Sunday, April 25, 2010

Người Lính Và Vành Khăn Tang Tổ Quốc! - Hoàng Nhật Thơ





Hoàng Nhật Thơ
    Kính thưa quý Niên trưởng
    Kính thưa quý Huynh trưởng
    Kính thưa quý vị Quân Cán Chính VNCH
Cuộc chiến Việt Nam trên mặt trận quân sự, thật sự chấm dứt lúc 1:15 trưa ngày 01/05/1975, sau khi Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn,Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Chương Thiện cùng các chiến sĩ dưới quyền bị sa vào tay giặc.

Trước đó một ngày, tức là vào lúc 10:30 sáng ngày 30/04/1975, Tổng Thống* Dương Văn Minh kêu gọi các đơn vị, quân nhân các cấp thuộc QL/VNCH buông súng, sau này cũng có người gọi ông Dương Văn Minh là tổng thống "vi hiến". Trong phạm vi bài viết này, tôi không bàn về hai chữ "vi hiến" hay hợp hiến, mà tôi chỉ nhắc lại giờ phút lịch sử sang trang máu của 35 năm về trước, để cùng chia sẻ niềm đau thương dân tộc và cũng để "Vinh Danh_Tưởng Niệm_Tri Ân" những Người Lính VNCH. Sau lời kêu gọi buông súng của Ông Dương Văn Minh, một số đơn vị trưởng và cấp chỉ huy vì không muốn người dân và thuộc cấp phải đổ máu trong giờ thứ 25, nên đã ra lệnh kéo mảnh vải trắng lên ngọn cờ tại đơn vị, để chấp nhận chấm dứt chiến tranh. Từ ngày đau thương đó đến nay đã 35 năm, mảnh vải trắng đó bị xem là lá cờ đầu hàng. Không, VNCH bị bán đứng chớ Người Lính VNCH không thua ; Miền Nam Việt Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, nhưng Người Lính VNCH không đầu hàng. Người Lính VNCH chẳng những can trường để chiến thắng, mà còn can trường ngay cả trong chiến bại. Thiếu TướngNguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng , Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã hãnh diện và hiên ngang thay mặt cho toàn thể QL/VNCH chứng minh điều đó. Người Lính VNCH không bao giờ thua hoặc đầu hàng cộng sản. Mảnh vải trắng được Người Lính VNCH trân trọng và nghiêm trang từ từ kéo lên đỉnh ngọn cờ, kèm theo hai dòng lệ nhạt nhòa trong ngày tang thương đó là "VÀNH KHĂN TANG TỔ QUỐC" !

Mùa Xuân đến rồi qua đi, để lại trong lòng người Việt tha hương một nỗi buồn man mác trên con đường viễn xứ ... Tháng Tư lại đến, gợi nhớ trong chúng ta một tháng tư của 35 năm về trước .... Một Tháng Tư mà cả một quân đội hùng mạnh, thiện chiến nhất Đông Nam Á, phải tan hàng vì sự phản bội của đồng minh, một quân đội bách chiến, bách thắng bị trói tay trên bàn cờ chính trị thế giới ; Một Tháng Tư mà cả quê hương Việt Nam, đã bị Cộng sản Bắc Việt nhuộm đỏ bằng máu của Quân Dân Cán Chính VNCH ; Một Tháng Tư mà cả một dãy Giang san Việt Nam hoa gấm bị bọn cộng sản phá tan nát, nhận chìm trong máu và nước mắt của 85 triệu người dân Việt trong suốt 35 năm qua. "THÁNG TƯ ĐEN 1975" ...!!!

Trở ngược dòng lịch sử ... Trong suốt chiều dài của cuộc chiến trên quê hương Việt Nam, Người Lính VNCH đã dâng hiến cả cuộc đời cho Quê Hương, Tổ Quốc ; Người Lính VNCH đã đem sinh mạng của mình đặt trên đường bay của đạn, để hoàn thành trách nhiệm mà Tổ Quốc đã giao phó: "Bảo Quốc_An Dân".

Chúng ta không thể nào quên được hình ảnh Người Lính VNCH bước trên những đống gạch vụn đổ nát, trộn lẫn xác đồng đội và giặc thù, dưới từng cơn mưa đạn của địch quân giăng kín cả đất trời, để cắm ngọn cờ chiến thắng trên Cổ thành Quảng Trị vào ngày 16/09/72; Hình ảnh của những Người Lính VNCH tiến lên trong lửa khói mịt mờ, trong những trận mưa pháo kinh hoàng của quân thù, máu chảy theo mỗi bước đi, để chiếm lại từng tấc đất của quê hương nói chung, chiếm lại từng căn nhà góc phố cho người dân nơi thị trấn An Lộc nói riêng, vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 .v..v...
Người Lính VNCH gục ngã trên khắp các mặt trận lớn nhỏ, thân xác của họ nát tan trong đạn pháo của quân thù, để cho đất Mẹ được an vui; Máu của họ tuôn chảy trên khắp các nẻo đường đất nước, thấm vào lòng đất Mẹ để cho ruộng lúa được xanh tươi, hoặc một phần thân thể của họ đã gởi lại trên chiến trường, mục rã theo thời gian. Tất cả sự hy sinh đó là để bảo vệ hai chữ Tự Do cho Miền Nam Việt Nam. Nhưng ... đớn đau thay ! Người Lính VNCH đã bị người bạn đồng minh phản bội và bức tử phải buông tay súng trong ngày 30/04/75. Để rồi bao nhiêu người đã tuẩn tiết chết theo vận nước; Hằng ngàn người đã bị bọn cộng sản hành quyết ngay sau khi bọn chúng cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam ; Hằng trăm ngàn Quân Cán Chính đã bị đưa vào 200 trại tù khổ sai, khắc nghiệt trên hai miền Nam Bắc, nhận lãnh sự trả thù đê tiện và hèn hạ bằng những cực hình tra tấn dã man, độc ác của bọn cộng sản vô thần khát máu. Khoảng một trăm sáu mươi lăm ngàn người (165,000) đã chết trong các trại tù khổ sai. Cho đến ngày hôm nay, còn khoảng sáu mươi lăm ngàn (65,000) Quân Cán Chính VNCH đã chết mất xác vì bị bọn cộng sản thủ tiêu.

Dòng đời lặng lẽ trôi qua thoáng đó đã 35 năm. Dù cát bụi thời gian có chôn vùi tất cả và mọi việc sẽ đi vào lãng quên. Nhưng có những sự việc, những hình ảnh sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian, trơ gan cùng tuế nguyệt. Đó là hình ảnh, sức chiến đấu phi thường và sự hy sinh cao cả của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa.

Chúng tôi, những Người Lính VNCH nhắc lại dĩ vãng, không phải để tiếc nuối một thời quá khứ vàng son, danh vọng. Đời Người Lính VNCH, đầu đội trời quê cha, chân bước đi trên mảnh đất mẹ, đôi vai gầy bé nhỏ gánh vác cả giang san, lưng mang balô trĩu nặng tình yêu thương quê hương, dân tộc, đối diện với cái chết từng giây, từng phút. Đường hành quân trong rừng sâu, núi thẳm, có khi cả tháng không thấy ánh nắng mặt trời, đôi giày trận chưa hề được tháo ra một lần, những buổi cơm gạo sấy, nuốt vội vã dưới cơn mưa tầm tả. Cuộc đời của Người Lính như thế thì đâu có gì là vàng son, danh vọng ... Nếu có danh vọng chăng là chúng tôi hãnh diện và tự hào được khoác vào mình bộ quân phục của QL/VNCH ; Vàng son của Người Lính là đem máu xương để đổi lấy sự thanh bình cho quê hương.

Chúng tôi nhắc lại dĩ vãng, là để cho những thế hệ trẻ sau này hiểu rõ về một quá khứ bi hùng và sự hy sinh của Người Lính VNCH. Nhờ những sự hy sinh đó, mà chúng ta còn được hít thở bầu không khí tự do ngày hôm nay. Chúng tôi cũng muốn cho thế hệ trẻ đang sống trong nước hiểu rõ về tánh nhân bản và chính nghĩa của Người Lính VNCH; Người Lính VNCH không phục vụ cho bất cứ một đảng phái hay tổ chức nào, Người Lính VNCH đi chiến đấu với một trách nhiệm và một lý tưởng duy nhất là "Bảo Quốc_An Dân".

Có một số người thiển cận đã đổ hết trách nhiệm lên Người Lính VNCH về quốc nạn 30/04/1975, cũng có nhiều cấp chỉ huy, lãnh đạo đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm này. Nếu nói như thế thì tội cho Người Lính VNCH quá ! Người Lính VNCH đã làm hết sức của mình. Người Lính VNCH dù không còn đầy đủ vũ khí, đạn dược và đã bị người bạn đồng minh bỏ rơi, nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu trong đơn độc với tỷ lệ một (1) chọi sáu (6), tới giờ thứ 25 của cuộc chiến. Cuối cùng vì quân lệnh, vì kỹ luật của quân đội mà Người Lính đành nghẹn ngào gãy tay súng ! Người Lính đã làm tròn trách nhiệm mà tổ quốc đã giao phó. Một bằng chứng hùng hồn và cụ thể là không có một mảnh đất nào của Miền Nam Việt Nam bị cộng sản chiếm, mà Người Lính VNCH không lấy lại được trong suốt 21 năm chinh chiến.

Nếu Miền Nam Việt Nam chế tạo được vũ khí, đạn dược, chiến đấu cơ, chiến hạm và các phương tiện thiết bị chiến tranh, thì đừng nói chi là bọn Cộng sản Việt Nam, mà trên thế giới này khó tìm ra được một quân đội nào được xem là đối thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trong thời chiến, Người Lính VNCH là người chịu nhiều gian nan, cực khổ và hiểm nguy nhất, nhưng họ lại là những người bất hạnh, tang thương nhất sau cuộc chiến.

Những Người Lính VNCH may mắn đến được bến bờ tự do, từ những ngày hổn loạn cuối Tháng Tư Đen, cho đến những chuyến vượt biển kinh hoàng, những chuyến bay ra đi theo diện H.O hoặc chương trình đoàn tụ. Dù họ ra đi bằng phương tiện hay diện nào đi nữa, không phải là họ sợ hoặc trốn chạy cộng sản. Họ ra đi với một lý do duy nhất là "Người LínhVNCH không đội trời chung với cộng sản".

Người Lính VNCH buông súng là để chấm dứt cuộc chiến trên mặt trận quân sự, để chuyển qua một mặt trận mới trong một cuộc chiến mới. Đó là mặt trận chính trị trong cuộc chiến "Nhân Bản", cuộc chiến nhân bản này chỉ có một trận chiến duy nhất, và trận chiến này sẽ là trận thư hùng cuối cùng, chúng ta dùng Lá Cờ Vàng Chính Nghĩa khai tử và bôi xóa vĩnh viễn đảng CSVN trong dòng lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và trong dòng lịch sử thế giới nói chung.

Cho đến ngày hôm nay, 35 năm sau cuộc chiến. Người Lính trẻ nhất của QL/VNCH cũng đã trên 50 tuổi. Những cấp chỉ huy, lãnh đạo thì sương tuyết đã phủ trắng mái đầu. Những Người Lính VNCH bây giờ mắt đã yếu, thân thể không còn được khỏe mạnh, tráng kiện như ngày xưa. Nhưng ý chí và lý tưởng của họ vẫn không phai sờn theo dòng thời gian nghiệt ngã của tạo hóa. Dù họ đang sống ấm no nơi xứ lạ quê người, nhưng họ vẫn đem những chuỗi ngày còn lại, đóng góp công sức vào công cuộc đấu tranh giải thể bạo quyền Cộng sản Việt Nam, để mang lại sự tự do, hạnh phúc, ấm no cho 85 triệu người dân trong nước và những thế hệ mai sau.

Tất cả những sự hy sinh của Nguời Lính VNCH được trang trọng lưu vào trang sử của Quê Hương, kèm theo bốn chữ mang đầy đủ ý nghĩa nhất "TỔ QUỐC GHI ƠN".

Ba mươi lăm năm (35) chỉ là một thoáng so với thời gian vô cùng tận của tạo hóa, nhưng lại là một chuổi ngày dài đau thương của dân tộc Việt. Ba mươi lăm (35) năm qua, vết thương cũ hầu như chưa một lần khép kín ; Nhưng đau buồn thay ...! Những hình ảnh kinh hoàng, hoang man, sợ hãi chen lấn nhau trong những ngày cuối "Tháng Tư Đen" khi giặc tràn về thành phố; Những hình ảnh vượt biển cả chống chọi với phong ba bão táp, trực diện với thần chết để đi tìm hai chữ "Tự Do", hầu như đã phai mờ trong lòng của một số người; Cuộc sống cơm no, áo ấm nơi xứ lạ đã làm cho họ quên ngày đại tang của quê hương; Cuộc sống vật chất xa hoa nơi đất khách đã phủ lấp đi sự hy sinh cao cả của những Người Lính VNCH. Họ đã thờ ơ, lãnh đạm với sự tan nát của Quê Hương cùng với sự khổ đau, tang tóc của 85 triệu người dân trong nước. Tàn nhẫn hơn nữa là họ đã quay về quỳ mọp bắt tay, hợp tác với giặc, bắt tay và hợp tác với những kẻ đã từng sát hại thân nhân của họ và truy đuổi họ vào con đường chết ...... Hỡi ơi ...!!!

Xin đừng vứt bỏ hai chữ "Quốc Hận" bên lề đường viễn xứ. Xin đừng nhẫn tâm đâm thêm một nhát dao vào lưng những Người lính VNCH đang ôm nỗi quốc hờn, lưu vong biệt xứ, hoặc đang lê lết cuộc đời tăm tối, tang thương trên quê hương Việt Nam. Xin đừng phản bội những người đã gục ngã và những người đang nằm trong lao tù vì công cuộc đấu tranh giải thể bạo quyền cộng sản.

Hãy đóng góp công sức, góp một bàn tay cho công cuộc đấu tranh này sớm thành công.

Xin đừng để con đường viễn xứ mỗi ngày mỗi dài thêm.

Trân trọng kính chào.

Tưởng Niệm Quốc Hận lần thứ 35.
Người Lính VNCH
Hoàng Nhật Thơ

* 2 chữ "Tổng Thống" trong bài viết này là nói về giờ phút lịch sử sang trang máu của 35 năm về trước.

Phút thành thần của Tướng Lê Văn Hưng - Nguyễn Ðạt Thịnh



Di ảnh Cố Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng

Nguyễn Đạt Thịnh

Tôi tin Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng đã thành thần đúng như câu dân gian thường nói về những vị dũng tướng “sinh vi tướng, tử vi thần”.

Tôi chứng kiến cuộc sống uy dũng của ông qua nhiều giai thoại. Một trong những giai thoại đó xẩy ra vào năm 1972, trong cuộc tổng tấn công của Việt Cộng. Năm đó, ông tử thủ An Lộc, và tôi ra vào An Lộc nhiều lần, theo dõi những nỗ lực của Sư Ðoàn 5 Bộ Binh trong cố gắng chặn đứng mũi dùi của địch tại An Lộc, thị trấn chỉ cách thủ đô Sài Gòn 3 tiếng đồng hồ, nếu đoàn chiến xa T 54 của chúng không vướng vào sức kháng cự quyết liệt của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 13 tháng Tư 1972, quân Việt Cộng từ 3 mặt tấn công vào tuyến phòng thủ của Quân Lực VNCH, hai mặt Ðông và Tây đánh bật địch quân ra nhưng tuyến phòng thủ hướng Bắc, nhiều chiếc T- 54 của địch húc rào gai tràn vào.

Ðang viết bài tại tòa soạn, (số 2bis đường Hồng Thập Tự), thì được tin địch quân chọc thủng phòng tuyến, tôi điện thoại gọi đại tá Lê Văn Hưng, tư lệnh sư đoàn, và hỏi ông:

- “Tình hình ở trỏng ra sao?”

- “Ðái ra quần rồi chứ sao?”

Tướng Hưng có lối nói đùa rất tỉnh, nghe giọng đùa cợt quen thuộc tôi thấy yên bụng và bảo ông:

- “Viết xong bài tường thuật này, tôi sẽ ra Tân Sơn Nhất, kiếm trực thăng vào gặp anh.”

- “Ðừng đáp trên nóc hầm nghen, ở trển không còn trống như ngày hôm qua nữa,” tướng Hưng bảo tôi.

- “Có gì ở trển?”

- “Một chiếc T 54.”

Tôi tưởng tướng Hưng vẫn nói dỡn như thường khi, nhưng khi tôi vào đến An Lộc, đại tá Lê Quang Lưỡng, Tư lệnh Lữ Ðoàn 1 Nhẩy Dù, bảo tôi là ổng mới gỡ “con rận” đó trên lưng đại tá Hưng.

Đại Tá Lưỡng, TL/ LĐI Nhảy Dù Thời thế tạo ra Tướng Hưng Báo Diều Hâu của làng báo Sài Gòn

Ba (3) trong nhiều tấm hình tôi chụp trong lúc vào làm phóng sự tại An Lộc, đăng trên tờ Diều Hâu số 110 phát hành ngày 21 tháng Tư 1972 (đại tá Lưỡng và đại tá Nhựt đều cầm trên tay một chai martell quà tặng của người dân Sài Gòn.

Ông Lưỡng bảo tôi, “Anh tìm anh Mạch Văn Trường để nghe ông vua diệt T 54 kể chuyện đánh tăng địch.”

Chúng tôi có một số bạn chung, bọn “nhà giầu” sống tại Sài Gòn với mặc cảm mắc nợ người xả thân ngoài chiến tuyến; mỗi lần tôi vào chiến trường quan sát để viết bài, họ gửi tôi một, hai thùng, mỗi thùng 12 chai rượu mạnh để tặng người cầm súng.

Trong ảnh, bạn đọc có thể thấy đại tá Lưỡng, đại tá Nhật mỗi người cầm trong tay một chai martell. Tôi uống với họ, mừng hay không mừng về những chiến công của họ. Có nhiều chiến công không mừng mà còn lo nữa, vì dù tiếng súng đã im, nhưng giao tranh chưa dứt.

Tôi gặp Lưỡng trên đường vào gặp Hưng, người “anh hùng tỉnh rụi”, cái tên bè bạn đặt cho anh. Tôi biết rất nhiều về Hưng, nhưng tôi không chứng kiến phút quyết liệt, anh đẩy vợ và đẩy người sĩ quan tùy viên tâm phúc ra khỏi phòng, để làm hành động không hàng giặc. Hơn nữa tôi không viết về anh được như anh Nghĩa, người sĩ quan tùy viên của anh viết: viết với lòng yêu thương kính cẩn của một vị trung úy viết về ông tướng mà anh Nghĩa tâm phục, khẩu phục.

Tôi vô cùng chân thành giới thiệu bài viết của anh Nghĩa.

Nguyễn Ðạt Thịnh
ooOoo

Bài viết về phút cuối cùng về Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng

Tác giả: Nghĩa*

* Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, người cộng tác mật thiết với chuẩn tướng Lê văn Hưng cho tôi biết cấp bực chót của anh Nghĩa là trung úy

Tháng 8-1999, tôi dọn nhà đến một căn phòng mới mướn. Trên ngăn kệ cao của closet, người mướn trước để sót lại một xấp “hồi ký” dầy 27 trang viết tay.

Đêm đầu tiên ở phòng trọ mới, tôi đọc đoạn “hồi ký” bi hùng đó với nỗi niềm thương cảm không tả xiết: Thương cảm cho một danh tướng trong bước đường cùng của vận nước đen tối; thương cảm cho phu nhân và 2 người con của vị Tướng tuẫn tiết và thương cảm vị sĩ quan trẻ, có lẽ là Chánh Văn Phòng của vị tướng anh hùng, tức tác giả của đoạn “hồi ký” nầy.

Tháng 4-99, tôi đọc được bài viết của bà Lê Văn Hưng (Phạm Thị Kim Hoàng) có nhắc đến vị sĩ quan tên Nghĩa ở kề cận với Tướng Hưng đến giây phút chót, chắc đó là ông Nghĩa đã viết đoạn hồi ký mà tôi may mắn có được.

Gần cuối năm 1999, tôi đọc truyện dài Nửa Sơn Hà của nữ văn sĩ Kathy Trần có đoạn viết về Tướng Nam, Tướng Hưng, tác giả chú thích là lấy tài liệu từ Phạm Trung Nghĩa. Nghĩa nầy chắc là Nghĩa khác.

Tôi không truy tìm được tông tích tác giả của xấp tài liệu nầy để ngỏ ý xin phép được phổ biến. Tôi nghĩ đây là tài liệu quý hiếm để người viết sử đối chiếu với các tài liệu khác, nên tôi tự ý cho phổ biến trước và sẽ xin phép sau, khi nào biết được tác giả. Mong ông Nghĩa hoặc người em của ông Nghĩa có đọc được thì hãy liên lạc với tôi (qua nhà báo).

Hồi ký hay ký ức là những bài viết kể lại sự kiện đã qua theo trí nhớ, theo chủ quan của người viết. Do vậy, nhiều người cùng chứng kiến chung một sự kiện mà khi kể lại, từng câu chuyện của từng người đem đối chiếu thấy không giống nhau 100%. Người viết sử muốn được trung thực thường hay tìm đọc những tài liệu từ các hồi ký, nhứt là hồi ký của những người viết không nhằm mục đích riêng tư nào, để chọn lựa lấy những chi tiết đáng tin cậy, thuyết phục được người đọc mà dựng lại lịch sử. Đọc đoạn hồi ký ngắn của ông Nghĩa, tôi nghĩ đây là người viết hồi ký không có dụng tâm gì cả, đáng tin cậy là trung thực trong tầm nhìn, trong giới hạn hiểu biết của ông, cạnh vị Tướng anh hùng của Quân Lực VNCH, người đã quyết định can đảm vào phút chót cuộc đời quân nhân của mình “Tướng chết theo thành”.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả đoạn hồi ký đặc biệt nầy.
San Jose, tháng 3-2000
Nguyễn Phước Đáng


Tác giả gởi người em.

“... Anh cố gắng nhớ và ghi lại những gì xảy ra vào những ngày hấp hối của Quân Đoàn IV và cái chết bi hùng của Tướng Lê Văn Hưng. Không là văn sĩ, anh cũng không làm khung trước, nhớ gì viết nấy. Anh mong những vị chỉ huy trực tiếp của Tướng Hưng, những người đã từng trù dập, bôi bẩn vị danh tướng khi ông còn tử thủ ở An Lộc địa. Anh muốn nói tới Tổng thống Thiệu, Tướng 3 sao Nguyễn Văn Minh hiện còn sống tại Mỹ. Nếu quý vị còn sĩ khí của một vị tướng lãnh, hãy viết lên sự thật, để tỏ lòng sám hối, về những ngày tháng hè 72 An Lộc – Bình Long.

“... Nếu có thể, em liên lạc với Thiếu tá Phương, Trung Uý Phúc, đi diện HO, hiện sống tại Mỹ để biết thêm chi tiết về Tướng Hưng trong thời gian ông ở Sư Đoàn 5 BB mà anh không biết ...”
    Vào chuyện


Di ảnh Cố Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng

Lúc đó khoảng 8h30 tối ngày 30-4-75. Bộ quân phục nghiêm chỉnh vẫn còn trên người Chuẩn Tướng và tôi. Bên trong phòng ngủ Chuẩn Tướng, ngay sát đầu cầu thang trên lầu, sau nụ hôn vĩnh biệt của phu nhân vừa kịp đặt trên má chồng, ông Tướng đã vội vã đẩy bà ra phía ngoài và đóng nhanh cánh cửa. Lúc quay người lại, thấy tôi còn đứng lại trong phòng, giọng ông thảng thốt:

- Nghĩa! Mầy đi ra ...

Vừa nói ông vừa nắm lấy tay tôi lôi về phía cửa. Tôi bệu bạo:

- Tôi ở lại cùng Thiếu Tướng!?... (*)

Sự dứt khoát của nghiêm lệnh hằng ngày trong giây phút xúc động mãnh liệt làm giọng Chuẩn Tướng lạc đi. Cái níu đẩy tôi ra ngoài, sự cọ xát ngắn ngủi đầy bi thương ấy khiến tôi có cảm giác mình như là thỏi sắt đang bị rút ra khỏi cục nam châm. Ôi! Cái chết hoàn toàn được sắp đặt trước, lần đầu tiên trong đời tôi mới chứng kiến. Tôi chợt oà khóc!

Đứng bên ngoài, tôi và phu nhân tai còn vọng nghe tiếng rít cài then khô khốc từ bên trong. Bất giác, tôi và bà Tướng mọp người xuống nền gạch, cố đưa mắt nhìn vào khe hở dưới cửa. Mọi việc diễn ra không đầy 1 phút sau đó. Một tiếng nổ chát chúa vang lên bên trong cánh cửa. Tôi hoảng hốt ngưng khóc, đứng bật dậy. Với tiếng nổ đó, tôi đau đớn nhận rõ chắc chắn chuyện gì đã xảy ra rồi! Trong phòng không còn tiếng động nào. Tôi đưa tay thử lay động cánh cửa. Vô hiệu! Tôi lùi lại nhìn xuống phía chân cầu thang kêu lớn khi thấy có 3-4 cái đầu đang nhớn nhác nhìn lên (hình như có cả Thiếu Tá Phương):

- Kiếm một con dao ... cạy cửa mau ...

Người tài xế tên Giêng cầm con dao to, nhọn, chạy nhanh lên và đích thân nạy cánh cửa bật ra. Mọi người cùng ùa vào phòng. Tôi bàng hoàng khóc ngất. Tất cả cũng khóc và chạy đến chỗ giường ngủ của Chuẩn Tướng. Ông đang ngửa người, nửa thân trên nằm trên tấm nệm trải drap trắng, 2 cánh tay buông ngang, khuy cổ và ngực áo bung ra, màu máu tươi nhuộm thắm phần ngực trái chiếc áo thun trắng bên trong. Cả phần chân Chuẩn Tướng buông thỏng bên ngoài, 2 gót giày chấm đất. Có lẽ Chuẩn Tướng đã ngồi cạnh thành giường, 1 tay cởi 2 khuy áo trên, tay kia đưa nòng colt 45 ấn vào chỗ trái tim ...

Chúng tôi đặt Chuẩn Tướng ngay ngắn lại trên giường, gương mặt ông xanh tái, lấm tấm mồ hôi, miệng há, đôi mắt chưa khép, biểu lộ sự đau đớn cực độ. Vừa đặt đầu ông lên gối, bà Tướng vuốt mắt cho chồng ... Chuẩn Tướng đã yên nghỉ! Viên đạn oan nghiệt đã xuyên thật chính xác quả tim người anh hùng.

Đứa con đầu lòng, Lê Uy Hải, lúc đó vừa tròn 6 tuổi, đã nhặt được đầu đạn đưa cho mọi người xem, rồi mím môi khép 5 ngón tay giữ chặt “kỷ vật”. Nhìn cử chỉ ấy, tôi nghĩ tuổi thơ ngây dại của cháu đã trôi qua mất kể từ buổi tối hôm nay rồi. Khoảng một tiếng đồng hồ trước đó hai anh em (em gái 3 tuổi) còn đùa giỡn trên tấm nệm cao su đặt dưới nền gạch cạnh phòng cha, hai đứa bé không hề hay biết lát nữa đây vành khăn tang trắng sẽ phủ lên tuổi ấu thơ hồn nhiên của mình.

... Quả thật tôi chỉ biết rõ quãng đời của Chuẩn Tướng vào thời điểm Cần Thơ, thủ phủ Miền Tây, thật sự đã vô chủ. Cần Thơ gần như chỉ bước vào cuộc trong đêm 29-4. Mười giờ đêm, lúc tôi đang mơ màng, điện thoại từ T.O.C/ Quân Đoàn gọi sang trình Chuẩn Tướng diễn tiến tình hình: Các trực thăng từ Quân Đoàn 3 , từ Sài Gòn ... bay lẻ loi về miền Tây đáp bất kỳ nơi nào đáp được ... Tôi thức luôn tới sáng vì điện thoại gọi đến liên tục.

12 giờ khuya, nghe có tiếng xôn xao ồn ào ngoài cổng dinh, tôi bước ra và nhìn thấy hàng dòng người cuồn cuộn tuôn trên đại lộ phía bên kia công viên. Cuộc diễu hành náo loạn như đang giữa ban ngày. Tôi kinh ngạc hỏi người lính gác cổng mới biết đó là đoàn người kéo nhau ra bến Ninh Kiều để lên tàu Hải Quân ... ra đi. Tôi ngỡ ngàng tự nhủ: “Như vậy là Phó Đề Đốc Thăng tự động dẫn đoàn tàu của ông di tản ư?” (Các lực lượng Không Quân, Hải Quân, lực lượng Đặc Chủng ở miền Tây đều nằm trong hệ thống điều động của BTL/ QĐ IV) Trong làn sóng người lục tục kéo đi, bất chợt tôi nhìn thấy xe của Chuẩn Tướng Chương Dzềnh Quây, Tham Mưu Trưởng QĐ IV. Tôi quay vào, gọi ngay cho Thiếu Tá Trưởng Toán Trực TOC hỏi ông có biết vụ nầy không, rồi vội vã lên lầu trình Chuẩn Tướng. Chính ông cũng đang thức như tôi, và bảo tôi gọi Đại Tá Trang, Tư Lệnh Hải Quân Vùng IV Sông Ngòi để ông nói chuyện.

Lúc đó đã 3 giờ sáng ngày 30-4. Tôi đã thấm mệt nhưng vẫn cố nhướng mắt chịu đựng. Giờ nầy giá có Phúc thì hết chê. Phúc khoẻ mạnh, tháo vát, giỏi giắn. Nhưng Trung Uý Phúc đang kẹt lại Sài Gòn sau một chuyến “quá giang” trực thăng về Sài Gòn, ngày trở lại đơn vị bằng đường bộ, quốc lộ Sài Gòn – Long An bị cộng quân cắt đứt với trận chiến dằn dai nhiều ngày, chưa khai thông được.

7 giờ 30 sáng 30-4, tại phòng họp BTL, như thường lệ, Phòng 3 thuyết trình tình hình trong đêm vừa qua trước 2 vị Tướng và các quan chức. Lần nầy có vẻ nghiêm trọng về việc lực lượng Hải Quân Vùng 4 Duyên Hải bỏ đi, mang theo Chuẩn Tướng Tham Mưu Trưởng, Đại Tá Diệp, Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh (Cần Thơ), Thiếu Tá Chánh Văn Phòng Tư Lệnh, Đại Tá Đạt, Chánh Sở Hành Chánh & Tài Chánh Số 5.

8 giờ 30 Đại Tá Thiên được cử tạm thời đảm trách chức vụ Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh.

9 giờ 30 hai vị Tướng Lãnh gặp nhau trong phòng việc của Tư Lệnh Phó. Chuẩn Tướng bảo tôi gọi Chuẩn Tướng Lạc, Tư Lệnh Sư Đoàn 9 đang chỉ huy công cuộc giải toả quốc lộ Long An, nói ông khẩn dùng trực thăng bay về Bộ Tổng Tham Mưu để biết rõ tình hình thực tại. Trên đường bay, Tướng Lạc không bắt liên lạc được với không phận Sài Gòn, nên phải quay về. Chuẩn Tướng lại lệnh cho tôi gọi về Bộ TTM để ông gặp Tướng Trưởng Phòng 3. Tôi lạnh người khi nghe tiếng người tuỳ phái cho biết:

“Tổng Tham Mưu hiện không còn ai. Các Tướng Tá, Sĩ Quan cao cấp đang ở tại cơ quan MACV của Hoa Kỳ”

Tôi hiểu liền các vị ấy có mặt tại đó để làm gì! Sau vị nguyên thủ quốc gia (Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu), B/TThM cũng đã lặng lẽ đóng cửa!... Và như vậy, có nghĩa là riêng QĐ IV phải tự lo liệu lấy. Buông ống điện thoại xuống, tôi đứng ỳ tại chỗ, một cảm giác tê buốt chạy dọc thân thể: “Đất nước thực sự đã mất rồi!...”. Tôi bước vào phòng trình tự sự lên 2 vị Tướng. Tôi thấy mắt Chuẩn Tướng hơi chùng xuống, rồi gật đầu tỏ ý không cần thêm gì nữa. Tôi bước ra ngoài, một nhân viên văn phòng trao chiếc radio và cho biết đài phát thanh Sài Gòn thông báo dân chúng đón nghe thông điệp khẩn của Tổng Thống Dương Văn Minh. Tôi quay trở vào phòng trình Chuẩn Tướng. Lúc nầy Thiếu Tướng Nam đã trở về phòng ông. Chuẩn Tướng vội vã rời phòng bước xuống bậc thềm hướng về toà nhà Tư Lệnh. 15 phút sau, tôi ghi vội nội dung lời phát biểu cuối cùng của Tổng Thống Minh, định sang trình 2 vị Tướng. Gặp Chuẩn Tướng đang bước xuống bậc tam cấp, tôi vừa trao tờ giấy vừa nói vắn tắt:

- Tổng Thống Minh đã đầu hàng!...

Chuẩn Tướng quày quã đẩy cửa vào Phòng Tư Lệnh. 15 phút sau, Chuẩn Tướng trở lại văn phòng mình và bảo tôi gọi để ông nói chuyện cùng 16 Tiểu Khu Trưởng. Đó là lệnh ban hành thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Vùng IV kể từ giờ phút nầy. Các đơn vị dừng quân và bố trí tại chỗ chờ lệnh Quân Đoàn. Nếu nó “bung” thì làm lại liền. Thiếu Tướng Tư Lệnh cũng gọi cho 3 Tư Lệnh Sư Đoàn 7, 9 và 21.

Mặc dù nhận rõ thông điệp của Tổng Thống Minh, nhưng hai vị Tướng Lãnh trách nhiệm sinh tử Vùng IV lúc nầy muốn ngăn trở những hỗn loạn có thể xảy ra trong cảnh tối tăm nầy. Chính vì vậy mà giờ phút nầy, Chuẩn Tướng vẫn liên lạc cùng Tướng Tần, Tư Lệnh Vùng IV Không Quân, hỏi ông về việc sử dụng bom CPU. Tôi không rõ chuyện thảo luận của 2 vị về việc nầy, nhưng 1 tiếng sau đó, sau khi rời phòng họp, Tướng Tần cùng các sĩ quan của ông đã lên các phi cơ rời căn cứ ... nối gót lực lượng Hải Quân!....

Giờ phút nầy, tôi đang giúp Chuẩn Tướng điều chỉnh lại bộ dây ba chạc trên người ông, Chuẩn Tướng như đang trong tư thế đối đầu tại chiến tuyến. Cửa phòng xuỵt mở, 3-4 Đại Tá tất bật kéo nhau vào. Các vị nầy trong số 7 vị Đại Tá được Tư Lệnh Quân Đoàn đề cử vào chức vụ Phụ Tá Tư Lệnh Phó đặc trách về Xây Dựng & Bình Định, Địa Phương Quân & Nghĩa Quân ... Thấy điệu dạng họ như vậy, Chuẩn Tướng cười mỉm:

- Các ông làm gì vậy? Tôi còn đây mà.

Thì ra các vị đến để yêu cầu ông Tướng trình Tướng Tư Lệnh để họ được đảm nhiệm chức vụ Trung Đoàn Trưởng, lấp chỗ các vị đã tự ý rời nhiệm. Tôi ngầm hiểu ý nghĩa về việc yêu cầu đó: Thông thường các Trung Đoàn Trưởng được cấp trực thăng C & C sử dụng trong ngày. Tôi được biết Đại Tá Bùi Huy Sảnh, Trung Đoàn 33 cũng vừa rời bỏ chức vụ. Chẳng biết ông có di tản được không?

Ban hành thiết quân luật, Vùng IV đang có vẻ chuẩn bị đối phó với tình hình hơn là treo cờ hàng. Ngay khi hay tin Sài Gòn thất thủ, chợ búa, hàng quán được dân chúng Cần Thơ mua vội bán vội, cố thu xếp nhanh chóng trở về nhà, vẻ mặt ai nấy đều lo âu. Xe lướt nhanh hơn, người đi bộ gần như chạy, đường phố như chuẩn bị đón cơn mưa lớn.

Sau bức thông điệp đầu hàng của Tổng Thống Minh, mọi liên lạc viễn thông với Sài Gòn đều bị cắt đứt. Chúng tôi không biết gì về tình hình Thủ Đô. Tuy vậy, cho đến trưa, tình hình Cần Thơ và 16 tỉnh lỵ vẫn yên tĩnh, chưa có bóng dáng một nhóm cộng quân nào vào các Thị Xã. Các Tiểu Khu vẫn còn liên lạc tốt với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn.

Buổi cơm trưa thật lạnh lẽo, tôi không thấy đói, nuốt vội qua loa, rồi để nguyên binh phục, kể cả giày, ngả lưng trên giường. Tôi biết, kể từ giờ phút nầy, biến cố sẽ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Buổi sáng, tôi đã tự ý gọi Đại Đội Trưởng Tổng Hành Dinh yêu cầu cho đổ đầy xăng chiếc Jeep Tư Lệnh Phó, xe tôi, xe Ford Custom mang số ẩn đế dùng cho gia đình Chuẩn Tướng. Cho tới giờ phút này, tôi chưa hề được Chuẩn Tướng ra lệnh lạc nào cả ...

13 giờ, chúng tôi trở vào Bộ Tư Lệnh, cách tư dinh Tư Lệnh Phó độ 300 mét. Tôi thấy xe Falcon đen cũng đưa bà Tướng cùng 2 con rời cổng dinh. Tôi hơi ngạc nhiên và lo lắng ... Có tiếng ồn ào phía Phòng 2 Quân Đoàn: Một núi giấy tờ đang được đốt cháy ngùn ngụt. Có lẽ các hồ sơ quan trọng được thiêu huỷ? Tôi không rõ Đại Tá Trưởng Phòng có còn đó không, và việc thiêu huỷ giấy tờ nầy do lệnh của ai? Tôi cũng không rõ giờ phút nầy có còn đủ các Trưởng Phòng không? Chuẩn Tướng cũng không gọi đến vị Trưởng Phòng nào, ngay cả Trung Tá Tòng, Trưởng Phòng 3 ! Tôi tự hỏi, “Trong tình huống nầy, 2 vị Tướng có còn chỉ huy cấp dưới được nữa hay không?”. Khuôn viên Bộ Tư Lệnh vắng ngắt, nghẹt thở.

14 giờ 30, Chuẩn Tướng lại trở về tư dinh. Ông bước lên bực thềm, nhưng không bước vào trong như mọi khi, mà đứng tại hiên tiền đình, nhìn mông lung ra khoảnh sân phía trước. Tôi đứng bên trái Chuẩn Tướng, cách vài bước, hơi chếch phía sau, hướng tầm mắt theo ông. Mới vào Hè mà cảnh vật như đã Thu, Đông. Trời chiều ảm đạm, thê lương, từng mảng mưa bụi lạnh lẽo thả xuống tàn phượng vĩ đang nở hoa đỏ ối giữa sân, thêm hình ảnh bất động của Chuẩn Tướng trước mặt, tất cả mang đến cho tôi một cảm giác u-buồn, tan tát ... Bất chợt, Chuẩn Tướng quay lại hỏi tôi:

- Cô đi đâu?

- Thưa, cô đến nhà thờ xin lễ rửa tội.

Vừa lúc đó cửa cổng dinh mở toang, chiếc Falcon trườn vào. Tôi thở ra nhẹ nhõm.

Mấy ngày nay, tình hình chiến sự, tình hình đất nước đen tối như vậy, mà người thợ may riêng không ngớt giải quyết mớ vải vóc mới tinh cho bà Tướng cùng thân quyến. Bây giờ lại đi xin rửa tội. Tôi không bao giờ nghĩ ra chuyện ông bà Tướng đã âm thầm cùng bàn bạc chuẩn bị cái chết cho toàn gia đình. Và phần bà đã dọn mình bằng chính cung cách riêng của bà. Bà muốn khi từ giãả cõi đời sẽ cùng con cái được đón nhận là con chiên của Chúa, và bước vào áo quan với bộ đồ mới tinh, trong trắng ... Nhưng vào phút cuối cùng, khi nhìn thấy 2 con thơ dại, Chuẩn Tướng thay đổi ý và nằn nì bà ở lại đùm bọc 2 con.

Buổi sáng, ngay sau khi bản thông điệp của Tổng Thống Minh vừa dứt, bà Tướng gọi sang văn phòng bảo tôi tìm cho bà càng nhiều càng tốt thuốc varium 5mg. Bà Tướng vốn bị bệnh mất ngủ đã nhiều năm, nên việc bà cần loại thuốc nầy không có gì đặc biệt, tôi nghĩ vậy. Nhưng khi gọi cho Trung Tá Lưu, Liên Đoàn Trưởng 74 Quân Y, ông khuyên tôi đừng nên can dự vào, để lương tâm khỏi bị ray rứt sau nầy. Rốt cuộc tôi xuống trạm xá Quân Đoàn và người sĩ quan trợ y đã dốc hết số thuốc còn lại trên trăm viên. Bà Tướng nhận số thuốc rất điềm nhiên trước giờ đi nhà thờ xin lễ rửa tội.

Gương mặt Chuẩn Tướng thoáng chút rạng rỡ khi thấy vợ con về đến dinh an toàn. Ông bước đến bên xe đón bà, trao đổi vài lời rồi lên xe trở lại Bộ Tư Lệnh.

Đã 3 giờ chiều. Tôi được biết có cuộc hẹn gặp gỡ thảo luận về việc tiếp thu Cần Thơ giữa BTL/QĐ IV với đại diện của phía cộng quân. Mọi sự sẽ diễn ra tại văn phòng Tư Lệnh. Tôi không rõ ngoài 2 vị Tướng còn có những ai khác, phía cộng quân bao nhiêu người và ai đã thảo ra văn bản để đôi bên cùng đồng ý ký kết.

16 giờ, Chuẩn Tướng rời Bộ Tư Lệnh và đây là lần hiện diện cuối cùng của ông tại bản doanh nầy. Xe chúng tôi vừa ra khỏi cổng chánh, ông ra hiệu dừng lại và bước xuống xe xem coi chuyện gì xảy ra ở phía trước. Bên kia đường, đối diện vòng đai và cổng chánh Bộ Tư Lệnh có rất nhiều thanh niên, kẻ quần tây, người quần đùi ở trần đang nối đuôi thành hàng dài phóng chân rảo nhanh. Tôi ra hiệu cho anh quân cảnh sang bên kia đường đón chận hỏi 1 người trong số họ. Thì ra những thanh niên nầy thoát ra từ trại Tuyển Mộ Nhập Ngũ đã bỏ ngỏ. Giờ phút nầy có lẽ không gì thần tiên bằng là họ đang được trở lại nhà. Hèn gì họ vừa chạy vừa biểu lộ vẻ vui mừng rối rít. Nhìn cảnh tượng trước mắt, tự dưng tôi thấy dâng lên trong lòng nỗi cô độc, trống vắng làm sao! Hình như chỉ còn mỗi một xe jeep chúng tôi độc hành trên con đường ngắn quen thuộc, mà giờ đây như xa lạ và dài lê thê ra ...

Đến ngã tư nơi tiếp giao giữa Bộ Tư Lệnh với dinh Tư Lệnh Phó và dinh Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh, Chuẩn Tướng ra hiệu dừng xe. Ông bước xuống, đứng nhìn bao quát, có vẻ như đang sắp xếp một thế trận. Tôi nhìn ra 4 phía lộ, và nhận ra vẻ trống vắng rờn rợn. Lác đác vài xe gắn máy, xe thồ, xe đạp đang hối hả gò lưng. Cả một góc phố thoi thóp, im ỉm khiến tôi liên tưởng đến những đoạn film có cảnh tương tự: Les Sept Mercenaires, O.K Coral ... thời còn đi học. Bỗng từ phía chân cầu Nhị Kiều xuất hiện một chiếc xe jeep đang theo đại lộ Hoà Bình lao nhanh về phía chúng tôi. Chiếc jeep dừng lại cạnh xe Chuẩn Tướng. Người ngồi trên xe là Tướng Mạch Văn Trường, tân Tư Lệnh Sư Đoàn 21. Ông là 1 trong vài vị Tư Lệnh được Tổng Thống Thiệu ra sắc lệnh thăng cấp trước khi lên phi cơ rời Việt Nam. Tướng Trường xuống xe trình Tướng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn điều gì tôi không nghe được, nhưng với vẻ hấp tấp và gương mặt đầy lo âu, cộng với tình hình trước mặt, tôi đoán chắc Bộ Tư Lệnh của ông hiện đã tan rã. Chuẩn Tướng bảo Tướng Trường theo ông về dinh.

Tại phòng khách, hai vị cùng ngồi trên ghế “canapé”. Với giọng nói cứng cỏi, quả quyết, ông nói với Tướng Trường rằng giờ nầy ông chỉ huy. Ông bảo Tướng Trường cùng Trung Tá Thành, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh đến đóng bản doanh tại dinh Tiểu Khu Trưởng. Chuẩn Tướng bảo Trung Tá Thành lệnh cho 2 Chi Đoàn thiết vận xa M.113 đang ở vùng quận lỵ Bình Minh lập tức quay về Cần Thơ và cho người đến tận bến phà lệnh cho toán chuyển vận phải túc trực ưu tiên chở đoàn thiết vận xa vượt sông. Ra lệnh xong, Chuẩn Tướng đứng lên, vào phòng rửa mặt trong lúc Tướng Trường vội vã ra xe đến dinh Tiểu Khu Trưởng.

Đèn phòng vừa bật sáng, tôi nhìn ra cửa sổ, bóng tối đã nhợt nhòa ngoài sân. Phía cuối phòng, bà Tướng và gia đình đã ngồi vào bàn ăn, có vẻ vẫn an bình như mọi bữa cơm tối hằng ngày. Người lính phục dịch đặt trên bàn tiếp khách, chỗ Chuẩn Tướng đang ngồi, 1 cái dĩa, muỗng và 2 trứng gà ngâm trong ly nước sôi.

Tôi đứng cạnh bàn viết đặt sát cửa sổ phòng khách, trên bàn có 2 máy điện thoại: 1 tự động và 1 qua tổng đài viên. Tối nay tôi tăng cường thêm 1 PRC 25 mở tần số của BTL/SĐ 21 và Thiết Đoàn 9 để liên lạc, theo dõi. Hình như hệ thống truyền tin của Bộ Tư Lệnh đã ngưng hoạt động từ 17 giờ, vì tôi gọi không có tiếng tổng đài viên trả lời. Còn máy tự động dường như bị cắt. Lúc nầy, Thiếu tá Trịnh Đức Phương, nguyên Chánh Văn Phòng, cũng từ dưới phòng anh bước lên đứng phía trái Chuẩn Tướng. Cả 3 chúng tôi im lặng, hồi hộp nhìn về phía màn hình TV vẫn sáng trong, im ỉm.

Phái đoàn 2 bên rời BTL/Quân Đoàn đã gần 2 tiếng đồng hồ và chính lúc nầy là giờ quy định phát thanh. Chúng tôi không phải chờ đợi lâu thêm. Có tiếng nói vọng ra từ TV, tự xưng là phát ngôn viên của BTL/QĐ và đọc văn bản thông báo “BTL đã đầu hàng. Các đơn vị phải buông trao vũ khí ...” Bản văn vắn tắt, nhưng thật rõ ràng, đầy đủ. Nghe đọc bản văn như vậy, tất cả chúng tôi, những người hiểu rõ nội dung bản văn chung trong phiên hợp 2 bên đều chết điếng: Đây không phải là bản văn đã được 2 bên thoả thuận ký kết. Lập tức Chuẩn Tướng bảo tôi chuyền máy PRC 25 đến chỗ ông ngồi, đích thân ông cầm ống liên hợp gọi “Hổ Cáp” (danh hiệu Trung Tá Thành trong đặc lệnh truyền tin) bảo ông Thành dùng M 113 lái đến dinh để đi cùng Chuẩn Tướng đến đài phát thanh. Nghe đến đó, tôi lùi một bước về phía cửa, ra hiệu cho Trung Sĩ Sao (cận vệ) chuẩn bị sẵn sàng để di chuyển. Tôi trở lại chỗ cũ vừa kịp nghe lời đáp của Trung Tá Thành vang lên trong loa khuếch đại. Lời lẽ vẫn còn mang vẻ lễ độ của một cấp thừa hành, nhưng rõ ràng đó là lời từ chối thi hành lệnh. Thật khó đoan chắc có lực lượng đáng kể nào của cộng quân đã có mặt ở Thị Xã Hay Bộ Tư Lệnh chưa, nhưng với văn bản vừa phát ra, chắc chắn sẽ hung hiểm vô cùng nếu tự nhiên xuất hiện một chiến xa rầm rộ di chuyển trong đường phố lúc nầy. Tôi tin rằng Chuẩn Tướng hiểu rõ điều đó. Trong cảnh biến động nầy, tuy lòng có lo âu, sợ hãi, nhưng nhìn thấy đức tính gan dạ, bất khuất của ông, như là dũng tướng tới bước đường cùng vẫn tả xung hữu đột, tôi khâm phục ông xiết bao! Với tinh thần tự nhận trách nhiệm tối cao, hai vị Tướng Lãnh muốn quân nhân phải được bảo đảm an toàn, ít nhất cũng cho những binh sĩ khi họ không còn được quyền cầm vũ khí trong tay nữa. Sau bản thông điệp của Tổng Thống Minh, có ai biết được chắc chắn về số phận của những đơn vị trước đó đang trực tiếp giao tranh ác liệt cùng các lực lượng cộng quân và rồi bỗng dưng họ phải buông súng trong cơn hận thù còn sôi sục của đối phương?

Đang miên man nghĩ suy, tôi giựt mình khi điện thoại reo vang. Nhấc ống nghe lên, tôi vội chuyển liền cho Chuẩn Tướng khi nhận ra giọng trầm trầm, chậm rãi của Thiếu Tướng Tư Lệnh. Có lẽ Thiếu Tướng hỏi Chuẩn Tướng về bản văn phát thanh vừa rồi. Tôi nghe Chuẩn Tướng trình bày là mọi việc đã giao cho Đại Tá Sáu, ThMPh/ ChTrChTr/QuĐ đại diện cùng đi với phe cộng quân. Vì sao bản văn chung bị tráo? Và tình trạng Đại Tá Sáu ra sao chỉ duy nhứt Đ/T Sáu biết mà thôi. Tôi không nghe Chuẩn Tướng báo với Thiếu Tướng chuyện ông tính đến đài phát thanh mà không thành. Cuộc điện đàm giữa 2 vị Tướng kết thúc. Buông ống liên hợp xuống, Chuẩn Tướng thừ người, ngồi bất động. Lần đầu tiên tôi nhận ra vẻ mệt nhọc tuyệt vọng trên gương mặt ông. Chỗ dựa cuối cùng đối với đơn vị và những đàn em thân tín mà ông từng chỉ huy giờ đã bật gốc. Trong một cử chỉ buông xuôi, Chuẩn Tướng đưa 2 tay về phía trước, bằng một giọng nói oai mãnh, bất khuất ông đã quất về phía tôi và Thiếu Tá Phương một tràng lanh lảnh và đanh thép, khiến tôi rụng rời, vì biết sắp phải xa ông, vị Tướng tôi luôn kính quý. Tôi cúi đầu lặng thinh, cả một khoảnh khắc chơi vơi để 3 chúng tôi mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng ...

Chuẩn tướng đứng lên bảo tôi tập hợp toán lính gác để ông nói chuyện. Thượng Sĩ Trưởng Toán Tiểu Đội bảo vệ dinh Tư Lệnh Phó tập hợp quân thành 2 hàng bên hông dinh. Bằng một giọng cảm động, chân tình, Chuẩn Tướng cám ơn họ đã vẫn ở bên ông đến giờ phút cuối cùng nầy và bảo anh em bây giờ ai muốn rời dinh cứ tuỳ ý ... Bỗng có tiếng người lính gác ở trên cao báo động có xe cộng quân đến. Lập tức Chuẩn Tướng chạy vào trong nhà. Tôi hô toán cận vệ vào vị trí, rồi xách máy PRC 25 theo ông lên lầu. Chuẩn Tướng vào phòng ngủ rồi trở ra với khẩu XM 18 trên tay, chạy ra bao lơn, nằm xuống nhìn ra phía đường. Lúc nầy tôi mới nhận ra đường phố đang tối thui. Điện toàn bộ Thị Xã bị tắt ngúm. Như vậy điện trong dinh hiện có là do đường dây từ máy phát điện riêng của BTL/QuĐ. Trong bóng đêm u-uất đó, 2 vệt sáng rực phát ra từ 2 đèn pha chiếc xe jeep vừa rời cổng dinh Tiểu Khu, quét thẳng về phía chúng tôi trông thật ghê rợn. Nhưng khi ra đến ngã tư, ánh đèn lại rẽ trái theo đại lộ Hoà Bình hướng về BTL/QuĐ. Họ không đến chỗ chúng tôi. Chuẩn Tướng đứng lên, lùi trở về phòng. Tôi dùng máy PRC 25 thử gọi danh hiệu của Tướng Trường và Trung Tá Thành. Gọi 3-4 lần vẫn khong có tiếng đáp lại. Có vẻ như hệ thống máy đầu bên kia đã ngưng. Chắc chắn phải có biến cố bên dinh tiểu Khu Trưởng, chỗ Tướng Trường và Tá Thành đến đóng bản doanh hồi chiều. Dinh TKhTr và dinh TLPh chỉ cách nhau hơn 300m thôi, nếu có tiếng súng nổ chúng tôi phải nghe được, nhưng sự việc máy không còn mở túc trực chứng tỏ tình trạng Tướng Trường rất bi quan. Có thể ông và Trung Tá Thành đã bị bắt. Và như vậy tình hình trong dinh chúng tôi cũng rất nguy ngập, không rõ địch sẽ xuất hiện lúc nào. Có lẽ Chuẩn Tướng thấy rằng thì giờ đang rất cấp bách, nên ông bước đến đẩy cửa vào phòng bà. Và đây chính là giờ phút ông thuyết phục bà cần phải sống. Hai cháu bé đang vô tư đùa giỡn trên tấm nệm cao su đặt dưới nền gạch lối ra bao lơn. Tôi trở xuống nhà để tìm gặp, dặn dò toán gác. Thật ra tìm họ cũng là để tự trấn an mình.

10 phút sau, Chuẩn Tướng gọi tôi lên lầu gặp ông. Tại đây tôi thấy ngoài tôi và Thiếu Tá Phương, còn có đông đủ những binh sĩ đã từng phục dịch Chuẩn Tướng cùng gia đình rất lâu năm. Chuẩn Tướng đứng tại phòng ngủ, hai cánh tay ghì chặt đứa con gái 3 tuổi để cho đầu cháu tựa vào má ông. Bà Tướng đứng bên cạnh. Hai bàn tay măng non của cháu bé hồn nhiên lùa vào mái tóc cha làm loả xoả vài lọn tóc rối trên trán Chuẩn Tướng. Bức tranh bi thảm ấy khiến lòng tôi ngậm ngùi tê cứng. Bằng giọng nói tha thiết, ân cần, Chuẩn Tướng gởi lại bà cùng 2 con cho chúng tôi. Ông quả quyết từ giờ cho tới sáng sẽ không có chuyện gì xảy ra, bảo chúng tôi cố gắng hộ tống bà cùng gia đình về Sài Gòn rạng sáng ngày mai, 1-5. Đó là lời uỷ thác cuối cùng của Chuẩn Tướng. Dù đã từng xông pha bao chiến trận, nhưng trong giờ phút tử biệt nầy, Chuẩn Tướng không nén được nỗi uất nghẹn trong lời nói. Ông lấy lại trầm tĩnh thật nhanh, quát bảo tất cả trở xuống dưới nhà, chỉ còn mình tôi và bà Tướng ở lại. Để rồi giây phút vĩnh quyết đã đến!...

Hồi Kết

Lúc đó đã 9 giờ đêm 30-4. Chúng tôi xúm quanh giường ngủ giúp bà Tướng lau rửa thân thể, thay y phục cho ông. Chừng đỡ lưng Chuẩn Tướng lên, mọi người lại đau lòng rấm rứt khóc khi thấy vẫn còn máu tươi rỉ ra chỗ viên đạn thoát ra khỏi thân thể ông. Chuông điện thoại lại reo lên. Tôi lật đật mời bà Tướng tiếp chuyện với Thiếu tướng Tư Lệnh. Bà sụt sùi báo tin Chuẩn Tướng đã ... ra đi ... Cuối cùng bà nghẹn ngào cảm ơn Thiếu Tướng Tư Lệnh đã gọi đến thăm hỏi, an ủi bà ... Để rồi ... 8 tiếng đồng hồ sau, lúc 5h30 sáng ngày 1-5, hai vị Tướng cao cấp nhất lãnh thổ vùng IV cùng gặp được nhau ở bên kia thế giới, với cùng ý chí “Tướng phải chết theo thành”

Chuông điện thoại lại reo. Tôi nhắc ống nghe lên, giật mình khi nhận ra tiếng nói của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện. Giọng ông thật khẩn cấp, ông cần nói chuyện với Tướng Tư Lệnh Phó. Tôi quyết định nhanh trong trí, “Không cho Đại Tá biết Chuẩn Tướng đã tuẫn tiết!” Tôi nghĩ, hệ thống điện thoại đã bị ngắt hoặc do đơn vị nầy đã bỏ nhiệm sở từ chiều, không lý gì bây giờ lại tái lập? Chắc cộng quân đã chiếm đóng và đang kiểm soát các cuộc điện đàm ... Sau nầy khi hồi tưởng lại, tôi mới thấy mình thật ngu khờ: Chỉ vì muốn bảo toàn thi hài Chuẩn Tướng mà tự ý trả lời Đại Tá Cẩn là Chuẩn Tướng đang bận chỉ huy các đơn vị nên không thể rời máy tiếp chuyện Đại Tá được. Tôi nghĩ chỉ có cách đó mới ngăn được Đại Tá, để ông không đòi gặp Chuẩn Tướng nữa. Tôi còn tự ý trả lời “Lệnh của ông Tướng truyền đi hồi sáng vẫn không thay đổi” khi Đại Tá hỏi đến điều nầy. Hậu quả là Đại Tá tiếp tục cho Tiểu Khu mình tử thủ, để rồi ông bị bắt, sau đó đưa về Cần Thơ và Cộng quân đã đưa Đại Tá ra xử bắn trước đám đông dân chúng. Trong lúc chỉ huy chiến đấu, Đại Tá Cẩn đã bị thuộc hạ của mình phản trắc, khống chế từ sau lưng. Tôi tin rằng chính vì vậy mà ông không kịp thực hiện được hành động can trường như Chuẩn Tướng Tư Lệnh Phó và Thiếu Tướng Tư Lệnh đã làm, khi Tiểu Khu thất thủ, mà đành để bị bắt sống. Ông vốn là Trung Đoàn Trưởng của Sư Đoàn 9 tăng viện chiến trường An Lộc mùa hè 72, được vinh thăng Đại Tá và trở thành Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện sau đó. Pháp trường của kẻ thắng càng tô đậm thêm ý chí hiên ngang, bất khuất của người dũng sĩ trước mũi súng quân thù. Tổ quốc sẽ mãi mãi ghi nhớ ơn Ông cùng những người, cho dù là hàng binh sĩ, trong những giờ phút nầy vẫn còn ngả gục và thắm máu đào trên khắp đất nước non sông.

Có tiếng rè rè từ máy PRC 25 và loa khuếch đại vang lên tiếng gọi danh hiệu Chuẩn Tướng. Tôi nhìn lại bản đặc lệnh truyền tin và nhớ ra giọng nói của Thiếu Tá Điệp, Tiểu Đoàn Trưởng 1/31 đang trong vùng hành quân thuộc quận Bình Minh, chắc anh không liên lạc được với Bộ chỉ huy Trung Đoàn và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, nên mới gọi thẳng về Chuẩn Tướng. Tôi báo cho Thiếu Tá Điệp biết chuyện của Chuẩn Tướng và cầu chúc anh may mắn. Trong đêm nay còn bao nhiêu đơn vị đang trong tình trạng bơ vơ, lạc đàn như Tiểu Đoàn của anh, kêu gọi cấp chỉ huy trong vô vọng và đành chờ đợi ánh bình minh để nhận lãnh số phận mình ... Từ đó tôi quyết định tắt hẳn máy PRC 25.

Tôi bước trở lại phòng Chuẩn Tướng và nhìn thấy ông ngời sáng trong bộ lễ phục với đầy đủ quân hàm trên 2 cầu vai, cùng dây biểu chương, huy chương. Bà Tướng đang xếp gấp tư lá cờ vàng ba sọc đỏ và lần tay mở nút áo đặt lá cờ ngay ngắn chỗ phần ngực ông. Xong xuôi, bà ngước lên nói cùng tôi, bà mong muốn lễ tang Chuẩn Tướng được tổ chức đúng lễ nghi quân cách. Tôi gật đầu im lặng. Trong bối cảnh nầy, tôi thấy mình cần phải tận lực giúp đỡ bà, còn việc thành bại là hướng sắp tới.

Trời đã khuya, chỉ còn độ ơ tiếng nữa là sang ngày hôm sau. Thân nhân của Chuẩn Tướng vẫn còn đó cạnh ông. Có lẽ cũng không ai nhắm mắt được đêm nay. Tôi đến cầu thang, trở xuống nhà dưới, theo cửa sau vòng ra sân với đầu óc trĩu nặng lo nghĩ. “Khi hay tin Chuẩn Tướng tuẫn tiết, liệu bọn Cộng Sản có chấp nhận để yên cho mai táng ông không, mai táng bình thường thôi, chớ chưa nói đến chuyện đúng lễ nghi quân cách? Hay là đêm nay mình tìm nơi an táng ông chính tại trong khuôn viên dinh?...” Tôi lắc đầu, bỏ ý nghĩ đó và dừng lại chỗ cuối sân, nhìn ra cổng sắt. Đêm đen ghê rợn trùm phủ vạn vật. Trời tối đến độ tôi không nhận ra cánh cửa cổng. Còn vọng gác thì im sửng trên cao, không biết có còn người gác hay không? Sự im lặng chết chóc khiến tôi hoảng sợ đứng ỳ tại chỗ, không dám nhích tới. Tôi có cảm giác đang bị bao vây, rình rập, dòm ngó từng động tác. Tôi trở gót, theo cửa sau, bước lên phòng khách nhìn quanh quẩn, nơi đây cũng tối om, chỉ có chút ánh sáng của ngọn đèn trên lầu hắt xuống cầu thang cho tôi nhìn rõ nhà dưới trống vắng, không còn người lính phục dịch nào ở đó. Tôi quyết định nghỉ lại nơi đây. Đêm nay nếu có sự kiện gì xảy ra từ phía ngoài vào, tôi sẽ là người đón nhận, hay biết trước tiên. Trong bóng đêm cô tịch, tôi ngồi nhớ lại những việc vừa xảy ra, tất cả nhanh chóng kết thúc, tưởng chừng như một giấc chiêm bao! Sự đời như bọt nước bèo trôi, tụ rồi tan, mới hạnh phúc đó đã tan vở, mới cười vui đó đã ôm ra khóc. Lòng tôi bỗng chơi vơi rung động nhớ lại lời nói ôn nhu của Trung Tá Nghiêm, Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chánh Trị Sư Đoàn 21, khi ông giới thiệu một pháp môn tu thiền cho tôi vào những ngày cuối năm 73 tại văn phòng Tư Lệnh ở Chương Thiện. Sự thôi thúc dâng lên kỳ lạ, tôi xúc động ngồi lại ngay ngắn, chắp tay trước ngực, tâm thành khẩn hướng vọng đến đức thầy Lương Sĩ Hằng, xin ông nhận tôi là môn sinh. Từ đó đến nay đã 24 năm trôi qua, không ngờ nỗi đam mê với môn học nầy, tôi vẫn tiếp tục đeo đuổi và tôi tin chắc sự ổn định được đầu óc nhờ hành thiền, đã giúp tôi viết lại bài anh hùng ca nầy một cách tuần tự, rõ ràng, nhớ rõ như mọi chuyện mới vừa xảy ra.

Sau đó tôi nằm xuống và tạm quên được mọi việc và chìm trong giấc ngủ. Lúc tôi trở giấc, trời vẫn còn tối, lòng tôi lại nặng trĩu khi đối diện với thực tại. Tôi bước ra sau, về phòng mình, gấp rút lo việc cá nhân khi thấy kim đồng hồ đã chỉ gần 5 giờ sáng.

Tôi trở lên lầu, gặp Thiếu Tá Thuyên, Phụ Tá Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Quân Đoàn, đang đứng cạnh giường Chuẩn Tướng thút thít khóc. Anh vừa mới đến. Như vậy, tin về Chuẩn Tướng trong đêm đã lan truyền ra ngoài. Sự tao ngộ cũng thật vội vàng, ngắn ngủi. Anh rời dinh liền sau đó, lúc trời vẫn còn mờ tối. Đó là vị sĩ quan duy nhất của BTL/QĐ đã đến nghiêng chào trước thi hài Chuẩn Tướng. Tôi bàn định cùng bà Tướng lo thu xếp những gì cần thiết mang đi, đề phòng trước, nếu bị buộc phải rời dinh. Thâm tâm tôi nghĩ đến người bạn chí thân hồi cùng ở Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 31, Trung uý Nguyễn Vĩnh Thành. Mấy năm nay Thành đã thuyên chuyển về Sở Hành Chánh & Tài Chánh Số 5 và cùng gia đình đang ở Cần Thơ, nhờ vậy chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau. Hiện tại chắc chắn tôi phải nhờ Thành rất nhiều. Trong lúc chờ trời sáng, tôi bàn với Thiếu Tá Phương là anh đảm trách phần việc tại dinh, còn tôi ra ngoài tìm Thành và đi mua quan tài. Lúc tôi tiến đến cổng chuẩn bị ra ngoài, tôi sững sờ khi thấy thái độ của mọi người, trong ánh mắt của họ, tôi đọc được nỗi hoang mang nghi ngại: Họ đánh giá tôi một ra khỏi đây, không bao giờ trở lại!

Lúc đó gia đình Chuẩn Tướng còn ở trên lầu. Tôi mở hé cánh cổng để vừa đủ đi qua, mắt tôi nhìn thấy Đại Tá C. một trong những Phụ Tá của Tư Lệnh Phó đang đứng nơi công viên Hoà Bình nhìn về phía cổng ra vào. Khi thấy tôi đã nhận ra ông, Đại Tá lật đật rảo bước, may mà tôi chưa kịp gọi ông! Tôi vòng bên trái dinh, theo đường tắt rảo bộ đến nhà Thành. Tôi bỗng mừng rỡ khi thấy Đại Tá Vinh đang hàn huyên cùng với 3-4 người tại trước cổng BTL/Đặc Nhiệm 4 của ông (Chức vụ cùng danh xưng có tính cách điều hành nội bộ của BTL/QuĐ IV do Tư Lệnh đề ra, phần lớn nhằm giải quyết số sĩ quan cao cấp “ối động” tại BTL). Tôi thầm ngợi khen ông trông vẫn tỉnh táo và trẻ trung trong bộ áo quần thường dân. Trong buổi sáng hôm nay, không hẹn mà tất cả chúng tôi đều mặc thường phục, hoà nhập vào lớp thường dân. Gặp được Đại Tá, tôi đặt thẳng vấn đề Chuẩn Tướng đã chết và bà Tướng muốn chôn ông đúng theo lễ nghi quân cách, xin Đại Tá với tư cách một sĩ quan cao cấp, đến gặp họ (CS) để nói giúp. Tôi tưởng đã giải quyết được một gánh nặng to lớn khi Đại Tá Vinh đoan quyết đó là trách nhiệm của ông trong lúc nầy.

Đến nhà cha mẹ vợ Trung Uý Thành, tôi thật sự cảm động khi thấy mọi người trong gia đình đều ùa ra đón tôi. Tất cả đã biết tin Chuẩn Tướng tuẫn tiết, nên rất lo cho số phận của tôi. Tôi kể sơ cho mọi người biết Chuẩn Tướng chết như thế nào, trước đó ông dặn dò điều gì, và tôi đang rất cần được giúp đỡ để thực hiện lời ủy thác của người chết. May mắn là nhà Thành có khoảng sân khá rộng, tôi xin được gởi chiếc Falcon và chiếc jeep sơn màu xanh với số ẩn tế dân sự. Chuyện gia đình Thành chấp nhận giữ 2 chiếc xe giúp tôi giữa lúc đen tối nầy là một hành động can đảm, như chấp nhận một bản án, nếu có người tố giác (mà lúc đó thiếu gì bọn ba-mươi-tháng-tư) Tôi biết như vậy, nhưng trong cơn nguy cấp, tôi không có cách nào hơn, đành phải nhờ Thành. Rất may là những ngày sau đó, khi chúng tôi đã rời Cần Thơ, biết tin gia đình Thành vẫn yên ổn. Viết lại những dòng nầy, tôi luôn ghi nhớ tấm lòng của cả hai bên gia đình Trung Uý Thành đối với gia đình Chuẩn Tướng.

Tôi cùng Thành lên chiếc vespa của anh đi đặt mua chiếc quan tài, rồi trở lại Sở của anh. Do ý của Thành, tôi tìm gặp Trung Tá Bia, Phụ Tá Chánh Sở Hành Chánh & Tài Chánh số 5 để nhờ ông chỉ dẫn và giúp lo việc tẩn liệm Chuẩn Tướng. Ông đang thay Đại Tá Chánh Sở hiện vắng mặt, chờ đợi người của Cộng Sản đến để bàn giao. Trung Tá hứa là ông sẽ đến liền sau khi xong việc ở đây và căn dặn tôi chuẩn bị những thứ gì cho việc tẩn liệm. Tôi cùng Thành hướng xe về phía chợ. Khác với ngày 30-4, buổi sáng hôm nay, 1-5, Thị Xã Cần Thơ thật ồn ào, rộn rịp. Gần như mọi nhà đều có người đổ xô ra đường, có nhiều con lộ bị nghẹt cứng. Dân chúng đi bộ tràn ra cả lòng đường, chúng tôi phải xuống xe dẫn bộ, len lỏi tìm lối vượt qua. Tôi chợt nhìn thấy Trung Uý Việt, Tuỳ Viên Tư Lệnh đang đứng trong sân nhà của Trung Uý Minh, sĩ quan Quân Sử BTL, tôi lật đật kéo Thành tấp vào. Gặp Việt, tôi hỏi ngay tình trạng của Thiếu Tướng Tư Lệnh. Buổi sáng, trước khi rời dinh, một hạ sĩ quan văn phòng đã đến trao cho tôi tờ giấy ghi tên họ của tôi đã “đăng ký trình diện” và cho tôi biết tin Thiếu Tướng Nam cũng đã tự sát. Tôi hỏi lại và được Trung Uý Việt xác nhận điều đó. Anh còn cho biết thêm, xe cứu cấp Quân Y Viện Phan Thanh Giản do anh và Trung Uý Danh gọi đã đến và mang Tư Lệnh về QuYV trong tình trạng hấp hối. Việt kể, lúc đó khoảng 5 giờ sáng, Thiếu Tướng đang ở dưới hầm, ông bảo 2 tuỳ viên lên nhà, rồi dùng colt tự sát khi ông còn lại một mình. Tôi không tiện hỏi han thêm, vì còn quá nhiều việc để làm.

Xe chúng tôi chạy ngang qua nhà Thiếu Tá Qu., Trưởng Phòng 1/SĐ 21, tôi nhìn thấy Thiếu Tá ngồi sau một cái bàn đặt ở ngoài sân, đang hí hoáy ghi. Một số người đứng vây quanh bàn ông. Tôi vỗ vai Thành bảo chạy chậm lại để kịp đọc được dòng chữ ghi trên tấm bảng đặt sát bàn viết “Nơi đăng ký trình diện ngụy quân”. Tôi ngờ ngợ nghĩ “Như vậy, Th/T Qu. Là người do CS cài đặt vào Quân Đoàn ư? Hay ông nhạy cảm, muốn lập thành tích để được là người cách mạng ba-mươi-tháng-tư?”

Ra đến khu chợ, tôi ghi nhận một điều là hầu hết các tiệm ăn đều chật cứng thực khách. Lúc đó tôi bỗng thấy đói và nhớ ra từ đêm qua tôi chưa có thứ gì vào bụng. Tôi cùng Thành tìm chỗ ngồi để ăn sáng. Tiếng cười nói trao đổi giữa thực khách vang lên ỏm tỏi. Có 2 người khách ngồi cùng bàn với chúng tôi, nói với nhau:

- Ăn cho đã! Ngày mai biết còn xài tiền được nữa không?!...

Tôi để Thành ngồi tại quán, một mình đi sâu vào chợ. Mắt tôi choáng ngộp với toàn màu đỏ: Cờ cộng sản cùng những cây vải đỏ bày bán khắp nơi. Dân chúng nơi đây quả đã sớm hội nhập với hoàn cảnh mới!. Tôi mua các thứ trà, nhang, đèn cầy, vải liệm ... rồi trở ra cùng Thành phóng nhanh về dinh.

Quan tài đã được đem đến và được đặt trên 2 giá gỗ chính giữa nhà. Tôi hơi phập phồng khi thấy có 2 cán binh cộng sản miền Nam đang trên vọng gác. Họ không đả động gì tới bên trong dinh. Hình như họ được lệnh chỉ ở đó mà thôi? Có lẽ thấy yên tâm phần nào, bà tướng nói với tôi và Thiếu Tá Phương, ý bà dự định quàn lại 3 ngày. Tôi thấy cỗ áo quan cũng “khiêm tốn”, nên bàn với Thành đến QYV Phan Thanh Giản tìm xin bộ ny-lông. Tôi muốn nhân dịp nầy để biết đích xác tình trạng của Thiếu Tướng Tư Lệnh. Xe chúng tôi tới cổng QYV, lác đác còn vài thương binh đang khập khễnh cùng thân nhân hối hả ra cổng. Khi vào sâu bên trong, tôi nhận ra nơi đây im lìm, trống vắng. Y-sĩ, nhân viên lẫn thương bệnh binh ... đều đã rời viện tự bao giờ rồi. Một ít thương binh tôi còn gặp có lẽ vì thân nhân ở xa mới vừa đến để đón họ. Duy nhất chỉ một người đàn ông trạc tuổi tôi còn đứng trong sân cạnh chiếc xe gắn máy của anh. Tôi thầm mong gặp được nhân vật có vai trò đúng như Trung Tá Bia. Tôi liền đến gần và đánh bạo bộc bạch cùng anh việc tôi đến đây. Rất may, tôi gặp đúng người. Anh trao cho tôi bộ ny-lông giấu nơi yên xe kèm theo lời nói:

- Thật may quá, chỉ còn một bộ duy nhứt. Từ sáng tới giờ phát hết rồi!

Tôi hỏi thêm:

- Thiếu Tướng Nam nằm ở đâu?

Anh chỉ Phòng Lựa Thương cách đó chừng 30m và dặn dò tôi coi chừng, đã có chúng nó. Tôi cẩn thận nhìn quanh một lượt. Khi thấy chỉ có 3 chúng tôi, tôi cảm ơn anh, rồi bảo Thành chạy xe đến đậu sát bậc thềm căn phòng, rồi ngồi trên xe chờ tôi. Tôi vừa bước vào cửa phòng là thấy ngay một thi thể được phủ kín bằng tấm drap trắng, chỉ ló ra ngoài 2 chân vẫn còn mang đôi giày da quân đội. Thi hài nằm trên chiếc băng-ca đặt trên 2 giá sắt cao gần 1m. Một chiếc bàn nhỏ đặt trước đầu băng-ca, trên có một lon nhôm đựng cát dùng thay bát hương, một hộp quẹt diêm và một thẻ nhang nhỏ đã bốc ra. Trong Phòng Lựa Thương vắng ngắt . Tôi đoán chắc đây là thi thể của Thiếu Tướng Tư Lệnh. Tôi bùi ngùi mục kích nỗi cô độc của ông. Tôi bước tới đưa tay kéo nhẹ tấm phủ trên đầu để được nhìn thấy gương mặt Thiếu Tướng hiền từ như người đang ngủ. Một vết đạn khoét từ thái dương trái trổ một đường kính cỡ trái chanh nơi thái dương phải, vệt máu đã thẫm đen chạy dài từ đó xuống gò má, đến cổ và đọng lại trên bâu áo phải làm lem lấm 2 ngôi sao thêu màu đen. Bộ quân phục chiến đấu vẫn trên người Thiếu Tướng đến giây phút cuối cùng. Tôi đốt một nén hương cặm vào lon cát đã có 3 chân nhang của ai đó đã đến đây trước tôi. Tôi kéo tấm vải phủ lại như cũ, rồi lặng lẽ rời QuYV, với nỗi lòng thật nặng nề, mệt mỏi như người bệnh. Giờ phút cấp bách nầy, tôi không thể làm gì hơn được cho vị Tướng Tư Lệnh kính quý!. Nhưng tôi hy vọng quí vị quân y sĩ của QuYV sẽ không bỏ mặc Thiếu Tướng. Tôi trở về dinh để chờ đón Trung Tá Bia. 20 phút sau Trung Tá đến.

Sau lớp vải liệm là đến chiếc túi ny-lông ôm chặt thi thể Chuẩn Tướng. Chúng tôi đưa thi hài xuống nhà dưới. Trung Tá Bia bảo tôi nâng phần đầu. Lễ tẩn liệm đơn sơ, nhanh chóng do Trung Tá Bia chỉ dẫn thực hiện. Tôi đứng ở đầu quan tài lặng nhìn Trung Tá Bia điều khiển mấy người lính trong dinh làm động tác cuối, từ từ đậy nắp áo quan. Bỗng có tiếng la lớn uất nghẹn:

- Trời ơi!... Ông “thầy” ơi!

Rồi bóng một người lao đến bên quan tài, anh xúc động gần như quỵ xuống. Tôi nhận ra đó là Thiếu Tá Lành, Tiểu Đoàn Trưởng 3/33. Tiểu Đoàn của anh sáng nay cũng đã tuân lệnh giải giáp, giao vũ khí, cởi bỏ quân phục tại chỗ, rồi từ trong vùng hành quân lội bộ ra lộ, mạnh ai nấy tự tìm phương tiện về nhà. Thiếu Tá Lành được tin cái chết của Tướng Hưng nên tìm đến tư dinh. Anh xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân, sau khi rời quân trường, về Tiểu Đoàn 2/31 cuối năm 1968. Do đã từng phục vụ dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Lê Văn Hưng, thuở đó là Trung Đoàn Trưởng 31, nên anh vẫn nhớ và kính quý vị “thầy” của mình...

Đúng lúc đó Trung Úy Phúc xuất hiện. Anh cùng vợ con đáp xe đò từ Sài Gòn xuống tới. Mọi việc xong xuôi, Trung Tá Bia từ giã chúng tôi để về nhà gặp gia đình. Từ hôm qua, 30-4, tên ông vẫn còn nằm trong sổ cấm quân ban hành từ hơn 1 tuần nay của BTL/QuĐ. Một người lính vào nói nhỏ cho tôi biết một nguồn tin rất bất lợi cho chúng tôi. Do vậy, tôi, Phúc và Thiếu Tá Phương thuyết phục bà Tướng nên an táng ngay cho ông và rời dinh càng sớm càng tốt. Chúng tôi phân chia công việc cho nhau: Phúc cùng vài nhân viên đến khu đất nhà ở Cái Răng lo đào huyệt. Phần tôi lo xe tang. Thành đưa tôi đến Hội Mai Táng Từ Thiện của Hiệp Hội Xe Đò Cần Thơ. Rất may cho chúng tôi là người đại diện cho Hiệp Hội chấp thuận, dù biết đó là đám tang của một vị Tướng. Ông cho biết là phải lo cho đám tang khác lúc 15 giờ. Vậy chúng tôi cần phải chuẩn bị sẵn sàng, lúc xe tang đến là phải di chuyển liền.

Từ lúc đó cho đến khi xe tang xuất hiện, chúng tôi thu xếp mọi thứ đem theo để khi rời dinh sẽ không trở lại nữa. Riêng phần gia đình Chuẩn Tướng, buổi sáng sớm sau khi gặp Thành tôi đã trở về hướng dẫn xe Falcon và xe jeep dân sự đến gởi bên nhà Thành rồi, với số hành lý chứa trong cóp sau xe.

Giờ phút trôi qua chậm chạp với nỗi lo lắng chờ đợi của tôi. Từ 16 giờ tôi bắt đầu sốt ruột, bứt rứt không yên. Mảng nắng chiều vàng vọt còn cố níu lại trên đỉnh tàn sao cao ngất. Đúng lúc tôi đang bối rối với chút mong manh hy vọng, bỗng có tiếng ồn ào, rồi cánh cửa cổng mở toang. Chiếc xe tang đen ngòm đưa phần đuôi trườn vào sân. Các nhân viên trên xe nhanh nhẩu nhảy xuống chạy vào nhà. Đã chuẩn bị sẵn, chúng tôi cùng họ đưa quan tài lên xe. 5 phút sau tất cả chúng tôi bắt đầu rời dinh. Anh Phương, Phúc và tôi cùng gia đình bà Tướng ngồi trên xe tang. Thành và những nhân viên khác dùng phương tiện riêng chạy theo sau xe tang. Lúc xe rời cổng lớn một đoạn, tôi nhìn lại thấy có nhiều người chạy ùa vào dinh. Vĩnh biệt tất cả, vĩnh biệt cả con chó berger chúng tôi đau lòng phải bỏ nó lại!... Xe quẹo ra đại lộ Hoà Bình để hướng về Cái Răng.

Tại huyệt mộ, một cậu bé trạc độ 14 tuổi, nhưng đôi tay thật thông thạo, nhịp nhàng với miệng hô khẩu lệnh điều khiển lên xuống đòn tay, rút dây khéo léo, đưa êm thắm quan tài đến đáy huyệt. Họ nhanh chóng phụ giúp chúng tôi lấp đất và đấp vung lên thành hình ngôi mộ. Chúng tôi ngậm ngùi chào từ biệt Chuẩn Tướng, để lại mình ông đơn độc như cố Thiếu Tướng Nam mà tôi đã gặp vào buổi sáng.

Chúng tôi về đến Cần Thơ thì trời đã tối. Bà Tướng và gia đình cùng Thiếu Tá Phương, Trung Úy Phúc đến nương náu tại một ngôi chùa. Sau nầy chính các vị sư ở đây đã giúp xây mộ cho Chuẩn Tướng. Tôi về nhà Thành để trông coi 2 chiếc xe. Chúng tôi hẹn gặp nhau lúc 8 giờ sáng ngày mai, 2-5, để về Sài Gòn. Tôi khẩn khoản yêu cầu Thượng Sĩ nhất Triệu, tài xế xe Falcon, cố gắng giúp đưa gia đình bà Tướng về đến Sài Gòn, một lần nầy nữa thôi. Buổi tối, tôi mở tất cả va-li trong cóp xe ra kiểm soát lại, đem thiêu huỷ tất cả hình ảnh binh bị của Chuẩn Tướng. Ban chiều tôi đã trình bày cùng bà Tướng là không nên giữ lại những gì sẽ có hại cho gia đình bà, trên đường về không biết bất trắc ra sao. Hơn 10 giờ đêm, tôi vào giường thao thức không ngủ được. Tôi lo nghĩ đến chuyện di chuyển ngày mai. Nếu vì bất cứ lý do gì, người tài xế vắng mặt, thì tôi phải đảm trách phần việc khó khăn nầy của anh. Tôi chỉ từng lái xe jeep mà chưa từng lái chiếc xe tương đối cồng kềnh nầy, khó khăn nhứt là lúc lên xuống phà. Chiếc jeep giao cho Thiếu Tá Phương, Trung Úy Phúc và gia đình.

Buổi sáng 2-5, tôi vô cùng mừng rỡ và cảm động khi thấy Thượng Sĩ Triệu xuất hiện. Không chỉ riêng chúng tôi mà người hạ sĩ quan già nầy, trong thời gian chờ giấy xuất ngũ, vẫn tận tụy với Chuẩn Tướng đến giờ phút hiểm nguy nhất. Đêm qua, khi về đến nhà Thành, Trung Sĩ Sao, cận vệ của Chuẩn Tướng mới bịn rịn từ giã tôi ra bến xe để về với gia đình chắc chắn đang rất trông chờ anh.

Không biết có còn dịp gặp lại nhau nữa không, tôi nghẹn ngào chia tay người bạn tâm đầu ý hợp và gia đình Trung Úy Thành rồi lên xe đến điểm hẹn. Xe tôi đi đầu, xe Phúc theo sau, bắt đầu xuống phà Cần Thơ trực chỉ Sài Gòn. Chúng tôi cùng chung tâm trạng mong nhanh chóng rời khỏi nơi đây. Qua bên kia bờ, mới đi được vài cây số, xe tôi gặp một toán cộng quân miền Nam đứng rải trên đường chận lại xét hỏi. Nhờ vậy xe Phúc thoát qua lọt. Một nữ cán binh, có vẻ là Trưởng Toán, cổ quàng khăn rằn, biểu tượng cán binh miền Nam, vai mang chiếc radio nhỏ đang phát vang rền một bài ca vọng cổ. Cô ta tiến đến bảo tôi mở cửa xe. Thấy chiếc va-li, họ lôi xuống bảo mở ra xem. Trong đó chỉ toàn là quần áo. Tôi mừng thầm là họ không khám phá ra chỗ cóp xe. Đến lượt cái bóp tay của bà Tướng, trong đó có một xấp tiền độ một trăm ngàn. Tôi choáng váng khi thấy cô ta lôi ra một xấp hình. Cô ta chú mục từng tấm một. Toàn là hình ảnh của Chuẩn Tướng mặc quân phục tại chiến trường. Có tấm chụp chung với cố vấn Hoa kỳ nữa. Không kịp trấn tĩnh, tôi trả lời họ đây là vị Tướng đã chết rồi. Thế là họ ra lệnh bắt giữ bà Tướng và tôi với những tang vật đó. Trong lúc rộn ràng, tôi lấy cớ đến đóng cửa xe, rồi ra dấu bảo tài xế rồ máy chạy đi, mặc bà Tướng và tôi tự lo liệu sau. Tôi hy vọng, khi không thấy xe tôi, Phúc sẽ dừng xe lại chờ.

Chúng tôi bị đưa về BChH quận Bình Minh hiện do cộng quân chiếm giữ. Cùng chung số phận bị bắt còn có đôi nam nữ tuổi trạc 20-25 với lý do khá ngộ nghĩnh: Họ mang theo người số tiền gần 40 ngàn mà không có ... “đăng ký”! Tại BChH quận, nữ cán binh áp giải chúng tôi đứng ra “tố giác tội trạng” chúng tôi trước hơn chục dân chúng hiếu kỳ, tính tình vốn chất phác của người miền Nam, họ chưa quen hình thức “đấu tố” nầy, nên chỉ trố mắt đứng nghe. Thao thao đã mồm rồi cô ta giao cả 4 chúng tôi cho một ông già, nói là cô cần đi dùng cơm trưa. Trong phòng bây giờ chỉ còn lại một nhân viên nầy. Tôi thầm khấn nguyện vong linh Chuẩn Tướng độ trì cho chúng tôi sớm rời được nơi đây. Một lát sau, bỗng dưng ông già trông giữ chúng tôi đem giao trả mọi thứ và cho chúng tôi đi. Có lẽ ông ta không phải là cộng sản chính cống. Chúng tôi lập tức lên xe thồ ra quốc lộ đón xe đò hướng về Vĩnh Long. Ngồi yên trên xe đò rồi, tôi lần dò kiểm lại các thứ: Mặc dù số tiền vơi đi, nhưng tôi vẫn hoàn lại đôi nam nữ số tiền họ bị mất trắng. Trước đó tôi đã thầm ước nguyện có mất tiền cũng được miễn sao được tự do thì thôi.

Trên chuyến xe đò ọp ẹp, chật ních người, nhưng ai nấy đều biểu lộ nỗi rạng rỡ, sung sướng. Họ cùng nhau phát biểu ca tụng cảnh hoà bình hôm nay, tha hồ đi suốt từ Nam chí Bắc ... Thậm chí có người còn không tiếc lời chê bai, nguyền rủa đội quân trước đây đã từng bảo vệ họ. Tôi lơ đãng nhìn qua cửa hông xe, ngắm cảnh đồng ruộng bên ngoài, nhưng những âm điệu trong xe vẫn nhức nhối lọt vào tai. Cảnh vật vút qua như dòng đời trôi chảy. Tôi nghĩ ngợi mông lung đến một ngày không xa.

Nghĩa

Phần viết thêm:

Sau này tôi có được bà Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng liên lạc và cho tôi biết Chuẩn Tướng có để lại cho tôi một bức thư. Tôi trình bầy với bà tôi không dám nhận, vì biết nội dung bức thư trăng trối là một lời ủy thác mà tôi không có khả năng thực hiện.

Tôi biết Hưng bảo tôi mưu cầu phục quốc, nhưng tài hèn, sức mọn, tôi không làm được.


Nguyễn Ðạt Thịnh

Saturday, April 17, 2010

Một bà mẹ vất vả ngược xuôi - Ngọc Thủy




Ngọc Thủy

Vào một buổi trưa trong dịp một số các vị cựu quân nhân Biệt Kích ở Bắc Cali tổ chức buổi họp mặt cách đây khoảng bốn năm – không nhớ đó có phải là buổi hội ngộ hằng năm không – tôi được mời đến trong một không khí ấm áp, đậm đà tình nghĩa Huynh Đệ Chi Binh giữa những người từng một thời vào sinh ra tử bên nhau. Sau khi được anh chị Trần Hoàng giới thiệu với những người chung bàn và thật bất ngờ vì đó là điều hân hạnh đối với tôi khi được biết mình đang ngồi bên cạnh bà quả phụ cố Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, là một trong những vị Tướng đã tuẫn tiết để giữ tròn sĩ khí của một Quân Nhân khi miền Nam Cộng Hòa vừa rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt trong ngày 30 tháng Tư năm 1975. Qua vài câu xã giao, tôi và bà nhanh chóng đi vào những tâm tình cởi mở. Với vóc người khá cao lớn, giọng nói mạnh mẽ cùng tiếng cười sang sảng, cho tôi thấy đó là một vị nữ lưu trực tính và quả cảm. Khi ấy, dù đã ngoại lục tuần, bà Phạm văn Phú vẫn giữ được sự duyên dáng và nét tinh anh qua đôi mắt sáng, nụ cười tươi tắn với lối nói chuyện bộc trực trẻ trung.

Hôm ấy, tuy đang hạnh phúc trước cảm tình trân quý nồng ấm của mọi người hiện diện dành cho cố T/T Phạm Văn Phú và bà, nhưng có lúc tôi thấy đôi mắt bà ngấn lệ. Giòng nước mắt lăn chậm ấy như cũng bay vào mắt tôi khi giọng bà tự dưng khàn nhỏ lại bên tai: “Cô Ngọc Thủy cũng là người kẹt lại với biến cố ấy thì chắc cũng thấu hiểu được nỗi khổ đau cùng tận đến thế nào rồi. Cùng một lúc, tôi và các con chịu hai cái tang lớn nhất trong cuộc đời, mất miền Nam, mất chồng mất cha, xem như mất tất cả rồi, lại trong lúc Sàigòn của chúng ta đang kinh hoàng đến hỗn lọan như thế. Mọi người phải tự lo lấy thân mình còn chưa xong còn lo được đến chuyện của ai. Cùng tám đứa con mồ côi trước mắt chưa biết phải xoay sở ra sao mà sống mà nuôi con, nhưng trước hết là phải lo cho ông Phú tôi được chôn cất tử tế chứ. Thế là phải nén chặt lại tất cả sự khổ đau để cố lo tang lễ cho ông ấy được đàng hoàng. Dù đang không, ông Phú tôi đành dứt áo bỏ lại tôi cùng tám đứa con nbỏ bơ vơ, nhưng việc ông làm là đúng khi thế thời như thế. Việc ông làm cho đất nước như vậy, tôi nào đâu dám trách. May mà bên cạnh tôi lúc ấy cũng có vài người thân thiết có nghĩa tình bên cạnh giúp đỡ phần nào đấy cô”.

Buổi gặp gỡ lần đầu đã để lại cho tôi sự thấm thía xót xa về tất cả những mất mát của mọi hoàn cảnh nằm trong sự tan vỡ của quê hương vào tháng tư năm 1975, niềm quý mến về người phụ nữ đã một mình chống đỡ với bao phong ba bão táp xẩy đến dồn dập trước và ngay sau biến cố trọng đại tang thương ấy. Lòng tôi thầm nhủ lúc chia tay là sẽ điện thoại thăm bà luôn để mong bà có thể thêm chút niềm vui trong thời gian đầu mới vừa rời nơi cư ngụ quen thuộc ở Nam Cali để lên vùng nắng ấm San Jose với các con. Thế mà có khi cả hàng năm mới có dịp gọi phôn thăm hỏi được một lần, dù ngẫu nhiên qua vài lần thăm hỏi đó tôi cũng biết thêm là nhà tôi và nhà bà cùng ở vùng North Valley, cách nhau chỉ độ mấy khoảng đường dài. Nỗi đau tâm sự của bà kể lại trong câu chuyện hàn huyên vẫn lởn vởn trong trí nhớ tôi, kèm thêm biết bao hồi ức đau buồn khác đã xẩy đến cho tất cả mọi người trong giai đoạn tối đen của đất nước và cuộc sống lúc ấy.

Tình hình nghiêm trọng cho thấy là phiên họp ngày 11 /3/75 tại Dinh Độc Lập, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu còn muốn giữ lại thị xã Ban Mê Thuột nhưng tới phiên họp khẩn báo ngày 14/3/75 tại Cam Ranh, tức chỉ ba ngày sau, Tổng Thống cùng Bộ Tổng Tham Mưu đã ra quyết định cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú thi hành kế hoạch rút quân. Cuộc di tản diễn ra khá thuận lợi trong hai ba ngày đầu vì bất ngờ, CSBV không biết để đánh chận đường. Con đường duy nhất để tháo quân lúc đó là liên tỉnh lộ 7B từ Phú Bổn nối liền với các tỉnh lân cận. Trên đoạn đường này về đến Tuy Hòa và Phan Rang, Phan Thiết đã trở thành bờ vực từ lộ dưới làn mưa pháo của Cộng quân ráo riết nhắm vào đoàn người di tản gồm nhiều binh lính thuộc các lực lượng, sư đoàn của Quân đoàn II và gia đình binh sĩ cùng mấy trăm ngàn thường dân từ các tỉnh nhập vào.

Dù phải thừa hành theo lệnh tối cao nhưng sự thất bại của Quân Đoàn II cũng là phần trách nhiệm của Tướng Phú nên không ai hiểu nỗi đau đớn xót xa nào bằng của ông trong lúc ấy chính là người vợ luôn sát cánh cùng ông trong mọi hoàn cảnh khốn khó hoặc vui buồn từ trước giờ. Bà đã hết lòng an ủi ông, nhưng ông vẫn không thể nguôi ngoai nỗi khổ đau to lớn đó khi nghĩ đến cái chết oan khiên tức tưởi của nhiều sinh mạng chứ không riêng gì sự mất mát những vùng đất thân yêu máu thịt của miền Nam VN, đến mức mang tâm bệnh não nề. Buổi sáng ngày 29 tháng Tư, trời Sàigòn đã u ám mây đen. Tình hình miền Nam sắp mất gây thành nỗi kinh hoàng cho mọi người. Họ phải thoát chạy khỏi Cộng sản lần nữa bằng mọi cách, mọi phương tiện tìm được.

Giữa giòng người ấy, bà Phạm Văn Phú đang mang bẩy người con (người con trai lớn mười tám tuổi vừa được xuất ngoại du học) ra phi trường. Bà nóng lòng nghĩ đến lời ông buổi sáng dục giã bà hãy mang các con đi trước, ông sẽ cố gắng thu xếp mọi việc rồi sẽ gặp nhau sau. Bà còn nhớ lời bà nức nở khi tạm chia tay: “Ông nhớ đừng làm chuyện gì nguy hại đến tính mệnh. Tôi không đủ sức nuôi nổi tám đứa con thơ một mình đâu”. Ông không trả lời, chỉ xiết chặt tay bà như ngầm bảo, không đâu, nhưng ánh mắt của ông nhìn bà lúc ấy, sao thương yêu mà thê thiết quá. Rồi ông đẩy nhẹ lưng bà, khe khẻ nhắc: “Em và các con đi nhanh lên kẻo trễ”. Bà có ngờ đâu, đó là cái chạm tay lần cuối.

Nhớ lại những cử chỉ khác thường của ông lúc đó, bà bỗng thấy nao nao và lòng dạ như có ai đốt lửa. Bà ngập ngừng giữa sân bay, chưa nỡ rời xa quê mẹ lẫn người chồng thân yêu còn ở lại, dù đang được người bạn Hoa Kỳ thúc hối lên máy bay gần cất cánh. Vừa lúc đó bà nghe người thân tín chạy vội tới báo tin: Tướng Phú vừa uống thuốc độc tự tử, đang cấp cứu ở nhà thương Grall. Không cần suy nghĩ gì nữa, bà tức tốc đem các con trở về hết. Vừa thấy bà và các con vào thăm, Tướng Phú lộ vẻ đau đớn trong ánh mắt, bởi lúc đó ông đã không cử động hoặc nói năng gì được nữa, ông đang trong tình trạng hấp hối bởi độc dược chưa làm ông chết ngay được. Và ông đã vĩnh viễn ra đi vào trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Hình ảnh mới hôm nào của ngày Tết mùa xuân 1975, hai ông bà Phạm Văn Phú chụp cùng các con trong niềm vui hạnh phúc gia đình tràn đầy, có ngờ đâu vài tháng sau, hình ảnh tang thương một góa phụ cùng đàn con dại, bé nhất mới lên năm, lại quấn khăn tang bên cạnh quan tài người chồng, người cha, không tiếng súng tiễn đưa, không lá quốc kỳ phủ mộ. Chỉ có một nỗi buồn đau lớn lao chung gộp lại: niềm đau vận hạn tang thương của đất nước lẫn người thân yêu đã vĩnh viễn ra đi.

Thân cò lặn lội nuôi con từ đó, một người phụ nữ goá chồng với tám đứa con thơ lúc ấy chỉ mới vừa ba mươi chín tuổi. Thương con, thương chồng bà ở vậy, chắt chiu nuôi con trong bủa vây khốn khó của buổi giao thời dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Bao ngày tháng qua đi mang theo bao giòng nước mắt tủi cực đắng cay của người mẹ yếu ớt che chở nuôi dạy đàn con thơ. Căn nhà đang cư ngụ trên đường Gia Long, đối diện nhà thương Grall ngay sau ngày 30-04-75 đã bị những cán bộ miền Bắc tràn vào tiếp thu. Bà Phạm Văn Phú gạt nước mắt xa lìa nơi chốn ấm êm hạnh phúc của những ngày tháng qua một cách bàng hoàng tức tưởi, vội vã tìm thuê ngay một căn nhà nhỏ khác để tạm ổn định cuộc sống mới, rồi bương chải lo cho các con – mà đứa lớn nhất chỉ mới mười lăm mười sáu và bé nhất năm tuổi, khi ấy giống như chú gà con bước đi chưa vững đã phải bám theo chân mẹ và đàn anh chị lội qua cánh đồng lầy cuộc sống không nhìn thấy tương lai. Và người phụ nữ ấy giống như trăm ngàn người phụ nữ khác sau cuộc đổi đời cay đắng, không bị mất chồng trong biến cố tang thương thì cũng phải chịu cảnh thân cò lặn lội nuôi con vì chồng, cha đã bị ở trong trại tù “cải tạo” xa xôi mờ mịt, không biết khi nào mới có ngày trở về.

Bà Phú đã ngược xuôi khắp ngả đường “chợ trời” để mua bán chiu chắt từng đồng cắt, độn cháo rau khoai sắn qua ngày cho các con thơ. Bà cũng quá quen thuộc với con đường xe lửa chạy hàng trên tuyến đường Sàigòn, Phan Thiết, Nha Trang. Cảnh mắt nhắm mắt mở ngủ vội vàng trên toa, cảnh xô vai té ngả rồi gượng đứng lên để cố chen nhau mua hàng bán họ kiếm chút đồng lãi mua gạo cho con, thật ra có thấm gì với sự khổ đau trong tâm hồn và bao sống cảnh nghiệt ngả khác mà gia đình bà và của biết bao người phải hứng chịu từ ngày miền Nam đổ vỡ tan hoang.

Chịu đựng gần mười tám năm với cuộc sống khó khăn ở ngay chính quê hương mình, mỗi ngày thêm mệt mõi, buồn phiền khi một số bạn bè người thân còn kẹt lại cũng lần lượt ra đi như ba người con trai bà cũng đã vượt biển và tới được bến bờ tự do từ mấy năm trước. Đang lúc chới với nhất thì bà may mắn nhận được giấy xuất cảnh từ sự bảo lãnh người con trai trưởng bên Hoa Kỳ.

Ngày Mother’s Day năm nay, bà quả phụ Phạm Văn Phú đã ngoài bẩy mươi. Hạnh phúc của bà là các con, năm trai và ba gái, giờ đây đều đã trưởng thành và rất hiếu thảo, thương kính mẹ. Những lúc cùng các con với các buổi tiệc thịnh soạn do các con chúc mừng Mẹ, đặc biệt là ngày lễ Mẹ hôm nay thì bà lại nhớ những ngày cùng cực đói khổ trong cuộc sống cam go đã trải qua. Bà rơi nước mắt ngậm ngùi nhưng cũng rất hãnh diện với sức mạnh của lòng mẹ đã giúp bà vượt qua tất cả. Vì các con và cho các con.

Ngọc Thủy
Source: http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=985

Friday, April 2, 2010

Hàng Không Mẫu Hạm USS Midway ngày 30-4-1975 và Thiếu Tá Phi Công Lý Bửng



Quang cảnh lúc chiếc L19 do Thiếu Tá Lý Bửng lái đáp an toàn trên HKMH Midway
Ảnh: Thiếu Tá Lý Bửng cung cấp.

Thanh Phong/Viễn Đông
    Hàng Không Mẫu Hạm USS Midway ngày 30-4-1975 và Thiếu Tá Phi Công Lý Bửng

LITTLE SAIGON - Năm nay kỷ niệm 35 năm, ngày hàng triệu người phải bỏ nước ra đi tìm tự do, một buổi lễ được đặc biệt tổ chức trên Hàng Không Mẫu Hạm USS Midway, nay là Bảo Tàng Viện USS Midway, đang neo đậu vĩnh viễn tại hải cảng San Diego, miền Nam California. Vào những ngày cuối tháng 4-1975, Hàng Không Mẫu Hạm USS Midway đã đón nhận hàng ngàn người Việt di tản, trong đó có một số tướng lãnh cao cấp của chính quyền VNCH. Thiếu Tá Phi Công Lý Bửng, một trong số những người có mặt trên USS Midway đã làm cho cả thế giới thán phục, vì ông là người đầu tiên lái loại phi cơ L19 đáp xuống hàng không mẫu hạm an toàn. Để tìm hiểu chi tiết sự kiện độc đáo của người phi công Không Lực VNCH, chúng tôi đã được ông dành cho cuộc phỏng vấn đặc biệt, và sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Thiếu Tá Lý Bửng qua đường dây điện thoại viễn liên.

Viễn Đông: Xin chào Thiếu Tá Lý Bửng, Thiếu Tá mạnh khỏe không?

Thiếu Tá Lý Bửng: Ồ, chào anh, tá với tướng gì nữa, gọi anh em đi cho nó thân mật.

Viễn Đông: Vậy thì cám ơn Thiếu Tá, nhưng trước khi xưng hô anh em, xin Thiếu Tá cho biết năm nay bao nhiêu cái xuân xanh rồi mà chưa nghỉ hưu vẫn phải đi cày?

Th/Tá Lý Bửng: Xấp xỉ bảy bó rồi, nhưng còn cày được ta cứ cày (cười).

Viễn Đông: Vậy thì gọi Thiếu Tá là anh phải rồi, vì đàn em thua anh vài tuổi thôi.
(Đến đây xin phép độc giả, chúng tôi đổi cách xưng hô theo lời yêu cầu của Thiếu Tá Lý Bửng).

Th/Tá Lý Bửng: Rồi, OK, tôi làm anh, chú là em. Bây giờ chú muốn hỏi điều gì đây?

Viễn Đông: Thì hỏi anh chuyện lái máy bay đáp xuống hàng không mẫu hạm USS Midway đó mà!

Th/Tá Lý Bửng: Mà hỏi để làm gì?

Viễn Đông: Để đăng báo cho bà con đọc!

Th/Tá Lý Bửng: Thôi mà, có gì mà phải đăng báo! Mà đăng báo có sao không?

Viễn Đông: Sao là sao ạ? Có phải anh khiêm tốn hay là ngại chuyện gì khác?

Th/Tá Lý Bửng: Có liên quan đến chính trị không đó?

Viễn Đông: Thưa không đâu, chả có chính trị chính em gì cả. Đây là câu chuyện lý thú và rất đặc biệt của một phi công Việt Nam Cộng Hòa tài ba thôi.

Th/Tá Lý Bửng: Cho tôi một phút suy nghĩ.... Alô, rồi OK tới luôn đi.

Viễn Đông: Thế là ông anh sẵn sàng trả lời rồi phải không?

Th/Tá Lý Bửng: Sẵn sàng.

Viễn Đông: Trước hết xin cho biết, ông anh gia nhập Không Quân VNCH năm nào? Vào thời điểm cuối tháng 4-1975, anh mang cấp bậc gì, đơn vị nào và đồn trú tại đâu?

Th/Tá Lý Bửng: Cấp bậc cuối của tôi là Thiếu Tá, còn hỏi đơn vị để làm gì vậy chú?

Viễn Đông: Thưa ông anh, trước hết để đơn vị của ông anh hãnh diện là có một bạn đồng ngũ nổi tiếng thế giới, đem vinh dự cho đơn vị; thứ hai là để kiểm chứng xem ông anh có ở trong Không Quân thiệt hay là ông anh cướp máy bay đi thì sao?

Th/Tá Lý Bửng: Chịu thua. Rồi, OK, tôi vô Không Quân năm 1963, đơn vị tôi là Phi Đoàn 114 Quan Sát, đóng tại Nha Trang, rồi gì nữa đây?

Viễn Đông: Anh lái loại máy bay nào khi bay ra hàng không mẫu hạm?

Th/Tá Lý Bửng: Tôi lái L19, loại máy bay quan sát.

Viễn Đông: Nếu em nhớ không lầm, loại máy bay này người ta thường gọi là máy bay bà già hay là máy bay thám thính, đúng không anh?

Th/Tá Lý Bửng: Đúng rồi đó, nhưng mà gọi là máy bay quan sát cho nó nhẹ nhàng, chứ thám thính nghe ghê quá!

Viễn Đông: Anh bay từ đâu ra hàng không mẫu hạm, và ngày nào?

Th/Tá Lý Bửng: Tôi bay từ Côn Sơn. Đầu tiên tôi bay từ Tân Sơn Nhất ra Côn Sơn ngày 29-4, rồi từ Côn Sơn bay ra HKMH ngày 30-4-1975.

Viễn Đông: Anh có biết trước vị trí của chiếc HKMH đang ở đâu hay phải bay đi tìm?

Th/Tá Lý Bửng: Tôi biết có HKMH đón người di tản, nhưng không rõ đang ở đâu, nên phải bay đi tìm.

Viễn Đông: Anh bay bao lâu thì thấy HKMH?

Th/Tá Lý Bửng: Khoảng nửa tiếng hay 45 phút thì gặp chiếc USS Midway.

Viễn Đông: Nếu không gặp HKMH, máy bay của anh có đủ nhiên liệu bay qua Thái Lan không?

Th/Tá Lý Bửng: Nếu ở sát biên giới Thái Lan thì được, còn ở Sài Gòn, Biên Hòa, Nha Trang hay Côn Sơn thì không đủ nhiên liệu bay qua Bangkok.

Viễn Đông: Lúc đó chắc còn nhiều loại máy bay khác, sao anh lại chọn L19?

Th/Tá Lý Bửng: Lúc đó chỉ còn duy nhất chiếc L19.

Viễn Đông: Ngoài L19, anh còn lái được loại máy bay nào khác?

Th/Tá Lý Bửng: Tôi cũng lái được loại AD5, AD6 và Cessna, nhưng không lái thường xuyên như L19.

Viễn Đông: Vậy khi gặp HKMH, anh làm gì?

Th/Tá Lý Bửng: Thì tôi xin nó cho mình đáp xuống, nhưng khổ nỗi trên máy bay của tôi không có vô tuyến để liên lạc với dưới HKMH, nên tôi cứ bay vòng vòng xung quanh nó và dùng các phương pháp mình đã học để áp dụng cho nó hiểu là mình xin đáp, nhưng chẳng thấy dấu hiệu trả lời!

Một trang bản đồ được Phi Công Lý Bửng xé ra ghi note liệng xuống HKMH. Mảnh giấy này được lưu giữ trên USS Midway - ảnh: Thiếu Tá Lý Bửng cung cấp.
Viễn Đông: Xin anh đơn cử một trong những phương pháp xin đáp?

Th/Tá Lý Bửng: Tôi chớp đèn đáp liên tục.

Viễn Đông: Rồi sao nữa anh?

Th/Tá Lý Bửng: Tôi nghĩ ra cách, viết cái “note” cho họ hiểu là tôi xin đáp. Đầu tiên tôi cột vào con dao và bay sát HKMH, tôi mở cửa liệng dao xuống. Nó đụng sàn tàu, tưng lên rơi xuống biển. Sau đó tôi làm cái thứ hai, thứ ba, cột vào dây súng thảy xuống, cũng rơi luôn xuống biển. Lần thứ tư, tôi cột vào khẩu P. 38, bay thật thấp và liệng xuống. Lạy Trời, lần này không xuống biển. Tôi nhìn thấy một anh chàng chạy lại lượm lên coi và chạy biến đi, không biết đi đâu. Sau khi xuống tàu, được biết, khi họ lượm và đọc cái note của tôi, họ chạy ngay lên báo cho Hạm Trưởng.

Viễn Đông: Trước khi trên HKMH họ lượm được cái note của anh, liệu họ có sợ máy bay khủng bố không, vì anh cứ bay vòng vòng quanh họ và lại bay rất thấp?

Th/Tá Lý Bửng: Không đâu, họ có ống dòm tối tân, họ nhìn thấy hết chứ.

Viễn Đông: Sau khi lượm được note của anh, họ có ra dấu OK cho anh đáp không?

Th/Tá Lý Bửng: Tôi bay mấy vòng nữa quan sát, thì thấy họ đang dọn dẹp mấy chiếc trực thăng đậu trên phi đạo cho gọn lại, lúc đó tôi biết họ OK cho mình xuống.

Viễn Đông: Trong suốt thời gian là phi công, đã có lần nào anh hạ cánh trên hàng không mẫu hạm chưa?

Th/Tá Lý Bửng: Chưa.

Viễn Đông: Nhưng đã có lần nào anh phải hạ cánh xuống một phi đạo ngắn như trên HKMH?

Th/Tá Lý Bửng: Có chứ, nhưng trên đất liền, đỡ nguy hiểm hơn.

Viễn Đông: Chắc anh biết, phi đạo trên HKMH không có những dụng cụ chuẩn bị cho loại L19 đáp chứ?

Th/Tá Lý Bửng: Biết chứ. Họ chỉ trang bị lưới và móc để giữ các loại máy bay phản lực khi đáp xuống, không dự trù cho trườøng hợp của tôi.

Viễn Đông: Khi biết trước như vậy mà anh còn cố đáp xuống, anh có nghĩ là quá liều lĩnh không?

Th/Tá Lý Bửng: Dĩ nhiên là liều mạng rồi, vì không đáp xuống HKMH thì phải đáp xuống biển thôi.

Viễn Đông: Vậy trước khi quyết định hạ cánh, tâm trạng anh ra sao?

Th/Tá Lý Bửng: Nếu bây giờ tôi còn nhớ được tâm trạng lúc đó ra sao thì tôi thành Superman rồi chú ạ.

Viễn Đông: Ồ, em quên, ông anh cho biết trên máy bay L19, ông anh chở những ai?

Th/Tá Lý Bửng: Máy bay L19 chỉ có một chỗ cho hoa tiêu, một chỗ cho ông quan sát, nhưng tôi chơi luôn 7 mạng, tôi, vợ và 5 đứa con. Chính điều này làm người Mỹ rất sợ, vì chở quá trọng tải!

Viễn Đông: Khi bay, anh có cho chị và mấy cháu biết là sắp đáp xuống HKMH không?

Th/Tá Lý Bửng: Không. Cho bả biết, bả và mấy đứa nhỏ sợ thì hỏng chuyện.

Viễn Đông: Trước khi hạ cánh, anh có tin tưởng sẽ đáp xuống an toàn không?

Th/Tá Lý Bửng: Tin chứ, không tin sao dám đáp?

Viễn Đông: Lúc máy bay của anh dừng trên HKMH, mũi tàu còn khoảng cách bao xa thì lọt xuống biển?

Th/Tá Lý Bửng: Lúc đó mừng quá rồi ai mà nhớ, nhưng tôi nghĩ cũng còn một khoảng cách ngắn nữa.

Viễn Đông: Làm sao một phi đạo ngắn như vậy, anh đáp xuống được?

Th/Tá Lý Bửng: Khi máy bay vừa chạm sàn tàu, tôi tắt máy ngay, đó là nguyên tắc đáp ngắn.

Viễn Đông: Khi máy bay của anh hạ cánh an toàn, chuyện gì xảy ra?

Th/Tá Lý Bửng: Ôi, họ túm lại bồng tôi rồi bồng vợ, con tôi ra. Họ ríu rít hỏi han và tỏ ý rất khâm phục, họ dẫn chúng tôi lại gặp Hạm Trưởng, sau đó một Hạm Trưởng ở chiếc khác hay tin cũng bay đến gặp tôi chúc mừng. Người Mỹ họ rất cảm phục mình, thứ nhất là máy bay chở quá mức, thứ hai là dám đáp xuống HKMH bằng L19 và thứ ba là không có vô tuyến liên lạc.

Các phóng viên ngoại quốc phỏng vấn Thiếu Tá Phi Công Lý Bửng - ảnh: Thiếu Tá Lý Bửng cung cấp
Viễn Đông: Sau đó họ đưa anh và gia đình đi đâu?

Th/Tá Lý Bửng: Họ tiếp đãi rất nồng hậu, sau đó chuyển qua một chiếc tàu thương mại chở qua Subic Bay (Phi Luật Tân). Ở đó 1, 2 đêm, rồi họ chở về Guam và rồi từ Guam qua đây.

Viễn Đông: Sau đó, chiếc máy bay L19 do anh lái họ để ở đâu?

Th/Tá Lý Bửng: Chiếc L19 tôi lái là chiếc máy bay duy nhất được đem toàn vẹn qua Hoa Kỳ và trưng bày trong Bảo Tàng Viện Hải Quân của tiểu bang Florida.

Viễn Đông: Từ đó đến nay, đã có lần nào anh tới nhìn lại chiếc L19 đó, và nếu có thì cảm nghĩ của anh như thế nào?

Th/Tá Lý Bửng: Tôi có đến xem và thấy vẫn nguyên vẹn, còn cảm nghĩ thì mình cám ơn nó đã giúp đưa mình đến HKMH an toàn.

Viễn Đông: Vào ngày 30-4 sắp tới, nghe nói Ban Tổ chức có mời anh qua dự?

Th/Tá Lý Bửng: Đúng, họ có mời tôi.

Viễn Đông: Giả sử họ trao cho anh một chiếc L19 và yêu cầu anh bay biểu diễn rồi đáp xuống USS Midway một lần nữa cho bà con coi chơi, anh có dám không?

Th/Tá Lý Bửng: Dám chớ sao không? Làm thì làm chớ. Lâu quá rồi, với lại mình già rồi nhưng chắc cũng không đến nỗi tệ, vì quen như mình cầm đũa ăn cơm vậy mà!

Viễn Đông: Phục ông anh lắm. Vậy năm người con của anh, có ai nối nghiệp bố không anh?

Th/Tá Lý Bửng: Không, tụi nó nói: “Bố gan quá! Tụi con không dám!”.

Viễn Đông: Thế còn chị nhà, từ sau khi anh hạ cánh an toàn trên HKMH đến nay, có khi nào chị nhắc lại chuyện cũ và tưởng thưởng cho anh không?

Th/Tá Lý Bửng: Bả nói, sao mà đưa bả qua đây làm chi? Còn thưởng thì thưởng lâu rồi! Riêng mấy bà bạn bả hỏi thì bả nói: Ổng làm cái gì thì ổng làm, chứ tôi có biết gì đâu!

Viễn Đông: Còn người Mỹ thì sao? Họ có gặp anh phỏng vấn không?

Th/Tá Lý Bửng: Mỹ thì họ làm hoài đó chứ. Lần nào họ viết bài họ cũng nói họ rất khâm phục phi công VNCH, gan dạ cùng mình.

Viễn Đông: Tại sao lần này họ tổ chức 30-4 trên USS Midway?

BungLee-USS-Midway-Bird-Dog. Chiếc “Bird Dog” L19 vừa được treo lên triển lãm tại Bảo Tàng Viện USS Midway, chuẩn bị mở cửa vào ngày 30-4-2010 sắp tới – Ảnh: Bảo Tàng Viện USS Midway cung cấp.


Chiếc “Bird Dog” L19 vừa được treo lên triển lãm tại Bảo Tàng Viện USS Midway, chuẩn bị mở cửa vào ngày 30-4-2010 sắp tới – ảnh: Bảo Tàng Viện USS Midway cung cấp.

Th/Tá Lý Bửng: Chiếc USS Midway này đã quá cũ nên chính phủ Mỹ đưa qua San Diego, biến nó thành cái Bảo Tàng Viện như một chứng tích của cuộc chiến. Trong đó một phần cũng do cái chuyện đáp L19 của tôi làm cho nhiều người tò mò đến xem, nên họ đã làm một cái L19 khác giống như chiếc tôi lái và để trên HKMH cho du khách xem, nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày mất miền Nam.

Viễn Đông: Thôi, làm phiền anh vậy đủ rồi, cám ơn anh và mong gặp anh ngày 30-4 trên USS Midway.

Th/Tá Lý Bửng: Cám ơn chú.

Source: http://www.viendongdaily.com/Contents.aspx?contentid=+7724&item=94