Saturday, June 27, 2009

Hoa Kỳ Quyết Định Để Cho Miền Bắc Thống Nhất Việt Nam - Dương Hiếu Nghĩa

Tác giả: Vanuxem, cựu Trung Tướng Quân Lực Pháp
Phỏng dịch: Cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa


Người Trung Hoa có một câu châm ngôn: “Thất trận rồi người ta mới đếm xác chết và mới đi tìm người trách nhiệm.” Phản ứng của người dân, thường hay trút hết trách nhiệm cho người lãnh đạo hoặc cho người lính chiến. Tại Việt Nam thì cả hai đều có phần trách nhiệm của mình, nhưng cả hai đều không thể làm gì hơn được với hai bàn tay trắng vì đã bị người ta tước hết khí giới từ lâu!

Việt Nam là một nước nông nghiệp nên không thể sản xuất vũ khí được, do đó trong cuộc chiến, cả hai bên miền Nam và miền Bắc đều bắt buộc phải nhận sự viện trợ quân sự từ bên ngoài. Do vậy, người ta thường nói rằng chỉ cần chấm dứt viện trợ ngoại quốc cho cả hai bên Nam và Bắc thì ngọn lửa chiến tranh ở Việt Nam sẽ yếu dần và đi đến chỗ tàn lụi ngay, cuộc chiến đương nhiên phải chấm dứt. Nhưng cũng có người chỉ đứng về một phía, đã khẳng định quá đơn phương, và khiếm diện rằng chỉ cần người Mỹ, hay đúng hơn là đế quốc Mỹ như người ta đã cáo buộc, chấm dứt mọi viện trợ kinh tế và quân sự cho miền Nam Việt Nam, là miền Bắc sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh nầy trong chiến thắng. Và đó là những điều đã xảy ra trên thật tế.

Người ta đã từng cho rằng chiến tranh ở Việt Nam không phải là một cuộc nội chiến giữa miền Nam và miền Bắc, vì nếu giữa người Việt với nhau thì không chóng thì chầy họ đã có thể đạt được một sự thỏa thuận nào đó với nhau rồi.

“Nhưng đây là một cuộc chiến tranh giữa các siêu cường quốc”
, mượn tay người Việt Nam (hay sinh mạng người Việt Nam cũng thế) và ngay trên lãnh thổ Việt Nam, để so tài hơn thua cao thấp với nhau, ngăn chặn nhau không cho bên nào bành trướng thêm ra hơn nữa, vì hai bên không thể trực tiếp đối đầu với nhau được, tránh bị tổn thất nặng có thể đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau. Có điều là cả hai bên đều nuôi dưỡng một mối thù hằn mà nguyên nhân không phải xuất phát từ nước Việt Nam và nước Việt Nam cũng không có gì để mà thiết tha quan tâm đến.

Hoa Kỳ thì "ngăn chận". Khối Cộng Sản thì "xâm chiếm, bành trướng"

Người ta có thể thấy được rất rõ là Nga và Trung Quốc vẫn không bao giờ che dấu tham vọng xâm chiếm toàn cầu của họ theo đúng hướng chiến lược đã hoạch định trước rất rõ ràng, và nếu Hoa Thịnh Đốn chỉ bo bo theo sách lược “tạo uy tín và bành trướng kinh tế” thì chiến lược đó của Hoa Kỳ hoàn toàn nằm trong thế thủ, bị động. Đặc biệt là ở Á Châu, Hoa kỳ nhất nhất theo thuyết “ngăn chận” các bước tiến của Cộng Sản. Do vậy mà trên mảnh đất đầy hình ảnh đau thương và tàn khốc của cuộc chiến, người ta đã “đóng khuôn” cho miền Nam Việt Nam trong nhiệm vụ phòng thủ thụ động, và các đồng minh lớn của họ không bao giờ muốn cho họ đi ra ngoài khuôn khổ nhiệm vụ đó, trong khi bộ đội Bắc Việt thì được tung ra trên khắp cả 3 nước Đông Dương, từ Lào, Cam Bốt đến Miền Nam Việt Nam, ẩn hình dưới danh nghĩa của lực lượng cách mạng Pathet Lào, Khmer đỏ, và Việt Cộng, để rồi cuối cùng họ cũng phải bỏ cái mặt nạ của họ ra, hiện “nguyên hình” là quân xăm lăng Bắc Việt, là kẻ chiến thắng, để tiến vào Sài Gòn.

Tuy trận tấn công vào tỉnh lỵ Phước Long vào tháng 1-75 của bộ đội Bắc Việt là một cuộc tấn công có giới hạn (mà phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa một phần vì sợ bị nhử vào bẫy có thể bị hao quân và mất thêm chiến cụ, một phần cũng không có đủ lực lượng để đối phó được với một loại tấn công qui mô như vậy, nên không có phản ứng đối kháng mạnh, nhưng họ cũng thu lượm được quá đủ bằng cớ để chứng minh với những ai còn chút nghi ngờ, là “Hoa Kỳ không còn can thiệp vào chiến cuộc nữa”. Và như vậy là Bắc Việt cho tiến hành ngay cuộc tổng tấn công mùa xuân với đầy đủ bảo đảm trong một sự an toàn tuyệt đối.

Rõ ràng là Hoa Kỳ đã khuyến khích Bắc Việt bằng thái độ im lặng và quá thụ động của họ sau vụ tấn công quan trọng vi phạm rất nặng và rất trắng trợn “Hiệp Định Paris 1973 về Ngừng Bắn và Tái Lập Hòa Bình ở Việt Nam”. Thật ra, Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa đã được báo động về thái độ “bất can thiệp” nầy của Hoa Kỳ từ lâu rồi. Trong những tháng 1, 2, và 3-75, đã có nhiều nghị sĩ dân biểu Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam và đã từng xác nhận với Tổng Thống Thiệu là “viện trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày sắp tới sẽ rất là mong manh trong may rủi”. Mỉa mai thay, viện trợ nầy trước đó đã được Tổng Thống Hoa Kỳ là ông Nixon long trọng tuyên hứa với Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa!!!

Những cuộc vận động của Hoa Kỳ


Tại Guam, Tổng Thống Nixon đã công bố kế hoạch 5 điểm trong sách lược yểm trợ Thế Giới Tự Do của Hoa Kỳ, chính yếu là “cây dù nguyên tử” và viện trợ đầy đủ vô điều kiện cho tất cả mọi quốc gia dân tộc nào chứng minh có quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của mình.

Hiệp Định Paris 1973, cuối cùng rồi cũng được Tổng Thống Thiệu bằng lòng ký tên vào, vì ông không còn có khả năng từ chối thêm lần thứ hai, dù đó chỉ là trong cung cách ngoại giao thôi, nhưng với những lý lẽ vững chắc mà ông đưa ra trước khi ký, Tổng Thống Nixon đã phải đích thân nhận chịu trách nhiệm chẳng những bằng lời nói mà còn cả trên giấy trắng mực đen nữa:

“Hoa Kỳ sẽ cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa để giúp Việt Nam Cộng Hòa đương đầu với mọi biến cố mà vì không có thiện ý, Bắc Việt sẽ có thể không ngớt tạo ra sau nầy.”

Nếu trước kia Tổng Thống Nixon đã thật lòng đưa ra lời hứa chắc chắn như vậy, không có một hậu ý quanh co ngoằn ngoèo nào, thì sau đó với một anh chàng Kissinger mà ông chưa từng quen biết nhưng vì áp lực từ sự vận động của cánh Do Thái sau khi ông đắc cử, ông đã trở nên bớt nhiệt tình hơn nhiều đối với những gì mà ông đã long trọng cam kết với ông Thiệu.

Nhiều cuộc tranh luận gay gắt đã xảy ra trong những cuộc thăm viếng sau đó, và ông Thiệu đã phải can thiệp thẳng với Nixon để cho thơ từ công văn của ông, thường không được hồi âm, nay phải được tới tay ông Nixon mà không đi qua sự kiểm duyệt của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Dã tâm của Kissinger, một con người mà ai cũng cho là “bạn”, là “tri kỷ”, sau đó được phát giác tiết lộ ra là: xuyên qua một đệ tam nhân, ông đã có những lời hứa hẹn cũng như thi hành những cam kết không đồng nhứt với từng nhân vật cùng có trách nhiệm trong công tác ngăn chận bước tiến của Cộng Sản Bắc Việt trên bán đảo Đông Dương, như Hoàng Thân Souphana Phouma, Thống Chế Lon Nol và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Thế nhưng, vụ việc gây nhiều tai tiếng “Watergate” đã đưa Nixon ra khỏi Nhà Trắng đồng thời giết chết cả thân thế và sự nghiệp chính trị của ông ta, dẫn đến hậu quả tai hại là những gì ông Nixon đã cam kết, dù là trên giấy trắng mực đen, đã không còn một chút giá trị nào nửa. Và sau đó, vào tháng 8-1973, Thượng Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thuận cho tu chính án “Case-Church” nhằm cắt hết ngân khoản dành cho mọi viện trợ quân sự cho các quốc gia Đông Nam Á.

Cộng Sản tiến chiếm miền Nam qua hai cửa ngõ chính: Cam Bốt và Lào

Do vậy, việc Mỹ chánh thức hứa giúp thành lập và trang bị quân đội Cam Bốt với quân số 205,000 người phải được hủy bỏ. Hình thành được việc nầy sẽ giúp cho Cam Bốt chẳng những có thừa khả năng dẹp được lực lượng Khmer Đỏ (tất cả cán bộ khung đều là bộ đội Bắc Việt) mà còn lập lại được trật tự trong nước, đuổi các sư đoàn Bắc Việt ra khỏi lãnh thổ Cam Bốt nữa, vì chính các đơn vị xăm lăng Bắc Việt nầy đã tạo ra không khí cách mạng bất ổn ở nông thôn Cam Bốt, sau đó Hoàng Thân Shianouk đã phải thoái vị và nước Cộng Hòa Khmer ra đời.

Điều đáng tiếc là ở Cam Bốt cao trào của giới trẻ mà người ta gọi là “những anh lính chiến giờ thứ 24” đang lên vùn vụt, trong số nầy có những sinh viên và học sinh lớp 5 lớp 6, tình nguyện ra mặt trận, chiến đấu rất anh dũng bằng vũ khí tịch thu được của quân ngoại xâm Bắc Việt. Những người “Khmer Tự Do” nầy (Khmer Krom) đã học và tiêm nhiễm lịch sử Pháp, rất tự tin và đặt hết lòng tin vào lời hứa của Hoa Kỳ, đã nhất tề đứng dậy khi tổ quốc lâm nguy, y như người Pháp chúng ta trong những biến cố cách mạng trong lịch sử vậy. Trong lúc đó tại Thượng Viện Hoa Kỳ, nghị sĩ Fulright lại tuyên bố là cuộc chiến ở Cam Bốt là một “cuộc chiến vô đạo đức!” Với một ít ngân khoản vụn vặt du di được đâu đó, chánh phủ Hoa Kỳ “nhỏ từng giọt” giúp cho Cam Bốt, trong khi những sư đoàn Bắc Việt ồ ạt viện trợ đúng mức cho các đơn vị “Khmer Đỏ” đang thành lập, càng ngày càng lớn mạnh thêm lên. Do đó quân lực Cộng Hòa Khmer bị tiêu hao lần lần để đi đến sụp đổ, và ngày 1-4-75, Thống Chế Lon Nol phải “chạy” khỏi thủ đô Cam Bốt, sau đó Phnom Penh bị thất thủ vào ngày 10-4-75. Cũng trong thời gian nầy, nỗ lực thành lập một chánh phủ “liên hiệp 3 thành phần” tại Vương Quốc Lào bị thất bại và Cộng Sản Pathet Lào lên nắm chánh quyền, tuyên bố không chấp nhận sự có mặt của người Mỹ tại đây.

Người ta thường hay nói chiến tranh ở Việt Nam chỉ là một cuộc nội chiến, rất hạn chế giữa người Việt và người Việt mà thôi. Nhưng đến cuối cùng sự thật cho thấy không phải như vậy. Cam Bốt là mục tiêu chủ yếu, là bàn đạp quan trọng hàng đầu để từ đó Cộng Sản tiến chiếm miền Nam Việt Nam, và theo quan điểm từ đầu của Hà Nội thì mục tiêu không phải chỉ có miền Nam Việt Nam mà phải là toàn bộ bán đảo Đông Dương, vì đó mới là giấc mơ thật sự từ lâu của Hồ Chí Minh.

Việc chiếm giữ các tỉnh miền Đông của cả hai quốc gia Lào và Cam Bốt là chỉ nhằm dọn đường cho công tác tiếp vận của quân đội Bắc Việt. Sau khi Hiệp Định Paris 1973 được ký kết, trong thời gian hơn một tháng, hệ thống đường mòn thường gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh” được họ cải tiến, mở rộng và trải đá suốt cả tuyến đường, để từ Hà Nội, Bắc Việt có thể đưa quân lính, chiến cụ, đạn dược cũng như xăng nhớt, đến một nơi chỉ còn cách Sài Gòn dưới 100 cây số (Lộc Ninh) mà chỉ mất trên dưới có 5 ngày đường. Các sư đoàn Bắc Việt đóng quân thường xuyên dọc theo biên giới Lào và Cam Bốt, trên các cao điểm từ Bắc xuống Nam, từ đó lúc nào cũng sẵn sàng tấn công xuống Miền Nam Việt Nam, một lãnh thổ quá dài mà bề ngang quá hẹp, có đoạn dưới 100 cây số tính từ miền núi xuống đến biển, nên thủ đô Việt Nam Cộng Hòa luôn bị đe dọa vì Sài Gòn chỉ cách biên giới Lào-Khmer không quá 100 cây số ngàn, cũng giống y như hiệp ước đình chiến 1919 của nước Pháp chúng ta đã “bị” để cho các đơn vị Đức đóng quân ở vùng Aisne và La Marne vậy.

Ngày 10-4 thủ đô Phnom Penh bị thất thủ, ở Vientiane thì một chánh phủ Cộng Sản đã lên cầm quyền, trong khi Vùng I và Vùng II của Việt Nam Cộng Hòa cũng đã bị rơi vào tay Bắc Việt, như vậy Hà Nội được quá rảnh tay để sẵn sàng đưa quân tràn xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hoa Kỳ sẽ không can thiệp nữa

Nhưng vẫn còn một yếu tố chưa biết rõ được: đó là phản ứng của Hoa Kỳ. Trước đó, ngày 21-3-75, chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt), trong một bản tuyên bố, đã yêu cầu chánh phủ Hoa Kỳ chấm dứt tất cả mọi dính líu quân sự và mọi hành động can thiệp vào việc nội bộ của Miền Nam Việt Nam. Ngày 25-3-75, Tổng Thống Ford gởi đến Sài Gòn tướng Weyand, Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ. Tướng Weyand có vẻ thuận cho một hành động tiếp ứng tuy hơi muộn nhưng hữu hiệu bằng cách cho lệnh thiết lập hai cầu không vận Bangkok-Saigon và Manila-Saigon, để kịp tiếp vận cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 3-4-75, trong một cuộc họp báo, Tổng Thống Ford tuyên bố là ông sẽ không bỏ rơi Đông Nam Á. Ông nói không nhất thiết ông Thiệu phải rời khỏi chánh quyền, nhưng ông cũng bảo đảm thêm rằng cho dù có một sự thay đổi nào đó của cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa thì sự việc đó cũng không thay đổi được nỗ lực của Hoa Kỳ tại Sài Gòn.

Ngày 10-4-75, ngay lúc Phnom Penh thất thủ, trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội, Ông cho biết là ông có ý định tiếp tục cuộc chiến ở Việt Nam, và tiếp tục ủng hộ chánh phủ Thiệu. Ông đề nghị với Quốc Hội một ngân khoản viện trợ quân sự 722 triệu đô la, và một ngân khoản viện trợ kinh tế là 250 triệu. Các nghị sĩ Stevenson, Humphrey, Jackson, Mc Govern và Kennedy đều chống lại đề nghị nầy. Gần như Quốc Hội Hoa Kỳ đã mặc nhiên bỏ rơi cả ông Ford. Thế là hết ! Hoa Kỳ sẽ không can thiệp, và những quốc gia đã từng ký tên bảo đảm cho việc thi hành Hiệp Định Paris 1973 cũng giữ một sự im lặng hoàn toàn! Còn nước Pháp thì xuyên qua lời tuyên bố của Tổng Trưởng Ngoại Giao tại Dublin, trước một số ngoại trưởng phần đông đều không muốn chen sâu vào việc nội bộ của một nước khác, thì lại tỏ ý muốn thấy Tướng Thiệu rút lui, một điều rất trùng hợp với sự mong muốn của Cộng Sản Bắc Việt, vì dưới con mắt của họ Tướng Thiệu là biểu tượng của một tinh thần chống Cộng cực đoan, chống đến giọt máu cuối cùng.

Như vậy là thật sự Bắc Việt nay đã được rảnh tay trong hành động rồi. Họ đã được bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ không còn can thiệp được nữa. Họ cũng đã thấy một sự tán thành ngấm ngầm của các nước khác, không những trong khối Cộng Sản mà còn có cả các quốc gia cấp tiến, tự do nữa, trong đó dĩ nhiên là có cả nước Pháp. Với tất cả mọi điều kiện thuận lợi chánh trị và quân sự như thế, Bắc Việt quyết định cho tiến hành ngay “chiến dịch Hồ Chí Minh”, không cần phải mất thêm thời gian chờ thành lập một “chánh phủ ba thành phần”, để nhanh chóng thôn tính cả bán đảo Đông Dương trên cả hai phương diện quân sự và chánh trị.

Đúng như họ tuyên bố đây là một cơ hội ngàn năm mới chỉ có một lần !

Vậy liệu người ta có nghi ngờ là người Mỹ đã phản bội đồng minh ? Nhân vật chính yếu liên can trong nội vụ là Tổng Thống Thiệu, người biết rõ nhiều về những lời hứa hẹn, cam kết, và thi hành. Ông đã công khai nêu rõ trước dư luận mà Hoa Kỳ không dám có một tiếng trả lời, có chăng chỉ là những lời an ủi cam kết quá muộn màng của một mối tình bạn bè, một mối tình loại “qua đường!”

Ông Thiệu là người không muốn chơi trò người hùng, cũng không thích biểu tình hoan hô rầm rộ, nhưng rất nhạy cảm với lòng tin tưởng sâu đậm của đồng bào miền Nam, bây giờ ván bài đã ngã ngũ, ông đã thua cả về chánh trị lẫn quân sự, nên ông quyết định phải rời quê hương mà ông đã từng hiến dâng tất cả. Với một tâm hồn chết lặng ông nói lên những lời từ biệt cuối cùng. Những lời lẽ thật cảm động của ông được truyền đi trên đài phát thanh làm cho những người dù cứng lòng đến đâu cũng phải nhỏ lệ, ngay những người đã từng muốn ông phải từ chức cũng vậy. Ông ra đi, mang theo sự tin yêu và lòng mến phục của dân chúng miền Nam mà từ đây không có ông, họ sẽ cảm thấy mất mát một cái gì ...

Đối với người Mỹ, ông đã có những sỉ vả thật dữ dội và nặng nề:

- Tôi đã nói với họ (Hoa Kỳ) rằng: Các ông muốn rút chân ra khỏi cuộc chiến ở Việt Nam trong danh dự, mà các ông đòi hỏi chúng tôi những điều thật vô lý không thể làm được chút nào. Đánh giặc mà viện trợ quân sự cứ nay bị cắt mai bị xén mốt bị cúp mãi như thế, thì có khác nào chỉ cho tôi mỗi ngày có 3 đồng mà bảo tôi phải ăn tiêu như một ông hoàng hay một người khách du lịch sang trọng! Các ông muốn chúng tôi hôm nay với một “xu ăn mày” phải làm được những gì mà ngày hôm qua các ông không sao làm được với ngân khoản 6 tỷ đô la ...! Tôi đã nói với họ rằng câu hỏi duy nhất hiện giờ là liệu Hoa Kỳ có quyết định giữ những gì mà Hoa Kỳ đã cam kết với Việt Nam Cộng Hòa hay không? Và liệu những lời nói và chữ ký của Tổng Thống Hoa Kỳ còn có chút giá trị gì nữa hay không!

Thế là quá rõ, Hoa Kỳ thật sự đã phản bội.....

Ngạo mạn và ngu xuẩn, lưỡng viện Hoa Kỳ đã nói lên sự vui mừng của họ về sự từ chức của ông Thiệu, vì họ nghĩ nhờ đó sẽ có khả năng “đạt được một nền hòa bình nào đó trong thương lượng” với Cộng Sản, trong giới hạn một thời gian nào đó, “với đường lối chánh trị mềm dẻo hơn, để làm giảm đi những chết chóc vô ích, và nhất là để bảo vệ cho những người Mỹ hiện còn tại miền Nam Việt Nam”. Nước Pháp cũng có một thái độ tương tự, vì hoàn toàn không nắm vững được tình hình và cũng vì quyền lợi của chính nước Pháp. Đối với Hoa Kỳ, trên thế giới nầy tất cả đều có thể bị mất hết, chỉ riêng có người công dân Mỹ, được coi như thần thánh, là không thể mất được.

Ngũ Giác Đài không chấp nhận như vậy

Các cấp chỉ huy quân sự của Ngũ Giác Đài cũng như các cấp quân nhân đã từng tham chiến bên cạnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không đồng ý về những hành động của Hoa Kỳ, vì tình cảm gắn bó với người chiến hữu Việt Nam cũng như gắn bó với quốc gia nầy, giống như người Pháp chúng ta vậy. Họ có cố gắng thử giúp đỡ cho Việt Nam một cái gì đó, nhưng người ta đã ngăn cấm họ. Họ chỉ còn có một cách là càu nhàu, và sự hằn thù trong căm lặng nầy mãi mãi sẽ là một yếu tố của tình trạng phân hóa tại Hoa Kỳ.

Bốn năm trước đó, dựa theo bản tuyên ngôn Guam của Tổng Thống Nixon, Ngũ Giác Đài đã soạn thảo một quan niệm mới cho chiến lược ở Á Châu. Bây giờ thì bắt buộc họ phải duyệt xét lại để giảm bớt khả năng tiềm lực quân sự của Hoa Kỳ: đó là bỏ cả các căn cứ ở lục địa Á Châu và các quốc gia đồng minh “nhược tiểu”, dùng Nhật Bản và Úc Châu như những pháo đài phòng thủ cho lục địa Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. Dầu sao, theo họ nói, đó là một quyết định cấp quốc gia mà họ là những người chịu trách nhiệm, không thể cưỡng lại được: “quân nhân chúng tôi trước quyết định như vậy không thể làm gì hơn là phải thi hành, dù dư luận Mỹ có cho rằng Hoa Kỳ không nên sửa đổi chiến lược như vậy.”

Hoa Kỳ đã không làm đúng lời hứa của họ. Họ đã phản bội những người mà chính họ đã đưa vào cuộc chiến, một cuộc chiến mà họ chẳng những phải tốn quá nhiều đô la mà còn phải hy sinh gần 60 ngàn quân nhân các cấp (chưa tính thương binh) để chỉ đem về một “con số không” to tướng. Nói như thế có gì quá đáng lắm không?

Tướng Westmoreland, cựu chỉ huy trưởng lực lượng Mỹ tại Việt Nam thì phát biểu có phần nào nhẹ lời hơn cho Hoa Kỳ, nhưng cũng đã quy trách nặng nề cho giới chánh trị về hành động làm mất hết danh dự của Mỹ: “Miền Nam Việt Nam phải chăng không thể tránh được một sự chiến bại? Vâng, đúng như vậy. Nhưng chúng ta phải xét lại tình hình: Bắc Việt đã vi phạm hoàn toàn Hiệp Định Paris 1973, Hoa Kỳ hoàn toàn bất lực trên phương diện chánh trị, và các quốc gia có nhiệm vụ bảo đảm việc thi hành Hiệp Định thì hoàn toàn im lặng không nhúc nhích.”

Người ta phải nhìn những cảnh cướp xe, hôi của, dọn sạch nhà cửa, phòng ốc hay kho tàng của người Mỹ tại Sài Gòn, thì mới thật sự thấy được mức độ thù ghét Hoa Kỳ của cả một dân tộc. Người ta phải nhìn cảnh ông Martin, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc rời khỏi Việt Nam sau khi cho di tản xong xuôi người Mỹ cuối cùng, thì mới thấy được cả một sự thẹn thùng nhục nhã của Hoa Kỳ trên nét mặt xanh xao như người chết của ông. Và người ta cũng phải nhìn thấy cảnh một người Việt Nam kéo lê bằng hai ngón tay lá cờ Mỹ to lớn của tòa Đại Sứ Mỹ để dìm xuống rạch những “50 sao và 13 vạch” mà người Mỹ thường hãnh diện.

Tổng Thống Hoa Kỳ, Ông Ford, đã từng nói: “Chúng tôi không thể bỏ được những người bạn của chúng tôi.” Nhưng nói là nói như vậy, mà họ lại không làm đúng như vậy!

Tác giả: Vanuxem, cựu Trung Tướng Quân Lực Pháp
Phỏng dịch: Cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa

Monday, June 22, 2009

Lời Hứa của Cụ Trần Văn Hương trong ngày nhậm chức Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa 21-04-1975



Tôi xin hứa với anh em ... tất cả ở trong trong quân đội là ... ngày nào anh em còn chiến đấu, tôi luôn luôn đứng bên cạnh anh em và ngày nào, chẳng may, mà đất nước không còn... thì cái nắm xương khô của tôi sẽ nằm bên cạnh đống xương của tất cả anh em chiến sĩ. Đó là cái nguyện vọng tha thiết của tôi, suốt cả đời tôi.
– Tổng Thống Trần văn Hương -


Vị Tổng Thống Dân Cử Cuối Cùng
Của Việt Nam Cộng Hòa


TRẦN VĂN HƯƠNG
Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Mỹ Tho

Nguyễn Thanh Liêm

Từ lúc bắt đầu đi học cho đến bây giờ, tôi đã có rất nhiều may mắn được học hỏi với biết bao nhiêu thầy cô đáng thương đáng kính. Nhưng ngoài những thầy cô đáng thương đáng kính ấy còn có ba bậc thầy tôi rất mực tôn sùng, nhưng tôi không hề được thọ giáo bao giờ. Vị thứ nhất là một nhà nho có học vị cao nhất Miền Nam, là vị tiến sĩ Nho học đầu tiên và duy nhất của Miền Nam, cụ Phan Thanh Giản, một nhà cai trị đầy lòng yêu nước thương dân với chủ trương “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Vị thứ hai là một nhà văn hóa có cái học uyên thâm, nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký, và vị thứ ba là cụ Trần Văn Hương, cựu giáo sư Trường Trung Học Mỹ Tho, và cũng là vị Tổng Thống dân cử cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Cụ Phan Thanh Giản cả đời lo cho dân cho nước, địa vị có cao, nhưng cuộc đời hết sức giản dị đạm bạc, cuối cùng phải tuẩn tiết đền ơn sông núi sau khi đã tiết kiệm được bao nhiêu xương máu của người dân Nam Kỳ. Ông Đốc Ký thì đã đi dạy từ hơn nửa thế kỷ trước khi tôi chào đời, đã để lại cho Việt Nam một công trình văn hóa to lớn, đã khai đường mở lối cho nền văn chương chữ quốc ngữ, và đã đóng góp rất nhiều trong công cuộc xây dựng nền học thuật mới, tổng hợp khoa học kỹ thuật Âu Tây với luân lý đạo đức Á Đông vào hồi cuối thế kỷ thứ XIX. Vị thứ ba là cụ Trần Văn Hương, tuy không có một công trình văn hóa lớn lao như hai vị trên, nhưng đã để lại trong lòng người dân Việt một hình ảnh không phai mờ của một kẻ sĩ đầy khí tiết, một tấm gương ngay thẳng trong sạch, và là một chính trị gia lúc nào cũng tận tụy, hy sinh cho dân chúng và quốc gia Việt Nam trong thời đen tối của lịch sử hiện đại.

Về hai vị thầy thứ nhất và thứ nhì thì những sách vở văn học và sử học đều có nói đến, tuy chưa có tài liệu nào dành cho họ một ngôi vị xứng đáng với công trình to tát mà họ đã đóng góp cho nền chính trị và học thuật nước nhà. Nhưng dù sao thì phương danh của họ cũng đã được lựa chọn để đặt cho hai ngôi trường trung học lớn và có tiếng ở miền Nam Việt Nam: trường Petrus Trương Vĩnh Ký, ở ngay tại thủ đô Sài Gòn của Miền Nam tự do, và trường trung học Phan Thanh Giản ngay tại thủ đô của Miền Tây nước Việt. Nhưng về vị thầy thứ ba là cụ Trần Văn Hương thì tôi chưa thấy có một công trình biên khảo nào đáng kể để được xem như là một nỗ lực nhằm tôn vinh một người chí sĩ nổi tiếng của miền Nam Việt Nam cho xứng đáng với đức độ và sĩ khí của Người. Do vậy mà trong thâm tâm tôi vẫn thầm nguyện ước phải làm một cái gì để chính bản thân tôi và nhiều người Việt Nam khác, nhứt là thế hệ trẻ, có thể biết đến, kính phục và thương mến một con người đạo đức và rất yêu thương dân chúng và quê hương xứ sở.

Ước nguyện nầy đã thúc đẩy tôi cùng một số bạn hữu tổ chức những buổi lễ tưởng niệm cố Tổng Thống Trần Văn Hương, từ hồi tháng 3 năm 1996 tại San Jose với sự tham dự đông đủ của những người ngưỡng mộ ông. Chúng tôi hy vọng buổi lễ tưởng niệm nầy sẽ là bước khởi đầu cho những công trình quan trọng hơn và ý nghĩa hơn ở nhiều nơi.

Rồi hôm nay, sau một phần tư thế kỷ ngày từ trần của cụ Hương, ở tại đây, nơi được xem là thủ đô của người tỵ nạn, chúng tôi muốn khởi đầu lễ tưởng niệm vị Tổng Thống hợp hiến cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà để nhắc nhở các thế hệ sau về tấm gương của một nhà ái quốc đạo đức, một chính trị gia trong sạch, liêm chính, hết lòng vì dân vì nước, đã phải sống những ngày cuối cùng của cuộc đời trong cảnhï nghèo túng, đạm bạc, cũng như cụ Phan Thanh Giản trước kia. Cụ Hương cũng đã tiết kiệm được nhiều xương máu của người dân Nam, đã ở lại với người dân, sống khổ sở tũi nhục trước sự hống hách của những can binh cộng sản không tình người, vô đạo đức, vô liêm sĩ, chỉ biết dùng sức mạnh võ lực để kiềm hảm, áp bức người dân Nam hiền lành. Chúng tôi mong nhân dịp này tạo cơ hội để hằng năm những người quốc gia chân chính hãy cùng tưởng niệm vị giáo sư lỗi lạc có một không hai của trường Nguyễn Đình Chiểu, nhà chí sĩ khí tiết cao cả của miền Nam Việt Nam, vị Tổng Thống hợp hiến cuối cùng được nhiều người mến phục của Việt Nam Cộng Hoà. Bên cạnh cụ Hương còn có những vị tướng lãnh đã nêu cao nghĩa khí của người chiến sĩ bất khuất, thà chết chứ không chịu nhục trước cái chiến thắng không chính đáng, không danh dự của bọn người nô lệ mù quáng cho chủ nghĩa cộng sản chật hẹp, lỗi thời. Các vị tướng lãnh Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Hai, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, và những sĩ quan, binh sĩ khác đã tuẩn tiết ngày Cộng Sản xăm chiếm Miền Nam cũng đều đáng được tôn thờ, tưởng niệm bên cạnh vị Tổng Thống bất khuất của Việt Nam Cộng Hoà.

Ông Trần Văn Hương sanh năm 1902 tại Vĩnh Long trong một gia đình nông dân nghèo khó. Cha làm ruộng, mẹ đi bán cháo ở ngoài chợ. Nhà nghèo, thuở nhỏ ông phải đi làm để kiếm tiền đi học. Nhờ học giỏi nên ông được học bổng của chính phủ. Sau khi xong Trung Học Pháp, ông tiếp tục học Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội. Năm 1926, sau khi tốt nghiệp, ông được bổ về dạy tại Trường Trung Học Collège Le Myre de Vilers, Mỹ Tho. Ít lâu sau, ông được bổ nhiệm làm Thanh Tra Học Chánh (inspecteur provincial) tỉnh Tây Ninh. Chính tại đây, nhà giáo Trần Văn Hương đã vượt qua cương vị của một nhà mô phạm để bắt đầu dấn thân vào con đường chính trị. Thực ra, khi quốc gia hữu sự thì mọi người, dù kẻ thất phu cũng còn có trách nhiệm, huống chi là người có tâm huyết, chí khí như giáo sư Trần Văn Hương. Cho nên, năm 1945, sau khi Thế Chiến thứ hai chấm dứt, ông mạnh dạn bỏ nghề dạy học để tham gia phong trào toàn quốc kháng chiến chống Pháp, đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Kháng tỉnh Tây Ninh. Khi Pháp tái chiếm tỉnh nầy, ông đưa bộ đội rút về Đồng Tháp Mười để tiếp tục kháng chiến.

Nhưng vào khoảng 1946-47, khi biết phong trào nầy đã bị Cộng Sản thao túng, ông Hương giải tán bộ đội, trở về thành để làm “cu-li viết”, như ông thường nói, hầu sống đạm bạc qua ngày. Tư cách, uy tín cũng như tài năng của ông được nhiều người biết đến Cho nên khi Ngô Đình Diệm tìm một người có đủ tài năng và đức độ làm đô trưởng Sài Gòn thì Trần Văn Hương đã được đề nghị trước hết. Năm 1955, ông nhận lời mời của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ra làm Đô Trưởng Saigon lần thứ nhất. Đây là lần đầu tiên người dân miền Nam Việt Nam được thấy một chính trị gia cỡi xe đạp đi nhậm chức đô trưởng. Nhưng mấy năm sau, khi thấy chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa bắt đầu có nhiều sai lầm trong chánh sách, ông Hương cùng 17 nhân sĩ khác trong nhóm Tự Do Tiến Bộ (thường gọi là nhóm Caravelle) ký tên vào bản thỉnh nguyện và tổ chức họp báo tại khách sạn Caravelle để yêu cầu Tổng Thống Ngô Đình Diệm thay đổi đuờng lối cai trị để cứu nguy dân tộc. Kết quả là ông Hương và 17 nhân sĩ bị vào tù, và là thời gian ông có dịp làm bài thơ bất hủ: Ngồi buồn gãi (dái) ngứa tăng tăng . . .

Năm 1964, ông được mời làm Đô Trưởng lần thứ hai. Không bao lâu sau, ông lại được Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu mời thành lập chánh phủ và đây là lần đầu tiên ông làm Thủ Tướng Chính Phủ. Khi tướng Nguyễn Khánh làm chỉnh lý, Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu bị truất phế, Thủ Tướng Trần Văn Hương bị bắt và bị quản thúc một thời gian ở Vũng Tàu.

Năm 1968, sau Tết Mậu Thân, trong cảnh hỗn loạn hiểm nguy, ông Hương đã can đảm nhận lời mời của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra làm Thủ Tướng lần thứ hai. Sau một năm chấp chánh, tình hình chánh trị, quân sự ở miền Nam Việt Nam đã có phần được ổn định lại. Năm 1971, ông đắc cử Phó Tổng Thống trong liên danh với Nguyễn Văn Thiệu. Ở ghế ngồi chơi xơi nước, ông chỉ làm chủ tịch một số hội đồng quốc gia trong đó có Hội Đồng Văn Hoá Giáo Dục. Tưởng như vậy cũng đã yên thân lúc tuổi già, nào ngờ, vào ngày 20 tháng tư năm 1975, trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, lúc vận mệnh quốc gia đi đến hồi thập tử nhất sinh, ông Trần Văn Hương lại mạnh dạn đứng ra nhận lấy trách nhiệm trước quốc dân đồng bào khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Ông Trần Văn Hương lên làm tổng thống chỉ vỏn vẹn có bảy ngày, vừa đủ để gặp gỡ Đại Tướng Dương Văn Minh, và điều trần trước lưỡng viện Quốc Hội về tình trạng khẩn trương của đất nước, để tìm một giải pháp chính trị trong tuyệt vọng của miền Nam Việt Nam. Trước áp lực mạnh mẽ của Mỹ, với sự đồng ý của lưỡng viện Quốc Hội, Tổng Thống Trần Văn Hương đã trao quyền lãnh đạo lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh trong một buổi lễ tại Dinh Độc Lập chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975, khoảng 36 tiếng đồng hồ trước khi quân Cộng Sản tiến vào Saigon. Ông Trần Văn Hương là vị tổng thống dân cử cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Trước khi Saigon mất, đại sứ Hoa Kỳ có đến mời ông ra đi để có thể bảo đảm cho ông một cuộc sống yên ấm cho đến trăm tuổi già. Ông nhứt đinh ở lại quê hương, chia xẻ nỗi đau và cảnh khốn cùng của dân quân cán chánh Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 1977, chánh quyền Cộng Sản đem giấy tờ trao trả quyền công dân lại cho ông. Ông đã khẳng khái khước từ. Ông dõng dạc tuyên bố với chánh quyền Cộng Sản rằng ông sẽ là người sau cùng nhận lãnh sự trao trả đó khi nào tất cả các dân quân cán chánh đang bị giam cầm đều được trao trả quyền công dân.

Ông đã sống hết sức thanh bần trong những ngày còn lại của ông. Tuy rất nghèo nàn, thiếu thốn, ông vẫn muốn sống, để sống hơn Hồ Chí Minh một tuổi thôi.

Ông đã được thỏa mãn với ước nguyện của ông. Ông mất hồi 4 giờ chiều ngày 27 tháng 1 năm 1982, tức ngày mùng ba Tết năm Nhâm Tuất, hưởng thọ 80 tuổi.

Ông Trần Văn Hương là một nhà giáo và cũng là một nhà nho với tất cả phong độ của một kẻ sĩ thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh mặc dù ông theo Tây học từ thuở nhỏ. Theo quan niệm nhà nho, tiến vi quan, thối vi sư, tùy theo thời cơ mà ra làm quan giúp vua trị nước hay là đi dạy học, truyền bá đạo lý thánh hiền. Tu, Tề, Trị, Bình, là con đuờng mà kẻ sĩ phải theo trong tiến trình hoàn thành trách nhiệm mà đất trời giao phó. Cuộc đời đi dạy học và chấp chánh của ông cho thấy ông đã đi đúng con đường mà ngày xưa Khổng Tử đã đi.

Lớn lên trong hoàn cảnh loạn ly, Khổng Tử muốn đem đạo đức luân lý cải thiện con người và xã hội. Hoài bão đem đạo thánh hiền để cứu đời, đem vương đạo để cai trị, làm cho quốc gia có trật tự và hưng thịnh, cho thiên hạ được thái bình, là hoài bão luôn được Khổng Tử ấp ủ trong lòng. Do đó, sau một thời gian dạy học, Khổng Tử lại vượt ra cuộc đời của nhà mô phạm để chấp chánh.

Ngày kia, khi đến nước Sái, thấy có hai người cày ruộng. Khổng Tử sai Tử Lộ đến hỏi thăm đường. Người thứ nhứt tên là Tràng Thư nói với Tử Lộ: “Ông ấy (tức Khổng Tử) chu du đã lâu để dạy đạo cho đời, hẳn phải biết đường rồi còn hỏi chi nữa.” Người thứ hai là Kiệt Nịch lại bảo: “Đời loạn đã lâu, làm sao mà trị được. Anh đi theo Khổng Khâu đã lâu làm gì để bị người đời xa lánh. Sao anh không theo ta để chính mình xa lánh cuộc đời có phải hơn không!”

Nghe vậy , Khổng Tử bèn than: “Người mà không sống chung với loài người thì sống với ai? Nếu thiên hạ đã đạt được đạo rồi thì Khổng Khâu nầy đâu cần phải dấn thân vào đời đổi loạn ra trị làm gì nữa!”

Thương thay cho những người muốn dấn thân giúp đời như Khổng Tử! Tội nghiệp thay cho thân phận nhà giáo muốn đem đạo đức vào địa hạt chính trị để cho vương đạo được phổ cập trong thế giới loài người!

Ông Trần Văn Hương khi nhận lời chấp chánh chắc cũng nghĩ như Khổng Tử là đem tất cả thành tâm thiện chí của mình để mong cải thiện đường lối chánh trị, đem lại trật tự cho xã hội đang hồi loạn ly, đem yên ổn thanh bình cho dân chúng. Vốn là nhà giáo, thấm nhuần tư tưởng Khổng Nho, ông muốn đem đạo đức vào địa hạt chánh trị để cho vương đạo được sáng tỏ.

Ông hành sử như vậy vì ông thấy mình có trách nhiệm phải làm chớ không phải vì bổng lộc, danh vọng hay quyền lợi cho cá nhân hay gia đình ông. Thanh bạch, liêm khiết là những đức tánh không ai phủ nhận được nơi ông Trần Văn Hương. Dù giữ chức vụ cao cấp trong chánh quyền, cuộc sống của ông lúc nào cũng đạm bạc, khiêm tốn, ngay cả quần áo ông cũng không có một bộ cho đáng giá. Nói về tư cách của người lãnh đạo, nhà nho bảo là khi quốc gia hữu sự, nhân dân khốn khổ mà mình làm bậc cha mẹ dân lại được giàu sang sung túc là một điều sỉ nhục. Ông Trần Văn Hương đã theo đúng tinh thần nho giáo ấy khi ông lãnh đạo quốc gia dân tộc.

Nói đến ông Trần Văn Hương là phải nói đến con người cương trực, khẳng khái của ông. Những kẻ hay dùng tiền bạc hay một sức mạnh nào khác tạo áp lực để mưu cầu lợi riêng cho cá nhân hay đoàn thể chắc chắn không đạt được kết quả gì trước cái ngay thẳng gan lì của “Ông già gân”. Dù bị chống đối, bị áp lực đủ trò, ông vẫn một mực đặt tôn giáo và chánh trị ra ngoài học đường, thượng tôn luật pháp để vãn hồi an ninh trật tự cho xã hội. Tinh thần bất khuất của kẻ sĩ đã khiến ông phải mạnh dạn đứng lên phản kháng khi gặp phải diều bất bình, bất lợi cho quốc gia dân tộc, dù có phải nguy hại đến an ninh cá nhân.

Hai lần được mời làm đô trưởng, hai lần được mời làm thủ tướng, một lần được mời đứng chung liên danh ứng cử Thượng Viện, và một lần được mời đứng chung liên danh ứng cử tổng thống, khả năng và nhân cách của ông Trần Văn Hương đã được người đương thời biết đến và kính phục. Tuy ông đã không đem lại được thắng lợi và vinh quang cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông cũng đã để lại cho người dân miền Nam Việt Nam một tấm gương yêu nước, thương dân, trong sạch, liêm khiết và tiết tháo mà người đương thời ít ai sánh bằng. Với tư cách đạo đức trong sáng của một nhà giáo, với khí tiết hùng dũng, bất khuất của một chính trị gia thật sự yêu nước thương dân, ông Trần Văn Hương và những chiến sĩ Quốc Gia chết vì chế độ tự do của Việt Nam Cộng Hoà thật vô cùng xứng đáng để ngày nay chúng ta tưởng niệm vậy.

Nguyễn Thanh Liêm

Sunday, June 21, 2009

Saturday, June 20, 2009

Tâm thư của một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa

    Việt Nam ngày... tháng... năm...
    Các Anh kính quý,
Thật tình tôi không biết phải xưng hô với các Anh thế nào cho phải đạo, bởi lẽ dù sao đi nữa, các Anh cũng đã có một thời là thượng cấp, là cấp chỉ huy của chúng tôi. Giờ đây, cho dù thời gian có vô tình lặng lẽ đi qua hơn 33 năm, trong lòng chúng tôi vẫn khắc ghi hằng khối những kỷ niệm của một thời binh lửa, thời mà chúng tôi và các Anh còn xông pha giữa lằn tên mũi đạn, thời mà chúng ta còn được vinh dự cầm súng bảo vệ quê hương.

Những trận chiến càng về cuối của năm 1975 càng khốc liệt, người lính chiến chúng tôi đã không nao núng, không rời hàng ngũ mà càng sát cánh hơn với các Anh, không màng nguy hiểm, không sợ cái chết lúc nào cũng sẵn sàng đến với người lính trong thời lửa đạn. Quả tình lúc ấy trong lòng chúng tôi khâm phục các Anh nhiều lắm, các Anh là những người có học thức, được huấn luyện những kiến thức quân sự để trở thành những sĩ quan chỉ huy chiến trường, chỉ huy chúng tôi. Lòng dũng cảm cùng với kiến thức của các Anh đã phát sinh từ trong thâm tâm của chúng tôi một thứ tình đồng đội tình thầy trò trong thời chinh chiến, mặc dù kỷ luật quân đội đã bắt buộc chúng tôi luôn luôn chỉ biết tuân lệnh của các Anh, nhưng trong lòng chúng tôi không hề than oán mà còn cảm thấy thật vui mỗi khi thực hiện được một việc gì cho đơn vị, hay nói đúng hơn là cho các Anh. Chúng tôi là những người lính trơn ít học, nên với những suy nghĩ thật đơn giản lúc bấy giờ: Làm vui lòng các Anh chính là chúng tôi đã làm tròn nợ nước, nhiều lúc tuân hành và thực hiện mệnh lệnh xung phong vào mục tiêu, ôm súng băng mình qua tuyến, chúng tôi chỉ với hai điều tâm niệm: Thắng trận nầy thật nhanh và bảo vệ cho bằng được ... các Anh.

Chúng tôi ít học chưa có ý niệm về quê hương dân tộc, chúng tôi thật tình lúc bấy giờ cũng chưa hiểu được thế nào là lòng yêu nước. Chính các Anh đã dạy cho chúng tôi những điều trọng đại ấy và với đầu óc của chúng tôi, chúng tôi chỉ hiểu nôm na: Bổn phận chúng tôi là những thanh niên Việt Nam, chúng tôi phải cầm súng bảo vệ Tổ Quốc, chấp nhận tất cả những hy sinh gian khổ cùng những hiểm nguy mà chiến trường đã dành riêng cho người lính. Và ... chúng tôi đã cảm thấy vô cùng hãnh diện với việc làm của mình. Cũng chính vì thế, chúng tôi đã lăn xả vào trận địa để trong mặt trận cuối cùng, chính tôi đã để lại chiến trường một phần thân thể. Không kịp nói lên một lời từ giã các Anh khi trực thăng bốc vội tôi về Quân Y viện. Sáu tháng dài ở bệnh viện đủ cho tôi lấy lại được chút hơi tàn mà đủ sức chống nạng khi di chuyển. Tôi rời khỏi quân đội trong một nỗi buồn không tả được, cuộc chiến đã đến giai đoạn sau cùng và tôi vẫn theo dõi tin tức của Miền Nam, nhất là bước tiến quân của đơn vị cũ của mình.

Ngày Miền Nam hoàn toàn sụp đổ làm tôi chết lặng người, bạn bè đồng đội tôi sẽ ra sao? và nhất là các Anh - những cấp chỉ huy của tôi sẽ ra sao?

Mặc dù đã bị cắt phần tiền thương tật, “học tập” ở xã hết 1 tuần, tôi đã phải bán đi cái radio yêu quý đã theo tôi suốt đoạn đường chinh chiến để lấy tiền tìm đến nhà của các Anh mà hỏi thăm tin tức. Chị nhà cho hay Anh đã bị tập trung “cải tạo”. Tôi buồn quá lủi thủi về nhà, lòng vẫn luôn luôn van vái những an lành sẽ đến với các Anh.


Bạn bè đồng ngũ về quê tôi khá đông nhưng không có công việc làm nên càng bi thảm hơn. Thằng vá xe đạp ở cuối phố, thằng khuân vác, thằng chạy xe ôm, chúng tôi không từ chối bất cứ một việc làm gì để kiếm được chút đỉnh tiền vừa để tạm sinh sống no đói qua ngày vừa gom góp lại được vài mươi đồng nhờ Chị nhà có đi thăm nuôi thì mua một ít thức ăn và đồ dùng cần thiết gởi đến Anh. Chúng tôi dù trong nhọc nhằn vẫn thường hay nhắc đến các Anh, ở trong tù dù buồn nhưng nhận được quà của chúng tôi chắc các Anh cũng vui được phần nào vì nghĩ rằng mấy thằng em vẫn còn nhớ đến ông thầy xưa.

Đó ! Chúng tôi chắc chiu những tình cảm trân quý, thủy chung gởi đến các Anh, mỏi mong các Anh một ngày nào đó được tự do mà tính chuyện quang phục lại quê hương mình. Thằng thượng úy trưởng Công an phường lợi dụng việc cấp giấy phép đi thăm nuôi đã hãm hiếp bà Trung Úy Phúc, sự nhục nhã nầy đã khiến Bà Trung Úy Phúc phải treo cổ tự tử. Tôi nghĩ từ trong tù các Anh buồn và hận lắm.

Ngày Anh được ra tù chắc Anh còn nhớ chứ? Chúng tôi đã đón mừng các Anh như đơn vị của mình được tái lập, bao nhiêu vui mừng không kể xiết, mừng đến rơi lệ, mừng vui khi nỗi mong mỏi rửa nhục của chúng ta đã được gần kề.

Rồi các Anh được sang Hoa Kỳ, niềm vui thật sự càng nhân lên gấp bội, ngày chia tay rượu hồng đã pha nước mắt, tiễn các Anh đi mà lòng thầm mong đợi một ngày về trong danh dự của các Anh.

Chúng tôi - những người lính QLVNCH vẫn ấp ủ một niềm tin tưởng vào các Anh như ngày xưa. Sự ra đi của các Anh là điều kiện thuận lợi cho công cuộc đấu tranh với bọn Cộng sản vô thần đang thống trị quê hương.

Các Anh a. ! Bây giờ thì buồn quá ! Các Anh - những sĩ quan hào hùng của QLVNCH ngày nào, những người Anh của chúng tôi, những Đại bàng, những Bắc Đẩu, Hắc Báo của một thời oanh liệt, một thời tung hoành ngang dọc khắp các chiến trường, các Anh đã có một thời vinh quang và một thời nhục nhã, giờ đây sau hơn 33 năm lặng lẽ, các Anh cũng bị nhòa đi hình ảnh của ngày xưa? Các Anh đã quên rồi sao? Quên rồi những chiến sĩ thuộc cấp của các Anh đã nằm xuống vĩnh viễn trên đất Mẹ thiêng liêng, quên đi những đồng đội còn sống sót trong một tấm thân tật nguyền đau khổ, sống lây lất ở đầu đường xó chợ.


Xin cảm ơn các Anh về những đồng Dollars mà các Anh đã gởi về cho chúng tôi trong chương trình giúp đỡ thương phế binh QLVNCH. Những đồng tiền đó dù có giúp cho chúng tôi trong một thời gian ngắn, dù có an ủi cho những đớn đau vật chất được đôi phần nhưng cũng không làm sao giúp chúng tôi quên đi nỗi nhục mất nước. Chúng tôi cần ở các Anh những chuyện khác, các Anh có thấu hiểu cho chúng tôi hay không?

Tôi đã hiểu vì sao thằng khuân vác ở xóm trên, thằng vá xe đạp ở đầu đường, thằng chống nạng đi bán vé số ở cạnh nhà lại ghét cay ghét đắng đám Việt Kiều. Họ là những người lính năm xưa, họ đã từng tuân hành lệnh của Đại bàng, Thần Hổ xông pha nơi trận mạc, họ đã từng chắt chiu từng đồng bạc nghĩa tình chung thủy gởi vào tận chốn tù đày cho các Anh, họ đã từng uống với các Anh chung rượu ân tình ngày đưa tiễn các Anh lên Phi cơ về vùng đất mới, họ đã từng nuôi nấng một hoài vọng, một kỳ vọng trong ngày về vinh quang của QLVNCH. Nhưng chính các Anh đã làm họ oán ghét, oán ghét đến độ khinh bỉ khi các Anh áo gấm về làng, chễm chệ ngồi dựa ngữa ở nhà hàng khách sạn 5 sao, tung tiền ra để chứng tỏ mình là một "Việt Kiều yêu nước” là "Khúc ruột xa ngàn dặm" về thăm "quê hương là chùm khế ngọt". Thậm chí có những Anh còn đú đởn với những đóa hoa biết nói biết cười tuổi đáng con hoặc đáng cháu nội cháu ngoại mình.

Các Anh có biết không? Từ trong sâu thẳm của cuộc đời, những người lính của QLVNCH đang lê lết ở ngoài cửa các nhà hàng mà các Anh đang ăn uống vui chơi, đang nhìn các Anh với một ánh mắt hận thù. Hận thù lớn nhất của người lính là sự bội bạc, là sự phản bội. Không biết khi tôi kết tội các Anh là phản bội có quá đáng hay không, nhưng các Anh tự suy nghĩ một chút sẽ hiểu rõ hơn chúng tôi.

Tôi không tin là tất cả các Anh đã biến thái thành những tên Việt gian, nhưng sự trở về như các Anh trong hiện tại là đồng nghĩa với sự phản bội. Các Anh đã phản bội lại Tổ quốc và rõ ràng nhất các Anh đã phản bội lại chúng tôi. Các Anh chống Cộng mà cứ về Việt Nam hà rằm thì còn chống Cộng gì nữa? Ôi ! không lẽ nỗi nhục nầy đời ta không rửa được?

Các Anh kính quý,

Chúng tôi là những người lính năm xưa của các Anh đây. Toàn thể quân nhân và đồng bào đang tin tưởng vào các Anh. Tin tưởng một ngày về rửa nhục, để Mẹ Việt Nam không còn cất lên tiếng than ai oán, để chúng ta cùng nhau trở lại kiếp làm người, chấm dứt đêm trường u tối đã phủ trùm lên Tổ quốc hơn 33 năm dài.

Người lính chỉ biết tuân hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy, nhưng qua bức thư góp ý nầy, mong các Anh thứ lỗi cho những suy nghĩ của chúng tôi.

Các Anh, cho dù đã chậm, nhưng chúng tôi vẫn mong mỏi các Anh ở một ngày về.

Trân trọng,
Nhân Trần

Gửi Súng Cho Tao - Nguyễn Cung Thương



Gửi Súng Cho Tao
Nguyễn Cung Thương

Tao cụt một chân một tay
Nhưng còn một tay
Viết thư giùm cho thằng mù hai mắt
Nghe nói ở xứ người chúng mày "cày" như trâu
Nhưng không quên đồng đội
Chia đôla cho chúng tao, như chia máu ngày nào
Tao cũng sớt cho mấy thằng bạn: phế binh Việt Cộng!
Chúng cũng què đui sứt mẻ như nhau
Bởi đảng của chúng bây giờ là lũ đầu trâu...
Có điều tao không thể hiểu
Bao nhiêu năm qua
Chúng mày cứ mãi dặn dò
Thế giới văn minh, đừng làm gì bạo động
Liệu chúng mày có thể hoà hợp được không
Với lũ kênh kênh hổ báo?
Những con thú cực kỳ giàu có
Mang " thẻ đỏ , tim đen "
Nợ Nga, sợ Tầu, lạy Mỹ
Với quan thầy cung cúc tận tụy
Quay về đàn áp dân đen
Chúng đóng đinh Jesus lần nữa
Bịt Miệng Cha, trói Phật, nhốt Sư quản lý chùa
Chúng tao lết lê trên thành phố Cáo Hồ
Nên biết rõ từng tên đại ác
Trên bàn tiệc máu xương dân tộc
Nhà hàng nào chúng cũng ăn nhậu
Bé gái nào cũng bị chúng mua trinh!
Chúng ta sẽ tỉa từng thằng
Đất nước cần nhiều "quốc táng"
Bớt được mạng thằng Cộng Sản nào
Thì địa ngục xã hội chủ nghĩa này
Còn có chút sáng láng hơn
Hãy gửi tiền cho những nhà tu
Để họ mở cửa nhà tù
Còn chúng tao là chiến sĩ
Hãy gửi về cho chúng tao vũ khí
Thằng cụt tay sẽ chỉ cho thằng mù mắt bấm cò
Thằng còn chân sẽ cõng thằng què quặt
Trận chiến sau cùng này sẽ không có Dương Văn Minh!

Nguyễn Cung Thương
Sàigòn, VN



Viết cho Ngày Quân Lực 19-6 - Đào Vũ Anh Hùng

Hàng năm, chúng ta làm lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực 19-6. Ngày Quân Lực năm nay đánh dấu 30 năm kể từ biến cố bi thảm 30-04-1975, ngày miền Nam thân yêu của chúng ta rơi vào tay cộng sản. Ba mươi năm trôi qua trong đau hận không nguôi của tâm trạng …

Canh bạc chưa chơi mà hết vốn
Cờ còn nước đánh phải đành thua
(thơ Thanh Nam)

30 tháng Tư, ngày chúng ta không ai quên được. Ngày mà nhiều người mệnh danh là ngày Quốc Hận, ngày Ly Hương, ngày Tang của Dân Tộc … Nhưng dù cho gọi là ngày gì đi nữa, 30-04-1975 chính là cái mốc thời gian đánh dấu một khúc quanh đau thương của lịch sử. Đánh dấu đọan đời lưu lạc chia lìa của mỗi chúng ta. Đánh dấu nền Tự Do Dân Chủ của miền Nam bị âm mưu bức tử.

Ngày 30-04 do đó mang một ý nghĩa rất lớn lao. Nhất là đối với những người tị nạn chúng ta – những ai không coi nước Mỹ này là chốn thiên đường, không coi ngày 30-04-1975 là cái “cơ may” thực hiện được giấc mộng lớn trong đời là được đặt chân lên đất Mỹ, hưởng thụ những tiện nghi vật chất của nước Mỹ - thì ngày đó càng mang ý nghĩa ngậm ngùi đau đớn hơn, như nhà thơ Thanh Nam đã buông lời thống thiết:

Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài một tháng Tư …

Tháng Tư là tháng đau buồn. Ngày 30 tháng Tư là ngày tủi nhục, tang thương, đen tối của chung người Việt Quốc gia. Ngày ta muốn quên không được. Ngày ta phải khắc cốt ghi tâm. Phải nhớ. Phải lấy làm dấu mốc để đếm đời ta từ buổi đó bao năm trôi nổi? Ngày này là ngày tang tóc u buồn vận hạn của toàn khối dân tộc. Ngày người phải xa người, gia đình đang sống bình yên bỗng lâm cảnh xẩy đàn tan nghé …

Sau 30 tháng 4, những người cựu chiến binh VNCH lại có ngày Quân Lực 19 tháng 6 để buồn rầu hoài niệm và suy tư, tiếc nhớ một thời đã góp phần tích cực trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam, tiếc nhớ một đời đã đem tuổi thanh xuân hiến dâng cho lý tưởng quốc gia, dân tộc. Thế hệ chúng ta đã đi những bước truân chuyên trên con đường quá khổ và quá nhọc nhằn mong đem lại thanh bình, hạnh phúc cho dân Việt nhưng vì vận số hẩm hiu đất nước, chúng ta cặm cụi đi hoài vẫn không tới đích và cuối cùng, đem thân phiêu bạt ...

Bình luận gia quá cố Phạm Kim Vinh cho rằng “Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến kéo dài, đẫm máu và tàn khốc nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại”. Cuộc chiến mang nhiều tính chất bi thảm và hài hước, cho tới bây giờ vẫn được nói tới và gây nhiều tranh cãi sôi nổi. Nó bi thảm, bởi thế giới có ý muốn phủ nhận chính nghĩa cuộc chiến đấu để tự vệ của nhân dân Nam Việt Nam. Nó hài hước, bởi sau khi cộng sản đánh chiếm miền Nam, cái đám nhân loại khiếp nhược đó đã cúi đầu trước bạo lực, phụ hoạ với cộng sản, bôi nhọ VNCH, quốc gia đã từng được họ tuyên dương là “Tiền Đồn Chống Cộng” của Thế giới Tự do.

Dư luận đó đã nhục mạ Quân lực VNCH hèn nhát không chịu chiến đấu, VNCH hoàn toàn lệ thuộc nơi người Mỹ nên miền Nam mới sụp đổ dễ dàng và nhanh chóng như vậy. Đây là thứ dư luận ngu xuẩn, thiếu lương tri, vô trách nhiệm và đầy ác ý. Họ đã nhắm mắt, cố tình không chịu tìm hiểu tường tận sự hy sinh cùng khả năng chiến đấu tuỵệt vời của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, không chịu hiểu một điều giản dị, rằng “Nếu quân lực VNCH nhát hèn, không chịu chiến đấu, thì ai, sức mạnh nào, binh lực nào, phép mầu nào đã giữ được miền Nam trong bao nhiêu năm đất nước sôi bỏng bởi chiến tranh tàn khốc, từ 1954 tới 1975? Trong suốt hơn hai mươi năm dài đó, nếu không có sự chiến đấu dũng cảm, khắc khổ và kiên trì của người lính VNCH, chắc chắn miền Nam Việt Nam đã bị cộng sản thôn tính từ lâu rồi, ngay từ cái gọi là “tổng công kích, tổng khởi nghĩa”. Tết Mậu Thân 1968, hay từ những trận đánh khốc liệt làm rúng động thế giới vào mùa hè binh biến 1972. Nếu không có sự chiến đấu đầy dũng cảm, hữu hiệu và kiên trì của người lính VNCH, làm sao quân đội Mỹ có thể rút ra khỏi cái gọi là “vũng lầy Việt Nam” một cách dễ dàng và an toàn như vậy ?

Trong lịch sử Việt Nam cũng như trong lịch sử nhân loại cũng đã có những cuộc nội chiến. Nhưng không có cuộc tương tàn nào kéo dài quá lâu, liên tục và đẫm máu, cường độ tàn phá khốc liệt cùng sự tổn thất về nhân mạng cho cả hai miền lên đến con số kinh khủng như chiến tranh Việt Nam. Kể cả trong hai kỳ thế chiến, chưa một thời đại nào trong lịch sử, người dân Việt nam ở cả hai miền Nam Bắc phải nhận chịu những nỗi đau thương bất hạnh như trong cuộc chiến vừa qua.

Chúng ta, những người lính VNCH đã từng trực tiếp lăn mình vào binh lửa, những người lính đã thực sự cầm súng và chiến đấu, đều có thể khẳng định rằng, quân lực chúng ta không hề thua vì kém tinh thần chiến đấu. Sự sụp đổ về quân sự là do những quyết định sai lầm và suy yếu về chính trị. Nếu gọi là “thua”, chúng ta đã thua trận từ những nguyên nhân sâu ẩn khác. Chúng ta đã bị cái đám nhân loại hèn nhát và ngu xuẩn đó bất công trút đổ lên đầu chúng ta trách nhiệm. Những nguyên nhân khởi từ sau hai cuộc thế chiến, toàn thế giới run rẩy phục hồi, bắt tay xây dựng lại những công trình bị tàn phá. Thế giới từ ngày đó, mệt mỏi và sợ hãi chiến tranh, sợ bị nhiễm vi trùng cộng sản, đã trở nên ươn hèn, ích kỷ, ve vuốt cộng sản, đối xử bất công, nhòm ngó, dè bỉu, chê trách, quy kết tất cả mọi lỗi lầm về phía chúng ta, trút đổ tất cả gánh nặng lên đôi vai người lính VNCH, bắt chúng ta phải trách nhiệm ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản.

Trong khi đó, nước Việt Nam bất hạnh đã nẩy sinh ra gã họ Hồ, một thứ “nhân tài chết tiệt” của dân tộc, cuồng tín và tàn độc, tham vọng và mưu mô, bất lương và hiếu sát, vong bản và phi nhân, vô luân và vọng ngoại, tận tụy tôn thờ chủ nghĩa của gã Mác, gã Lê, xô đẩy dân tộc Việt Nam vào cuộc tương tàn thảm khốc.

Từ cái thời điểm phải ghi nhớ và đáng nguyền rủa đó, nhân dân Việt Nam ở cả hai miền đã phải còng lưng chịu đựng, không ngóc đầu lên được để thấy ánh mặt trời, để đi và đứng song hàng, hưởng cơn gió lành thịnh vượng cùng mọi dân tộc tự do trên thế giới. Dân tộc Việt Nam là nạn nhân thảm khổ trong cuộc chiến tranh phá hoại tận tình và tuyệt kỷ của bọn người ngu dốt. “Chính vì sự cương-quyết-ngu dốt và ngu dốt kiên trì mà chúng đã bán đứng đất nước, bán đứng cả linh hồn đất nước”, như cách nói của nhà văn Doãn Quốc Sĩ.

Nhà văn Phan Nhật Nam cũng đã kêu lên tiếng kêu ai oán, “Chiến tranh nào cũng đem lại những đổ vỡ, tan hoang, gieo mầm độc ác và gây nên bao sự hủy diệt. Nhưng đây là cuộc chiến thê thảm, tồi tệ và tủi hổ nhất của dân tộc Việt Nam”. Trong cuộc chiến vô nghĩa, dai dẳng và tàn bạo tột độ này, người lính VNCH đã gánh chịu trọn vẹn cái phần nặng nề, bất công, thua thiệt và đau đớn nhất. Cuộc tương tranh rõ ràng không đồng cân đồng sức và bị bội phản trắng trợn nhưng người lính Việt Nam vẫn thản nhiên chấp nhận. Những đời trai trẻ quên bỏ hạnh phúc, tình yêu, tương lai, sự nghiệp cùng những thú vui riêng để bước vào chốn cùng hung cực hiểm, đầy rẫy gian lao khổ nhọc và bị vô ơn, bạc đãi nhưng họ vẫn lầm lì chịu đựng và dũng cảm xông pha trận mạc, trực diện kẻ thù, đổ mồ hôi, xương máu, lao thẳng vào lửa đạn, phóng mình vào nỗi chết cho giải đất miền Nam được tồn tại và người dân miền Nam được sống còn.

Lính và vợ con lính. Vợ con lính và những người lính VNCH là hiện thân của những hy sinh quá sức lớn lao. Lòng quả cảm và những hy sinh kỳ vĩ đó chứng minh được bằng những chiến thắng cụ thể, nhiệm mầu, vượt cao, vượt xa và ở trên tất cả mọi suy nghĩ tầm thường của những con người không có chiều dài lịch sử bốn ngàn năm để hiểu thế nào là tình yêu thương đất nước cùng mối tự hào dân tộc.

Như Mậu Thân ở Huế. Một đại đội Hắc Báo quân số 270 người, còn lại vỏn vẹn 19 người sau nhiều ngày giao tranh, đã anh dũng chiếm lại Kỳ Đài, đưa lá cờ vàng ngạo nghễ tung bay trên đỉnh ngọn. Như An Lộc, với 52 ngày tử thủ, thịt da đất nước từng phân vuông quằn quại nẩy tung dưới cơn mưa pháo, ngày và đêm. Không một nơi nào trên thế giới nhận chịu một cuộc tấn công ác liệt, kinh hoàng như An Lộc. Chỉ trong đêm 11 rạng 12 tháng 5, 1972, từ 3 giờ đến 6 giờ sáng, An Lộc co quắp run rẩy hứng chịu liên tục 8 ngàn trái pháo và hỏa tiến của cộng sản. Thế mà An Lộc vẫn đứng vững, vẫn tồn tại. Cái quận lỵ nhỏ bé đó đã dược ghi danh trong quân sử Việt Nam và trong chiến sử Thế giới.

Vào những giờ phút hấp hối của miền Nam, trận chiến cuối cùng ở Xuân Lộc cũng là một kỳ tích để nhân loại ngưỡng phục. Sư đoàn 18 Bộ Binh, một Sư đoàn được coi là không mấy xuất sắc của quân lực, đã anh dũng giữ vững tuyến phòng ngự, chặn đứng được sự tấn công ào ạt của 5 sư đoàn cộng sản với xe tăng và đại pháo 130 ly hùng hậu. Nhưng biển người của Văn Tiến Dũng đã phải đứng khựng lại, phải bỏ rơi Xuân Lộc, đi đuờng khác vòng về Saigon, để lại hàng ngàn xác chết. Jean Lacouture, một nhà báo Pháp có lương tâm đã nhỏ rơi nước mắt khi tường thuật trận Xuân Lộc và thảng thốt kêu lên, “Cái Quân lực đó quả thật là gan dạ và anh hùng. Họ chiến đấu vô cùng ngoạn mục và tôi thật lòng kính phục.”

Nhiều ký giả Tây phương cũng hết lời ca ngợi những cuộc chiến đấu đơn lẻ, tạo nên thiên anh hùng ca bi tráng trong ngày cuối cùng của Tháng Tư Đen. Như cuộc chống cự của Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tầu. Của những đơn vị Nhảy Dù ở khu Lăng Cha Cả. Của anh em Biệt Kích 81 ở Bộ Tổng Tham Mưu. Của các chiến sĩ Biệt Động Quân ở dốc Cầu Xa Lộ. Của những Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt trong quân phục đại lễ nơi một góc phố thủ đô rất nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ QLVNCH và Cảnh sát Quốc gia đã tự sát tập thể vì tuyệt vọng và phẫn nộ trước cuộc đầu hàng nhục nhã của Dương Văn Minh. Chưa kể đến sự tuẫn tiết của các tướng Nguyễn Khoa Nam, tướng Lê Văn Hưng, tướng Phạm Văn Phú, tướng Trần Văn Hai, tướng Lê Nguyên Vỹ và những sĩ quan chỉ huy các đơn vị tác chiến khác.

Ba mươi năm đã trôi qua. Người ta nói hoài đến con số 58 ngàn lính Mỹ chết và mất tích trên chiến trường Việt Nam. Việt cộng đưa ra con số tổn thất nhân mạng là một triệu 400 ngàn bộ đội của chúng. Phía Việt Nam Cộng Hòa, không ai truy cứu để đưa ra một con số chính xác, bao nhiêu binh sĩ của chúng ta tử trận, bao nhiêu đồng bào, cán bộ chính quyền của chúng ta bị sát hại trong cuộc chiến? Chúng ta bị thế giới cố tình bỏ quên. Bị cộng sản đê tiện trả thù, đầy đọa người sống trong trại tù cải tạo và quật mồ người chết để thỏa mãn cái tâm địa man rợ của loài lang sói.

Nhân kỷ niệm Ngày Quân Lực, chúng ta, những người lính chiến VNCH cũ, hãy cùng nhau chiêm nghiệm, không phải để “tự cho mình là những người mất nước tìm cách phục quốc, hay để tự nhận là những người thất trận tìm cách trả thù, phục hận …” Và càng không thể là “những người Quốc gia đã được “điều kiện hóa” để xem chống cộng là cứu cánh …” như một số người trong chính hàng ngũ chúng ta – đau đớn thay – đã hòa nhịp với kẻ địch, công khai sỉ nhục quân đội.

Chúng ta hãy dõng dạc nói thẳng cho những con người đó, thù cũng như bạn, biết rằng lý tưởng và cứu cánh của người lính chúng ta không phải là thù và oán. Lý tưởng Quốc gia Dân tộc là một tình cảm tự nhiên, thiêng liêng cao cả trong trong trái tim con người, không thể đem “điều kiện hóa” như thí nghiệm vào loài chó của Palov, như thủ đoạn tẩy não phi nhân của cộng sản. Lý tưởng và cứu cánh đó bao giờ cũng là chu toàn ước vọng đem lại đời sống thanh bình an lạc, đem lại tự do dân chủ, no ấm và hạnh phúc cho toàn dân. Kẻ nào xâm phạm đến phúc lợi và ước vọng đó của dân tộc, chúng ta có bổn phận ngăn chặn, dù đó là cộng sản hay bất cứ một thế lực nào khác.

Chúng ta, những người lính VNCH sống còn sau cuộc chiến và thoát khỏi bàn tay đê tiện của kẻ thù, xin hãy nghĩ nhớ đến anh em đồng đội, hồi niệm và tri ơn những người đã nằm xuống cho chúng ta được sống. Hãy cùng nhau đốt lên một ngọn lửa, soi sáng một niềm tin, giữ vững tinh thần và ý chí, làm sánh danh Quân lực, làm rõ ràng Chính nghĩa Quốc gia và hãy vẽ lại chân dung đích thực của người lính VNCH, những người con yêu của đất nước, dù đã đi vào miền Vĩnh cửu nhưng hình ảnh cùng những chiến công vẫn hằng hằng sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam ta.

Chúng ta hãy cùng nhau chiêu niệm quê hương, chiêu niệm hồn tiên liệt và khí thiêng sông núi, cầu mong sớm có một ngày vinh hiển trở về nhìn lại quê cha đất tổ, như trong lời Hịch Bình Ngô:

“…Giang sơn từ nay mở hội
Xã tắc từ nay vững bền
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Kiền khôn bỉ rồi lại thái
Nền vạn thế xây nên chăn chắn
Thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu
Đó là nhờ trời đất tổ tiên khôn thiêng che chở
Và giúp đỡ cho chúng ta vậy…”

Đào Vũ Anh Hùng

Sống

Sống tủi làm chi đứng chật trời?
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến?
Sống chịu ngu si để chúng cười?
Sống tưởng công danh, không tưởng nước.
Sống lo phú quý chẳng lo đời,
Sống mà như thế đừng nên sống!
Sống tủi làm chi đứng chật trời?


Chết

"Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
Chết buổi Đông Chu, hồn thất quốc,
Chết như Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân."
(Sào Nam Phan Bội Châu)

*
* *
Danh sách quý vị Tướng Lãnh QLVNCH

Nguồn: http://vietnamlibrary.informe.com/danh-snoch-t-ng-lnonh-vnch-1955-1975-dt1958.html

Trong lịch sử 20 năm của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, có tất cả 159 vị được phong cấp tướng, trong đó có 1 Thống tướng (truy phong) và 5 Đại tướng.

* Thống Tướng: Lê Văn Tỵ (1903-1964) truy phong năm 1964
* Đại Tướng: Trần Thiện Khiêm (phong năm 1964)
* Đại Tướng: Dương Văn Minh (phong năm 1964)
* Đại Tướng: Nguyễn Khánh (phong năm 1964)
* Đại Tướng: Cao Văn Viên (phong năm 1967)
* Đại Tướng: Đỗ Cao Trí (truy phong năm 1971)

44 Vị Trung tướng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và 1 Phó Đô Đốc.
Người nổi tiếng nhất là Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, sau này làm Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa.

* Trung Tướng: Cao Hảo Hớn (Tổng Trưởng Chương Trình Bình Định và Phát Triển)
* Trung Tướng: Dư Quốc Đống (Tư Lệnh QĐ III)
* Trung Tướng: Dương Văn Đức (Tư Lênh QĐ & QK IV)
* Trung Tướng: Đặng Văn Quang (Phụ Tá An Ninh Phủ Tổng Thống)
* Trung Tướng: Đồng Văn Khuyên (Tổng Cụng Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận)
* Trung Tướng: Hoàng Xuân Lãm (Chánh Thanh Tra Dân Vệ)
* Trung Tướng: Lâm Quang Thi (Tư Lệnh Phó QĐ & QK I)
* Trung Tướng: Lê Nguyên Khang (Phụ Tá Hành Quân Tổng TMT)
* Trung Tướng: Lê Văn Kim (CHT Trường Cao Đẳng Quốc Phòng)
* Trung Tướng: Linh Quang Viên (Bộ Trưởng Nội Vụ)
* Trung Tướng: Lữ Lan (Chỉ Huy Trưởng Cao Đẳng Quốc Phòng)
* Trung Tướng: Mai Hữu Xuân (Tổng Cục Trưởng Chiến Tranh Chính Trị)
* Trung Tướng: Ngô Dzu (Tư Lệnh QĐ II)
* Trung Tướng: Ngô Quang Trưởng (Tư Lệnh QĐ & QK I)
* Trung Tướng: Nguyễn Bảo Trị (CHT ĐH Chỉ Huy và Tham Mưu)
* Trung Tướng: Nguyễn Chánh Thi (Tư Lệnh QĐ I)
* Trung Tướng: Nguyễn Đức Thắng (Tư Lệnh QĐ IV)
* Trung Tướng: Nguyễn Hữu Có (Bộ Trưởng Quốc Phòng)
* Trung Tướng: Nguyễn Ngọc Lễ (Chánh Án Tòa Án Quân Sự)
* Trung Tướng: Nguyễn Văn Hiếu (Tư Lệnh Phó QĐ & QK III)
* Trung Tướng: Nguyễn Văn Hinh (Tổng Tham Mưu Trưởng)
* Trung Tướng: Nguyễn Văn Là (Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng)
* Trung Tướng: Nguyễn Văn Mạnh (Tham Mưu Trưởng Liên Quân)
* Trung Tướng: Nguyễn Văn Minh (Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô)
* Trung Tướng: Nguyễn Văn Quan (Tổng Giám Đốc ANQĐ)
* Trung Tướng: Nguyễn Văn Thiệu (Tổng Thống VNCH)
* Trung Tướng: Nguyễn Văn Toàn (Tư Lệnh QĐ III & QK III)
* Trung Tướng: Nguyễn Văn Vỹ (Bộ Trưởng Quốc Phòng)
* Trung Tướng: Nguyễn Viết Thanh (Tư Lệnh QĐ IV & QK IV)
* Trung Tướng: Nguyễn Vĩnh Nghi (TL Tiền Phương QĐ &QK III)
* Trung Tướng: Nguyễn Xuân Thịnh (CHT Pháo Binh)
* Trung Tướng: Phạm Quốc Thuần (CHT TT HL Đồng Đế)
* Trung Tướng: Phạm Xuân Chiểu (Đại Sứ Nam Hàn)
* Trung Tướng: Phan Trọng Chinh (Tổng Cục Trưởng Cục Quân Huấn)
* Trung Tướng: Thái Quang Hoàng (Đại sứ Thái Lan)
* Trung Tướng: Tôn Thất Đính (Thượng Nghị Sĩ)
* Trung Tướng: Trần Ngọc Tám (Đại Sứ Thái Lan)
* Trung Tướng: Trần Thanh Phong (Tư Lệnh CSQG)
* Trung Tướng: Trần Văn Đôn (Tổng Trưởng Quốc Phòng)
* Trung Tướng: Trần Văn Minh (Tư Lệnh Không Quân VN)
* Trung Tướng: Trần Văn Trung (TCT. TC. CTCT)
* Trung Tướng: Trịnh Minh Thế (Tư Lệnh Lực Lượng Cao Đài)
* Trung Tướng: Vĩnh Lộc (Tổng Tham Mưu Trưởng)
* Phó Đô Đốc: Chung Tấn Cang (Tư Lệnh Hải Quân)

43 Vị Thiếu Tướng và 2 Đề Đốc.

* Thiếu Tướng: Bùi Đình Đạm (Tổng Giám Đốc Tổng Nha Nhân Lực thuộc Bộ Quốc Phòng)* *Thiếu Tướng: Bùi Hữu Nhơn (Chỉ Huy Trưởng Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức)
* Thiếu Tướng: Bùi Thế Lân (Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC)
* Thiếu Tướng: Chương Dzềnh Quay (Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn IV)
* Thiếu Tướng: Dương Ngọc Lắm (Đô Trưởng Sài Gòn)
* Thiếu Tướng: Đào Duy Ân (Tư Lệnh Phó Diện Địa QĐ III)
* Thiếu Tướng: Đoàn Văn Quảng (Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung)
* Thiếu Tướng: Đỗ Kế Giai (Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Trung Ương)
* Thiếu Tướng: Ðỗ Mậu (Phó Thủ Tướng Đặc Trách Văn Hóa)
* Thiếu Tướng: Hồ Văn Tố (Chỉ Huy Trưởng Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức)
* Thiếu Tướng: Huỳnh Văn Lạc (Tư Lệnh Sư Đoàn 9 BB)
* Thiếu Tướng: Huỳnh Văn Cao (Phó Chủ Tịch Thượng Nghị Viện)
* Thiếu Tướng: Lâm Quang Thơ (Chỉ Huy Trương Trường VBQGĐL)
* Thiếu Tướng: Lâm Văn Phát (Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô)
* Thiếu Tướng: Lê Minh Ðảo (Tư Lệnh SĐ 18 BB)
* Thiếu Tướng: Lê Ngọc Triển (Tham Mưu Phó Hành Quân TTM)
* Thiếu Tướng: Lê Văn Nghiêm (Tư Lệnh QĐ & QK I)
* Thiếu Tướng: Nguyễn Cao Kỳ (Phó Tổng Thống VNCH (1967))
* Thiếu Tướng: Nguyễn Duy Hinh (Tư Lệnh SĐ 3 BB)
* Thiếu Tướng: Nguyễn Giác Ngộ (CHT Sở Du Kích Chiến)
* Thiếu Tướng: Nguyễn Khắc Bình (Tư Lệnh CSQG)
* Thiếu Tướng: Nguyễn Khoa Nam (Tư Lệnh QĐ & QK IV)
* Thiếu Tướng: Nguyễn Ngọc Loan (Tổng Giám Đốc CSQG)
* Thiếu Tướng: Nguyễn Văn Chuân (Thượng Nghị Sĩ)
* Thiếu Tướng: Nguyễn Văn Kiểm (Trưởng Phòng Tổng Quản BTTM)
* Thiếu Tướng: Nguyễn Văn Vận (Tư Lệnh Đệ III Quân Khu)
* Thiếu Tướng: Nguyễn Xuân Trang (Tham Mưu Phó Nhân Viên BTTM)
* Thiếu Tướng: Phạm Ðăng Lân (Cục Trưởng Cục Công Binh)
* Thiếu Tướng: Phạm Hữu Nhơn (Trưởng Phòng 7 Bộ TTM)
* Thiếu Tướng: Phạm Văn Ðổng (Bộ Trưởng Cựu Chiến Binh)
* Thiếu Tướng: Phạm Văn Phú (Tư Lệnh QĐ II & QK II)
* Thiếu Tướng: Phan Ðình Niệm (Tư Lệnh SĐ 22 BB)
* Thiếu Tướng: Tôn Thất Xứng (Tư Lệnh QĐ I & QK I)
* Thiếu Tướng: Trần Bá Di (Tư Lệnh SĐ 9 BB)
* Thiếu Tướng: Trần Minh Tâm
* Thiếu Tướng: Trần Tử Oai (CHT Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung)
* Thiếu Tướng: Trần Văn Minh (Đại Sứ Tunisia)
* Thiếu Tướng: Trương Quang Ân (Tư Lệnh SĐ 23 BB)
* Thiếu Tướng: Văn Thành Cao (Tổng Cục Phó Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị)
* Thiếu Tướng: Võ Văn Cảnh (Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ)
* Thiếu Tướng: Võ Xuân Lành (Tư Lệnh Phó KQVN)
* Thiếu Tướng: Vũ Đức Nhuận (Giám Đốc ANQĐ)
* Thiếu Tướng: Vũ Ngọc Hoàn (Cục Trưởng Cục Quân Y)
* Đề Đốc: Lâm Ngươn Tánh (Tư Lệnh Hải Quân)
* Đề Đốc: Trần Văn Chơn (Tư Lệnh Hải Quân)

66 Vị Chuẩn Tướng và 10 Phó Đề Đốc.

* Chuẩn Tướng: Albert Nguyễn Cao (Tổng Trưởng Dinh Điền)
* Chuẩn Tướng: Bùi Văn Nhu (Tư Lệnh Phó CSQG)
* Chuẩn Tướng: Chung Tấn Phát (Cựu Tham Mưu Trưởng QĐ & QK IV)
* Chuẩn Tướng: Ðặng Ðình Linh (Tham Mưu Phó Kỹ Thuật và Tiếp Vận (BTL) Không Quân)
* Chuẩn Tướng: Đặng Thanh Liêm (Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung)
* Chuẩn Tướng: Ðỗ Kiến Nhiễu (Đô Trưởng Sài Gòn)
* Chuẩn Tướng:Hồ Trung Hậu (Chánh Thanh Tra QĐIII)
* Chuẩn Tướng: Huỳnh Bá Tính (Tư Lệnh SĐ 3 KQ)
* Chuẩn Tướng: Huỳnh Thới Tây (Tư Lệnh Đặc Cảnh Trung Ương)
* Chuẩn Tướng: Huỳnh Văn Lạc (Tư Lệnh Sư Đoàn 9 BB)
* Chuẩn Tướng: Lê Nguyên Vỹ (Tư Lệnh SĐ 5 BB)
* Chuẩn Tướng: Lê Quang Lưỡng (Tư Lệnh SĐ Nhảy Dù)
* Chuẩn Tướng: Lê Trung Trực (Trưởng Phòng 4, BTTM)
* Chuẩn Tướng: Lê Trung Tường (Tham Mưu Trưởng QĐ III)
* Chuẩn Tướng: Lê Văn Hưng (Tư Lệnh Phó QĐ & QK IV)
* Chuẩn Tướng: Lê Văn Thân (Tư Lệnh Phó Biệt Khu Thủ Đô)
* Chuẩn Tướng: Lê Văn Tư (Tư Lệnh SĐ 25 BB)
* Chuẩn Tướng: Lưu Kim Cương (KĐT Không Đoàn 33 Chiến Thuật)
* Chuẩn Tướng: Lý Bá Hỷ (Tư Lệnh Phó Biệt Khu Thủ Đô)
* Chuẩn Tướng: Lý Tòng Bá (Tư Lệnh SĐ 25 BB)
* Chuẩn Tướng: Mạch Văn Trường (Tư Lệnh SĐ 21 BB)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Bá Liên (Tư Lệnh Biệt Khu 24)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Chấn Á (Cố Vấn tại Nha Chiến Tranh Chính Trị)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Đức Khánh (Tư Lệnh SĐ 1 KQ)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Hữu Hạnh (Tổng Tham Mưu Trưởng)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Hữu Tần (Tư Lệnh SĐ 4 KQ)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Ngọc Oánh (CHT TT HL KQ)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Thanh Hoàng (Chánh Thanh Tra QĐ II)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Thanh Sằng (Tư Lệnh SĐ 22 BB)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Trọng Bảo (TMT SĐ Nhảy Dù)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Tuấn Khải
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Văn Chức (Tổng Cục Trưởng TC Tiếp Vận)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Văn Điềm (Tư Lệnh SĐ 1 BB)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Văn Giàu (Bộ Tư Lệnh Cảnh Lực)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Văn Lượng (Tư Lệnh SĐ 2 KQ)
* Chuẩn Tướng: Nguyễn Văn Phước (Phụ Tá Đặc Biệt Tư Lệnh Quân Khu IV, Đặc Trách Phụng Hoàng)
* Chuẩn Tướng:Nguyễn Văn Thiện (Thị Trưởng Đà Nẵng)
* Chuẩn Tướng: Phạm Duy Tất (CHT Biệt Động Quân QK II)
* Chuẩn Tướng: Phạm Hà Thanh (Cục Trưởng Cục Quân Y)
* Chuẩn Tướng: Phạm Ngọc Sang (Tư Lệnh SĐ 6 KQ)
* Chuẩn Tướng: Phan Ðình Soạn (Tư Lệnh Phó QĐ I & QK I)
* Chuẩn Tướng: Phan Ðình Thứ (Tư Lệnh Phó QĐ II & QK II)
* Chuẩn Tướng: Phan Hòa Hiệp (Trưởng Đoàn LHQS 2 Bên)
* Chuẩn Tướng: Phan Phụng Tiên (Tư Lệnh SĐ 5 KQ)
* Chuẩn Tướng: Phan Tử Nghi
* Chuẩn Tướng: Phan Xuân Nhuận (Tư Lệnh SĐ 1 BB)
* Chuẩn Tướng: Trần Ðình Thọ (Trưởng Phòng 3 Bộ TTM)
* Chuẩn Tướng: Trần Quang Khôi (CHT Lực Lượng Xung Kích QĐ III)
* Chuẩn Tướng: Trần Quốc Lịch (Chánh Thanh Tra QĐ IV)
* Chuẩn Tướng: Trần Văn Cẩm (Phụ Tá HQ BTL QĐ II & QK II)
* Chuẩn Tướng: Trần Văn Hai (Tư Lệnh SĐ 7 BB)
* Chuẩn Tướng: Trần Văn Nhựt (Tư Lệnh SĐ 2 BB)
* Chuẩn Tướng: Trang Sĩ Tấn (Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Đô Thành)
* Chuẩn Tướng: Trương Bảy (Chỉ Huy Trưởng Cảnh Lực)
* Chuẩn Tướng: Trương Hữu Đức (Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 52)
* Chuẩn Tướng: Từ Văn Bê (CHT BCH Kỹ Thuật và Tiếp Vận Không Quân)
* Chuẩn Tướng:Võ Dinh (TMT BTL Không Quân)
* Chuẩn Tướng: Vũ Đức Nhuận (Giám Đốc ANQĐ)
* Chuẩn Tướng: Vũ Văn Giai (Tư Lệnh SĐ 3 BB)
* Phó Đề Đốc: Diệp Quang Thủy (Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Hải Quân)
* Phó Đề Đốc: Đặng Cao Thăng (Tư Lệnh Hải Quân Vùng IV Sông Ngòi)
* Phó Đề Đốc: Đinh Mạnh Hùng (Phụ Tá Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Lưu Động Sông)
* Phó Đề Đốc:Hồ Văn Kỳ Thoại (Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải)
* Phó Đề Đốc: Hoàng Cơ Minh (Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải)
* Phó Đề Đốc: Nghiêm Văn Phú (Tư Lệnh Lực Lượng Tuần Thám)
* Phó Đề Đốc: Nguyễn Hữu Chí (Phụ Tá Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Lưu Động Biển)
* Phó Đề Đốc: Nguyễn Thành Châu (Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện HQ Nha Trang)
* Phó Đề Đốc: Vũ Đình Đào (Tư Lệnh Vùng 3 Duyên Hải)
* Phó Đề Đốc: Huỳnh Mai
Nguồn: http://vietnamlibrary.informe.com/danh-snoch-t-ng-lnonh-vnch-1955-1975-dt1958.html



Đáp lời sông núi


http://www.youtube.com/watch?v=0zSFve8xtKc