Saturday, April 11, 2009

ĐẠI TÁ HỒ NGỌC CẨN - Nguyễn Văn Khậy

Nguyễn Văn Khậy

Để giúp quý độc giả và quý chiến hữu có thêm tài liệu đánh giá những chiến sỹ VNCH đã chiến đấu thế nào trong công cuộc chống Cộng bảo vệ tự do đến giờ phút cuối cùng... như trường hợp Đại tá Hồ Ngọc Cẩn. Bài do chính tác giả Nguyễn văn Khậy, viết và phục vụ dưới quyền Đại tá Hồ Ngọc Cẩn trong lãnh vực chuyên môn tỉnh Chương Thiện trước năm 1975.

(Bài viết được đăng trong Đặc San VÕ KHOA THỦ ĐỨC số 7 năm 2000).
  • ĐẠI TÁ HỒ NGỌC CẨN
Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện.

Tôi, Nguyễn văn Khậy được lệnh thuyên chuyển từ Sở Điện cơ Cấp phát Ruộng đất (Land Distribution Computing Service chief) trực thuộc Bộ Cải Cách Điền Địa và Phát Triển Nông Ngư Nghiệp Sàigòn đến bàn giao chức vụ Trưởng Ty Điền Địa tỉnh Chương Thiện (Land Reform Service Chief in Province).

Ngày 23-6-1973, một tuần sau khi tôi nhận nhiệm sở, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn từ Trung đoàn 15 Sư đoàn 9 Bộ Binh chuyển về thay Trung Tá Trần Duy Khang về hưu trí tại Saigòn (Phú Nhuận). Tỉnh Chương Thiện (thị xã Vị Thanh) nằm trong quân khu IV, của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam Tư lệnh Quân đoàn IV.
Suốt hai năm phục vụ dưới quyền Đại tá Hồ Ngọc Cẩn gồm các Ty sở chuyên môn và Hành chánh cũng như Quân sự, tôi còn nhớ mãi ghi ra đây như dòng tâm tư của người tỵ nạn còn âm hưởng những vươn rải đau thương, ẩn tàng tâm trí ngày đêm.

Ngưỡng mộ Anh Hồ Ngọc Cẩn như người anh cả trong quân sự và hành chánh.

Hồ Ngọc Cẩn sanh ngày 24 tháng 3 năm 1938 tại Cần Thơ. Tánh tình hiền hậu, giản dị, trầm tĩnh, ít nói. Anh xuất thân là Thiếu sinh quân (Đệ Nhất Quân Khu Gia Định).

Năm 1962, anh tốt nghiệp khóa Sĩ quan Đặc biệt với cấp bậc Chuẩn úy. Sau khi ra trường, Hồ Ngọc Cẩn theo học khóa huấn luyện Biệt Động Quân (BĐQ), rồi thuyên chuyên về phục vụ khu 42 Chiến thuật với chức vụ khiêm tốn: Trung đội trưởng. Lãnh thổ nầy gồm có các tỉnh Cần Thơ (Phong Dinh), Chương-Thiện (Vị Thanh), Ba-Xuyên (Sóc Trăng), Bạc-Liêu và Cà-Mau (An Xuyên).Năm 1966, Đại úy Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 1/33 SĐ 21 Bộ Binh, nổi tiếng qua bài :”Ngũ Hổ U Minh Thượng” của tác giả Yên -Tử cư sỹ Trần Đại Sỹ. (Viết và đăng trong Tự Do Dân Bản số 77 ngày 15-3-2000)

Ngũ hổ là:

Đại úy Hồ Ngọc Cẩn: Tiểu đoàn Trưởng 1/33
Thiếu tá Lư Trọng Kiệt: Tiểu đoàn Trưởng TĐ 42
Thiếu tá Nguyễn văn Huy: TĐT - TĐ 44 BĐQ.
Thiếu tá Lê văn Hưng: Tiểu đoàn trưởng TĐ 2/31
Đại úy Dương văn Trổ: Tiểu đoàn Trưởng TĐ 3/33.

Trong ngũ hổ nầy thì Thiếu tá Kiệt kém may mắn, tuẫn quốc năm 1967. Ngày 30-4-74 Thiếu Tướng Lê văn Hưng Tư lệnh Phó Quân khu IV tự tử, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị xử bắn. Duy còn Đại tá Dương văn Trổ làm Tỉnh Trưởng tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá), hiện định cư tại Houston Texas Hoa kỳ. Còn anh Nguyễn văn Huy ghi nhận chưa được.

Là sĩ quan gan dạ binh chủng BĐQ, anh Hồ Ngọc Cẩn tham gia hầu hết các trận đánh lớn nhỏ tại miền Tây. Đơn vị anh tìm và diệt địch trong mọi tình huống, một thời gây biết bao khiếp đảm cho giặc. Uy danh Đại úy Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 42 BĐQ, “Cọp Ba Đầu Rằng” vang lừng một thuở. Sau đó, anh nắm chức Tiểu đoàn Trưởng đánh trận để đời là tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn 514 cơ động Việt cộng tại Mỹ Tho (Tiền Giang), bắn chết 320 tên, bắt sống 176 tên, chính chiến công nầy anh được Tổng thống Johnson tưởng thưởng huy chương và Thống tướng Wesmoreland thay mặt Tổng thống Mỹ trao tặng.

Năm 1972, nhờ lập chiến công tại chiến trường An Lộc anh là Trung Đoàn trưởng Trung Đoàn 15, SĐ 9 BB.

6/1973: vinh thăng Đại tá, làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu Khu trưởng tỉnh Chương Thiện cho đến ngày mất nước.
  • Về địa lý tỉnh Chương Thiện gồm: 4 quận với 32 xã.
Xã Vị Thanh hay thị xã Vị Thanh, quận Đức Long là trung tâm Thị trấn tỉnh Chương Thiện thời bấy giơ, thuộc quân khu IV. Đây là khu trù mật thành công và hoàn chỉnh nhất thời Đệ I Cộng hòa của miền Nam Việt Nam. Nó cũng là “cái ổ’ của Việt cộng nằm vùng. Người ta thường nói Vị Thanh-Hỏa Lựu đi đôi với nhau, vì sự bình định phát triển nông thôn, đời sống dân chúng sung túc ruộng vườn của 200.000 nông dân, quân cán chính trú đóng phát triển đủ mọi mặt: kinh tế, xã hội, văn hóa v..v.

Trên bản đồ quân sự 1/25.000 thì tỉnh Chương Thiện nằm giữa trung tâm 3 tỉnh Cần Thơ, Ba Xuyên và Rạch Giá cách nhau 60 km đường chim bay từ mỗi tỉnh lỵ. Một con đường Liên tỉnh lộ 32 nối liền thành phố Cần Thơ - Vị Thanh dài 60 km, dẫn dọc theo Kinh xáng Xà-No vào thị xã Vị Thanh.

Dưới quyền Đại tá Hồ Ngọc Cẩn gồm nhiều sĩ quan cấp Tá, tôi nhớ xin ghi ra đây, sau 25 năm xa vắng cố hương, kẻ mất người còn !.

Thiếu tá Trịnh Tấn Tiếp: Quận trưởng quận Kiến Thiện.
Thiếu tá Nguyễn văn Bình: Quận trưởng quận Đức Long (Long Mỹ).
Thiếu tá Võ văn Phúc: Quận Trưởng quận Kiến Bình.
Thiếu tá (không nhớ rõ): Quận Trưởng quận Kiên Hưng.
Vị Tham Mưu Phó là Thiếu tá Võ văn Thời, anh cũng là người trực tiếp chỉ huy mặt trận tại ngã ba Vĩnh Tường đến 10 giờ sáng ngày 02-5-75, mới buông súng.

Xã Vĩnh Tường nằm trên Liên tỉnh lộ Cần Thơ-Vị Thanh, ngã ba tẻ vào Long Mỹ và ngả về Thị xã Vị Thanh. Áp lực địch rất mạnh quyết sống chết để cắt đứt tiếp viện từ Cần Thơ vô và từ Chương Thiện ra. Được biết chắc Thiếu tá Thời bị thương ở chân, nhưng nghe chạy được về Cần Thơ, nay không rõ tông tích ra sao?.

Hai vị Thiếu tá Tiếp và Phúc mỗi khi đi công tác tỉnh, Sư đoàn là kéo tôi theo vì trước Ty Điền Địa, dọc Kinh xáng Xà No là bãi đáp trực thăng. Ân tình thâm sâu khi hai anh còn phục vụ tại Tiểu khu và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ Binh. Được biết ngày 30-4-75 cả hai anh về tỉnh bằng tác ráng bị B 40 Việt cộng phục kích trên sông rạch. Địa điểm ghi không được. Riêng Thiếu tá Nguyễn văn Bình còn độc thân, xuất thân từ Võ bị Đalạt, sau trận chiến ngày 02-5 thoát chạy về gia đình ở Cần Thơ. Và cũng vô âm bặt tín cho đến nay.

Riêng tại các xã, các vị xã trưởng bị xử tử tại địa phương. Tôi nhớ Xã trưởng Nguyễn văn Mây, xã Hỏa lựu (quận Đức Long), xã Ninh Bình (quận Kiến Thiện), Xã trưởng Vĩnh Tường anh Huỳnh văn Bon, xã Vĩnh Tường là đường huyết mạch, lối 3 giờ chiều Việt cộng thường phục kích công xa và quân xa, nên anh Bon rơi vào số phận hẫm hiu chung không ai lấy làm lạ. Đặc biệt Xã trưởng Vị Thanh, Ông Khưu văn Kỉnh thì an nhiên tự tại chỉ bị bắt giam tại ty Cảnh sát Chương Thiện như đa số khác. Cùng rất nhiều vị xã trưởng khác tôi không ghi ra hết được. Họ là những thành phần Hạ sĩ quan phục vụ tại địa phương xã nhà, hy sinh vì chánh nghĩa quốc gia đến ngày chót. Ghi nhận để lịch sử vinh danh họ.

Đó là những ghi nhận đến 23-6-1975 khi chuyển trại tập trung tại xã Hỏa lựu.

a. Về phần hành chánh chuyên môn:

Phó Tỉnh trưởng Hành chánh: Đốc sự
Nguyễn Khắc Linh thuyên chuyển về Bộ Nội Vụ, Đốc sự Diệp Bửu Long, lên thay vào áp chót 30-4-75, đi cải tạo miền Bắc. Hiện tỵ nạn ở Mỹ.

b. Các Ty sở nội chánh:

Ty Hành chánh: Đốc sự Huỳnh Thông.
Ty Ngân khố: Đốc sự Khương Phục Hưng,
Ty Kinh tế: Đốc sự Lê Thanh Đào, sau về Ba Xuyên,
Ty Công vụ: Đốc sự Huỳnh văn Xuân (chuẩn úy đi cải tạo chung với tôi qua nhiều trại ở miền Nam).

Nhưng vào tháng 4/75 rất nhiều Đốc sự thuyên chuyển về phục vụ tại Vị Thanh ghi ra đây không được và không quan trọng lắm.

- Hội đồng Phát triển Bình Định Nông Thôn: Đại úy Trần Minh Hồng (Trưởng), Đại úy Phan Kim Mỹ, em vợ Đại úy Lê Ngọc Sơn ở Úc châu (khóa 14, chết) làm Phó và nhiều sĩ quan, nhân viên dân chính dưới quyền.

- Hội đồng Tỉnh: Y sĩ Thiếu tá Lâm văn Hai làm Chủ tịch. Quách Toàn Thiện (Cựu Trưởng Ty Kiến Thiết), HĐ Minh (quên họ), Trần văn Bạc (cựu Đại úy), Lý Thanh Mẩn làm Tổng thư ký v.v...

Một Tòa án thiết lập bên hông Ty Điền Địa, cạnh Hội đồng Tỉnh đã hình thành nhưng chưa có vị Chánh án đáo sở nhậm chức vụ.

c. Các Ty sở ngoại thuộc.

Ty Điền Địa: Trung úy Nguyễn văn Khậy (hiện tỵ nạn Úc châu).
Ty Công Chánh: Kỹ sư Trương Minh Trung (tỵ nạn ở Mỹ).
Ty Kiến Thiết: Quách Toàn Thiện, ra ứng cử Hội đồng tỉnh chưa có người thay thế. Sau 1975 bạo bệnh chết tại xã Tân Túc, Tỉnh Long An, quê vợ.
Ty Miên vụ: Trung úy Danh Thọ.
Ty Chiêu Hồi: Đại úy Nguyễn Hiếu Nghĩa, đi "cải tạo" miền Bắc, vô âm bặt tín.
Ty Học Chánh: Không nhớ tên
Ty Thông Tin: Không nhớ tên
Ty Xã hội: Đốc sự Nguyễn Đình Vũ.
Ty Canh Nông: Kỹ sư Nguyễn văn Chúng.
Ty Thuế Vụ: Tham sự Đặng Ngọc Tợ.
Ty Cảnh Sát: Trung tá Võ văn Đường bị xử bắn.
Ty Điện lực: Trung úy Phan thế Hòa.

Tất cả Trưởng Ty sở tại sau ngày 02-5-75 dứt tiếng súng, lịnh qua loa kêu gọi trình diện, nhốt vô Ty Cảnh sát Chương Thiện, để sau đó phân bố đi cải tạo trong Nam hay ngoài Bắc. Riêng Ty Công chánh Nguyễn Tăng Hà thay Trung và Phan Thế Hòa, Điện lực được lưu nhiệm. Trương Minh Trung về Cần Thơ, hiện nay tỵ nạn ở Hoa kỳ. Còn Hà sau nầy bị đụng xe gắn máy chết 1987 tại cầu Bắc Cần thơ. Những Ty sở chuyên môn trong tỉnh sau năm 1975, kẻ vượt thoát, kẻ chết không ghi ra được hết!.

Nói đến cái chết vinh danh của Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu khu trưởng tỉnh Chương Thiện, tôi xin được bổ túc thêm: đứng đầu là các vị Quận trưởng, bắn hoặc bị giết tại địa phương; kế Trưởng Ty Cảnh Sát Chương Thiện: Trung tá Võ văn Đường; Đại úy Phạm văn Bé, Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát tỉnh, cùng bị xử bắn tại sân vận động Cần Thơ ngày 14 tháng 8 năm 1975.

Các vị xã trưởng từng địa phương, họ là những anh hùng không chịu khuất phục trước uy vũ kẻ thù. Tổ quốc và quân sử mãi ghi danh họ.Còn một Đại đội Giang Thuyền của Đại úy Nguyễn văn Đầy, Đại đội trưởng; Đại úy Trần hữu Dinh, Đại đội phó đóng tại xã Vị Đức bên kia phi trường Chương Thiện. Hiện cả hai vị nầy ra sao?

d. Về lực lượng quân sư và Sư đoàn 21 Bộ Binh cận 30-4-75:

Các Trung đoàn 31-33 thuộc Sư đoàn 21 Bộ Binh, Quân khu IV rút ra bảo vệ phi trường Trà Nóc, Cần Thơ.

Một Đại Đội tân binh quân dịch tăng phái về đóng tại ICS (Ủy ban Kiểm soát Đình chiến Bốn bên) cạnh sân Tennis tỉnh, trên đường Gia Long đối diện Kinh xáng Xà-No. Lực lượng nầy bắn trả Việt cộng vào ngày 30-4 không cho tên Việt cộng nào vượt được sang cầu xi măng Lữ quán.
Trung đoàn 32 SĐ 21 Bộ Binh, còn trú đóng tại Bạc Liêu.

Trung đội bảo vệ dinh Tỉnh trưởng, những con gà cồ 60 ly trên lô cốt, gáy dữ dội từ 30-4 đến 10 giờ sáng ngày 02-5-75 mới chịu tắt tiếng.

Trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn 21, tôi quen biết Đại tá Nguyễn Hữu Kiểm, Tư lệnh phó Sư đoàn, vì ông hay ra đánh tennis với quí thương gia ngoài phố. Đại tá Lâm Chánh Ngôn Tham Mưu trưởng Sư đoàn. Khi Thiếu tướng Lê văn Hưng về nhậm chức Tư lệnh phó Quân khu IV dưới quyền Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam. Chuẩn tướng Mạch văn Trường về nhậm chức Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ Binh. Sự kiện nầy gây bất bình cho hai vị Đại tá Nguyễn Hữu Kiểm và Đại Tá Lâm Chánh Ngôn, vì cả hai thâm niên quân vụ hơn tướng Trường sao đó...?. Hai vị rục rịch di chuyển đi thì cận 30-4 đen. Trước đó 2 tháng, Đại tá Lê Viết Điều trưởng phòng 4 Sư đoàn về hưu ở tỉnh Ba xuyên. Riêng Thiếu tá Phước (không rõ họ), “cận vệ” cho Đại tá Kiểm thường lui tới Ty Điền Địa chúng tôi, sau 30-4 cũng không ghi nhận tin tức các vị Tá trên.

Về phòng 3 Tiểu khu Chương Thiện, tôi quen Đại úy Trương Công Hạnh (phó), vị Trưởng ban Thiếu tá Tiệp đi nhậm chức Quận Trưởng. Đại úy Hưng (quên họ) chồng cô Nguyễn Thị Kim Yến làm tại Ty Điền Địa v.v...

Thiết đoàn 4 Chiến xa do Trung tá Trần Hữu Thành, Thiết đoàn trưởng Kỵ Binh đóng tại đầu cầu sắt, ngã ba vô Tòa Hành chánh, và nhiều sĩ quan cấp tá, cấp úy khác của Thiết đoàn cũng chung vận nước mà tôi chưa kịp ghi ra đây về lý lịch và sống còn của họ.

Mặc dù Tổng thống Dương văn Minh ban lệnh buông súng đầu hàng từ 10 giờ sáng 30-4-75, Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tướng Lê văn Hưng vẫn tiếp tục chiến đấu đến giờ phút chót và khi thấy thế cùng lực cạn đành rút súng tự sát, để bảo tồn khí tiết cấp chỉ huy.

Quân khu IV không còn. Khu chiến thuật mất liên lạc. Một tiểu khu và một số đơn vị vẫn tiếp tục chống trả VC quyết liệt đến sáng ngày 02-5-75. Đáng kể nhất tiểu khu Chương Thiện kềm địch mọi mặt tấn công vô tỉnh. Rồi đúng 10 giờ sáng mới buông súng.

Khi thế nước lâm nguy mới rõ mặt anh hùng. Và quân sử Quân lực VNCH hơn 50 năm sản sinh biết bao vị anh hùng Quân đội. Bên cạnh biết bao kẻ khiếp nhược trốn chạy ôm theo vợ con của cải, gia sản; thì tại miền Tây nước Việt bỗng: vươn lên những bậc anh hào lưu danh muôn thu. Đó là cố Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, cố Trung Tá Võ văn Đường, cố Đại úy Phạm văn Bé thà chết chớ không chịu sa vào tay giặc, bỏ đồn, bỏ lính, bỏ đơn vị đào nhiệm.

Xin một nến hương cho những chiến sỹ, đấng anh linh đã nằm xuống và mãi mãi cho những người đang chiến đấu vì lý tưởng Tự do, Dân chủ, Nhân quyền trên quê hương đau khổ Việt Nam được sớm vãng sanh.

Và cũng một lần nữa, tưởng nhớ AET Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, vị Tiểu khu trưởng đã nằm xuống. Amen!

Riêng cầu chúc chị Cẩn và cháu trai sống hạnh phúc trong niềm tự hào tại Anaheim- California, Hoa kỳ.

Nguyễn Văn Khậy

  • Hồ Ngọc Cẩn

Quyết chiến, cùng dân giữ tỉnh nhà
Trả thù, giặc cộng bắt ông ra
Cần Thơ bịt mắt đem hành quyết
"Cứ giết nhưng đừng bịt mắt ta
Để ta nhìn nước, dân lần cuối"
Anh hùng muôn thuở sử hùng ca!

Ngô Minh Hằng

ĐẠI TÁ HỒ NGỌC CẨN,
TỈNH TRƯỞNG CHƯƠNG THIỆN
VỊ QUỐC VONG THÂN

Không đội trời chung với sói lang
Một còn một mất, chẳng đầu hàng
Mắt trừng họng súng, lời danh thép!
Miệng thét quân thù, dạ sắt gang!
"Cộng Sản độc tài, quân cướp nước!"
"Tự do dân chủ ... vẫn hiên ngang!"
Pháp trường nhỏ lệ ngùi thương tiếc
Một tấm trung can tỏ đá vàng !

Hồ Công Tâm

No comments: