Monday, April 27, 2009

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu Và Chiến Sĩ Công Binh Miền Trung - Phạm Phong Dinh


Phạm Phong Dinh

Công Binh Việt Nam là một trong những binh chủng có tổ chức qui mô nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với quân số trong khoảng 40,000 quân nhân và công chức. Ðược chính thức thành lập từ ngày 1.8.1955, binh chủng Công Binh Việt Nam đã đóng góp vào cuộc chiến đấu chống cộng sản Bắc Việt xâm lược bằng những chiến công thật âm thầm nhưng rất quyết định. Là một đơn vị yểm trợ, nhưng người lính Công Binh đã gánh vác hai nhiệm vụ lớn, mà nhiệm vụ nào cũng đổ nhiều mồ hôi và máu đào.

Thứ nhất, trong công tác chuyên môn, những Tiểu Ðoàn Công Binh Kiến Tạo đã xây dựng nhiều cầu, đường, công sự, phi trường, hải cảng, trai gia binh, công xưởng, v.v.. Khó có thể kể hết những công trình từ một chiếc hầm cho đến những chiếc cầu dài hàng trăm thước hay những công xưởng to lớn trên khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu người lính tác chiến tận lực đánh địch trên khắp mặt trận gian khổ như thế nào, thì người lính Công Binh cũng sát cánh yểm trợ quân bạn để đạt được chiến thắng với những công tác nặng nề và đòi hỏi nhiều hy sinh không kém. Những căn cứ hỏa lực ngay từ những ngày đầu xây dựng đã có mặt những chiến sĩ Công Binh nhảy xuống, gánh chịu cùng một lần nỗi chết chóc của chiến tranh với người lính Bộ Binh, để cấp tốc thiết lập những hệ thống hầm hố, công sự, bộ chỉ huy, chu vi phòng thủ, mìn bẫy cho quân bạn có nơi trú ẩn và chiến đấu được ngay.

Thứ hai, vừa chiến đấu vừa xây dựng là nhiệm vụ của những đơn vị Công Binh Chiến Ðấu. Những người lính Công Binh chuyên nghiệp vừa phải thực hiện những công trình cấp thời ngay giữa chiến trường hay ở một nơi hoang vu hẻo lánh nào đó, vừa phải chia thân cầm súng đánh địch. Các anh hoàn thành công tác của mình dưới những áp lực nặng nề của địch và luôn luôn phải chiến đấu như là những người lính tác chiến. Còn nhớ những ngày Mậu Thân binh lửa ngoài Huế, Ðại Ðội 1 Trinh Sát của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh phải di tản vào cùng trú ẩn trong một căn cứ nhỏ của một đơn vị Công Binh Việt Nam Cộng Hòa. Trong những ngày đầu chiến cuộc, nhiều đơn vị tác chiến chuyên nghiệp của quân ta đã phải rút bỏ một số vị trí, nhưng căn cứ Công Binh ở Huế đã anh dũng chống trả và đã đứng vững trong suốt 25 ngày đêm lửa đỏ, và là nơi mà các chiến sĩ Trinh Sát Sư Ðoàn 1 Bộ Binh xông ra ngoài mở những cuộc đột kích phản công vào quân cộng.

Lam Sơn 719, những chiếc xe ủi đất của Công Binh chính là đơn vị đầu tiên cùng Nhảy Dù và Kỵ Binh vượt biên giới, để khai thông con đường số 9 đã bị bỏ hoang nhiều chục năm. Những chiếc bulldozer lầm lì húc qua những đoạn đường đèo quanh co và hiểm trở, xuyên thủng những cánh rừng già thâm u chưa từng thấy vết chân người. Mỗi một thước đất Tây tiến là mỗi sự chết chóc chực chờ giáng xuống. Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, trong lúc nhiều đơn vị Bộ Binh ở Quảng Trị buộc phải triệt thoái về Huế, thì chính những chiến sĩ Công Binh là người phải rút sau cùng, vì các anh còn phải phá hủy những chiếc cầu chiến lược để ngăn chận hay ít nhất làm chậm lại tốc độ tiến quân của quân giặc, dưới những cơn bão pháo kinh hoàng. Không ai bảo vệ người lính Công Binh trong những tình thế nguy nan và bối rối như thế , ngoài chính những khẩu súng M16 khiêm tốn của các anh. Ngày 16.9.1972, khi những Lá Cờ Vàng Ðại Nghĩa Việt Nam bay phấp phới trên bốn mặt Cổ Thành Ðinh Công Tráng, thì ít ai biết được đóng góp của binh chủng Công Binh đã yểm trợ tận lực cho quân bạn đến như thế nào để giành lấy vinh quang chung.

LIÊN ÐOÀN 20 CÔNG BINH CHIẾN ÐẤU VÀ CÂY CẦU ÐÀ RẰNG

Từ Nha Trang theo đường bộ ra đến địa giới tỉnh Phú Yên, sắp sửa vào tỉnh lỵ Tuy Hòa từ năm 1970 trở về trước, những loại công xa, quân xa hay xe dân sự đều vướng phải cây cầu Ðà Rằng nhõ hẹp, cũ kỹ và một chiều, phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi để được người lính gác cầu phất cờ hiệu cho qua. Nhưng kể từ ngày 13.2.1971, tình trạng ứ đọng đầy phiền toái đó đã hoàn toàn chấm hết. Với quyết tâm tặng cho đồng bào và chiến hữu miền duyên hải Quân Khu II một món quà thật quí giá, thúc đẩy lưu lượng giao thông kinh tế, cũng như để đưa tốc độ hành quân bộ của quân ta vào mặt trận Nam và Bắc Phú Yên được nhanh chóng hơn, Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu lập đề án và khởi công xây dựng cây cầu Ðà Rằng lịch sử.

Ðứng giữa khán đài tràn ngập màu Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ và một rừng biểu ngữ, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đứng trên khán đài đã tươi cười nói với gần mười ngàn đồng bào:

- Bây giờ đồng bào hãy cùng tôi hoan hô Công Binh Việt Nam.

Vị nguyên thủ quốc gia đưa tay cao lên hô lớn:

- Hoan hô Cộng Binh Việt Nam ! Hoan hô Tiểu Ðoàn 201 Công Binh Chiến Ðấu!

Hàng chục ngàn cánh tay của người dân Phú Yên đã cùng đưa lên và cùng cất tiếng ngợi ca công trình của người lính Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu. Tiếng hoan hô vang dậy trong một nỗi hân hoan khôn tả, dưới ánh nắng mai ấm áp của một ngày mùa xuân. Ðó là quang cảnh buổi lễ khánh thành chiếc cầu Ðà Rằng tại Tuy Hòa ngày 13.2.1971 dưới quyền chủ tọa của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, cùng sự hiện diện của phu nhân Tổng Thống, ông Chủ Tịch Hạ Viện Nguyễn Bá Lương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, nhiều Tổng Trưởng và tướng lãnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Ðồng Minh. Sau khi cắt băng khánh thành, Tổng Thống Thiệu và phái đoàn cùng đi bộ trên cây cầu mà chính ông đã thốt lời khen ngợi :

- Cây cầu dài nhất Việt Nam! Ðẹp nhất Việt Nam! Lần đầu tiên do chính Công Binh Việt Nam thực hiện.

Cũng như khi tâm tình với đồng bào Phú Yên, Tổng Thống Thiệu đã đưa ra một so sánh:

- Nếu đồng bào chưa có dịp đi qua xa lộ Sài Gòn Biên Hòa, chưa biết cầu xa lộ, thì đây chính là xa lộ. Nhưng cây cầu Ðà Rằng này còn dài hơn, đẹp hơn cầu xa lộ.

Ở trong giai đoạn mà cuộc chiến tranh xâm lược và phá hoại của cộng sản Bắc Việt và Việt cộng Miền Nam đã đang đi dần lên đến điểm khốc liệt, một quân đội mà tài sản nghèo nàn như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, việc xây dựng được một chiếc cầu tình nghĩa như vậy đã là một nỗ lực tận tụy của ngườ lính Công Binh Việt Nam. Nếu là thời bình, thì Việt Nam Cộng Hòa còn có thể xây được nhiều công trình huy hoàng và to lớn hơn chiếc cầu Ðà Rằng thập bội. Xây dựng đã khó mà giữ được cây cầu càng khó khăn gấp mấy lần. Việt cộng với những nỗi căm thù điên cuồng, chúng không bao giờ có thể chịu đựng được niềm hạnh phúc sung sướng của dân chúng khi thoải mái qua lại trên những chiếc cầu thân thương do Công Binh Việt Nam xây nên thành. Hạnh phúc của đồng bào là sự nhức buốt căm hận của quân cộng sản, nên bằng bất cứ giá nào chúng cũng phải giật sập những công trình ấy. Ðồng bào có đau khổ, chật vật thì cộng sản mới có thể hê hả thú tính man rợ của chúng.

Cầu Ðà Rằng được coi là tối tân nhất Việt Nam ở thời điểm đó, nằm trong quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, dài 1,101 thước do Tiểu Ðoàn 201 thuộc Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu đảm trách. Cầu Ðà Rằng nằm cách thành phố Tuy Hòa 3 cây số về hướng Ðông Nam, bắc ngang qua con sông Ðà Rằng, dưới chân ngọn núi Tháp Nhạn và chạy song song với cây cầu sắt cũ. Ngược dòng Ðà Rằng lên đến địa giới tỉnh Phú Bổn, con sông dài và rộng mênh mang này sẽ tiếp giáp với con sông Ba từ dãy Trường Sơn đổ xuống. Những ngày tháng 3.1975, hai con sông này đã ngậm ngùi chứng kiến cuộc triệt thoái của Quân Ðoàn II và đồng bào chạy trốn hiểm họa cộng sản trên con đường Liên Tỉnh Lộ 7B Pleiku ố Phú Bổn ố Phú Yên. Hàng ngàn xác đồng bào đã nằm chết trên con đường tang thương này và trôi dật dờ ai oán trên giòng sông Ba ố Ðà Rằng, nhờ ơn giải phóng của cộng sản. Nhân loại thuộc thế giới tự do, dù có mù lòa giả đui giả điếc đến mấy đi nữa cũng đã đau xót kêu lên kinh hoàng với những hình ảnh còn chập chờn của Ðại Lộ Kinh Hoàng Quốc Lộ 1, Ðại Lộ Máu Quốc Lộ 13 năm 1972, và giờ đây thêm con lộ 7B ngập ngụa xương thịt của người dân vô tội. Truyền thông báo chí ngoại quốc đã công nhận gọi cuộc trốn chạy của dân chúng Quân Khu II, rồi Quân Khu I tiếp theo sau là “Cuộc Bỏ Phiếu Bằng Chân Của Dân Chúng Dành Cho Việt Nam Cộng Hòa”. Không còn từ ngữ nào chính xác hơn thế.

Cầu Ðà Rằng được thiết kế 59 nhịp với 58 trụ chống trung gian. Lòng cầu rộng 7m 50, lề bộ hành hai bên rộng 0m 90. Sức chịu đựng của cầu trong khoảng 35 đến 50 tấn và lưu thông hai chiều. Trung Tá Lê Văn Lầu, quyền Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu, dáng người dong dỏng cao, nổi tiếng là một vị chỉ huy năng nổ, ưa hoạt động, ẩn tàng một ý chí mạnh mẽ dưới mái tóc hoa râm vì tuổi đời, mà cũng vì nắng gió công trường trong suốt cuộc đời Công Binh chuyên nghiệp của ông, đã trả lời với báo chí về những chi tiết kỹ thuật của cầu Ðà Rằng: Cầu này có 59 nhịp, trong đó có 52 nhịp mỗi nhịp dài 18 mét và 7 nhịp dài 21 mét. Cứ mỗi nhịp có từ 5 đến 6 đà dọc. Riêng 58 trụ trung gian được kiến tạo bằng cừ sắt H với mũ đầu trụ bằng bê tông cốt sắt. Mỗi trụ trung gian gồm 6 cây cừ đóng thẳng và 4 cừ đóng xiên. Theo địa thế, cừ được đóng sâu vào lòng đất từ 18 đến 21thước.

Nhưng để cảm thông hơn với những khó khăn và quyết tâm của người lính Công Binh, Trung Tá Lầu đã hướng dẫn báo chí đến gặp người hùng kiến tạo cây cầu: Thiếu Tá Hà Thúc Xáng, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 201 Công Binh Chiến Ðấu. Cũng giống như “ông thầy” Trung Tá Lầu của mình, Thiếu Tá Xáng với màu da sạm nắng màu đồng nung, đã kể lại những khó khăn mà Tiểu Ðoàn 201 Công Binh đã “đụng” phải trong thời gian thực hiện cầu.

Ðó là vấn đề tiếp liệu, đặc biệt là nhu cầu về những đà sắt lớn: Ở Việt Nam không có loại đà dài thích hợp cho các nhịp cầu 18 và 21 thước. Do đó, Công Binh Việt Nam đã phải tự hàn nối những đà cầu ngắn thành đà cầu có đủ chiều dài cần thiết. Công tác này phải sử dụng loại cơ giới đặc biệt như máy hàn tự động để thực hiện những mối hàn.

Ðáp một câu hỏi là liệu hàn như vậy có chắc chắn như loại nguyên gốc của nó hay không, Thiếu Tá Xáng khẳng định: Không những tinh vi mà còn hoàn toàn bảo đảm, vì mỗi khi hàn xong, các mối hàn đều được kiểm soát bằng máy quang tuyến X.

Ðể xây dựng chiếc cầu Ðà Rằng, Tiểu Ðoàn đã sử dụng đến 280 quân nhân. Ngoài phần quân xa cơ giới, Tiểu Ðoàn còn được Liên Ðoàn tăng cường thêm hai cần trục 40 tấn trang bị máy đóng cừ 3,400 ký và 8,200 ký, 3 cần trục 20 tấn thủy lực, 1 máy trộn hồ tự động loại 3 thước khối, 2 máy hàn điện bán tự động và 6 máy hàn điện. Tiểu Ðoàn 201 Công Binh Chiến Ðấu đã sủ dụng khoảng 15,000 tấn vật liệu nặng, trong đó có 2,000 tấn cừ sắt H loại 14H 73, hơn 1,500 tấn đà loại 36W F 230 và 36W 150, 2,250 tấn xi măng, gần 4,500 mét khối đất, gần 3,000 mét khối cát và 970 tấn sắt tròn. Ðối với Thiếu Tá Hà Thúc Xáng và chiến sĩ Tiểu Ðoàn 201 Công Binh Chiến Ðấu, thì công trình cầu Ðà Rằng không những là chiến công lớn nhất của Tiểu Ðoàn, mà còn là niềm hãnh diện chung của binh chủng Công Binh Việt

Nam. Niềm sung sướng của riêng Thiếu Tá Xáng, đứng từ cương vị một cấp chỉ huy, là trong suốt thời gian công tác, đã không hề có một tai nạn nào xảy đến cho binh sĩ của ông. Ðồng bào địa phương kể lại thời Pháp, khi thực hiện cây cầu sắy cũ có đường cho xe lửa chạy, thì đã có hàng trăm công nhân đã thiệt mạng.

Từ ngày lịch sử 13.2.1971, đồng bào tỉnh Phú Yên và dân chúng toàn quốc đã có thể thoải mái di chuyển trên chiếc cầu Ðà Rằng mới. Cầu Ðà Rằng cũ vẫn còn nằm song song với người bạn mới, và chẳng có gì phải buồn phiền, công lao đóng góp của nó trong hàng chục năm qua đã đủ để nó xứng đáng được nằm nghỉ ngơi và ngắm nhìn người bạn trẻ gánh vác công việc nặng nhọc mà thật nhiều vinh dự . Cũng kể từ ngày này, tấm biển đồng khắc danh hiệu Tiểu Ðoàn 201 Công Binh Chiến Ðấu được hãnh diện gắn vào chiếc cầu, tên tuổi của Trung Tá Lê Văn Lầu, Thiếu Tá Hà Thúc Xáng, Thiếu Tá Hiển, Tiểu Ðoàn Phó cùng tất cả quân nhân của Tiểu Ðoàn sẽ mãi ghi đậm trong ký ức và luôn là một kỷ niệm đẹp trong lòng người dân Phú Yên. Hơn thế nữa, đối với đồng bào Phú Yên, điều làm cho họ vui mừng nhất, phải kể là từ thời điểm đó, hàng năm nếu có lụt lội xảy ra, dân chúng không còn sợ nạn có người bị chết oan khi đi qua cầu bị nước lũ cuốn đi, như đã từng xảy ra trên cây cầu cũ.

CHIẾN SĨ CÔNG BINH Ở BÌNH THUẬN ...

(Lính Công Binh kể chuyện Công Binh, Văn Dỹ)

Mới 5 giờ sáng, anh em tài xế xe trút đã rồ máy ầm ĩ cả một góc trời. Hôm nay họ phải đi làm sớm, đi tận Phan Rang lấy nhựa. Trời Hòa Ða 5 giờ sáng lúc này còn tối, tiết trời lành lạnh, mưa bay lất phất. Mấy ông bạn tài xế lầm lũi làm việc trong bóng đêm. Anh nâng capot kiểm soát mực nước, người mắt hấp háy nhìn thước đo dầu, kẻ đá vào lốp nghe bình bịch, họ kiểm soát bánh xe. Tôi vẫn ngồi gác nhìn trời, nhìn các bạn làm việc. Tôi nghe Trung Sĩ Thạch Sơn hỏi :

- Xong chưa mày, Bảy ? Go chứ ?

- Go thế đếch nào được, mới tối qua khi về mười bánh, sáng nay đã xẹp hai. Phen này đến trả “vô lăng” cho Ðại Ðội Trưởng thôi !

- Ráng lên cưng.

Bảy cười hô hố đáp :

- Ðó là nghề của em mà Trung Sĩ. Nhờ Trung sỉ nói với ông thầy cứ dzọt trước, em thế nào cũng bắt kịp.

Mới sáng tinh sương, đoàn xe trút từ từ ra khỏi trại. Tiếng máy truyền tin 25 sè sè như còn ngái ngủ. Dẫn đầu đoàn là Ðại Ðội Trưởng 604 Xe Trút, đoàn xe từ từ tiến ra cổng chính. Trước ngọn đèn sáng quắc của xe Jeep đã thấy Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Công Trường đứng ở điếm canh tự bao giờ. Ông tốp đoàn xe lại nhỏ to điều gì với trưởng đoàn xe tôi không biết, chỉ thấy khi xe chuyển bánh ông la lớn :

- Thượng lộ bình an nghe bồ ! Ráng về cho đúng giờ.

Tôi thắc mắc hoài không biết hôm nay sao lại phải đi tận Phan Rang lấy nhựa, mọi khi công trường vẫn lấy tại Vĩnh Hảo. Tôi mon men lại hỏi Chuẩn Úy Tám Ban 3 :

- Chuẩn Úy, mình trải nhựa hôm nay à ?

- Ừ.

- Mà sao phải đi tận Phan Rang lấy nhựa ?

- Thế mày không biết hôm nay Tổng Thống đến thăm công trường mình à ? Thiếu Tá muốn biểu diễn một đường lả lướt trải nhựa cho Tổng Thống coi, máy nhựa Vĩnh Hảo hư rồi.

Tổng Thống đến ! Tổng Thống đến thăm công trường mình. Tôi băn khoăn đứng ngồi không yên, từ sáng đến giờ tôi viện cớ đi tiểu mấy lần, vì mỗi lần đi tiểu tôi lại có dịp ghé qua Ban 5. Họ đang làm việc nhộn nhịp, kẻ viết băng đơ rôn, người hí hoáy vẽ. Tôi liếc nhanh, thấy một biểu ngữ đỏ chót trên nền vải trắng: “CÔNG BINH VIỆT NAM CHÀO MỪNG TỔNG THỐNG”. Bạn Lễ “gà mờ “ đang cong lưng kẻ mấy bảng xanh xanh đỏ đỏ cho bên quận. Trung Sĩ Trung đang cẩn thận lau chùi chiếc máy hình Topcon của đơn vị. Hôm nay Trung Sĩ phó nhòm lại có dịp nháy lia lịa. Tôi hỏi Trung Sĩ Trung :

- Tổng Thống có đến Bộ Chỉ Huy công trường không Trung sĩ ?

- Không, Thiếu Tá thuyết trình tại công trường.

- Em muốn ra ngoài ấy coi quá.

- Mày có ở ban tiếp tân không ? Mày là chuyên viên khui chai mà. Hôm nay tao không biết có vụ giải lao bằng “Coke” Giao Chỉ không, nếu có hy vọng đấy em. Ðến 1 giờ Thường Vụ sắp xếp sẽ biết.

Ngoài sân cờ, Chương “kèn” cùng anh em ban Quân Nhạc Tiểu Ðoàn đang dợt lại mấy bài Thượng Cấp Văn, Thượng Cấp Võ. Ban nhạc này tuy đơn sơ, thế mà đắt hàng đáo để. Nào chào Tướng Ba Sao, Tướng Hai Sao, hôm nay hy vọng được chào cả Tổng Thống. Trung Ðoàn 44 Bộ Binh và bốn quận miền Bắc Bình Thuận mỗi khi có quan khách tới chạy bấn xúc xích cả lên để nhờ Chương kèn lo giùm. Trông bộ vó Chương kèn cũng không kém gì những ông nhạc trưởng cầm cái ba toong tổ bố, quăng lên quăng xuống khi diễn hành trong những ngày Quốc Khánh, mà tôi từng say mê chạy theo lúc còn bé. Nhưng Chương kèn của Tiểu Ðoàn chúng tôi chỉ khác có một cái là chỉ huy có 8 quân nhân, gồm có 4 kèn, 2 trống cơm ,1 trống cái và1 chóe, thế mà xôm đáo để. Ngày thường mấy bạn nầy đều có nghề riêng. Anh hớt tóc, anh chuyên viên trùng tu, người chuyên viên ủi đất. Riêng Chương kèn có nghề hộ tống, vì ngoài nghề kèn, anh còn có nghề võ Bình Ðịnh và bắn thần tốc.

Tôi mãi mê coi anh em Ban 5 làm việc đến giờ cơm lúc nào không biết. Vẫn như thường lệ, cá nục kho tiêu làm chuẩn, canh rau muống tôm khô thêm ít ớt làm đích. Tôi và ào ba chén cơm rồi chuồn ra phố quận. Hòa Ða hôm nay có bộ mặt mới, chỗ nào cũng thấy cờ. Cờ sơn trên tường, cờ treo trước ngõ, cờ dọc hai bên lộ, cờ bay khắp nơi, phần phật trước gió. Những cô nữ cán bộ Xây Dựng Nông Thôn gọn ghẽ trong bộ đồ đen, hàng ngũ chỉnh tề. Những cậu Nhân Dân Tự Vệ vai vác “Sào đuổi vịt” (Garant M1) súng sính trong bộ đồ nâu đang dợt lại thế súng chào. Mấy anh được chỉ định cầm cờ đoàn, cờ đội. Hòa Ða ngày thường cũng buồn tênh như trăm ngàn quận nhỏ khác, nhưng ở đây được tô điểm thêm bởi những cô gái Chàm, nước da đậm đà, tiếng nói ríu rít như chim hót, và những nàng nữ sinh áo trắng. Ngày chúng tôi mới đến, những cô nữ sinh trung học hay trêu chúng tôi lắm. Hai chữ Công Binh CB các cô dịch đũ nghĩa, nào là “Còn Bé ”. Có cô tinh nghịch hơn kêu chúng tôi là “Còn Bú “.Mấy bạn Nghĩa Quân thì gọi chúng tôi là “Cao Bồi”. Huy hiệu Công Binh đeo trên vai có cái hình hơi giống cổng... chùa, đồng bào gọi chúng tôi là Lính Chùa. Mấy ông già bà lão thường nói: Lính Chùa nó làm việc dữ quá, không nghỉ trưa làng nước ơi ! Tụi nó có những cái máy gì bự quá, ủi một cái là văng ngay gốc me năm người ôm trên Chợ lầu. Còn cái xe cạp gì mà to quá cỡ, nó chạy nghe ầm ầm, đi đến đâu nghe hết hồn. Thế mà người Việt Nam mình lái mới hay chứ !

Còn nhiều chuyện rất dí dỏm ở cái quận lẻ này. Tôi đang mãi nghĩ thì gặp thằng Hào, nó hất hàm bảo tôi:

- Không về à, đến giớ tập họp rồi.

Chà, thế mà đã 12 giờ 45, chúng tôi chỉ nghĩ trưa có một tiếng. Công trường mà.

Như thường lệ, Thường Vụ cắt đặt mọi việc thường ngày. Riêng tôi và hai ông bạn ở kho cơ phận được sung vào ban tiếp tân phái đoàn thượng cấp. Thế là giấc mơ của tôi đã thành. Tôi sẽ hân hạnh khui chai nước ngọt mời tận tay Tổng Thống. Tôi sẽ cẩn thận lo đồ khui cho sạch, thủ sẵn miếng gạc trắng tinh để lau vỏ chai cho kỹ. Vừa tan hàng xong, tôi và hai thằng bạn trong ban tiếp tân còn đang lớ ngớ lo xe và đồ nghề ra công trường thì gặp Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng, ông hỏi :

- Mấy chú ban tiếp tân à ?

Ông nhìn tôi từ đầu tới chân không nói gì. Ông khựng lại ở hai ông bạn vàng của tôi, tôi run quá, biết là có chuyện rồi.

- Mấy chú bỏ nón ra, kêu Ðại Ðội Trưởng lên đây !

Tôi lí nhí dạ trong họng rồi chạy đi kêu Trung Úy Ðại Ðội Trưởng. Phen này là có chuyện rồi. Y như rằng, Trung Úy mới giơ tay chào đã bị quạt ngay :

- Ông định biểu diễn mấy cái tóc này cho Tổng Thống coi à ? Tôi đã nhắc ông nhiều lần, hàng tuần sau khi chào cờ thì khám tóc tai, quần áo, bạn nào cảnh cáo nhiều lần không nghe thì mang tông đơ tới. Ông làm sao hôm nay trông được thì làm.

Nói xong ông lên xe đi mất. Thế là hai ông bạn vàng của tôi được thay thế bằng hai ông khác có quần áo và tóc tai chỉnh tề hơn. Cầu 27 hôm nay được quét dọn sạch sẽ hơn, bản thuyết trình đặt ngay tại đầu cầu, bên kia cầu là toán trải nhựa. Họ đang sửa soạn lại cơ giới, máy hâm nóng nhựa đã bốc khói, nhựa đã về ... Ðúng 15 giờ, ở phía Ðông một đoàn trực thăng ầm ầm bay đến. Máy bay đâu mà lắm thế, có đến trên 15 chiếc hạ ngay trước sân vận động, đậu dài trên đoạn đường mới làm của chúng tôi. Tiếng hoan hô Tổng Thống vang dậy một góc trời, đồng bào hân hoan chào mừng Tổng Thống. Theo chương trình, Tổng Thống sẽ nói chuyện với đồng bào quận Hòa Ða rồi mới đi thăm công trường của chúng tôi. Từ xa, một đoàn xe Jeep từ từ tiến lại, di chuyển trên đoạn đường mới làm của Công Binh. Không biết Tổng Thống nghĩ về về tác phẫm của chúng tôi, nhưng anh em chúng tôi hãnh diện lắm. Tôi sẽ nói với con cháu rằng: “Ðoạn đường Phan Rí là do tao làm“.Tôi nghe tiếng Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng hô lớn:

- Tổng Thống đến. Nghiêm.

Tôi đứng ngay ngắn nhìn Tổng Thống. Hôm nay ông mặc bộ đồ xanh nhạt, tươi cười bước xuống xe bắt tay từng vị chỉ huy. Thằng bạn thích cùi chỏ vào ba sườn tôi :

- Khui chứ mày ?

Tôi vội vàng làm công việc của tôi, cẩn thận khui chai nước ngọt, lấy miếng gạc trắng lau đầu chai sạch sẽ, dự định đưa mời Tổng Thống. Một Trung Tá trong phái đoàn tiến đến trước chúng tôi nói

- Thôi em, Tổng Thống và các quan khách không uống đâu.

Ở đầu kia tiếng nói vang dội của Thiếu Tá tiểu Ðoàn Trưởng đang thuyết trình tiến triễn công trường, tay cầm micro, tay cầm gậy chỉ trỏ trên những tấm biểu đồ chạy dọc chạy ngang trông đến dẹp mắt. Tổng Thống gật đầu tủm tỉm cười, các quan khách ai cũng lộ vẻ hân hoan hãnh diện. Sau phần thuyết trình, tôi không biết Tổng Thống hỏi gì, nhưng nghe lời đáp của Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng trong micro : ‘ Kính thưa Tổng Thống, chúng tôi không thua họ về kỹ thuật làm đường, làm cầu. Trái lại chúng tôi còn bỏ xa họ, chúng tôi chỉ thua họ về cơ giới và đời sống vật chất hàng ngày mà thôi, nhưng chúng tôi chịu đựng được, mặc dầu phải vác đá dầm mưa để kiến thiết quê hương.

À, thì ra Tổng Thống so sánh kỹ thuật làm đường, cầu của Công Binh Việt Nam với Công Binh Hoa Kỳ. Sau đó Tổng Thống gọi sĩ quan tùy viên lại nói :

- Anh em làm cực quá, cho anh em ít tiền chứ. Hai trăm ngàn.

Thế là chúng tôi sẽ có tiền liên hoan trong dịp Tết. Tôi còn đang đứng lớ ngớ trước mấy chai Coca Cola khui rồi thì Tổng Thống tiến lại trước mặt tôi và nói :

- Cám ơn em.

Tổng Thống đưa tay cho tôi bắt. Tôi bắt tay Tổng Thống mà lòng rộn lên. Tôi, Binh Nhì Công Binh được bắt tay Tổng Thống.

Phạm Phong Dinh
(sưu tập và biên soạn)



No comments: