Saturday, May 30, 2009

Chuyến Bay Định Mệnh - Phạm Văn Bản

Phạm Văn Bản


Vào những tháng cuối năm 1974, phi đoàn Thần Báo chúng tôi nhận lệnh di chuyển về biệt đoàn 74 zulu đóng quân ở phi trường Tân Sơn Nhất. Cũng kể từ những ngày ấy, trung tâm hành quân của biệt đoàn được đặt tại một khu trường cai nghiện cũ, Sư Đoàn 5 Không Quân. Nơi đó kế cận với ủy ban quân sự liên hợp của Cộng Sản Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Hàng ngày di chuyển qua lại trong căn cứ, chúng tôi, những sĩ quan phi hành lúc nào cũng giữ tác phong quân kỷ và lịch sự chào hỏi với nhóm Cộng quân đang đóng tại nơi đây.

Nhưng ngoài chiến trường kia chúng tôi lại nghiêm khắc với bản thân mình, chi ly tính toán trong việc điều chỉnh những trái bom hay những trái đạn hỏa tiễn sao cho rót trúng đầu địch. Nhiệm vụ của những người hoa tiêu khu trục chúng tôi là yểm trợ quân bạn, đang ngày đêm miệt mài chiến đấu bảo vệ đời sống an lành của đồng bào miền Nam Việt Nam tự do.

Tình hình chiến sự lúc này cũng đang leo thang mãnh liệt. Phía Cộng quân đã mở được những trận tấn công lớn, có chiến xa T54 tháp tùng, được trang bị hỏa lực phòng không mạnh … nhằm ngăn chận các phi vụ oanh kích của chúng tôi đang yểm trợ bộ binh. Với những dàn phòng không cao xạ của địch, khi phát hỏa làm thành một trận thiên la địa võng … tưởng đâu đã giúp địch quân dễ dàng tung hoành, tấn công đánh phá các đơn vị tiền phương của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đây là những tiền đồn đang đóng rải rác, trải dài và trấn dọc theo biên giới Lào Miên, ngăn chận cuộc xâm nhập của Cộng quân từ đường mòn “hồ chí minh” đổ qua hướng Hạ Lào.

Bởi thế, những danh xưng của Cộng quân từ các cấp lớn nhỏ, những đoàn chiến xa T-54, những dàn cao xạ phòng không, những địa danh mà địch chuyển quân … thì bất cứ người hoa tiêu nào trong biệt đoàn chúng tôi, ai cũng phải biết và ai cũng thuộc lòng. Chúng tôi thuộc lòng tọa độ địch, thuộc lòng đơn vị địch, thuộc lòng hỏa lực địch.

Vì chiến tranh gia tăng ác liệt, cho nên những số phi vụ hành quân của phi đoàn cũng được tăng theo. Trung bình mỗi hoa tiêu thường trực ba bốn phi xuất trong ngày, ngoại trừ bay những phi vụ cấp cứu, bảo vệ vùng cho bạn mình, đã bị lực lượng phòng không Cộng quân bắn rơi. Số hoa tiêu tử trận của phi đoàn Thần Báo theo thứ tự của thời gian là Thiếu Úy Nguyễn Văn Xi, Trung Tá Huỳnh Văn Vui, Thiếu Tá Nguyễn Minh Sơn, Thiếu Úy Phan Văn Mỹ Anh, Thiếu Úy Nguyễn Văn Cử, Thiếu Úy Nguyễn Trường Thới …

Tôi mãi sao quên được những ngày mãn khóa phi hành ở Hoa Kỳ về nước, Xi và tôi lại được Bộ Tư Lệnh bổ nhiệm về phục vụ Phi Đoàn 520, Không Đoàn 74 Chiến Thuật, Sư Đoàn 4 Không Quân, và trở thành cặp bài trùng đơn vị kể từ ngày ấy. Sau khi trình diện đơn vị, Xi rủ tôi về Sài Gòn, vào Salon Cự Phú lấy ra hai chiếc Vespa mới toanh. Chúng tôi chạy về đơn vị, rồi giao xe cho nhóm bảo trì phi cơ, để sơn lại xe theo màu ngụy trang của A-37, gắn huy hiệu phi đoàn và khắc nổi tên mình trên xe, trông oai phong lẫm liệt.

Hai cây súng P-38 của chúng tôi, cũng được mang đi mạ bạc và đánh xi bóng lưỡng, báng súng gỗ thì tháo bỏ đi, và thay vào loại báng làm bằng nhôm phi cơ, có khắc hình long phụng và tên tuổi. Đạn thì được đánh bóng, gài vào bao đai da với những loại đặc biệt và hiếm qúy như đạn chài, đạn chì, đạn bi, đạn lửa, đạn xuyên phá … mà chúng tôi “ngoại giao” với cảnh sát tỉnh Phong Dinh mới có. Tài tử cao bồi Texas cũng đâu sánh bằng!

Hằng ngày, Xi và tôi tranh nhau đánh giặc mỗi khi có phi vụ ra ngoài tiền tuyến, ai phá sớm mục tiêu thì thắng. Hằng chiều, chúng tôi về hậu phương lãnh giải bằng một chầu ở quán Nhớ Đời quận Bình Thủy, một cảnh tuyệt đẹp nơi miền sóng nước tây đô. Sở dĩ chúng tôi thường chọn nhà hàng này, vì đặc sản hấp dẫn như trong thi ca, “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, xuống âm phủ biết có hay không.” Cho nên, mỗi khi nhận được lệnh hành quân, là cả hai chúng tôi phải tranh nhau, chạy vào phòng dù lấy nón áo súng đạn, khoác vội lên người, leo xe phóng ra phi đạo. Câu châm ngôn dùng trong quyết định thành bại hàng ngày của chúng tôi, là mở máy sớm, cất cánh sớm, đánh giặc sớm. Nếu ai bay trễ, đến lúc mục tiêu khi đã bị đánh tan tành, thì đương nhiên người ấy thua cuộc và tự giác bỏ tiền bao nhậu, không thể chối cãi!

Tuổi xuân đôi mươi của chúng tôi lững lờ, trôi theo thời gian hoạt động tác chiến của đơn vị, tới một ngày định mệnh, vô tình tọa độ hành quân đó lại là quê hương sinh trưởng của Xi – quận Mỏ Cày tỉnh Kiến Hòa. Lúc ra phi đạo mở máy, Xi liên lạc gọi tôi, “Tao đi trước, về xem cái nôi ra sao!”

Xi tiến đánh mục tiêu trước tôi, đang khi tôi làm vòng chờ, ngoài vùng hỏa tuyến. Tôi chăm chú nhìn bom Xi vừa thả, còn đang rơi lơ lửng, và vừa lúc Xi kéo tàu lấy lại cao độ, thì đột nhiên một loạt hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 từ bờ Sầm Giang bắn lên. Trông đầu đạn đỏ lừ và đang chạy theo đuôi phản lực tàu Xi, tôi vội gọi Xi bắn ra trái sáng, để phá hủy loại hỏa tiễn tầm nhiệt này. Nhưng định mệnh đã an bài cho Xi, bởi rằng vệt dài khói trắng ác nghiệt kia đã theo kịp tàu Xi tạo thành một khối lửa như ngọn đuốc thắp sáng rực trời, rồi nổ tung như xác pháo trên bầu trời xanh bao la, bàng bạc điểm vài áng mây.

Tôi nức nở khóc, và gọi Xi đến khan cả giọng: “Thần Báo 12 nhẩy dù”… không tiếng trả lời! “Thần Báo 12, đây 22 nghe rõ, trả lời!” Lời điện đàm lần cuối của tôi, trong tiếng nấc nghẹn ngào với dòng lệ tuôn trào. Cũng trong ngày Xi tử trận, ông Nguyễn Văn Công, thân phụ của Xi kể lại cho tôi nghe sau này, rằng hôm ấy ông cũng đang ngồi trên chiếc máy cày, cày thửa ruộng bên bờ Sầm Giang, là phần đất ông chia cho gia đình Xi ngày đó. Chính ông cũng thấy tiếng nổ chát chúa vang lên trên nền trời, chiếc phản lực cơ A-37 đã thành khối lửa, nổ tan rồi lao xuống dòng sông. Trời! Không ngờ, người phi công xấu số kia, lại là con ông! Một trưởng nam yêu qúy nhất của gia đình và gia tộc.

Mới ngày nào cặp bài trùng Xi và tôi, học cùng lớp cùng trường, cùng bằng tốt nghiệp trường sĩ quan bộ binh Thủ Đức và cùng về trình diện binh chủng Không Quân. Chúng tôi cùng học sinh ngữ, cùng sống trong “thành phố lều: tent city” với bao kỷ niệm buồn vui đời quân ngũ rồi cùng hợp ca trên đài truyền hình Sài Gòn, chào tạm biệt quê hương trước khi lên đường, cùng đi du học Hoa Kỳ. Đặc biệt trong khóa học phi hành của chúng tôi, chỉ có Xi và tôi là hai người đã có gia đình vợ con, còn lại toàn là độc thân nên chúng tôi hiểu nhau và cảm thông cho nhau nhiều hơn.

Ngày về Sư Đoàn 4 Không Quân ở căn cứ Trà Nóc, thì Xi yêu cầu tôi, phải lấy hai căn nhà chung nhau trong khu Hoàng Hoa 3, để dễ dàng chạy thông thương qua lại. Tới hôm nay, giờ đây phi vụ định mệnh làm cho chúng tôi âm dương cách biệt! Sau giờ phút tìm kiếm Xi, nhưng bặt tăm dấu tích vì không thấy dù mở. Cuối cùng, tôi cũng đành phải bay hợp đoàn với phi tuần trưởng Thiếu Tá Bùi Văn Minh, làm vòng chào vĩnh biệt người bạn về Trời! Về với Quốc Tổ và Hồn Thiêng Sông Núi! Tôi cô đơn trở về đơn vị mà lòng buồn vời vợi, buồn mất bạn, buồn tợ như chim bằng gãy cánh! Và từ buổi ấy tôi sống thầm lặng trong đơn vị và bặt tiếng cười, như ngày nao với Xi.

Năm sau, ngày 26 tháng 01 năm 1975, thì định mệnh lại đến với nghiệp phi hành của tôi. Ngay từ sáng sớm hôm ấy sau phiên họp thường nhật phi đoàn vừa dứt, thì điện thoại đỏ của bàn sĩ quan trực reo vang, lệnh hành quân của phi vụ Thần Báo 01 ban ra, gồm có phi tuần trưởng Thiếu Tá Mai Văn Hiền danh hiệu Thần Báo 11 và tôi, phi tuần viên danh xưng Thần Báo 12.

Cũng như thường nhật, vừa nghe lệnh là chúng tôi tới bàn sĩ quan trực, lật sổ ghi nhận tọa độ, lập phi trình, lấy điều kiện thời tiết và tình hình địch bạn, rồi vào phòng dù lấy nón áo súng đạn, làm hành trang lên đường ra trận đánh giặc. Nhưng hôm nay, nhìn qua mục tiêu Thiếu Tá Hiền – đương kiêm sĩ quan đặc trách hành quân của phi đoàn – ân cần dặn tôi: “Bản à, xuống đánh cẩn thận, phòng không mạnh lắm đó!” Tôi nhìn anh, cái nhìn cảm phục biết ơn, rồi trả lời anh bằng cái gật đầu.

Anh Hiền cũng biết vì kể từ ngày Xi chết, tôi thường trầm tư và có những phi xuất bay thấp săn địch liều mạng! Bởi thế, anh thường nhắc tôi bay bổng cẩn thận, mỗi khi có chuyến đi đánh giặc chung, anh thường bắt tôi phải giữ cao độ cao hơn. Có lần, tôi bị hỏa tiễn tầm nhiệt rượt đuổi, anh Hiền gọi tôi bắn trái sáng, và anh đếm cho tôi nghe để bắn: “one thousand one, one thousand two, one thousand three! Hack,” tôi đã bóp cò sau tiếng “hack,” hạ gục loại đầu đạn SA-7 ác nghiệt kia. Thông thường, mỗi khi chúng tôi tiến đánh mục tiêu, thì địch quân lại thường nhắm bắn phi cơ số 2, đang khi vòng bom thả đầu của phi cơ số 1 vừa rơi khiến chúng còn đang bàng hoàng tìm nơi ẩn náu, bởi thế chúng chưa kịp bắn phi cơ số 1.

Sáng nay, phi trình nửa giờ cất cánh của chúng đang tôi nhắm hướng Tây Ninh, và bình phi ở cao độ 15 ngàn bộ, tức bay cao hơn đỉnh núi khoảng 5 ngàn. Bỗng nghe phi cơ quan sát điện đàm và hướng dẫn chúng tôi vào đánh tại một mục tiêu, chân núi Bà Đen. Từ trời cao chúng tôi thấy khói màu bốc lên tại khu Điền Long, và quan sát viên cho biết tăng T-54 của Cộng quân đang tiến lại từ hướng nhà máy đường mái ngói đỏ phía bắc khoảng 100 bộ.

Chúng tôi vừa định được tọa độ và mục tiêu địch, để làm vòng đánh bom, thì ít phút sau phòng không của địch đã rải lên trời nổ bung ra như nấm. Phi cơ số 1 vừa thả bom, nhìn theo mục tiêu của anh Hiền vừa đánh, tôi nhận ra đoàn tăng T-54 xạ kích xong là chúng nấp vào một bụi cây ven rừng. Nhưng vị trí ẩn náu của chúng đã bị tôi khám phá ra, và vòng bom phi cơ số 2 phải đánh trúng mục tiêu, khiến chiếc tăng được nhận làm của lễ toàn thiêu.

Thời gian phục vụ Thần Báo chẳng mấy chốc mà đã hai năm kỷ niệm ngày về của tôi, mười năm kỷ niệm ngày thành lập phi đoàn được tổ chức trọng thể tại câu lạc bộ Mây Bốn Phương. Tôi đã có hàng ngàn giờ bay trên phiếu phi hành, có hàng trăm phi vụ oanh kích trên vùng trời địch đóng, không riêng lãnh thổ Việt Nam mà còn không tạc trên những bầu trời Hạ Lào, Cao Miên với bao hiểm nguy vào sinh ra tử nào là đột phá đường mòn Hồ Chí Minh, tấn công Cục R, san bằng địa đạo Củ Chi hay thủ đô Lộc Ninh là những địa danh mà Cộng quân tưởng là an toàn bí mật. Nhưng đồng thời, sau hai phi xuất bay sáng trong ngày hôm ấy, một trận ở Điền Long núi Bà Đen và một trận ở Long Tần núi Mây Tào, thì phi vụ thứ ba tôi đã bị bắn rơi và trọng thương trong trận Klong Khot, là trận đánh ngăn chận đường tiến quân của Công Trường số 9 miền Bắc, đang xâm nhập vào miền Nam qua ngõ Hạ Lào và Cao Miên.

Một lần nữa, anh Hiền và tôi lại cùng thực hiện phi vụ thứ ba trong ngày. Đúng lúc 3 giờ chiều hôm ấy, tôi vừa đánh xong vòng bom thứ hai vừa dội xuống Klong Khot, trong lúc tăng tốc để lấy lại cao độ, thì tôi bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 bắn trúng máy cánh trái, tàu nổ tung tôi trúng thương. Sau khi tỉnh lại thì thấy tàu quay cuồng, tôi cố dựt lại cần lái, nhưng đã bất khiển dụng nên phải nhảy dù.

Rồi thời gian làm tôi bất tỉnh, sau khi hai trái hỏa tiễn của ghế bay trong phòng lái phụt nổ, ném tôi vào không gian bao lâu để cho dù mở thì tôi hoàn toàn không biết. Nhưng không khí lành lạnh làm tôi hồi phục thì thấy mình đang lơ lửng, đong đưa. Tôi bắt đầu cảm thấy thấm mệt, có lẽ máu trong những vết đạn trên người đang nhỏ ra. Nhìn lên nóc dù hoa đang mở, tôi cũng đã đếm được nhiều vết đạn thù bắn vào loang lổ, của cái dù chính cũng như dù phụ. Nhìn xuống mục tiêu mà tôi vừa đánh bom, thì đạn địch đang bắn và tôi phải cố gắng lái dù chạy theo chiều gió, tránh xa địch quân chừng nào hay chừng nấy. Có lẽ tôi cũng đã chạy xa lắm, đã thoát khỏi vòng vây địch quân, để rồi chuẩn bị tìm một bãi đáp an toàn cho dù hạ cánh trong khu rừng hoang vắng, trên phần đất Cao Miên cách xa biên giới Tây Ninh mà tôi ước chừng, khoảng một trăm cây.

Khi đáp xuống, cánh dù của tôi lại bị cành cây cao của rừng máng lại. Tôi bị treo toòng teng trên cao, khỏi mặt đất tới hơn chục thước. Tôi lần tay trong áo lưới lấy ra cuộn dây cứu hộ, nối dài thân dù để tìm đường hạ người xuống đất. Tôi cởi phăng áo lưới và chui vào một bụi cây đã chọn, ẩn nấp trước khi thấy mình sắp sửa ngã gục. Rừng hoang vắng, tiếng cú gọi hồn rít lên xa xa đang tạo ra những âm thanh ma quái lạnh người. Tôi loay hoay vặn máy vô tuyến liên lạc nhỏ đang cầm trên tay, với những tiếng kêu sè sè dù đã chỉnh lại rất nhỏ nhiều lần, nhưng vẫn cảm thấy còn oang oang như muốn làm dấu kêu địch bắt tôi. Tôi mỉm cười với cái ý tưởng nhút nhát ban đầu, sống đơn độc trong rừng và đặt máy xuống một bên, đè trên những chiếc lá khô xào xạc. Rút cây súng ngắn ra, nạp đạn cẩn thận rồi đặt cạnh máy vô tuyến, đề phòng địch tấn công bất thường. Tôi bắt đầu mở ba lô hành trang, lấy sách hướng dẫn mưu sinh thoát hiểm ra và đọc ngấu nghiến, rồi lấy thuốc cá nhân ra uống. Băng bó những vết thương rỉ máu, và ăn chút lương khô đề tôi lấy lại sinh lực. Nhìn dòng chữ nhắn gởi trên sách, khi bị thương thì máu trong mình đổ ra, và cũng là lúc khát nước nhất, mà uống nhiều nước thì rất khó cứu sống. Tôi mỉm cười nhìn những giòng chữ đậm, in rõ nét trên trang mưu sinh thoát hiểm của mình.

Ngoài kia trời tối dần, màn đêm buông rủ làm tắt lịm những tiếng beo hú cọp gầm như bao oan hồn hiển hiện sau bức điện morse đánh đi, các bạn hoa tiêu của tôi khắp nơi tìm đến nào là trực thăng, nào là F5, nào là A37 đánh bom và thả trái sáng, tạo vành đai an toàn cho tôi trú ẩn qua đêm. Vì đạn bắn như mưa, nên mãi tới sáng mới được trực thăng bốc lên, tải thương về tiền đồn biên giới Trà Teng, là nơi tôi đánh bom giải vây hôm trước, để tạm thời băng bó lại vết thương cho tôi.

Trên trực thăng tôi bị ngất xỉu nhiều lần vì mất máu, nhưng những lúc tỉnh lúc mê thì lại khát nước. Lúc tôi khát và thấy có người cầm bông thấm nước từ chiếc bidon, rồi ông đặt bông nước trên môi tôi. Có những lúc quá khát, tôi đã nảy ý định muốn dành lấy bidon nước trước mặt mà tu. Nhưng lại bị dựt lại, tôi mở mắt ra nhìn thì thấy ông đó, là tướng hai sao. Với tác phong quân kỷ, tôi muốn dơ tay chào ông theo nghi lễ quân cách, nhưng cánh tay lại bị cột chặt vào bangka. Ông tướng nhìn tôi mỉm cười gật đầu, vì ông đã hiểu ý muốn của tôi, đó chính là Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật, người sau đó tuẫn tiết khi Sài Gòn thất thủ.

Trực thăng của Thiếu Tá Đức đang lái lượn vòng, tìm bãi đáp, tôi cựa quậy và liếc nhìn xuống vai áo trận rách nát của mình thấy vật lạ, ba bông mai vàng mới toanh, cấp bậc đại úy đã được Thiếu Tướng Nam tuyên thăng tại mặt trận. Ông gắn cho tôi lúc còn bất tỉnh và thấy tôi ngơ ngác nhìn, ông nói, “Nằm nghỉ đi em, Thần Báo số 2”. Một kỷ niệm đẹp, đáng ghi nhớ trong đời binh nghiệp của tôi. Có lẽ đã sáng đẹp nhất trong lòng tôi cho tới ngày hôm nay, đó là hình ảnh của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Người thanh sát mặt trận khi tôi đánh bom, và sau khi tàu tôi trúng đạn, phải nhảy dù. Vị Tư Lệnh của Quân Đòan IV này đã túc trực 24/24 trên trực thăng quan sát mục tiêu chiến trường và tọa độ mà tôi đang ẩn náu cho tới khi cứu được tôi. Đó là kỷ niệm sống mãi trong tôi, và tôi đã khóc thương Thiếu Tướng Nam khi nghe người sĩ quan tùy viên của ông thuật chuyện lại với tôi trong trại tù cải tạo.

Qua những tấm gương khí tiết oanh liệt như Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, và hoa tiêu khu trục của Phi Đoàn Thần Báo như Trung Tá Huỳnh Văn Vui, Thiếu Tá Nguyễn Minh Sơn, Thiếu Úy Nguyễn Văn Xi, Thiếu Úy Phan Văn Mỹ Anh, Thiếu Úy Nguyễn Văn Cử, Thiếu Úy Nguyễn Trường Thới đã anh dũng chiến đấu và hiến thân để bảo vệ cho nền tự do dân chủ Việt Nam, đã thúc dục lòng tôi luôn suy xét về việc thất trận của ngày 30 tháng 04 năm 1975, để tìm ra những nguyên nhân gây ra mất nước, và từ những chỗ mất ấy mà chúng ta có thể khởi công đi tìm. Cũng bởi thế mà tôi cảm nhận rằng, Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đã thiếu vắng một nền tảng triết thuyết dân tộc làm căn bản trong công cuộc xây dựng kiến thiết quốc gia, nêu cao chính nghĩa dân tộc, và khai triển rộng rãi sách lược quốc phòng nhằm bảo vệ đất nước một cách thực tế, vận động toàn dân toàn diện trong việc giữ nước, phát triển tự do dân chủ một cách vững chắc minh chính.

Nhìn lại buổi sáng ngày ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc 10 giờ tại phi trường Bình Thủy, chúng tôi nhận lệnh của Phòng Hành Quân Chiến Cuộc và thực hiện phi vụ oanh kích ngay vành đai khu vực an ninh phi trường, vì tin tức ghi nhận Cộng quân đã tràn qua Lộ Tẻ Ba Xe. Khi vác dù ra phi đạo lấy tàu đánh giặc, thì rất nhiều anh em quân nhân các cấp trong Sư Ðoàn 4 Không Quân lúc ấy đã tràn ra dọc theo bãi đậu và cất tiếng hoan hô cổ vũ chúng tôi. Khi cất cánh thi hành công tác, tôi mở máy nghe lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh mà nước mắt của mình tuôn trào.

Ôi tình quê hương! Tình tuyệt vời và tuyệt vọng! Đẹp và buồn làm sao! Một nỗi buồn trào dâng và len lén trong tim người lính trẻ, với chuyến bay định mệnh.

Phạm Văn Bản

NHỮNG VÌ SAO THỜI LỬA ÐẠN - Nhật báo Tiền Tuyến


Chuẩn Tướng Trương Quang Ân

Nhật báo Tiền Tuyến, tháng 9 năm 1968

Nhân nhắc đến chuyện chồng lính, vợ lính, một bà nữ quân nhân tóc bạc đã nhắc nhở chúng tôi về câu chuyện người nữ quân nhân nhẩy dù đã hy sinh trên chiến trường Ðức Lập năm 1968.

Xin kể lại với quý vị về cuộc đời vị tướng lãnh mũ đỏ đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Ðó là chuẩn tướng Trương Quang Ân, tư lệnh sư đoàn 23 bộ binh. Ông cùng ra đi với phu nhân là chuẩn úy nữ quân nhân Dương thị Kim Thanh.

Ông Ân nguyên là thiếu sinh quân xuất thân khóa 7 võ bị Ðà Lạt năm 1952. Một sinh viên sỹ quan vô cùng xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa và tình nguyện về nhảy dù. Ðơn vị đầu tiên là tiểu đoàn 3 nhảy dù, một đơn vị hỗn hợp Việt Pháp, đã từng nhảy dù xuống cánh đồng Chum vào thời kỳ 1953. Sau trận này với cấp bậc trung úy, ông Ân được cử đi học tham mưu tại Pháp và một lần nữa ông đậu thủ khoa với khóa sinh 75 sỹ quan trong khối liên hiệp Pháp. Năm 1954 sau đánh trận Bình Xuyên, ông đã được gắn hai lần anh dũng bội tinh với nhành dương liễu. Năm 1957, đại tá Nguyễn Chánh Thi về thay đại tá Ðỗ Cao Trí làm liên đoàn trưởng liên đoàn nhảy dù, đại úy Trương Quang Ân về làm trưởng phòng 3. Một đám cưới hết sức đặc biệt giữa đại úy Ân và chuẩn úy nữ quân nhân Dương Thị Kim Thanh được đại tá Thi chủ hôn. Chị Kim Thanh là một trong số hiếm hoi nữ quân nhân đầu tiên có bằng dù.

Chú rể trao nhẫn cưới cho cô dâu trên cửa phi cơ và cả hai nhảy dù xuống bãi đáp Ấp Ðồn, Hóc Môn.

Năm 1959, Trương Quang Ân nhận chức vụ chỉ huy tiểu đoàn 8 nhảy dù đánh vào mật khu Bời Lời. Tin tức về trận đánh được đăng trên báo chí Saigon. Sau đó ông được cử đi học chỉ huy tham mưu cao cấp tại Fort Leavenworth Hoa Kỳ và một lần nữa ông đỗ thủ khoa trong số 45 sỹ quan Ðồng Minh và Mỹ. Năm 1966 với cấp bậc đại tá, ông về làm tỉnh trưởng Gia Ðịnh. Năm 1967 ông nhận chức vụ tư lệnh sư đoàn 23 Bộ Binh, lên cấp chuẩn tướng. Trận Mậu Thân 1968, Bắc quân dùng toàn thể trung đoàn 33 và Việt cộng địa phương để đánh Ban Mê Thuật từ mùng 1 tết. Giao tranh trong năm ngày đầu năm, chuẩn tướng Trương Quang Ân tư lệnh sư đoàn với các đơn vị phòng thủ đã dẹp tan Bắc quân với gần 1,000 địch tử thương và 143 tù binh.

Sau trận Mậu Thân, ngày 8 tháng 9 năm 1968, tướng Ân cùng phu nhân bay đi thăm viếng ủy đạo tiền đồn tại Ðức Lập. Vị tư lệnh gặp các quân nhân, phu nhân gặp gia đình binh sĩ. Khi từ giã đơn vị, máy bay trực thăng vừa cất cánh thì trục trặc kỹ thuật rớt xuống ngay trước mắt mọi người. Biết bao quân nhân cùng gia đình binh sĩ còn đang vẫy tay chào từ biệt đã chứng kiến thảm kịch đầy nước mắt.

Những tin tức kể trên tôi ghi lại theo tài liệu của Phan Nhật Nam. Nhưng đặc biệt khi nói đến niên trưởng Trương quan Ân, ngoài tài thao lượt, ý chí vượt thắng, người ta phải nói đến đức độ thanh liêm tuyệt đối. Tang lễ của ông tổ chức ngay tại căn phố nhỏ trong cư xá sĩ quan. Trong nhà còn hơn 50 ngàn đồng là lương tháng cuối cùng của vị tư lệnh sư đoàn. Theo thời giá khoảng hơn 30 mỹ kim. Khi đến viếng tang gia Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, phó tổng thống Nguyễn cao Kỳ và thủ tướng Trần văn Hương đã ngồi trên hàng ghế kê tạm trước mái hiên, thể hiện hình ảnh một gia đình tướng lãnh hết sức đơn sơ thanh bạch. Sau đây là bài viết trên nhật báo Tiền Tuyến năm 1968 cần được đọc lại. Tài liệu này do báo Người Việt Boston sưu tầm và mới công bố năm 2008 - đúng 40 năm sau.

Chuẩn Tướng TRƯƠNG QUANG ÂN không còn nữa

Nguồn tin vừa được loan đi đã làm sửng sốt toàn thể chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là các chiến sĩ thuộc Khu 23 Chiến Thuật. Ðó là tin Chuẩn Tướng Trương Quang Ân, Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu 23 Chiến Thuật tử nạn phi cơ cùng phu nhân và phái đoàn của Khu 23 Chiến Thuật sáng ngày chủ nhật 8-9-1968 vừa qua trên đường tới thăm viếng và tưởng thưởng các chiến sĩ đang hành quân tại Ðức Lập.

Nguồn tin trên quả đã gây xúc động trong toàn thể chiến sĩ chúng ta, vì không nhiều thì ít, chúng ta cũng đã được biết về vị Tướng Lãnh vốn nổi tiếng về khả năng và kỷ luật gương mẫu. Chuẩn Tướng Trương Quang Ân siêng năng tận tụy lúc nào cũng một lòng lo tròn nhiệm vụ. Trong thời gian vừa qua, Chuẩn Tướng làm việc không có ngày nghỉ; mặc dầu công việc rất bề bộn, cũng đã dành ngày chủ nhật để cùng phu nhân và phái đoàn của Khu 23 Chiến Thuật đáp máy bay đến vùng Ðức Lập với mục đích theo dõi cuộc hành quân đang diễn tiến và để tưởng thưởng tại chỗ các chiến sĩ xuất sắc.

Bất cứ trận chiến nào tại Khu 23 Chiến Thuật cũng đều có sự hiện diện của Tướng Trương Quang Ân vào lúc sôi động nhất. Ðơn vị nào thuộc Khu 23 Chiến Thuật, hành quân cũng được chính Chuẩn Tướng đích thân tới tưởng thưởng và uỷ lạo.

Chúng ta hẳn không quên Tướng Trương Quang Ân là một quân nhân hiện dịch, chọn binh nghiệp làm lẽ sống, tốt nghiệp Thủ khoa Khóa 7 Ðà Lạt, về Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, lập những công trạng hiển hách đầu tiên trong đời binh nghiệp với trận đánh lừng lẫy tại bản Hu siu (Lào). Năm 1957, làm Trưởng Phòng Hành Quân của Lữ Ðoàn Nhảy Dù, kế đó là các chức vụ Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù, Tham Mưu Trưởng Lữ Ðoàn, rồi Chiến Ðoàn Trưởng Chiến Ðoàn 2 Nhảy Dù. Sau một thời gian làm Tỉnh Trưởng Gia Ðịnh, Chuẩn Tướng Trương Quang Ân đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 25 Bộ Binh và cuối cùng, năm 1967 làm Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu 23 Chiến Thuật.

Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ cuối cùng là Tư Lệnh Khu 23 Chiến Thuật từ năm 1967, đặc biệt từ Tết Mậu Thân, đã anh dũng đánh tan tất cả nỗ lực tấn công của Cộng quân nhằm chiếm đóng thị trấn của miền Cao nguyên này. Cũng trong suốt thời gian Chuẩn Tướng Trương Quang Ân làm Tư Lệnh, các chiến sĩ Sư Ðoàn 23 Bộ Binh đã tiếp tục tạo lập chiến thắng dồn dập, nêu cao danh dự đơn vị cũng như danh dự của toàn thể Quân Ðội. Tướng Trương Quang Ân được vinh thăng cấp bậc cuối cùng hiện tại vào ngày Quân Lực 19-6-1968 vừa qua, cũng đã được tưởng thưởng 30 huy chương đủ loại kể cả Bảo Quốc Huân Chương.

Suốt trong đời binh nghiệp, Chuẩn Tướng Trương Quang Ân lúc nào cũng nêu gương sáng về kỷ luật, chỉ biết sống cho Quân Ðội, chết cho Quân Ðội. Chuẩn Tướng cũng là một sĩ quan dũng cảm có tài chỉ huy, thương yêu thuộc cấp và đặc biệt là một trong những chiến sĩ Dù giỏi nhất về môn nhảy tự động chính xác.

Trong tai nạn đau buồn nầy, phu nhân của Chuẩn Tướng cũng tử nạn cùng chồng. Phu nhân nhũ danh là Dương Thị Kim Thanh, nữ chuẩn uý phục vụ tại Tổng Y Viện Công Hòa và là một trong 7 nữ phụ tá đầu tiên trong Quân Lực tốt nghiệp bằng Nhảy Dù. Cả gia đình đều phục vụ Quân Ðội. Cả Chuẩn Tướng và Phu Nhân trong suốt đời binh nghiệp đã nêu gương phục vụ cho tất cả thuộc cấp.

Người chiến sĩ dũng cảm và tận tuỵ, con chim đầu đàn của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh và Khu 23 Chiến Thuật không còn nữa, nhưng tinh thần kỷ luật tuyệt đối và thiện chí phục vụ cao độ của Chuẩn Tướng Trương Quang Ân sẽ còn là tấm gương sáng mãi mãi cho tất cả chiến sĩ chúng ta. Gắn liền cuộc đời vào binh nghiệp, tuyệt đối tôn trọng kỷ luật, phục vụ Quân Ðội không mỏi mệt, lúc nào cũng nghĩ tới đồng đội và thương yêu thuộc cấp. Ðó là tính chất của một chiến sĩ lý tưởng và là những yếu tố cao quý tạo thành cuộc đời của Chuẩn Tướng Trương Quang Ân vậy.

Nhật báo Tiền Tuyến, tháng 9 năm 1968



Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Tự Truyện - Phạm Bá Hoa



Phạm Bá Hoa (K5)

Trân trọng kính chào "quý bạn", những tế bào đã tạo nên "tôi".

"Tôi bị bức tử" cách nay vừa hơn một phần tư thế kỷ, nhưng cứ vào mùa hè oi bức, quí bạn đã cùng nhau tổ chức "cúng giỗ tôi" với những nghi thức quân sự trong những điều kiện mà quí bạn cố gắng có được. Lễ hi trang nghiêm đó, có tên gọi "Ngày Quân Lực". Quý bạn vẫn nhớ đến tôi. Điều đó tôi biết, và tôi rất xúc động!

Vì vậy, tôi thấy cần phải tâm sự đôi điều với quý bạn về bản thân tôi, bản thân "một con người" có tuổi đời quá trẻ, nhưng tôi có sức mạnh của một lịch sử hào hùng, với dũng khí của một dân tộc vẻ vang, và xông pha trận mạc bằng lý tưởng tự do dân chủ. Những tưởng, mình sẽ góp phần quan trọng đạt đến mục tiêu bảo vệ và phát triển quốc gia, mà trong đó mọi người được sống trong chế độ dân chủ tự do, được tôn trọng các quyền sống, bao gồm quyền mưu tìm hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình, và quê hương Việt Nam sẽ trở nên hùng mạnh. Tôi luôn giữ cho mình niềm hảnh diện về điều tôi nghĩ. Bởi, tôi tin là đất nước thân yêu của chúng ta, thể nào cũng đạt đến đài vinh quang bằng sức sống của mình, sức sống của một dân tộc đạo nghĩa và hiếu hòa, cầu tiến và nhẫn nại. Luôn luôn đặt tổ quốc lên trên mọi tổ chức, cũng như mọi quyền lợi khác.

Thưa quý bạn, tôi không tin là có định mệnh, nhưng nếu quả thật có "định mệnh" trong cuộc sống này, thì ...

1. Giai đoạn hình thành (1951-1954).


"Tôi" được sinh ra trong một hoàn cảnh khác thường so với "những đứa bạn xa xôi" của tôi, và cái chết của tôi cũng chẳng giống ai trên cái cõi đời này. Cha mẹ tôi đều là người Việt Nam, hoàn toàn Việt Nam. Trong người tôi là dòng máu Việt Nam, hoàn toàn Việt Nam. Nhưng người "cho phép tôi trở thành bào thai" lại ở cách xa cha mẹ tôi 7 múi giờ về phía tây trên quả địa cầu, đó là nước Pháp. Lúc bấy giờ là đầu trung tuần tháng 5.1950, quốc hội Pháp thông qua dự luật thành lập một quân đi cho quốc gia Việt Nam với quân số 60.000 người. Nhưng mãi 2 năm sau, một văn kiện gọi là Dụ (về sau gọi là Sắc Lệnh) của Quốc Trưởng Bảo Đại, tôi mới được chào đời tại Sài Gòn, thủ đô nước Việt Nam thống nhất. Vị ký văn kiện cho tôi chào đời là "cha" tôi. Hôm ấy là ngày 1 tháng 5 năm 1952. "Mẹ" tôi là Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng. Ngôi nhà đầu tiên của tôi tọa lạc trên đại l Trần hưng Đạo, thuộc Quận 5. Trong khai sanh ghi tên tôi là "Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt Nam".

Tôi xin nhắc lại đôi nét về lịch sử cận đại nước ta, như để giải thích với quí bạn khi tôi dùng chữ "thủ đô nước Việt Nam thống nhất" mà tôi vừa nói đến. Vào nửa cuối thế kỷ 19, Việt Nam ta bị thực dân Pháp xâm lăng và cai trị. Họ chia nước ta như là 3 quốc gia nhỏ mà chúng gọi: Nam Kỳ là thuộc địa, Trung Kỳ với Bắc Kỳ là bảo hộ. Nhưng cốt lõi của chính sách cai trị, dù tên gọi như thế nào thì cả 3 Kỳ cũng đều là thuộc địa.

Trong thế giới chiến tranh lần thứ 2, quân đội Nhật Bản lật đổ Pháp tại Đông Dương hồi đầu tháng 3.1945. Đến tháng 8.1945, Vua Nhật Bản ra lệnh đầu hàng hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, và thế chiến chấm dứt từ đó. Quân đội Anh được trao trách nhiệm giải giới quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở xuống phía nam, quân Trung Hoa của Thống Chế Tưởng Giới Thạch giải giới từ vĩ tuyến 16 trở lên phía bắc. Không biết có phải là giải giới quân Nhật để trao quyền cai trị lại cho thực dân Pháp hay không, nhưng rõ ràng là thực dân Pháp đã theo chân quân đội Anh quay lại chiếm Việt Nam. Đầu tiên là Sài Gòn, rồi các tỉnh đồng bằng Cửu Long. Lúc ấy, các đảng chính trị khuynh hướng quốc gia dân tộc, quá tin vào ông Hồ Chí Minh - Chủ tịch đảng cộng sản nên bị ông Hồ chí Minh giành lấy chánh quyền và thủ tiêu hầu hết những nhân vật cao cấp, sau đó ông Hồ đứng ra thương thuyết với Pháp. Thương thuyết không thành. Hai bên thực dân Pháp và Việt minh cộng sản- đánh nhau từ trung tuần tháng 12.1946.

Khi Pháp bị sa lầy trong cuộc chiến với cộng sản Việt Nam, chánh phủ Pháp thực hiện chính sách đẩy người Việt không cộng sản nhập cuộc đánh nhau với người Việt cộng sản, bằng cách thành lập quân đội cho quốc gia Việt Nam. Trong bối cảnh đó, cựu hoàng Bảo Đại và các đảng chính trị quốc gia cùng thân hào nhân sĩ, vận động cho một nước Việt Nam thống nhất và độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp. Hạ tuần tháng 4.1949, một hội nghị với khoảng 2.000 người tham dự, mà một phần ba trong số đó là Pháp kiều có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam. Hội nghị đồng thuận bãi bỏ chế độ thuộc địa, nước Việt Nam là một quốc gia thống nhất. Và chánh phủ Pháp đã hợp thức hóa quyết định của hội nghị. Đó cũng là lúc cựu hoàng Bảo Đại về nhận chức Quốc Trưởng.

Việc thành lập quân đội cho quốc gia Việt Nam, xuất phát từ quyền lợi của nước Pháp thực dân. Điều đó chắc không bạn nào nhầm lẫn. Và rất có thể vì vậy mà có bạn thắc mắc; "Tại sao cựu hoàng và các đảng chính trị lại tham gia vào chính sách đó của Pháp". Thật ra quí vị ấy nhận định rằng: "Giữa Pháp với Việt minh cộng sản, chẳng bên nào vì tổ quốc và dân tộc Việt Nam cả, nhưng giữa hai kẻ xấu mà ta phải chọn một, ta nên chọn kẻ xấu ít. Giữa Pháp với Việt minh cộng sản, các vị đã tựa vào Pháp -kẻ xấu ít- để diệt Việt minh cộng sản -kẻ xấu nhiều- sau đó tương kế tựu kế đẩy Pháp ra khỏi Việt Nam". Mục tiêu là như vậy, nhưng đạt được đến đâu, chắc quí bạn đã rõ. Riêng "bản thân tôi", tôi cám ơn nhận định và hành động của quí vị ấy, vì từ đó mà tôi có mặt trên cõi đời này.

Như nói ở trên, tôi sinh ra trong một hoàn cảnh khác thường. Khác thường vì thời gian "thai nghén" quá lâu, và khác thường vì có một số "cơ bắp" (đơn vị) của tôi đã chào đời trước tôi vài tuổi, là:


- Trường sĩ quan Việt Nam tại Huế 1948, sau đó chuyển lên Đà Lạt tiếp nhận trường võ bị liên quân đặc biệt của Pháp, và đổi tên là "Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt". Đầu những năm 1960, trường này cải tổ chương trình huấn luyện và thời gian đào tạo sĩ quan hiện dịch lên đến 4 năm, và đổi tên là ‘Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt’.

- Thiết giáp 1.1.1951.
- Truyền tin 1.2.1951.
- Quân vận 1.5.1951.
- Nhảy dù 1.8.1951.
- Công binh 1.9.1951.
- Pháo binh 1.11.1951.
- Trường Sĩ quan trừ bị Thủ đức và Nam định, 12.1950.

Tôi không chọn ngày tháng mà cơ bắp đầu tiên của tôi chào đời để làm ngày sinh của mình, vì lẽ lúc bấy giờ cơ bắp đó tuy dòng máu Việt nhưng cha mẹ là Pháp. Quân nhân của đơn vị là Việt Nam, nhưng chỉ huy là sĩ quan Pháp. Vậy là tôi chỉ mới có cái đầu. Cha mẹ tôi -nhất là mẹ tôi- rất khổ nhọc trong cố gắng tạo cho tôi từng cơ bắp, từng hệ thần kinh, để tôi có đủ các bộ phận trong người, cho dù đầu tôi hơi lớn mà thân hình nhỏ xíu ốm o cũng được, miễn là tôi thành một con người rồi theo thời gian tôi sẽ phát triển. Vượt bao khó khăn từ nhân sự -nhất là cán bộ chỉ huy- đến dụng cụ chiến tranh, bước đầu tôi có được một số cơ bắp và từng phần của hệ thần kinh, đó là hơn 50 tiểu đoàn bộ binh và một số các ban chỉ huy Tiểu khu, Phân khu, Quân khu.

Trong khi trên chiến trường, hoạt động quân sự của Việt minh cộng sản -với sự yểm trợ tối đa của Trung Hoa cộng sản- làm cho bộ tư lệnh viễn chinh Pháp ngày càng bối rối bởi những trận đánh với cấp đại đoàn, một loại đơn vị chiến thuật trên cấp trung đoàn nhưng dưới cấp sư đoàn. Một căn cứ kiên cố bậc nhất của Pháp tại chiến trường Đông Dương với 12.000 quân trú phòng, được xây dựng vùng lòng chảo Điện Biên Phủ, gần biên giới Lào. Mục tiêu là nhử các đơn vị lớn của Việt minh cộng sản đến để Pháp dùng hỏa lực pháo binh và không quân tiêu diệt. Nhưng, sau 3 tháng đánh nhau dữ dội với những tổn thất nặng nề cho cả hai bên, ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân trú phòng Pháp đã đầu hàng. Và sự kiện này đã dẫn đến Hiệp Định đình chiến ngày 20.7.1954 tại Genève, Thụy Sĩ.

Hiệp định đó không có chữ ký của Việt Nam và Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ, dưới Quốc Trưởng có một chánh phủ do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Biết bao vấn đề khó khăn khi đất nước chỉ còn lại từ vĩ tuyến 17 trở xuống, trong đó công tác định cư cho 1 triệu đồng bào miền Bắc chạy nạn cộng sản vào Nam, là một trong những mục tiêu lớn của chánh phủ mới nhận trách nhiệm hai tuần lễ trước ngày ký hiệp định Genève.

Về phần tôi, đến cuối năm 1954, được xem là giai đoạn hình thành. "Cơ thể tôi" vào cuối giai đoạn 1950-1954, có đến gần 200 ngàn tế bào (mỗi tế bào xin hiểu là một quân nhân), nhưng tôi hãy còn là "một thiếu nhi" cả về tổ chức, trang bị, chiến đấu, và nhất là về mặt chỉ huy. Có thể vì vậy mà từ bây giờ, anh bạn Hoa Kỳ nhận giúp cho tôi trưởng thành các mặt càng sớm càng tốt, để tôi đủ khả năng bảo vệ quốc gia trước khi thằng thanh niên cộng sản miền Bắc tràn xuống tấn công, thực hiện mục tiêu chiến lược của cộng sản thế giới là biến các quốc gia vùng Đông Nam Á Châu trở thành cộng sản. Tôi nói "có thể", chớ nói cho đúng là anh bạn Hoa Kỳ nhắm vào mục tiêu chiến lược của anh ta, giúp tôi ngăn chận "thằng thanh niên" miền bắc, con bài chủ lực của gia đình nó có cái tên là "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa", cũng là tôi giúp anh bạn Hoa Kỳ ngăn chận " nó với anh em bạn bè nhà nó tràn xuống chiếm nhà tôi và nhà của bạn bè hàng xóm tôi" nữa. Bởi vì "các nhà hàng xóm" tôi cũng là bạn bè thân thiết của anh bạn Mỹ. Điều đó có nghĩa là anh bạn Hoa Kỳ không phải hoàn toàn giúp tôi đâu nhé. "Có qua có lại" mà.

Dưới đây là những "cơ bắp chánh" của tôi, mà quý bạn là những thành viên trong đó:

Lục Quân:

- Bộ binh, có: 67 tiểu đoàn. Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. (Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định chỉ đào tạo khóa duy nhất). Trung Tâm Huấn Luyện Quán Tre (tiền thân của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung).
- Nhảy Dù, có 5 tiểu đoàn với phiên hiệu 1, 3, 5, 6, 7. Đến tháng 9.1954, các tiểu đoàn được tổ chức thành Liên Đoàn Nhảy Dù.
- Thiết Giáp, có 1 trung đoàn thám thính và 5 chi đi biệt lập với 1 trung tâm huấn luyện.
- Pháo Binh, có 5 tiểu đoàn với phiên hiệu 1, 2, 3, 4, 5.
- Truyền Tin, có 6 đại đội.
- Công Binh, có 6 đại đội.
- Quân Vận, có 6 đại đội.

Không Quân:

Là một trong ba hệ cơ bắp quan trọng nhất (quân chủng) của tôi, nhưng lớn hơn tôi 1 tuổi. Dưới quyền có "2 Phi Đoàn Quan Sát Trợ Chiến" được trang bị phi cơ Morane Saulnier. Ngay trước cuối năm 1954, nhận thêm 39 phi cơ do Mỹ viện trợ qua trung gian của Pháp, gồm Cessna L19, phi cơ vận tải C45 và C47.

Hải Quân:

Cũng là hệ cơ bắp quan trọng của cơ thể tôi. Lớn hơn tôi 2 tháng tuổi. Dưới quyền có "3 Hải Đoàn Xung Phong" trang bị LCM và LCVP. Ngoài ra còn có 3 Liên Đoàn Tuần Giang và một lực lượng com-măng-đô. Tuy không thuộc hải quân, nhưng khi chuyển vào Nam thì sáp nhập vào một tổ chức có tên là "Hải Quân B Binh". Binh chủng này là tiền thân của "Thủy Quân Lục Chiến". (chào đời đầu tháng 5.1955).


2. Giai đoạn phát triển lần thứ nhất (1955-1967).

Hạ tuần tháng 10.1955, sau cuộc trưng cầu ý dân với kết quả Quốc Trưởng Bảo Đại bị truất phế, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố "Việt Nam là một nước cộng hòa", gọi ngắn gọn là "Việt Nam Cộng Hòa" và tự ông trở thành Tổng Thống. Cũng từ đây, tiêu đề thường dùng trên các văn thư quân sự, ghi tên tôi là "Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa".

Một kế hoạch cải tiến tôi từ những cơ bắp nhỏ, rời rạc, trở thành những đơn vị trong một hệ thống tổ chức lớn hơn, chặt chẻ hơn, thống nhất trang bị, thống nhất chỉ huy, thống nhất huấn luyện. Tuy đã đình chiến, nhưng mãi đến đầu tháng 7.1955, "cái đầu" tôi mới được phép điều khiễn toàn bộ các cơ bắp của mình (chỉ huy quân đội). Nửa đầu năm 1956, khi người lính viễn chinh cuối cùng của Pháp rời khỏi Việt Nam, tôi dọn đến ngôi nhà bề thế hơn, khang trang hơn, tọa lạc gần cổng vào phi trường Tân Sơn Nhất. Trước mặt là đường Võ Tánh nối dài và sau lưng là đường Võ di Nguy. Nhà tôi có tên là "trại Trần hưng Đạo".

Vậy là, trang sử nước Việt Nam thuộc địa của Pháp, được khép lại từ đây.

Lục Quân:


- Bộ Binh. Ngay trong năm đầu, "cơ thể" tôi từ những cơ bắp nhỏ là cấp tiểu đoàn được tổ chức lại thành 4 Sư Đoàn Dã Chiến (1, 2, 3, 4) và 6 Sư Đoàn Khinh Chiến (11, 12, 13, 14, 15, 16). Cuối năm 1959, 10 sư đoàn này được tổ chức lại thành 7 "Sư Đoàn Bộ Binh". Quân số mỗi sư đoàn là 10.500 người, bằng 2 lần quân số sư đoàn khinh chiến. Các sư đoàn có phiên hiệu 1, 2, 5, 7, 21, 22, 23. Những năm sau đó, Sư đoàn 9, 18, và 25 được thành lập. Cộng chung là 10 sư đoàn. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1, 2, 3, 4, lần lượt chào đời với trách nhiệm an ninh toàn lãnh thổ.

- Nhảy Dù. Năm 1962, Liên Đoàn được phát triển lên cấp Lữ Đoàn, và tiếp tục phát triển thành Sư Đoàn Nhảy Dù vào cuối giai đoạn.

- Biệt Động Quân. Binh chủng được thành lập năm 1960 với cấp đại đội. Ngay trong nửa đầu năm 1960, đã hoàn tất 50 đại đội và hoạt động sâu trong vùng thường ghi nhận có địch. Năm 1963 lên đến 86 đại đội. Dần dần hình thành các bộ chỉ huy tiểu đoàn bên cạnh các Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn/Vùng Chiến Thuật, với các phiên hiệu 11, 21, 22, 31, 32, 33, và 41.

- Thiết Giáp. Một số đơn vị trước 1954 cộng với một số mới thành lập, binh chủng này có 4 Trung Đoàn Kỵ Binh thiết giáp được trang bị thám thính xa, chiến xa M24. Ngoài ra còn có 1 Liên Đoàn Thủy Xa. Năm 1963, sau thời gian trắc nghiệm tại Sư Đoàn 7 và 21 Bộ Binh thành công, Thiết Giáp được trang bị thiết vận xa M113 và M114. Năm 1964-1965, chiến xa M41 thay thế chiến xa M24 và thám thính xa V100 thay thế thám thính xa M8 quá lỗi thời.

- Pháo Binh. Năm 1955, pháo binh có 9 tiểu đoàn là 1, 2, 3, 4, 5, 6, 12, 32, 34. Năm sau đó, thành lập thêm tiểu đoàn 23 và 25. Đồng thời tiểu đoàn 34 pháo binh là đơn vị đầu tiên được trang bị đại bác 155 ly. Theo đà bành trướng chiến tranh của quân cộng sản, pháo binh trong tổ chức mỗi Sư Đoàn Bộ Binh có 2 tiểu đoàn pháo binh 105 ly được trang bị 18 khẩu cho mỗi tiểu đoàn (thay vì trước đó là 12).

- Lực Lượng Đặc Biệt, được thành lập vào những năm cuối giai đoạn, với nhiệm vụ hoạt động dọc biên giới Việt Nam - Cambodia và Việt Nam - Lào. Vì là "nhiệm vụ đặc biệt", nên tổ chức không theo khuôn mẫu các binh chủng khác. ‘A’ là đơn vị nhỏ nhất, từ những căn cứ trong rừng dọc biên giới hoặc những hành lang mà quân cộng sản dùng xâm nhập, xuất phát thu thập tin tức hoặc tấn công địch. ‘B’ gồm nhiều A. Và ‘C’, là bộ chỉ huy đặt cạnh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn/Vùng Chiến Thuật.

Không Quân:

Năm 1955, tiếp nhận căn cứ Nha Trang và đổi tên là "Căn Cứ Trợ Lực Không Quân số 1". Năm 1956, tiếp nhận thêm căn cứ Tân Sơn Nhất và căn cứ Biên Hòa. Cả hai đổi thành "Căn Cứ Trợ Lực Không Quân số 2" và "số 3". Tính đến năm 1958, Không Quân có 7 phi đoàn, gồm: 1 phi đoàn khu trục, 2 phi đoàn liên lạc, 2 phi đoàn vận tải, 1 phi đoàn trực thăng, và 1 phi đoàn đặc vụ.

Từ 1961 đến 1964, Hoa Kỳ liên tục cung cấp nhiều loại phi cơ, nhất là khu trục cơ AD6, trực thăng H34. Đơn vị tác chiến và yểm trợ tác chiến được phát triển lên cấp Không Đoàn tại mỗi Vùng chiến thuật, với phiên hiệu các Không Đoàn tính từ Đà Nẳng vào:

- Không Đoàn 41 đồn trú Đà Nẳng.
- Không Đoàn 62 đồn trú Plei Ku.
- Không Đoàn 23 đồn trú Biên Hòa.
- Không Đoàn 33 đồn trú Tân Sơn Nhất.
- Và Không Đoàn 74 đồn trú Cần Thơ.

Năm cuối của giai đoạn này, có 1 phi đoàn khu trục được trang bị phản lực cơ F5. Phiên hiệu của các đơn vị xếp thành 3 số. Theo đó, số hàng trăm để chỉ công dụng của đơn vị, như: Số 1 là phi đoàn liên lạc, số 2 là trực thăng, số 3 là đặc vụ, số 4 là vận tải, số 5 là khu trục, số 7 là quan sát, số 8 là hỏa long, và số 9 là huấn luyện. (không thấy nói đến số 6)

Hải Quân:

Năm 1955, quân chủng này có một lực lượng tác chiến với 24 chiến hạm, hơn 110 chiến đỉnh, trong tổ chức 5 Hải Đoàn và 1 Hải Lực. Năm 1959, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến tách ra khỏi Hải Quân và trở thành lực lượng tổng trừ bị. Hải Quân lần lượt tiếp nhận tàu chiến từ Hải Quân Hoa Kỳ như sau:

- Năm 1956 đến 1963, gồm 31 chiến hạm với 193 chiến đỉnh.
- Năm 1964 đến 1967, gồm 9 chiến hạm và hằng trăm ghe xi-măng gắn máy Yabuta thay ghe buồm của lực lượng HảiTthuyền.

Cuối giai đoạn 1955-1967.

Tôi trở thành một thanh niên với đầy đủ cơ cấu một con người. Hệ thần kinh đã phát triển. Vũ khí trong tay tôi, phần lớn sản xuất từ đệ nhị thế chiến với một số loại thuộc thế hệ mới. Và giữa năm 1964, "ba má tôi" là Trung Tướng Nguyễn Khánh với chức năng Quốc Trưởng kiêm Thủ Tướng, và Trung Tướng Trần Thiện Khiêm với chức Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Lực, đã lên án thế vì khai sanh sửa tên tôi một chữ, thành "Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa". Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, gồm; Hải Quân, Lục Quân, Không Quân, và Địa Phương Quân, Nghĩa Quân.


Tôi đã đánh nhau nhiều lần với thằng thanh niên miền Bắc có cái tên là "quân đi nhân dân". Cha hắn biết hành động len lén đẩy hắn vào "nhà tôi" (Việt Nam Cộng Hòa) để đánh cướp là vi phạm Hiệp Định đình chiến, nên cha hắn "may cho hắn một cái áo" ở tiệm may vùng biên giới Việt Nam-Cambodia hồi cuối năm 1960. Cái áo có dòng chữ "Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam". Hắn vi vàng trùm cái áo đó lên người rồi gây sự tùm lum, làm cho "một số nhân vật ngoại quốc cố tình" (các quốc gia vì quyền lợi riêng tư mà có thiện cảm với cộng sản) cho là anh em tôi trong nhà đánh nhau. Nhưng vải áo của hắn là loại vải thưa, nên nhiều nhân vật khác đều thấy và biết rõ hắn là "quân đi nhân dân" miền Bắc xâm nhập vào đánh chiếm ngôi nhà của tổ tiên tôi, mà tôi và bà con họ hàng tôi có trách nhiệm gìn giữ. Do đó mà các anh bạn hàng xóm là Hoa Kỳ, Đại Hàn, Úc Đại Lợi, Phi Luật Tân, Thái Lan, Tân Tây Lan, có cả anh bạn Trung Hoa Dân Quốc nữa, cùng đến tiếp tay ngăn chận không cho hắn cướp nhà.

3. Giai đoạn phát triển cao điểm (1968-1975).

Mở đầu giai đoạn này là tên thanh niên miền Bắc đánh lén tôi ngay trong đêm 30 Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968. Tuy hắn được ông nội (Nga) ông ngoại (Tàu) hắn cung cấp vũ khí mới, nhưng hắn đã bị tôi đánh trả quyết liệt làm hắn lảo đảo lũi chạy về rừng và nằm liệt cả năm mới hoàn hồn.

Vì hắn có vũ khí mới, nên anh bạn Mỹ đồng ý cung cấp cho tôi những vũ khí thuc thế hệ mới, gọi là "chương trình tối tân hoá quân dụng". Đầu tiên là lực lượng tổng trừ bị, dần dần đến toàn bộ chủ lực quân. Chương trình diễn tiến tốt đẹp. Đùng một cái, nhà anh bạn Mỹ có chuyện buồn phiền (phong trào phản chiến), nên anh ta phải rút về nước dưới một văn kiện quốc tế nghe rất "lịch sự" là thi hành Hiệp Định Paris 1973, và một cái tên quốc nội nghe rất chối tai là "Việt Nam Hóa Chiến Tranh".

Tại sao là "Việt Nam Hóa Chiến Tranh?" Chính tôi đã đánh nhau với thằng "thanh niên miền Bắc" ngay từ hiệp định đình chiến Genève. Vì tuy là đình chiến, nhưng cha mẹ ông bà nhà nó -khi kéo nhau ra Bắc- đã giấu nó lại trong đất nhà tôi, và nó cứ đập phá nhà cửa tôi, bắt giết dòng họ tôi, và tôi buộc phải đánh trả nó chớ có phải tôi qua nhà nó (trên đất bắc) gây sự với nó đâu. Khi nó được dòng họ nội ngoại chú bác nó (Nga sô, Trung quốc, và các nước cộng sản Đông Âu) giúp nó ăn cướp nhà tôi, các bạn xa xôi đến tiếp tay với tôi chớ đâu phải thay tôi để đánh nó. Rõ ràng là tôi vẫn đánh với nó. Các bạn ấy cũng đánh nó. Cho nên tức không chịu được! Nhưng nhìn lại mình, nhất là nhìn lại "cha mẹ tôi" -Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Đại Tướng Cao Văn Viên- không thấy lên tiếng cãi lý gì với anh bạn chơi tri kiểu ấy. Đành vậy thôi, nhưng tức vẫn tức!

Khi rời Việt Nam, anh bạn Mỹ để lại cho tôi hầu hết các loại dụng cụ chiến tranh mà anh ta đang sử dụng, vì chuyên chở về bên kia bờ Thái Bình Dương tính ra phí tổn có thể cao hơn trị giá số lượng quân dụng đó, với lại nó cũng thuộc vào "hàng đã dùng rồi" chớ có mới mẽ gì đâu. Vì vậy, trong cách nhìn nào đó, chương trình tối tân hóa quân dụng cho tôi, chưa chắc bạn tôi là người hoàn toàn tốt với tôi đâu. Nhưng dù sao thì tôi cũng phải "phát triển một cách thần tốc" để có khả năng lấp vào khoảng trống mà các bạn đó về nước, bằng cách gia tăng thêm quân số, đẩy mạnh huấn luyện, tổ chức thêm các đơn vị, để kịp tiếp nhận dụng cụ trang bị. Trọng tâm là phát triển Hải Quân và Không Quân, kế đến là Pháo Binh và Thiết Giáp.

Tính đến đầu năm 1975, con người tôi như dưới đây:

Cơ quan trung ương.
Bộ Tổng Tham Mưu với đầy đủ các cơ quan, binh chủng, và binh sở trong hệ thống quản trị hành chánh, nhân viên, huấn luyện, chiến tranh chính trị, tiếp vận. Riêng ngành Tiếp Vận có khả năng sửa chữa và tân trang toàn bộ quân dụng chung, do Lục Quân Công Xưởng, các Căn Cứ 10 Quân Nhu, 40 Công Binh, 50 Đạn Dược, 60 Truyền Tin, 90 Tồn Trữ Sửa Chữa Dù, và các Trung Tâm Bảo Toàn, trách nhiệm. Quân dụng chung là quân dụng thuc Lục Quân quản trị, nhưng có trang bị trong Hải Quân và Không Quân.

Lục Quân.
Chỉ huy, tác chiến, và yểm trợ tác chiến, có:

- 4 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn và các đơn vị yểm trợ trực thuộc.
- 11 Sư Đoàn Bộ Binh (Sư Đoàn 3 Bộ Binh thành lập tháng 10.1971).
- 1 Sư Đoàn Nhảy Dù.
- 1 Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
- 1 Liên Đoàn Biệt Cách Nhảy Dù.
- Hơn 20 Liên Đoàn Biệt Động Quân.
- 4 Lữ Đoàn Kỵ Binh Thiết Giáp.
- Lực Lượng Lôi Hổ và Biệt Hải thuộc Nha Kỹ Thuật.
- Các đơn vị Pháo Binh biệt lập.
- Và lực lượng Địa Phương Quân Nghĩa Quân (chiếm 1/2 quân số).

Vào những ngày cuối tháng 4.1975, Sư Đoàn 106 Biệt Động Quân được thành lập vi vã, bằng cách kết hợp 3 Liên Đoàn của binh chủng này với đơn vị Thiết Giáp và Pháo Binh. Sư Đoàn có nhiệm vụ tổ chức tuyến phòng thủ Phú Lâm, cửa ngõ vào thủ đô Sài Gòn từ hướng tây nam.

Không Quân.
Quân số hơn 60.000, tổ chức tổng quát gồm:

- 1 Bộ Tư Lệnh Quân Chủng với đầy đủ các cơ quan và binh sở yểm trợ.
- 5 Sư Đoàn tác chiến.
- 1 Sư Đoàn vận tải.
- 1 Không Đoàn Tân Trang Chế Tạo.

Chỉ trong năm 1973, tiếp nhận hơn 900 phi cơ, gồm: 560 trực thăng, 230 khu trục, 100 vận tải, và các loại khác. Trong tổ chức 6 Sư đoàn không quân, có số lượng các phi đoàn như sau:|

- 20 phi đoàn khu trục, trang bị khoảng 550 phi cơ A1H, A37, và F5.
- 23 phi đoàn trực thăng, trang bị khoảng 1000 phi cơ UH1 và CH47.
- 8 phi đoàn quan sát, trang bị khoảng 200 phi cơ O1, O2, và U17.
- 9 phi đoàn vận tải, trang bị khoảng 150 phi cơ. C7, C47, C119, và C130.
- Và 4 phi đoàn hỏa long, trang bị phi cơ AC119 (không rõ số lượng).

Ngoài ra còn có các Phi Đoàn Trắc Giác (tình báo kỹ thuật), Phi Đoàn Quan Sát RC119L, và Biệt Đoàn Đặc Vụ 314.

Hải Quân.
Cùng nhịp phát triển với quân chủng Lục Quân và Không Quân, đầu năm 1969, Hải Quân liên tiếp tiếp nhận tàu chiến của các Giang Đoàn 91, 533, 534, 574, và 591 của Hải Quân Hoa Kỳ.

Với quân số hơn 40.000, ngoài các đơn vị yểm trợ hành chánh, nhân viên, huấn luyện, tiếp vận (có Hải Quân Công Xưởng), Hải Quân tổ chức 3 lực lượng tác chiến:


- Thứ nhất. Hành Quân Lưu Động Sông, với 14 Giang Đoàn trang bị khoảng 260 chiến đỉnh.
- Thứ hai. Hành Quân Lưu Động biển với 1 Hạm Đội trang bị tuần dương hạm, hộ tống hạm, khu trục hạm, tuần duyên hạm, giang pháo hạm, trợ chiến hạm, dương vận hạm, hải vận hạm, và giang vận hạm.
- Thứ ba. các Lực Lượng Đặc Nhiệm 211 Thủy Bộ với 6 Giang Đoàn, 212 Tuần Thám với 12 Giang Đoàn, 214 Trung Ương với 6 Giang Đoàn, và Liên Đoàn Người Nhái. (Tôi nhớ có Lực Lượng Đặc Nhiệm 213, nhưng trên tài liệu thì không thấy)

4. Tôi bị bức tử!

.... Định mệnh đã đưa kẻ thù của dân tộc đến trước mặt tôi (lúc quân đội cộng sản bao quanh thủ đô Sài Gòn). Đó là "một thanh niên" lớn hơn tôi 7 tuổi (quân đội cộng sản thành lập năm 1945). Hắn được lãnh đạo bởi một người (ông Hồ Chí Minh) khi sống trên đất Pháp và đất Nga, đã cố tình thay đổi hệ thần kinh với những "gen" hiền hòa đạo nghĩa của dân tộc Việt trong đầu ông ta, bằng hệ thần kinh với những "gen" độc tài tàn bạo thời Mông Cổ xâm lăng cai trị một phần Âu-Á. Ngôn từ chính trị ngày nay gọi đó là bản chất độc tài, ngoan cố, và lừa dối. Dưới người đó là một nhóm thuộc hạ (bộ chính trị cộng sản), thực hiện bản chất của ông ta, bản chất của độc tài, và luôn luôn lừa dối ngay cả bản thân họ, thì đâu có ai dưới quyền họ mà tránh được. Vì vậy mà hắn bị ngập chìm trong bản chất lừa dối một cách tinh vi của nhóm người kia, để tưởng hắn là anh hùng cứu nước cứu dân, và hắn trở nên hung hăng khát máu.

Hắn sẳn sàng đánh tôi ngay trong gian nhà chánh (thủ đô Sài Gòn) của tôi. Tôi đã sẳn sàng đánh lại hắn. Những cơ bắp có trách nhiệm cung cấp thức ăn nước uống với súng đạn cho tôi (ngành Tiếp Vận), đã dự trữ trong thủ đô và vùng đồng bằng Cửu Long, đủ cho tôi đánh với hắn 60 ngày mới cần tiếp tế.

Lúc bấy giờ, có thể có nhiều bạn chưa rõ lắm về sức mạnh của tôi. Xin thưa rằng, tôi có đến:

- Hơn 2 triệu cánh tay (1 triệu quân).
- Gần 2 triệu khẩu súng cầm tay.
- 1.200 xe chạy xích, kể cả chiến xa M48.
- Hơn 1.000 khẩu đại bác từ 105 xe kéo đến 175 ly cơ động.
- 40.000 xe chạy bánh.
- 1.600 chiến hạm chiến đỉnh.
- Hơn 2.000 phi cơ.

Tôi có một hệ thống quân trường, đào tạo từ anh chiến binh đến vị lãnh đạo chỉ huy cấp Sư Đoàn Quân Đoàn, chuyên viên các ngành chuyên môn, và toàn bộ sĩ quan tham mưu. Tôi có 3 trung tâm điện toán quản trị con người, quản trị quân dụng, quản trị tài chánh. Tôi có một hệ thống quân y bảo vệ sức khoẻ toàn quân.

Tôi đã đánh và đánh thắng hắn nhiều trận lừng danh, đặc biệt là Tết Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Vậy mà bây giờ, tôi không được đánh hắn, vì "cha mẹ cũ" của tôi là Tổng Thống Thiệu và Đại Tướng Viên đã cao bay xa chạy rồi, còn "cha mới" của tôi là Tổng Thống Minh, đã ra lệnh trên hệ thống truyền thanh Sài Gòn, bảo tôi:

- Không được đánh hắn!
- Phải buông súng xuống!
- Phải giao súng đạn cho hắn!

Quí bạn nghĩ xem, còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của tôi nữa đây! Và nỗi đau này đã chồng lên nỗi đau đang day dứt, bởi một phần hệ thần kinh của tôi (những vị lãnh đạo, những vị có quân có quyền trong tay) đã bỏ lại hằng chục ngàn, hằng trăm ngàn, thậm chí hằng triệu tế bào, để chạy khỏi quê hương trước khi hắn đến. Chừng như chỉ có nhóm hệ thần kinh đó khôn ngoan hơn nhóm hệ thần kinh còn lại, khôn ngoan hơn hằng triệu quân nhân trong tình cảnh "rắn mất đầu" nhưng vũ khí vẫn trong tay! Chắc quý bạn không ai là không nhớ rằng, một số thần kinh chính (5 vị Tướng và hằng trăm sĩ quan các cấp) trong nhóm hệ thần kinh còn lại của tôi, đã tự cắt đứt cuộc sống (tuẫn tiết) làm cho tôi vô cùng ngưỡng mộ và cảm phục. Chính nhờ lòng dũng cảm cao cả đó, giúp tôi khôi phục được lòng hảnh diện của mình đối với những anh bạn đã một thời giúp tôi ngăn chận kẻ cướp. Tôi không hổ thẹn với tổ tiên, với hồn thiêng sông núi Việt Nam, và nhất là không hổ thẹn với tất cả những tế bào của tôi đã hi sinh trên khắp các trận tuyến, từ quân sự, chính trị, đến kinh tế, văn hoá xã hội. Nếu không, tôi sẽ tủi nhục biết dường nào!! Và hành động đó, tiếp tục soi sáng thêm dòng lịch sử oai hùng của tổ quốc, tiếp tục nâng cao thêm tinh thần bất khuất của những anh hùng dân tộc "thành mất chết theo thành". Đó, chính là ánh sáng của chính nghĩa quốc gia dân tộc mà chiến sĩ và toàn dân, đã dốc lòng phụng sự, và sẽ không bao giờ ngưng nghỉ nếu như dân tộc Việt Nam chưa được sống trong một xã hội dân chủ pháp trị theo nguyện vọng của mình.

Tôi là một thanh niên 23 tuổi, nhưng tôi có một sức mạnh phi thường, một tinh thần chiến đấu dũng cảm mà lâu nay hắn rất ngại đánh nhau với tôi, trong khi hắn sẳn sàng chấp nhận đánh nhau với anh bạn Mỹ cho dù anh bạn Mỹ rất mạnh về hỏa lực, "chỉ vì anh bạn Mỹ hiểu hắn không bằng tôi hiểu hắn". Nhưng mà, lệnh là lệnh!

Lệnh bắt tôi phải buông súng!
Lệnh bắt tôi phải giao súng cho hắn, mà hắn là kẻ thù của dân tộc! Ôi! ........
Vậy là, tôi bị bức tử rồi các bạn ơi!
Tôi chết, nhưng những tế bào của tôi không thể chết.

Lời cuối của tôi, là các bạn hãy cùng nhau góp sức giải thể chế độ độc tài cộng sản, để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ tự do, dân tộc được ấm no hạnh phúc phù hợp với nguyện vọng của toàn dân, nhưng không hành động trả thù, vì cuối cùng, tất cả chúng ta đều là người Việt Nam. Nhưng đói với tất cả thành viên Bộ chính trị từ khoá đầu đến khóa đương nhiệm phải truy tố ra toà, vì họ là những người có thẩm quyền hoạch định và điều khiễn chính sách độc tài diệt chủng, đẩy dân tộc vào thảm cảnh tàn khốc trong nửa cuối thế kỷ 20.

Chúc quý bạn an lành, thành công. Tôi sẽ luôn luôn soi sáng cho ... quý ... bạn.


Vĩnh ... b.i..ệ...t ....!!!


Houston, mùa đông 2001

Trân trọng cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Đức Phương (Anh quốc), về một số tài liệu sử dụng trong bài này.

Phạm Bá Hoa (K5)


Hãy vinh danh người lính Việt Nam Cộng Hoà - Nguyễn thị Thảo An



Nguyễn thị Thảo An

"... Người Cộng Sản chân chính có truyền thống là những người không hề biết hoà bình, không sống được trong hoà bình thật sự ...

Khởi đầu là việc cày nát nghĩa trang Quân đội và hạ tượng Người Lính Việt Nam Cộng Hoà ..."

Không biết bắt đầu từ thuở nào có một quy luật hình thành là ở một thể chế chính trị, đều thành lập một lực lượng để bảo vệ mình, lực lượng đó được gọi là quân đội. Quân đội sinh ra từ chế độ và nó cũng vẽ nên những chân dung của chế độ. Chế độ tốt sẽ xây dựng nên một quân đội tốt. Quân đội tốt sẽ không dung dưỡng một chế độ xấu. Từ hơn hai nghìn năm về trước, người lính Việt Nam với chiếc áo trấn thủ, mang gươm giáo ngàn xưa để gồng gánh trên vai những nhiệm vu giết thù diệt loạn, bảo quốc an dân, giữ gìn cơ nghiệp của tiền nhân. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, hình ảnh của người lính thay đổi qua bao thời thế, nhưng trách nhiệm không hề thay đổi.

Người thanh niên tuổi trẻ Việt Nam từ khi bước vào quân trường, khoác vội bộ đồ trận, lưng mang vác ba lô cho tới khi anh đứng nghiêm với lời tuyên thệ Vị Quốc Vong Thân. Người tuổi trẻ đã trở thành người lính. Anh trưởng thành hơn bóng dáng của quê hương. Người lính với chiếc nón sắt xanh đậm tròn tròn như nửa vầng trăng in rõ bóng trên nền trời xanh lơ. Anh đã bước ra, tay ôm súng và chân mang giày trận, anh giẫm mòn nửa vòng đất nước đi canh giữ cho quê hương.

Bắt đầu từ thập niên Sáu Mươi, khi kẻ thù phương Bắc, với xe tăng súng cối, với những chủ thuyết ngoại lai, với những xích cồng nô lệ, đã toan tính nhuộm đỏ quê hương, thì từ đó, người lính đã hiện diện trong tuyến đầu lửa đạn. Anh mang vác hành trang, chiếc ba lô nặng cồng kềnh để chận bước quân thù, để bảo vệ miền Nam.

Ðất nước hai mươi năm chiến tranh, hai mươi năm dài người lính hầu như không ngủ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn ngày để anh đi từ sáng tinh mơ, chân giẫm ướt ngọn sương mai trên cỏ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn đêm, bóng anh mịt mờ trong núi rừng lạnh giá. Hai mươi năm, anh nghe tiếng đại bác vang trời không nghỉ.

Tiếng mưa bom đạn réo bên mình. Tiếng xe tăng nghiền nát đường quê hương. Hai mươi năm, anh đã đem sinh mạng của mình đặt trên đường bay của đạn. Ðã đem hy vọng cuộc đời đặt trên khẩu súng thân quen. Hay đã đem tình yêu và nỗi nhớ đặt trên đầu điếu thuốc. Hai mươi năm chiến tranh có bao ngày anh được ngủ yên trên chiếc giường ngay ngắn. Có bao đêm anh mơ được trọn giấc bình yên. Hay anh đã sống thân quen với đời gian khổ và đánh bạn với gian nguy.


Anh với đầu đội súng và vai mang ba lô, lội qua những vũng sình lầy nước ngang tầm ngực. Anh đã đi qua những địa danh xa lạ: Ashau, Ia Drang, Kontum, Pleime, nơi giơ bàn tay cũng không thấy được bàn tay. Hay anh truy địch ở bờ sông Thạch Hãn lừng lững sương mai, ở phá Tam Giang sóng vỗ kêu gào hay ở Cổ Thành xứ Huế mù sương. Dài dọc xuống Miền Nam với rừng Tràm, rừng Ðước, đến Ðồng Tháp Mười anh đã nghe muỗi vo ve như sáo thổi.

Anh đã đến những nơi mà anh không tưởng, anh đi diệt địch và anh đã ngã xuống địa danh chẳng quen dấu chân anh. Người lính nằm xuống ở Miền Nam xanh tươi ngọn mạ, ở những vùng trầm se rét Miền Trung, hay ở Miền Ðông xác thân thối rửa Từ Ấp Bắc, Ðồng Xoài, Bình Giả... cho tới Tống Lê Chân, An Lộc, Bình Long, người lính đã căng rộng tấm poncho để che kín bầu trời Miền Nam được yên ấm tự do. Nối gót tiền nhân, người lính, mỗi người lính đã đem 3.8 lít máu tươi, tưới cho thắm tươi hoa lá ruộng đồng, đã đem mỗi một 206 lóng xương khổ nạn của mình cắm trăm nẻo đường quê hương muôn ngã, để cho chính nghĩa quốc gia tự do được tồn tại. Ðể cho người dân quốc gia được sống no ấm ở hậu phương.

Những người dân quốc gia, những người dân quốc gia không hề muốn trở thành dân Cộng Sản, những người quốc gia luôn muốn bỏ chạy khi Cộng Sản tới và núp bóng người lính để được sống an nhàn ở chốn hậu phương. Họ hoàn toàn trao trọng trách bảo vệ quốc gia, ngăn thù dẹp loạn như một thứ công việc và trách nhiệm của người làm nghề lính, như thể không liên quan gì tới họ. Và họ tự trấn an lương tâm rằng người lính sẽ không bao giờ buông súng và sẽ mãi mãi bảo vệ họ tới cùng. Vì thế, họ luôn yên tâm sống ở hậu phương, yên tâm kiếm tiền và tranh đua đời sống xa hoa phè phỡn trên máu xương của người lính.

Và ở hậu phương, người lính đồng nghĩa với nghèo, đời lính tức là đời gian khổ, và tương lai người lính đếm được trên từng ngón taỵ Thế nên, người lính về hậu phương, anh ngỡ ngàng và lạc lỏng. Bỗng hình như anh cảm thấy mình như người Thượng về Kinh. Như vậy thì người ta tội nghiệp người lính và yêu người lính để thể hiện tình quân nhân cá nước trong sách vở, báo chí và truyền hình.

Người lính bị bắt cóc vào văn chương tiểu thuyết là những người lính giấy, vào văn chương để tự phản bội chính mình, để thoả mãn cho những kẻ trông con bò để vẽ con nai, và ngồi phòng khách để diễn tả chiến trường đỏ lửa. Người lính trên trang giấy ngang tàng và hung bạo, chửi rủa chính phủ, chống chính quyền và ghét cấp chỉ huy, lính la cà trong quán rượu, uống rượu chẳng thấy say, và càng say càng đập phá. Người lính xuất hiện trên sân khấu thì phong lưu và đỏm dáng hay trắng trẻo no tròn. Anh mặc đồ trận mới toanh còn nguyên nếp gấp, ngọt ngào chót lưỡi đầu môi anh ca bài ca mời gọi ái tình. à người yêu của anh lính là những cô mắt ướt môi hồng, áo quần xa hoa lộng lẫy, thề non hẹn biển yêu lính trọn kiếp trong ti vi. Như vậy thì quá mỉa mai cho cái gọi là anh trai tiền tuyến, em gái hậu phương. Trong khi đó, ở ngoài đời những người vợ lính là những người chống giữ thầm lặng ở xã hội hậu phương.

Ðó là những người đàn bà bình dị với tấm áo vải nội hoá rẻ tiền, với đôi guốc vông kẻo kẹt, đóng vai vừa là người mẹ vừa là người cha nuôi con nhỏ dại, gói ghém đời sống bằng lương người chồng lính chỉ vừa đủ mua nửa tháng gạo ăn. Ðó là những người đàn bà tất tả ngược xuôi, lăn lộn thăm chồng ở các Trung Tâm Huấn Luyện, hay ở những nơi tiền đồn xa xôi với vài ổ bánh mì làm quà gặp mặt. Ðó là những người âm thầm và lặng lẽ, chịu đựng và hy sinh để chồng luôn an tâm chống giữ ngoài trận tuyến với đối phương.

Hạnh phúc của họ mong manh và nhỏ bé, bất chợt như tình cờ. Có thể ở một thỏi son nhỏ bé mà người lính mang về để tặng vợ, có thể là một chiếc nón bài thơ, hay chút tình cờ ở một buổi tối người lính chợt ghé nhà thăm vợ. Hạnh phúc ở trong chén trà thơm uống vội, hay ở lúc nhìn đứa con bé nhỏ chào đời tháng trước.

Người vợ lính cũng là những người hằng đêm thức muộn để lắng tai nghe tiếng đại bác thâu đêm, rồi định hướng với lo âu trằn trọc. Ðó là những người đàn bà mà sau mỗi lần đơn vị chồng đụng trận, đi thăm chồng giấu giếm mảnh khăn sô.

Trong nỗi chịu đựng hy sinh, âm thầm và kỳ vĩ, họ vẫn sống và luôn gắng vượt qua để cho người chồng an tâm cầm súng. Ðể anh, người lính, anh mang sự bất công to lớn, sự bạc đãi phủ phàng, anh vẫn đi và vẫn sống, vẫn chiến đấu oai hùng giữa muôn ngàn thù địch.


Ở chiến trường, anh đối diện với kẻ thù hung ác, ở hậu phương anh bị ghét bỏ khinh khi, trên đầu anh có lãnh đạo tồi, sẵn sàng dẫm xác anh để cầu vinh cho họ, đồng minh anh đợi bán anh để cầu lợi an thân.

Những người dân của anh, những người anh hy sinh để bảo vệ từ chối giúp anh truy lùng kẻ địch, và điềm nhiên để anh lọt vào ổ phục kích của địch quân. Những người dân bán rẻ linh hồn cho quỷ, tiếp tay cho địch thác loạn ở hậu phương, đó là những kẻ chủ trương đòi quyền sống, trong đó không bao gồm quyền sống của anh.

Những kẻ để trái tim rung động tiếc thương cho cái chết của kẻ thù nhưng dửng dưng trước sự ngã xuống của anh. A dua, xu thời là bọn báo chí ngoại quốc thiên tả, lệch lạc ngòi bút, ngây thơ nhận định, mù quáng trong định kiến. ất cả vây quanh anh để tặng cho anh những đòn chí tử. Người lính bi hùng và bi thảm. Anh chống địch mười phương, tận lòng trong đơn độc, anh vẫn hy sinh và chống giữ tới hơi thở cuối cùng.

Ngày Hoà Bình, 28 tháng Giêng năm 1973 hiệp định Paris được ký kết Hoà Bình thật đến trên trang giấy, đến với thế giới tự do. Thế nên, thế giới tự do nâng ly để chúc mừng cho hoà bình của họ và nhận giải Nobel. Nhưng hoà bình đến ở Việt Nam tanh hôi mùi máu, đen ngòm như tấm mộ bia. Và anh, anh là vật thụ nạn trong cái hoà bình bi thảm.

Người lính vẫn tiếp tục ngã xuống, đem xác thân đắp nên thành luỹ để ngăn bước quân thù. Từ Ðông sang Tây, từ Nam chí Bắc, từ ngàn xưa và cho tới ngàn sau, có một quân đội nào mang số phận bi thương và oai hùng như người lính?

Những người lính chịu uống nước rễ cây và đầu không nhấc thẳng, đi luồn dưới Rừng Sát suốt 30 ngày không thấy ánh mặt trời. Những người lính đi hành quân mà không người yểm trợ để hai ngày ăn được bốn muỗng cơm, hay ăn luôn năm trái bắp sống và những lá cải hư mục ruỗng, miệng thèm một cục nước đá lạnh giữa cái nắng cháy da.


Người lính, người ở địa đạo Tống Lê Chân ăn côn trùng để tử thủ giữ ngọn đồi nhỏ bé. Người nằm xuống ở An Lộc, Bình Long. Và thủ đô, vòm trời thân yêu mà anh mơ ước để tang truy điệu cho anh chỉ có ba ngày. Ba ngày cho sinh mạng của năm ngàn người ở lại. Người ta lại tiếp tục vui chơi và quên đi bất hạnh. Bởi bất hạnh nào đó chỉ là bất hạnh của riêng anh.


Người lãnh đạo anh còn mè nheo ăn vạ. Và anh, anh phải đóng trọn vai trò làm vật hy sinh. Trước nguy nan, lãnh đạo anh tìm đường chạy trốn thì anh vẫn còn cầm súng ở tiền phương. Anh đã chống giữ, chịu đựng từng đợt xung phong ở Ban Mê Thuột mỗi ngày 24 giờ, không có ai yểm trợ, tiếp tế từ hậu phương. Nhưng ở đó, anh vẫn phải tử thủ cho con đường tẩu thoát của cấp lãnh đạo anh tuyệt đối được bình yên.

Và đồng minh của anh, người đồng minh đã từng sát cánh, cùng chia sẻ nỗi gian nguy ở Hạ Lào, Khe Sanh dưới trời mưa pháo, nay lại nghiễm nhiên nhìn anh đi những bước cuối cuộc đời. Phải chăng nhân loại đang trút những hơi thở cuối cùng nên lương tâm con người đang yên nghỉ ?

Cho nên, cả thế giới lặng câm để nhìn anh chết. Không chỉ cái chết riêng cho mỗi mình anh, vì bởi dưới đuờng đạn xuyên qua, xác thân anh ngã xuống thì đau thương đã vụt đứng lên. Cái bi thương có nhân dáng lớn lên và tồn tại suốt ngang tầm trí nhớ. Và người lính, anh vẫn kỳ vĩ và chịu đựng như vị thần Atlas mang vác quả địa cầu, người lính đã mang vác và bảo vệ mấy trăm ngàn người dân trên đường triệt thoái.

Trên những con đường từ Cao Nguyên không thiếu những người lính gồng gánh cho những người cô dân chạy loạn. Tay anh dẫn em thơ, tay dắt mẹ già chạy trong cơn mưa pháo. Và anh đã làm dù, làm khiên đỡ đạn, cho nên thân xác anh đã căng cứng mấy đường cây số, hay xác làm cầu ở tỉnh lộ 7B, anh đã chết ở Cao Nguyên lộng gió và đếm những bước cuối đời ở ngưỡng cửa thủ đô.


Bởi lãnh đạo đầu hàng nên anh nghẹn ngào vất đi súng đạn. Với nham nhở mình trần, anh vẫn chưa tin đời đã đổi thay. Có thật không? Hai mươi năm chiến tranh kết thúc? Giã từ những hy sinh và gian khổ của hôm quả có thật không? gày buông rơi vũ khí, anh mơ được về để an phận kẻ thường dân? Và có thật không? Anh được đi, được sống giữa một quê hương rối loạn tràn ngập bóng quân thù?

Anh đã khóc nhiều lần cho quê hương chinh chiến và đã khóc nhiều lần cho những xác bơ vơ. Lính khổ lính cười, dân khổ để người lính khóc. Và có ai, từng có ai trong chúng ta đã khóc thương cho đời lính?

Thương cho người lính với trái tim tan vỡ từ lâu. Bởi trái tim anh đã hơn một lần để lại dưới chân Cổ Thành Quảng Trị, ở một mùa Xuân xứ Huế năm nào, ở Hạ Lào, Tống Lê Chân hay ở trong cái nồi treo lủng lẳng trên ba lô khi anh hô xung phong để tiến vào An Lộc? Người lính thật sự trái tim anh tan vỡ từ lâu.

Lịch sử đã sang trang, và loài người đã bắt đầu đi những bước cuối cùng trên trái đất? Thế nên thời trang nhân loại là thứ phấn hương tàn nhẫn, và môi tô trét thứ son vô tình. Cả thế giới đồng thanh công nhận và gửi điện văn chúc mừng sự thống nhất ở Việt Nam. Và người ta uống chén rượu mừng để truy điệu Việt Nam đi vào cõi chết, chúc mừng Việt Nam có thêm 25 triệu nô lệ mới nhập tên. Hoà bình đã nở hoa trong cộng đồng thế giới, trong đời người Cộng Sản, nhưng hoà bình không thật đến ở Việt Nam.

Người Cộng Sản chân chính có truyền thống là những người không hề biết hoà bình, không sống được trong hoà bình thật sự. Như con giun, con dế sợ ánh sáng mặt trời. Thế nên họ dẫn dắt toàn dân đi xây dựng văn minh thời thượng.

Khởi đầu là việc cày nát nghĩa trang Việt Nam Cộng Hoà và hạ tượng Người Lính Việt Nam Cộng Hoà. Người Lính rơi xuống vỡ tan trong lòng đường phố, nhưng từ đó anh mới thực sự đứng lên, đứng thẳng và oai hùng hơn trước trong trái tim của người dân Việt Miền Nam.

Bởi từ khi những người bộ đội Cộng Sản bước chân vào thành phố, thì người dân Quốc Gia mới thật sự hiểu được giá trị của anh. Và những sự lầm lẫn và hối hận hôm nay hình như luôn theo nhau đi vào lịch sử. Vậy thì, khi ta chết trên con đường chạy loạn, khi ta chết ở bãi Tiên Sa, ta vùi thân nơi vùng kinh tế mới hay ta chìm dưới đáy biển Ðông, không phải vì khẩu súng rơi trên tay người lính, mà ta chết bởi viên đạn ích kỷ, viên đạn lãnh đạm và thờ ơ xuất phát từ trái tim bắn ngược lại chính ta. Bởi sự thật về người Cộng Sản đã đi quá tầm tưởng tượng và sự hy sinh của người lính vượt quá nỗi bi thương.

Hai mươi năm chiến tranh, hơn hai trăm ngàn người lính, hơn năm trăm ngàn thương binh đã để lại hai trăm ngàn sinh mạng và năm trăm ngàn những phần cơ thể để lại trên chiến trường khốc liệt. Ðể cho chúng ta có một bầu trời để thở, có một khoảng không gian đi đứng tự do, để cho tuổi thơ của chúng ta không phải đi lượm ve, lượm giấy, không phải đeo khăn quàng đỏ và ngợi ca những điều dối gạt chính mình.

Ðể cho bàn tay thiếu nữ không chạm bùn nhơ thủy lợi, tuổi thanh xuân không phải vùi chôn ở những gốc mì. Ðể cho bà mẹ già không phải ngồi mơ ước miếng trầu xanh, và những giọt nước mắt thôi không cần tuôn chẩy.


Nhưng lịch sử đã sang trang, những trang hồng tươi màu máu cho người Cộng Sản và cũng là những trang đẫm máu và nhơ bẩn nhất cho cả lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Anh, người lính trong thời chiến thành người tù của thời bình. Người lính chịu số phận bi thương của chiến tranh và cũng chịu luôn số phận tàn nhẫn trong thời bình. Anh người lưu vong trong lòng dân tộc, và lưu đày ở chính quê hương anh.

Bởi Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu một cuộc chiến tranh mới và đẩy anh xuống đáy trầm luân. Cũng chính từ chiến trường Tù Ngục này mà Cộng Sản đã chứng minh được Chúng và Anh không là đồng loại. Chúng, là lũ Cộng Sản cuồng tín, và tàn bạo nhất giữa thế giới Cộng Sản và vô nhân. Chúng lập nên một vương quốc mới mang tên là Lừa Dối, và mở ra một kỷ nguyên giết người theo kiểu mới, giết người bằng những mỹ từ đẹp đẻ, bằng lao động vinh quang, bằng thời gian không thể đếm.

Người lính bước vào trận chiến mới, chiến trường có tên là cải tạo, và anh người tù nhân không có án. Ở đây anh không có lãnh đạo, không có đồng đội, không có hậu phương. Kẻ thù vắt cùng, vắt kiệt sức lực anh trong rừng thẳm. ày đọa sỉ nhục anh dưới hố xí tanh hôi, đem thanh xuân và tài hoa của anh vùi chôn ở những vòng khoai vớ vẩn. Ðặt hy vọng của anh máng vào những mốc thời gian.

Người lính đã trở thành vật thụ nạn thời bình. Anh chết đói bên những vòng xanh nở rộ do chính tay anh cày xới vun trồng. Anh chết khát khi bên ngoài mưa rơi tầm tã. Giữa những trùng vây sóng dữ, giữa bóng tối cô đơn Anh vượt qua sự chết để đem về nghĩa sống. Anh đi xiếc qua những ranh giới tử sinh để chứng minh được phẩm giá con người. Ðôi mắt anh cao ngạo và chân đạp chữ đầu hàng.

Từ trong tăm tối hận thù, anh thắp sáng lên ý nghĩa đời người. Anh đã chiến đấu, để từ trong cõi chết anh bước ra mà sống. Ðể anh trở về từ địa ngục trần gian. Bao đồng đội bất hạnh đã ngã xuống trong rừng thẳm, cuối cùng anh đã trở về:
    Ta về cúi mái đầu sương điểm
    Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
    Cám ơn hoa đã vì ta nở
    Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
    Tô Thùy Yên
Nước mắt anh không rơi trong ngục tù Cộng Sản, nước mắt anh rơi khi anh được trả tự do. Anh bước về, anh đi giữa lòng quê hương. Anh ngỡ ngàng như thức từ cơn mộng. Có thật chăng đất nước Việt Nam, tàn hơn 30 năm chinh chiến và tù đày, để anh có được một đất nước thanh bình điêu tàn hơn thời chiến?

Và tuổi trẻ, những mầm non đất nước hôm nay xa lạ như người không cùng chung dòng giống. Anh đi trên đường phố xưa, đường đã đổi tên. Anh tìm bạn bè cũ, đứa còn đứa mất. Quê hương này không có chỗ cho anh?

Hai mươi năm chiến chinh, mười mấy năm tù đày trên chính quê hương để rồi anh phải tha hương biệt xứ. Người lính, mười bốn năm lính, mười bốn năm tù, tài sẵn có, được trí trá vài đô la, và mái đầu sương điểm để anh bước vào đời lần nữa.

Anh không có quyền bắt đầu, chỉ có quyền tiếp tục trôi theo dòng đời nghiệt ngã. Người lính cũ ngồi bán nước đá bào cho học trò giờ tan học ở chính quê hương. Hay anh, người lính lưu vong ngồi bán thuốc lá lẻ hằng đêm trong những tiệm Seven Eleven trên đường phố Mỹ.

Ba mươi năm vết thương cũ hầu như chưa lần khép kín. Ôi, hai mươi sáu chữ cái bắt đầu từ a, b, c, đ dẫu sắp xếp khéo léo tới đâu vẫn không đủ để viết nên những bi hùng anh đã đạt. Và cần phải thêm vào bao nhiêu chữ nữa mới diễn tả lên sự xót thương anh.

Chúng ta đã quá may mắn, quá vinh dự để trang sử Việt Nam có thêm những anh hùng như người lính Việt Nam Cộng Hoà, những anh hùng vô danh và sống đời thầm lặng, những anh hùng bình thường mà ta chưa có dịp vinh danh.

Nhưng cho tới nay, ta đã làm gì để tri ân người lính Quốc Gia. Chúng ta những người dân Quốc Gia đi chung con thuyền Miền Nam do các anh chèo chống, đưa qua những con sóng dữ Việt Nam. Những người quốc gia đã sang thuyền trong cơn quốc nạn, và đã để mặc anh chìm trong cơn Hồng Thuỷ của Việt Nam.

Chúng ta, những người quốc gia tầm gửi, đã sống nhờ trên máu xương người lính, và chưa lần đóng góp nào cho chính nghĩa quốc gia. Có phải giờ đây, chúng ta tiếc thương người lính bằng đầu môi chót lưỡi, bằng những video, nức nở kêu gào, hay chúng ta khóc cho người lính bằng những trang thơ vớ vẩn? Và có ai, có ai trong chúng ta cảm thấy thẹn khi ta đã đôi lần hãnh diện vì ta nói tiếng Anh trôi chẩy hơn họ, xe ta đẹp, nhà ta to.


Ngày nay, Người Cộng Sản ở quê hương với đôi tay đẫm máu của thuở nào cũng nói lời phản tỉnh. Vậy còn ta, bao nhiêu người Quốc Gia sẽ thức tỉnh để vẽ chân dung kỳ vĩ và nhiệm màu của Người Lính chúng ta. Có ai trong chúng ta sẵn sàng chi tiêu những bữa tiệc đắt tiền trong những nhà hàng danh tiếng, mua những tấm vé vào cửa của đại nhạc hội lừng tên mà ta tiếc bỏ tiền ra để quyên góp, xây lại tượng Người Lính ở thủ đô đã ngã xuống hôm nào.

Ðể một mai, khi quê hương không còn giống Cộng Sản, ta đem anh về trở lại quê hương. Ðể anh được đứng lên chính nơi anh ngã xuống như cùng thời với đất nước lúc hồi sinh.

Bao nhiêu chuyên gia nhóm họp nhan đề "xây dựng lại đất nước trong thời hậu Cộng Sản". Vậy có ai đã đặt kế hoạch tri ân cho người lính ? Bởi, một ngày nào mà ta chưa biết tri ân người lính và đặt họ ở một địa vị xứng đáng mà đáng lẽ họ phải ở từ lâu, thì làm sao ta có thể xây dựng được một xã hội đáng gọi là nhân bản.

Hãy vinh danh người lính Việt Nam Cộng Hoà .... Hãy giữ gìn và bảo vệ tinh thần Vị Quốc Vong Thân của họ như giữ gìn ngọn lửa thiêng trong lòng dân tộc, thì dân tộc ta mới mong có được những truyền nhân xứng đáng với thế hệ tương lai ....

Nguyễn thị Thảo An



Đơn vị xử dụng mìn Claymore - Lê Văn Mùi

Ðại Ðội 238 Ðịa Phương Quân
Ðơn vị xử dụng mìn Claymore hữu hiệu nhất tại tiểu khu Bình Thuận

Ðại Uý Lê Văn Mùi

Ðại đội 238 ÐPQ được thành lập năm 1968 với số tân binh ở Nha Trang (Khánh Hòa), do tôi (thiếu uý Lê Văn Mùi) được hân hạnh đi với phái đoàn gồm nhiều sĩ quan khác, tới tại trung tâm để lựa chọn. Số binh sĩ này được tàu HQ/VNCH và Ðại Hàn, chuyễn vận về Phan Thiết, tạm trú tại Lao Xá Mới đường Thủ Khoa Huân. Sau đó được chia thành 4 đại đội ÐPQ tân lập, mang số 236,237,238 và 239. Tôi được cử làm đại đội trưởng ÐÐ238, còn chuẩn uý Huỳnh Ðức Nhiệm (hình trên) là ÐÐP.

Ðại Uý Lê Văn Mùi.
Hình chụp năm 2008 Cựu đại đội trưởng ÐÐ238/ÐPQ Bình Thuận

ÐÐ 238 được chỉ định đóng ở đồn Nguyễn Hữu Chí nằm về hướng tây đồn Trinh Tường, thuộc xã Ðại Nẳm, quận Hàm Thuận. Gọi là đồn chứ thật ra, đây chỉ là một gò nghĩa địa do một trung đội Nghĩa Quân trú đóng. Khi ÐÐ238 tới, mới bắt đầu xây dựng thành một căn cứ tương đối kiên cố, phối hợp với các đồn khác, làm thành hệ thống vành đai yếu khu châu thành, bảo vệ thị xã Phan Thiết va an ninhợ các vùng phu cận.

Thời gian đầu tại Nam Bình Thuận, hoạt động của đại đội chủ yếu là hành quân và phục kích. Lúc này, thật sự kinh nghiệm và trang bị của đại đội tân lập rất yếu kém. Tôi cũng chưa nhiều từng trãi, còn sĩ quan và hạ sĩ quan hầu hết đều mới ra trường, riêng binh sĩ thuộc thành phần tân tuyển và ở Khánh Hòa , nên ít kinh nghiệm chiến đấu (KH ít VC hơn BT). Hơn nữa họ phục vụ xa quê hương, thường có ý nghĩ tiêu cực , mà Bình Thuận lúc đó VC hoạt động rất mạnh.

Do trách nhiệm nặng nề của người chỉ huy, nên tôi lúc nào cũng nghĩ phương cách cũng cố đơn vị và an ủi tinh thần của lính. Nên tôi đã dễ dàng cấp phép cho thuộc cấp (dù đơn vị quân số luôn thiếu hụt), để xoa dịu hoàn cảnh xa nhà của lính và làm giảm bớt tâm lý căng thẳng trong tình hình rất xấu lúc đó. Tôi muốn tạo một tình cảm gắn bó trong đơn vị và chú trọng khả năng phẩm chất hơn là số lượng.

Tuy hoạt động rất gần với thị xã nhưng chúng tôi cũng thường chạm với du kích VC. Có một lần, một bán tiểu đội nằm tiền đồn, hạ một VC bằng mìn claymore bấm con cóc phát điện, chỉ cách đồn chừng 100m giữa các đám ruộng khô. Từ đó tôi có ý nghĩ phục kích phải nhẹ, gọn và ít người, luôn thay đổi vị trí trong đêm, để tránh sự quan sát của dân làm cơ sở cho địch. Ðồng thời tạo yếu tố bất ngờ như chọn điểm kích giữa cánh đồng trống không nơi ẩn núp.. làm cho đối phương không bao giờ nghĩ tới. Quả thật với chiến thuật này, các toán phục kích của ta luôn chạm địch, có khi đang di chuyển ban đêm thì đụng độ. Vì binh sĩ lúc đó còn thiếu kinh nghiệm nên kết quả thu lượm được không nhiều.

Qua những lần hoạt động đó, trong đầu tôi đã suy ngh4 rất nhiều về hiệu ứng khi xử dụng mìn claymore tự dộng (Thật sự lúc đó tôi chưa biết có ai hay đơn vị nào đã sáng chế hay biến cãi nó thành tự động nổ, khi bị chạm đến). Sau này mới biết trước đó cũng đã có một vài đơn vị từng làm nhưng có tính cách cá thể và rất hiếm, còn phương thức cũng khác với sáng chế của tôi đã dùng tại Hòa Ða.

Khi đơn vị di chuyển ra Bắc Bình Thuận, quân số tác chiến lúc đó chưa tới 50 người, mà được giao an ninh, từ cầu Liêm Bình ra tới ranh giới Phan Lý Chàm. Khu vực này tôi được biết, rất bất ổn vì có quá nhiều cơ sở của VC. Ngoài ra ở đây còn có con đường giao liên của VC, từ Bắc Sơn tới mật khu Lê Hồng Phong chạy giữa ranh giới hai quận Hòa Ða và Phan Lý Chàm. Do đó lực lượng an ninh giữa hai chi khu thường tránh né vì sợ ngộ nhận, nên VC đã lợi dụng yếu điểm đó, hoạt động rất mạnh.

Lúc đầu mới tới, vì còn lạ vùng và tình trạng đại đội lại yếu kém từ trang bị, quân số. Bởi vậy tôi đã áp dụng lối cơ động tối đa và chiến thuật nghi binh, để VC và cơ sở của chúng, không thể đoán biết được hoạt động của đơn vị. Ngược lại ta cũng không biết rõ tình hình của địch chính xác. Nhân về họp tại BCH/HQ dã chiến của chi khu, đặt tạm trong căn cứ Bạch Mã sát quận Hòa Ða. Dịp này tôi trình bày ý định ‘ biến mìn claymore thành tự động’ với các sĩ quan đang chỉ huy các đơn vị bạn trong vùng và thượng cấp. Theo tôi nghĩ, việc biến cải mìn claymore từ con cóc bấm sang tự động, chỉ là điều rất bình thường mà ai cũng biết khi học về điện học ở bậc trung học. Nhưng mấu chốt ở chỗ là phải tìm nguồn cung cấp điện ở đâu và ngắt điện thế nào, để cho quả mìn tự động phát nổ khi bị chạm .

Và tôi đã nghĩ tới những cục Pin phế thải của máy AN-PRC25. Còn ngắt điện chính thì dùng những lá đồng dẹp của kẹp đạn M16 và những sợi dây nylon (cước) được dùng làm dây dẫn. Cuối cùng để có tính cách cơ động và dễ dàng mang theo, người lính phải tự mình làm một cái cọc, để gắn pin, ngòi nổ, dây vướng (bẩy). Còn quả mìn thì để riêng rẽ, chỉ dùng tới khi đã giăng bẩy xong, mới được cắm vào mìn hướng về bẩy và vùng địch do ta lựa chọn khi phục kích hay đóng quân đêm. Theo đánh giá của mọi người lúc đó, thì phương thức gài mìn này, rất an toàn so với các loại bẩy khác mà chúng ta đang xử dụng từ trước.

Từ khi đưa ra sáng kiến và thực hiện mìn claymore cơ động, đơn vị tôi đã đạt rất nhiều kết quả tốt. Nhờ vậy ÐD238/DPQ bắt đầu gây được tiếng vang tại Hòa Ða và làm tinh thần chiến đấu của quân nhân các cấp trong đơn vị lên cao. Riêng thiếu tá Lại Văn Xuân (sau thăng chức trung tá khi rời chức vụ) lúc đó là quận/chi khu trưởng Hòa Ða và cố vấn trưởng tại đây rất tin tưởng. Chính ông đã nói với tôi trước khi rời nhiệm sở lúc anh mới tới: "Tôi không tin tưởng khả năng của ÐÐ238ÐP. Khi đưa ÐÐ anh lên Liêm Bình tôi nghĩ anh cũng sẽ chạy hay trốn ngủ dưới chân cầu. Ngay cả một đại đội thuộc trung đoàn 44/SÐ23BB, có lần đảm trách khu vực đó nhưng về đêm cũng kéo xuống chân cầu Liêm Bình để phòng thủ".

Trong thời gian đơn vị tôi hoạt động vùng Liêm Bình, khiến cơ sở của VC không còn hoạt động được nữa, vì chúng không theo dõi được ta nên một vài lần đột nhập vào ấp, bị vướng mìn tự động bỏ mạng. Có một lần, đích thân tôi hướng dẫn toán phục kích phối hợp với mìn cơ động, VC mò về vướng mìn bỏ xác tại chỗ 2 tên trong đêm. Khi lục soát trong người thấy 2 cuộn giấy, bọc ngoài bằng giấy bao xi măng, trong có hai ngón chân cái. Tôi chuyển gói này về ban 2 chi khu và được chuyển tiếp về phòng 2/TK thẩm định. Sau này ban 2 cho biết, theo ngiên cứu giải mã của phòng 2 cho rằng đó là hình phạt cấp trên của chúng (VC), dùng để khiển trách cơ sở tại địa phương, không nắm được tin tức và tình hình ÐÐ238 ÐPQ. Do đó, ở trên không biết được gì nên mỗi lần về đều bị thiệt hại nhiều nhân mạng.

Thời gian hoạt động ở Hòa Ða, có một trận đánh đáng nhớ nhất tại Liêm Bình. Lúc đó chuẩn uý Ngô Trúc Khánh vừa mới về trình diện, trong lúc đại đội đang đụng nặng với tiểu đoàn 600 Bắc Việt và đã thắng lớn trận đánh ban ngày, không khác gì trong phim, vớ sự tham dự của trực thăng và chiến xa Mỹ . ÐÐ238 đã thu nhiều chiến lợi phẩm nhất và bắt sống 2 tên. Ngày hôm sau dân địa phương thu lượm nhiều xác VC, bị đồng bọn bỏ lại nằm rãi rác khắp nơi . Riêng khu vực Cây Ðào gần đồn của ÐÐ238, VC cũng chôn ở đó 13 xác chết.

Khi thành lập vào năm 1968, ÐÐ238 ÐPQ rất yếu và gần như một đơn vị vô danh tại Bình Thuận. Nhưng sau khi di chuyển tới Hòa Ða trong thời gian từ 1969-1970, đã trở thành một trong những đơn vị xuất sắc nhất của tỉnh nhà, qua chiến dịch ‘ thi đua tấn công diệt địch do tiểu khu đề xuất. Trong chiến dịch này, kết quả thi đua của các đơn vị được ghi nhận mỗi tam cá nguyệt. ÐÐ238 ÐPQ, được chấm giải nhất trong năm 1969, vì chiếm 2 lần hạng nhất và 2 lần hạng nhì. Lần đó, chuẩn uý Ngô Trúc Khánh được đơn vị đề cữ về Phan Thiết nhận giải thưởng.

Thành quả trên vẫn được duy trì, nên vào ngày Quân Lực 19-6-1970 , ÐÐ 238 ÐPQ được vinh dự cữ đại diện về Sài Gòn dự lễ khao quân toàn quốc. Thượng sĩ Nhị (độc nhất) được tôi cử đại diện cho đại đội cũng như tiểu khu Bình Thuận. Vì vậy, nơi nào bất ổn hay bị VC về thu thuế, cắm cờ , làm loạn trong quận Hòa Ða, thiếu tá Xuần luôn điều động ÐÐ tới đó để giải tỏa, giữ an ninh, như là một đơn vị cơ động của chi khu. Sau cùng đơn vị tôi được chỉ định bảo vệ cho cho chi khu và quận lỵ, cùng khu vực quanh vùng như Long Lễ, Hậu Quách, An Bình, Minh Mỵ..

Trong hoạt động, ÐÐ đã gây được tin tưởng cho quận trưởng và các cố vấn Mỹ. Niềm tin càng cao hơn, khi Trung Ðội I của chuẩn uý Khánh, trong trận phục kích tại An Bình được tôi tiếp ứng, đã thu được một B40, 2 AK47. Do đó tướng cố vấn Mỹ tại Quân Ðoàn II đã tới chi khu Hòa Ða, gắn cho tôi một huy chương ngôi sao bạc (nhờ vậy khi vượt biển tới Philippine tôi đã được chấp thuận vào Mỹ, dù đã mất hết giấy tờ chứng minh, khi trốn trại tù cộng sản). Dịp này, chuẩn uý Khánh cũng được ân thưởng một huy chương ngôi sao đồng. Thật là một vinh dự cho chúng tôi trong cuộc đời quân ngũ.

Một lần khác, toán phục kích của thượng sĩ Nhị nổ mìn và truy kích VC ban đêm có hỏa châu soi sáng. Lúc đó tôi có mặt trong lô cốt xi măng, thấy lính mình rượt địch chạy với tinh thần vô cùng phấn khởi. Có thể nói được là khí thế của ta lúc đó lên rất cao, coi VC như con nít, nên mỗi lần xáp trận là xung phong, không cần đợi lệnh cấp trên thúc gịuc, vì họ đã quá tin tưởng vào khả năng của chính mình. Trận này, ta thu được 3 súng, trong đó có khẩu K54 và có lẽ đã diệt được tổ điều nghiên của VC, đang dự trù mỡ cuộc tấn công vào quận đường Hòa Ða, như chúng từng thành công trước đó (thời gian quận Xuân mới về nhậm chức được 1 tháng).

Ở Long Lễ nhiều lần VC về bị vướng mìn, sáng ra thấy để lại nhiều vũng máu cũng như vết tay máu bôi trên vách nhà dân và những quân dụng như bidông đựng nước, túi đạn rách nát bỏ lại vương vãi khắp nơi, cho thấy chúng bị ít nhất cũng từ 5 tên trở lên, trong lúc mý ? về giữa xóm, bất ngờ bị lọt ổ mìn. Vài tháng sau, ta mở cuộc hành quân vào khu vực Ðộng Bà Ban, đã phát hiện những ngôi mộ đào vội chôn xác VC, gió làm bay lớp cát đắp bên trên, phơi bày quần áo và xương trắng bị chó hoang moi lên, rãi rác khắp nơi.

Một lần khác trong đêm nghe tiếng mìn nổ, sáng tìm theo dấu chân và vết máu, dẫn tới cầu ván gần lạch nước thấy có một ngôi mộ mới. Toán TrungThám của thượng sĩ Nhị đã mang xác này về để trước quận, cho thân nhân tới nhận, mới biết đó là mũi trưởng cơ sở VC tên Thập. Sau đó đại đội di chuyển ra Hội Tâm, đồng thời đãm trách các ấp Thanh Lương, Hiệp Ðức, Hà Thủy thuộc xã Thượng Văn (Duồng) cũng nằm trong quận Hòa Ða. Tại đây đại đội dã chặn đánh một đơn vị thuộc tiểu đoàn 481 cộng sản Bắc Việt, bắt sống 1 và bắn chết tại chỗ 7 trong số này có 1 tên kinh tài về thu thuế.

Trận này, chính tôi đã đề nghị với thiếu tá Xuân bỏ trống ấp Thanh Lương, để tổ chức một cuộc phục kích tại Ðá Bồ (Duồng). Ðêm đó nếu tròi không mưa, làm lạnh anh em nên họ phải rút vào Ðá Bồ, thì đã hốt trọn ổ kinh tài của VC (chừng 20 tên), từ đồi cát cách nơi phục kích chừng 2km, theo kế hoạch. Tóm lại đại đội 238 ÐPQ rất hãnh diện về những thành quả đã thu được tại quận Hòa Ða mà phần lớn cũng từ một phát kiến đơn giản đã làm xoay chuyển một đại đội tân lập yếu kém đủ mọi mặt, trở thành một trong những đơn vị xuất sắc nhất của tiểu khu

Về vị đại tá tỉnh trưởng tài năng và khả kính, tôi cũng được vinh dự gặp vài lần, khi ông cùng phái đoàn cố vấn Mỹ ra Hòa Ða gắn huy chương cho các đơn vị và thuyết trình tại cuộc họp của toàn khu 23 chiến thuật. Chính Ðại tá Nghĩa là người đã lãnh đạo và phát động chiến dịch ‘ mìn cơ giới ‘ tới mức tối đa và cũng là lần đầu tiên tại quân khu II.

Lúc tôi về làm đại đội trưởng tại Khánh Hòa, có vài lần toán huấn luyện lưu động của tiểu khu, đến các đơn vị thuyết trình và huấn luyện về chiến dịch "mìn cơ giới" của quân khu II. Theo tôi thì cách làm của họ rất bất tiện và nguy hiểm hơn, nếu đem so sánh với cách của ÐÐ238 ÐPQ/Bình Thuận. Bằng chứng là một trung sĩ cố vấn Mỹ, trong lúc biểu diễn bị chạm nổ nên bị thương bàn tay tại buổi tập ...

Hoa Kỳ tháng 5-2009
Lê Văn Mùi