Thursday, July 23, 2009

NÚI CÔ TÔ VẪN THUỘC VỀ VIỆT NAM CỘNG HÒA - Nguyễn Khắp Nơi


Hình chụp Núi Cố Tô tháng 11 Năm 1968
Nguyễn Khắp Nơi

Lễ kỷ niệm 49 năm thành lập Binh Chủng Biệt Động Quân đã được anh em Biệt Động Quân New South Wales Úc Đại Lợi tổ chức rất trọng thể tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Sydney, vào ngày thứ Bẩy 4 tháng Bẩy 2009 vừa qua. Trong dịp này, tôi đã được hân hạnh nói về một trong những chiến thắng oai hùng của binh chủng Biệt Động Quân:

Chiến thắng tại Núi Cô Tô, Châu Đốc, năm 1970

Núi Cô Tô, còn được gọi là Núi Bái Voi, là một trong bẩy ngọn núi nổi tiếng của dẫy Thất Sơn, tỉnh Châu Đốc, sát bên các tỉnh Kiến Phong, Phong Dinh, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Chương Thiện và Kiên Giang. Đây là những vùng đất trù phú nhất của miền Nam, đã một thời được coi là “Vựa Lúa” của Việt Nam cũng như của vùng Đông Nam Á. Vì là một vùng đất trù phú, có núi non hiểm trở, lại dễ xâm nhập bằng đuờng bộ từ phía Cao Miên và đường biển từ Vịnh Thái Lan, nên Việt Cộng đã biến vùng núi Thất Sơn trở thành một căn cứ dưỡng quân và kinh tài lớn nhất ở vùng IV.Vùng núi này được gọi là “Thất Sơn” bởi vì nó bao gồm bẩy ngọn núi chính:

Bẩy ngọn núi của Dẫy Thất Sơn

1. Núi Trà Sơn (tên của một vị sư tên là Trà,

2. Núi Két (Giống hình mỏ con két),

3. Núi Bà Đội Om (giống một người đàn bà đội nón om của người Miên),

4. Núi Cấm (cấm không được lai vãng),

5. Núi Tượng (giống vòi con voi),

6. Núi Dài (dài 8000m, dài nhất trong các ngọn núi),

7. Núi Cô Tô – còn có tên khác là Núi Tô hoặc Núi Bái Voi – có hình như một cái tô lật úp.

Núi Cô Tô dài 5800m, ngang 3700m, cao 614m, thuộc địa phận quận Tri Tôn. Dân trong vùng đa số là người Việt gốc Miên, gọi là Khmer Krom. Từ khi khởi động chiến tranh năm 1954, Việt Minh đã biến vùng Thất sơn trở thành một căn cứ địa mà chúng cho là bất khả xâm phạm. Kể từ năm 1956, căn cứ này trở thành nơi dưỡng quân chính của Sư Đoàn 1 CSBV (gồm 3 trung đoàn 95A, 18 B và 101D ), bộ tư lệnh của chúng đóng ở bên kia biên giới Cao Miên. Bọn chúng đã dùng địa thế hiểm trở của ngọn núi Cô Tô để biến những hang động thiên nhiên ở đây thành nơi dưỡng quân, bệnh viện và kho chứa lương thực thật là an toàn. Để ngăn ngừa sự xâm nhập và tiêu diệt bọn cộng phỉ, chính phủ VNCH đã cho thành lập Biệt Khu 44, bao gồm địa phận các tỉnh Kiến Phong, Châu Đốc và một phần của tỉnh Kiên Giang.


Hình Núi Cô Tô chụp từ Satellite (Google Earth)

Sau cuộc tổng công kích tết Mậu Thân, tàn quân của Việt Cộng kéo về vùng núi Thất Sơn để chữa trị và bổ xung quân số, tạo nên một căn cứ địa thật lớn mà Quân lực Việt Nam Cộng Hòa nhất định phải dẹp tan. Từ tháng 2 năm 1969, Quân Đoàn IV đã quyết đinh mở một cuộc tảo thanh trong vùng Thất sơn, triệt hạ bằng được mật khu trong vùng núi Cô Tô. Lực lượng hành quân bao gồm Lữ Đoàn Mike Force (Lực Lượng Tác Chiến Lưu Động) từ Nha Trang đưa về, quân số cơ hữu của Biệt Khu 44 và Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Tin tình báo cho biết, tiểu đoàn 510 của CSBV đang bảo vệ căn cứ này cùng với 1 bộ chỉ huy cấp trung đoàn đóng tại hang núi Tuk Chup.

Cô Tô là núi đá hoa cương, rất cứng, lại có hang động thiên nhiên thật nhiều, thế nên, mặc dù trước khi đổ quân, pháo binh đã bắn rất nhiều vào khu núi và không quân cũng đã mở thật nhiều đợt oanh tạc, nhưng bọn Việt Cộng ẩn nấp trong hầm sâu vẫn được an toàn.

Đường bộ di chuyển đến chân núi lại cực kỳ khó khăn, phải lội qua những con suối nước chẩy rất xiết. Khi tới chân núi thì lại không có đưởng mòn để đi lên, những chiến binh của ta đã phải dùng dây có móc sắt ném lên để rồi từng người lính leo dần lên. Bọn Việt Cộng nấp trong hang đá cứ thế mà bắn ra, làm cho cuộc tiến quân bị kéo dài và và thiệt hại nhiều cho những đơn vị đầu tiên. Đến tháng 9 năm 1970, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 quyết định sử dụng một chiến đoàn, trong đó, 2 tiểu đoàn 42 và 44 Biệt động quân là nỗ lực chính để tấn công Núi Cô Tô. Cuộc hành quân đặt dưới sự điều động của bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ binh, do chuẩn tướng Trần Bá Di làm Tư Lệnh.Hướng đạo dẫn đường đoàn quân là các hồi chánh viên ở Tri Tôn. Các đơn vị Biệt động quân di chuyển từ bãi đổ quân nơi chân núi vào khu vực hành quân. Các chiến sĩ Biệt Động Quân đã phải lội qua những con suối, con lạch mà mực nước có nơi lên đến ngang ngực. Khi đến vị trí tập trung, tiểu đoàn còn phải phá đường qua rừng tràm để khởi động cuộc tấn công. Điểm kháng cự chính của Cộng quân là một hang động nằm ở khoảng cao độ 1/3 tính từ chân núi lên đến đỉnh về hướng Đông Bắc. Một trung đội quyết tử của Cộng quân được bố trí đóng chốt tử thủ tại đây. Toán Cộng quân này được trang bị các vũ khí tối tân, hỏa lực rất mạnh, trong đó có cả đại bác không giật 57 ly.Trong trận đánh quyết định vào ngày 21 tháng 10 năm 1970, tiểu đoàn 44 đổ quân đánh từ chân núi đánh lên, tiểu đoàn 42 sẽ từ trên đánh xuống.Tiểu đoàn 42 đã đổ quân vào ban đêm, dùng chiến thuật gọng kìm: 2 đại đội án ngữ khu lưng chừng núi, đánh lên, hai đại đội còn lại sẽ được đổ ngay trên đỉnh núi, đánh xuống.

Hai đại đội “Đánh xuống” được trang bị hoàn toàn bằng lựu đạn cá nhân: Từ vị Tiểu đoàn trưởng cho tới người lính xung kích, đều cột súng dài vào người, lựu đạn nhét đầy túi quần túi áo, nón sắt cũng lột ra để đựng lựu đạn, đã được trực thăng vận ngay lên đỉnh núi Cô Tô để từ trên đánh xuống.

Tới giờ G, các chiến sĩ Mũ Nâu từ trực thăng nhẩy xuống đỉnh núi, rồi cứ từng tổ 3 người vừa nhào xuống núi vừa thẩy lựu đạn vào trong các hang núi có bọn Việt Cộng đặt chốt sẵn. Đánh xung kích kiểu này có lợi thế là thật bất ngờ và mãnh liệt: Lựu đạn được thẩy vào từng hang đá, từng góc núi. Toán này thẩy lựu đạn chưa diệt được hết bọn VC thì toán kế tiếp đã trờ tới thẩy tiếp lựu đạn vào hang diệt trọn ổ. Nhưng bất lợi là không dùng súng, nếu rủi ro bị tên địch nào sống sót bắn trả lại, sẽ không kịp lấy súng ra để chống cự. Tuy nhiên, vì bị đánh quá bất ngờ, vả lại, bọn Việt Cộng cũng không thể ngờ những chiến binh Biệt Động đã dùng chiến thuật quá thần tốc như vậy, nên đa số bọn chúng chưa kịp bắn phát đạn nào thì đã bị “Sinh Bắc Tử Nam” hết rồi.

Tới lưng chừng núi, 2 đại đội này dừng lại đóng chốt để 2 đại đội kia lặng lẽ dùng dây leo núi leo lên chờ sẵn ở ngoài những hang động. Bọn Việt Cộng còn sống sót, tưởng là những “Thần Chết” đã đi khỏi rồi, vội vàng bò ra ngoài để xem tình thế, đã bị tỉa hết từng đứa. Những ổ kháng cự còn lại, cũng bị các chiến sĩ Mũ Nâu bò vào từng khe núi mà tiêu diệt.

Với kinh nghiệm “Tỉa từng người, diệt từng chốt” tối hôm qua, sáng sớm ngày hôm sau, Biệt Động Quân không tấn công lớn nữa, mà cho các đại đội phân chia ra từng tổ 3 nguời bò đi khắp núi để lục soát và tiêu diệt những chốt còn lại của Việt Cộng. Lý do là vì: Hang động quá nhiều, tập trung binh lính ở một chỗ sẽ rất dễ bị bắn sẻ hoặc bị tập kích. Đến trưa, số Cộng quân đóng chốt bên ngoài các hang đá đã bị tiêu diệt hết, nhưng vẫn còn súng từ trong bắn ra. Anh em Biệt Động dùng loa phóng thanh kêu gọi bọn này ra đầu thú, chỉ có một số ít dám ra mà thôi, số còn lại cố thủ trong hang sâu, lính ta bò vào bị bọn chúng thẩy lựu đạn hoặc bắn ra rất dữ dội. Cuối cùng, các chiến sĩ mũ nâu phải dùng lựu đạn hơi ngạt CS2 hun chúng suốt đêm tới sáng. Trời sáng, lộ rõ quang cảnh: Thổi khói vào từ một chỗ, nhưng khói phun ra lại ở rất nhiều nơi: Có tới từ 10 tới 12 lối ra. Anh em chiến sĩ cứ tiếp tục phun hơi ngạt vào và theo những chỗ có khói thoát ra mà thả lựu đạn xuống.

Kết quả thật khả quan: Từng toán từng toán cộng quân ho sặc sụa đầy nước mắt buớc ra đầu hàng, kê khai tất cả những gì chứa trong hang núi. Theo đó, anh em chiến sĩ Biệt Động Quân đã khám phá ra một hang núi thật lớn. Hang này bao gồm một hệ thống nhiều hang nhỏ chằng chịt với nhau, dùng làm bệnh viện cho cả một trung đoàn Việt cộng. Ba ngày sau, anh em binh sĩ theo lời khai của tù binh, đã khám phá ra một hang lớn nữa, đó là nơi đặt bản doanh của tiểu đoàn 510 do tên Châu Kem làm Tỉểu đoàn trưởng. Tại hai hang động này, chiến sĩ ta đã tịch thu được rất nhiều vũ khí cùng quân trang quân dụng, thuốc men, dụng cụ y khoa, tiền bạc và rất nhiều quân lương.

Cuộc hành quân tảo thanh Cộng quân ở núi Bá Voi chấm dứt vào ngày 20 tháng 11 1970 với kết quả là hàng trăm Cộng quân bị bỏ xác tại trận, toàn bộ hệ thống kinh tài, kho võ khí, tiếp vận của Cộng quân dành cho lực lượng Cộng quân địa phương tại vùng Châu Đốc, Rạch Giá bị phá hủy. Căn cứ Cô Tô, một căn cứ mà bọn Việt Cộng rất tự hào là “Bất khả xâm phạm” đã bị phá hủy tan tành. Tiểu đoàn 510 của Cộng sản Bắc Việt đã bị xóa sổ, biệt tăm biệt tích cho tới khi chiến tranh chấm dứt.

Về phía tiểu đoàn 42 và 44 BĐQ, có 81 chiến binh vừa tử trận vừa bị thương.

Qua bữa thứ Hai 06 07 2009, tôi đã được một độc giả gọi điện thoại báo cho một tin thật là khó tin:

“Ông vừa nói về chiến thắng núi Cô Tô, phải không? Tôi báo cho ông một tin mừng: Núi Cô Tô ở Châu Đốc vẫn còn thuộc về Việt Nam Cộng Hòa đó! Bằng chứng là Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vẫn còn hiện diện ở trên cám mỏm đá của Núi Cô Tô. Cờ được sơn thật là rõ nét, không thể nào lầm được!”

Hình chụp năm 2008:
Cờ Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn trên đỉnh núi Cô Tô, Châu Đốc.

Tôi không tin, hỏi ông có bằng chứng gì không mà dám nói? Ông bạn mới quen hẹn gặp tôi khoảng một giờ sau, sẽ đem tới cho tôi coi những tấm hình mới chụp đường hoàng.

Đúng giờ, ông bạn mới tên Minh tới gặp tôi thật, ông kể rằng:

“Vào năm 2008, hai vợ chồng tôi có về Châu Đốc thăm bạn bè. Hai người lính ngồi nhậu lai rai, kể lại những trận chiến ngày xưa, nhất là trận đánh ở Núi Cô Tô. Người bạn vui vẻ cho biết, anh hồi đó đang ở Tiểu Đoàn 42, có tham dự trận đánh này. Sau trận đánh, anh và đồng đội đã vẽ rất nhiều cờ Việt Nam Cộng Hòa trên những mỏm đá trên núi Cô Tô. Nay, một số cờ Vàng đã bị xóa đi rồi, nhưng một số vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Sáng sớm ngày hôm sau, hai anh em đã dẫn nhau leo lên núi Cô Tô, và đúng như lời anh bạn đã nói, những lá cờ Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đó, tôi đã vội vàng chụp mấy tấm hình lá cờ,đem về làm kỷ niệm.

Buổi chiều Chủ Nhật vừa qua, tôi được một người bạn ở Sydney có tham dự lễ 49 năm Biệt Động Quân, cho biết là “Có nghe Nguyễn Khắp Nơi nhắc tới trận chiến này”, nên tôi liền gọi điện thoại cho anh để báo tin và tặng những tấm hình này cho anh và cho độc giả của Việt Luận làm tài liệu.”

Xin cám ơn anh Minh và mời quý độc giả cùng thưởng lãm tấm hình độc đáo này.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, lại có một anh bạn khác, tên Phùng, tới gặp tôi, xin cái phù hiệu Biệt Động Quân để đem về Việt Nam tặng cho người bạn cũ, là lính Cọp Đen ngày xưa. Anh Cọp này bị bệnh nặng, muốn có cái huy hiệu Biệt Động, để, nếu có chết, sẽ yêu cầu vợ con chôn cái huy hiệu này theo quan tài.

Khi được tôi cho xem tấm hình cờ Việt Nam Công Hòa trên núi Cô Tô, anh Phùng cũng đã xác nhận với tôi là:

“Đúng! Chính mắt tôi cũng đã nhìn thấy những lá cờ Việt Nam Cộng Hòa còn rõ nét trên đỉnh núi Cô Tô.”

Tôi thắc mắc, hỏi anh:

“Bọn Việt Cộng rất sợ, rất kỵ những gì còn lại của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, nhất là Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Lý do nào mà bọn chúng lại không xóa hết đi những lá cờ trên núi Cô Tô đi?”

Người bạn mới của tôi suy nghĩ một lúc, rồi mới trả lời:

“Bọn Việt Cộng vẫn còn cay cú về trận Cô Tô lắm! Từ lúc bắt đầu cuộc chiến, chúng đã khoe khoang “Mật khu Núi Cô Tô là bất khả xâm phạm” Sau đó, bị quân đội ta đánh cho tan hoang, chúng hận thù ghê lắm. Nay chiến tranh chấm dứt rồi, chúng mới lại được dịp khoe lại cái mật khu cũ, để lá cờ VNCH còn lại để ra oai đó mà. Mặc kệ cho chúng khoe khoang, đối với chúng ta, nơi nào có cờ VNCH, nơi đó là đất của chúng ta, phải không, anh bạn?Hơn nữa, cái gì đúng thì sẽ lưu danh muôn thủa, bây giờ khác lắm rồi, anh Khắp Nơi ạ! Bọn Việt Cộng có đàn áp, có bắt buộc người dân tới đâu đi nữa, cũng không thể đi vào tâm tư của từng người một. Dân chúng họ nhớ tới thời Cộng Hòa Tự Do của chúng ta lắm, họ hết sợ cái đám Cộng Sản rồi, họ có cờ của mình, họ cứ việc trưng (ở trong nhà). Nhất là những thanh niên trẻ, họ nghe nhạc Lính của mình, họ nhìn lại những hình ảnh oai hùng của người Lính Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, họ đọc những bài viết về thủa xưa thịnh trị của Miền Nam, họ thích lắm. Các thanh niên này đã tìm mua những bộ quân phục của Lính mình ngày xưa, gắn phù hiệu binh chủng vào, mặc đi đầy đường đầy phố hết trơn á! Tại anh không về Việt Nam, nên không biết đó thôi. Hồi trước, ở khu Dân Sinh và các chợ trời, có bán đầy những bộ quân phục và huy hiệu lính, nhưng bây giờ, tìm đỏ con mắt cũng không có. ”

Lạ quá nhỉ! Cờ Việt Nam Cộng Hòa còn? Thanh niên trẻ thì thích nghe nhạc Lính? Thích mặc quân phục của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa?

Không lẽ mai đây, chính quyền Việt Cộng cũng trở thành . . . chính quyền của Việt Nam Cộng Hòa Do Dân và Vì Dân, có Nhân Quyền, có Tự Do báo Chí, Tự Do Tín Ngưỡng?

Biết đâu đấy! Lòng dân muốn là cái gì cũng phải được!

Bánh xe lịch sữ đã quay, đang quay và còn quay mãi. Chủ Nghĩa Cộng Sản trước sau gì cũng bị quay vào quá khứ mà thôi.

Người Việt của tôi, là thế đấy!

Nguyễn Khắp Nơi

Tài liệu tham khảo

Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, Nguyễn Đức Phương
Lược Sử Tiểu Đoàn 42, Vương Hồng Anh 99

Bản đồ Thất Sơn
( Đây là bản đồ hành quân tỉ lệ 1/25.000 - Bấm vào chữ Thất Sơn để phóng lớn bản đồ)

Source: vietluanonline.com

No comments: