh rút ra bãi trống. Sau khi lập vòng đai an toàn xong thì bốn chiếc trực thăng vừa bay đến, hai chiếc võ trang bay vần vũ để yểm trợ còn hai chiếc đáp xuống bãi đáp xuống rước chúng tôi rồi bay lên cùng hai chiếc kia trực chỉ ra Đệ Thất Hạm Đội đang di chuyển ngoài khơi. Hai chiếc võ trang thì bay về hàng không mẫu hạm; còn hai chiếc chở chúng tôi bay theo cùng tốc độ của chiến hạm đang di chuyển và bắt đầu thả dụng cụ máy móc truyền tin xuống trước.

Trực Thăng H-34 lâm nạn

Khi bao dụng cụ thả xuống gần tới boong tàu, bổng một ngọn sóng to ào tới làm cho chiến hạm chao đi trong lúc chiếc trực thăng chở chúng tôi bị hụt gió rớt xuống biển. Nước biển ào tràn vào sàn chiếc trực thăng, chiếc trực thăng cố gắng bốc lên nhưng vẫn còn là đà trên mặt biển vì còn vướng bao dụng cụ truyền tin nặng gần 300 ký lô. May mắn đã xảy đến là nhờ anh xạ thủ tiếp viên phi hành đã kịp thời ấn nút điều khiển bỏ bao dụng cụ truyền tin xuống biển nên chiếc trực thăng từ từ bay lên cao khỏi mặt nước. Toán công tác chúng tôi thở phào vì vừa thoát hiểm. Phi hành đoàn có lẽ cũng quá sợ nên không dám thả chúng tôi nữa nên bay về hàng không mẫu hạm Iwojima để đổi toán chúng tôi qua chiếc trực thăng khác. Chiếc trực thăng thay nhiệm vụ thả chúng tôi xuống chiến hạm cũng gặp trở ngại hụt gió mấy lần mới thả xuống được hết chúng tôi. Lê Quán cười và nói với tôi nếu chiếc trực thăng nầy mà rớt chìm thì tụi mình chắc chắn phải chết vì mấy thằng Mỹ nầy to xác như con trâu nó quậy không cũng đủ chết trong phòng rồi.

Tham dự cuộc thực tập đổ bộ trận địa chiến vĩ đại của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ
tại Đầm Môn Thượng và Hạ miền Trung Việt Nam.
Sự việc xảy ra như là phép mầu của đấng vô hình đã cứu sống chúng tôi trong đường tơ kẻ tóc.

Hàng Không Mẫu Hạm IWOJIMA là loại chở quân đổ bộ bằng Trực Thăng phần nhiều là loại H-34 và các loại khác. Trên boong tàu lúc nào cũng sẵn sàng cất cánh khoảng 30 đến 40 chiếc, một số xếp cánh quạt được neo chặt vào boong tàu, tầng hầm kế chứa đầy trực thăng có 4 bàn nâng để đưa trực thăng lên trên boong. Mẫu hạm có 8 tầng hầm chứa khoảng 4,000 TQLC túc trực và 1,200 thủy thủ đoàn.

10 NN chúng tôi được chia ra cho 10 cánh quân đổ bộ bằng trực thăng, tất cả ăn sáng sau đó tập trung đội ngũ trên boong tàu. Quang cảnh chiến tranh hiện lên như cuộc đổ bộ của thế chiến thứ 2 trong phim "Ngày Dài Nhất (Le Jour Le Plus Long)".

Cuộc điều quân vĩ đại bắt đầu, khoảng 7 giờ sáng 2 chiếc L-19 bay lượn thả truyền đơn vào vùng sắp hành quân, tiếp theo là đợt oanh kích của hàng trăm phản lực cơ gồm nhiều loại như F4, F5, F14, v.v. từ Đệ Thất Hạm Đội bay vào dội bom ào ạt, oanh tạc cơ vừa dứt dội bom thì khoảng trên 20 tàu chiến đang sắp hàng dọc theo bờ biển, các họng súng lớn chĩa vào đất liền, chia đều trên một diện tích rộng khoảng 3 cây số bắt đầu nổ súng, Trên mặt biển khói tỏa mịt mù lẫn với tiếng hải pháo vang dội làm cho mặt biển cũng rung chuyển từng hồi. Nhìn vào bờ nguyên một vùng cây dừa dọc theo bờ biển đang bị hải pháo bắn vào từng lớp từng lớp đọt dừa bị bứt đứt ngọn văng đi tứ tung.




Trên không: phần đổ bộ bằng trực thăng chở TQLC bay lên từng đợt vần vũ trên không chờ đợt các đợt kế tiếp, hàng trăm trực thăng đang chờ đúng giờ bay vào đổ quân trong đó có 10 NN chúng tôi,

Dưới nước: Từng đợt tàu gồm các loại đổ quân như LCVP, LCM, LCU.v.v. cặp vào hông mẫu hạm để chở quân, các loại Thiếc Vận Xa M114, chiến xa sơn pháo 177 ly v.v. cũng quây quần chờ đợi trên mặt biển.

Đúng giờ đổ quân tất cả trên trời và dưới nước đều trực chỉ vào bờ khoảng cách chừng 3 cây số. Tất cả các cánh quân đồng lúc tiến vào, trong lúc đó đợt hải pháo cũng vừa chấm dứt . Tất cả lực lượng đổ bộ đã tràn lên bờ, từng tràng tiểu liên của lực lượng đổ bộ bắn ra để cướp tinh thần kẻ địch.

Trong khoảnh khắc lực lượng đổ bộ đã chiếm toàn vùng.

Trực Thăng Vận đổ bộ Đầm Môn Thượng
Tôi theo chân một đại đội TQLC xâm nhập vào làng. Chúng tôi thấy nhà cửa đều vắng lặng không một bóng người. Trong lúc đang lục soát các nhà bổng nghe tiếng la vang của toán TQLC Mỹ. Tôi nhìn thấy toán lính Mỹ đang chĩa súng toan bắn và ném lựu đạn vào một miệng hầm che kín dưới rặng tre. Tôi vội chạy đến giơ tay khoát cản lại hành động của toán lính Mỹ và ra dấu để tôi làm việc nầy, tôi đến bên miệng hầm với khẩu súng lục P38 thủ trong tay, tôi hô to: "Bà con ở trong đó hãy ra khỏi hầm mau lên, nếu không ra thì sẽ bị ném lựu đạn vào hầm thì chết hết". Tôi chờ đợi và lập lại hai ba lần lời kêu gọi ... thì thấy có người đàn bà đang bồng đứa con nhỏ trong tay bò ra và các người khác tiếp tục bò ra theo cho đến hết. Tôi nhảy xuống hầm bò vào trong để kiểm soát. Toán lính Mỹ đã hiểu ý tôi nên mỗi khi lục soát có hầm hố lính Mỹ đều gọi tôi đến, tôi làm như căn hầm lần đầu cho đến hết khu vực trách nhiệm của Đại Đội, có nhiều căn hầm được phát giác. Tôi tập trung khoảng một trăm người dân làng vừa từ dưới các hầm lên tất cả đều là đàn bà con nít và các cụ già. Tôi hỏi dân làng thanh niên trai tráng ở đâu? dân làng cho biết là vì sợ bị bắt cho nên thanh niên thiếu nữ đều chạy lên núi lánh nạn. Sau khi khám xét xong, cho dân làng ngồi tập trung lại một chỗ để chờ lục soát hết nhà cửa.

Đời sống người dân giữa vùng lửa đạn

Tôi tìm lời an ủi: "Xin bà con yên tâm. Quân đội đồng minh tới đây là có ý giúp đỡ cho bà con, đánh đuổi Việt Cộng ra khỏi làng chớ không phá hại tài sản của dân làng đâu xin bà con đừng sợ v.v."

Tôi thân mật trò chuyện với dân làng. Họ cho tôi biết tình hình đời sống nơi đây rất vất vả, ban ngày thì lính Quốc Gia kiểm soát nhưng ban đêm thì VC lại về thu thuế v.v. Tôi hỏi sao bà con không ra thành phố hay thôn xóm do Quốc Gia bảo vệ để được yên tâm mà lo làm ăn? Dân làng cho biết nơi đây là nơi tổ tiên lập nghiệp đã nhiều đời nên họ không muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rún.

Tôi ngồi buồn im lặng hồi tưởng lại nơi quê làng Linh Xuân Thôn của tôi ngày xưa. Khoảng năm 1945-46 khi tôi được năm hay sáu tuổi. Vì là thời Pháp cai trị, đời sống thật khó khăn, người anh thứ ba của tôi anh đã theo bước tiền nhân vào bưng biền kháng chiến chống Pháp, còn lại ở nhà Ba tôi và người anh thứ hai. Nhà tôi cách chợ Thủ Đức khoảng ba cây số. Mỗi lần lính công an Pháp ngoài chợ Thủ Đức vào bố ráp để bắt đàn ông, thanh niên tình nghi đem về nhốt lại để điều tra hoặc đem đi ra cầu Bình Lợi bắn chết rồi xô xuống cầu thủ tiêu.

Một anh ở cách nhà tôi khoảng 300 thước, anh là y tá làm việc tại Ban Hành Thiện chùa Cao Đài giúp đỡ dân chúng quanh vùng, anh cũng bị bắt chung với một số thanh niên trong làng. Đêm hôm sau bọn công an đem tất cả thanh niên đó trói tay ra sau lưng đem ra cầu Bình Lợi bắn bỏ không cần điều tra hay xét xử. Anh y tá nghĩ trước sau gì cũng chết nên liều mạng nhảy xuống sông anh bị bắn theo trúng nơi cánh tay. Anh cố nín thở lặn xuống sâu một khoảng xa rồi trồi lên thở, nhờ trời tối bọn Công An Pháp không thấy, cũng may là anh biết lội nên anh thả trôi theo dòng nước và tấp vào bờ…. Gia đình anh hay tin tất cả đều bị bắn và thả xác trôi sông. Cả nhà đều than khóc không biết làm sao tìm xác của anh. Khoảng 2 ngày sau nửa đêm anh Y Tá về gõ cửa nhà, khi đó cả nhà mừng vui và bà con cả xóm đều đến thăm anh, anh ẩn núp trong nhà vài hôm sau để dưỡng thương. Sau đó anh trốn xuống Saigon và mở phòng Y Tá sinh sống….

Mỗi lần hay tin Công An tới như vậy, ba và anh tôi cũng như dân làng đều chạy trốn, lẫn tránh dưới các hầm được ngụy trang kín đáo và chờ cho công an Pháp rút lui rồi mới chun ra khỏi nơi ẩn trốn. Đời sống lầm than của gia đình tôi thời đó so ra cuộc sống khổ sở lo sợ của dân làng nơi đây có khác gì đâu ?!. Đồng cảnh tương thân, tôi cảm thấy thương dân làng nơi đây, chiến tranh thật tàn nhẫn đối với người dân lành bị kẹt giữa hai làn đạn bạn và thù họ đều không thể tránh được.

Nhưng chiến tranh là như vậy đó!

Một ông già khoảng năm mươi tuổi đang ngồi trong đám giơ tay lên cao ngoắc tôi lại gần ông nói với tôi là ông cần trở lại nơi hầm núp để lấy giấy tờ vì hồi nãy sợ quá ông đã quên mang theo. Tôi nhìn ông qua cặp mắt dò xét, thấy ông thành thật năn nỉ nhờ tôi giúp cho. Tôi đến bên quân nhân Mỹ báo cho anh biết tôi đưa ông già nầy đi. Tôi và ông đến miệng hầm, tôi đứng chờ ông già chun vào hầm trong giây phút thì ông già chun ra và leo lên hầm trên tay ông đang bưng một chiếc nón lá đựng đầy phía trong nón và được phủ lên chiếc khăn lông, ông đến trước mặt tôi dỡ chiếc khăn lông ra cho tôi xem. Tôi thấy trong chiếc nón lá đựng đầy ắp những bó giấy bạc năm trăm đồng, ông ta lấy hai bó giấy bạc đưa cho tôi và nói: "Tôi xin tặng ông chút ít gọi là cám ơn ông đã giúp đỡ". Tôi vội đẩy tay ông ra từ chối và nói tiền nầy là của ông tôi không lấy đâu. Tôi hỏi ông già tại sao ông mang theo nhiều tiền vậy? Ông và tôi vừa đi về chỗ tập trung ông vừa giải thích: ông là thương gia ở Qui Nhơn thỉnh thoảng ông vào đây để mua dây đai để chở ra chợ bỏ mối lại, vừa nói ông vừa chỉ tay về hai chiếc ghe chài đang đậu trên dòng sông phía trong bờ biển. Ông nói ông rất cám ơn tôi, thực sự ông rất lo sợ nhưng khi ông được nghe tôi tiếp chuyện với dân làng, ông bớt sợ và tin tưởng lòng thành thật của tôi. Nhưng ông đâu có biết lòng tôi đang xúc động vì thời gian và không gian xa xưa đang diễn lại trong bối cảnh hiện tại nầy.

Trưa ngày hôm đó, sau khi lục soát nhà trong vùng trách nhiệm xong, dân làng được về nhà và phải ở trong nhà không được ra ngoài. Còn Đại đội TQLC Mỹ tiếp tục thực tập các đội hình trên các thế đất đồi, núi, khe suối v.v. Đến 6 giờ chiều chúng tôi được lệnh rút ra bờ biển chỉ để lại các chốt bảo vệ, khi ra đến bờ biển chúng tôi được chia ra từng toán mười tới mười lăm người dọc dài theo bờ biển. Tất cả cởi bỏ vũ khí và quần áo chỉ còn lại quần lót để chuẩn bị tắm, tôi đang ngẩn ngơ vì lấy làm lạ thì thấy một đoàn Trực Thăng hàng trăm chiếc bay vào và hạ thấp xuống cách mặt đất khoảng tám đến mười thước trên đầu chúng tôi đậu lại và bắt đầu xả các vòi búp sen nước ngọt xuống như mưa để cho chúng tôi tắm. Khoảng mười phút sau thì đổi toán thay nhau tắm. Về phía Trực Thăng cũng thay nhau khi hết nước thì bay về hàng không mẫu hạm lấy nước. Khoảng một giờ sau tất cả đã tắm xong chúng tôi trở lại vùng trách nhiệm đào hố cá nhân để ẩn mình chờ đợi. đến khoảng 2 giờ khuya thì được lệnh rút quân, chúng tôi trở về mẫu hạm chấm dứt cuộc hành quân.

Ngày hôm sau chúng tôi được đưa về boong hàng không mẫu hạm để xem cuộc thao diễn hải chiến qua các đội hình với hàng trăm chiến hạm đủ loại.

Chấm dứt chuyến công tác mười bốn ngày với Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương, chúng tôi được Trực Thăng hải quân Hoa Kỳ đưa vào đất liền Căn Cứ Hải Quân thành phố Qui Nhơn.

Nhận xét riêng của tôi:
    Sức mạnh về quân sự qua cuộc hành quân đổ bộ Trận Địa Chiến nầy thật khó có lực lượng nào có thể chịu đựng hoặc chống đỡ nổi. Nhưng tiếc thay cuộc chiến Việt Nam lại thuộc về loại Du Kích Chiến lấy ít đánh nhiều và biến dạng lấy không làm có và lấy có làm không, (như tại những vùng bất an ninh ban ngày Quốc Gia kiểm soát, ban đêm bị Việt Cộng khống chế).

    Là một quân đội giàu có, quân nhân Mỹ đã phung phí quân dụng một cách bừa bãi. Trong cuộc đổ bộ nầy tôi đã thấy người lính Mỹ trước khi hành quân đã mang theo rất nhiều trang bị mà không cần ghi vào sổ kiểm tra quân dụng nên họ đã mang theo quá nhu cầu cần thiết của cá nhân mình như sau: 1- khẩu M16 cấp số 300 viên đạn trong 10 băng - 8 trái lựu đạn - 1 dao găm - 1 nón sắt hai lớp - 1 áo giáp - 1 galon nước trong túi vải mang trên lưng và 4 bidon đầy nước - vật dụng cấp cứu, linh tinh và lương khô hai ngày trong túi đeo lưng v.v. Một người lính mang theo trên mình trên bốn- năm mươi kílô thì làm sao mà di chuyển nhanh và đi xa được? Vì vậy mà khi lên bờ phải di chuyển qua bãi biển và đồi cát khoảng chừng gần ba cây số, mà một số lính Mỹ đã phải bỏ vung vãi theo đường đi nào là áo giáp chống đạn, bidon nước kể cả các băng đạn 30 viên.

    Khi về đến đơn vị, vài ngày sau HQ Thiếu úy Nguyễn Văn Tư xin Sự Vụ Lệnh BTL/HQ cùng vài NN trở ra vùng biển vừa công tác để tìm kiếm các máy đẩy xuồng hãm thanh do toán Thám Sát TQLC Mỹ đã chôn giấu dưới cát trên bờ biển, để đem về bảo trì để sử dụng cho những công tác về sau. (Vì LĐNN không có những máy móc đắt tiền nầy.)
NN Lê Đình An

Saturday, July 11, 2009

Cao Hoài Sơn và Mai Xuân Cúc - Tân Nông và Tuy Phong đêm 27-01-1973

    TIỂU ÐOÀN 229 ÐP/BT TẠI TÂN NÔNG (THIỆN GIÁO)
    TRONG NGÀY 27-1-1973 THI HÀNH HIỆP ÐINH BA LÊ

    Trung úy Cao Hoài Sơn

Cao Hoài Sơn năm 1964 tại Trường Bộ Binh Thủ Ðức

Ðể chuẩn bị đối phó với những biến chuyển của đất nước, sau khi hiệp định Ba Lê do Mỹ và Bắc Việt đồng thuận ký kết và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 27-01-1973. Vì vậy Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa đã cho phối trí lại các đơn vị Địa Phương Quân (ĐPQ) từ cấp Tiểu Ðoàn và các Ðại Ðội Biệt Lập thuộc các chi khu, nhằm thích ứng với tình hình quân sự tại địa phương. Do đó TÐ229 ÐP do Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tiến làm Tiểu Ðoàn Trưởng, được tăng phái cho Nam Bình Thuận giữ an ninh tại hai Ấp Tân An, Tân Ðiền thuộc xã Tân Phú Xuân, quận Thiện Giáo.

Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn 229 đóng tại ấp Tân An, các đại đội cơ hữu trách nhiệm phòng thủ trụ sở ấp Tân Ðiền và xã Tân Phú Xuân nằm trên Liên Tỉnh Lộ 8 Phan Thiết-Ma Lâm. Lúc này, Tôi (Cao Hoài Sơn) là sĩ quan hành quân của tiểu đoàn 229/ÐP đang có mặt tại Tân An. Hiệp định Ba Lê chính thức có hiệu lực vào lúc 0 giờ ngày 27-01-1973 nhưng CS Bắc Việt đã vi phạm trắng trợn. Do đó vào lúc 4 giờ sáng, TÐ chỉ định Ðại Ðội 2/229 của Ðại Uý Lê Viết Duyên, xuất phát từ ấp Tân Ðiền chuyển quân gấp trong dêm để tái chiếm Ðồn Tân Nông đã bị bỏ hoang từ lâu.

Ðồn này đã có từ thời Pháp thuộc, được xây dựng rất kiên cố bằng bêtông cốt sắt, được bao bọc bởi các hệ thống giao thông hào và ba vòng đai bằng kẻm gai. Tân Nông ở về phía tây ấp Tân Ðiền và Liên Tỉnh Lộ 8 chừng 2 km, coi như nằm lọt thỏm trong phạm vi khống chế của mật khu Tam Giác của VC.

Vì trời tối như mực nên Ðại Ðội 2/229 vô tình lọt vào giữa vị trí đóng quân của một Trung Ðoàn CS Bắc Việt cũng vừa mới di chuyển tới đây từ tối đêm qua, trước khi hiệp định Ba Lê có hiệu lực. Ðến khi trời tờ mờ sáng, bên ta nghe tiếng nói chuyện bằng giọng Bắc phát ra chung quanh, chừng ấy mới biết quân mình và địch đang đóng quân xen kẽ vào nhau.

Cùng lúc VC cũng đã phát được sự hiện diện của ÐÐ2/229 nên viên chỉ huy yêu cầu Ðại Uý Duyên rút quân ra khỏi vị trí đang đóng. Ông đã trả lời với phía bên kia là mình được lệnh tiếp thu Ðồn Tân Nông. Vì vậy muốn gì phải xin lệnh của cấp trên mới giải quyết được.

Trong khi chờ quyết định từ Tiểu Khu, binh sĩ hai bên đã tiếp xúc thật vui vẻ , còn mời nhau thưởng thức các thức ăn mang theo. Nhìn nét mặt rạng rở một cách ngây thơ của bộ đội miền bắc lúc đó, cho thấy họ đã bị cấp chỉ huy tuyên truyền lường gạt nên rất tin tưởng vào hiệp định Ba Lê, qua chiêu bài "hòa hợp hòa giải dân tộc". Vì vậy nên tới đây để tiếp thu đất đai và dân chúng, không cần gì phải đấm đá bởi ngụy đã đầu hàng rồi.

Ðang lúc hai bên còn đấu hót tưng bừng, thì phía VC ra lệnh cho cán binh trở về vị trí chiến đấu. Còn Ðại Uý Duyên thì được lệnh Tiểu Khu đi vào đồn Tân Nông gặp cấp chỉ huy VC, yêu cầu họ rút quân để ta vào tiếp quản nhưng bị từ chối. Do đó Đại Đội 2/229 được lệnh di chuyển gấp ra khỏi vòng kềm tỏa của địch, theo Ðại Uý Duyên báo cáo vào khoảng một Trung Ðoàn Chính Quy CS Bắc Việt, vì có cối 82 ly, đại bác 57 ly không giật và nhiều khẩu phòng không được ngụy trang rất khéo dấu ở các lùm cây. Lúc đó là 8 giờ sáng ngày 27-01-1973.

Tại Tân An, nơi đặt BCH của Tiểu Ðoàn 229 ÐP, nhìn về phía tây hướng ấp Tân Ðiền, từ sừng bò đang gặm cỏ, cho tới ngọn cây, bờ ruộng đâu đâu cũng thấy cờ là cờ nửa xanh nửa đỏ chính giữa có ngôi sao vàng, của cái được gọi là Mặt Trận GPMN. Tiểu đội Tỉnh Báo của Tiểu Ðoàn đang nằm tiền đồn, đã báo về là VC với một lực lượng rất đông đang áp sát vào ấp Tân An và Tân Ðiền.

Lúc này Ðại Tá Nghĩa và BCH nhẹ đã có mặt tại Tân An. Cùng lúc VC cũng rà kiếm được tầng số hoạt động của TÐ229 ÐP nên chỉ huy địch muốn nói chuyện với ông. Ðại ý cuộc đối thoại hôm đó của hai bên, mà tôi may mắn được nghe qua loa khuếch đại của máy PRC25:

- Xin chào anh, tôi là Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa, Tỉnh kiêm Tiểu Khu Bình Thuận, không biết đang được tiếp chuyện vói ai bên kia đầu giây ?

- Bên kia có giọng người Nam trả lời: "Tôi là Mười, hiện là chỉ huy miền, có trách nhiệm tại vùng này".

Sau đó Ðại Tá Nghĩa đưa ra đề nghị với phía bên kia là phải rút quân ra khỏi vị trí đang cưỡng chiếm vì đã vi phạm tinh thần hiệp định Ba Lê tháng 01-1973 qua hành động công khai "dành dân lấn đất" của VNCH.

Phía bên kia trả lời đề nghị của Ðại Tá Nghĩa, bằng luận điệu cố hữu nhai đi nhai lại cái điệp khúc tuyên truyền của đảng đã được phổ biến liên tục trên báo đài của chúng, nhằm bôi lọ bóp méo sự thật. Hắn còn nói "QLVNCH là công cụ của Mỹ, được đào tạo để đánh giặc mướn cho đế quốc".

Nhưng Ðại Tá Nghĩa đã đáp lại phía bên kia bằng những lời lẽ đanh thép, bác bỏ những vu khống một chiều của địch, chứng minh sự độc lập và tự do của quân đội cũng như chính quyền miền Nam, chứ không như sự lệ thuộc nô lệ của miền Bắc đối với quan thầy Nga-Tàu. Trước khi cúp máy, Ðại Tá Nghĩa đã gửi tới địch một tối hậu thư "phải rút quân ra khỏi phạm vi Ðồn Tân Nông vào lúc 1 giờ trưa cùng ngày. Nếu không, QLVNCH sẽ tấn công chiếm lại lảnh thổ đã bị lấn chiếm". Sau đó Ðại Tá Nghĩa cho giải tỏa tầng số hoạt động hiện hữu của TĐ229/ĐP để địch không còn lải nhải quấy phá các đơn vị trực thuộc đang hoạt động tại đây.

Ðể đáp ứng với tình thế tại mặt trận này, Ðại Tá Nghĩa đã tăng cường thêm Chi Ðội 2/8 Thiết Vận Xa do Ðại Uý Hòa chỉ huy, đặt dưới quyền điều động của Thiếu Tá Nguyễn Hửu Tiến, TÐT Tiểu Ðoàn 229 ÐP lúc bấy giờ với ba đại đội tác chiến 1, 3, 4 (Ðại Ðội 2/229 đang có mặt tại Tân Nông). Trung Ðội Vũ Khi Nặng của ÐÐ3/229 làm trừ bị phòng thủ Ấp Tân An. Lúc đó kim đồng hồ chỉ đúng 12 giờ trưa ngày 27-01-1973.

Rồi thì thời gian quy định của Ðại Tá Nghĩa cũng đến (1giờ) nhưng CS Bắc Việt vẫn ngoan cố ở lỳ tại chỗ. Do đó bên ta bắt buộc phải khai hỏa, TÐ229/ÐP với sự yểm trợ hỏa lực của Chi Ðoàn 2/8, mở cuộc tấn công vào các vị trí của địch. Một chiếc L19 xuất hiện trên bầu trời Ðồn Tân Nông, dùng loa khuếch đại yêu cầu bộ đội Bắc Việt phải rút khỏi vị trí đang chiếm đóng, thì được trả lời bằng những tràng phòng không từ dưới đất bắn lên. Lập tức 2 chiếc A-37 của Không Lực VNCH xuất hiện, trút xuống các vị trí của địch hằng loạt bom đủ loại. Trong đồn, phòng không của địch cũng bắn trả quyết liệt.

Trong lúc đó Tiểu Ðoàn 229 ÐP và Thiết Vận Xa càng lúc càng áp sát vào các vòng đai phía ngoài đồn Tân Nông. Cuộc giao tranh thật đẳm máu và dữ dội kéo dài hơn nửa giờ thì CS Bắc Việt chém vè, bỏ lại tại chỗ nhiều xác đồng bọn tại các đường giao thông hào, lùm cây nơi đặt các loại vũ khí cộng đồng. Bên ta tịch thu nhiều súng đạn, trong đó có hai khẩu cối 82 ly và 2 đại bác không giật 57. Trước khi rút quân ra khỏi vùng giao tranh, Ðại Tá Nghĩa ra lệnh san bằng Ðồn Tân Nông, để tránh địch trở lại chiếm đóng.

Tại Tân An, VC mở cuộc tấn công vào Tiểu Ðội Tình Báo của Tiểu Ðoàn lúc đó đang nằm tiền đồn. Vì VC quá đông nên đơn vị này được lệnh rút lui bằng cách băng qua các cánh đồng trống đã gặt xong. Phía sau định vẫn mở cuộc truy sát để trả thù cho đồng bọn vừa bị hạ tại Tân Nông. Ðể tiếp cứu quân bạn đang lúc nguy khốn, ta phải dùng cối 82 ly cơ hữu bắn chận địch với khoảng cách hai bên không quá 20m. Cũng may các binh sĩ thuộc Tiểu Ðội Tình Báo đều là những quân nhân chuyên nghiệp, từ các binh chủng Nhảy Dù, BÐQ, LLÐB ... thuyên chuyển về. Vì vậy họ đã tìm đủ mọi cách rút lui an toàn tới vị trí của Ðại Ðội 3/229 vừa mới đến tăng viện. Trận đánh kết thúc không lâu sau đó, VC chém vè chạy vào rừng, ta lại tiến lên dẹp bỏ tất cả cờ máu mà địch vừa bày ra, qua cái gọi là thi hành " hiệp định ngưng bắn". Nhờ đó đồng bào lại được yên ổn làm ăn thêm một thời gian ngắn, cho tới ngày 19-04-1975 mới chịu cảnh nô lệ lầm than, khi Tỉnh/Tiểu Khu Bình Thuận không còn nữa.

Hoa Kỳ Ngày 27-4-2009
Cao Hoài Sơn
****
    BẢO VỆ CHI KHU TUY PHONG
    TRONG NGÀY THI HÀNH HIỆP ÐỊNH BA LÊ 27-01-1973


    Ðại Uý Mai Xuân Cúc, Trưởng Ban 2/CK Tuy Phong

Thân phận Người Lính VNCH, ảnh sưu tầm

Giữa tháng 12/1972 , Tiểu Ðoàn 248 ÐP của Thiếu Tá Lê Văn Trung được lệnh tăng phái cho Tiểu Khu Tuyên Ðức với trách nhiệm giữ an ninh vòng đai cho trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, trong dịp trường này tổ chức lễ mản khóa cho các tân sĩ quan khóa 27.

Nhân đó, Tiểu Khu Bình Thuận đã sắp xếp lại vùng hoạt động của các Tiểu Ðoàn ÐP và các Ðại Ðội/ ÐPQ Biệt lập tại các chi khu, nhằm mục đích bảo vệ an ninh lảnh thổ để đối phó với âm mưu của CS Bắc Việt, lợi dụng hiệp định Ba Lê có hiệu lực vào ngày 27-01-1973 để "dành dân lấy đất".

Tiểu Ðoàn 275 ÐP của Thiếu Tá Nguyễn Tư, từ Nam Bình Thuận được điều động tới thay thế vùng trách nhiệm của Tiểu Ðoàn 248 ÐP. Bộ Chỉ Huy TÐ dóng tại cầu Ðại Hòa nằm trên QL1. Một Ðại Ðội bảo vệ cây cầu chiến lược tại Ðá Chẹt trên QL1, cùng vói cây cầu thiết lộ sát bên nằm kế Dinh Cô, giữa ranh giới hai tỉnh Bình và Ninh Thuận. Một Ðại Ðội bảo vệ Ấp Vĩnh Hảo cũng nằm trên Quốc Lộ 1. Một Ðại Ðội bảo vệ Ấp Tuy Tịnh (Việt) và Ðại Ðội còn lại bảo vệ BCH/Chi Khu tuy Phong.

Vài ngày trước khi hiệp định Ba Lê có hiệu lực, tình hình trong Chi Khu hoàn toàn yên tĩnh. Tuy vậy tất cả các lực lượng quân sự của ta tại đây vẫn sẵn sàng ứng chiến với lệnh cắm trại, cấm phép mọi cấp 100%. Sự giao thông trên QL1 từ Cầu Ðá Chẹt vào tới ranh giới quận Hoà Ða tại Duồng (Thượng Văn) vẫn thông suốt bình thường.

Nhưng hiệp định vừa ký chưa ráo mực, thì ngay ngày có hiệu lực, một đơn vị VC bất thần tấn công vào Ðồn Vĩnh Hảo do một Ðại Ðội thuộc TÐ 275/ÐP trấn giữ. Một toán khác xâm nhập Trụ Sổ Ấp Vỉnh Hảo do Tiểu Ðội An Ninh Tình Báo dưới quyền chỉ huy của Trung Sĩ I Nguyễn Xì, vừa được Chi Khu tăng phái. Ðơn vị này đã phối hợp với lực lượng an ninh địa phương do ông Xã Trưởng Vỉnh Hảo là Nguyễn Văn Cẩm chống giữ và giao tranh với địch suốt nửa giờ thì VC chém vè mang theo xác đồng bọn. Bên ta, TSI Nguyễn Xì Tiểu Ðội Trưởng Tiểu Ðội Tình Báo CK Tuy Phong bị tử thương. Kế hoạch chiếm Ấp Vỉnh Hảo trên QL1 của CS Bắc Việt nhằm chia cắt Bình Thuận và khống chế sự giao thông đường bộ, đã bị bẻ gãy.

Cũng trong đêm đó, địch đã tấn công vào Ấp Long Hải thuộc xã Liên Hương. Ấp này cách quận lỵ Tuy Phong khoảng 1 km đường chim bay, phía đông sát bờ biển, phía nam có những đồi cát lồi lõm chạy dài tới ranh giới xã Bình Thạnh (La Gàn) rất thuận tiện để VC ẩn núp và di chuyển. Dân địa phương chừng vài ngàn người, đa số theo đạo Thiên Chúa, hầu hết sống bằng nghề biển chỉ một số ít làm rẫy tại Xóm Quýt và Bầu Sầm. Ấp được một Trung Ðội Nghĩa Quân bảo vệ.

Trong Ấp có một ngôi thánh đường do dân chúng xây dựng để mọi người tới làm lễ vào ngày chủ nhật và các dịp lễ tết. Nhà thò nằm giữa một vườn dừa rộng khoảng 300m, phủ bóng mát khắp bốn bề suốt ngày, ở trên cao nhìn xuống không quan sát được bất kỳ thứ gì ngoài dừa.

Vừa mới tờ mờ sáng ngày 27-01-1973, dân chúng trong ấp bồng bế nhau chạy về hướng quận lỵ cho biết, tối qua VC đã lợi dụng thời gian hiệp đinh Ba Lê có hiệu lực, xâm nhập vào ấp, đào hầm để bố trí súng quanh rặng dừa, cũng như treo đầy cờ Mặt Trận GPMN .

Ngay khi nhận được tin trên, Thiếu Tá Nguyễn Thanh Xuân Quận kiêm Chi Khu Trưởng Tuy Phong, đem theo một Trung Ðội Nghĩa Quân của Trung Ðội Trưởng Nguyễn Mười Ninh và một Trung Ðội Cảnh Sát Dã Chiến được Tỉnh tăng phái từ nửa tháng trước, đến giải tỏa. Nhưng cánh quân này vừa tới bìa rừng dừa thì chạm súng ác liệt với địch đang cố thủ trong ấp, làm một Cảnh Sát Dã Chiến tên Nguyễn Hợp trúng đạn tử thương. Hai bên cầm cự tại chỗ.

Nhận thấy tình trạng vô cùng khẩn cấp nên Thiếu Tá Xuân ra lệnh cho tất cả các quân nhân cơ hữu tại Chi khu tới tiếp ứng. Trung sĩ I Lê Văn Trung, phụ tá Trương Ban 3 Chi Khu chỉ huy toán quân tiếp viện, di chuyển trên một xe Dodgre 4x4, vừa tới bìa rặng dừa thì chạm địch khiến ông cũng bị tử thương. Pháo binh cơ hữu của Chi Khu đã bắn đạn TOT (Time on target) từ trên cao ập xuống, nhắm vào các vị trí đặt súng và ẩn nắp của địch. Ðồng thời một Ðại Ðội thuộc Tiểu Ðoàn 275 ÐP cũng đã tới chiến trường. Cuộc giao tranh kéo dài tới tối thì VC lợi dụng bóng đêm để chém vè về hướng những đồi cát mất dạng.

Sáng hôm sau quân ta tiến vào Ấp lục soát, tháo bỏ cờ VC, giúp đồng bào dọn dẹp những hư hại đổ nát, tình hình an ninh trong ấp được vản hồi.

Sự việc đã xảy ra hơn 36 năm vật đổi sao dời, nay hồi tưởng lại để càng thương nhớ những chiến sĩ Nghĩa Quân, Ðịa Phương Quân, CSDC, Cán Bộ XDNT và các viên chức xã ấp tại Bình Thuận.. đã anh dũng hy sinh đền nợ nước, bảo vệ an ninh và cuộc sống âm no cho đồng bào suốt 20 năm binh lửa. Giờ một số lớn anh em còn lại ở quê nhà, chịu sống lầm than cơ cực dưới sự áp bức của đảng CSVN. Nhưng dù gì chăng nữa, thì tinh thần hy sinh bất khuất đó, vĩnh viễn sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm trí của chúng ta.

Viết tại Greensboro Hoa Kỳ
Tháng 4-2009

Mai Xuân Cúc


Wednesday, July 8, 2009

Vai Trò Của Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh Và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III - Chuẩn tướng Trần Quang Khôi

Vai Trò Của Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh Và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III Trong Những Ngày Cuối Của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam

“Tôi không hề ân hận việc mình đã làm, không hề hối tiếc hay than van về những hậu quả mà mình phải gánh chịu sau khi bị bắt. Nếu phải làm lại từ đầu, thì tôi cũng vẫn làm như thế. Tôi biết rằng làm như thế là tôi mất tất cả, mất tất cả trừ DANH DỰ.”
Chuẩn tướng VNCH - Trần Quang Khôi

Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.

(Bình Ngô Đại Cáo)

Nhân đọc KBC số 14 “Ngày tàn binh của tôi hay là ngày cuối cùng của Sư Ðoàn 5 Bộ Binh” của Nguyễn Minh Tánh, ở trang 35 có câu “… nhưng trong thâm tâm tôi lúc đó là rời khỏi đây đi về Vùng 4 Chiến Thuật chứ Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh và Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp thì đã tan hàng từ khuya.” Anh Nguyễn Minh Tánh kể lại diễn biến sáng ngày 30-4-1975 tại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh ở Lai Khê và nghĩ rằng Lữ Ðoàn Kỵ Binh trấn giữ Biên Hòa lúc đó đã tan hàng từ lâu rồi!

Tôi không rõ anh Tánh dựa vào đâu mà nói như vậy. Tôi đề nghị anh công khai đưa lên báo chí hay KBC chứng cớ rõ ràng để cho Cộng Ðồng Việt Nam nhất là những chiến hữu của chúng ta biết rõ. Ðiều mong muốn của tôi là tất cả quân nhân các cấp đã anh dũng chiến đấu, dưới ngọn cờ của Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III trong đó có Thiết Giáp Kỵ Binh, Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Cách Dù, Nhảy Dù, Quân Y, Quân Cụ, Tiếp Vận, những chiến sĩ kiên cường đã nằm xuống, bị thương tật hay còn sống hiện nay trong nước hay ở ngoài nước không hổ thẹn khi nhắc đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam.

1. Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III

Lữ Doàn 3 Kỵ Binh là đơn vị Thiết Giáp nồng cốt và là đơn vị khung của Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III. Lực lượng này do Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí thành lập giao cho tôi tổ chức huấn luyện và chỉ huy từ tháng 11/1970 để phục vụ chiến trường Campuchia.

Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III là một lực lượng liên binh gồm nhiều binh chủng hợp đồng chiến đấu trên chiến trường, lúc cao điểm quân số và khả năng tác chiến của nó tương đương với một Sư Ðoàn cơ giới. Ðây là một lực lượng cơ động cao, hỏa lực mạnh, trừ bị xung kích Quân Ðoàn III, khi thì can thiệp vào khu vực hành quân của Sư Ðoàn 25 Bộ Binh, khi thì tác chiến trong khu vực hành quân của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh. Trong Vùng III Chiến Thuật, chỗ nào “nặng” là có mặt Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III. Thời Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí là Tư Lệnh Quân Ðoàn III kiêm Tư Lệnh Vùng 3 Chiến Thuật, nó là lực lượng chủ lực Quân Ðoàn, luôn luôn chủ động và thường xuyên hoạt động trên chiến trường ngoại biên Campuchia.

Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III đã từng quần thảo nhiều với các Sư Ðoàn cộng sản Bắc Việt còn gọi là Công Trường CT-5, CT-7 và CT-9 ở Peang Cheang, Chup, Chlong, Ðambe, Krek, Snoul, Ðức Huệ, An Ðiền, Rạch Bắp.

Nó cứu Chiến Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân của Ðại Tá Ðương ở Chlong và Ðambe tháng 2/3-71 khi rút ra QL-7. Nó tiếp cứu Chiến Ðoàn 8/SÐ5BB ở Snoul rút về Lộc Ninh tháng 6-71. Nó giải vây và cứu Tiểu Ðoàn 30 BÐQ của Thiếu Tá Võ Mộng Thùy ở căn cứ Alpha trên mặt trận Krek tháng 11-71.

Cuối năm 1971 tôi rời LÐ3KB/Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III. Trong hai năm 1972-1973 tôi du học. Không bao lâu, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Ðoàn III phân tán và giải thể LÐ3KB đồng thời giải tán Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III. Khi trận An Lộc- Bình Long bùng nổ dữ dội mùa Hè 1972, lực lượng Thiết Giáp QÐ III hoàn toàn bị tê liệt.

Khi tôi trở về nước, Trung Tướng Phạm Quốc Thuần thay Trung Tướng Nguyễn Văn Minh yêu cầu tôi trở về lại LÐ3KB. Ngày 7-11-1973 tôi nhận Lữ Ðoàn và đề nghị với Tướng Thuần tổ chức lại Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III theo mô hình tổ chức của Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí. Ông cho tôi toàn quyền hành động. Tôi gom Thiết Giáp lại. Bấy giờ mình đã có chiến xa M-48. Tôi thay đổi tổ chức, mỗi Chi Ðội 3 chiến xa M-48, nó nhẹ nhàng, linh hoạt và hữu hiệu hơn 1 Chi Ðội 5 chiến xa. Mỗi Chi Ðoàn 11 chiến xa M-48 giờ đây có 4 Chi Ðoàn chiến xa 44 chiếc và 3 xe chỉ huy = 47 chiếc. Một Thiết Ðoàn chiến xa M-48 tổ chức theo Mỹ có 54 chiếc, vì vậy tôi có dư ra 7 chiến xa M-48 làm dự trữ. Tôi cơ động hóa TÐ61 PB 105/Quân Ðoàn III bằng cách dùng xe xích M-548 (xe chở nặng đạn thiết giáp) cho quân cụ biến cải chở đại bác 105 ly của Pháo Binh đồng thời huấn luyện pháo thủ cách vận chuyển và hạ súng tác xạ. Ðược tăng phái Liên Ðoàn 33 BÐQ, Tiểu Ðoàn 46 PB 155, Tiểu Ðoàn 61 PB PB 105 và Tiểu Ðoàn 302 CB, tôi tổ chức Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III thành 3 Chiến Ðoàn Thiết Giáp: Chiến Ðoàn 315, Chiến Ðoàn 318 và Chiến Ðoàn 322. Các Chiến Ðoàn đều có tổ chức giống nhau. Mỗi Chiến Ðoàn có: 2 Chi Ðoàn Thiết Kỵ M-113, 1 Chi Ðoàn Chiến Xa M-48, 1 Tiểu Ðoàn BÐQ, 1 Pháo Ðội 105 ly cơ động trên xe M-548 và 1 Trung Ðội Công Binh. BDH/LÐ 33 BÐQ, Ðội Trinh Sát/LÐ33, PÐ 105/LÐ 33, TÐ 46 PB 155, TÐ 302 CB(-) Chiến Ðoàn Chiến Xa M-48/TH.Ð 22 và ÐÐ Yểm Trợ Tiếp Vận/ BCH3TV.

Sau khi kiện toàn tổ chức, huấn luyện chiến đấu hợp đồng binh chủng, học tập chính trị và tuyên truyền giáo dục tư tưởng, tôi báo cáo lên Tư Lệnh Quân Ðoàn III là chúng tôi đã sẵn sàng.

Ngày 2-4-1974, Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III lại xuất quân, bất thần tiến vào vùng liên ranh Củ Chi-Trảng Bàng, đánh giải tỏa áp lực địch chung quanh đồn Bò Cạp ở Bắc Củ Chi và đồn Chà Rày thuộc Chi Khu Trảng Bàng. Chiến Ðoàn 315 đập tan TÐ Tây Sơn thuộc Trung Ðoàn 101 địa phương. Cuối tháng 4-1974, Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III đánh bại hoàn toàn Sư Ðoàn 5 Cộng Sản BV, giải vây cứu TÐ 83 BÐQ Biên Phòng ở Căn Cứ Ðức Huệ. Nó yểm trợ Sư Ðoàn 5 BB phản công chiếm lại An Ðiền, Căn Cứ 82 và Rạch Bắp tháng 7/8-74. Nó giải tỏa áp lực địch ở phía Bắc Bình Dương, tiêu diệt BCH/TÐ Phú Lợi tháng 2-75. Nó giải tỏa áp lực ở Gò Dầu Hạ, Dầu Tiếng, Khiêm Hạnh tháng 3-75 để yểm trợ SÐ 25 BB tấn công lên phía Bắc Tây Ninh. Và đặc biệt từ ngày 11-4-75 đến ngày 25-4-75, trong 14 ngày đêm nó chận đứng mũi tấn công của 1 Quân Ðoàn Cộng Sản BV ở Hưng Lộc-Ngã Ba Dầu Giây và đánh giải vây tiếp cứu Chiến Ðoàn 52/SÐ 18 BB rút về Long Bình-Biên Hòa.

2. Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III Trong 5 Ngày Cuối Cùng Của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam

Tình hình vào hạ tuần tháng 4-75 biến chuyển dồn dập. Áp lực địch ở mặt trận phía Ðông ngày càng nặng, tôi được Quân Ðoàn tăng cường Trung Ðoàn 8/SÐ5BB do Trung Tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng chỉ huy. Lực lượng địch và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III giằng co dữ dội trên tuyến Hưng Lộc-Ngã Ba Dầu Giây. Tôi buộc phải sử dụng hai quả bom CBU 55 của Không Quân Biên Hòa để chận đứng địch và giải cứu Chiến Ðoàn 52/SÐ18BB của Ðại Tá Dũng khỏi bị tiêu diệt. Ở Sài Gòn có âm mưu lật đổ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, tôi được móc nối đảo chánh nhưng cương quyết từ chối và tuyên bố chống lại. Phi trường Biên Hòa đóng cửa. Ngày 20-4-75 SÐ18BB của Tướng Lê Minh Ðảo rút bỏ Xuân Lộc về Long Bình. Ngày 21-4-75, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. Ngay ngày hôm sau, tại mặt trận, tôi viết thư cho Trung Tướng Charles Timmes, Phụ Tá Ðại Sứ Martin ở Sài Gòn, đại ý nói:

- “Thưa Trung Tướng, trong khi tôi đang ngăn chận các Sư Ðoàn Cộng Sản ở đây thì cũng là lúc Quốc Hội Hoa Kỳ đang thảo luận có nên tiếp tục viện trợ thêm 300 triệu Mỹ kim cho Quân Lực VNCH không. Tình hình gần như tuyệt vọng. Tôi nghĩ rằng cho dù ngay bây giờ Quốc Hội Hoa Kỳ có chấp thuận viện trợ cho Quân Lực chúng tôi đi nữa thì cũng đã quá muộn rồi. Tuy nhiên tôi và toàn thể quân nhân các cấp thuộc quyền tôi nguyện sẽ chiến đấu đến phút cuối cùng. Tôi chỉ xin Trung Tướng giúp cho gia đình tôi được di tản đến một nơi an toàn …”

Sau khi SÐ18BB được nghỉ 5 ngày bổ sung quân số và dưỡng quân, ngày 25-4-75 Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III điều động đơn vị này lên mặt trận Trảng Bom-Hưng Lộc-Ngã Ba Dầu Giây để thay thế Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III được rút về Biên Hòa dưỡng quân. Trung Ðoàn 9/SÐ5BB được hoàn trả về hậu cứ ở Lai Khê. Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III trở thành lực lượng trừ bị Quân Ðoàn.

Về tới Biên Hòa chưa kịp nghỉ ngơi, ngay chiều ngày 25-4-75, có tin lực lượng địch chiến trường Thiết Giáp và tiến ra hướng Quốc Lộ 15. Có lệnh Quân Ðoàn, tôi liền phái Chiến Ðoàn 322 tăng cường 1 Tiểu Ðoàn TQLC do Trung Tá Nguyễn Văn Liên chỉ huy tấn công theo hướng Ngã Ba Long Thành-Trường Thiết Giáp. Chiến Ðoàn vừa rời Quốc Lộ 15 tiến về hướng trường Thiết Giáp, thì chạm địch nặng và giao tranh dữ dội với chúng đến khuya bắn cháy 12 chiến xa T-54 buộc chúng phải rút vào bên trong. Chiến thắng này làm nức lòng toàn dân ở Biên Hòa. Sau khi kiểm soát kết quả trận đánh, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Ðoàn III hứa sẽ thưởng 1.200.000 đồng cho các chiến sĩ có công diệt chiến xa địch, mỗi chiếc hạ được 100.000 đồng.

Ngày 29-4-75 có lệnh mới của Quân Ðoàn. Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III ngoài Liên Ðoàn 33 BÐQ, được tăng phái thêm: Lữ Ðoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, Lữ Ðoàn 4 Nhảy Dù (- Tiểu Ðoàn) và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, yểm trợ hỏa lực trực tiếp có: Tiểu Ðoàn 46 PB 155 và Tiểu Ðoàn 61 PB 106 Quân Ðoàn.

12 giờ trưa ngày 29-4-75, Trung Tướng Toàn triệu tập một phiên họp khẩn cấp tại Bộ Tư Lệnh SÐ18BB ở Long Bình. Chỉ có Toàn, Ðảo và tôi. Anh chỉ tay lên bản đồ ra lệnh cho SÐ18BB của Ðảo phòng thủ khu vực Long Bình và kiểm soát xa lộ Biên Hòa, kế đó ra lệnh Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III của tôi phòng thủ bảo vệ thành phố Biên Hòa và đặt lực lượng ÐPQ và NQ của Tiểu Khu Biên Hòa dưới quyền kiểm soát của tôi. Sau này đi tù tôi mới biết ngay lúc này phía bên khu vực SÐ25BB ở Củ Chi đã bị địch chiếm, SÐ25BB đã bị đánh tan và Tướng Lý Tòng Bá đã bị địch bắt. Nguyễn Văn Toàn giấu tôi và Lê Minh Ðảo tin xấu này. Anh chuẩn bị sắp xếp để bỏ trốn. Vừa nhận nhiệm vụ xong, tôi chợt thấy xuất hiện Ðại Tá Hiếu, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 43/SÐ18BB với giọng rung rung xúc động, Hiếu báo cáo: quân địch đang tấn công Trảng Bôm và Trung Ðoàn 43 BB đang rút quân về hướng Long Bình, mặt Ðảo cau lại, Toàn nổi giận la hét Hiếu, bắt Hiếu phải đem quân trở lại vị trí cũ, Hiếu làm như tuân lệnh, chào và lui ra. Trong thâm tâm tôi, tôi biết là mặt trận phía Ðông Biên Hòa ở Trảng Bôm của SÐ18BB khó có thể cầm cự nổi vì SÐ18BB đã bị kiệt sức sau trận đánh lớn ở Xuân Lộc không được bổ sung. Sự sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Giao nhiệm vụ cho tôi và Ðảo xong, Toàn đứng dậy bắt tay hai chúng tôi và nói:

- “Hai anh cố gắng, tôi sẽ bay về Bộ Tổng Tham Mưu xin yểm trợ cho hai anh.”

Xoay qua tôi, anh nói tiếp:

- “Còn số tiền thưởng 1.200.000, tôi sẽ cho người mang đến Lữ Ðoàn.”

Ðấy là những lời nói cuối cùng của Tư Lệnh Quân Ðoàn III.

Về Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III, tôi liền họp các Lữ Ðoàn Trưởng, Liên Ðoàn Trưởng, Chiến Ðoàn Trưởng và các Ðơn Vị Yểm Trợ. Tiểu Khu Trưởng và Tiểu Khu Phó Biên Hòa đã bỏ trốn từ mấy ngày trước. Trước hết, tôi ban hành lệnh thiết quân luật ở Biên Hòa kể từ 15 giờ 00 ngày 29-4-75, chỉ thị cho các đơn vị Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân chung quanh thị xã Biên Hòa bố trí tại chỗ, ở đâu ở đó, không được rời vị trí, không được di chuyển. Cảnh sát Biên Hòa chịu trách nhiệm an ninh bên trong thành phố. Triệt để thi hành nguyên tắc nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ðể phòng thủ bảo vệ thành phố Biên Hòa, tôi phối trí Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III như sau:

- Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù: Bố trí trong khu phi trường Biên Hòa, giữ mặt Bắc BTL/Quân Ðoàn III.

- Lữ Ðoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến: 1 Tiểu Ðoàn bảo vệ BTL/Quân Ðoàn III, Lữ Ðoàn (- Tiểu Ðoàn) bố trí phòng thủ mặt Nam BTL/Quân Ðoàn III.

- Lữ Ðoàn 4 Nhảy Dù (-1 Tiểu Ðoàn): Tổ chức phân tán thành nhiều Tiểu Ðội chiến đấu nhỏ, giữ Cầu Mới Biên Hòa, giữ Cầu Sắt Biên Hòa và đặt các nút chận trên đường xâm nhập vào thành phố Biên Hòa.

- Chiến Ðoàn 315: Bố trí án ngữ từ Ngã Tư Lò Than đến ngã Tư Lò Than (gần trại Ngô Văn Sáng).

- Chiến Ðoàn 322: Bố trí án ngữ từ Ngã Tư Lò Than đến cổng phi trường Biên Hòa (trừ bị 1).

- Chiến Ðoàn 318: Bố trí án ngữ từ cổng phi trường Biên Hòa đến Cầu Mới Biên Hòa (trừ bị 2).

- Pháo Binh: Kế hoạch yểm trợ hỏa lực.

- BTLLÐ3KB/Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III: Ðặt tại tư dinh Tư Lệnh Quân Ðoàn III.

Vào khoảng 15 giờ 00 ngày 29-4-75, tôi đang ăn cơm trưa với Bộ Tham Mưu trong tư dinh Tư Lệnh Quân Ðoàn, thì thình lình chiếc trực thăng chỉ huy của Tướng Toàn đáp xuống bãi đáp trong vườn hoa tư dinh bên cạnh chiếc trực thăng chỉ huy của tôi. Thiếu Tá Cơ pilot vào chào tôi và báo cáo cho tôi biết. Sau khi rời Long Bình, Cơ đưa Toàn và bộ hạ ra Vũng Tàu, nơi đó anh thấy có các Tướng Lãm và Hiệp chờ Tướng Toàn, rồi cả 3 người cùng đi bằng tàu đánh cá ra Hạm Ðội Mỹ ở ngoài khơi. Tin Toàn bỏ trốn không làm tôi ngạc nhiên. Anh Cơ xin được ở lại làm việc với tôi. Tôi đồng ý vì đơn vị trực thăng của anh giờ này không còn ở Biên Hòa nữa.

Lúc 17 giờ 00 ngày 29-4-75, tôi dùng xe Jeep có hộ tống đi một vòng quan sát tình hình trong và chung quanh thành phố Biên Hòa. Tình hình chung có vẻ yên tĩnh, dân chúng không ra đường, phố xá đóng cửa. Vào khoảng 18 giờ 00, quân cộng sản bắt đầu xâm nhập vào mặt Bắc và Ðông Bắc thành phố từ hướng phi trường đụng với quân Biệt Cách Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Giao tranh bắt đầu, 1 cánh quân Biệt Ðộng Quân của Chiến Ðoàn 315 cũng đụng địch ở gần trại Ngô Văn Sang. Ðịch bám sát vào tuyến phòng thủ mặt Bắc và Ðông Bắc của quân ta. Hai bên bám trận địa nằm cách nhau 10-15 mét. Cho đến giờ phút này, quân ta chiến đấu vững vàng tự tin. Không có tình trạng bỏ ngũ. Dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của hỏa lực Thiết Giáp, quân ta đẩy địch ra xa tuyến phòng thủ.

Lúc 20 giờ 00 tôi gọi trại Phù Ðổng ở Sài Gòn. Nơi đây là Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp Binh và là nơi Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III vừa đặt bản doanh. Có trả lời nhưng không một ai có thẩm quyền để nhận báo cáo của tôi hoặc liên lạc với tôi. Tôi gọi Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu, không có cách gì liên lạc được. Tôi nóng lòng chờ lệnh của Sài Gòn. Tôi tự hỏi Ðại Tướng Dương Văn Minh, tân Tổng Thống, Tổng Tư Lệnh Quân Ðội có giải pháp gì không? Có lệnh gì mới cho chúng tôi không?

Ðến 22 giờ 10 có chuông điện thoại reo, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có gọi tôi ở đầu giây:

- “Tôi là Trung Tướng Có đây, tôi đang ở bên cạnh Ðại Tướng, anh cho chúng tôi biết tình hình ở Biên Hòa như thế nào?”

- “Thưa Trung Tướng, tôi giữ thị xã Biên Hòa, Ðảo giữ Long Bình, Toàn đã bỏ chạy, phi trường Biên Hòa địch chiếm, áp lực địch rất nặng ở hướng Bắc và Ðông Biên Hòa.”

1, 2, 3 phút trôi qua, ở đầu giây, Tướng Có nói tiếp:

- “Ðại Tướng hỏi anh có thể giữ vững Biên Hòa đến 8 giờ sáng mai, để Ðại Tướng nói chuyện với bên kia được không?”

Tôi trả lời không do dự:

- “Ðược, tôi có thể giữ vững Biên Hòa đến 08 giờ sáng mai.”

Trong máy điện thoại, tôi nghe văng vẳng tiếng nói của Tướng Có báo cáo lại với Ðại Tướng Minh. Cuối cùng Tướng Có nói:

- “Lệnh của Ðại Tướng cho anh: Chỉ huy phòng thủ bảo vệ Biên Hòa đến 08 giờ sáng ngày 30-4-75. Chúc anh thành công.” Tôi đáp nhận.

Vào khoảng 23 giờ 45 khuya, địch bắt đầu pháo dữ dội vào thị xã Biên Hòa, chúng tập trung một lực lượng hỗn hợp bộ binh chiến xa cấp Trung Ðoàn từ Ngã Ba Hố Nai - Xa Lộ tấn công về hướng Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III. Chiến Ðoàn 315 của Trung Tá Ðỗ Ðức Thảo xông ra chận địch. Hỏa lực chiến xa M-48 của ta áp đảo địch. Giao tranh quyết liệt. Một số chiến xa địch bị bắn cháy. Ðịch rút lui.

Lúc 02 giờ 00 sáng ngày 30-4-75, Tướng Lê Minh Ðảo gọi tôi ở đầu máy PC-25:

- “Báo anh hay tôi bị quân địch tràn ngập, Long Bình đã bị chúng chiếm.” Tôi liền hỏi:
- “Anh hiện giờ ở đâu? Có cần gì tôi không?” Ðảo đáp:

- “Tôi hiện ở gần nghĩa trang Quân Ðội, đang rút đi về hướng Thủ Ðức.” Tôi cảm thấy đau buồn và tội nghiệp Ðảo vô hạn. Những năm cuối cùng của cuộc chiến, tôi và Ðảo rất vất vả. Hai chúng tôi có mặt ở khắp các mặt trận, vì Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III của tôi là lực lượng cơ động số 1, và SÐ18BB của Ðảo là lực lượng cơ động số 2 của Quân Ðoàn. Trong tù, bọn cán bộ cộng sản rất để ý đến hai chúng tôi vì đã gây cho chúng rất nhiều tổn thất nghiêm trọng và chúng coi hai chúng tôi là hai tên chống cộng “điên cuồng” nhất.

Vào khoảng 03 giờ 30 sáng, địch lại pháo vào Biên Hòa, lần này chúng pháo rất mạnh và chính xác. Tôi đoán chúng định tấn công dứt điểm Biên Hoà sau khi đã chiếm được Long Bình. Tôi chuẩn bị sẽ tung cả 3 Chiến Ðoàn Thiết Giáp vào trận đánh quyết định, nhưng thật bất ngờ, chúng vừa xuất hiện 1 đoàn chiến xa dẫn đầu, bộ binh theo sau, liền bị Chiến Ðoàn 315 đánh chận đầu và bọc sườn, chúng bèn rút chạy ngược ra xa lộ. Kể từ đó, thị xã Biên Hòa trở nên yên tĩnh.

Ðúng 08 giờ sáng ngày 30-4-75, tôi cố gắng gọi về Bộ Tổng Tham Mưu để liên lạc với Trung Tướng Nguyễn Hữu Có nhưng không được. Tôi liền họp các Lữ Ðoàn Trưởng, Liên Ðoàn Trưởng, Chiến Ðoàn Trưởng và các Ðơn Vị Trưởng Yểm Trợ. Chúng tôi trao đổi tin tức và thảo luận tình hình ở mặt trận, tình hình trong thành phố Biên Hòa. Áp lực địch bên ngoài không còn nữa. Chung quanh bên ngoài thị xã, chỉ có hoạt động lẻ tẻ của du kích, bên trong thành phố vắng vẻ. Ðặc biệt đêm qua, tôi có cho tăng cường canh giữ nhà giam Biên Hòa. Không có tình trạng dân chúng xuống đường hô hào ủng hộ cộng sản. Tôi sung sướng nhất là thấy tinh thần của chiến sĩ ta rất tốt, không có tình trạng đào ngũ. Tuyệt nhiên cũng không có tình trạng hãm hiếp cướp bóc trong thành phố, các sĩ quan thi hành quân lệnh nghiêm chỉnh. Trong đêm qua có nhiều tốp lính bạn thuộc SÐ18BB rã ngũ định chạy qua thành phố, tôi ra lệnh chận lại, đuổi họ trở ra, cương quyết không cho vào thành phố đang giới nghiêm vì sợ có tình trạng gây mất tinh thần rã ngũ giây chuyền như đã xảy ra ở miền Trung trước đây.

Bây giờ là 08 giờ 30 ngày 30-4-75, tôi kết luận buổi họp:

- “Biên Hòa không còn là mục tiêu tấn công của địch nữa. Tôi nghĩ rằng giờ này các lực lượng chủ lực cộng sản BV đang tập trung tấn công Sài Gòn. Rõ ràng chúng bỏ Biên Hòa, dồn lực lượng đánh vào Thủ Ðô. Chúng ta mất liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu. Bây giờ tôi quyết định kéo toàn bộ Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III về tiếp cứu Sài Gòn.” Tất cả các Ðơn Vị Trưởng ủng hộ quyết định này của tôi.

Tôi liền ban hành Lệnh Hành Quân và điều động Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III tiến về Sài Gòn theo kế hoạch sau đây: Lấy đường xe lửa Biên Hòa-Sài Gòn và xa lộ Ðại Hàn làm hai trục tiến quân chính.

a. Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù + Lữ Ðoàn 4 Nhảy Dù (-1 Tiểu Ðoàn) do Ðại Tá Phan Văn Huấn chỉ huy: Tiến bên phải đường sắt hướng Sài Gòn. Ðến ngoại ô Bắc Sài Gòn, co cụm lại, bố trí bên phải đường sắt, chờ lệnh.

b. Lữ Ðoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến do Trung Tá Liên (TQLC) chỉ huy: Tiến bên trái đường sắt hướng Sài Gòn. Ðến ngoại ô Bắc Sài Gòn, co cụm lại, bố trí bên trái đường sắt, chờ lệnh.

c. Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh + Liên Ðoàn 33 Biệt Ðộng Quân: Bố trí yểm trợ quân BCD, ND và TQLC rời vị trí phòng thủ, rút an toàn qua Cầu Mới Biên Hòa trước. Sau đó, lấy xa lộ Ðại Hàn làm trục chính, tiến về Sài Gòn theo thứ tự như sau:

- Chiến Ðoàn 315 do Trung Tá Ðỗ Ðức Thảo chỉ huy: Ði trước, đến ngoại ô Bắc Sài Gòn, bố trí bên này cầu Bình Triệu, chờ lệnh.

- Chiến Ðoàn 322 do Trung Tá Nguyễn Văn Liên (TG) chỉ huy: Ði sau CÐ 315, đến ngoại ô Bắc Sài Gòn, bố trí sau CÐ 315, chờ lệnh.

- Chiến Ðoàn 318 do Trung Tá Nguyễn Ðức Dương chỉ huy: Ði sau cùng, đến Sài Gòn, bố trí sau BTL và Ðơn Vị Yểm Trợ, chờ lệnh.

Trước khi lên trực thăng Chỉ Huy, tôi duyệt đoàn quân lần cuối. Quân ta từ từ rời thành phố Biên Hòa trong vòng trật tự, trang phục chỉnh tề, tác phong nghiêm chỉnh, không hề nao núng, giống y như những lần hành quân trước đây khi còn Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí chỉ huy xông trận trên chiến trường Campuchia. Lúc này là 09 giờ 00 ngày 30-4-75.

Tôi lên trực thăng Chỉ Huy của Tướng Toàn do Thiếu Tá Cơ lái, chiếc trực thăng Chỉ Huy thứ hai bay theo sau. Tôi cho trực thăng bay lượn trên thành phố Biên Hòa, quan sát thấy tình hình bên dưới vẫn yên tĩnh. Các cánh quân ta vẫn tiến đều đặn về hướng Sài Gòn. Những ổ kháng cự, những chốt của địch dọc trên trục tiến quân của ta bị đè bẹp hoặc bị nhổ nhanh chóng. Tôi đang suy nghĩ và lo lắng. Tôi lo vì không liên lạc được với Sài Gòn, khi quân ta về đến nơi, sợ quân bạn ở Biệt Khu Thủ Ðô bắn lầm. Tôi đang miên man suy nghĩ cách đối phó thì đột nhiên Thiếu Tá Cơ hỏi tôi:

- “Thiếu Tướng có muốn ra đi không? Tôi sẽ đưa Thiếu Tướng đi.” Tôi liền hỏi lại:
- “Còn anh thì sao?”

- “Khi đưa Thiếu Tướng đi xong, tôi sẽ trở về, tôi sẽ ở lại với vợ con còn ở Biên Hòa”
- “Cám ơn anh, tôi cũng ở lại với anh em. Tôi đã quyết định việc này từ lâu rồi.”

Chúng tôi bay về hướng Gò Vấp, tôi biểu Cơ lấy cao độ. Xa xa phía dưới, tôi thấy những đoàn quân xa chở đầy quân, những chiến xa, những pháo kéo của quân cộng sản BV như những con rắn dài trên xa lộ Biên Hòa và trên Quốc Lộ 13 bò vô Sài Gòn. Hai trực thăng của chúng tôi đáp xuống trại Phủ Ðổng nơi đặt BCH TGB và BTL/Quân Ðoàn III. Tôi vội đi vào văn phòng tìm sĩ quan trực. Tôi thấy các nhân viên văn phòng chạy qua lại nhớn nhác. Tôi không gặp một ai có thẩm quyền, chỉ có 1 Trung Úy mang huy hiệu Quân Ðoàn III, tôi nói tôi muốn sử dụng điện thoại để liên lạc với BTL Biệt Khu Thủ Ðô báo cho họ biết gấp các cánh quân của tôi sắp về tới cửa ngõ Bắc Sài Gòn để tránh bắn lầm nhau. Tôi gọi nhiều lần, gọi một cách tuyệt vọng, không có ai ở đầu máy trả lời. Rồi tôi gọi Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu, cũng không liên lạc được. Lúc bấy giờ tôi nghe nhiều loạt đạn pháo binh địch nổ ở hướng sân bay TSN. Giờ này, các cánh quân Thiết Giáp của tôi cũng vừa đến Bình Triệu gần khu nhà thờ Fatima.

Trong khi tôi đang lúng túng trong việc liên lạc với BKTÐ và Bộ Tổng Tham Mưu, thì thình lình tôi nghe lời kêu gọi ngưng chiến đấu của Tổng Thống Dương Văn Minh phát ra từ một máy thu thanh đâu đấy. Tôi nhìn đồng hồ tay: 10 giờ 25 phút.

Thế là hết. Kể từ giờ phút này, tôi tự chấm dứt quyền chỉ huy của mình và xem nhiệm vụ của LÐ3KB và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III đến đây là kết thúc. Tôi để cho các đơn vị tự động buông vũ khí đầu hàng theo lệnh của Tổng Thống. Tôi không có gì để nói thêm, chỉ thầm cám ơn tất cả các chiến hữu đã cùng tôi chiến đấu đến phút cuối cùng của cuộc chiến và cùng tôi giữ tròn khí tiết của người chiến sĩ đối với Quân Ðội và Tổ Quốc.

3. Quan Ðiểm và Kết Luận

Sau khi ngưng chiến theo lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh, tôi bị địch bắt, truy vấn, tù đầy 17 năm và sang Mỹ năm 1993 theo diện tỵ nạn chính trị. Mỗi năm cứ đến ngày 30-4, tôi đọc đi đọc lại nhiều bài viết của bên Cộng Sản cũng như của bên ta về cuộc chiến tranh Việt Nam. Có không ít bài viết lờ mờ hoặc viết sai về một số sự kiện trong cuộc chiến. Ðặc biết khi viết về Biên Hòa thì không có bên nào nói đúng. Ai cũng biết Biên Hòa là vị trí chiến lược số 1 của MNVN, phi trường Biên Hòa còn là nơi đặt bản doanh BTL/Quân Ðoàn III và V3CT, đầu não của bộ máy quân sự miền Ðông. Biên Hòa là cửa ngõ quan trọng bậc nhất ở phía Bắc thủ đô Sài Gòn. Ðể mất Biên Hòa là mất Sài Gòn, mất miền Nam Việt Nam. Nhưng cho đến bây giờ, tôi chưa thấy một tài liệu nào nói rõ về Biên Hòa trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh VN. Thế mà tôi vẫn giữ im lặng cho đến ngày hôm nay, vì nghĩ rằng cuối cùng rồi sự thật lịch sử cũng được phơi bày. Vả lại khi viết về cuộc chiến tranh mà mình là nhân chứng trực tiếp, không khỏi phải nói nhiều rất nhiều về mình, cái mà tôi không hề thích vì như Pascal nói: “Cái tôi là đáng ghét” (Le moi est haissable). Nhưng anh Nguyễn Minh Tánh đã viết sai sự thật về LÐ3KB do tôi chỉ huy, đã xúc phạm đến DANH DỰ của chúng tôi nên tôi có bổn phận với những ngưỡi đã hy sinh và những người còn sống, phải cải chính và nói lại cho rõ để không phụ lòng những chiến sĩ anh hùng đã cùng tôi chấp nhận ở lại chiến đấu đến cùng.

Những năm đầu trong ngục tù, cán bộ Cộng Sản luôn truy vấn tôi kịch liệt. Chúng làm tổng kết chiến tranh để rút kinh nghiệm chiến trường, chúng ngạc nhiên trước sức chiến đấu của LÐ3KB và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III, đặc biệt chúng bắt tôi viết đề tài “Những nguyên nhân nào mà LÐ3KB và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III do tôi chỉ huy không bị tan rã trước sức tấn công của Quân Ðội Cách Mạng.”

Chính miệng chúng nói với tôi:

- “Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III là đại đơn vị duy nhất của Quân Ðội Sài Gòn chiến đấu tới cùng cho đến khi có lệnh ngưng bắn.”

Chúng kể ra những thành tích chiến đấu của Chiến Ðoàn 318 trên chiến trường.Campuchia thời Tướng Ðỗ Cao Trí của LÐ3KB và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III mà chúng gọi là những tội ác “Trời không dung Ðất không tha” và kết tội tôi đã kéo dài chiến tranh nhiều năm.

Chúng đã chọn và định đưa một số chúng tôi ra Tòa Án Chiến Tranh của chúng xét xử như những tội phạm chiến tranh nếu không có áp lực mạnh mẽ của Hoa Kỳ và Cộng Ðồng thế giới tự do cũng như của dư luận Quốc Tế lúc bấy giờ.

Tôi không hề ân hận việc mình đã làm, không hề hối tiếc hay than van về những hậu quả mà mình phải gánh chịu sau khi bị bắt. Nếu phải làm lại từ đầu, thì tôi cũng vẫn làm như thế. Tôi biết rằng làm như thế là tôi mất tất cả, mất tất cả trừ DANH DỰ.

Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi
Virginia ngày 16/6/1995

Thiết Giáp Binh Hành Khúc


Thiết Giáp VNCH


Sunday, July 5, 2009

Mình Biệt Động Mà ! - Nguyễn Khắp Nơi

Kỷ niệm 49 năm thành lập Binh Chủng Biệt Động Quân 01-07-1960

Viết cho những Biệt Động Quân và tất cả các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật.

Đặc Biệt cho những người lính của Tỉểu Đoàn 90 Biệt Động Quân Biên Phòng Pleiku.

Nguyễn Khắp Nơi

Đen Đỏ cùng bốn đồng đội nhận sự vụ lệnh trình diện Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Vùng II Chiến Thuật tại Pleiku vào tháng 2/1973. Sau khi bắt thăm, chàng và Đạm chọn Tiểu Đoàn 90 Biên Phòng (Vào thời điểm đó, các tiểu đoàn biên phòng vừa được cải tuyển nên vẫn còn mang tên cũ và chưa có xát nhập vào Liên đoàn nào cả). Tiểu đoàn vừa chấm dứt một cuộc hành quân dài thắng lợi, đang nghỉ dưỡng quân tại làng Thanh Bình, nên cả hai phải đợi tới tuần sau mới có người từ hậu cứ tới đón. Được nghỉ vài ngày, hai chàng cọp đen dắt nhau đi thăm thành phố.

Thành phố Pleiku rất nhỏ, chỉ có một con đường chính tên là Hoàng Diệu và rạp xi nê tên Diệp Kính. Buổi sáng trời Pleiku thật lạnh lẽo, phải mặc áo «Sô» mới chịu nổi. (Áo Sô, phiên âm từ chữ «Fatigue d’ assault», cũng như giầy sô, là từ chữ «Boote d’assault» của Pháp mà ra).

Nhìn những nữ sinh trường Hoàng Diệu mặc áo dài trắng, thêm chiếc áo len, quấn khăn quàng cổ, má cô nào cũng đỏ, môi cô nào cũng hồng, thật là đúng với câu hát: «Em Pleiku má đỏ môi hồng ...»

Nhìn các cô đi bộ với tà áo dài tha thướt, thật là đẹp, thật là xinh. Vừa đi vừa ngắm được một lúc thì hai chàng đã đi hết con phố chính rồi, vì con đường Hoàng Diệu chỉ dài chừng vài km mà thôi, cho nên: «Đi dăm phút đã vể chốn cũ ...»

Câu hát này cũng đúng không chê vào đâu được, vì đi bộ từ rạp xi nê ở đâu phố tới cuối đường là nhà thờ Chúa Cứu Thế, quẹo trái là hết đường, quẹo phải sẽ gặp một lô những quán ăn. Hết đường quay trở lại cũng chừng 15 phút là cùng.

Đi có một chút là bụi đỏ đã dính đầy người, hai chàng cọp đen mò vào quán nghỉ chân. Mới sáng sớm, mọi người đều lo đi làm, đi học, quán vắng hoe. Trước cửa quán có đốt một lò suởi bằng củi, hai người bạn chọn cái bàn gần đó cho ấm, gọi ly cà phê sữa nóng. Ai có ngồi chịu lạnh mà nhâm nhi ly cà phê sữa nóng mới cảm thấy cái thú vị, cái đắng ... ngọt ngào của cà phê. Nhìn chung quanh, toàn là núi rừng chùng điệp, đất đỏ, bụi đỏ dính khắp mọi nơi. Đen Đỏ chưa quen với cái không gian xa lạ này. Văng vẳng từ trong cái máy cassette, có tiếng hát của người ca sĩ:

"Vừa chiều hôm nao anh với tôi đi dạo phố,
Hai đứa vòng tay âu yếm như đôi tình nhân,"
(Giọt Buồn Không Tên, Tô Giang)

Mới mấy hôm trước, Đen Đỏ còn ở Sài Gòn, hưởng những ngày phép cuối cùng, đi chơi cùng cô bạn gái, nhìn những ánh đèn thành phố ngọn xanh ngọn đỏ, vui thật là vui, vậy mà hôm nay đã ngồi chèo queo trên vùng rừng núi hoang vu, nghe lại bài hát này, càng cảm thấy lạnh lùng thêm nữa.

«Phòng trà nghỉ chân, nghe Thái Thanh ca «Biệt Ly»,
Anh ngước nhìn tôi qua khói hương thơm cà phê

Giờ này, ở đây, không có phòng trà, nên không có Thái Thanh ca bản «Biệt Ly» nhưng lại có hương thơm cà phê để nghe giọt buồn không tên len lén qua tâm tư ...

Ngày hôm sau, Đại úy Ngọc, Tiểu đoàn phó, lái xe Jeep tới đón Đen Đỏ và Đạm về hậu cứ tiểu đoàn. Ông cọp này to và đen thui, trông ... đúng tiêu chuẩn của lính Biệt Động Quân lắm, nghĩa là, trông oai hùng và ... dễ sợ lắm. Đen Đỏ nhìn ông xếp, nghĩ thầm:

«Hèn chi mà Việt Cộng nó trông thấy BĐQ là nó chạy te hết».

Tuy nhiên, khi ông cọp này nói chuyện, thì dễ nghe lắm. Ông cho biết:

«Đại úy Giáp, tiểu đoàn trưởng, còn đang ở làng Thanh Bình với anh em binh sĩ, tôi đến đây từ hôm qua, nhưng còn chờ gom hết số lính nghỉ phép rồi mới đón mấy anh, đưa về hậu cứ nhận đồ tiếp liệu rồi mới lên chỗ tiểu đoàn đóng quân luôn một thể».

Tới hậu cứ, Thiếu úy chỉ huy hậu cứ ký giấy để hai chàng tân binh đi lãnh quân trang quân dụng. Đen Đỏ được phát một khầu súng Colt .45 không có bao với hai băng đạn, dây ba chạc, bi đông nước và một cái nón sắt. Đen Đỏ chưng hửng nhìn khẩu súng, không thể nào tưởng tượng được là binh chủng Biệt Động Quân nghe kiêu hùng như vậy mà chỉ có thể trang bị cho sĩ quan của mình khẩu súng lục không có bao! Đen Đỏ còn đang phân vân, không biết làm sao mà mang khầu súng vào trong người, thì ông Hạ Sĩ già thủ kho nói chêm vô:

“Bị thiều đồ quá, xin miếc mà không được, Thiếu úy thông cảm, cầm đỡ. Chiều nay tui ra chợ trời mua cái boa mới cho ông”. (Người miền Nam sẽ nói “Xin riếc ...“ nhưng người dân miền Nha Trang Tuy Hòa sẽ nói khác đi, là “Xin miếc ... Bao súng được phát âm là “Boa súng”)

Thôi thì, nhập gia tùy tục, Đen Đỏ xin sợi giây dù cột vào báng súng, đeo tòng teng khẩu súng trên cổ, lẩm bẩm:

“May mà ông ta chưa phát cho mình cái ba lô, chứ nếu phát, dám cái ba lô không có ... dây đeo vai lắm!”

Sáng sớm hôm sau, trước khi lên xe về nơi đóng quân, ông Hạ sĩ mới chạy theo đưa cho Đen Đỏ cái bao súng “sê cần hen” to tổ bố, nhìn tưởng là cái ... bao sẻng. Thôi thì có còn hơn không. Thế là cả hai người lính mới ba lô lên vai đi tới vùng “Trời quen đất lạ ... thiếu bóng đàn bà”.

Hai chiếc GMC và một chiếc Jeep chở anh em Biệt Động Quân trực chỉ làng Thanh Bình.

Trên đường đi, Đại úy Ngọc cho biết về tình hình ta và địch trong vùng và lệnh hành quân sắp tới. Sở dĩ tiểu đoàn đang nghỉ dưỡng quân lại không được về hậu cứ mà phải đóng quân ở một nơi xa thành phố như vậy, là vì tình hình an ninh: Vừa nghỉ vừa phòng thủ. Hơn nữa, lính BĐQ mỗi lần về phép là quậy dữ lắm, có khi làm cả thành phố lên ruột, nên Đại tá CHT/BĐQ chỉ cho luân phiên từng đại đội về thành phố mà thôi. Ông còn cho biết thêm, trước kia, nhiệm vụ của BĐQ Biên Phòng là chỉ đóng ở những trại của Lực Lượng Đặc Biệt do Mỹ trao lại mà thôi. Đóng trại tuy nguy hiểm nhưng nhàn nhã hơn, suốt ngày cứ ra suối tắm rồi nằm ... phơi củ cải bên mấy tảng đá thôi. Nhưng nay tình hình đã đổi khác, di động hay biên phòng cũng đi đánh trận liên miên như nhau. Rồi ông chỉ vào tấm huy chương còn sáng loáng đeo trên ngực áo, nói đùa với hai người lính mới:

«Nếu không xanh cỏ, thì sẽ đỏ ngực ... như vậy nè!»

Tất cả cùng cười vang. Phía sau, trên hai chiếc GMC, những người lính cũng cười dỡn vang rân, ai cũng hả hê sau chuyến nghỉ phép.

Làng Thanh Bình nằm trên một ngọn đồi dọc theo Quốc Lộ 19, trên đường đi Đức Cơ. Mặt quay về đường lộ thì có nhà cửa, tiệm buôn, mặt sau quay về núi thì ruộng rẫy thoai thoải xuống suối nước ở dưới chân đồi. Đoàn xe tới nơi đóng quân, được anh em đón tiếp vui vẻ lắm, vừa nhận đồ tiếp tế của thân nhân, vừa nghe ké chuyện đi phép của bạn bè, vui như tết vậy, làm Đen Đỏ cũng vui lây mặc dù chẳng quen biết ai cả. Sau giây phút ồn ào, mọi người trở lại chỗ đòng quân của mình, Đen Đỏ và Đạm theo Đ. úy Ngọc tới hầm chỉ huy trình diện Đại úy Tiểu đoàn trưởng.

Đ. úy Giáp không to con như Đ. úy Ngọc, nhưng dáng thật là nhanh nhẹn, nhìn có vẻ khó tính, và giọng (Huế) nói thì đặc biệt lắm, cứ sang sảng lên, có oai ghê lắm. Ông bắt tay Đen Đỏ và Đạm, chúc mừng hai anh lính mới, và hỏi thăm về việc học hành:

«Học Thủ Đức khóa mấy? Rừng Núi Sình Lầy ra sao?»

Đen Đỏ trình bầy rõ: «Đáng lẽ khóa 1/72 ra trường vào tháng 10/72 nhưng được giữ lại thêm hai tuần để học «Chiến thuật phá Chốt và Kiềng» là hai chiến thuật mới mà Việt Cộng vừa đem ra áp dụng trên chiến trường. Sau khi học xong khóa 50 RNSL, đã được đi thực tập hành quân với Tiểu đoàn 42 BĐQ ở Takeo, Căm Bốt và Tiểu đoàn 44 BĐQ ở Kiến Phong».

Đ. úy Giáp mừng quá, nói: «Các anh đã được huấn luyện kỹ càng lắm rồi, bây giờ tới lúc trổ tài đó!»

Đ. úy Ngọc chen vô: «Còn Chuẩn úy Đạm đây là thủ khoa khóa 50 RNSL đó! Mình được tăng cường ... thứ thiệt không hà, Đại úy! »

Thế là Đen Đỏ được chỉ định về trung đội trinh sát của tiểu đoàn, còn Đạm về Đại Đội 1. Nghe được về trinh sát, Đen Đỏ hơi ú ớ, vì sợ chưa đủ kinh nghiệm, thì Đ. úy Ngọc đã chận trước: «Có về Thám sát thì mới có dịp học thêm kinh nghiệm!»

Làng Thanh Bình, trên Quốc Lộ 19.
Qua Đức Cơ là tới vùng Ba Biên Giới Việt Miên Lào.

Bất chợt, một đấng to con khác xuất hiện nơi cửa ra vào. Đấng này chưa vào tới cửa mà giọng nói đã vào trước: «Đúng vậy! Chú mày cứ việc học thêm kinh nghiệm, nếu ... còn sống như ta đây!»

Vào tới nơi, ông chào và bắt tay mọi người lia lịa. Đại úy Giáp giới thiệu với hai cọp nhí: «Đây là Trung úy Phúc, ĐĐ Trưởng của ĐĐ 1. Ông ta lên đón lính bổ xung đó. Hồi mới ra trường, Tr úy Phúc cũng ở Thám Sát. Ổng học kinh nghiệm lẹ lắm, nên mới có hai năm mà đã lên tới Trung úy rồi đó. Hai em ráng mà bắt chuớc ổng đi»

Thế làm Đạm theo Tr. úy Phúc về ĐĐ 1, còn Đen Đỏ theo Đ. úy Giáp về nơi đóng quân của trung đội Thám sát, nằm ngay vòng đai phòng thủ đầu tiên của tiểu đoàn.

Trung đội đã được thông báo trước, xếp hàng ngay ngắn chờ lệnh. Thủ tục bàn giao được thi hành thật ngắn gọn vì tiểu đoàn đang ở trong vùng hành quân. Trung sĩ Bé, quyền Tr đội trưởng, giao lại trung đội cho Đại úy Giáp, Tiểu đoàn Trưởng. Đ. úy Giáp nhận trung đội và giao lại cho Đen Đỏ, kèm theo cái địa bàn, ống nhòm và bản đồ hành quân.

Cuộc đời lính chiến Biệt Động Quân của Đen Đỏ bắt đầu từ đây.

Đen Đỏ nói vài lời với trung đội, rồi cho tan hàng, chờ tối sẽ điểm danh, chia gác. Trung sĩ Bé đưa Đen Đỏ về hầm của trung đội. Qua ly nước trà bi đồng, Tr sĩ Bé báo cáo:

«Cuộc hành quân vừa rồi đụng nặng lắm, trung đội còn lại có 13 người mà thôi, nhưng đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao».

Đen Đỏ hỏi về người Sĩ quan trung đội trưởng cũ, Trg sĩ Bé trả lời: «Thiếu úy Nhân đã tử trận khi toàn thể trung đội xung phong chiếm mục tiêu cuối cùng ở trận Dakto. Trung đội phải rút lui, ngày hôm sau tấn công trở lại mới chiếm được mục tiêu và lấy được xác của Th. úy Nhân về. Cách nay cũng hai tháng rồi. Kể từ đó, tiểu đoàn hành quân liên miên, đến nay mới đuợc bổ xung quân số»
Hỡi người chiến sĩ đã bỏ lại cái nón sắt bên bờ lau sậy này ...
Đen Đỏ uống hết ly nước trà nóng mà vẫn cảm thấy lạnh lạnh sau gáy.

Sau một tuần lễ nghỉ ngơi, tiểu đoàn nhận được lệnh hành quân mới:

Chiếm lại Đồi 30, trên Quốc lộ 19, gần Đức Cơ!

Ngọn đồi này trước đây do một tiểu đoàn Địa Phương Quân trấn đóng, nhưng bị Việt Cộng tấn công tràn ngập. Đồn này nằm trên Quốc Lộ 19 đâm thẳng qua biên giới Lào Việt, nên VC phải chiếm để làm điểm tựa cho việc chuyển quân từ bên kia biên giới. Dĩ nhiên, phía VNCH cũng không thể bỏ qua địa điểm chiến lược này, nên đã giao cho Biệt Động Quân hành quân chiếm lại. Nhưng vì áp lực của địch quá mạnh, anh em lại phải rút đi. Nay tiểu đoàn 90 phải chiếm trở lại bằng mọi giá.

Đ. úy Giáp cho họp tiểu đoàn, tuyên bố: «Trước khi tiểu đoàn xuất phát, trinh sát được giao nhiệm vụ ... tới nơi trước, để dò xét xem quân số của địch là bao nhiêu? Có những súng gì? Chúng đã tăng cường phòng thủ tới cỡ nào?»

Ông chỉ vào bản đổ, nói với Đen Đỏ: «Tuyến xuất phát là từ đây, mục tiêu là đây, lấy tọa độ cho rõ ràng đi! Hiệu lệnh truyển tin của tôi là Ngưu Lang, Thám sát cho biết hiệu lệnh riêng của mình. Hãy ghi rõ tần số liên lạc, tần số đặc biệt. Khi di chuyển, cứ nửa tiếng liên lạc với Ngưu Lang một lần. Tránh nổ súng, nhưng nếu đụng trận, đổi ngay qua tần số đặc biệt để báo cáo tình hình. Sau đó sẽ có lệnh mới ...»

Ai có câu hỏi gì nữa không? Chấm dứt buổi họp. Đúng 2 giờ sáng mai, GMC sẽ tới đón trinh sát di chuyển tới tuyến xuất phát.

Đen Đỏ về trung đội, cho mời cả 3 tiểu đội trưởng lên (Tiểu đội đại liên và 2 tiểu đội chiến đấu), nói cho họ biết về nhiệm vụ mới của mình, cách thức di hành, những dấu hiệu riêng bằng tay, bằng miệng ... Cuối cùng, sáng sớm mai tập họp đúng 1 giờ 30 sáng. Tan hàng, Cố Gắng.

Cả đêm, Đen Đỏ cố giỗ giấc ngủ lấy sức, nhưng không tài nào ngủ yên. Học thì học tới hai khóa rồi, thực tập thì cũng qua 2 tiểu đoàn rồi, nhưng ngày mai là lần đầu tiên cầm quân, chỉ huy như thế nào đây? Học trong quân trường thì nghe tầm đạn bắn đi, chứ đâu có bao giờ học nghe đạn bắn lại phía mình đâu? Làm sao mà né, mà tránh? Đen Đỏ thiếp đi lúc nào không biết ...

Còn 15 phút nữa là tới giờ tập họp, Đen Đỏ đã sẵn sàng mọi thứ. Cổ họng chàng khô đi, luồn tay lấy bi đông nước, đưa lên miệng thấy rung rung cánh tay. Đen Đỏ đứng phắt dậy, giận dữ với chính mình:

«Đen Đỏ, mày làm sao vậy? Bình tĩnh, bình tĩnh!»

Chàng bước ra ngoài, khí lạnh buổi sáng làm cho Đen Đỏ bình tĩnh trở lại. Những người lính đã sẵn sàng hết cả rồi, đang ngồi nói chuyện rì rầm thật là bình thản, họ đâu có ... run như mình đâu? Thật là mắc cở! Cấp chỉ huy gì mà kỳ vậy?

Mấy người lính hay thật! Họ không ngủ hay sao?

Phải rồi, họ đánh cả chục, cả chục trận rồi, còn mình, mới trận đầu mà! Nhưng trận đầu đâu có nghĩa là lọng cọng? Cố gắng lên, sinh mạng của họ trong tay mình đó, hãy làm cho ngon lên chớ!

Đen Đỏ mỉm cười, vui hẳn lên.

Ba tiểu đội trưởng đã có mặt, chàng cho thử lại máy truyền tin. Tuy chỉ còn vỏn vẹn có 14 người, nhưng trung đội trinh sát được trang bị nhiều hơn: Một đại liên M60, hai M79, hai máy truyền tin PRC 15, một máy PRC 25.

Tới giờ rồi, trung đội tập họp. Đen Đỏ đứng trước hàng quân, ra lệnh: «Các tiểu đội trưởng cho kiểm soát lại quân trang quân dụng, vũ khí, báo cáo».

Mọi người im lặng làm việc.

Tiểu đội đại liên báo cáo: Sẵn sàng.

Tiểu đội 1 báo cáo: Sẵn sàng.

Tiểu đội 2 báo cáo: Sẵn sàng.

Đen Đỏ nói tiếp: «Khi xe tới, tiểu đội 2 lên trước, tới trung đội chỉ huy, tiểu đội đại liên, chót là tiểu đội 1.

Tới tuyến xuất phát, làm ngược lại: Tiểu đội 1, trung đội chỉ huy, tiểu đội đại liên, tiểu đội 2. Chờ mọi người xuống xe hết, bắt đầu xuất phát liền.

Tất cả nghe rõ chưa? Rõ. Mỗi tiểu đội về vị trí của mình chờ xe tới. Tan hàng, cố gắng».

Đen Đỏ thở phào nhẹ nhõm: Lệnh hành quân đã được ban ra rõ ràng, mạch lạc. Chỉ còn theo đó mà thi hành thôi. Chàng vui vẻ móc bi đông ra uống một ngụm nước nữa, lần này, cánh tay thật rắn chắc, cầm bình nước thật nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ.

Những ánh đèn pha sáng lóe lên ở góc đường, đoàn xe ào tới như vũ bão. Một chiếc GMC tách ra khỏi đoàn, chạy về hướng của Thám sát. Xe vừa mới thắng, đám cọp đen đã theo hàng lối hối hả lên xe thật gọn. Đen Đỏ là người cuối cùng, chàng vừa nhẩy lên là chiếc xe lao vút đi trong đêm tối, không một ánh đèn.

Ngồi trên xe mà Đen Đỏ có cảm tưởng như ngồi trên cái hỏa lò vậy. Lần đầu tiên ra trận, với trách nhiệm trong tay, sơ sót một chút là tiêu mạng người và mạng của chính mình. Đầu óc chàng trống rỗng, bao nhiêu bài học trong quân trường, bao nhiêu lời chỉ dậy của các đàn anh biến đi đâu hết trơn. Trước mặt Đen Đỏ, chỉ còn bầu trời đen xậm và rừng cây bao la ngút ngàn, nhìn ra đằng sau, những người lính vẫn thản nhiên vui đùa. Chốc chốc, Đen Đỏ lại đưa tay rờ vào cán lưỡi lê đang mang trên ngực, mở nút bấm xem cán dao có rơi vào tay mình hay không? Rồi lại mở nút bao súng, tháo băng đạn ra, gắn trở lại, lên đạn để thử. Sau đó chàng lại ngồi im lặng nhìn những rặng cây khuất đi ở phía sau.
“Từ ngày xa nhau chinh chiến đưa anh về đâu?
Vai súng vượt biên mưa nắng xa xôi rừng sâu.
Chinh chiến đưa anh về đâu? Đen Đỏ cũng chẳng biết mình đang ở chốn nao nữa!

Người tài xế gợi chuyện: «Thiếu úy nhớ cô đào ở Sài Gòn hả? Kỳ này ông ráng làm cho đẹp là thế nào Đại úy Tiểu đoàn trưởng cũng tặng ông vài ngày phép về thăm em đó»

Đen Đỏ tính sửa sai người tài xế, nói cho hắn biết, mình là Chuẩn úy chứ không phải Thiếu úy, nhưng kịp ngưng lại, vì chợt nhớ lời Đại úy Ngọc dặn dò: «Ở chiến trường, lính có thói quen gọi trung đội trưởng là Thiếu úy, nên dù người sĩ quan có mang ba bốn cái lon chuẩn úy rành rành ra đó, vẫn được gọi là Thiếu úy như thường, đừng có thắc mắc»

Chàng nghĩ tới đây, mỉm cười trả lời bâng quơ: «Cô đào của tôi nghe tôi đăng Biệt Động, cô ta ớn quá, nhẩy mất tiêu rồi, mai mốt tôi có về phép, cũng chẳng có ai mà thăm».

Rồi chàng đổi đề tài, hỏi lại: - « Sắp tới nơi chưa, Lén? »

- «Sắp rồi đa! Còn chừng 10 phút nữa, ông thầy! Mình nói chuyện... cho vui đi ông thầy, để im lặng ... buồn quá!»

Mặc cho người lính nói gì thì nói, Đen Đỏ vừa đánh lô tô trong bụng, vừa im lặng suy nghĩ. Một lúc sau, chàng quay lại phía sau, ra dấu cho cả bọn sửa soạn xuống xe, phần mình thì lại tháo dây cột lưỡi lê, mở bao súng ra coi lại cho chắc ăn.

«Tới rồi, Thiếu úy, em sẽ ngừng ở cái cột đá phía trước đó!»

Chiếc xe lao tới thật nhanh, những người lính biết ý, giữ chặt thành xe. Chiếc xe quẹo thật gắt để quay đầu trở lại và ngừng hẳn. Tiểu đội 1 nhanh nhẹn nhẩy xuống xe bố trí chung quanh, xong xuôi mới ra dấu cho những người khác ào xuống. Tiểu đội 2 chạy ào về phía rừng, bảo vệ cho mọi người và cũng để bảo vệ cho chiếc xe lao vút trở lại con đường cũ.

Chiếc xe vừa biến dạng, cũng là lúc các chiến binh Biệt Động băng mình vào khu rừng núi chùng điệp của Pleiku. Đen Đỏ vừa bước đi vừa đưa tay nhìn đồng hồ: 3 giờ 30, trời hơi hơi hừng sáng, mầu áo rằn ri của người lính hòa lẫn vào với mầu xanh đen của lá cây, mầu đỏ của đất nút, thật khó mà nhìn ra họ. Mỗi 15 phút di chuyển là Đen Đỏ lại cho anh em dừng lại để nghỉ và quan sát chung quanh.

Đúng giờ hẹn, chàng bốc máy nói nhanh: - «Ngưu Lang, đây Minh Trang gọi, nghe rõ trả lời?»

«Ngưu Lang nghe rõ! Minh Trang có gì nói?»

«Minh Trang bắc bình cải cách, yên bái tơ tằm.» (Minh Trang báo cáo, yên tĩnh).

«Cứ việc tấn tài đi! (tiếp tục đi).

Đi khoảng một tiếng đồng hồ nữa, Đen Đỏ nghe xa xa có tiếng nước chẩy róc rách, chàng nhìn vào bản đồ chấm lại điểm đứng: Mình đang ở tọa độ L10, đi khoảng hơn một giờ nữa sẽ gập dòng suối chắn ngang, từ đó tới Đồi 30 khoảng 5km. Suối nước là điểm qua trọng nhất, VC chắc chắn đóng chốt chung quanh đó, Đen Đỏ gọi máy báo cáo cho Ngưu Lang. Ông nhắc lại ráng lách qua dòng suối tới gần Đồi 30 chừng nào hay chừng nấy để quan sát hệ thống phòng thủ của VC. Đen Đỏ cho anh em xếp đội hình chữ V để dễ bảo vệ lẫn nhau (đại liên đi giữa) và nghỉ dưỡng sức, vì kể từ đây có thể đụng địch bất cứ lúc nào. Nói là nghỉ nhưng ba lô vẫn trên vai, súng vẫn để ngang đùi, mắt vẫn quan sát tứ phương. Nhìn những ba lô nặng chĩu mà Đen Đỏ thương cảm cho người lính : Mỗi ba lô là cả một gia tài, nào là thuốc lá, thuốc rê, nào là đồ ăn, gạo xấy, đồ hộp, một bộ quần áo thay đổi, nào là đạn dược, lựu đạn ... Bao nhiêu thứ đó nhét vào một cái ba lô, đi cũng còn khó nói chi phải chạy. Nhưng không ai dám bỏ bất cứ món nào cả, bỏ đồ ăn thì đói, bỏ thuốc thì thèm (nhất là ở cái xứ Pleiku gió lạnh mưa mùa này) bỏ đạn dược thì chết sớm, thôi thì cứ nê hết là xong. Khu rừng thật là yên tĩnh, thỉnh thoảng có vài con gà rừng bay bà xuống, kêu lên vài tiếng óc óc rồi lại bay mất.

“Bàng hoàng như trong cơm chiêm bao tôi thầm nghĩ,
Non nước điêu linh yêu quê hương anh phải đi”.

Tiếp tục tiến quân, Đen Đỏ vẫn cho đi theo đội hình chữ V, càng tiến gần tới dòng suối càng phải cẩn thận và do đó đi chậm hơn trước. Bất chợt Ngưu Lang gọi máy, yêu cầu chàng thay đổi lộ trình vì Thư Sinh (Đại Đội 1 ) và Vũ Phu (Đại Đội 2) sẽ từ cuối dòng suối đi ngược lên đánh thẳng vào ngọn đồi. Bây giờ nhiệm vụ của Thám sát là đi dọc theo con suối tới đầu nguồn để từ đó nổ súng đánh lạc hướng chú ý của VC, cho hai đại đội kia dễ dàng tiến lên.


Cả đám bẻ góc qua hướng Tây Tây Bắc mà tiến lên, lần này tiểu đội 1 đi trước, tiếp theo là đại liên, rồi tiểu đội 2. Nhiều điểm nghi ngờ được phát hiện, nhưng Đen Đỏ chỉ chấm vào bản đồ rồi tiếp tục di chuyển. Càng gần ngọn đòi thì cây lớn càng ít và sau đó thì hoàn toàn là đồng trống, Đen Đỏ phải cho từng tổ nhỏ 3 người di chuyển cách quãng nhau.

Mặt trời phía Tây chiếu thẳng vào mắt các chàng cọp đen làm cho việc quan sát thật là khó khăn. Tiểu đội 2 vừa tiến lên thay thế tiểu đội 1 thì một tràng thượng liên nổi lên đẩy lùi họ trở lại. Dọc bờ suối súng AK cũng bắt đầu nổ lốp bốp chặn đường. Lính Biệt Động đã quen chiến trận nên chỉ cần một cái phất tay của Đen Đỏ là cả trung đội đã vừa bắn trả đủa vừa tìm chỗ ẩn đằng sau những gốc cây, gò mối chờ đợi. Đen Đỏ nhìn quanh nhận định tình hình: Cả đám đang ở đồng trống, nếu khựng lại sẽ bị pháo đập nát thây. Nắng chói chang không tìm ra chúng đặt khẩu thượng liên ở đâu? Chạy bậy, chúng nạp ra phan không còn một mống.

Đen Đỏ bấm máy báo cho các tiểu đội sửa soạn xung phong, rồi cho đại liên bắn một loạt nhử mồi, quả nhiên khẩu thượng liên của VC trả lời liền lập tức. Rồi, chết tụi bay rồi, chàng cho hai khẩu M79 nổ vòng cầu và đại liên yểm trợ tối đa cho hai tiểu đội xung phong, diệt bằng được họng súng quái ác đó.

Đại liên nổ tới tấp, M 79 bắn liên tục, Đen Đỏ đứng thẳng lên, chỉ tay về phía khẩu thuợng liên, hô:
    «Thám sát, Xung phong !
    Biệt Động Quân SÁT»

    SÁT...

Đám cọp đen được che chở tối đa lao thẳng vào chỗ vừa ăn đạn pháo, vừa chạy bắn vừa hét để áp đảo tinh thần địch. Tiếng hét «SÁT... SÁT... SÁT»

Thật là ghê rợn và có hiệu lực, vì nó vừa làm cho người hét lên tinh thần, vừa đánh tiếng cho những đồng đội ở chung quanh biết là có phe ta đây, vừa áp đảo tinh thần địch quân. Đen Đỏ nhìn về phía trước, nắng chiều quái ác chiếu vào cặp kiếng cận càng làm chàng bị chói mắt, mồ hôi từ nón sắt đổ xuống, nhiểu tỏng tỏng vào cặp kiếng trắng. Loáng thoáng một vài thân hình đổ xuống, tiếng hô «SÁT» chưa kịp ra khỏi cổ họngđã tắc nghẹn. Người lính mang M79 ngã xuống bên cạnh Đen Đỏ, chàng nhào tới lấy khẩu súng và túi đạn, nạp một viên đạn phá bắn liền về phía khẩu thượng liên rồi hò hét đám cọp đen tiếp tục xung phong. Thấp thoáng phía trước những tia sáng chớp chớp lia lịa về phía Đen Đỏ, chàng không còn biết đó là cái gì nữa, cứ vừa nạp đạn vừa bắn vừa hò hét. Đám đại liên cũng vừa bắn vừa chạy đổi chỗ.

Đen Đỏ thoáng thấy một cái nón cối nhô lên sau công sự chiến đấu, thò cái đầu hình củ chuối ra, đám cọp đen la lên báo động: ‘Coi chừng B40 đó tụi bay!’

Một tiếng «BÙNG» thật lớn rồi đất cát bay tung tóe thật gần khẩu súng lớn. Đen Đỏ khiếp vía lo cho đám đại liên, nhưng đám lính thiện chiến này đã xách ông già có râu chạy qua chỗ khác từ khuya rồi, đang nhả đạn trả lời lia chia (Tiếng lóng của Biệt Động, gọi đại liên 60 là «Ông già có râu» vì súng này có băng đạn lủng lẳng bên hông. Súng cối 60 ly được gọi là «Ông già chống gậy» vì khi bắn phải có chân chống. Đại bác 105 được gọi là «Ông già gân»)

Đen Đỏ nghĩ thầm: «Đúng là Biệt Động, toàn thứ thiện chiến không hà, đánh còn đẹp hơn là coi ni nê nữa, không uổng công mình đăng Biệt Động»

Chua bao giờ Đen Đỏ khát nước như vậy. Chàng ngừng lại bẻ khẩu M79 xuống để lắp một viên đạn phá mới rồi ra dấu cho người xạ thủ thứ hai cùng bắn vào căn hầm trước mặt. Tiếng nổ thật lớn làm tung đất đá gỗ và thân người lên trời, Đen Đỏ cũng kiệt lực, ngã nhào xuống đất. Người lính mang máy truyền tin vội vàng chạy tới, mếu máo: "Ông Thầy bị rồi hả?".

Chàng ra dấu cho nó biết mình không sao cả rồi ráng ngồi dậy. Một người lính khác xông tới đở chàng lên, miệng nói: "Ráng chút xíu nữa di Thiếu úy, ông thầy bắn xụp hầm của tụi nó rồi".

Đen Đỏ vùng dậy theo sức kéo của người lính và quan sát chung quanh. Đám Biệt Động tưởng chàng gục luôn nên hơi lúng túng, nay đã lên tinh thần trở lại, tiếp tục hò hét bắn phá. Những tiếng hô « SÁT. . . SÁT » vang khắp nơi. Chàng đeo khẩu M79 lên vai trái, gỡ khẩu M16 trên vai phải xuống cầm tay vừa bắn vừa hô anh em tiến gấp.

(Trước khi lên xe, người Trung Sĩ đã đem tới cho chàng khẩu súng này, nói rằng chiến trường vùng 2 cần cái này lắm, chàng cho là vướng víu nhưng cũng nhận vì không thể bỏ lại được, nay chàng mới thấy người Trung sĩ có lý).

Tới căn hầm bị mình bắn xập hồi nẫy, chàng nhào vào thật nhanh và dùng nó làm điểm tựa để thanh toán đám VC ở phía bờ suối. Đám cọp đen ùa lên chạy doc theo giao thông hào bắn hạ nốt những tên VC còn sót lại. Khẩu đại liên cũng tìm đường vào hầm, đặt súng vào một vị trí cao nhất bắt trở lại phía bờ suối, Đen Đỏ nhìn rõ từng tên VC lội suối chạy dạt về phía ngọn đồi, chàng bốc máy báo cáo cho Ngưu Lang:

- Tôi nắm cổ được một con lươn rồi, đang ở trong hang của nó’.

Ngưu Lang đang la hét om xòm trong máy ra lệnh cho Vũ Phu và Thư Sinh, nghe Đen Đỏ báo cáo, ông hét lớn hơn nữa: "ĐM ! Sao mày khờ quá vậy? Căn nhà đó tụi nó biết địa chỉ rồi, dông lẹ đi, nó pháo bể gáo hết bây giờ!. (Đời lính chửi thề là chuyện bình thường)

Đen Đỏ vội vàng gọi máy ra lệnh cho hai tiểu đội tấn công về phía bờ suối. Một Cọp đen thừa thắng vừa bắn vừa la lớn: "Biệt Động Quân tới nhe tụi bay! ĐM! Đứa nào muốn sống thì bỏ súng quỳ gối cho thẳng hàng cho tao coi thử, còn không thì tao bắn bể gáo dừa tui bây hết cho coi".

Vừa kịp quét hết đám VC chiếm lại bờ suối là một trận mưa pháo đã trút vào phía căn hầm, đất cát và khói đen bay tung khắp noi. Đen Đỏ rùng mình: Chỉ chậm một chút là cả bọn nát ra như cám. Từ phía hậu cứ xa xôi có tiếng cắc cắc liên tiếp, đám cọp đen nhao nhao la lên:

‘Đại bác đề ba đó, pháo 105 của mình đó! Khỏe rồi!’

Một lúc sau, những tiếng «Uỳnh Uỳnh» nổ liên tục vào căn cứ địa của ngọn Đồi 30. Đen Đỏ lấy bi đông nước tu một hơi dài và nằm vật ra đất. Đám lính nhân cơ hội nhào ra suối lấy bi đông múc nước mang chung quanh người rồi rút trở lại những hố thiên nhiên bên bờ suối thật nhanh.

Tiếng hò hét từ bên kia dòng suối bắt đầu vang lên, rồi đạn lớn đạn nhỏ thi nhau nổ.

Có tiếng Ngưu Lang trong máy: - Ông Già Gân cần nói chuyện với Minh Trang đó.

Đen Đỏ liền đổi tần số máy truyền tin để liên lạc với căn cứ Pháo binh. Người Pháo Đội Trưởng hỏi địa chỉ mới (tọa độ) của đám Thám Sát và yêu cầu chàng giúp điều chỉnh độ chính xác của Ông Già vào căn cứ trên Đồi 30. Liền theo đó, một trái đạn khói được bắn ra, chàng nhìn theo điều chỉnh lại tần số, hai trái khói nữa được bắn thêm để nghiệm lại độ chính xác và cuối cùng là hàng loạt đạn nổ chụp lên ngọn đồi. Lính cọp den đứng hết ra ngoài nhìn Ông già gân đang làm việc một cách khoái trá. Một vài chàng lanh tay đã nhóm lửa nấu cơm : Gạo xấy chỉ cần nước nóng đổ vào và 5 phút sau đã có cơm nóng ăn liền, khô cá nướng 30 giây là chín (30 giây là câu nói thông thường của các đàn anh trong Quân Trường Thủ Đức khi ra lệnh cho đàn em làm việc gì cho mau, chứ 30 giây thì không làm xong được cái gì cả).

Xả và ớt chống sốt rét thì chỗ nào cũng có mọc, mỗi lần di ngang chỗ nào thấy cò xả có ớt là phải lanh tay nhổ, hái bỏ ngay vào túi áo, khi ăn cơm cứ việc móc túi ra là có đồ ăn ngay. Muốn có canh thì chỉ việc tuột một lô lá ớt, thêm vài con cá khô bỏ vào cái ca uống nước nấu sôi lên là có một tô canh ngon lắm rồi. Đời lính chiến ăn thế là đủ, không đòi hỏi cao lương mỹ vị làm chi cho rắc rối cuộc đời! Mà có đòi thì cũng không có.

Ông già Gân làm việc xong là các cọp đen ở bên kia sông ào ào phóng lên đồi. Ngưu Lang lại gọi máy: - «Thằng Vũ Phu tấn tài chào hỏi( tăng cường) chú mày đó! Cả hai ráng cải cách đại đạo (chặn đường) tụi Vịt Con chạy lạc qua đó, bên đây tụi tao lo»


Đen Đỏ chuyển số nhà gọi cho Vũ Phu. Hắn ta cười khan mà rằng: «Minh Trang có chơi trò «Trọng Thủy Mỵ Châu» thì làm ơn gỡ rối tơ lòng cho tôi với!»

(Có nghĩa là nếu Đen Đỏ có cho rải mình trên đường đi thì làm ơn gỡ mìn ra cho lính của anh ta lên. Thông thường lính Biệt Động đóng ở đâu là lo gài mìn chung quanh chỗ đó để phòng thủ, dù là chỉ dừng quân ngắn hạn).

Đen Đỏ nhìn về phía sau nơi người Tiểu đội trưởng, ra dấu hỏi lại? Anh ta đưa bàn tay làm dấu là cần 3 phút chàng trả lời Vũ Phu là chờ khoảng3 tới 5 phút nữa rồi hãy cho con cái khoan khoái hưởng nhàn (khởi hành).

Có ai gọi phía đằng trước, Đen Đỏ vội quay lại. Hai người lính cầm sẵn cơm canh ấp úng:

«Mời Thiếu Úy ăn chút cơm với tụi em cho vui!»

Chàng không đói, chỉ khát nước thôi, nhưng nhớ lại ngay lời người huấn luyện viên bài học «Mưu sinh thoát hiểm» trong quân trường Dục Mỹ: «Ở ngoài trận địa, ăn được lúc nào thì ráng mà ăn, không có chuyện đói hay không đói. Vì sẽ có lúc muốn ăn mà không có thì giờ để ăn»

Nên chàng cám ơn người lính, cầm chén ăn ngay. Một người lính bắt chuyện, nói: «Thiếu úy ... chì quá! Mới đánh trận đầu mà đã thắng, lượm được thượng liên của tụi nó!

Đen Đỏ chưa kip nói gì thì người lính thứ hai nói tiếp, giọng thật là vui vẻ: «Em thấy rõ thằng giữ thượng liên, nó nhắm Thiếu úy mà bắn không hà! Chắc nó thấy ông thầy phóng tới dữ quá nên hoảng vía, bắn bậy bạ không dính ông thầy viên nào hết trơn!»

Đen Đỏ chợt giật mình, lạnh toát người: Lúc đang xung phong, chàng có thoáng thấy những đóm chớp chớp trước mặt, nhưng phần vì chói mắt, phần vì mồ hôi tuôn xuống ướt hết mắt kiếng. chàng cứ tưởng đó là do mặt trời chiếu vào ống lon nào đó, hắt tia nắng vào mắt mình, nên mặc kệ, cứ thế mà xông lên, đâu biết rằng khẩu thượng liên đang nhắm mình mà chơi xả láng. Thằng bắn thượng liên chắc bị bỏ đói cả tháng nay rồi, hoặc đang lên cơn sốt rét nên mới bắn trật mình. Nó mà bắn giỏi thì mình nát thây rồi. Mới có bài học đầu tiên này mà mình đã xém rửa chân lê bàn thờ ngồi rồi, đã muốn lên chức ... «Cố Thiếu Úy» rồi! Còn ... bao nhiêu bài học cỡ này nữa để mà lên được Trung Úy như ông Phúc kia?

Thật là ... Phước Đức Ông Bà! Hú hồn Hú vía, khờ ơi là khờ!

Đen Đỏ nghe người lính kể lại cái màn xung phong của mình mà mồ hôi toát ra đầm đìa, chân rung lên thiếu điều đứng không vững nữa. Bây giờ mới thấy hoảng hồn, mới thấy sợ!

Người lính thứ nhất lại khen nữa: «Thiếu Úy bắn M79 như ... để vậy đó! Trúng phóc ổ thượng liên của tụi nó, làm tụi em lên tinh thần quá trời! Thằng Nội, xạ thủ 79, bị ngay ngực còn băng bó nằm một đống đằng kia, cũng ráng nhờ em chuyển lời cho Thiếu úy, nói rằng, nó có chết cũng nhắm mắt được, vì ông thầy đã trả thù cho nó rồi».

Đen Đỏ lại càng ... quê hơn nữa. Vì lúc đó, cặp mắt kiếng đã bị mồ hôi làm mờ hết đi rồi, chàng có thấy cái gì đâu mà nhắm với mở? Cứ thế mà bắn đại vậy thôi ... «Mèo mù vớ cá rán» vậy mà! Nhưng ngoài mặt vẫn làm oai:

«Ờ ... mình ráng làm được cái gì thì cứ làm! Nhờ anh em quen trận mạc, hăng hái tiến lên, nên tôi mới có gan mà hô xung phong đó chớ!»

Chàng chưa kịp nói hết câu thì Ngưu Lang lại kêu, ông ta muốn chàng dắt đám con cái lên trấn cái ụ đất chiếu tướng qua ngọn đồi 30. Thế là cả bọn vội vàng thu dọn chiến trường, lo cho những người bị thương. Các Tiểu đội trưởng báo cáo:

«Tổng Thống không viếng thăm (không ai tử trận), nhưng có 3 Bộ Trưởng muốn nghỉ hè và 2 muốn nghỉ cuối tuần (3 bị thương nặng và 2 bị nhẹ). Đã lo xong rồi»

Đen Đỏ nghe xong, ra dấu cho mọi người dắt dìu nhau lên đường, cũng không xa cho lắm.

Một người lính nào đó cằn nhằn: «Chưa ăn hết miếng cơm đã kêu đi!».

Có tiếng khác đáp lại ngay: «Giờ này đâu phải giờ ăn của mày mà nói ăn chưa hết!»

Một người lính khác lên tiếng: «Biệt Động là vậy đó!

Ai biểu ham bận đồ bông ... Ai biểu ham làm «Cọp Đen! Mới chịu cực có chút xíu mà đã càm ràm. Dzề nhà ngủ đi mày!»

Người lính tặng cơm cho Đen Đỏ hồi nẫy, trả lời lại: «Ai biểu tụi bây cà rề làm chi! Tao ăn no rồi, chén bát cũng rửa xong rồi đó đa».

Anh ta sốc lại dây ba lô, quơ cây súng tiến về phía trước, vừa đi vừa nói:
MÌNH . . . BIỆT ĐỘNG MÀ !

Người Lính Biệt Động Việt Nam Cộng Hòa của tôi, là thế đấy!

Nguyễn Khắp Nơi

Nhắn tin:
BĐQ Thiếu Úy Nguyễn Thúc Đạm và Thiếu Úy Võ Minh Châu,
Nếu hai bạn đọc được bài này, xin liên lạc với tôi qua địa chỉ của Take2Tango.

Bạn cũ khóa 1/72 Thủ Đức và 50 RNSL.