Friday, May 2, 2008

Trận Ấp Bắc - Thực Tế Và Huyền Thoại



Cựu Tướng Lý Tòng Bá

Nhân mùa 30/4 năm nay, sau khi nói chuyện qua phone, cựu tướng Lý Tòng Bá đã gửi tới tòa soạn một bài ký viết tay, trong đó, tướng Bá đã viết lại tỉ mỉ những sự thực về trận Áp Bắc, những sự thực mà một số sách báo ngoại quốc và cộng sản đã xuyên tạc hay bóp méo sự kiện. Tướng Bá nguyên là người chỉ huy Đại Đội 7 M113 trong trận Áp Bắc đầu năm 1963 tại Mỹ Tho, sau này là tư lệnh Sư Đoàn 23 BB. Với sự chấp thuận của tướng Lý Tòng Bá, bài viết này được Hải Triều viết lại (cách hành văn) mà không sửa đổi bất cứ ý chính và chi tiết nàọ Toàn bộ nội dung bài viết vẫn được giữ nguyên vẹn. Mong là bài viết này giải tỏa được một phần nỗi uất nghẹn của tướng Lý Tòng Bá nói riêng và QLVNCH nói chung về những bất công và bất hạnh của quân lực trong cuộc chiến Việt Nam.

Chúng tôi xin được giới thiệu bài viết đặc biệt này đến quý độc giả nhân ngày

30/04 bất hạnh năm nay, và chân thành cám ơn niên trưởng lý Tòng Bá. (Hải Triều)

Trận Ấp Bắc được ghi vào quân sử trong cuộc chiến Việt Nam. Báo chí quốc tế, và kể cả sách báo VC cũng nhắc nhiều về Ấp Bắc. Ðó là một trong những trận đụng độ khốc liệt quan trọng giữa Đại Đội 7 M113 của VNCH và quân Việt cộng tại Khu Chiến Thuật Tiền Giang. Nói rõ hơn, là tại mật khu Đồng Tháp Mười thuộc miền Tây Nam Bộ của Việt cộng, cách xa quận Cai Lậy Mỹ Tho trên dưới chỉ 10 cây số về hướng Đông Bắc.

Không giống như những lần trước với những cuộc đụng độ cấp trung đội hay đại đội, lần này, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 QLVNCH đã phải sử dụng cả một trung đoàn, lần đầu tiên mở ra cuộc hành quân "Trực Thăng Vận" với một tiểu đoàn Bảo An của tiểu khu Mỹ Tho tăng cường mà Đại Đội 7 M113 của Sư Đoàn 7 làm nỗ lực chính để đối đầu với VC.

Và cũng là lần đầu tiên mở rộng chiến tranh, cộng quân đã bất ngờ tung vào trận Ấp Bắc một lực lượng đáng kể gồm Tiểu đoàn 514 Chủ Lực Mỹ Tho, tiểu đoàn Chủ Lực Miền 263, chưa kể những thành phần dân quân du kích khác. Lợi dụng địa thế hiểm yếu quen thuộc, Ấp Bắc không khác gì hơn là một cái làng bỏ trống nằm giữa khu đồng ruộng ngập nước quanh năm, chằng chịt kinh rạch, và cũng là nơi mà VC luôn có mặt kiểm soát với nhiều lần chạm trận trong cuộc chiến 1945 - 1955, một lần nữa tại Ấp Bắc, họ đã áp dụng lối đánh lén, phục kích, bắn sẻ để trì hoãn thế trận và gây thiệt hại cho các cánh quân VNCH bạn trong giai đoạn đầu, hầu có thể tập trung lực về vị trí chọn lựa với hầm hố của cái gọi là "chiến thuật công kiên chiến", đánh cầm cự để tùy nghi khai thác chiến quả nếu được, bằng không, khi thấy thế yếu, họ lần lượt trốn chạy, rút nhanh theo kiểu mà họ thường nói là "chém vè" trong đêm tối, rút lui mất dạng. Ý đồ và hoạch định trận Ấp Bắc khi đó là vậỵ.

