Sunday, November 1, 2009

CÁI CHẾT CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ NỀN ĐỆ NHẤT VIỆT NAM CỘNG HÒA

    TÀI LIỆU LỊCH SỬ - CÁI CHẾT CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ NỀN ĐỆ NHẤT VIỆT NAM CỘNG HÒA

Ls Nguyễn Văn Chức

Hồi 4:30 trưa thứ sáu, mùng 1/11/1963, nghĩa là khoảng 3 giờ sau khi tiếng súng đảo chánh bắt đầu nổ, TT Diệm gọi điện thoại cho đại sứ Lodge. Và đây là nôị dung cuộc nói chuyện lần cuôí cùng giữa vị Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam vơí viên đại sứ Mỹ.

Tổng thống Diệm: Tôi nghĩ rằng tôi không được thông báo đầy đủ tin tức để có thể trả lời câu hỏi của ngài. Tôi có nghe thấy những tiếng súng nổ, nhưng không biết rõ thực hư. Vả lại bây giờ là 4:30 sáng tại Hoa Thịnh Đốn và chính quyền Mỹ có lẽ không thể đưa ra một ý kiến về vấn đề này.

Tổng thống Diệm: Nhưng chắc chắn ngài cũng có những ý niệm đại khái về vấn đề này. Dù sao, tôi cũng là một vị quốc trưởng. Tôi đã cố gắng làm bổn phận trên tất cả.

Đại sứ Lodge: Dĩ nhiên ngài đã làm bổn phận của ngài. Như tôi đã nói với ngài lần đầu tiên sáng hôm nay, tôi khâm phục sự can đảm của ngài và khâm phục sự đóng góp to lớn của ngài đối với quê hương của ngài. Không ai có thể lấy đi cái công của ngài đối với tất cả những gì ngài đã làm. Nhưng bây giờ tôi lo ngại cho sự an toàn bản thân của ngài. Tôi được báo cáo rằng những kẻ đảm trách những việc đang xảy ra đề nghị để cho ngài và em ngài bình yên đi ra ngoại quốc nếu ngài từ chức. Ngài có nghe thấy nói điều đó không?

Tổng thống Diệm: Không (ngừng một lúc, TT Diệm nói tiếp) ngài có số điện thoại của tôi.

Đại sứ Lodge: Vâng. Nếu tôi có thể làm được điều gì cho sự an toàn bản thân của ngài, thì xin ngài cứ gọi tôi.

Tổng thống Diệm: Tôi đang tìm cách lập lại trật tự.

Về cuộc nói chuyện nói trên giữa TT Diệm và đại sứ Lodge chúng ta chỉ cần ghi nhận ba điểm sau đây:

Thứ nhất: cái bất lương của đại sứ Lodge. Ông đã dối trá khi nói với TT Diệm: "Tôi nghĩ rằng tôi không được thông báo đầy đủ tin tức để có thể trả lời câu hỏi của ngài. Tôi có nghe thấy tiếng súng nổ, nhưng không rõ thực hư".

Thứ hai: cái ngu dấu đầu hở đuôi của nhà ngoại giao được coi là thượng thặng của Mỹ. Thật vậy, ở câu trên, đại sứ Lodge vừa nói với TT Diệm rằng ông chỉ nghe thấy tiếng súng nổ, mà không rõ thực hư. Thì ngay câu dưới ông lại nói với TT Diệm rằng: "Tôi được báo cáo rằng những kẻ đảm trách những việc đang xảy ra đề nghị để cho ngài và em ngài đi ra ngoại quốc nếu ngài từ chức".

Thứ ba: cái khí phách của TT Diệm. Đến phút chót, và trong cơn nguy khốn, trước mặt ngoại bang, ông vẫn giữ được thể thống của một người lãnh đạo quốc gia, và tư cách của vị tổng thống một quốc gia có chủ quyền. Ông không hạ mình xuống xin ân huệ của ngoại bang. Như tổng thống Marcos của Phi Luật Tân đã hạ mình xuống xin ân huệ của Mỹ, ngày 25/2/1986.

Hồi 5:30 chiều 1/11, tức là khoảng một giờ sau cuộc điện đàm giữa TT Diệm và đại sứ Lodge, trung tướng Dung văn Minh gọi điện thoại cho ông Diệm và đòi ông Diệm phải đầu hàng. Ông Diệm từ chối không muốn nói chuyện với tướng Minh.

Hai giờ sau, tức là khoảng 7:30, tướng Minh lại gọi cho ông Diệm, ông Diệm lại từ chối không nói chuyện. Tướng Minh rất tức giận về thái độ khinh bỉ của ông Diệm.

Khoảng 8 giờ chiều, tướng Minh ra lệnh tấn công vào dinh Gia Long. Người được chọn để thi hành cuộc tấn công là đại tá Nguyễn văn Thiệu, một sĩ quan công giáo, lúc đó chỉ huy sư đoàn 5 bộ binh.

Một điều mà nhóm đảo chánh đã không ngờ đến, là khoảng 8 giờ chiều hôm đó, anh em ông Diệm đã lên một chiếc xe hơi màu đen do ông Cao Xuân Vỹ lái, bí mật ra khoải dinh Gia Long và đến tạm trú tại nhà Hoa kiều Mã Tuyên.

Vào lúc 3 giờ sáng ngày 2/11, đại tá Thiệu mở nhiều đợt tấn công với thiết giáp và pháo binh vào dinh Gia Long. Nhưng các cuộc tấn công ấy đã bị đẩy lui. Những quân nhân trung thành với ông Diệm đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, mặc dù thua sút về quân số, vũ khí, mặc dù không được tiếp tế và mặc dù ở trong tình thế tuyệt vọng. Cuối cùng, nhóm đảo chánh đã phải cầu cứu trung tá Nguyễn cao Kỳ cho phi cơ phóng pháo lên bắn phá thành Cộng Hòa để hỗ trợ quân đảo chánh và áp đảo tinh thần những binh sĩ phòng thủ dinh Gia Long.

Hồi 5 giờ sáng ngày 2/11, binh sĩ trong dinh Gia Long kéo cờ trắng đầu hàng, sau khi được lệnh bằng điện thoại của ông Diệm.

Hồi 6:45, ông Diệm lại gọi điện thoại. Người nghe điện thoại là thiếu tướng Trần Thiện Khiêm. Ông Diệm cho tướng Khiêm biết ông và ông Nhu hiện đang ẩn náu tại nhà thờ cha Tam, Chợ Lớn, và yêu cầu đem xe đến đưa về bộ Tổng Tham Mưu gặp các tướng lãnh. Tướng Dương văn Minh bèn cử thiếu tướng Mai hữu Xuân, đại tá Nguyễn văn Quang, đại tá Dương ngọc Lắm, thiếu tá Dương hiếu Nghĩa và đại úy Nguyễn văn Nhung đem xe thiết giáp đi rước những kẻ đầu hàng về bộ tổng tham mưu. Đoàn xe rời bộ tổng tham mưu hồi 7:30. Tướng Đôn cho sửa soạn một căn phòng cho anh em ông Diệm, và mời bác sỉ Đinh Xuân Minh đến "săn sóc cho Cụ".

Những gì xảy ra sau đó, đã được sách vở báo chí cũng như lịch sử ghi chép đầy đủ. (xin quý vị đọc bài "Bọn Ác Ôn Côn Đồ" của Tú Gàn vừa post lên Net để biết rõ chi tiết diễn tiến .... bọn côn đồ phản loạn kia đã làm gì đối với anh em TT Diệm trên đường về từ nhà thờ cha Tam trở về tổng tham mưu?)

Khoảng 8:30, chiếc xe thiết giáp về đổ tại sân tổng tham mưu với hai xác chết trên sàn xe. TT Diệm đã bị bắn đàng sau ót, ông Nhu bị bắn ở lưng và bị đâm nhiều nhát dao trên ngực. Hai tay các nạn nhận đều bị trói quặt ra đàng sau lưng.

Cuộc đảo chánh 1963 đã kết thúc bằng cái chết của ông Diệm và em ông, Nhu.

CHÁNH NGHĨA DÂN TỘC

Người ta đã suy nghĩ và đã viết nhiều về cái chết đó.

Có người cho là quả báo nhãn tiền: ông Diệm đã phạm tội ác đối với quốc gia dân tộc, ông Diệm phải đền tội. Đó là cái nhìn của những kẻ ghét ông Diệm.

Có người lại nghiêm khắc phê phán nhóm tướng lãnh đảo chánh là mọi rợ, Ông Diệm đã ra đầu hàng, với sự thỏa thuận của các tướng lãnh. Ông Diệm phải được đối xử như một kẻ đã đầu hàng. Nếu nhóm tướng lãnh đảo chánh không coi ông Diệm là một tổng thống đầu hàng, thì ít nhất cũng nên có cái mã thượng và phẩm cách của người quân nhân "thắng trận" để đối xử với một hàng binh. Cùng lắm, họ có thể đưa ông Diệm ra trước tòa án để công lý tùy nghi định tội. Tại sao lại phải giết một cách lén lút và hèn hạ như vậy? Đó là cái nhìn của số đông, cái số đông gồm những kẻ thương mến ông Diệm, cũng như những kẻ không thương mến nhưng không thù ghét ông Diệm.

Nhưng, lịch sử có cái nhìn riêng của nó. Cái chết của ông Diệm là một sự cần thiết. Nó mang ý nghĩa trọn vẹn của một phủ định và một xác định. Nó phủ nhận và thẳng tay xóa bỏ gía trị lịch sử và gía trị dân tộc của biến cố 1963, đồng thời xác định bản chất đích thực của biến cố ấy, trước dân tộc và lịch sử. Thật vậy:

Biến cố ngày 1/11/1963 đã từng được tôn vinh là một cuộc vùng lên của nhân dân miền Nam và của cái gọi là "đại bộ phận của dân tộc VN". Vùng lên để lật đổ một bạo quyền.

Nhân dân vùng lên, vì anh em ông Diệm là "những kẻ đại tội làm hư uế chánh nghĩa dân tộc và làm suy nhược sức mạnh của miền Nam".

Nhân dân vùng lên, vì Ngô Đình Diệm "phong kiến như vua, độc tài như cộng sản".

Nhân dân vùng lên, vì chế độ Ngô Đình Diệm là "một chế độ dùng bạo lực thay chính trị, dùng khủng bố thay vì giáo dục".

Nhân dân vùng lên, vì Ngô Đình Diệm "độc tài dộc tôn độc đảng", và vì "suốt chín năm nhà Ngô và đảng Cần Lao ngự trị tại miền Nam, ngoại trừ một thiểu số thống trị với tất cả đặt quyền đặc lợi, còn thì nhân dân phải sống khổ nhục sợ hãi không khác gì nhân dân miền Bắc đã sống dưới chế độ Tần Thủy Hoàng của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản".

Nhân dân vùng lên, vì "chín năm cai trị là chín năm bạo trị, 15 triệu đồng bào là gần 15 triệu nạn nhân, quân đội và phong trào đấu tranh của Phật giáo chỉ là những lực lượng có duyên và phương tiện để thi hành bản án mà gần 15 triệu đã tuyên án từ 9 năm qua".

Nhân dân vùng lên, vì bạo quyền Ngô Đình Diệm "đã tiến hành những chính sách tai hại không phải cho một người mà cho cả một dân tộc", đã "dùng bạo lực để hủy diệt một tôn giáo chỉ biết có tình thương" "đã dùng gian trá để đem nữa phần đất còn lại của dân tộc bán đứng cho CS miền Bắc"...

Trên đây là những nét chính, tổng qúat hóa tội ác của họ Ngô và được liệt kê trong quyển VNMLQHT (trang 279, 232, 303, 305, 317, 330, 791, 793 ...) Vì những tội ác ấy, nhân dân đã phải vùng lên.

Đó không phải là luận điệu của riêng ông Đỗ Mậu, mà còn là luận điệu của cả cái tập đoàn đứng sau lưng ông ĐM, cũng là cái tập đoàn từng mệnh danh là "đại bộ phận của dân tộc".

Trong những tháng ngày sau đảo chánh, luận điệu trên dã trở thành chân lý của những kẻ làm đảo chánh, cũng như của những kẻ hoan hô đảo chánh. Các tướng Tôn Thất Đính, Dương văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Đặng văn Quang, Lê văn Kim, Mai hữu Xuân, Trần văn Đôn, Đỗ Mậu ....vv... đã "anh dũng" đưa ra những lời tuyên bố lịch sử: "quân đội lãnh sứ mạng của nhân dân, đứng lên lật đổ Ngô Đình Diệm, vì chế độ Ngô Đình Diệm độc tài phản dân hại nước, và vì anh em họ Ngô bắt tay với Hà Nội để dâng hiến miền Nam cho cộng sản".

Bản tuyên cáo chính thức của hội đồng quân nhân cách mạng đọc ngày 2/11 cũng đã mở đầu bằng câu: "cuộc cách mạng của toàn dân, thành công trong vinh quang, đã chấm dứt một chế độ độc tài, tàn bạo, bất lực .... Đứng trước sự thối nát của chính quyền Ngô đình Diệm, quân đội đã nhận thức sự cần thiết phải giải thóat đồng bào để tiến tới một chế độ dân chủ thực sự, nên quân đội, dưới sự lãnh đạo của hội đồng quân nhân cách mạng, đã cương quyết vùng lên ...."

Bản tuyên cáo của chánh phủ lâm thời VNCH cũng cùng một luận điệu đó. Và bản hiến ước tạm thời của chính quyền "cách mạng" cũng đã mở đầu bằng lời ca tụng "cuộc cách mạng chống độc tài đã hoàn toàn thành công với truyền thống hy sinh phục vụ tổ quốc của quân đội VNCH để dành lại cho dân tộc nền dân chủ tự do ..."

Nói tóm lại, Ngô Đình Diệm là một tên trọng tội, một tên đại gian đại ác, một tên phản dân hại nước, một kẻ Toan bán đứng miền Nam cho CS. Quyền lợi của quốc gia VN, và sự sống còn của dân tộc VN đòi hỏi rằng tên đại gian đại ác ấy phải bị lật đổ và đền tội trước quốc dân.

Đó là chính nghĩa được khoác lên vai biến cố ngày 1/11/1963.

Câu hỏi được đặt ra: đã có chính nghĩa dân tộc sáng ngời như vậy tại sao "cách mạng" 1963 lại phải lén lút và hèn hạ cho người ám sát tổng thống Diệm trên chiếc xe thiết giáp di chuyển từ nhà thờ cha Tam về bộ tổng tham mưu? Tại sao không đường đường chính chính đem tên tội đồ Ngô Đình Diệm ra trước tòa, dù là tòa án nhân dân - để xét xử và sau khi tòa tuyên án, hành quyết tên tội đồ trước khi mặt trời mọc? Tại sao lại phải hành động lén lút và đê tiện nhưng những kẻ đâm thuê chém mướn?

Chánh nghĩa dân tộc của cách mạng để đâu? Liêm sỉ của cách mạng để đâu?

Khí phách của các tướng lãnh để đâu?

LIÊM SỈ CÁCH MẠNG

Hồi 8:30 ngày 2/11/63, chiếc xe thiết giáp từ nhà thờ cha Tam trở về đỗ tại sân bộ tổng tham mưu.

Khi nhìn thấy hai xác chết bê bết máu của anh em ông Diệm, các tướng đảo chánh đã hoảng hốt cực độ. Trong cơn hốt hoảng đó, họ đã tuyên bố với báo chí rằng anh em ông Diệm đã tự sát. Nhưng ngay sau đó, Lucien Conein nhắc cho họ biết rằng anh em ông Diệm là người công giáo, vì vậy lời giải thích "anh em ông Diệm tự sát" sẽ chẳng được ai tin và chỉ càng gieo thêm nghi ngờ. Các tướng lãnh bèn đổi giọng và tuyên bố với báo chí rằng "đó là một cuộc tự sát vì rủi ro". Luận điện này đã trở thành lập trường chính thức của hội đồng quân nhân cách mạng và của chính quyền cách mạng.

Hiển nhiên, các tướng đảo chánh đã nói dối. Nhưng vấn đề đặt ra: tại sao họ phải nói dối? Tại sao họ phải cúi mặt không dám nhìn sự thật và phải che dấu sự thật?

Tướng Dương văn Minh là kẻ đã ra lệnh cho đàn em giết ông Diệm để trừ hậu họa. Nhưng sau khi ông Diệm chết, tướng Minh không dám nhìn nhận sự thật. Tướng Minh không phải là kẻ chiến bại, mà là kẻ chiến thắng ông Diệm, đồng thời là chủ tịch hội đồng quân nhân cách mạng và người hùng của cách mạng. Tại sao tướng Minh lại phải nói dối? Tại sao lại phải hèn hạ?

Chưa hết. Tướng Dương văn Minh chẳng những không dám nhìn nhận hành động của mình, mà còn tìm cách chối tội và đổ lỗi cho người khác.

Trong cuốn Les Guerres du Viet am và Our Endless Wars, trung tướng Trần văn Đôn đã viết như sau: "Big Minh không bao giờ nhận trách nhiệm về vụ cố sát anh em ông Diệm. Mỗi khi vấn đề được nêu ra, ông ta lại tìm cách lôi kéo tôi vàọ Trong thời gian bị lưu đày tại Vọng Các, big Minh đã thanh minh với một linh mục công giáo rằng ông không có trách nhiệm gì về vụ giết ông Diệm, big Minh còn khuyên linh mục, nếu muốn biết rõ câu chuyện, thì nên đến hỏi tôi" (Our Endless Wars, trang 113).

Tướng Dương văn Minh, lãnh tụ cuôc vùng dậy của nhân dân VN và của cái gọi là đại bộ phận dân tộc VN, đã phạm hai cái hèn.

Ông Diệm đã ra đầu hàng, đã được các tướng lãnh chấp nhận cho đầu hàng, và đã được các tướng lãnh cử người đưa xe đến chở về đại bản doanh của cuôc đảo chánh. Nhưng tướng Minh đã lén lút cho bộ hạ giết anh em ông Diệm trên xe thiết giáp. Đó là cái hèn thứ nhất.

Sau khi đã cho người ám sát ông Diệm, tướng Minh đã không dám nhìn nhận hành động của mình. Đó là cái hèn thứ hai.

Cái hèn của tướng Minh cũng là cái hèn của nhóm tướng lãnh ngày 1/11/63, những kẻ không có chánh nghĩa hoặc biết rằng mình không có chánh nghĩa, hoặc nghi ngờ về chánh nghĩa của mình. Bởi vì: nếu họ có chánh nghĩa, nếu quả thật họ đã vì dân vì nước tự động đứng lên để diệt trừ một đai họa cho dân tộc, nếu qủa thât họ đã quân đội và cái "đại bộ phận của dân tộc" đã vùng lên lật đổ một bạo quyền để cứu lấy tổ quốc VN, thì việc giết ông Diệm phải được coi là một hành vi chánh đáng hợp tình hợp lý hợp lòng dân và hợp lịch sử. Và những kẻ đã ra tay giết ông Diệm có quyền tự hào về hành vi đó.

Còn gì chánh đáng hơn là thay mặt nhân dân diệt trừ một tên phản quốc, và diệt trừ mọi mầm mống phản loạn sau này? Diệt trừ bằng thủ đoạn giết lén tuy không đường đường chính chính như diệt trừ bằng một bản án tử hình của tòa án, nhưng xét cho kỹ, cũng không có gì đáng hổ thẹn. Cách mạng nào mà không đổ máu? Cách mạng nào mà không giết? Mà giết thì đã sao? Nhất là giết một tên "đại gian đại ác, tội đồ của dân tộc".

Thế thì tại sao lại phải nói dối, tại sao phải chối tội và tìm cách đổ tội cho người khác?

Câu trả lời là: những kẻ đó không có chánh nghĩa. Vì vậy phải hèn hạ, phải giết lén, phải nói dối, phải chối tội và đổ tội lẫn cho nhau.

KHÍ PHÁCH TƯỚNG LÃNH

Tại sao các tướng lãnh không có được cái khí phách tối thiểu và tinh thần liên đới trách nhiệm để tuyên bố rằng: ông Diệm có tội với dân tộc, cách mạng đã giết ông để trừ hậu họa. Nếu không được cái khí phách tối thiểu đó, thì ít nhất cũng phải có được cái liêm sĩ tối thiểu để nói sự thật với quốc dân. Nói rằng: ông Diệm đã bị giết ngoài ý muốn và ngoài dự liệu của các tướng đảo chánh.

Tại sao lại lừa bịp quốc dân và sống sượng nói dối rằng người chết đã tự sát?

Là vì: họ không có chánh nghĩa, không kết hợp và hành động vì chánh nghĩa, vì vậy đã phải nói dối, nói quanh, chối tội và đổ tội lẫn cho nhau. Thật là mỉa mai: người sống sợ người chết, và kẻ thắng trận sợ kẻ bại trận. Đúng là một lũ đầy tớ giết chủ như trung tướng Nguyễn chánh Thi đã nhận định một cách sâu sắc. Và giết chủ rồi, lũ đầy tớ nhìn nhau, lo sợ.

Vẫn chưa hết. Trong cuốn Our Endless War và Les Guerres du Vietnam, tướng Trần văn Đôn còn viết rằng: "trưa mùng 2/11, xác hai anh em ông Diệm được di chuyển về bệnh viện Saint Paul . Sáng hôm sau, ông Minh và tôi đến viếng thăm ông bà Trần Trung Dung tại nhà. Bà Dung là cháu ruột ông Diệm. Ông Minh nói với bà Dung: chúng tôi đến đây không phải chia buồn. Chúng tôi hy vọng bà hiểu cho rằng cái chết của ông Diệm và ông Nhu đã xảy ra như là một sự ngẫu nhiên đáng tiếc lúc cuộc đảo chánh đang tiến hành. Chúng tôi rất buồn, nhưng bây giờ sự viêc đã xảy ra, chúng tôi không thể làm gì được nữa. Chúng tôi mong bà thu xếp lo viêc chôn cất" (Our Endless War, trang 111).

Một lần nữa, tướng Dương văn Minh lại nói dối, lại chối tội. Lúc này ông không còn là trung tướng Dương văn Minh nữa, mà là đại tướng Dương văn Minh, chủ tịch hội đồng quân nhân cách mạng, quốc trưởng của nước VN, và "người hùng" của dân tộc. Ông không chối tội trước quốc dân, trước báo chí, hoặc trước đám đông, mà chối tội trước người cháu gái cua ông Diệm.

Tướng Minh nói rằng cái chết của anh em ông Diệm đã xảy ra như một sự tình cờ ngẫu nhiên. Sự dối trá thật là trắng trợn. Cái chết của anh em ông Diệm đã không xảy ra như một sự tình cờ, mà đã xảy ra theo kế hoạch của tướng Minh và với mệnh lệnh của tướng Minh.

Tướng Minh còn nói rằng "cái chết ấy đã xảy ra trong lúc cuộc đảo chánh đang tiến hành". Tướng Minh lại nói dối. Anh em ông Diệm đã bị giết trên chiếc xe thiết giáp do chính các tướng lãnh đảo chánh gửi đến để đón ông về bộ tổng tham mưu. Lúc đó, cuộc đảo chánh đã chấm dứt. Chấm dứt từ lâu. Lúc đó các tướng đảo chánh đã bắt đầu ăn mừng "cách mạng thành công" và bắt đầu chia tiền.

THẰNG HÈN VÀ THẰNG NÓI LÁO

Năm 1971 là năm bầu cử tổng thống nhiệm kỳ hai. Đại tướng Dương văn Minh nạp đơn ứng cử. Vấn đề giết ông Diệm lại được đặt ra. Một quyển sách mang tên "Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống" xuất hiện. Báo chí lai khơi đống tro của lịch sử, và những người trong cuộc đã có dịp lên tiếng về cái chết của ông Diệm.

Ứng cử viên tổng thống Dương văn Minh, trong nhiều cuộc phỏng vấn, tuyên bố rằng ông Thiệu phải chịu trách nhiệm về cái chết của anh em ông Diệm trong cuộc đảo chánh 1963. Ứng cử viên Dương văn Minh nói: "Thiệu, lúc đó một đại tá tham gia cuộc đảo chánh, đã không đem quân vào dinh tổng thống đúng thời điểm để ngăn chặn Ngô Đình Diệm trốn thoát". Theo ông Minh, nếu anh em ông Diệm bị bắt giữ ngay trong dinh Gia Long, họ đã không bị giết. (Tài liệu ngày 20/7/71 về VN tại thư viện quốc hội Mỹ ghi như sau: "Minh said Thieu, then a colonel who had participated in the coup, had failed to bring his troops to the presidential palace in time to prevent Diem trom escaping. Minh held that if Diem and his brother had been taken into custody at the palace they would not have been murdered”).

Ứng cử viên đương kim tổng thống Nguyễn văn Thiệu, khi thấy tướng Minh liên can mình vào vụ ám sát ông Diệm, đã chửi tướng Minh là thằng hèn và thằng nói láo.

Ông Thiệu nói: "lúc đó ông được tướng Trần thiện Khiêm, bây giờ là thủ tướng cho biết Dương văn Minh đã nói với ông ta (tức Trần thiện Khiêm) rằng: đảo chánh phiền phức và khó khăn quá, chi bằng áp dụng phương thức dễ nhất, là ám sát Diệm". (tài liệu ngày 20/7/71 ghi như sau: Thieu called Minh a coward and a liar when linking him to the Diem assassination. .. Thieu said at the time he had been informed by gen. Tran thien Khiem, now premier, that Minh had told him the coup was so complicated and difficult that the easiest way is to assassinate Diem).

Hồ sơ lưu trữ tại thư viện quốc hội Hoa Kỳ ngày 20 và 21/7/71 có ghi rõ những lời nói trên của đại tứơng Dương văn Minh, kèm theo lời của đương kim tổng thống VN Nguyễn văn Thiệu gọi cựu quốc trưởng VN Dương văn Minh, chủ tịch hội đồng quân nhân cách mạng, là "thằng hèn và thằng nói láo".

Tướng Nguyễn văn Thiệu chửi tướng Dương văn Minh là thằng hèn và thằng nói láo. Lời chửi sâu sắc và xác đáng này cũng có thể dùng để nói về toàn thể hội đồng quân nhân cách mạng 1963, trong đó có tướng Thiệu, trong vụ ám sát ông Diệm va giải thích cái chết của ông Diệm.

Quả thật ông Diệm đã được phục thù trước lịch sử. Bởi chính cái gian dối hèn hạ của những kẻ đã lật đổ và giết ông. Kẻ thắng trận phải run phải sợ cúi mặt trước kẻ bại trận. Và đổ tội lẫn cho nhau, nguyền rủa lẫn nhau.

Ông Diệm đã được phục thù trước lịch sử. Chính cái gian dối hèn hạ của những kẻ giết ông đã phơi bày thực chất của nhóm người làm đảo chánh và phơi bày cái ý nghĩa đích thực của biến cố 1963. Một nhóm người không có chính nghĩa. Một cuộc tạo phản do ngoại bang chủ xướng và để phục vụ mưu đồ của ngoại bang. Một "lũ đầy tớ giết chủ" như lời nhận định của tướng Nguyễn Chánh Thi Một vụ "giết mướn", như lời phê phán của nhà văn quân đội Nguyễn Đạt Thịnh.

BA TRIỆU ĐỒNG (VN) CỦA CIA

Như đã trình bày ở chương 6 về cuộc đảo chánh, ngày 30/10/1963 tức là hai ngày trước khi cuộc đảo chánh bùng nổ, đại sứ Lodge đã gửi về tòa Bạch Ốc một công điện gồm 13 điểm. Điểm 11, đại sứ Lodge đề cập đến lời yêu cầu của các tướng đảo chánh muốn có một số tiền để "mua chuộc phe chống đối".

Theo các tài liệu còn lưu trữ tại thư viện quốc hội Mỹ, thì hôm đảo chánh Lucien Conein đã đến bộ ổng tham mưu trao một gói bạc ba triệu bạc VN ($3,000,000 đồng) cho tướng Trần văn Đôn, gọi là để "mua chuộc phe chống đối nếu cần".

Trong quyển VNMLQHT, ông Đỗ Mậu cũng viết: "Conein bèn mặc quân phục mang theo một khẩu 375 Magnum và một gói tiền độ 3 triệu đồng bạc rồi đến bộ tổng tham mưu". Nhưng ông ĐM không biết rõ mục đích và số phận của số tiền đó. Vì vậy, ông viết tiếp: "cũng cần nói rõ rằng số tiền ba triệu đồng VN do Conein mang đến đã không được một tướng lãnh nào hay biết trừ tướng Đôn. Tướng Đôn không bao giờ trình bày cho hội đồng tướng lãnh biết có nhận số tiền đó của Conein hay không, và nếu có thì đã xử dụng vào việc gì". (trang 816).

Trong quyển Việt Nam Nhân Chứng, tứơng Đôn nhình nhận có đươc Conein trao cho số bạc ba triệu, và ông đã "tặng cho các bạn", chứ không bỏ vào túi. Ông viết: "Đúng 1:30 trưa, ông Conein vào có mang theo một máy truyền tin đặc biệt để liên lạc vơi đại sứ Mỹ và một bao tiền ba triệu bạc VN. Đảo chánh vừa thành công, trong không khí rộn ràng đó, tôi có tặng cho các gạn một số tiền ủy lạo binh sĩ đơn vị mà không đòi làm biên nhận đầy đủ. Đến năm 1971, tôi ra lệnh cho thiếu tá Đặng văn Hoa tìm lục lai các biên nhận về việc ghi số tiền ba triệu bạc của Conein, thì th/tá Đặng văn Hoa làm tờ trình và một số các biên nhận. Tôi xin đính kèm theo đây để chứng minh. Tôi không tổ chức đảo chánh để kiếm số bạc như vậỵ Vì lúc đó mấy triệu bạc VN đối với tôi không phải là số tiền mà tôi khao khát". (VN Nhân Chứng, TVD, trang 211).

Viết như vậy, tướng Đôn đã muốn thanh minh cho sự trong sạch của ông. Nhưng ông đã làm một công việc thừa thãi. Bởi lẽ: không ai kết tội tướng Đôn nhận tiền của Mỹ để bỏ vào túi riêng. Người ta kết tội các tướng đảo chánh đã làm nhơ nhuốc cuộc đảo chánh, và làm nhơ nhuốc Quân Lực VNCH. Người ta kết tội các tướng lãnh đã xử sự như những tay sai của Mỹ, trong vụ lật đổ ông Diệm năm 1963.

Chúng ta hãy đọc kỹ phiếu đệ trình của th/tá Hoa, được tướng Đôn công bố và đính kèm trong phần phụ lục của quyển VN Nhân Chứng của ông, để có một ý niệm.

Phiếu đệ trình, ngày 14 tháng 8 năm 1971

Trích yếu: Về số bạc ba triệu đồng của ông Conein cho mượn để thù lao các đơn vị trong ngày Cách mạng 1/11/63.
    Kính thưa trung tướng,

    Số bạc 3 triệu đồng của ông Conein cho mượn thì đã được trung tướng chỉ thị cấp cho những người sau đây:

    Ngày 1/11/63, T/T/TMT Trần thiện Khiêm nhận ............ .......... ........500, 000 $
    (do đại tá Đặng văn Quang làm biên nhận)

    Ngày 1/11/63, T/T Tôn Thất Đính tư lệnh quân đoàn 3 nhận ............ ...500,000 $
    (do đại úy Phạm viết Hùng nhận)

    Ngày 10/11/63, TT Tôn thất Đính có nhân thêm ............ .......... ......... 100,000 $

    Ngày 4/11/63, tặng sư đoàn 5 ............ ......... ......... .......... ......... ....50,000 $
    (do đại tá Nguyễn văn Thiệu nhận)

    Ngày 5/11/63, tặng liên đoàn thủy quân lục chiến của đại tá Lê nguyên Khang ..100,00$ (do đại úy Quế nhận)

    Ngày 5/11/63, đại tá Trần ngọc Huyến thị trưởng Đàlạt nhận........... ....100,000 $

    Ngày 9/11/63, thiếu tá Phan hòa Hiệp trường thiết giáp nhận ............ ...100,000$

    Ngày 19/11/63, đại úy Đào ngọc Diệp câu lạc bộ tổng tham mưu nhận...100,000$

    Tổng cộng.......... ......... ......... ......... ......... ......... .......... ......... ..1,550,000$
Tất cả số tiền 1,550,000 $ trên đây đều có biên nhận (đính kèm). Như vậy còn lại 1,450,000 $, trung tướng cũng tặng cho anh em nhưng không có chữ ký biên nhận. Nếu tôi nhớ không lầm thì trung tướng đã tặng cho các ông sau đây:
    Trung tướng Dương văn Minh
    Trung tướng Lê văn Kin
    Trung tướng Tôn thất Đính
    Thiếu tướng Nguyễn hữu Có
    Thiếu tướng Trần ngọc Tám
    Trung tướng Nguyễn Khánh
    Trung tướng Nguyễn cao Trí

    Ngày 14 tháng 8 năm 1971
    Ký tên
    Hoa
Đọc phiếu trình trên đây, người ta thấy rõ số tiền ba triệu đã được tuớng Đôn chia ra làm haị Một nửa "tặng" cho các đơn vị đảo chánh gọi là tiền ủy lạọ Một nữa "tặng" cho các bạn !

Trong những người nhận tiền "ủy lạo", tướng Trần thiện Khiêm, tham mưu trưởng QLVNCH, nhận 500,000$. Tướng Tôn thất Đính, tư lệnh quân đoàn 3 kiêm tổng trấn Saigon-Gia Định, nhận 600,000$. Số còn lại chia cho sư đoàn 5, liên đoàn thủy quân lục chiến, trường thiết giáp, câu lạc bộ tổng tham mưu và đại tá thị trưởng Dalat, Trần ngoc Huyến.

Trong những người được "tặng" tiền, có các tướng Dương văn Minh, Lê văn Kim, Tôn Thất Đính, Nguyễn hữu Có, Trần văn Tám, Nguyễn Khánh, Đỗ cao Trí (riêng tướng Dương văn Minh còn được hưởng số bạc 6 ngàn Mỹ kim lấy được trong chiếc cặp của TT Diệm).

Nói tóm lại: tất cả tướng tá có quân hoặc có công tham dự và cuộc đảo chánh, đều được "ủy lạo" hoặc "tặng tiền". Nói cách khác: cuộc đảo chánh năm 1963 đã được ủy lạo và tưởng thưởng (tặng). Và đây là điều quan trọng: cuộc đảo chánh năm 1963 đã được ủy lạo và tưởng thưởng bằng tiền của CIA, do đích thân CIA đưa đến.

Vấn dề đặt ra: các tướng đảo chánh đã xin tiền, hay chính người Mỹ đã tự động đem đến?

Theo như công điện ngày 30/10/63 của của đ/s Lodge gửi cho cố vấn an ninh tòa Bạch Ốc thì các tướng đảo chánh đã "yêu cầu" được có một số tiền để dùng vào việc mua chuộc phe chống đối, nếu cần. Điểm 11 của công điện viết như sau: "As to requests from the Generals, they may well have need of funds at the last movnent with which to buy off potential opposition". Tạm hiểu như sau: Theo lời yêu cầu của các tướng lãnh, họ có thể cần một số tiền vào phút chót để mua chuộc (những kẻ) chống đối có thể xuất hiện.

Tức là: các tướng lãnh đảo chánh đã xin tiền. Và xin tiền với danh nghĩa để mua chuộc phe chống đối (các sĩ quan còn trung thành với ông Diệm).

Theo những cuốn hồi ký của tướng Đôn (Our Endless War, Les Guerres du Vietnam, và Nhân Chứng VN), thì cuộc đảo chánh năm 1963 là một "vấn đề hoàn toàn nội bộ của VN". Tướng Đôn đã vô tình hay hữu ý không biết đến nội dung bức công điện của đại sứ Lodge về vấn đề các tướng đảo chánh đã xin tiền. Ông mô tả Lucien Conein như một bà phước tự động đem tiền đến cho các tướng xử dụng. Trong cả hai trường hợp (các tướng xin tiền, hoặc Conein tự động đem tiền đến), việc cung cấp số bạc ba triệu đã được chính quyền Mỹ sắp đặt và quyết định trước. Rất có thể các tướng đảo chánh đã xin, cũng rất có thể các tướng lãnh đã không xin. Nhưng trong cả hai trường hợp, họ đã ngửa tay ra nhận !

Hành động ngửa tay nhận tiền của các tướng đảo chánh đã làm nhơ nhuốc cuộc đảo chánh. Họ đã làm nhục chính họ, điều đó không quan hệ. Họ đã sỉ nhục Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ..!!

Phiếu đệ trình phát tiền do tướng Đôn công bố có nhiều điều làm cho người ta phải thắc mắc.

1. Trích yếu của phiếu trình có ghi: "về số bạc ba triệu bạc của ông Conein cho mượn để thù lao các đơn vị trong ngày cách mạng 1/11/63.

Trước hết, số bạc ba triệu đồng (VN) đã do chính quyền Mỹ cung cấp, chứ không phải tiền ông Conein cho mượn. Điều này không cần phải chứng minh, nó đã đi vào lãnh vực hiểu biết công cộng, cũng như đã được các tài liệu của Mỹ xác nhận. Thâm tâm các tướng Đôn, Minh, Đính, Kim Khiêm cũng biết điều đó. Vậy thì, tại sao trong phiếu trình lại ghi là tiền ông Conein cho mượn? Và nếu là tiền ông Conein cho mượn thì các tướng đảo chánh đã trả lại cho ông Conein chưa? Nếu trả rồi, chắc chắn tướng Đôn sẽ thấy có bổn phận phải xuất trình bằng chứng, cũng như ông đã thấy có bổn phận phải xuất trình bằng chứng về sự chi tiêu số bạc.

Thứ đến, phiếu trình ghi rằng số tiền ấy dùng để thù lao các đơn vị trong ngày cách mạng 1/11/63. Thù lao là trả công. Tại sao lại ghi như vậy? Người ta lại nghĩ rằng tướng Đôn đã không đọc kỷ phiếu trình, trước khi công bố.

Những chi tiết nói trên không nên có trong phiếu trình. Dư luận đã từng cười ra nước mắt, nay một lân nữa lại phải cười ra nước mắt, và thương hại cho cái gọi là cuộc cách mạng 1963.

2. Phiếu trình của thiếu tá Hoa đề ngày 14/8/1971, tức là gần 8 năm sau cuộc đảo chánh.

Trong quyển VN Nhân Chứng, tướng Đôn cũng đã viết rõ: năm 1963, ông tặng tiền mà không làm biên nhận, đến năm 1971, ông mới ra lệnh cho thiếu tá Hoa tìm lại các biên nhận và lập phiếu trình.

Cau hỏi được đặt ra: lý do nào đã thúc đẩy tướng Đôn năm 1971 phải cho lập phiếu trình về số bạc đã chi tiêu năm 1963?

Như chúng ta đã biết: năm 1971 là năm bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2. Năm đó, tướng Dương văn Minh ra ứng cử: vấn đề ông Diệm và cuộc đảo chánh 1963 lại được đặt ra trước công luận. Và như trên đã trình bày, ngày 20 và 21 tháng 7 năm đó, hai ông Nguyễn văn Thiệu và Dương văn Minh chửi lộn nhau về cái chết của ông Diệm.

Năm 1971 cũng là năm bầu cử Hạ Nghị viện khóa 2. Ngày bỏ phiếu là 30/8/1971. Tướng Trần văn Đôn ra tranh cử dân biểu tại đơn vị Quảng Ngãị Và ông đắc cử. Những sự việc nói trên có thể trả lời cho câu hỏi: lý do nào đã thúc đẩy tướng Đôn năm 1971 phải cho lập phiếu trình về số bạc ba triệu đã chi tiêu năm 1963,

Tôi muốn nói với các tướng đảo chánh và những kẻ vẫn lớn tiếng ca ngợi biến cố 1963 và cuộc vùng dậy của đại bộ phận dân tộc rằng: hãy có can đảm nhìn vào sự thật. Biến cố ngày 1/11/1963 chỉ là một cuộc tạo phản do ngoại bang chủ mưu và nhằm phục vụ quyền lợi của ngoại bang. Cuộc tạo phản ấy đã được thi hành bởi những tay sai bản xứ. Những kẻ này đã ngửa tay nhận tiền của ngoại bang. Và: đảo chánh xong rồi, họ đã chia nhau số tiền ấy, mặc dù chẳng được bao nhiêu.

Thật là nhục ! Nhục cho những tướng lãnh đảo chánh. Nhục cho cuộc đảo chánh. Và nhục lây cho cả Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. (Việt Nam Chính Sử, Nguyễn Văn Chức, trang 86-95) .

Ls Nguyễn Văn Chức
-------------------------
    2 câu hỏi của Mao Tôn Cuơng on-line:

Tướng Quảng Lạc râu dê Nguyễn Khánh góp công đảo chánh cụ Diệm và sau đó ít lâu ký sắc lệnh cải lương phường tuồng giết ông Ngô Đình Cẩn.

Yêu cầu ông Quảng Lạc hãy trả lời trước lịch sử và đồng bào:

1. Tại sao ông giết Ngô Đình Cẩn ?

2. Tại sao bây giờ ông quá khiêm tốn, ép mình làm LOONG TOONG, gọi DẠ BẢO VÂNG cho chú CHÁNH ?



No comments: