Ðơn vị xử dụng mìn Claymore hữu hiệu nhất tại tiểu khu Bình Thuận
Ðại Uý Lê Văn Mùi
Ðại đội 238 ÐPQ được thành lập năm 1968 với số tân binh ở Nha Trang (Khánh Hòa), do tôi (thiếu uý Lê Văn Mùi) được hân hạnh đi với phái đoàn gồm nhiều sĩ quan khác, tới tại trung tâm để lựa chọn. Số binh sĩ này được tàu HQ/VNCH và Ðại Hàn, chuyễn vận về Phan Thiết, tạm trú tại Lao Xá Mới đường Thủ Khoa Huân. Sau đó được chia thành 4 đại đội ÐPQ tân lập, mang số 236,237,238 và 239. Tôi được cử làm đại đội trưởng ÐÐ238, còn chuẩn uý Huỳnh Ðức Nhiệm (hình trên) là ÐÐP.
Hình chụp năm 2008 Cựu đại đội trưởng ÐÐ238/ÐPQ Bình Thuận
ÐÐ 238 được chỉ định đóng ở đồn Nguyễn Hữu Chí nằm về hướng tây đồn Trinh Tường, thuộc xã Ðại Nẳm, quận Hàm Thuận. Gọi là đồn chứ thật ra, đây chỉ là một gò nghĩa địa do một trung đội Nghĩa Quân trú đóng. Khi ÐÐ238 tới, mới bắt đầu xây dựng thành một căn cứ tương đối kiên cố, phối hợp với các đồn khác, làm thành hệ thống vành đai yếu khu châu thành, bảo vệ thị xã Phan Thiết va an ninhợ các vùng phu cận.
Thời gian đầu tại Nam Bình Thuận, hoạt động của đại đội chủ yếu là hành quân và phục kích. Lúc này, thật sự kinh nghiệm và trang bị của đại đội tân lập rất yếu kém. Tôi cũng chưa nhiều từng trãi, còn sĩ quan và hạ sĩ quan hầu hết đều mới ra trường, riêng binh sĩ thuộc thành phần tân tuyển và ở Khánh Hòa , nên ít kinh nghiệm chiến đấu (KH ít VC hơn BT). Hơn nữa họ phục vụ xa quê hương, thường có ý nghĩ tiêu cực , mà Bình Thuận lúc đó VC hoạt động rất mạnh.
Do trách nhiệm nặng nề của người chỉ huy, nên tôi lúc nào cũng nghĩ phương cách cũng cố đơn vị và an ủi tinh thần của lính. Nên tôi đã dễ dàng cấp phép cho thuộc cấp (dù đơn vị quân số luôn thiếu hụt), để xoa dịu hoàn cảnh xa nhà của lính và làm giảm bớt tâm lý căng thẳng trong tình hình rất xấu lúc đó. Tôi muốn tạo một tình cảm gắn bó trong đơn vị và chú trọng khả năng phẩm chất hơn là số lượng.
Tuy hoạt động rất gần với thị xã nhưng chúng tôi cũng thường chạm với du kích VC. Có một lần, một bán tiểu đội nằm tiền đồn, hạ một VC bằng mìn claymore bấm con cóc phát điện, chỉ cách đồn chừng 100m giữa các đám ruộng khô. Từ đó tôi có ý nghĩ phục kích phải nhẹ, gọn và ít người, luôn thay đổi vị trí trong đêm, để tránh sự quan sát của dân làm cơ sở cho địch. Ðồng thời tạo yếu tố bất ngờ như chọn điểm kích giữa cánh đồng trống không nơi ẩn núp.. làm cho đối phương không bao giờ nghĩ tới. Quả thật với chiến thuật này, các toán phục kích của ta luôn chạm địch, có khi đang di chuyển ban đêm thì đụng độ. Vì binh sĩ lúc đó còn thiếu kinh nghiệm nên kết quả thu lượm được không nhiều.
Qua những lần hoạt động đó, trong đầu tôi đã suy ngh4 rất nhiều về hiệu ứng khi xử dụng mìn claymore tự dộng (Thật sự lúc đó tôi chưa biết có ai hay đơn vị nào đã sáng chế hay biến cãi nó thành tự động nổ, khi bị chạm đến). Sau này mới biết trước đó cũng đã có một vài đơn vị từng làm nhưng có tính cách cá thể và rất hiếm, còn phương thức cũng khác với sáng chế của tôi đã dùng tại Hòa Ða.
Khi đơn vị di chuyển ra Bắc Bình Thuận, quân số tác chiến lúc đó chưa tới 50 người, mà được giao an ninh, từ cầu Liêm Bình ra tới ranh giới Phan Lý Chàm. Khu vực này tôi được biết, rất bất ổn vì có quá nhiều cơ sở của VC. Ngoài ra ở đây còn có con đường giao liên của VC, từ Bắc Sơn tới mật khu Lê Hồng Phong chạy giữa ranh giới hai quận Hòa Ða và Phan Lý Chàm. Do đó lực lượng an ninh giữa hai chi khu thường tránh né vì sợ ngộ nhận, nên VC đã lợi dụng yếu điểm đó, hoạt động rất mạnh.
Lúc đầu mới tới, vì còn lạ vùng và tình trạng đại đội lại yếu kém từ trang bị, quân số. Bởi vậy tôi đã áp dụng lối cơ động tối đa và chiến thuật nghi binh, để VC và cơ sở của chúng, không thể đoán biết được hoạt động của đơn vị. Ngược lại ta cũng không biết rõ tình hình của địch chính xác. Nhân về họp tại BCH/HQ dã chiến của chi khu, đặt tạm trong căn cứ Bạch Mã sát quận Hòa Ða. Dịp này tôi trình bày ý định ‘ biến mìn claymore thành tự động’ với các sĩ quan đang chỉ huy các đơn vị bạn trong vùng và thượng cấp. Theo tôi nghĩ, việc biến cải mìn claymore từ con cóc bấm sang tự động, chỉ là điều rất bình thường mà ai cũng biết khi học về điện học ở bậc trung học. Nhưng mấu chốt ở chỗ là phải tìm nguồn cung cấp điện ở đâu và ngắt điện thế nào, để cho quả mìn tự động phát nổ khi bị chạm .
Và tôi đã nghĩ tới những cục Pin phế thải của máy AN-PRC25. Còn ngắt điện chính thì dùng những lá đồng dẹp của kẹp đạn M16 và những sợi dây nylon (cước) được dùng làm dây dẫn. Cuối cùng để có tính cách cơ động và dễ dàng mang theo, người lính phải tự mình làm một cái cọc, để gắn pin, ngòi nổ, dây vướng (bẩy). Còn quả mìn thì để riêng rẽ, chỉ dùng tới khi đã giăng bẩy xong, mới được cắm vào mìn hướng về bẩy và vùng địch do ta lựa chọn khi phục kích hay đóng quân đêm. Theo đánh giá của mọi người lúc đó, thì phương thức gài mìn này, rất an toàn so với các loại bẩy khác mà chúng ta đang xử dụng từ trước.
Từ khi đưa ra sáng kiến và thực hiện mìn claymore cơ động, đơn vị tôi đã đạt rất nhiều kết quả tốt. Nhờ vậy ÐD238/DPQ bắt đầu gây được tiếng vang tại Hòa Ða và làm tinh thần chiến đấu của quân nhân các cấp trong đơn vị lên cao. Riêng thiếu tá Lại Văn Xuân (sau thăng chức trung tá khi rời chức vụ) lúc đó là quận/chi khu trưởng Hòa Ða và cố vấn trưởng tại đây rất tin tưởng. Chính ông đã nói với tôi trước khi rời nhiệm sở lúc anh mới tới: "Tôi không tin tưởng khả năng của ÐÐ238ÐP. Khi đưa ÐÐ anh lên Liêm Bình tôi nghĩ anh cũng sẽ chạy hay trốn ngủ dưới chân cầu. Ngay cả một đại đội thuộc trung đoàn 44/SÐ23BB, có lần đảm trách khu vực đó nhưng về đêm cũng kéo xuống chân cầu Liêm Bình để phòng thủ".
Trong thời gian đơn vị tôi hoạt động vùng Liêm Bình, khiến cơ sở của VC không còn hoạt động được nữa, vì chúng không theo dõi được ta nên một vài lần đột nhập vào ấp, bị vướng mìn tự động bỏ mạng. Có một lần, đích thân tôi hướng dẫn toán phục kích phối hợp với mìn cơ động, VC mò về vướng mìn bỏ xác tại chỗ 2 tên trong đêm. Khi lục soát trong người thấy 2 cuộn giấy, bọc ngoài bằng giấy bao xi măng, trong có hai ngón chân cái. Tôi chuyển gói này về ban 2 chi khu và được chuyển tiếp về phòng 2/TK thẩm định. Sau này ban 2 cho biết, theo ngiên cứu giải mã của phòng 2 cho rằng đó là hình phạt cấp trên của chúng (VC), dùng để khiển trách cơ sở tại địa phương, không nắm được tin tức và tình hình ÐÐ238 ÐPQ. Do đó, ở trên không biết được gì nên mỗi lần về đều bị thiệt hại nhiều nhân mạng.
Thời gian hoạt động ở Hòa Ða, có một trận đánh đáng nhớ nhất tại Liêm Bình. Lúc đó chuẩn uý Ngô Trúc Khánh vừa mới về trình diện, trong lúc đại đội đang đụng nặng với tiểu đoàn 600 Bắc Việt và đã thắng lớn trận đánh ban ngày, không khác gì trong phim, vớ sự tham dự của trực thăng và chiến xa Mỹ . ÐÐ238 đã thu nhiều chiến lợi phẩm nhất và bắt sống 2 tên. Ngày hôm sau dân địa phương thu lượm nhiều xác VC, bị đồng bọn bỏ lại nằm rãi rác khắp nơi . Riêng khu vực Cây Ðào gần đồn của ÐÐ238, VC cũng chôn ở đó 13 xác chết.
Khi thành lập vào năm 1968, ÐÐ238 ÐPQ rất yếu và gần như một đơn vị vô danh tại Bình Thuận. Nhưng sau khi di chuyển tới Hòa Ða trong thời gian từ 1969-1970, đã trở thành một trong những đơn vị xuất sắc nhất của tỉnh nhà, qua chiến dịch ‘ thi đua tấn công diệt địch do tiểu khu đề xuất. Trong chiến dịch này, kết quả thi đua của các đơn vị được ghi nhận mỗi tam cá nguyệt. ÐÐ238 ÐPQ, được chấm giải nhất trong năm 1969, vì chiếm 2 lần hạng nhất và 2 lần hạng nhì. Lần đó, chuẩn uý Ngô Trúc Khánh được đơn vị đề cữ về Phan Thiết nhận giải thưởng.
Thành quả trên vẫn được duy trì, nên vào ngày Quân Lực 19-6-1970 , ÐÐ 238 ÐPQ được vinh dự cữ đại diện về Sài Gòn dự lễ khao quân toàn quốc. Thượng sĩ Nhị (độc nhất) được tôi cử đại diện cho đại đội cũng như tiểu khu Bình Thuận. Vì vậy, nơi nào bất ổn hay bị VC về thu thuế, cắm cờ , làm loạn trong quận Hòa Ða, thiếu tá Xuần luôn điều động ÐÐ tới đó để giải tỏa, giữ an ninh, như là một đơn vị cơ động của chi khu. Sau cùng đơn vị tôi được chỉ định bảo vệ cho cho chi khu và quận lỵ, cùng khu vực quanh vùng như Long Lễ, Hậu Quách, An Bình, Minh Mỵ..
Trong hoạt động, ÐÐ đã gây được tin tưởng cho quận trưởng và các cố vấn Mỹ. Niềm tin càng cao hơn, khi Trung Ðội I của chuẩn uý Khánh, trong trận phục kích tại An Bình được tôi tiếp ứng, đã thu được một B40, 2 AK47. Do đó tướng cố vấn Mỹ tại Quân Ðoàn II đã tới chi khu Hòa Ða, gắn cho tôi một huy chương ngôi sao bạc (nhờ vậy khi vượt biển tới Philippine tôi đã được chấp thuận vào Mỹ, dù đã mất hết giấy tờ chứng minh, khi trốn trại tù cộng sản). Dịp này, chuẩn uý Khánh cũng được ân thưởng một huy chương ngôi sao đồng. Thật là một vinh dự cho chúng tôi trong cuộc đời quân ngũ.
Một lần khác, toán phục kích của thượng sĩ Nhị nổ mìn và truy kích VC ban đêm có hỏa châu soi sáng. Lúc đó tôi có mặt trong lô cốt xi măng, thấy lính mình rượt địch chạy với tinh thần vô cùng phấn khởi. Có thể nói được là khí thế của ta lúc đó lên rất cao, coi VC như con nít, nên mỗi lần xáp trận là xung phong, không cần đợi lệnh cấp trên thúc gịuc, vì họ đã quá tin tưởng vào khả năng của chính mình. Trận này, ta thu được 3 súng, trong đó có khẩu K54 và có lẽ đã diệt được tổ điều nghiên của VC, đang dự trù mỡ cuộc tấn công vào quận đường Hòa Ða, như chúng từng thành công trước đó (thời gian quận Xuân mới về nhậm chức được 1 tháng).
Ở Long Lễ nhiều lần VC về bị vướng mìn, sáng ra thấy để lại nhiều vũng máu cũng như vết tay máu bôi trên vách nhà dân và những quân dụng như bidông đựng nước, túi đạn rách nát bỏ lại vương vãi khắp nơi, cho thấy chúng bị ít nhất cũng từ 5 tên trở lên, trong lúc mý ? về giữa xóm, bất ngờ bị lọt ổ mìn. Vài tháng sau, ta mở cuộc hành quân vào khu vực Ðộng Bà Ban, đã phát hiện những ngôi mộ đào vội chôn xác VC, gió làm bay lớp cát đắp bên trên, phơi bày quần áo và xương trắng bị chó hoang moi lên, rãi rác khắp nơi.
Một lần khác trong đêm nghe tiếng mìn nổ, sáng tìm theo dấu chân và vết máu, dẫn tới cầu ván gần lạch nước thấy có một ngôi mộ mới. Toán TrungThám của thượng sĩ Nhị đã mang xác này về để trước quận, cho thân nhân tới nhận, mới biết đó là mũi trưởng cơ sở VC tên Thập. Sau đó đại đội di chuyển ra Hội Tâm, đồng thời đãm trách các ấp Thanh Lương, Hiệp Ðức, Hà Thủy thuộc xã Thượng Văn (Duồng) cũng nằm trong quận Hòa Ða. Tại đây đại đội dã chặn đánh một đơn vị thuộc tiểu đoàn 481 cộng sản Bắc Việt, bắt sống 1 và bắn chết tại chỗ 7 trong số này có 1 tên kinh tài về thu thuế.
Trận này, chính tôi đã đề nghị với thiếu tá Xuân bỏ trống ấp Thanh Lương, để tổ chức một cuộc phục kích tại Ðá Bồ (Duồng). Ðêm đó nếu tròi không mưa, làm lạnh anh em nên họ phải rút vào Ðá Bồ, thì đã hốt trọn ổ kinh tài của VC (chừng 20 tên), từ đồi cát cách nơi phục kích chừng 2km, theo kế hoạch. Tóm lại đại đội 238 ÐPQ rất hãnh diện về những thành quả đã thu được tại quận Hòa Ða mà phần lớn cũng từ một phát kiến đơn giản đã làm xoay chuyển một đại đội tân lập yếu kém đủ mọi mặt, trở thành một trong những đơn vị xuất sắc nhất của tiểu khu
Về vị đại tá tỉnh trưởng tài năng và khả kính, tôi cũng được vinh dự gặp vài lần, khi ông cùng phái đoàn cố vấn Mỹ ra Hòa Ða gắn huy chương cho các đơn vị và thuyết trình tại cuộc họp của toàn khu 23 chiến thuật. Chính Ðại tá Nghĩa là người đã lãnh đạo và phát động chiến dịch ‘ mìn cơ giới ‘ tới mức tối đa và cũng là lần đầu tiên tại quân khu II.
Lúc tôi về làm đại đội trưởng tại Khánh Hòa, có vài lần toán huấn luyện lưu động của tiểu khu, đến các đơn vị thuyết trình và huấn luyện về chiến dịch "mìn cơ giới" của quân khu II. Theo tôi thì cách làm của họ rất bất tiện và nguy hiểm hơn, nếu đem so sánh với cách của ÐÐ238 ÐPQ/Bình Thuận. Bằng chứng là một trung sĩ cố vấn Mỹ, trong lúc biểu diễn bị chạm nổ nên bị thương bàn tay tại buổi tập ...
Hoa Kỳ tháng 5-2009
Lê Văn Mùi
No comments:
Post a Comment