Monday, December 14, 2009

NHỚ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA: ĐỒNG XOÀI - BÙ NA - Đỗ Văn Phúc

Đỗ Văn Phúc

Quốc lộ 13 từ Sài Gòn qua Bình Dương, An Lộc, đến Lộc Ninh. Đến căn cứ Alpha là tiền đồn cuối cùng của Sư Đoàn 5 BB thì vượt biên giới Việt Miên đến thị xã Snuol thuộc tỉnh Kratie. Qua khỏi thị xã Bình Dương chừng cây số, đường 13 tách một nhánh tại Ngã Tư Sở Sao để thành Liên Tỉnh Lộ 13 [1]. Từ đây đi qua các quận Phú Giáo, Đồng Xoài đến ngã ba Bù Noi thì rẽ làm hai. Qua tây thì đến Phước Bình, tỉnh lỵ của Phước Long; sang đông thì chạy lên Ban Mê Thuột.

Đồng Xoài, quận lỵ của Đôn Luân, chỉ cách Sài Gòn 88 cây số. Nơi đây có một trại Dân Sự Chiến Đấu với một toán Lực Lương Đặc Biệt Việt Nam và nhóm Cố vấn Mỹ. Quân số chừng một tiểu đoàn. Ngày 9 tháng 6, 1965, đã khởi sự một trận chiến đẫm máu khi hai Trung Đoàn VC 292 và 293 và một đơn vị thuộc Công Trường 9 Cộng quân đánh bất ngờ vào quân lỵ và vây khốn quân tiếp viện gồm một tiểu đoàn Bộ Binh[2], Tiểu Đoàn 7 Dù và Tiều Đoàn 42 Biệt Động Quân. Sau mười ngày ác chiến trong thế cài răng lược, quân địch mới rút khỏi quận lỵ để lại 350 xác chết. Mức tổn của ta tương đối cao. Lần đầu tiên kể từ khi đổ quân tham chiến, quân Mỹ chịu tổn thất cao nhất với 7 tử trận, 12 mất tích và 15 bị thương.

Trên con đường huyết mạch đi Phước Long xuyên qua khu rừng nguyên sinh, chỉ có lác đác vài sóc Thương. Đường thì không được sử dụng thường xuyên. Đoạn đường đi Ban Mê Thuột thì coi như bỏ phế luôn. Bom đạn cày nát mặt đường nhưng không hề được tu sửa. Cây cỏ từ hai bên đã mọc lan qua mặt đường lởm chởm những đất đá và miểng đạn. Chỉ có xe làm be và lâu lâu có xe đò tháp tùng sau những chuyến mở đường của Bộ Binh để cho đoàn công voa chở tiếp tế cho Phước Long. Thời gian này, Hoa Kỳ bắt đầu xử dụng thuốc khai quang mở rộng khoảng trống từ con lộ vào thêm chừng 50 mét mỗi bên. Cây be được thợ rừng đốn ngã để nằm rải rác ở bìa rừng đã được Việt Cộng lợi dụng làm công sự để phục kích các đoàn xe của ta. Nằm an toàn dưới những súc gỗ có đường kính cả mét, thì chẳng có loại đạn thẳng hay vòng cầu nào tiêu diệt được chúng.

Gần cuối năm 1969, Tiểu Đoàn 4/8 được lệnh tăng phái cho Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh để hành quân mở đường từ Đồng Xoài đến Phước Bình, trên một quảng đường dài chừng hơn 50 cây số. Mỗi đại đội bộ binh cùng một chi đoàn thiết giáp chịu trách nhiệm hơn 15 cây số. Đại đội 16 do Trung Úy Nguyễn Quang Lộc chỉ huy và Chi Đoàn 1 Chiến Xa chịu trách nhiệm khúc giữa, từ Bunard trở lên hướng Bắc đến gần ngã ba Bù Noi. Đặc biệt tại Sư Đoàn 5, vào đầu tháng 5, 1969, được bổ sung 39 tân sĩ quan mới ra trường từ Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt; mỗi đại đội có 2 Đại đội phó: một hành quân và một CTCT. Anh hành quân thì được ấn định trong bảng cấp số đàng hoàng; còn anh lo về CTCT thì Bộ Tổng Tham Mưu chưa ghi vào cấp số. Phúc lúc đó là Thiếu Úy Đại đội Phó CTCT bên cạnh Thiếu Úy Hoàng Ngọc Việt đang thụ huấn gì đó ở Sài Gòn. Các Trung Đội Trưởng 1, 2, 3, và 4 (vũ khí nặng) tuần tự là các Chuẩn Úy Nguyễn Văn Mâu, Lô Đức Tân, Nguyễn Văn (?) Phương, và Trung sĩ Nhất người Nùng Vòng A Pẩu. Cũng thời điểm này, Mỹ còn duy trì ban Cố vấn ở cấp Tiểu đoàn, các cố vấn có khi lặn lội theo đại đội hành quân để liên lạc xin phi pháo yểm trợ khi cần. Đi theo Đại đội 16 là một Đại Úy Mỹ còn trẻ, xuất thân trừ bị Fort Benning, có quân vụ chưa tới 4 năm. Người phụ tá mang máy PRC-25 là Trung sĩ nhất Davidson, người da đen cao lớn vui tính. Anh Đại Úy Mỹ sặc mùi kỳ thị, tự cao. Khi nói đến chương trình học 4 năm của trường Võ bị Đà Lạt mà sau khi tốt nghiệp, phải mất thêm hơn ba năm mới lên Đại Úy; anh ta chỉ vào cái đầu nói rằng vì người Việt Nam có cái óc nhỏ, nên học hiểu chậm. Các sĩ quan trong Tiểu đoàn ghét anh này, nên mỗi khi anh ta theo đại đội nào, thì các Đại Đội Trưởng làm ngơ, chẳng cung cấp người phụ mang đồ, bắt anh ta tự đào hố cá nhân, tự làm lều mà ngủ. Khi di hành, dù anh ta than mệt, đuối sức, đại đội vẫn không cho lệnh nghỉ mà bắt anh ta phải ráng lết theo. Sau này, thấm biết điều đó, anh ta có vẻ dịu giọng lại.

Chúng tôi đóng quân trên ngọn đồi 289 gần một sóc Thượng ở Bù Nard nơi đã có trại A-344 Lực Lượng Đặc Biệt từ lâu. Ngọn đồi nhìn xuống một con suối nhỏ, nơi các cô gái Thượng chiều chiều ra tắm giặt. Hình như dân Thượng ở đây thuộc sắc tộc Stieng mà người Việt ta gọi hỗn là “mọi cà răng căng tai”. Tất cả dân Stieng, từ nhỏ đã dùng đá để mài hai hàm răng cho đến tận lợi; và xỏ lỗ hai giái tai rồi dùng những miếng gỗ tròn xuyên qua cho đến lúc nó rộng ra toang hoác. Trong cuốn phim “King Salomon’s Mines” do nữ tài từ Deborah Kerr và Steward Granger đóng cách đây hơn 60 năm, chúng ta thấy người dẫn đường da đen đã lôi ra từ cái lỗ khoét rộng ở dái tai một cái hộp tròn, trong đó đựng kim chỉ. Đủ biết cái lỗ này nó rộng ra sao. Đặc biệt, các cô gái Stieng đều để trần. Lính tráng chúng tôi rất khoái vào sóc để nhìn lúc các cô đứng giã gạo, hai bầu ngực săn chắc rung lên rung xuống nhịp nhàng hấp dẫn.

Lúc đầu, các cô chưa biết đến đôi kính mát. Thấy ai đeo kính mát, thì tưởng họ không thấy gì. Vì thế, khi xuống suối tắm, các cô cởi tuốt tuồn tuột và nô đùa tự nhiên trong khi đám lính đeo kính cứ ngồi thoải mái dựa gốc cây mà ngắm một cách thích thú. Sau này, thì các cô kéo nhau đi xa hơn trên thượng nguồn. Chúng tôi phải cấm lính ra suối vì sợ du kích Việt Cộng mon men bắn sẻ.

Cạnh bên sóc Thượng là một điểm dinh điền lập ra từ thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm quy tụ chừng trăm dân gốc đâu đó từ các tỉnh miền Trung. Những gia đình này không uống nước suối, có lẽ sợ bị bệnh sốt rét. Mỗi gia đình chứa nước mưa trong hàng chục cái chum lớn xếp thành hàng phía vách sau nhà. Về mặt tình báo, thì chúng tôi cũng có sự nghi ngờ đám dân dinh điền này có quan hệ với du kích, hoặc do huyết thống, hoặc vì bị khủng bố. Vì thế, Thiếu Úy Phúc luôn luôn nhắc nhở, ngăn ngừa binh sĩ vào xóm tán tỉnh các cô gái trẻ. Việc một vài quân nhân quen biết với các cô thợ may, ra xóm chơi rồi chiều tối không thấy về đơn vị thường xảy ra khi chúng tôi đóng quân ở các khu An Điền, Mỹ Thạnh, Ấp Nhà Việt dưới Bình Dương. Hôm sau, những chàng trai đa tình này chỉ còn là cái xác không hồn bị treo ngược đầu hay bằm nát phơi ngoài lộ.

Dù có đoàn công voa hay không, thì mỗi ngày các đơn vị phải đi mở đường từ tờ mờ sáng và chỉ trở về lúc trời chập choạng tối. Khi mặt trời còn ẩn nấp đâu đó cuối chân rừng, các xe thiết giáp đã gầm rú lên rồi chuyển bánh ra con lộ. Bộ binh đi theo đội hình hàng dọc trước và sau xe. Những ngày đầu thì còn dùng máy dò mìn rà theo mép lộ. Đi như thế thì cả ngày trời chưa hết khoảng đường trách nhiệm. Vì thế, chỉ rà những nơi nào có dấu hiệu khả nghi; còn ra thì leo lên xe chạy chầm chậm vừa quan sát mặt đường vừa chĩa súng vào ven rừng phòng vệ. Cứ cách 4, 5 cây số, để lại một trung đội giữ đường. Phúc luân phiên đi theo các trung đội để làm quen với lính.

Lúc này đang cuối thu, trời vào đông se lạnh. Một ca nhôm cà phê nấu vội bên đường chia nhau mấy thầy trò. Binh Nhất Nguyễn Văn Muôn, theo làm tà lọt cho Phúc từ mấy tháng nay có tài vừa di hành vừa nấu nước. Chỉ cần một cục C-4 bằng ngón tay út là đủ nấu sôi một lon gô nước. Ngoài Binh 1 Muôn, Phúc còn được thêm một Lao công Đào binh để mang đồ ngủ cho anh. Ông này tên Nguyên, cũng khá lớn tuổi, trước thuộc Điạ Phương Quân. Nguyên người gốc Bùi Chu, nên nói rất ngọng. “Để tôi rọn rường cho thiếu úy. Để tôi da nấy con rao …” Lao công đào binh là một hình thức tù khổ sai, phải mang vác đạn dược, làm các việc rất nặng nhọc ngoài chiến trường. Đến tối, phải ngủ quây quần trong hàng rào concertina có lính gác. Có người trước đây là Hạ sĩ quan, thậm chí có cả sĩ quan. Họ phải mặc áo quần nhà binh cũ, xé mất cổ áo, và trên lưng, trước ngực có viết nghệch ngoạc 4 chữ tắt LCĐB bằng sơn đỏ. Tội nghiệp, không may trúng đạn chết hay bị thương, họ chẳng hưởng được chút phúc lợi nào.

Phúc có xin phép Trung Úy Lộc để chọn được một toán gồm 6 Lao Công Đào Binh gốc các binh chủng Dù, Biệt Động và giao cho Trung Sĩ 1 Khai làm Trưởng Toán. Họ được trang bị AK-47 lấy được của địch và được huấn luyện để thành toán xung kích của đại đội với lời hứa hẹn sẽ giảm thời gian thụ án cho họ. Toán này đi theo Phúc lúc hành quân như một toán cận vệ. Trung Úy Lộc nghe đâu sắp được thuyên chuyển về Tiểu Khu Gia Định, nên cũng có phần thiếu tích cực trong đơn vị. Mọi sự đều giao cho Phúc lo liệu. Nhiều lần giữa trưa, ông giao quyền cho Phúc rồi kéo tên tà lọt đi bộ về Bù Nard chờ xe tiếp tế lên bày bàn nhậu nhẹt. Tuy nhiên, Trung Úy Lộc đối với Phúc khá tốt dù mới làm việc với nhau mấy tháng từ ngày Phúc về đơn vị. Không hiểu tại sao các sĩ quan dưới quyền không ưa ông ta. Đặc biệt là Chuẩn Úy Lô Đức Tân. Mỗi lần Lộc nói chuyện trước hàng quân, thế nào Tân cũng nháy mắt cho Phúc ngầm ra dấu. Hồi tháng bảy, hành quân Phú Hoà Đông, ông Tân làm sao đó, bị Lộc mắng: ”ông chỉ huy như con C.!”. Tân cười nhạt, ghé tai Phúc thì thầm: “Đ.M., Con C. làm sao biết chỉ huy nhỉ?”. Tân người Nùng, đi từ Hạ sĩ quan lên, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu và rất gan dạ. Sau này, Tân về làm Trưởng ban 1 Trung đoàn thời Đại Tá Bùi Trạch Dần, đã giúp xoá cho Phúc lệnh phạt trọng cấm do Đại Tá Lưu Yểm, Tỉnh Trưởng Phước Long ký vì tính bướng bỉnh khi hành quân tăng phái cho Tiểu Khu.

Đến trưa, xé túi cơm sấy ra, lấy nước đổ vào ngang lằn đỏ. Anh nào siêng thì nấu chút nước nóng, lười thì cứ nước bi đông cho vào. Bóp bóp chừng năm phút là ăn được. Ngày hai túi cơm sấy ăn với 2 hộp thịt heo ba lát của Mỹ. Đó là tiêu chuẩn hành quân của nhiều đơn vị bộ binh hồi đó. Tuy nhiên, lính vẫn quen mùi vị quê hương là con khô sặc hơn. Sau này, khoảng giữa năm 1970, Cục Quân Tiếp Vụ có sản xuất thí nghiệm hai loại đồ hộp cho hành quân. Một là thịt heo kho; hai là gà kho. Ăn rất hợp khẩu vị, nhờ vị mặn của nước mắm và trái ớt khô kèm theo.

Phúc ăn cơm chung với Chuẩn Úy Mâu xong thì Muôn đã giăng cái võng dưới một gốc cây cao; ông Nguyên thì ngồi dưới chân võng kể chuyện đời mình. Trung Sĩ Khai thì dẫn toán Lao Công vào sâu trong rừng, chia nhau canh gác. Các chiến xa thì trấn giữ ở hai đầu, cũng chĩa nòng đại bác và đại liên 50 chênh chếch vào bìa rừng.

- Thiếu Úy biết, tôi đi lính từ hồi 17 tuổi, theo Bảo Chính Đoàn. Cũng đánh nhau với Việt Minh mấy năm trời chứ kém ai. Sau 54, vào Nam, họ chuyển qua Bảo An rồi thành Địa Phương Quân.

- Địa Phương Quân thì tương đối an toàn, gần nhà. Đào ngũ làm chi mà ra nông nỗi này?

- Tôi có mấy thằng con trai bỏ học đi lang thang theo bạn bè. Lần về phép, lo tìm cách giải quyết việc nhà, ở thêm mươi, mười lăm ngày. Thế là đơn vị báo cáo đào ngũ. Chứ già như tôi, chỉ ráng thêm vài năm là về. Ai ngu gì mà đào ngũ cho khổ thân.

- Ráng chịu đựng thôi. Nếu có dịp, tôi sẽ xin giảm án cho ông.

Chuyện hai bên tao ngộ chiến xảy ra vài lần. Thường buổi chiều, sau khi rút quân, đại đội để lại một Tiểu đội nằm lại ở gần căn cứ để làm an ninh xa cho đơn vị.

Một khuya nọ, từ cái loa của máy PRC-25 nội bộ có tiếng thì thầm

- 61, đây 11. Nghe rõ trả lời?

- 11, 61 nghe 5/5.

- 11 xin zulu, nghe nhiều tiếng động, rất nhiều, rất gần.

Trung Úy Lộc cho lệnh rút và báo cáo lên Tiểu Đoàn cũng như gọi các Trung Đội ứng chiến.

Chừng hơn nửa giờ sau, từ phía Bắc căn cứ có nhiều tiếng súng dòn dã, chốc chốc nghe tiếng nổ lớn của lựu đạn.

- 61, 11 gọi

- Nghe

- Đụng rồi, đêm tối quá, không thấy gì, không biết ai bạn, ai thù.

- Romeo về ngay. Cho biết sơ khởi?

Tiếng máy nghe không rõ, vì giọng nói vừa thì thầm vừa đứt quảng. Nhưng qua ống nghe, có nhều tiếng la hét, tiếng đạn liên hồi. Toán kích đã về đến ngoài hàng rào phòng thủ. Trung Úy Lộc và Phúc cùng chạy ra.

- Thẩm quyền, chúng nó đông lắm.

- Đông là bao nhiêu?

- Chắc cả trăm đứa. Tụi nó rượt theo, vừa ngáng chân, vừa vật lộn. Loạn cả lên nên tụi tôi chẳng kiểm soát gì được.

- Bây giờ điểm quân số xem thiếu thằng nào?

Lộc gọi Trung Úy Chi Đoàn Trưởng Chiến Xa xin cho vài xe để đi tìm binh sĩ thất lạc. Hai chiếc M-113 nổ máy di chuyển ra cổng. Phúc chỉ huy Trung đội 1 tháp tùng. Vừa ra khỏi căn cứ chừng trăm thước, đã tìm thấy lác đác các binh sĩ đang hớt ha hớt hãi chạy về. Quân sĩ phóng lên trái sáng, soi rọi cả một khoảng trống. Đó là một khoanh rẫy khô của người Thượng vừa cắt hái xong. Các cây con bị chặt chừa khoảng 5 tấc cách mặt đất là nguyên nhân mà lính vấp té và báo cáo rằng họ bị địch ngáng chân. Tìm một lúc thì gom đủ quân số, và thấy một xác địch nằm co quắp trên mặt đất cạnh cây súng AK-47. Anh ta mặc quân phục chính quy miền Bắc, áo quần xanh màu lá mạ. Phúc lục trong túi áo trên và tìm thấy một căn cước mang tên Đoàn Văn Son, quê Bắc Ninh. Không thấy Trung Úy Lộc nói gì để giải quyết cái xác tên Việt Cộng, vì sau các cuộc chạm súng trong rừng thì phe ta chỉ lo tải chuyển thi hài chiến hữu mình; còn với xác địch thì chẳng ai lo chôn cất, để lại giữa rừng phó mặc cho trời đất.

Hôm sau, khi đoàn xe tăng mở đường đi được chừng 200 mét, binh sĩ phát giác ra cái xác Đoàn Văn Son đã được dân Thượng đem ra bỏ bên ven đường vẫn trong tư thế như đêm qua: hai cánh tay giơ cao trên đầu, hai chân co quắp. Nhưng lần này thì xác đã cứng đơ và tái trắng, khác hẳn cái xác còn mềm và chút hồng hào đêm qua.

Đoàn quân qua lại mỗi ngày trên đường, quan sát sự thay đổi của một xác người từ lúc mới chết cho đến khi căng mọng lên, da thịt tái bầm, đôi mắt lồi ra, hai môi căng lên đen bóng; rồi nước vàng bắt đầu chảy ra, phần thì thấm vào áo quần tạo thành những vùng thẫm đen, khô cứng, phần thì loang ra ngoài mặt đất. Nhờ ánh nắng nên phần thân thể lộ ra bên ngoài áo quần khô lại, lớp da trở nên cứng và bên trong thì rỗng vì thịt đã rã tan thành nước và bị giòi bọ đục khoét. Phần bên trong lớp áo quần thì chỉ còn xương, khô dần theo ngày tháng. Mùi xác chết là một mùi kinh khủng nhất. Cách xa cả cây số, mùi này theo hướng gió bay vào mũi thì dù có xoa loại dầu gì cũng chỉ làm tăng thêm nồng độ của sự kinh hoàng. Các xe thiết giáp phải xẻ đường trong rừng để tránh đi gần xác chết. Nhìn thân xác con người tiêu hủy như thế, mới thấy thấm thía cái mong manh phi lý của đời người: Các người là cát bụi, rồi sẽ trở về với cát bụi.

Cho đến khoảng 20 ngày sau, thì chẳng còn mùi hôi thối nữa, mà chỉ là một bộ xương được bọc trong bộ áo quần thùng thình từ màu xanh là mạ, nay đã trở nên nâu đen. Đại đội cho lính gom chút thi hài còn lại đem vào chôn bên ven rừng, chẳng bia mộ gì cả.

Hành quân trong rừng, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn thấy những bộ xương đã khô trắng hoặc bên đường, hoặc nằm sâu dưới đáy các hố bom B-52. Những cán binh “Sinh Bắc Tử Nam” khi ra đi vào Nam có ngờ đâu phơi xác trong vùng rừng sâu mà gia đình chắc chẳng bao giờ có thể tìm ra. Ai lo cho họ đây? Đồng chí của họ không lo được thì mong chi đối phương?

Phúc cũng có lần cưa một miếng xương ống tay nhặt đâu đó, xỏ vào dây thẻ bài đeo trước ngực. Đêm về, nhìn khúc xương trắng mà thấy bất nhẫn, tự hỏi: “Mình làm điều này có đúng không?”

Những người lính cấp nhỏ miền Nam khi ra đi chiến đấu không biết đến lòng căm thù. Họ thi hành một nghĩa vụ. Họ chưa phân biệt được cái chính nghĩa tự do và cái phi nghĩa của bạo tàn. Trước mắt họ là một chế độ, một hạnh phúc gia đình nhỏ nhoi cần bảo vệ. Vì vậy, họ cư xử với kẻ thù sa cơ rất nhân đạo. Nhưng dần dà, nhìn những cái chết của đồng đội sau khi lọt vào tay kẻ thù, thì họ trở nên dứt khoát hơn, nhưng vẫn chưa đến độ tàn nhẫn như kẻ thù. Một lý do đơn giản là vì họ có tín ngưỡng, tin vào luật đạo, luật nhân quả và nền đạo đức ngàn năm thấm sâu trong dòng máu Việt Nam. Phúc thì hiểu về Cộng Sản nhiều qua hai năm được dạy về chính trị ở quân trường, và mối oan cừu của người con mất cha mà anh chưa hề thấy mặt. Tuy nhiên, anh vẫn không xem người lính Việt Cộng là đối tượng để anh trả mối thù nhà.

Trận tao ngộ chiến vừa qua tuy ở mức độ quá nhỏ để phải quan tâm. Nhưng nó như một dấu hiệu báo trước những sóng gió tàn bạo sắp xảy ra. Chiến trường vẫn có những hiện tượng như thế. Rừng Phước Long bạt ngàn là nơi ẩn núp lý tưởng cho các đại đơn vị Cộng quân. Họ có thể bôn tập cấp trung đoàn một cách lẹ làng để mở cuộc tấn công chớp nhoáng vào các căn cứ, tiền đồn, điểm đóng quân của ta rồi rút an toàn vào rừng sâu trước khi quân tăng viện đến kịp.

Một ngày như mọi ngày.

Xe đò từ Sài Gòn đi Phước Long vẫn thỉnh thoảng đi qua vào lúc xế trưa, lúc mà quân mở đường đã yên vị. Phúc thường cho lính ra đón xe đò xin báo mới để biết tin tức hậu phương và đọc truyện giải trí. Hành khách cũng thương lính, luôn luôn cho những ổ bánh mì thịt thơm dòn, hoặc những chai nước ngọt. Đám dân làm be thì lâu lâu tặng cho các sĩ quan chai rượu với một lời yêu cầu là không xin bắn pháo binh bừa bãi vào khu khai thác gỗ. Thực ra, các sĩ quan ai cũng biết các xưởng mộc ở Đồng Xoài là cơ sở làm ăn của các quan to súng ngắn chóp bu ở Quân Đoàn 3. Bố anh nào dám gây rắc rối. Biết điều thì thỉnh thoảng dân be cho một khúc cẩm lai thật đẹp. Xưởng mộc cưa thành các lát mỏng rồi dùng xe GMC tiếp tế chở về Sài Gòn làm các bộ sa lông tủ bàn gia dụng … Loạng quạng thì …. Đi đâu nữa? ở đơn vị bộ binh là đã ra đến tận hết gian nan rồi! Nhưng dù sao đối với người lính hiện dịch thì vẫn còn con đường tiến thân binh nghiệp chứ.

Gần 10 giờ sáng, khi chiếc xe M-41 chở toán lính của Trung Độí 1 vừa chạy qua một khúc quẹo gắt, thì hai tiếng nổ vang lên dữ dội

Oành! Oàng!

Chiếc M-41 trúng đạn. Một trái B-41 bắn vào xích phía trái; quả đạn thứ hai trúng ngay pháo tháp làm những người lính văng bắn ra ven đường. Cũng may là quanh pháo tháp lúc đó chỉ có bốn người bám vào. Người Trung Sĩ thiết giáp, Trưởng xa, và một lính bộ binh chết ngay tại chỗ, những anh khác thì bị thương đang cố nhịn đau lết vào ẩn cạnh các bờ đất để dược y tá băng bó.

Tiếng súng AK và trọng liên thi nhau nổ dòn. Đạn cày tung toé khắp nơi trong lúc chiếc xe thứ hai vừa trờ tới. Quân sĩ nhảy nhanh xuống xe tìm nơi bố trí để kháng cự. Cùng một lúc thì có tiếng súng phía sau. Thế là cả đội hình lọt vào ổ phục kích trên một tuyến dài chứng nửa cây số.

Phúc và toán cận vệ LCĐB nhảy kịp, nấp sau một mô đất cách Trung Úy Lộc chừng 20 thước. Nhưng thế đất phía trước là một gờ cao hơn mặt đường hai mét. Cách đó không xa là các súc gỗ be lớn mà Việt Cộng khoét hố bên dưới chong súng ra bắn vào quân ta. Súng địch bắn rát áp đảo một lúc thì có vẻ rời rạc, chờ xem động tịnh của ta. Thiết giáp xoay nòng bắn vừa đại bác vừa đại liên 50 vào các điểm khả nghi để lính bộ binh mò mẫm bò lên. Họ không tiến xa được vì trống trải quá. Cứ dợm đứng lên là đạn bên trong vãi ra. Thêm vài anh bị thương nhưng không nặng lắm.

Cố vấn Mỹ đang bò lên bên cạnh. Lộc quay qua hỏi:

- Cho phi yểm ngay được không?

- Ông muốn ưu tiên vào đâu?

Lộc lật bản đồ, chấm vài toạ độ dọc theo mé rừng

- Bắn vào đây trước. Tôi cho quân lui ra rồi bắn theo hướng này, kéo dài trên cả tuyến.

- Tôi gọi pháo tầm xa của Big Red One [3] đây.

Không đến mười lăm phút sau, hàng trăm quả đạn bắt đầu dội xối xả vào đội hình địch. Đây phải là pháo 155 ly, vì bắn từ một căn cứ hoả lực Mỹ ở Phú Giáo. Đạn nổ từ xa rút lại gần. Từ trong rừng rải dài ra đến bìa rừng và sau cùng là dọc theo con lộ; chỉ cách bộ binh chúng tôi chừng 50 mét. Nắm mọp dưới lòng đường mà vẫn thấy toàn thân như bật lên mỗi lần có tiếng nổ. Khi cố vấn Mỹ loan báo dứt pháo yểm. Trung Úy Lộc ra hiệu cho Chuẩn Úy Mâu dẫn trung đội tiến lên. Người khinh binh đầu tiên vừa nhổm dậy thì một tràng AK bắn dòn dã quật anh ta ngã ngửa ra sau. Phúc bò lên vạch một lỗ trống ngay bụi cây, cố quan sát về phía súng nổ. Mâu lanh trí, cho một người lính máng chiếc nón sắt lên một khúc củi, nhô lên nhô xuống vài lần. Một loạt đạn lại vang lên. Chốt địch không xa mặt đường. Chúng nó nằm dưới một súc be lớn nơi mà các trái đạn pháo đã không bắn vào vì sợ quá gần quân bạn. Phúc chạy lom khom trởi lại, leo lên một chiếc chiến xa:

- Ông nhắm vào cây gỗ kia, chừng 2/3 từ bên trái, bắn cho một phát sát đất giùm.

- Miểng đạn có thể văng ngược lại trúng bộ binh đấy.

- Không sao. Một hai trái càng tốt.

Trong khi xạ thủ đại liên bắn xối xả vào để ngăn địch ngóc đầu dậy, anh pháo thủ xoay nòng, nhắm vào đúng điểm vừa chỉ.

Ấm!

Cả súc be rung lên, đất đá miểng đạn tung toé bay rào rào qua đầu. Phúc thẩy thêm một quả lựu đạn rồi vẫy tay cho toán cảm tử cùng nhào lên.

Xoay ngang cây M-16, một tay nắm chắc “gỗ” [4] che nòng, tay kia bấm cò; Phúc chạy ào vào ngay chốt địch. Ba tên vừa đứng dậy, đưa hai tay lên trời, nhưng đạn đã ra khỏi nòng bắn văng phần sọ phía trên của một tên địch. Hai tên còn lại chưa kịp nhảy lên tẩu thoát cũng hứng nguyên những loạt đạn của đám cảm từ LCĐB. Bên sườn phải, Trung Đội 1 cũng đã xung phong cố chiếm lĩnh trận địa nhưng bị khựng lại vì còn một số địch cố thủ dưới các gốc be mà đạn pháo chỉ đủ sức làm trầy trụa một phần bên trên. Vài binh sĩ ngã xuống, những người còn lại phải bò từng mét theo các thân cây la liệt trên đất; dò dẫm quan sát từng chút một để định vị trí ẩn núp của địch. Phúc trườn nhanh vào một gốc be và may mắn không dính đạn.

Sau cả tiếng đồng hồ mà không tiến thêm được bao nhiêu; Trung Úy Lộc quyết định cho lui lại để xin phi yểm.

- Ông Phúc nói thằng Mũi dài [5] cho Cobra lên bắn rốc két mới ăn chắc. Nếu cần cho bom napalm bắn cháy gỗ mới hun hết mấy con chuột này. Cứ giằng co thế này đến chiều chưa giải toả được đâu.

- Sao ông không kêu mấy con cua sắt lên? Mấy chả cứ rập rình sau lưng mình không hà.

- Cua mình chịu B-41 [6] không nổi đâu.

- Nó mình đồng da sắt mà chịu không nổi; còn xương thịt lính mình chắc cứng hơn?

Những đức tính cần thiết của người chỉ huy ngoài mặt trận là bản lĩnh, dứt khoát và can trường. Khi lâm trận, những người lính nhìn vào cấp chỉ huy của mình để có được lòng tin trước hiểm nguy rằng mọi việc sẽ tốt đẹp. Họ gửi gắm sinh mạng của mình vào chỉ huy và nghĩ rằng nơi nào gần người chỉ huy là an toàn nhất. Vì thế, dù phân vân, chưa biết phải làm gì; người chỉ huy cũng phải biểu lộ một thái độ dứt khoát; không bao giờ được phép nói rằng: “tôi không biết” trước mặt binh sĩ. Có ai trên đời mà không cảm thấy run sợ trước cái chết? Nhưng người can đảm là người biết che đậy, chế ngự sự sợ hãi. Trong thực tế, khói đạn, mùi thuốc súng cũng góp phần làm cho người ta hăng lên mà quên đi trong phút chốc sự sợ hãi. Đây là trận đánh có tầm vóc đầu tiên mà Phúc phải đương đầu kể từ ngày ra đơn vị. Phút giây này, không còn thì giờ nghĩ ngợi cho cá nhân, gia đình; mà trước mắt là những người lính đang nhìn vào, chờ đợi những quyết định dứt khoát của mình như một tấm gương để họ vững tin mà tiến lên.

Phúc nói với cố vấn Mỹ đề nghị của Đại Đội Trưởng, xin trực thăng Cobra bắn vào các chốt địch cũng như phản lực ném bom vào rừng đề phòng địch tập trung quân để tấn công.

Hai phi tuần Cobra thay nhau bắn rất chính xác theo hướng dẫn của bộ binh. Từng súc gỗ bật tung lên để lộ những toán địch cho bộ binh tưới đủ các loại đạn vào.

Khi phi cơ rời vùng, quân sĩ hai Trung Đội 1 và 2 xung phong lên với sự yểm trợ của thiết giáp. Một số địch sống sót vọt ra khỏi hố tháo chạy vào phía rừng chỉ để hứng bom từ các phản lực cơ F-4 của Hạm đội 7. Phúc đứng trên một cây be lớn, nhìn xuống bên này thì thấy mấy đôi chân lòi ra và còn giật giật trong khi phía bên kia của cây be thì những chiếc đầu chỉ còn loang lỗ óc và máu. Lôi xác chúng ra thì thấy những thân hình tương đối tròn trịa, trắng trẻo. Chúng mặc quân phục chính quy Bắc Việt; Có đứa nón tai bèo, có đứa nón cối. Trong túi áo có người còn sót lại lá thư tình của bạn gái hay vợ từ một địa danh miền Bắc kèm theo một tấm ảnh nhỏ chừng hai lóng tay của một cô gái quê mộc mạc nào đó. Phúc cho thu hết tất cả những tài liệu cá nhân này để chuyển về ban 2 Trung Đoàn khai thác.

Lúc đó đã quá trưa, nhưng không ai thấy đói. Lính tráng đang hăm hở đi thu nhặt chiến lợi phẩm và đếm xác địch.

Trung Úy Lộc ra lệnh cho Trung Đội 2 tản sâu vào trong rừng làm an ninh xa. Những thân cây đang cháy đổ nhựa khét lẹt cùng mùi thịt nướng. Toán quân y lo băng bó cho thương binh, chờ trực thăng đến bốc đi. Trung đội 3 không chạm súng thì được lệnh di chuyển đến thay thế cho Trung độ 1 rút ra nghỉ ngơi ngoài mặt lộ.

Vài chiếc xe đò đã liều mạng chạy qua khoảng đường vừa có chiến cuộc. Tài xế dừng nhanh trong chốc lát để trên xe ném xuống cho binh sĩ những thức ăn có sẵn trong tay. Muôn đem đến cho Phúc một khúc bánh mì kẹp chả và chai xá xị. Với hai bàn tay đầy bụi đất và dính cả máu thù, Phúc cầm lấy miếng bánh mì nhai ngon lành. Anh Cố vấn Mỹ cũng lết đến bên cạnh, nói những lời khen ngợi.

Trung sĩ Khai đưa bốn ngón tay ra dấu:

- He kills four VC; I kill two. (Ông ấy giết 4 tên Việt Cộng, tôi giết 2 tên)

- You are number One! How many VC killed in total? (Các anh ngon lành nhất. Có bao nhiên VC bị giết?)

- We are counting. Don’t know yet. Must be hundreds. (Đang đếm, chưa rõ. Nhưng có thể cả trăm)

- Including VC killed by artillery and air strike? (Tính luôn bọn bị phi pháo bắn chết?)

- Sure. (Chứ sao)

Chưa tới hai tuần sau, Đại Đội 14 do Trung Úy Lê Văn Bôn chỉ huy cũng bị phục kích gần Bù Noi trên một tuyến dài hơn và quân địch đông đảo hơn gấp bội. Cả Thiết đoàn và Tiểu đoàn phải tăng viện giải cứu. Phi pháo được xử dụng cật lực từ mờ sáng cho đến trưa, thiêu cháy cả khu rừng để đánh bật quân địch.

Ba tuần trước Tết Âm Lịch, Phúc bị trúng thương cũng trong một trận phục kích. Đạn xuyên qua giây nịt đạn, nịt quần và khoét một lỗ gọn gàng bằng đầu đũa ở bụng. Nhanh đến độ Phúc không hề cảm nhận rằng mình bị bắn cho đến khi nằm sấp xuống tránh loạt pháo thì mới thấy lành lạnh. Kéo trật chiếc quần trận xuống, Phúc chỉ thấy màu xám của lớp ruột bên trong đang đùn ra, không một giọt máu. Muôn thấy vậy hoảng hốt la lên:

- Thẩm quyền bị rắn cắn. Y tá đâu, tải thương ngay.

Muôn cứ loanh quanh, mếu máo:

- Ông Thầy ơi. Ông đừng đi nghe

- Đi đâu mà đi, mày? Chỉ mới gãi ngứa thôi.

Kinh nghiệm ngoài chiến trường cho thấy những người bị thương tuy máu me dầm dề mà lại không nguy hiểm tính mạng. Còn những người bị các vết thương không thấy máu, tỉnh táo như không có gì, lại rất dễ ra đi. Y tá Đại đội xem vết thương rồi trấn an:

- Thẩm quyền an tâm, nhờ cái dây TAB [7] nó cản bớt, nên đạn không vào sâu. Trúng bụng thường xuất huyết nội, nhưng không nguy hiểm nếu tải thương nhanh.

Nghĩa, hiệu thính viên Đại Đội nhanh nhẩu báo về Tiểu Đoàn và cùng lúc kêu Cố Vấn Mỹ xin trực thăng.

Mười phút sau, Phúc đã nằm trên băng ca do hai người lính Mỹ lúp xúp chuyển từ Trực thăng vào phòng mổ của Bệnh viện 3 Dã Chiến giữa lúc Việt Cộng đang nả hàng loạt đạn hoả tiễn 122 ly pháo kích vào các dãy nhà tiền chế của Bệnh Viện.

Trong giây phút mơ màng giữa chết và sống, đôi mắt mệt mỏi của Phúc nhìn thấy lờ mờ hàng chục khuôn mặt các bác sĩ và y tá vớí các đôi mắt xanh đang cúi xuống và những mũi kim lụi vào mạch máu cườm tay. Rồi Phúc thiếp đi vào hôn mê để hôm sau, khi tỉnh dậy thấy mình nằm trong một căn phòng mát lạnh, cả hai tay, hai chân bị cột vào thành chiếc giuờng nệm trắng toát; trên bụng dày cộm lên một đống gạc và đặc biệt, bên cạnh là một cô ý tá Mỹ xinh đẹp đang ngồi thấm nước chiếc khăn cũng trắng tinh để lau mặt mũi và cả thân thể tồng ngồng của anh.

Đỗ Văn Phúc

[1] Có một khúc rẽ chuyển thành Quốc Lộ 14

[2] Đồng Xoài nằm trong vùng trách nhiệm của Sư Đoàn 5 BB. Nhưng sách báo Hoa Kỳ nêu ra tin tức khác nhau về đơn vị Bộ Binh; khi thì Sư Đoàn 7, khi thì Sư Đoàn 5.

[3] Biệt danh của Sư Đoàn 1 BB Hoa Kỳ.

[4] Phần che nòng và báng súng của M-16 làm bằng hợp chất nhựa.

[5] Ám chỉ mấy anh cố vấn Mỹ.

[6] Súng phóng hoả tiễn RPG-7, dùng loại đạn B-41 nổ toả nhiệt độ cao đủ làm chảy lớp thép của xe thiết giáp để một ngòi nổ phụ xuyên vào trong gây sát thương, trong khi B-40 chỉ làm trầy trụa bên ngoài.

[7] Giây nịt lớn, dùng đeo các bao đựng đạn, bi đông, dao găm, súng lục. Thường gọi là Pistol Belt.