Muốn hay không, VC đã biết lợi dụng những kẽ hở của quân VNCH mà người chỉ huy phía ta không để ý hoặc không tiên liệu những biện pháp thích ứng ... để bất ngờ khai thác tình hình cho nhu cầu "tâm lý chiến và chính trị" trong chủ trương một cuộc chiến tiêu hao lâu dài kiểu "tầm ăn lá", nhất là trong thời gian đó, VC có nhu cầu phải gây lại uy tín và tinh thần cán binh đã mất trong vài tháng trước khi tiểu đoàn 502 Chủ Lực tỉnh Sa đéc bị tổn thất hàng trăm quân tại ranh giới Mỹ Tho - Sa Đéc trong trận đụng độ ác liệt với Đại Đội 7 M113 vào ngày 18 tháng 2 năm 1962. Trong trận đánh này, một nửa quân số của TĐ 502 bị loại ra khỏi vòng chiến ngay trong những giờ phút đầu tiên của trận đánh, một nửa còn lại đã phải ngụp lặn trong cánh đồng ngập nước để tìm cách chém vè trong đêm tối. Thế nhưng số VC định chém vè này đều bị bắt sống. Kiểm điểm tổn thất, Đại Đội 7 M113 chỉ có một tử thương là Thượng sĩ Ninh, trung đội trưởng, và một số binh sĩ khác bị thương. Tại sao sự tổn thất giữa hai bên chênh lệch như thế nay?. Nguyên nhân, chúng ta phải hiểu là các đơn vị VC không biết được khả năng của loại xe M113 do hãng Chrysler của Mỹ chế tạo, nó hoàn toàn không giống loại xe được cho là những con cua lội nước, hay "Crabe" của quân Pháp cũng do Mỹ chế tạo, được sử dụng trong đệ nhị thế chiến, và được trang bị cho các chiến đoàn xe lội nước gọi là "GA", viết tắt từ

chữ Groupement Amphilies mà có lần bị chính tiểu đoàn 502 của VC đánh thiệt hại nguyên một đơn vị.



Từ những yếu tố không biết về khả năng mới - cơ động trên của M113, các đơn vị VC đã dàn trận. Đúng như lời của một anh tù binh kể lại thì tình thế quả không giống như lần phục kích đoàn xe "Crabe" của quân Pháp. Những gì VC điều nghiên, dàn thế trận, chuẩn bị tinh thần cho cán binh lâm trận ... đã không xẩy ra như những gì họ hoạch định và mong đợi. Chẳng hạn xe M113 không có lần nào bị súng nhỏ bắn thủng như loại xe "crabe" của Pháp, và cũng không một lần nào thấy bất cứ một xa đội M113 nào phải ngừng lại từng chập để cho lính nhảy xuống gỡ rơm rạ, cỏ lúa kẹt trong bánh xích xe làm xe không chạy được, để nhân cơ hội này, VC bất thần nổ súng tấn công.

Khi thế trận bùng ra, tôi (Lý Tòng Bá) đã ra lệnh các xa đội, từng chiếc lội nước, khai hỏa phóng thẳng ngay vào ổ phục kích của tiểu đoàn 502 đang dàn thành đội hình bán nguyệt ở giữa ruộng nước. Mũi tiến quân xông vào vị trí địch đang ngâm mình dưới nước, các xa đoàn M113 được đại liên và trung liên BAR đặt trên các xuồng ba - lá bắn yểm trợ. M113 đã tung hoành với những khả năng đa hiệu bất ngờ ngoài dự liệu và sự hiểu biết của các cấp quân sự VC, đã làm cho thế trận phục kích giăng bẫy của VC bị tan vỡ thê thảm. Khi thanh toán chiến trường, không biết quân VC đã bố trí ở đó lúc nào, nhưng trên mình của mỗi cán binh VC còn sống sót, bị bắt làm tù binh, mỗi anh ít lắm cũng phải đeo ba bốn con đỉa, loại đỉa trâu không nhỏ của đồng bằng sông Cửu Long, no tròn đầy máu lớn bằng cỡ ngón tay cái, muốn rức nó ra phải dùng điếu thuốc đang cháy chấm vào đầu nó. Một anh VC được anh em binh sĩ kéo lên từ ruộng nước, đặt ngồi trên M113. Anh ta ngơ ngẩn nhìn quanh quẩn như mất hồn. Anh ta và đồng đội đã tham dự một trận đánh hoàn toàn không giống những gì cấp chỉ huy của anh ta huấn thị và dạy trên sa bàn hành quân.

Nhân viết lại những dòng này, chúng ta một lần nữa có thể nói đây không phải là lần duy nhất mà chạm trận với QLVNCH, địch đã bị tổn thất nặng nề, không phải chỉ có một lần, chỉ có Đại Đội 7 chiến xa M113 thành đạt được song thường ít khi giới truyền thông bạn triệt để khai thác, mà chính Neil Shehan, người phóng viên chiến trường đã viết quyển "The Bright Shining Lie" nói về chiến tranh Việt nam đã nhiều lần nghe nói đến. Có lần, anh theo xe M113 với tôi trong một vài cuộc hành quân tại Mỹ Tho, nhưng những lần đó lại không đụng độ với VC, vì thế, anh ta vẫn chưa chịu hiểu, và chưa thấy sự thật, và vẫn mang nặng tinh thần trái ngược khi đề cập tới cuộc chiến đấu tự vệ của QLVNCH, mà thường là chỉ tìm và chú trọng tới chiến thắng, dù lớn hay nhỏ của VC để phóng đại, cho nên mãi đến bây giờ, dù Neil Shehan tôi coi là một người bạn quen thân, tôi cũng chẳng biết Shehan có chủ trương hay mục đích gì. Một người chịu khó, khá thông minh, đỗ đạt từ một Harvard nổi tiếng, thích tự do mà chỉ viết những bài báo lập luận phê bình ác ý và không chính xác nhắm vào QLVNCH. Nhứt là sau ngày 30/4/75, anh ta đã cho xuất bản quyển "The Bright Shining Lie" với những biện luận bất công nhắm vào QLVNCH, một quân lực bị bất ngờ "ngã ngựa" vì sự phản bội của đồng minh.

Sau khi xuất bản quyển sách nói trên, có một lần Shehan đã viết một bài khá lịch sự liên quan đến tôi trên tờ The New Yorker, đó là bài "After the War was over" xuất bản ngày 18/11/91, và anh ta đã gửi tặng cho tôi tờ báo đó. Phải chăng đây là lần cuối Shehan gián tiếp muốn tôi bỏ qua những lỗi lầm mà anh ta đã viết về tôi khi chỉ huy Đại Đội 7 chiến xa M113 trong trận Ấp Bắc với những lập luận vô căn cứ và lệch lạc khi được vài cố vấn Mỹ thời đó kể lại câu chuyện với dụng ý bào chữa những khuyết điểm nông nỗi của mình.

Sau gần 13 năm ở tù cộng sản ra, tôi gặp Neil Shehan một lần tại Việt Nam, đến Mỹ năm 1991, tôi gặp lại Neil Shehan tại Las Vegas khi hắn tham dự một "convention" với sự có mặt của tướng Powell. Đó là lần gặp mặt lâu nhứt trong đó tôi kể lại tình tiết và sự thật của trận Ấp Bắc cho anh ta nghe:

... Ngày đó, sau đêm cuối cùng, Đại Đội 7 M113 rời thị xã tỉnh Mỹ Tho đến quận Cai Lậy, xuất phát theo đội hình hàng dọc (để giảm làm thiệt hại lúa) hướng về mục tiêu. Đại Đội M113 ít lắm cũng đã vượt qua 2 con kinh ngang trước khi vào vùng tiếp giáo với mật khu Bà Bèo của VC nằm dọc theo hai bờ kinh Tổng Đốc Lộc mà Ấp Bắc là một trong những vùng ven biên. Cùng lúc tôi nhận được lệnh từ Bộ Chỉ Huy hành quân nhẹ đặt ở Cai Lậy, Tiểu Khu Mỹ Tho là phải nhanh chóng đưa Đại Đội 7 M113 đến mục tiêu, vì nơi đó đã có một chiếc trực thăng bị rơi trong cuộc đổ quân lần đầu mà nguyên nhân có thể là lỗi vụng về kỹ thuật của phi công chứ chưa chắc là do đạn VC bắn. Đó là chiếc H21 hình thù như quả chuối già quá cũ gần đến ngày phế thải. Vì theo anh trung úy chỉ huy toán nhảy đợt đầu xuống mục tiêu Ấp Bắc cho tôi biết là anh không nghe bất cứ tiếng nổ nào lúc phi cơ đáp xuống mà chỉ nghe vài tiếng súng nhỏ sau đó.

Không lâu sau đó, Đại Đội 7 M113 phải đối diện với con kinh thiên nhiên mà nông dân địa phương gọi là "kinh lạn" không bờ ác nghiệt. Lần đầu dưới mắt tôi, nó như một dòng nước chảy xuôi qua một bãi ruộng bằng phẳng, lởm chởm vài bụi cỏ với lá rủ mình quặt què theo nước. Quả thật, nếu là một thi sĩ, con kinh lạch trước mặt sẽ là nguồn cảm hứng của muôn bài thơ, nhưng ở đây, nó như là khúc xương khó nuốt của những con trâu sắt M113. Canh cánh với trách nhiệm, lo cho sự an nguy của phi hành đoàn, tôi phân vân chưa biết phải xử trí ra sao. Có lần tôi đưa ra ý kiến lên ban cố vấn cũng như Bộ Chỉ Huy Hành Quân là nên chỉ thị cho một cánh quân bạn nào gần đó mở cuộc hành quân bộ đến nơi chiếc trực thăng bị rơi, dù chậm nhưng chắc chắn hơn là sử dụng Đại Đội 7 M113. Lý do là không làm sao chúng tôi đoán biết việc vượt qua kinh lạch để tiến đến mục tiêu phải mất bao nhiêu thời gian. Xa đội chúng tôi thay nhau từng bước mò mẫm dọc bờ kinh nhưng không lần nào cho xe băng ngang được vì lòng kinh toàn là bùn không đáy. Vì không hiểu và nhận ra yếu tố đặc biệt này mà phía cố vấn Mỹ đã hiểu lầm, cho tôi là thiếu tinh thần trách nhiệm, không muốn đụng độ với địch quân. Đó là một nhận định phiến diện, cạn cợt, không hiểu thực trạng của địa thế chiến trường. Lối suy nghĩ và nhận định ấu trĩ ấy tôi không hề hay biết. Đến khi qua Mỹ, đọc quyển "The Bright Shining Lie" của Neil Shehan có viết những điều ngộ nhận sai lầm đó về tôi, tôi mới biết. Lúc đó thì quá trễ để nói lại vần đề cho rõ.

Nghĩ lại, trong cảnh đầu tắt mặt tối của tôi và anh em các xa đội, ông sĩ quan cố vấn J. Scanlon của chúng tôi ngồi luôn trên xe với chiếc máy truyền tin, không nhúc nhích một bước, đã nói gì với trung tá J.P.Vaun, cố vấn Sư Đoàn 7 đang bay trên đầu với chiếc L19. Sau khi Scanlon đưa ống nói cho tôi, lần đầu tiên tiếp chuyện thẳng với Vann, tôi nghe được một câu hắc búa của J.P. Vann:

- Anh Bá! Nếu anh không cho xe qua kinh thì tôi sẽ nói cho Dại Tướng Lê Văn Tỵ bỏ tù anh!

Câu nói này tôi không bao giờ quên. Lúc vừa nghe, tôi tức giận đỏ bừng cả mặt. Tôi âm thầm tự nhủ, tại sao ông Vann này lại có thể thốt ra một câu như vậy?! Tôi thẳng thắn trả lời:

- Trung tá Vann! Tôi rất mong thấy ông đáp xuống đây để tận mắt ông nhìn thấy những khó khăn thực tế của trận địa và những gì chúng tôi đang làm. Bằng không, vì lý do nào đó mà tôi phải đi ở tù, thì đó chẳng qua là vì danh dự của người lính!

Khi đó, trong đầu tôi bỗng thấp thoáng cái câu " một ngày lính là chín ngày tù" của ai đó đặt ra và bây giờ tôi thấy như rất đúng. Tôi nói lời chào cám ơn Trung Tá Vann rồi cúp máy. Theo tôi, đó là đầu dây mối nhợ của câu chuyện "ăn thua" trong trận Ấp Bắc.

J.P.Vann, một sĩ quan cố vấn, nóng nảy quá độ, hăng say quá trớn, sợ bị qui trách nhiệm, "ăn thì OK, thua thì đổ thừa". Mà thực ra, trong trận Ấp Bắc có gì phải quan trọng hóa việc ăn thua, ngoài những trở ngại, những khó khăn chồng chất, chết chóc xẩy ra khi phải đánh nhau với kẻ thù dùng du kích chiến kiểu "nói láo, đánh lén, bắn sẻ, chém vè..." Ngày đó, trong trận cuối cùng, VC cũng đã bị Đại Đội 7 M113 đẩy lui để lại 8 xác tại chỗ, kể cả người chỉ huy.

Không bao giờ tôi quên những khó khăn gian khổ mà tôi và những anh em binh sĩ thuộc quyền tưởng là không tài nào vượt qua được, kể cả lần các M113 bị kẹt xích, kẹt bùn loay hoay giữa ruộng hơn một ngày đêm, anh em các xa đội phải thay nhau liên tiếp móc kéo xe ra khỏi vùng nguy hiểm. Cuối cùng, Đại Đội 7 M113 cũng vượt qua được con kinh lạn ác nghiệt đó để tiến đến mục tiêu Ấp Bắc khoảng trên dưới 4 giờ chiều. Sau khi anh trung úy chỉ huy toán quân nhảy trực thăng đầu tiên xuống trận địa cho tôi biết tình hình tại chỗ, tôi ra lệnh cho cố chuẩn úy Nguyễn Văn Nho (anh là cây vợt vô địch bóng bàn của binh chủng thiết giáp) đưa trung đội I áp sát vào mé làng Ấp Bắc để dò dẫm. Trung đội chỉ huy và các trung đội khác tiếp theo tiến theo đội hình hàng dọc, trước khi tôi ra lệnh mở rộng đội hình thành hàng ngang, quân VC đã bất thần nổ súng cách trung đội 1 chỉ khoảng 50 thước, mở đầu cho trận đánh Ấp Bắc. Trong những giây phút khai hỏa đầu tiên của địch, chuẩn úy Nguyễn Văn Nho của Trung Đội 1, Thượng Sĩ Nguyễn Văn Hào của xe chỉ huy bị hy sinh, chưa kể một số xạ thủ đại liên 50 của các trung đội khác vừa chết vừa bị thương. Tổng số thiệt hại của Đại Đội 7 M113 từ phút đầu cho đến tàn trận là 8 chết và 14 bị thương. Số thiệt hại này phần lớn do các khẩu đại liên thời đó không có trang bị tấm chắn đỡ đạn. Sau trận Ấp Bắc, các loại lá chắn này mới thực hiện để che đạn cho các xạ thủ đại liên M113.

Nhắc lại chuyện này, tôi vẫn phân vân thắc mắc tại sao người ta chỉ chịu trang bị thêm phương tiện và vũ khí mới cho quân đội VNCH sau khi các đơn vị quân đội chúng ta bị thiệt hai hay bị mất đi những chiến sĩ và cán bộ chỉ huy tài giỏi, gan dạ vì thiếu phương tiện chiến đấu thích hợp. Chỉ riêng một yếu tố là nếu trên xe M13, các xạ thủ đại liên có những lá chắn đạn an toàn cho xạ thủ thì trong trận Ấp Bắc thì số thương vong của chúng ta giảm nhiều, đồng thời Đại Đội 7 M113 có thể đã đưa tiểu đoàn 514 Chủ Lực VC tỉnh Mỹ Tho tan tác đi theo tiểu đoàn 502.

Tôi nhớ một lần trước trận Ấp Bắc, đoán được ý đồ của VC là khi không còn cách nào khác để mở trận mới đánh với Đại Đội 7 M113, thì họ chỉ còn dựa vào ven làng, vào một thế đất mà chọn lựa để có thể dễ dàng gây khó khăn cho Đại Đội 7 M113 khi bất ngờ xuất hiện từ các hầm hố kiên cố được che khuất, tấn công khai hỏa vào các xạ thủ đại liên 50 trên xe M113 chứ không dám nằm giữa đồng ruộng phục kích như lần tiểu đoàn 502 của họ bị tiêu diệt ở tỉnh Sadec. Tiên liệu điều như trên, tôi gửi lên cấp chỉ huy cũng như cố vấn Mỹ >một đề nghị khẩn cấp và thiết thực việc trang bị lá chắn đạn an toàn cho xạ thủ đại liên càng sớm càng tốt. Đề nghị đó không được chấp thuận. Tướng Stilwell của phái bộ viện trợ Mỹ đã trực tiếp trả lời cho trung tá Nguyễn Văn Thiện, nguyên chỉ huy trưởng binh chủng Thiết Giáp (1957 - 1964)(*) bằng một câu mà tôi không bao giờ quên.


Câu nói nguyên văn bằng tiếng Pháp của tướng Stiwell như sau: "le meilleur moyen de défance c'est tirer." Ờ nghĩa là "muốn bảo vệ mình, người lính chỉ có bắn!" Theo tôi, trên lý thuyết thì quá đúng, hoặc trong phim xi-nê cao bồi, hay tại "desert storm" với "bão sa mạc" thì còn có lý chứ đối với chiến tranh du kích kiểu VC trên địa thế núi rừng, sông lạch Việt Nam thì chưa chắc câu của tướng Stilwell là câu thần chú hộ mạng, mà trận Ấp Bắc là một thí dụ điển hình. Làm sao chúng ta thấy được VC nằm phục kích trong nước, dưới lá, dưới sình mà bắn trước để bảo vệ mình.

Nhắc lại, cả một chiến đoàn gọi là GM 100 của quân Pháp đã bỏ mạng tại đèo An Khê ở Pleiku trong chiến tranh Việt Pháp trước đây đã ở trong tình huống trên. Tôi rất may đã sống sót trong trận Ấp Bắc. Từng tràng đạn địch "thay nhau tránh né" khi bay qua đầu tôi, một điều kỳ lạ, mãi cho đến bây giờ tôi không biết tại sao mạng tôi còn, tại sao tôi còn sống với hàng loạt đạn vượt qua đầu để lại những tiếng kêu "bực...bực" bên tai. Có lần tôi đang bắn trả qua lại với đám VC đứng trong những hầm hố không quá 20 thước trước mặt, bất ngờ tôi thấy anh đại úy J. Scanlon đang ngồi trong M113 của tôi mở cửa sau M113 chỉ huy nhảy ra ngoài chạy mất dạng. Trong xe chỉ huy của tôi lúc đó có xác của thượng sĩ Nguyễn Văn Hào bị tử thương, và có lẽ lần đầu tiên anh chứng kiến tận mắt xác chết trong xe chỉ huy, chưa kể hai người bị thương khác nằm la liệt máu me, đó là anh Kiên, tài xế xe jeep riêng của tôi bị đạn xuyên cổ và anh lính kèn ngã xuống sau tiếng kèn xung phong ngã xuống bên tay mặt của tôi. Tình trạng này có lẽ đã làm cho Scanlon mất tinh thần, và đã thật sự gây khó khăn không nhỏ cho tôi trong việc điều động đơn vị. Thành phần bị chết và bị thương trong những giây phút chạm súng đầu tiên phần đông là những anh em chỉ huy trưởng xa và xạ thủ đại liên 50 chứ không ai khác. Dĩ nhiên, trong tình huống đó, sức mạnh và đà tấn công của Đại Đội 7 M113 bị yếu và khựng lại, nhứt là ở phía trước mặt tôi, giữa Đại Đội 7 M113 và mé làng chỉ là một bãi nước không biết là ruộng hay là một vũng bùn. Nếu M113 kẹt dính ở đó thì vô cùng nguy hiểm.

Trước tình huống đó, tôi dự định cho các xa đội lui về phía sau vài chục thước để bảo đảm an toàn hầu có thể dùng các loại pháo hỏa tập tiêu diệt mục tiêu (fire of destruction) mà tôi mới chợt nghĩ ra, vô cùng cần thiết để giải quyết một tình huống khó khăn. Không dùng pháo trong trường hợp này là một thiếu sót nghiêm trọng. Lúc đó, kể cả cố vấn V.P.Vaun lúc đó cũng chỉ lo cho an ninh phi hành đoàn của chiếc trực thăng bị rớt mà không có sáng kiến gì khác. Sau khi việc yêu cầu cung cấp hỏa tập được đáp ứng và ban ra, nó đã vừa tiêu diệt địch, vừa dọn đường cho một trận xung phong cuối cùng.

Từ bộ chỉ huy hành quân nhẹ của Tiểu Khu Mỹ Tho, Trung Tá Lâm Quang Thơ, tỉnh trưởng, lệnh cho tôi lui về phía sau 400 thước an toàn cho đơn vị để một phi tuần 2 chiếc B26 oanh tạc mục tiêu. Cần nói rõ thêm, mỗi lần dùng "phi pháo yểm" là mỗi lần từng đợt pháo và từng đợt phi cơ thay nhau đánh vào mục tiêu. Thường thì VC hay nằm dọc theo mé rừng hay ven làng trong các hầm hố kiên cố, còn nếu địa thế là vùng núi thì họ không nằm trên đỉnh mà lại bám các vùng yên ngựa hay bên sườn đồi cho nên, tại Ấp Bắc, những đợt oanh kích của 2 chiếc B26 lúc đó chỉ có tác dụng tâm lý hơn là tiêu diệt đối phương.

Đúng khoảng trên dưới 5 giờ chiều, sau quả bom cuối cùng mà tôi thấy rõ rời bụng phi cơ rớt xuống giữa mục tiêu Ấp Bắc với hai cánh máy bay dường như run rẩy báo hiệu ngày phế thải thì Đài Độ M113 ào ạt mở đợt tấn công lần chót, đẩy lui không khó quân VC ra khỏi các vị trí. Các toán quân VC bị đánh bật ra khỏi vị trí đã bỏ chạy tán loạn, để lại 8 xác chết, trong đó có cả một cấp chỉ huy.

Đúng như trong bài viết thêm của Neil Shehan về trận Ấp Bắc trong nguyệt san "The New Yorker" với bài "After the war was over", bài viết có đoạn: "Tối lại, quân VC có cho một thành phần nhỏ nào đó bò về mục tiêu Ấp Bắc để tìm xác anh chỉ huy..." Nhưng việc nói VC lén về Ấp Bắc tìm xác cũng là chuyện không thật. Làm sao có chuyện đó khi toàn Đại Đội 7 M113 đang nằm dàn trận chờ sẵn tại chỗ. Một tên chỉ huy VC bị tử thương là có thật, nhưng toán VC mò về lấy xác thì không.

Tôi nhớ chiều hôm đó, khoảng 6 giờ, sau khi Đại Đội 7 M113 đã hoàn toàn làm chủ tình hình và chấm dứt trận đánh, thì việc cho một đơn vị Dù nhảy xuống cánh đồng trống phía sau lưng Đại Đội 7 là một điều vô ích. Có một toán nhỏ quân Dù bị gió chiều bọc cuốn đưa lạc vào một vùng không an ninh, đã gặp một thiệt hại nhỏ, nhưng đó quả là một thiệt hại không đáng xẩy ra và rất oan uổng. Đúng là tháng xui ngày rủi của quân ta.

Trong lửa đạn, trong trận đánh, cái đầu tôi với cái mũ nồi đen kỵ binh lúc nào cũng nhoi ra khỏi M113 mà đạn mọi phía bắn ào ào tới mà cái đầu chẳng bị trúng viên nào, làm cho tôi có cảm tưởng VC bắn rất tồi!

Nhưng chưa hết, vào sáng sớm hôm sau, vì còn ấm ức về cái vùng sâu phía trong của mục tiêu Ấp Bắc chưa được chế ngự và lục soát kỹ, tôi đã quyết định mở cuộc hành quân loại bỏ túi - tức là "hạ chiến" - với một thành phần nhỏ của các xa đội tạm thời rời M113 để đánh bộ. Đến hơn nửa đường di quân, bất ngờ không biết ai gọi mà những tràng pháo binh loại 105 ly của phe ta không mời mà đến, thay nhau từng đợt 4 quả với 4 tiếng "bụp - bụp - bụp - bụp" nghe từ quận Cai Lậy vọng lại báo hiệu những lần đạn rời nòng bay đi. Những trái đạn chạm đất nổ vang, và chúng tôi mừng là nó không rơi vào vị trí chúng tôi. Có khoảng 40 trái đạn bắn đi, có trái rơi cách chúng tôi khoảng 10 thước. Từ trong một cái hố với với máy truyền tin PRC trên lưng, Hạ Sĩ Tòng lúng túng gọi khẩn cấp về xe chỉ huy để chuyển lời yêu cầu của tôi yêu cầu Bộ Chỉ Huy Hành Quân cho ngưng cuộc pháo kích vì "chúng tôi đã đầu hàng vô điều kiện!" Trong khi tôi đang trong thế ngồi chồm hổm, đẩy mạnh lưng vào thành hố để tim bớt đập mạnh thì anh đại úy cố vấn J. Scanlon mất tinh thần, bò quanh bò quẩn trước mặt tôi trông ngơ ngác như một con bê lạc bầy. Theo tôi, nếu cảnh đó được Neil Shehan chứng kiến và viết đầy đủ lại trong quyển "The Bright Shining Lie" của anh ta thì chắc anh ta đáng lãnh giải "nobel" ở Thụy Điển chứ không phải giải Pulitzer mà anh ta nhận ở Mỹ.

Cả cộng sản, vì nhu cầu tuyên truyền chính trị, lẫn các nhà báo Mỹ, vì thiếu chứng liệu và nhiều thiên kiến, đã viết sai sự thực, xuyên tạc sự thực về cuộc chiến tự vệ anh dũng của quân dân miền Nam. Và cũng thể theo lời yêu cầu của một số chiến hữu cựu quân nhân QLVNCH và đồng minh, tôi đã gạn lọc trí nhớ để tìm lại những dữ kiện thật thuộc loại "đầu dây mối nhợ" của trận Ấp Bắc mà vì lý do chính trị và nhu cầu phản chiến, họ đã cố tình bóp méo sự thật. Tôi đã viết lại bằng tay, bằng chính thủ bút của mình. Và như chiến trường Ấp Bắc tan hoang, khi tôi viết xong bài này trên mấy trang giấy cuối thì dưới bàn viết của tôi là một đống giấy nháp với cây viết "bi" đã gần hết mực "dàn trận tan tác ngổn ngang" dưới gầm bàn.

Viết bài này, tôi cũng có ý nhắc cho những ai chưa biết sự thật, là, với chiến thắng và kinh nghiệm từ trận Ấp Bắc, không biết bao nhiêu lần tôi đã đánh thắng những đơn vị địch quân từ các cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và cả quân đoàn của VC - bất cứ ở đâu, từ miền Tây, miền Đông Nam phần đến Tây Nguyên, đặc biệt là hầu hết các lần đó đều có sự hiện diện của J.P Vann, kẻ có lần đã đề nghị lên đại tướng Lê Văn Tỵ cho tôi đi tù - và sau này, cũng chính J.P.Vann vận động cho tôi lấy quyền chỉ huy Sư Đoàn 23 Bộ Binh đánh tan 3 sư đoàn VC do tướng Bắc quân Hoàng Minh Thảo, một trong những tướng hùng hổ nhất của Bắc Việt chỉ huy.

Từ những điều trên trong bài này, việc sách báo VC và Tây phương nói quân VNCH thua trong trận Ấp Bắc là xuyên tạc, là sai sự thật. Và nếu còn sống (**) đến hôm nay, chưa chắc J.P Vann đã cho Neil Shehan viết trận Ấp Bắc một cách thiếu sót và sai lệch. Vì đó cũng chính là cái thiếu sót của J.P.Vann trong những phút giây đầu tiên của trận Ấp Bắc, vì ông chưa đủ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến tranh du kích kiểu VC. Sự thiếu sót và thiếu kinh nghiệm đó của ông và ký giả Tây phương đã làm cho các bài viết về trận Ấp Bắc (cũng như nhiều lãnh vực khác...) bị bóp méo và hiểu lệch khác đi.

Cựu tướng Lý Tòng Bá

Cựu tư lệnh sư đoàn 25 BB/ Cựu tù cải tạo (Hải Triều đánh máy bài viết và sắp xếp hành văn với sự chấp thuận của tướng Bá)

Ghi chú:

* Trung Tá Nguyễn Văn Thiện, sau lên Đại Tá, phục vụ tại Quân Đoàn 1 của tướng Hoàng Xuân Lãm, là một trong hai người được tướng Nguyễn Văn Thiệu gọi về dinh Độc Lập để gắn sao cấp tướng. Chẳng may chiếc A37 chở anh về Sài Gòn bị ngộ nạn và mất tích.

** Ông Vann, trong một chuyến đến thăm tướng Bá (Sư Đoàn 23 BB) đã tử thương trong một tai nạn máy bay tại Cao Nguyên. Chiếc trực thăng chở ông trên quốc lộ 14 gần Chu Pao. Đại Tá Nhu chỉ huy Biệt Động Quân là người chỉ huy cuộc tìm và thu hồi xác ông Vann và phi hành đoàn. Anh em Biệt Động Quân cho biết không hề nghe tiếng súng khi máy bay bị rớt. Dù đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân tai nạn, song người ta có thể dự đoán là máy bay rớt vì trục trặc kỹ thuật chứ không phải vì đạn phòng không. Chi tiết này ghi lại từ tướng Lý Tòng Bá qua cuộc điện đàm sáng 9/4/2001.

Hải Triều

No comments: