Sưu tầm
Trong quân sử của cuộc chiến Quốc Cộng kéo dài từ 1954 -1975, có khá nhiều chiến công hiển hách của những đơn vị, của từng cá nhân QLVNCH. Người lính miền Nam từ cấp chỉ huy đến hàng binh sĩ đã lập và ngăn chặn từng đợt xâm lăng từ miền Bắc Việt Nam, người anh em cùng chung huyết thống, cùng mang dòng máu Lạc Hồng, nhưng đã đánh mất tình người - U mê với chủ thuyết không tưởng cộng sản, bằng vỏ khoác thế giới Đại Đồng, nhưng thật ra là tàn bạo, dã man và đê hèn mới chính là điều căn bản của họ. Và đau đớn biết bao, từ thế hệ này đến thế hệ khác, thanh niên miền Nam cùng nhau gia nhập quân ngũ, dắt dìu nhau vào nơi lửa đạn, để truy diệt kẻ xâm lược. Từng gia đình, từng cá nhân mặc nhiên chấp nhận sự thua thiệt, mọi thương đau, đem sức mình đóng góp vào cuộc chiến ngăn chặn ấỵ Những mong có một ngày kẻ giao rắc tai ương cho dân tộc sẽ nhận ra sự phi lý, nhận ra thân phận mình đang dùng súng đạn để tương tàn, nhận chìm Tổ quốc, dân tộc vào vũng lầy của máu, của thịt da mình chính mình và rồi họ cũng sẽ nhận ra chiến tranh phi nghĩa do họ khởi xướng đã hủy hoại tàn nhẫn quê hương, chung quy chỉ vì muốn áp đặt chủ nghĩa chính trị không giống ai, nó chỉ là mục đích phục vụ cho mưu đồ của ngoại nhân. Và họ sẽ từ bỏ giấc mơ điên cuồng, cả hai bên cùng gác súng, trở về chính mình chung lo gây dựng những đổ nát hoang tàn, chữa trị những vết thương đang hóa dòi trên thân thể Mẹ già Việt Nam. Thật phũ phàng và cay đắng, tất cả chỉ là ác mộng, đã thắt cổ chết treo cho mọi mơ ước, mọi cầu mong của dân Việt. Cuộc chiến cũng đã chấm dứt, tiếng súng cũng đã thôi vang vọng bên tai mọi người.
Nhưng ngay khi tiếng súng vừa im lặng trên quê hương, cũng là lúc bạo tàn tủi nhục và nước mắt được đong đầy, ngập khắp lãnh thổ miền Nam, đâu đâu cũng chỉ thấy vang lên tiếng than, tiếng khóc. Nỗi thống khổ nặng như tảng đá đè trên thân xác mỗi người, lù lù trong mỗi gia đình một tiền oan nghiệp chướng. Người lính VNCH phải buông súng trong tức tưởi nghẹn uất, có người còn ngơ ngác hỏi: Lẽ nào ta lại quy hàng? Trong tất cả các bài học về quân sự, mọi binh thư binh thuyết, những huấn luyện của thượng cấp đã có người lính nào nghe thấy một lời nhắc đến sự quy hàng? Thế mà bây giờ họ lại được lệnh gác súng. Không đau không uất sao được. Tất cả quân nhân VNCH, không riêng một ai từ chiến binh đến hàng tướng lãnh đều chung nỗi đau chảy máu. Trong nỗi đau, sự ngỡ ngàng, uất nghẹn ất đã có rất nhiều quân nhân QLVNCH tuẫn tiết để trọn nghĩa nặng với non sông đất nước, chẳng riêng năm vị tướng anh hùng mà còn rất nhiều mgười đã chọn cái chết để tạ lỗi với quê hương với dân tộc. Như trường hợp một hạ sĩ quan nhất định không cởi bỏ binh phục, đã tự cho nổ trái lựu đạn, thân xác tan nát trước sự bàng hoàng và kính phục lẫn thương xót của hai đồng đội và dân chúng ngay trước cửa tiệm phở đường Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận và như câu chuyện nước mắt và bi hùng của năm người lính Nhẩy Dù, sau khi nhận được lệnh buôn súng, họ đã cùng nhau uống những giọt cà phê cuối cùng trong bi đông, hút điếu thuốc quân tiếp vụ chót, xé bao lấy cái hình người lính trong tư thế tác chiến, dưới bóng Quốc Kỳ, bỏ vào túi áo ngực của mỗi người.
Sau cùng, họ: Năm người chiến binh Mũ Đỏ dõng dạc nói với những người dân cư ngụ chung quanh gần hồ tắm Cộng Hòa, gần Ngã tư Ông Tạ đang thập thò nhìn coi họ sẽ làm gì: “Vĩnh biệt bà con, chúc bà con ở lại mạnh khỏe và may mắn. Xin bà con dang xa chúng tôi để tránh sự nguy hiểm”. Mọi người còn ngơ ngác, cứ tưởng anh em bảo họ tránh xa làn đạn giao tranh. Nào ngờ năm người lính Mủ Đỏ đã ngồi xuống thành vòng tròn, lấy từ trong ba lô ra Quốc Kỳ VNCH, trải trên mặt đất. Cả năm người cùng dang rộng vòng tay rút chốt trái lựu đan, bỏ lên lá cờ và cùng nhau gục xuống. Tiếng nổ đanh gọn, kết thúc cuộc sống của họ. Thịt da tan nát cùng lá Quốc Kỳ. Họ ra đi chỉ cách nhà Mẹ tôi có chừng 100 mét. Người dân thương xót họ nhưng chỉ dám khóc thầm. Giặc đã vào đến tận nhà. Đồng lúc ấy, cộng quân cũng bắt đầu trả thù, khởi sự báo oán trên sinh mệnh người lính VNCH và trên sự an toàn hạnh phúc của dân chúng miền Nam, cùng đi song hành với sự trả thù hèn hạ, tàn bạo là những tấm gương bất khuất của người lính, thà chết chứ nhất định không đầu hàng giặc.
Sự anh dũng hy sinh đã diễn ra khắp trên bốn vùng chiến thuật và trong tất cả các quân binh chủng, chủ lực, quân sự, bán quân sự, thậm chí ngay cả anh nhân dân tự vệ nhà ở Cống Bà Xếp – Hòa Hưng - đã treo cổ chết nơi sau nhà để khỏi bị giặc hành hạ. Tại đây tôi chỉ xin kể lại một tấm gương can đảm và anh dũng, bất khuất của một Biệt Động Quân, chính anh đã hứng chịu sự trả thù và cả gia đình anh cũng không thoát khỏi sự hành hạ tinh thần liên tục. Sự trả thù đáng được gọi là điển hình theo quan niệm của cộng sản. Người anh hùng đó là Thiếu tá Trần Đình Tự – Tiểu Đoàn Trưởng tiểu đòan 38/BĐQ - Liên Đoàn 32 BĐQ (Liên Đoàn 5 cải danh). Trước khi nói về ái chết bi thương của Tự, xin cho tôi được viết vài dòng ngược về dĩ vãng đời anh, theo như thân mẫu anh cho biết.
Trần Đình Tự sinh năm 1943 ở Hà Nội, lúc nhỏ học trường tiểu học Ngô Sĩ Liên – phố Hàm Long – nhưng nhà lại ở khá xa, mãi tận phố Hàng Than, nhưng rất chịu khó đi bộ một mình đến trường mà không phải phiền ai đưa đón. Thân phụ của Tự là công chức, làm việc trong Tòa Thị Chính Thành Phố; thân mẫu Tự là giáo viên, bà dạy tại trường tiểu học ngoại ô Hà Nội. Có lẽ sinh hoạt hàng ngày va cuộc đời Tự là do sự giáo dục của gia đình ảnh hưởng trực tiếp từ bà Mẹ: trầm lặng và ngăn nắp. Năm 1954, được 11 tuổi, Tự được Cha, Mẹ đem vào miền Nam theo cuộc di cư vĩ đại của người Việt. Tại Saigòn Tự học trung học nơi ngôi trường có truyền thống giáo dục tốt đẹp vì trước kia thuộc hệ thống giáo dục và quản trị của giáo hội công giáo Việt Nam trường Hồ Ngọc Cẩn. Và cũng theo lời thân mẫu anh thì ngay từ lúc mới biết làm toán Tự rất giỏi môn toán, mỗi năm mỗi lớp Tự luôn đứng số một, các môn còn lại thì Tự luôn luôn kém hoặc chỉ ở trung bình mà thôi. Mọi chuyện đã tưởng cứ bằng phẳng theo dòng đời, nhưng sau khi đậu xong tú tài toàn phần ban toán Tự sẽ lên Đại Học tiếp tục con đường học vấn, vì chưa đến tuổi nhập ngũ như luật định, anh đã không làm theo những mong muốn của Cha Mẹ. Tự đã làm đơn nộp Bộ Quốc Phòng xin được nhập ngũ để được theo học khóa 14 sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, điều này đã tao ra nỗi phiền lòng của gia đình trong một thời gian khá dài.
Mãn khóa, Trần Đình Tự được bổ sung về Trung tâm Huấn Luyện Chi lăng , ở miền Tây Nam phần cũng sáu tháng sau, Tự lại gây ưu phiền cho gia đình, nhất là với Mẹ già. Anh làm đơn xin gia nhập binh chung Biệt Động Quân. Trần Đình Tự được tại nguyện. Tự đã đậu thủ khoa trường sinh ngữ Quân Đội và được cử đi học khoá huấn luyện chỉ Huy “Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy” tại tiểu ban Kentucky Hoa Kỳ trong vòng một năm (1968). Ngày tôi hết phép mãn khóa SQTB/TĐ, về trình diện Tiểu Đoàn 33/BĐQ ở Biên Hòa, Tự đã có mặt tại đơn vị này từ lâu rồi. Nhớ lại, lần đầu tôi gặp Trần Đình Tự, tôi chào anh theo quân cách, Tự không chào đáp lại, mặt nghênh nghênh và cổ thì quẹo qua một bên – vẽ cao ngạo –Tôi ghim trong đầu, và tự nhiên thấy có thành kiến: Tự khinh người và thế là tôi cũng thấy không thích Tự, quẩn quanh với ý tưởng có dịp sẽ chơi lại. Tôi đem chuyện này nói với vị sĩ quan đàn anh và cũng là thầy dạy tôi trong trường sĩ quan Thủ Đức, tôi than phiền về thái độ ngạo mạn của Tự, vị sĩ quan đàn anh cười ngất “tội nghiệp nó, không phải phải nó hay nghênh hay kêng kiệu gì đâu. Niễng niễng cần cổ là có tật đấy, có lẽ lúc nhỏ bị gió máy nên mới vậy. Bản tính nó trầm lặng, không phải nó ngạo mạn. Tôi biết tính nết Tự rất nhiều” và anh khuyên tôi ráng hoà nhập với đời sống quân ngũ rồi sẽ quen.
Thời gian qua đi theo năm tháng, chúng tôi sống, phục vụ trong cùng đơn vị đã đến vị chỉ huy thứ tư, và cũng đã có rất nhiều đổi dời trong đơn vị, nhiều chiến hữu đồng đội đã ra đi, chuyển đến đơn vị mới, có nhiều anh em hành quân đã ở lại với cây cỏ, núi rừng không chịu về với đồng đội nữa. Thời gian này Tự là ĐĐT/ĐĐ3/TĐ33 và tôi là chỉ huy ĐĐ4. Hai đứa chúng tôi đã là bạn thân cùng nhau dong duổi trên các miền lửa đạn. Năm 1971 trong chiến dịch hành quân ngoại biên –QLVNCH mở những cuộc hành quân sang tận Campuchia, truy diệt và tiêu hỷ những căn cứ cộng sản VN. Tháng 2 năm 1971, trong cuộc hành quân trực thăng vận nhẩy vào căn cứ của SĐ7 cộng sản (công trưòng 7). Trong lúc giao tranh, Tự bị trúng mảnh đạn súng cối vào đầu, Anh được trưc thăng tải thương về tổng Y Viện Cộng Hòạ Tự rời TĐ 33 BĐQ từ đó.
Mùa hè 1972, cộng sản Bắc Việt dùng đại quân ồ ạt tấn công trên khắp mặt trận, nặng nhất là Quảng Trị, hàng chục sư đoàn vượt sông Bến Hải, vượt biên giới Việt Lào đồng loạt tiến công như cuồng lưu, như biển rộng. Do đó Bộ TTM/QLVNCH đã điều động LĐ5 BĐQ không vận ra tăng cường cho mặt trận Quảng Trị. Ngay từ lúc LĐ5 vừa đến nơi được chỉ định thì đã gặp SĐ 308 tổng trừ bị của CS, với tất cả ưu thế về hoả lực và quân số sư đoàn này đã điên cuồng tấn công LĐ5 BĐQ, với sự chênh lệch quá xa về lực lượng đã khiến LĐ 5 vừa đánh vừ lui dần về phía sau để chờ tăng viện nhưng khi đến khu vực cầu Trường Phước, đoạn QL 1 cũ, LĐ 5 đã bị chặn bởi 2 trung đoàn địch có tăng cường đại pháo và xe tăng. Địch đánh cả hai mặt Tây và Tây Bắc. TĐ 38 BĐQ do Thiếu tá Vũ Đình Khang chỉ huy, Trần Đình Tự là sĩ quan hành quân (trưởng bản Tiểu Đoàn ) nhận được lệnh của Trung tá LĐ trưởng Ngô Minh Hồng, phải đánh cản hậu, tìm cách chặn đứng sức tấn công cuồng bạo của địch để LĐ rút qua sông (Gồm TĐ 30, 33 và BCH LĐ. Tiểu đoàn 38 đã hoàn thành trách nhiệm, riêng hai vị sĩ quan đầu đàn của đơn vị cũng hoàn thành trách nhiệm là ở lại sau cùng để “con cái” qua sông an toàn, phút chót chính hai ông thẩm quyền Vũ Đình Khang và Trần Đình Tự lọt vào tay giặc – trở thành tù binh – với lý do thật lãng xẹt cả hai ông đều không biết bơi, đang lay hoay cùng mấy người hộ tống nghĩ kế vượt con “rắn lục” thì bị giặc cõng ngược về hướng Bắc để qua sông bến Hải dong duổi tuốt về tận tỉnh Lạng Sơn, nơi có những nhà tù đã được thiết lập.
1973 Hiệp định Paris – ngưng bắn. Chiến tranh coi như chấm dứt, hai bên cùng ở yêu tại chổ của mình. Trao đổi tù binh, Trần Đình Tự trở lại với gia đình mũ nâu gắn bó đời mình với binh chủng Biệt Động Quân. Anh được thăng hàm Thiếu tá và được bổ nhiệm là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 38 BĐQ thay thế Thiếu tá Vũ Đình Khang, được cử đi LĐ 4 BĐQ làm TĐT tiểu đoàn khác. Nói là ngưng bắn nhưng thực tế chiến tranh vẫn diễn ra hàng ngày và ngày càng khốc liệt hơn. Thời gian này LĐ5 đã được cải danh thành LĐ 32 BĐQ, đang cùng với các LĐ/BĐQ bạn chịu trách nhiệm bảo vệ tỉnh Bình Long. Mặt trận An Lộc vẫn mỗi ngày nặng nề hơn vì cộng quân gia tăng áp lực, mở những cuộc tấn công liên tục.
Bắt đầu từ tháng 2/1975 trên toàn lãnh thổ VNCH tự nhiên vở ra từng mảng, khởi đầu la Ban Mê Thuộc bị thất thủ. Và, hết nơi này “di tản chiến thuật” đến “tái phối trí”. Liên Đoàn 32 BĐQ nhận lệnh rời bỏ An Lộc để về tái phối trí, thiết lập tuyến phòng thủ bảo vệ tầm xa cho Thủ Đô Sàigòn. Tuyến bố trí quân kéo dài một vòng cung từ Khiêm Hanh (Bầu Đồn) Tây Ninh, chạy qua Suối Cao – tạo thành một con đê chặn đứng cơn nước lũ Cộng sản từ các mật khu Dương Minh Châu, Bời Lời, Bến Súc, Bến Cát (Mật khu Tam giác Sắt), quyết không cho chúng xuôi chảy về Sàigon. Áp lực dù có nặng nề, cường độ giao tranh mỗi ngày một tăng, đạn pháo rơi xuống tuyến phòng thủ liên tục, ngày càng nhiều. Những người lính mũ nâu dưới sự chỉ huy gan dạ của LĐ trưởng Thuận Thiên vẫn giữ vững phòng tuyến – chưa có khúc ruột nào bị cắt đứt hay bị chọc thủng. Các TĐ 33, 38, 30 và Đại Đội trinh sát 5/BĐQ hàng ngày vẫn thi đua luộc những con cua sắt của địch, xe tăng địch bắn tàn sát cho bộ binh tiến lên nhưng cả người và xe cùng nằm lại bên giao thông hào sau khi đã được cho ăn no kẹo đồng.
Lần đầu cũng là lần cuối Trần Đình Tự đã cưỡng lại lệnh của cấp chỉ huy. Sau khi nhận lện buông súng và lời chào từ biệt của LĐT. Tự quay sang Đại uý Xường – Tiểu Đoàn Phó 38/BĐQ: “Đại uý Xường, tôi vừa nhận được lệnh mình phải buông súng đầu hàng. Đây là lần chót và cũng là lệnh anh nói lại cho các Đại Đội Trưởng rõ và thay tôi đợi”. Tụi nó điên nên gặp mình. Tốt nhất là Đại Uý dẫn anh em rút về gần BCH/LĐ đợi tại đó có gì còn dựa vào nhụu. Riêng tôi sẽ ở lại đánh nữa, đánh đến cùng. Tôi không đầu hàng – Tiếp đó Tự cho tập trung BCH/TĐ, trung đội thám báo nói cho họ biết là đã có lệnh đấu hàng, các anh em sẽ làm theo lệnh của Đại Uý Xường , còn ai muốn ở lại cùng chiến đấu với anh đến phút cuối cùng thì đứng riêng qua một bên. Lần lượt số người tách ra khỏi hàng được gần 40 chiến sĩ. Trần Đình Tự đưa tay chào Đại Uý Xường và các quân nhân dưới quyền, rồi dắt những người quyết tử tiến vào khu vực vườn khoai mì, có xen những cây mít, xoài rậm rạp để tiếp tục "ăn thua" với địch. Kết cục cuộc chiến cũng phải chấm dứt. Tự và anh em hết đan, địch tràn ngập, bắt tất cả những người còn sống sót (9 người) giải về sân trường tiểu học gần đấy. Tên chỉ huy của Cộng sản tiến về phía Tự lớn tiếng lăng nhục QLVNCH và chỉ ngay mặt Trần Đình Tự thóa mạ thậm tệ, bắt anh cởi quần áo vì lon Thiếu tá được may dính ngay trên cổ áo. Tự đứng yên, im lặng không nhúc nhích và nhất quyết không làm theo lời địch. Tên chỉ huy rít lên: “đến lúc này mà mày còn ngang bướng hả, đồ ác ôn uống máu người, bè lũ tay sai …. đã có lệnh đầu hàng rồi mà mày còn ngoan cố gây thiệt hại quá nhiều cho bên tao. Nhân danh cách mang ra lệnh cho mày muốn sống thì cởi ngay quần áo và nằm xuống, chúng mày đã bị bắt nghe rõ chưa. Tất cả chế độ ngụy quân, ngụy quyền tay sai của mày đã thua và đầu hàng rồi hiểu không? Tự cười nhếch mép rất đểu “Ai đầu hàng , nhưng tao thì nhất quyết không đầu hàng, bọn bay mới đích đáng là bè lũ ác ôn. Tất cả chúng mày đều là loài lang sói, đê tiện, tội đồ của dân tộc hiểu không?bắt được rồi chúng mày muốn làm gì thì làm, đừng có lải nhải nghe thối tai chịu không được!!”
Tên chỉ huy Việt Công tức tối nhìn Tự với tám quân nhân còn lại và nói: đem những thằng này ra bắn bỏ đi, toàn là lũ ác ôn không đó! Chúng dẫn Tự và các chiến sĩ Mũ Nâu quyết tử ra phía sau trường để bắn xối xả mấy loạt AK. Xác của họ bị quăng xuống đìa gần đó.
Câu chuyện về cái chết bi thương của Thiếu tá Trần Đình Tự được thuật lại bởi Đại Uý Xường trong những ngày ở tù kể cho tôi nghe (Đại Uý Xường cũng chết trong trại này sau nhiều lần vượt ngục không thành. Anh xuất thân từ khóa 22 trường Võ Bị QGVN ( Đà Lạt). Người thứ hai chứng kiến giây phút cuối cùng của Thiếu tá Trần Đình Tự là người lính truyền tin cho TĐT Trần Đình Tự, hắn cũng bị tàn sát cùng một lượt với “ông thày” và những anh em quyết tử khác. May mắn là Đức trọc – tên người lính sau loạt đạn đó chỉ bị thương vào phần bụng … và chân trái, giả chết. Khi Vc bỏ đi xa, Đức ráng bò vào nhà dân, được băng bó, mấy ngày sau họ thuê xe lam chở Đức về Saigon.
Đã 33 năm trôi qua, Trần Đình Tự chắc là đã siêu thoát? Hay còn mang nặng cõi trần vì hận thù ai oán, nỗi thương gia đình còn mang nặng linh hồn nên chẳng về nơi lạc cảnh.
Xin cho Trần Đình Tự và các chiến sĩ Mũ nâu quyết tử một nén hương lòng truy niệm để may ra nỗi hờn căm có phần nàp theo gió bay đi và Tự, các chiến hữu sẽ thênh thang nơi cõi trời cao rộng!!!
Lưu lạc quê người
Sưu tầm - Tháng 4 năm 1975
No comments:
Post a Comment