Sunday, May 18, 2008

Phỏng vấn tác giả "Đóa Hồng Gai"

SÀIGÒN TIMES Thứ Năm 10-4-2008
Phỏng vấn Bà Nguyễn Thanh Nga
Cựu nhân viên Uỷ Ban Tình Báo Hỗn Hợp Phượng Hoàng - Tác giả "Ðoá Hồng Gai"

Hữu Nguyên

Lời giới thiệu: Do bản chất độc ác, bất nhân và phản dân tộc của những người cộng sản, lịch sử của dân tộc Việt Nam từ thập niên 1930 trở đi đã trải qua không biết bao nhiêu bi kịch, trong đó mỗi gia đình, mỗi thân phận không ít thì nhiều, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, đều là nạn nhân của cộng sản. Xuyên suốt những năm tháng đầy bi kịch đó, đã có không biết bao nhiêu người con yêu của tổ quốc, anh dũng chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản trên nhiều mặt trận, trong nhiều cương vị khác nhau. Sau khi cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam vào tháng 4 năm 1975, những người Việt yêu nước lại tiếp tục can đảm chiến đấu chống cộng sản trên khắp mọi miền của đất nước, từ lao tù cải tạo đến thành phố, nông thôn, trong rừng sâu ... và ngay cả tại hải ngoại. Trong số những tấm gương can đảm, anh hùng, bền bỉ chiến đấu chống cộng sản, gần đây dư luận người Việt hải ngoại đều ngưỡng mộ và khâm phục khi nhắc đến Bà Nguyễn Thanh Nga, cựu nhân viên Uỷ Ban Tình Báo Hỗn Hợp Phượng Hoàng trước 1975, chiến sĩ phục quốc sau 1975, và là người tù cải tạo bất khuất trong suốt 10 năm trời trong lao tù cộng sản. Ðặc biệt, vì luôn luôn ấp ủ sứ mạng "ghi lại những biến cố lịch sử đã chứng kiến trên đất nước để cho các thế hệ mai sau và thế giới biết rõ những gì đã xẩy ra trên quê hương", nên ngay khi ra hải ngoại, Bà đã chăm chỉ làm việc và hoàn thành cuốn hồi ký "Ðoá Hồng Gai". Nhân dịp Bà viếng thăm Úc Châu, ra mắt cuốn hồi ký, Sàigòn Times đã phỏng vấn Bà qua email. Sàigòn Times chân thành cảm ơn thì giờ quý báu của Bà, và sau đây xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả những suy tư cùng tâm tình vô cùng cảm động của Bà.

SàiGòn Times: Xin Bà cho biết tóm lược tiểu sử cùng hoàn cảnh và lý do khiến Bà trở thành nhân viên của Ủy Ban Tình Báo Hỗn Hợp Phượng Hoàng?

Bà Nguyễn Thanh Nga (B. NTN):
Thưa tôi tên Nguyễn thị Thanh Nga, sinh tại Lộc Vỉnh, Thường Ðức, Quảng Nam. Năm 19 tuổi tôi làm công chức cho Nha Ðại Diện Bộ Phát Triển Nông Thôn Quân Khu I. Khi chiến dịch Phượng Hoàng có sự phối hợp nhiều Cơ Quan, tôi được Ðại Tá Hà Thúc Sanh cử đi làm Ðại Diện cho Cơ Quan nầyvà làm việc tại Văn Phòng Thường Trực Ủy Ban Phượng Hoàng Quân Khu I.

SGT:
Trong bài giới thiệu tác phẩm "Ðóa Hồng Gai" của Bà, LS Hoàng Duy Hùng có đề cập đến những kỷ niệm kinh hoàng về tội ác của cộng sản mà Bà đã chứng kiến khi còn nhỏ. Xin Bà kể lại một, hai vụ đáng nhớ nhất?

B. NTN:
Khi còn là một cô bé hơn 11 tuổi, tôi đã chứng kiến nhiều chuyện Cộng Sản đã gây ra cho quê hương tôi. Sau đây là một vài thí dụ diển hình. Chuyện kinh hoàng đầu tiên mà tôi biết được là vụ giết Linh mục Nguyễn Hữu Ngợi và anh Phan Hậu ở nhà thờ Ngọc Kinh năm 1963.

Theo những gia đình ở cạnh nhà thờ Ngọc Kinh kể lại, vào khoảng 1 giờ 30 sáng, anh Phan Hậu đang ngủ ở phía sau nhà xứ, nghe có tiếng gọi cửa, anh lấy khẩu súng và lên đạn rồi cầm súng ra mở cửa. Anh vừa hé cửa thì một tràng tiểu liên bắn xối xả vào anh. Anh la lên "Con chết rồi cha ơi!", rồi ngã gục xuống. Thì ra chúng biết anh Phan Hậu là người bắn rất giỏi, nên chúng phải ra tay trước.

Nghe tiếng súng nổ và tiếng kêu của anh Hậu, Linh mục Ngợi vùng dậy và bước ra chỗ anh Hậu đang nằm, ban phép giải tội cho anh. Ngay lập tức, một toán Việt Cộng xông vào và buộc ngài phải đi theo họ. Khi ra khỏi cửa được vài thước, Linh mục Ngợi yêu cầu họ cho trở lại nhà lấy sách kinh và ít đồ đạc, nhưng chúng không cho. Linh mục Ngợi liền nói với chúng rằng Linh mục không đi đâu cả, Linh mục phải ở lại đây với giáo dân. Chúng liền xả súng bắn. Linh mục ngã gục ngay trước sân nhà thờ. Sau đó chúng bỏ đi. Trước khi giết Linh mục Ngợi, người ta có nghe tiếng một tên hỏi lớn: "Ngợi! Mày biết ta là ai không?"

Một câu chuyện khá ở trong gia đình tôi: Một hôm, anh Trừng mới bước vào nhà thì trời mưa tầm tã. Anh định thay áo quần để đi ăn cơm thì có tiếng chó sủa rất lạ. Anh hé cửa nhìn ra phía trước nhà thì thấy công an đang kéo tới bao vây chung quanh nhà, anh liền tung cửa sau nhà chạy trốn, nhưng anh vừa mới chạy được mấy thước thì công an bắn theo. Anh bị chết tại chỗ.

SGT: Ðược biết, trong số những nạn nhân bị CS tàn sát lúc đó, có cả thân phụ của Bà là cụ Nguyễn Khánh Cống. Kỷ niệm kinh hoàng và đau lòng này đã xảy ra như thế nào, thưa Bà?

B. NTN: Thân phụ tôi chỉ là một điền chủ, theo đạo Thiên Chúa, ông không tham gia đảng phái chính trị nào. Chỉ vì không hợp tác với chúng nên chúng ghép vào thành phần ác ôn rồi tìm cách bắt giết. Hôm đó, khi mọi người trong gia đình tôi đang ngồi ăn cơm trưa thì nghe có tiếng chó sủa. Nhìn ra ngoài, công an Việt Cộng đã vây đầy quanh nhà. Chúng nhảy vào bắt trói thầy tôi dẫn đi. Thầy tôi cứ trì lại không chịu đi và nói: "Các anh cứ giết tôi đi. Tôi không muốn đi đâu hết!" Mấy tên cán bộ võ trang cứ đẩy thầy tôi đi. Thầy tôi dùng tất cả sức lực trụ người lại, còn mẹ tôi và chị tôi ôm chặt lấy thầy tôi. Bỗng có tiếng súng nổ. Mẹ và chị tôi buông tay ra. Nhìn lại, thầy tôi bị bắn ở chân. Sau đó, chúng kéo lê thầy tôi đi. Thầy tôi la lớn: "Các anh giết tôi đi! Tôi muốn chết tại đây! Tôi không muốn đi ..." Một tên công an đứng chận không cho chúng tôi chạy theo. Tiếng la của thầy tôi mỗi lúc một nhỏ dần ... Mẹ tôi, chị tôi và tôi chỉ còn biết ôm nhau khóc....

Hơn một tháng sau, vào một buổi tối, Việt Cộng lại đột nhập vào làng tôi, bắc loa đọc thông báo: "A lô, A lô! Ðây là Giải Phóng Quân, xin thông báo cho đồng bào trong xã biết: Tên ác ôn địa chủ Nguyễn Khánh Cống đã bị Giải Phóng Quân tuyên án tử hình. Bản án này đã được Giải Phóng Quân thi hành, nhưng vì lý do an ninh nên không hành quyết tên ác ôn này trước đồng bào. Nay xin thông báo để đồng bào được biết".

Sau khi Việt Cộng chiếm miền Nam, một bạn tù nhân được cộng sản trả tự do biết rõ trường hợp thầy tôi bị giết đã tìm đến nhà tôi kể lại cho gia đình tôi nghe như sau: Thầy tôi, ông Sính và ông Phan Bài, cựu Xã Trưởng, bị giam khoảng 10 ngày thì bị đưa ra xử và bị tuyên án tử hình. Chúng không bắn chết hay chặt đầu như đa số người khác mà đưa vào một khu rừng sâu, trói mỗi người vào một thân cây, không cho ăn uống gì cả. Ðợi khi nào chết, chúng mở trói rồi hất xuống một cái hố đã đào sẵn và lấp đất lại ...

SGT: Xin chân thành chia buồn cùng Bà và gia đình. Thưa Bà, trở lại thời gian làm việc cho Ủy Ban Tình Báo Hỗn Hợp Phượng Hoàng, Bà có những kỷ niệm gì đặc biệt?

B. NTN:
Trong thời gian làm việc tại Văn Phòng Thường Trực Ủy Ban Phượng Hoàng Quân Khu I, tôi có một kỷ niệm vui vui như sau: Khi ông Trung Tá Holland cố vấn Mỹ về nước, Văn Phòng Phượng Hoàng có tặng hoa đưa tiễn ông. Tôi là người cầm bó hoa trao tặng ông. Ông có hỏi tôi, cô Nga muốn gì. Thấy khẩu súng ông đang đeo nho nhỏ xinh xinh, tôi nói tôi muốn khẩu súng đó. Ông liền rút khẩu súng ra và trao cho tôi. Các sĩ quan trong Ủy Ban Phượng Hoàng cho tôi biết đó là khẩu Browning.

SGT: Bà hoạt động trong Chương Trình Phượng Hoàng cho tới năm 1974 thì chấm dứt vì Nha Ðại Diện Bộ Phát Triển Nông Thôn bị giải tán, nguyên do chính yếu là Việt Cộng làm áp lựctrong Hiệp Ðịnh Paris 1973 yêu cầu Hoa Kỳ và VNCH phải hủy bỏ chương trình này thì mới đàm phán. Như vậy xin Bà cho biết, chương trình Phượng Hoàng đã là một trở ngại lớn đối với VC như thế nào?

B. NTN: Phượng Hoàng là cơ quan tình báo hỗn hợp, có nhiều đại diện của các ngành khác nhau phối hợp, có nhiệm vụ cập nhật các bản tin, lượng giá và vô hiệu hóa các cơ sở hạ tần của cộng sản. Nhờ các hoạt động này, nhiều tổ chức của Cộng Sản đã bị phát hiện và thanh toán. Tầm hoạt động của cơ quan Phượng Hoàng rất đa dạng, tôi không đủ tư cách để nói, nên tôi chỉ tóm lược như trên. Tôi nghĩ rằng những người có thẩm quyền nói về vấn đề này phải là những viên chức cao cấp hơn như Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình hoặc Tướng Trang Sĩ Tấn. Hai vị Tướng nầy có đến tham dự những buổi ra mắt sách "Ðóa Hồng Gai" của tôi tại Hoa Kỳ để ủng hộ tinh thần tôi.

SGT: Nghe nói, sau 30/4/1975, Bà đã tham gia phục quốc, rồi bị CS bắt và hành hạ?

B. NTN: Thưa không phải vậy. Tôi xin nói rõ, sau 30 tháng 4 năm 1975, tôi không bị bắt vì hoạt động trong tổ chức Phục Quốc vì Công An không biết. Việc tôi bị bắt là do chính quyền địa phương theo dõi và tầm nã bắt tôi về tội làm việc cho cơ quan Phượng Hoàng mà trốn không đi trình diện, chứ không phải bắt vì tôi hoạt động cho Phục Quốc.

Trong thời gian lấy lời khai, Công An đã áp dụng tất cả mọi biện pháp để khai thác, chẳng hạn như: Tên Phạm Tiến, người cao, gầy, nước da ngăm đen, mặt lúc nào cũng lạnh lùng, thường tra khảo tôi rất gắt. Mỗi lần tôi trả lời điều gì mà hắn không vừa ý, hắn thường nhìn chòng chọc thẳng vào mặt tôi như muốn ăn tươi nuốt sống, miệng quát lớn: "À! Chị ngoan cố hả? Rồi chị biết tay tôi." Rất nhiều lần hắn tát tai tôi. Có lần, Phạm Tiến đã đứng dậy thoi thẳng vào mặt tôi. Tôi choáng váng mặt mày, máu mũi trào ra. Tôi đã phải trải qua hàng trăm giờ bị chất vấn về đủ thứ chuyện không đâu vào đâu, và phải lãnh nhận không biết bao nhiêu lời nhục mạ, phỉ báng, dọa nạt cũng như những lời châm biếm, diễu cợt.

Nhưng tại nạn đã gây khủng khiếp cho đời tôi và biến tôi thành kẻ tàn phế vĩnh viễn: Một hôm tôi bị lên cơn sốt nặng, xin nghỉ đi lao động, nhưng tên cán bộ quản giáo là Thiện không cho, bắt tôi phải vào toán gánh lúa vào kho. Không may cho tôi là tên cán bộ Trương Thị Thanh Tặng, một người có nhiều ác cảm với tôi, lại đang trông coi toán này. Tặng bắt mỗi người phải gánh mỗi chuyến 40 kg lúa, nhưng hôm đó tôi bị sốt, sức rất yếu, tôi chỉ có thể gánh 30 ký. Tặng gọi tôi đứng lại và quở mắng tôi. Nghe y thị nói xong, tôi bước đi với gánh lúa trên vai, không nói một lời nào. Tặng liền gọi giựt lại. Tôi chưa kịp ngừng thì Tặng chạy theo kéo gánh của tôi lại. Tôi đang lên dốc với gánh lúa 30 kg trên vai nên mất thăng bằng, té ngã xuống hố, thân mình đau đớn, không đứng dậy được. Qua biến cố này, tôi bị gãy xương háng, nhưng không được cho đi chữa trị, nên trở thành tàn phế.

SGT: Thưa Bà đã sang Mỹ vào năm nào, trong hoàn cảnh nào?

B. NTN: Tôi đến Mỹ theo chương trình H.O.10, vào tháng 11 năm 1992. Ðiều khó khăn đối với tôi là lập hồ sơ xuất cảnh, vì giấy tờ bị mất hết. Tôi phải đút lót tiền cho các nhân viên giữ hồsơ,mớixinđượcbảnsaomộtsốgiấy tờ cần thiết.

SGT: Ðộng cơ nào khiến Bà viết hồi ký "Ðóa Hồng Gai"? Trong thời gian viết, Bà đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì? Qua hàng loạt kỷ niệm được trình Bày trong cuốn hồi ký, kỷ niệm
nào khiến Bà xúc động nhất?


B. NTN: Tôi đã có ý định viết hồi ký từ khi còn ở trong tù để cho các thế hệ mai sau biết được những gì đã xẩy ra dưới chế độ cộng sản. Tôi gặp thuận lợi là những điều tôi viết ra đều là những điều tôi đã chứng kiến hoặc tôi chính là nạn nhân. Vấn đề là phải viết như thế nào để độc giả và các thế hệ mai sau có thể thấy rằng tôi đã ghi lại những sự kiện lịch sử một cách khách quan, không bị chi phối bởi lòng hận thù. Khi viết cuốn hồi ký này, khi viết đến thân phụ và thân mẫu tôi, tôi bị xúc động mạnh nhất. Tôi phải dừng lại nhiều lần để gạt nước mắt sau đó mới viết tiếp.
SGT: Hoàn cảnh gia đình của Bà hiện nay ra sao, và những dự định trong tương lai gần và xa của Bà như thế nào?

B. NTN: Năm1975, khi bị bắttôi mới 24 tuổi, chưa có gia đình, chỉ có người yêu. Nhưng khi tôi bị tù, người từng nói yêu tôi cũng quay mặt đi. Ra khỏi tù, tôi bị tàn phế, nên không thể lập gia đình được nữa. Tôi còn mấy người chị hiện đang sống tại Việt Nam. Chồng của các chị là Sĩ Quan hay Hạ Sĩ Quan, nhưng có người đã tử trận trước 1975và cũng có người đi tù mấy năm về rồi bệnh chết. Do đó, hoàn cảnh của các chị tôi rất đáng thương. Tôi rất buồn vì tôi không làm gì được để giúp họ, vì tôi đang là người tàn phế. Tương lai, tôi ao ước cuốn hồi ký của tôi được dịch ra tiếng Anh để người ngoại quốc có thể biết rõ hơn thân phận của người dân Việt Nam dưới chế độ cộngsản.Tôi đang cố gắng để việc này được thực hiện.
SGT: Cuối cùng, xin Bà cho biết, qua cuốn hồi ký "Ðóa Hồng Gai", Bà muốn ký thác tâm sự gì với quý đồng hương?

B. NTN: Thưa quý vị, như đã nói trên, qua cuốn Hồi Ký Ðóa Hồng Gai, tôi muốn nói với đồng hương hải ngoại rằng chúng ta phải cố gắng hơn nữa để sớm giải phóng quê hương khỏi chế độ cộng sản. Tôi cũng mong những người khác sẽ ghi lại những biến cố lịch sử mà họ đã chứng kiến trên đất nước để cho các thế hệ mai sau và thế giới biết rõ những gì đã xẩy ra trên quê hương chúng ta. Nhân đây tôi xin trân trọng kính mời đồng hương vui lòng bỏ chút thì giờ đến dự buổi ra mắt tác phẩm "Ðóa Hồng Gai" của tôi.

SGT: Chân thành cảm ơn thì giờ quý báu của Bà, và kính chúc Bà thành công trong chuyến viếng thăm và ra mắt sách tại Úc.

Hữu Nguyên

No comments: