Sunday, May 4, 2008

Thương Quá Phận Bèo Người Lính Trận

Thương Quá Phận Bèo Người Lính Trận, Những Ngày Lê Lết Kiếp Phế Binh
Mường Giang

Những ngày tháng tư năm đó, không biết sao mà trời bỗng đổ mưa thật sớm và lớn hơn bao giờ hết. Mưa làm ngập những chiếc hố tránh đạn và giao thông hào của những người lính trận, tại các chiến trường máu lệ Phước Long, Phan Thiết, Long Khánh, Hậu Nghĩa, Long An, Phước Tuy, Biên Hòa và Sài Gòn.

Trong cơn mưa nước mắt năm ấy, có máu, thây người và xác của những cánh hoa học trò, làm nhuộm hồng áo người lính và đồng bào chiến nạn, chạy theo cơn mưa, mịt mù đạn pháo.

    "Bồ Đào mỹ tửu, dạ quang bôi
    dục ẩm tỳ bà, mã thượng thôi
    tuý ngọa sa trường, quân mạc vấn ?
    cổ lai chinh chiến, kỹ nhân hồi"

Bốn câu thơ cổ trong bài "Lương Châu Từ" của Vương Hàn (687-726), tự Tử Vũ, người Tấn Dương, tỉnh Sơn Tây, cũng là một trong những thi gia nổi tiếng đời nhà Đường, đã nói lên thân phận của người lính chiến, sống và chết không có biên giới, nên mấy ai dám nghĩ tới chuyện trở về? Và giọt mưa nào đây, vừa lăn trên má, đã khiến cho người lính già bồi hồi nhớ lại, một thời chinh chiến cũ, những căn hầm tránh pháo ngập mưa, những nấm đất đào đấp vội vàng, để vùi bạn vừa ngã gục và những thương binh rên xiết, đang chờ cấp cứu.

Tất cả đã thành cổ tích. Giờ chỉ còn biết ngồi đây mà nhớ lại những ngày xa cũ. Chúng ta, tất cả đều là những người VN tội nghiệp, trót đầu thai lộn trong thế kỷ này, nên đã cùng nối vai lần lượt bước lên những giàn lửa đỏ. Cuối cùng, kẻ chết thì bị dầy mồ, tan xác, còn người sống, nếu không sống kiếp mây chiều lang thang, thì cũng lết lê phận bèo trong vùng giặc chiếm, để gục đầu thương hận, mà khóc cho quê hương vì đâu máu xương chất ngất, vì đâu mà kiếp sống của con người, tới nay vẫn không bằng cây cỏ bên đường.

Tất cả chỉ còn là kỷ niệm trong nhớ, vào những ngày đầu đời, mẹ bỏ con trong gánh, dầm mưa chạy loạn, giữa tiếng bom đạn, máy bay gầm thét, của Việt Minh và Pháp. Tóm lại, chúng ta đều ra đời và trưởng thành trong tiếng súng, cùng với bom đạn làm rách vỡ da thịt của quê hương. Rồi cũng vì người, vì "tang bồng hồ thỉ, nam nhi trái, mà giốc ngược cả tuổi trẻ, đời trai, vào cốc men đắng cay, uống cạn hạnh phúc của chính mình.

Đất nước hai mươi năm chinh chiến, hai mươi năm dài hờn hận, đã dày vò người lính miền Nam, trong mưa bom đạn xéo trùng hằng. Rốt cục những người nằm xuống, những kẻ ra đi hay ở lại chịu cảnh ngục tù khổ sai của VC, ai nấy cũng đã trả xong cái nợ "da ngựa bọc thây", tủi nhìn từng trang lịch sử của nước nhà, bị giặc thù bôi nhọ và khép kín.

Trưa 30-4-1975 Sài Gòn thất thủ, miền Nam VN từ bên này cầu Hiền Lương, trên sông Bến Hải, chạy ngang vĩ tuyến 17, tới mũi Cà Mâu, đã chính thức thuộc về lãnh thổ Xã Hội Chủ Nghĩa, đệ tam quốc tế cộng sản, có tổng đài ở tận Nga Sô Viết. Cũng từ giờ phút đó, khi mà chiếc mặt nạ hòa bình của người cộng sản đã cởi, để lộ những khuôn mặt thật của các thây ma vô hồn, lạnh băng và hung hiểm, thì cũng là lúc, đồng bào mới sực tỉnh và thương tiếc người lính VNCH. Nhưng than ôi tất cả đã muộn rồi, họ đã ngã gục, không phải tại chiến trường vì đạn pháo của VC, mà ngay trên hè phố Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Sài Gòn ... bởi chính những viên đạn ích kỷ, hám danh, những miệng lưỡi ngòi bút, của chính phe mình.

Ai chẳng một lần về với đất ? khác chăng là sớm hay muộn, vinh với nhục và sống chết sao cho ý nghĩa của một kiếp người. Chỉ tội nhất là những người lính chưa chết nhưng coi như đã chết vì thương tật chiến trận và những vết thương lòng. Họ không chết mà chỉ bị thương nặng và tất cả đã gởi lại chiến trường một phần thịt da của mẹ, ở Khánh Dương, Tháp Chàm, Phan Thiết, Xuân Lộc ... và ngay tại Sài Gòn, vào lúc mà cây cột đèn cũng muốn chạy, để khỏi bị VC giết chết. Họ ở lại làm vật hy sinh, cản xe tăng, hứng đại pháo của giặc thù, để kiếm thêm một chút thời gian, một bầu trời an toàn, một dòng sông lặng sóng, giúp cho mọi người, từ dân tới lính, bình yên di tản.

Nay thì từ quan tới lính, ai cũng kiếm cách đi khỏi quê nhà, bỏ lại những bóng ma của quá khứ và những người thương phế binh sống sót, tủi hờn, đang lê lết phận bèo khắp đầu đường xó chợ. Thời gian có thay đổi, lịch sử cũng sang trang nhưng thân phận của người thương binh, chẳng có gì mới lạ, vẫn lấy nước mắt làm mưa, rửa mặt hằng ngày. Buổi trước, khi VC tràn vào, họ bị bỏ lại ở những quân y viện, làng phế binh, không còn đại bàng, đồng đội và hậu phương. Bây giờ thì dần hồi chết đói, chết nhục trong thiên đàng xã nghĩa, trước sự xa hoa thừa mứa của VC, Việt Gian và Việt kiều muôn phương, vinh quy bái tổ, áo gấm về làng, mà trong dòng người đổi đời này, không làm sao mà đếm hết, những cấp chỉ huy và đồng đội cũ.

"Có làm lính mới cảm thông cho kiếp lính nghiệt ngã, đoạn trường. Có làm dân thời ly loạn, mới biết được thế nào là mạng sống của con người, giữa bom đạn vô tình, héo úa còn thua cây cỏ. Có là người thương phế binh, sau khi xuất viện, bỏ lại một phần cơ thể, mới thật tội nghiệp cho tuổi trẻ bạc phước vô phần. Thê thiết tận cùng là đời của người lính về chiều lại còn mang thương tật. Hỡi ôi những mảnh đời cùng khốn ấy rồi sẽ đi về đâu, trong cảnh mưa gió phũ phàng của cuộc đời ?

    "ngày xưa, là lính vì đời chiến đấu
    là cầu đem người sang sông
    hôm nay làm ma cô đơn, gục chết bên vệ đường ..."

1. THÂN PHẬN CỦA NGƯỜI LÍNH VNCH:

Ngay khi VC chiếm dinh Độc lập, vào buổi trưa ngày 30-4-1975, thì tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Đại sứ VNCH là Trần Kim Phương, đã nghẹn ngào tuyên bố trước báo chí Mỹ: "làm đồng minh với Hoa Kỳ là đi vào tử địa". Gần ba mươi năm qua, vết thương của người vong quốc, chưa kịp đóng vảy, thì mới đây, vào ngày 29-9-2004, qua chương trình "No spin zone" của đài Fox. Một ký giả tên O'Reilly, sau khi bàn tán chuyện chính trị của A Phú Hãn và Iraq, lại kéo VNCH vào cuôc, qua gợi ý: "Vì Nam VN đã không chiến đấu cho tự do, nên họ không có tự do ngày nay", Câu hỏi được TT.Bush "YES".

Điều này cho thấy người Mỹ, dù là đảng nào chăng nữa, trước sau vẫn không có một chút gì là tự vấn lương tâm, về hành động bất lương, bất nhơn, bất nghĩa của mình trước đây, khi phản bội một đồng mình, đã từng chung lưng chiến đấu, vì tự do của nhân loại, trước sự nhuộm đỏ của chủ thuyết Mác-Lê.

Thật ra câu trả lời của TT. Bush, nếu cách đây vài chục năm, khi mà nhiều người Mỹ cũng như ngoại quốc, kể cả một ít người Việt Quốc Gia, còn bị VC lường gạt, bưng bít, thì họa hoằn thiên hạ tin đó là sự thật. Nhưng giờ, những huyền thoại về đánh Mỹ cứu nước của VC đã rơi rớt theo chiếc mặt nạ làm tay sai cho đệ tam quốc tế. Đồng thời, hồ sơ và bí mật về cuộc chiến Đông Dương 1945-1975, đã được chính phủ Hoa Kỳ giải mã gần hết. Trong lúc đó, suốt bao nhiêu năm qua, đã có rất nhiều tác giả lương thiện trí thức ngoại quốc, đã thẳng thắn ca tụng cuộc chiến đấu anh dũng của người lính VNCH, đồng thời không tiếc lời chê trách và phê bình người Mỹ là hạng con buôn chính trị, đã vì quyền lợi riêng tư, mà bán đứng đồng minh Nam VN, cũng như họ từng phản bội Đài Loan ngày trước. Do trên sự suy đoán của TT Bush: "vì không chịu chiến đấu, nên để mất miền Nam", chắc là không được mấy người quan tâm, trong đó có các cựu quân nhân VNCH, hiện đang giúp thêm phiếu, trong kỳ bầu cử tháng 11 sắp tới. Để ông Bush có cơ hôi, thắng Kerry, kiếm thêm một nhiệm kỳ tổng thống. Đó là sự thật rõ ràng mà nay ai, kể cả VC cũng đều biết, nên đâu còn ai dám lấy thúng úp voi ?. Nam VN mất không phải vì người Miền Nam không chịu chiến đấu, mà chính do người Mỹ, đã dùng viện trợ, để bó tay người lính đang chiến đấu và sắp chiến thắng giặc thù. Chính TT Nixon và Ngoại Trưởng Kissinger, đã bóp chết hòa bình và tự do thật sự của Nam VN đã có, khi đem bán đứng tự do đó cho VC, để rút quân về nước, đổi lấy một nhiệm kỳ tổng thống. Cũng câu chuyện khôi hài trên, mới đây DB Loretta Sanchez, đã phát biểu trên chương trình "The O'Reilly Factor", khẳng định lời phát biểu của TT.Bush, đã sai lầm và không đúng sự thật. Vị DB này còn lấy làm tiếc, là trước đây, TT .Bush đã không chịu tình nguyện sang chiến đấu tại chiến trường VN, nên đã không biết gì hết về cuộc chiến vừa qua, trong đó đã có hằng triệu quân dân Nam VN, chiến đấu bên cạnh quân đội Hoa Kỳ. Một số còn sống sót sau cuộc chiến, đã tới Mỹ tị nạn cộng sản, và họ vẫn tiếp tục chiến đấu không ngừng nghĩ, để dành cho được tự do, dân chủ chân chính tại quê hương VN, mà chính Hoa Kỳ đã trực tiếp bóp nát trước năm 1975. Những thành quả đạt được khắp nẻo đường hải ngoại, như chính quyền công nhận lá cờ vàng biểu tượng của quốc dân VN, tượng đài vinh danh chiến sĩ Việt-Mỹ, sự hình thành các cộng đồng lớn mạnh của người Việt tị nạn, các vụ biểu tình chống Trần Trường trương cờ máu, ảnh quỷ và các phái đoàn VC cũng như kinh tài. Ngoài ra sự ngồi lại của tập thể cưụ chiến binh VNCH, bao gồm cả lực lượng cảnh sát, cán bộ xây dựng nông thôn và thế hệ hậu duệ, suốt một năm qua rất tốt đẹp. Đó không phải là sự tranh đấu của người Việt hiện nay, để đòi lại tự do dân chủ của mình, bị chính Hoa Kỳ dùng viện trợ tước đoạt từ mấy chục năm về trước.

Hoa Kỳ đã một mình một chợ, dàn dựng lên, cái gọi là hiệp đinh Ba Lê-1973, ngưng chiến và hòa binh cho VN. Vì đã có chủ đích, nên hiệp định này, chỉ có hai điểm đem lợi ích cho họ,được thi hành nghiêm chỉnh. Đó là việc quân Mỹ phải triệt thoái hết về nước, theo đúng hạn chót đã ấn định vào ngày 29-3-1973 và quân xâm lăng Bắc Việt, được Hoa Kỳ cho phép ở lại Nam VN. Chỉ điều khoản thứ hai này, đủ chứng tỏ Hoa Kỳ không bao giờ muốn ký hòa ước với cộng sản, để thực thi sự ngưng chiến và tìm kiếm hòa bình cho VN. Trái lại ngụy tạo, hiệp định Ba Lê năm 1973, để có cơ hội công khai và hợp pháp, viết lên bản án tử hình của VNCH, ngay từ lúc ký. Hành động bất lương của một siêu cường, đã khiến cho bao chục triệu người Nam VN, chẳng những đã tan nhà nát cửa, gia đình ly tán, mà còn bị hủy diệt nền tự do dân chủ, mà họ đã dùng xuơng máu, huyết lệ của chính mình, để bồi đắp, xây dựng và duy trì liên tục từ 1955 đến cuối tháng 4-1975. Cũng vì sự gian manh trên, từ đó uy tín của nước Mỹ không còn được thế giới tự do tin tưởng và mong cậy kết giao hợp tác.

Đã thế, hai vị TT của Mỹ là Nixon và Ford, còn trắng trợn, nhổ nuốt những lời hứa hen đã được quốc hội, chính phủ nước mình ký nhận ban hành, đồng thời với những thơ riêng mực đen giấy trắng, liên tục gởi cho TT Nguyễn Văn Thiệu, rằng là hãy ký hiệp định, để tiếp tục có viện trợ. Còn nếu VC bội ước, thì Hoa Kỳ sẽ lập tức dội bom, cũng như trở lại tức khắc, bảo vệ VNCH. Nhưng tất cả chỉ là cuội, chẳng những Hoa Kỳ ngoảnh mặt trước sự sự công khai vi phạm hiệp ước ngưng bắn của VC, mà còn tàn nhẫn cúp hết viện trợ đã hứa, dành cho QLVNCH có phương tiện, chống lại cuộc xâm lăng Nam VN của khối đệ tam cọng sản quốc tế.

Thực chất cuộc chiến VN tới nay vẫn là một đề tài được tranh luận dai dẳng, chính TT. Bush khi tuyên bố "Yes" trên đài Fox, về một vấn đề gai gốc mà bản thân chưa biết trọn, chứng tỏ là Hoa Kỳ, dù đã tốn nhiều máu xương tiền bạc về cuộc chiến đó, vẫn chưa hiểu thấu cái chiến tranh, mà Cộng sản gọi là "chiến tranh cách mạng", đã đánh bại người Mỹ và thế giới tự do, tại hai mặt trận Trung Hoa lục địa và Nam VN. Thực chất cuộc chiến đó, nay qua thời gian và những khai quật của lịch sử, cho thấy đó chỉ là một thứ chiến tranh vừa du kích lẫn qui ước, trong mục đích dấy loạn và khuynh đảo thế giới, bằng hành động phi nhân man rợ, chứ không có gì là cao siêu huyền diệu, như một số triết gia trí thức Tây Phương và Hoa Kỳ, từng ca tụng điên cuồng trong quá khứ. Người Mỹ vì không thực tâm chiến thắng tại trận địa, trong khi có đủ điều kiện để chiến thắng, đó mới chính là thực chất của cuộc chiến Đông Dương.

Nói chung, qua kinh nghiệm xướng máu của chính người Việt Quốc Gia, trong suốt 70 năm tranh đấu, cho thấy Hoa Kỳ, Thế Giới Tự Do cũng như Nam VN, đã thua VC qua cuộc chiến, chỉ một lý do duy nhất. Đó là sự hèn nhát của tập thể, vì sợ và ích kỷ, nên đã vô tình hay cố ý, yểm trợ đắc lực cho Bắc Việt các nguồn tình báo, nhân lực và tiếp tế. Một sự kiện lích sử, mà không hề thấy tại các nước bị chia đôi, sau thế chiến 2 như VN, Đức, Triều Tiên và Đài Loan. Do trên, Nam VN không bị cộng sản cưỡng chiếm, cũng là chuyện lạ.

Vì đâu phải mất nước ? một câu hỏi đã đè nặng trong tâm trí người Việt sống sót sau cuộc chiến. Bởi chính họ đã có mặt hay thật sự chứng kiến toàn bộ cuộc chiến, từ đầu cho tới trọn ngày 30-4-1975, khi Dương Văn Minh ra lệnh Nam VN buông súng đầu hàng. Rõ ràng trong suốt cuộc chiến từ năm 1955-1975, dù có mặt Hoa Kỳ và Đồng Minh hay chỉ một mình chiến đấu đơn độc, QLVNCH vẫn luôn làm chủ chiến trường, tại hầu hết các mặt trận nhỏ lớn, quan trọng như Tết Mậu Thân, Mùa hè đỏ lửa 1972 tại An Lộc, Kontum, Bình Định, Quảng Trị. Ngay những ngày tháng 4-1975, trong giờ thứ 25, dù phải chống trả với thù trong giặc ngoài, QLVNCH vẫn chiến đấu anh dũng tại các mặt trận Khánh Dương, Tháp Chàm, Phan Thiết, Phước Long, Tây Ninh-Hậu Nghĩa và nhất là Xuân Lộc, đã làm quân xâm lăng Bắc Việt, phải khiếp sợ la làng, đổ thừa Mỹ trở lại, giội bom nguyên tử. Ngày 30-4-1975, khi các quân đoàn Bắc Việt, từ tám hướng siết chặt vòng vây Thành Đô, nhưng bên trong vẫn còn đủ an toàn, để Hoa Kỳ dùng trực thăng bốc người ra chiến hạm. Trên sông Sài Gòn cũng như khắp bầu trời, cũng chính là những sinh lộ, bởi vì khắp nơi còn có sự chiến đấu của SĐ3, 5, 7, 9, 18, 21, 22, 25 BB, của Lữ Đoàn 3 Xung Kích, SĐ Dù, Biệt kích Dù-Lôi Hổ, TQLC, Thiết Giáp, BĐQ, ĐPQ+NQ, XDNT, CSDC và ngay cả những Thiếu Sinh Quân, Nhân Dân Tự Vệ. Tất cả đã ở lại chiến đấu tới cùng, và đã làm vỡ mặt Hà Nội, khi những chiếc T54, PT76 vừa tới Ngã Tư Bảy Hiền, đã bị các chiến sĩ Liên Đoàn 81 BCND và Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù bắn hạ. Lịch sử VN cận đại, là những trang huyết lệ, được người lính trận viết tại chiến hào, hố bom và ngay trên cơ thể của mình, chứ không phải qua những tài liệu, nói là của Tây Tàu, Nga Mỹ, vừa được giải mã. Chính sử gia Tư Mã Thiên, nhờ bản thân bị đoạn trường, mà viết nên một thiên sử ký tới nay, vẫn được thế nhân ngưỡng phục.

** CUỘC CHIẾN KHÔNG CẦN THẮNG **

Tuy văn khố Hoa Kỳ nói là đã cho giải mật nhiều tài liệu lịch sử có liên quan tới cuộc chiến vừa qua nhưng những điều vừa bật mí, thật sự chưa được đưa hết ra ánh sáng. Do muốn tìm hiểu sự thật về một cuộc chiến, đã làm cho Hoa Kỳ phải sa lầy và mang rất nhiều tai tiếng, nên suốt mấy chục năm qua, nhiều nhân vật, từ những quân nhân thuần tuý đã tham dự cuộc chiến như Đô Đốc Grant Sharp, Đại Tướng William C. Westmoreland hay trong ngành ngoại giao như GS Tiến Sĩ Stephen Young, Robert Sharphen, William Colby đều thắc mắc về sự bại trận của Hoa Kỳ, mà theo họ, chẳng bao giờ có thể xảy ra, trong một cuộc chiến vô cùng chênh lệch, giữa hai đối thủ, cho dù phía sau lưng VC có Liên Xô, Trung Cộng và khối Đông Âu chống lưng giúp đỡ tận lực.

Đúng như Đô Đốc Grant Sharp, cựu Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, viết trong tác phẩm nổi tiếng "Strategy For Defeat" hay là "Cuộc Chiến Không Cần Thắng", trong đó vị Cựu Tư Lịnh, cũng là một tướng lãnh từng tham dự tại chiến trường Nam VN nhiều năm, nói rằng Ông và thuộc cấp dưới quyền, bị các nhà lãnh đạo của nước Mỹ, tại Hoa Thạnh Đốn, cột chặt một tay, khi họ chiến đấu tại VN. Thảm kịch này mãi tới năm 1985, sau khi chính phủ Hoa Kỳ ban hành một số luật mới, cho phép giảm độ mật , thì Bộ Quốc Phòng mới cho in phổ biến hai mươi sáu trang, tóm tắt luật chiến đấu của QL.Hoa Kỳ tại Đại Hàn và VN, gọi là "Rules of Engagement".

Đọc Congressional Record, làm cho những lính già của VNCH phải cười ra nước mắt và thương xót cho những đồng đội, đồng bào, suốt hai mươi năm qua, vì chiến đấu chống sự xâm lăng của Bắc Việt, mà chết oan hay bị mang thương tật do đạn bom và bàn tay VC gây ra. Những luật lệ kỳ quái như Lính Mỹ không được bắn VC, trừ phi chúng tấn công trước. Không lực Mỹ không được giội bom vào xe của VC khi chúng ở cách đường mòn Trường Sơn 200m. Phi cơ Mỹ không được tấn công phi cơ Mig nếu chúng không gây hấn, không dội bom các phi cơ VC đậu yên tại phi trường. Cuối cùng, nghiêm cấm quân Mỹ truy đuổi VC, khi chúng chạy sang Lào và Kampuchia.

Chính phủ Hoa thịnh Đốn, chẳng những cấm Quân Lực Mỹ, Đồng Minh, VNCH không được thẳng tay tiêu diệt kẻ thù, mà còn báo trước những bí mật quân sự, quốc phòng cho VC biết trước, qua những lần oanh tạc tại miền Bắc, trên đường mòn HCM, hành quân Lam Sơn 719. Đó là tất cả những sự kiện lịch sử có thật, được Thứ Trưởng QP Mỹ Phil Golding, thời TT.Johnson, trả lời thắc mắc của hàng ngàn gia đình tử sĩ Hoa Kỳ: "Chúng ta đang tham gia vào một cuộc chiến giới hạn, với nhữn mục tiêu hạn chế. Nói chung đây là một cuộc chiến vì chính trị, nên không thể tiêu diệt VC được".

Do sự phản ứng càng lúc càng đông của người Mỹ, trước cái gọi là "đánh không cần thắng", nên dân chúng đã xuống đường, đả đảo mà báo chí thời đó, gọi là do phản chiến giựt dây. Thật sự người Mỹ đã quá chán ngấy cái trò đem con bỏ chợ, đem trứng cho ác, dai dẳng từ thời Kennedy, Johnson, kế đó là Nixon, nên đã giận dữ đòi Hoa Thịnh Đốn "Hãy cút khỏi VN ngay, hãy chấm dứt cái trò chiến tranh nướng thịt dai dẳng vô ích này".

Tóm lại qua cuộc chiến VN,do đầu óc con buôn, người Mỹ đã đánh mất tất cả mọi ý thức về trách nhiệm và danh dự, làm tiêu tốn hơn 150 tỷ mỹ kim tiền đóng thuế của dân chúng, hại cho 55.000 chiến sĩ bị chết oan và hơn 300.000 quân nhân các cấp bị thương tật. Trong khi đó, người lính VNCGH, dù là một quân đội bất hạnh nhất thế giới, theo báo cáo của MACV, Command History hay Dwight Owen, một cố vấn Mỹ tại VN, thì đối với các quân nhân VNCH, CHỈ CÓ CHẾT, TÀN PHẾ HAY ĐÀO NGŨ, mới mong giải thoát được cái thân phận bọt bèo của người Lính chiến trong thời loạn lạc. Ngoài ra, tài liệu cũng có nói tới việc lính Nam VN đào ngũ, nhưng không phải họ đầu hàng VC, mà trở về quê nhà, gia nhập lực lượng ĐPQ+NQ, để được chiến đấu bên cạnh vợ con, gia đình. Sau rốt, tính đến đầu năm 1975, QLVNCH đã có 231.508 tử sĩ và 95.371 phế binh. Thương tủi nhất là những ngày tháng sau đó, cho tới khi Nam VN sụp đổ vào ngày 30-4-1975, đã có hằng vạn dân lính vô tội, đã gục ngã trên chiến trường và khắp các nẻo đường chạy loạn. Nhiều tử sĩ cũng như thương binh đã bỏ thây, bỏ xác tại chỗ, vì đồng đội không thể làm gì hơn giữa chốn loạn quân. Chính Nhảy Dù từ ngày thành lập, cho tới khi tan hàng, cũng đã phải nuốt lệ, bỏ lại xác đồng đội, tại Mặt Trận Xuân Lộc tháng 4-1975, như Phạm Huấn đã viết, khi được lệnh rút quân bất ngờ trong đêm, mịt mù lửa đạn.

** BÁO CHÍ TÂY PHƯƠNG BẺ CONG NGÒI BÚT, GÓP PHẦN LÀM SỤP ĐỔ VNCH **

Trước sự sụp đổ nhanh chóng và vô lý của Nam VN không phải tại chiến trường, mà ngay ở các thành phố lớn Ba Lê, Hoa Thịnh Đón, New York, Luân Đôn, La Mã, Huế-Đà Nẵng và Sài Gòn, khiến cho nhiều trí thức ngoại quốc, đã phẫn nộ và bày tỏ thái độ khinh miệt, đối với một số người trong cũng như ngoài nước, một thời lợi dụng tự do, dân chủ và nghề nghiệp, để bẻ cong ngòi bút, xuyên tạc sự thật, phỉ báng đồng bào và quân đội Nam VN với mục đích đầu độc dư luận thế giới, giúp Bắc Việt cưỡng chiếm VNCH. Đề tài quen thuộc, được một số báo chí Hoa Kỳ và Tây Phương viết lách, đem lên truyền thanh truyền hình, đó là người lính VNCH hèn nhát không chịu chiến đấu nên bị mất tự do và người Mỹ khinh miệt.

Hai câu hỏi trên cách đây vài chục năm được bịa chuyện là có, nhưng bây giờ sự thật đã xác nhận "KHÔNG". Hoa Kỳ khi tới chiến đấu tại Nam VN, có đủ phương tiện tinh thần cũng như vật chất, vẫn nhiều lần bị thương vong, bại nhục, vẫn không thiếu những binh sĩ đào ngũ, bỏ chạy khi trận địa hỗn loạn, vẫn có tham nhũng và chính cựu TT. Bill Clinton, vì hèn nhát đã trốn quân dịch pháp định. QLVNCH chỉ mới được thành lập, được coi là một quân đội nghèo nhất trên thế giới, lại bị chiến đấu trong một cuộc chiến không có giới hạn chiến trường, hậu phương, bạn địch. Thế nhưng những người lính nghèo đó, mà lương năm cộng với tiền tử tuất, phế tật, không bằng một cuốc rượu của những ca ve, me Mỹ vậy mà họ vẫn một đời đem máu đào xương trắng, phụng sự chính nghĩa, bảo vệ màu cờ, sắc áo và từng sinh mạng cũng như tấc đất của quê hương. QLVNCH là sinh mạng của muôn người, nên khi thiếu vắng hay không còn họ, mạng người Nam VN lá rụng, đã gục ngã tại Mậu Thân Huế-Sài Gòn, trên các đại lộ kinh hoàng quốc lộ 1, Kontum, An Lộc mùa hè đổ máu và sau rốt là cùng nhau chết tập thể vào ngày 30-4-1975. Như sử gia Edward S.Creasy viết trong tác phẩm nổi tiếng "Fifteen Decisive Battle Of The World" năm 1851 "Tầm quan trọng của một cuộc chiến, là những gì ta có hôm nay, đối với người thắng cũng như kẻ bại". Những gì đã xảy ra tại Nam VN, sau 30 năm bị cộng sản cưỡng chiếm, đã đủ trả lời về tấn thảm kịch của VN, mà lần nữa Robert S.McNamara, cựu bộ trưởng QP. Thời TT Kenedy, đã giải thích một chiều, trong hồi ký của mình "In Retrospect-The Tragedy and Lesson of VN".

Nhưng không phải tất cả người Mỹ đều mù quáng và tin tưởng vào truyền thông báo chí lúc đó. Chính những giờ phút cuối cùng, nhìn cảnh đời bi thảm của phận lính bọt bèo Nam VN trên màn ảnh, tờ The New York Times Service, đã thay thế người nhược tiểu, giận dữ tố cáo chính quyền Mỹ là hèn nhát, bỏ đồng minh tháo chạy về nước trước sự tấn công của VC. Họ cũng nêu đích danh Henry Kissinger là kẻ bán đứng VNCH cho VC khi bắt ép họ ký vào bản hiệp ước giả mạo 1973, sau đó tàn nhẫn cúp viện trợ, phủi tay đứng nhìn miền nam sụp đổ.

Không có gì tồn tại với thời gian, trừ chân lý. Vì vậy những câu chuyện hề của Henry Winston, chủ tịch đảng cộng sản Mỹ, đem diễn tại Hà Nội vào tháng 5-1975, hay lời tuyên bố vung vít của Nguyễn Hữu Thọ, chủ tích bù nhìn của Mặt Trận Ma giải phóng, tại Mạc Tư Khoa, ngay khi Sài Gòn thất thủ: "cám ơn báo chí và ký giả Tây Phương, đã góp phần lớn cho chiến thắng của Hà Nội, trong số này đáng kể là người Mỹ".

Đây là tất cả sự thật, vừa được một cựu chiến binh Không Quân Hoa Kỳ là Harry H.Noyes, thay mặt những người lính VNCH, qua tác phẩm "Heroic Allies" nói lên vinh quang và sự hãnh diện của một quân lực, từ lâu đã bị bọn trí thức vô liêm sỉ , tước đoạt một cách hèn hạ, bất nhơn và vô nhân đạo. Sự tuyên truyền lố lăng và cuồng ngạo của Hà Nội cùng những mặt mo bưng bợ, làm cho thiên hạ năm châu chán ghét, sau khi cái thây ma VNCH chỉ còn trơ lại bộ xương gầy đét, không còn gì để cho Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm, Chân Tín và một số quạ đen, diều hâu, bu tới rỉa rói như lúc chợ còn đông khứa.

Trong tài liệu đặc biệt "How Media Bias Distorts Our View of the World" của ký giả Allan Brownnfiels, nói rằng vì hầu hết giới truyền thông Tây Phương, quá mù quáng, ca tụng một chiều về Mao Trạch Đông và Fidel Castro, trong lúc thẳng tay sỉ nhục bôi lọ Tưởng Giới Thạch và chính phủ CuBa lúc đó, tuy vô tình nhưng đã làm cho cộng sản tại hai nước này chiến thắng mau lẹ. Bài học của lịch sử sau đó lại tái diễn ở Nam VN. Lần này do chính những thành phần được ưu tiên trạng trọng trong xã hội lúc đó, là những công tử tiểu thư đài cát của giới địa chủ, địa hào, thương gia, chủ vựa nước mắm, nhờ cha mẹ tổ tiên theo thực dân Pháp bốc lột đồng bào, nên có tiền, có thế, cho con trai, con gái qua Pháp, Mỹ du học thành luật sư, bác sỹ, giáo sư, những thành phần mà Hồ Chí Minh và đảng VC ở miền Bắc, chém giết và khinh bỉ tận tuyệt, sau khi được làm chủ nửa miền đất nước vào năm 1954. Nhờ cái mặt nạ trí thức và sự tự do quá trớn của Nam VN, những thành phần ăn chén đá bát này, luôn bẻ cong ngòi bút, làm cho thế giới tự do lầm lạc, nghĩ rằng giặc Cộng tại Nam VN là những người bình thường, yêu nước, nên nổi dậy chống lại sự độc tài tham nhũng của chế độ. Tóm lại nhờ những trí thức này, mà VC nằm vùng sau ngày tập kết 1954, VC chính thống từ Miền Bắc xâm nhập, kể cả Tàu Cộng, Liên Xô, Cu Ba, Đông Âu trong bộ đội Hà Nội đang chiến đấu tại Nam VN, đều không có dính líu tới Hồ và cộng sản đệ tam quốc tế. Sự độc ác trên, nhờ tuyên truyền ngay ở miền Nam và các mạng lưới quốc tế, khiến cho cuộc chiến chống xâm lăng cộng sản, của người Việt quốc gia Nam VN, mất đi cái ý nghĩa chính thống, làm cho Hoa Kỳ cũng gặp nhiều khó khăn khi sang chiến đấu bảo vệ tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á. Rốt cục, cả Mỹ lẫn Việt đều đại bại trước mặt trận thông tin ca ngợi VC, của báo chí, truyền thông ngoại quốc và ngay trong nước.

Từ năm 1965, Hoa Kỳ bắt đầu đổ quân dồn dập vào Nam VN, cũng là thời kỳ lửa máu dồn dập ở hậu phương. Đây cũng là thời kỳ ăn nên làm ra, của những thông tín viên, ký giả ngoại quốc, qua những bài tường thuật, có kèm hình ảnh, không phải để phổ biến những sự thật, mà chỉ để tuyên truyền một chiều, nhằm bôi lọ những quân đội, đang trực diện với cọng sản Bắc Việt, trên chiến trường Nam VN. Có thể nói bài phóng sự chiến trường đầu tiên, của thông tín viên đài CBS tên Morley Safer, viết về cuộc hành quân của một đơn vị TQLC Mỹ, tại một làng xôi đậu, đã trở thành những mẫu thông tin "ăn khách" , theo đơn đặt hàng của thị trường Mỹ và Tây Phương lúc đó. Cũng nhờ báo chí phản tuyên truyền, Tết Mậu Thân 1968, VC chết thảm khắp nơi, đã thành chiến thắng, chiếm được ngay cả Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn. Tàn nhẫn và đáng khinh tởm nhất, là báo chí Tây Phương, trong suốt cuộc chiến Nam VN, đã không hề một chữ tường thuật những hành vi khủng bố, giết người tàn bạo của VC trong trận Mậu Thân 1968 tại Huế, năm 1972 và những ngày di tản máu lửa hận hờn

Người lính VNCH vừa đánh giặc phương Bắc, vừa chống đỡ búa rìu truyền thông báo chí trong nước cũng như phong trào phản chiến tại Mỹ và tây phương, được liên kết bởi trí thức, sách báo và tuyên truyền. Đó cũng là lý do đưa đến sự sụp đổ tất yếu của một dân tộc hiền hòa, lễ nghĩa nhưng bất hạnh vì mang thân phận nhược tiểu

2. THƯƠNG QUÁ NGƯỜI PHẾ BINH VN:

Tất cả hình như chỉ còn có kỷ niệm, sau cuộc đổi đời. Là định mệnh mà chúng ta, những kiếp trai thời loạn phải gánh chịu, theo vòng đời nổi trôi của dòng sông lịch sử, dù vô lý, dù hờn căm, dù bất công thương hận.

Mất nước nhà tan, nguời lính sống sót sau cuộc chiến, rã ngũ tan hàng đầu sông cuối bể, tha phương thì dần chết trong men đời cay đắng, còn tù ngục chịu cảnh nhục hờn. Nhưng tất cả giờ cũng đã đi hết rồi, chỉ còn ở đây là những thương phế binh xa cũ, những hồn ma cô quạnh, sống với quá khứ liệt oanh, qua những vết thương đời không hề hối hận:

    "Di tản khó, sâu dòi lúc nhúc
    trong vết thương người bạn nín rên
    người chết mấy ngày không lấy xác
    thây sình mặt nát, lạch mương tanh ..."
    (Tô Thuỳ Yên)

Ta thán phục, ta hãnh diện biết bao, khi đọc được những trang sử cũ. Sẽ vui cười hớn hở cùng với tiền nhân qua những lần bình Chiêm, phá Bắc, đuổi giặc Mông trên sông Bạch Đằng, đốt tàu Pháp tại Vàm Nhật Tảo. Không biết những trang quân vương dũng tướng thời xưa, hành sử thế nào mà muôn người như một, khiến cho người trong nước, gìa trẻ lớn bé, đều nguyện một lòng giết giặc cứu nước tại Hội Nghi Diên Hồng. Sau này mới vỡ lẽ, thì ra đó là tinh thần trách nhiệm, cũng như bổn phân của kẽ sỉ thời tao loạn. Hay đúng hơn, đó là đức tính cao quí của thanh niên-sĩ phu, dù họ chỉ là những người bình dân ít học.

    "Tôi không là tôi nữa,
    từ khi được xuất ngũ
    có quạ đen đậu trên đầu hổ ..."

Thanh niên VN thời nào cũng vậy, tất cả đều đặt trách nhiệm làm trai trên hết, nên chúng ta ngày nay mới còn có đất nước, để mà vui sướng, đau khổ. Hỡi ơi, có làm lính mới hiểu phận bèo của lính, có là thương phế binh, sau khi được xuât ngũ, mới thấm thía được nỗi buồn của một kẻ tàn tật, mất tất cả, ngoài người mẹ già, từ quê xa, đang đợi con trở về. Thê thiết quá cũng như đau đớn tột cùng, kiếp lính chiều tàn là thế. Sự thật là vậy, có khi còn đau đớn trăm chiều. Ai đã tùng thấy chưa, cảnh vợ lính hay người yêu, chỉ một lần vào thăm người thân nơi quân y viện, rồi chẳng bao giờ quay lại, ngoài những giọt lệ cá sấu, vô tình còn vương vãi đó đây. Ai có một lần ngược xuôi trên các nẻo đường thiên lý, tình cờ hội ngộ những chàng trai tàn tật còn rất trẻ, những người mù, què, mặt mày in đầy thương-sẹo bởi đạn bom, đang lần mò ngửa tay chờ bố thí của mọi người. Họ là lính chiến của một thời oanh liệt, là thương phế binh QLVNCH đó, họ đau khổ mang thương tật không phải do bẩm sinh, mà vì đời, vì người gánh chịu:

Theo sử liệu, ta biết Nha Cựu Chiến Binh và Nạn Nhân Chiến Cuộc, trược thuộc Bộ Quốc Phòng. Đầu tiên Nha này là một Bộ, được thành lập vào tháng 8-1952, có một An Dưỡng Đường dành cho Thương Phế Binh. Sau đó, bộ này bị hủy bỏ, tất cả các vấn đề liên hệ tới cựu chiến binh, đều giao cho Bộ Y Tế, với một Nha riêng gọi là Nha Tổng Thư Ký, Cựu Chiến Sĩ và Phế Binh.

Thời VNCH, qua một Đại Hội Cựu Chiến Sĩ toàn quốc tại Toà Đô Sảnh Sài Gòn. Ngày 29-5-1955, Nha Tổng Giám Đốc CCB và NNCC đưọc thành lập, trụ sở ở đường Đoàn Thị Điểm. Sau Tết Mậu Thân 1968, Nha được cải thành Bộ, gồm các Nha Sở Trung Ương và các Ty trực thuộc.

Đầu năm 1969, một biến cố lớn đã xảy ra tai thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đó là vụ Y Sĩ Đại Uý Hà Thúc Nhơn, trưởng trại 12 Tai, mắt, mũi, họng, thuộc Quân Y Viện Nguyễn Huệ. Vì dám tố cáo Chỉ Huy Trưởng QYV là Thiếu Tá Phùng Quốc Anh, với sĩ quan hành chánh Đặng Mai, toa rập tham nhũng, ăn xén tiền ẩm thực của thương bệnh binh, cũng như mờ ám trong các vụ cứu xét, phân loại trợ cấp, miễn dịch. Đại Uý Nhơn đã cầm đầu các bệnh binh nổi loạn, nên bị Tỉnh trưởng Khánh Hòa lúc đó là Đại Tá Lý bá Phẩm, nguyên Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 43 Biệt Lập, ra lệnh cho ĐPQ bắn trọng thương và đã chết khi chở vào cấp cứu tại Cam Ranh.

Ngày đưa tang người xấu số, cũng là thời điểm Phế Binh Khánh Hòa đứng dậy đòi quyền sống. Tại Sài Gòn, Trung Úy mù BĐQ Đổ văn Lai, đang cùng một số phế binh nặng, đang dưỡng thương tại Trung Tâm Chỉnh Hình, đường Bà Huyện Thanh Quan, cũng biểu tình, cắm dùi khắp Đô Thành, đòi Chính Phủ phải cứu xét lại quyền lợi của họ, trước vật giá leo thang đắt đỏ, do sự hiện diện của Mỹ và Đồng Minh, vung đô la xanh đỏ qua cửa sổ như khói thuốc. Phong trào tranh đấu bùng nổ khắp nước, làm cho chính quyền trung ương cũng như tại các tỉnh bối rối, vì không thể dùng bạo lực để chèn ép hay khóa miệng, bởi phế binh cũng là lính, nên ai nỡ xuống tay.

Rồi Tổng Hội Thương Phế Binh ra đời tại Sài Gòn, bầu PB Nguyễn Đinh làm Hội Trưởng, PB Nguyễn Bính Thịnh, tức nhà văn An Khê, làm phó và PB Đinh Trung Thu, tổng thư ký. Ngoài ra còn có một Hội Ái Hữu Thương Phế Binh, do cựu Thiếu Tá Nguyễn Văn Hàng thành lập.

Thời Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1975), nếu TT Thiệu có chính sách "Người cầy có ruộng", thì Phó TT. Nguyễn Cao Kỳ, cũng chủ trương "Phế Binh có nhà". Nói chung bắt đầu năm 1969 trở về sau, quyền lợi của Phế binh, cô nhi quả phụ càng ngay càng được cải tổ, chăm sóc và dễ thở hơn trước. Nạn chèn ép, dìm sổ trợ cấp để làm tiền cũng chấm dứt, kể từ năm 1972, chính phủ cho thành lập Ty Cựu Chiến Binh tai các Tỉnh, có quyền hạn rất rộng rãi, ngoại trừ, sổ trợ cấp đầu tiên được ký cấp từ Bộ. Cũng từ đó, nguời cô nhi, quả phụ và thương phế VNCH, được sống an nhàn hơn buổi trước, với các quyền lợi thiết thực, tương xứng, từ trợ cấp, xin việc làm, y tế, cho tới các kỳ thi, tất cả đều ưu tiên cho họ.

Rồi thì hằng loại Làng Phế binh, lần lượt ra đời tại quận cũng như thị xã. Riêng những phế binh đã có nhà, không muốn vào Làng, dược trợ cấp một ngân khoản 60.000 đồng. Tất cả các làng trên, đều bị VC cướp giựt sau ngày 30-4-1975.

Làm người bình thường, sống trong thời loạn, đã phải khốn khổ vì miếng cơm manh áo, huống chi phận lính nghèo, lãnh đồng lương chết đói, vậy mà còn bị trí thức nguyền rủa, là lính đánh thuê cho Mỹ.

    "Giọt mưa trên lá, nước mắt mặn mà
    thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về
    mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ
    tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ ..."
    (Phạm Duy)

Nhưng chiến tranh chứa dứt và vẫn còn khốc liệt, nhưng người xưa nay đã thành tàn phế, vô dụng, lê lết đời tan xuân héo, lần mò trở về làng xưa,với những kẻ thân yêu, mong chút tình thân đùm bọc.

Ai có cảm thông chăng người lính mù trẻ tuổi vì đạn B40, lần mò trên chiếc xe lăn, quanh bến phà, bến xe, miệng hát tay đờn kiếm sống ? Có thương không những người lính trận, bán thân bất toại, lê lết khắp các nẻo đường phố thị, để bán vé số, sách báo, đắp đổi qua ngày. Và còn nữa, còn trăm ngàn thảm kịch của tuổi thanh niên thời loạn, chân gỗ tay nạng, mắt mũi vàng khè, khô nám, luôn đau đớn bởi những hậu chứng, sau khi giải phẫu. Nhưng họ vẫn lao động để sinh tồn, đi biển, làm nông, lết lê trên ruộng trên sóng, đội nắng tấm mưa. Kiếp sống phận bèo của người phế binh là thế đó, nên phải chiếm đất cắm dùi, cũng là chuyện bình thường.

Hai mươi năm chinh chiến, dù có gọi bằng một thứ danh từ gì chăng nửa, thì xác của nam nữ thanh niên hai miền đất nước, cũng đã chất cao như núi, máu chảy thành sông. Rốt cục chỉ có cái vỏ độc lập, hòa bình, tự do, thống nhất. Người cả nước đói vẫn đói và đời sống càng bị tù hãm tứ phiá, bởi cổ được mang nhiều thứ gông, cả cộng sản, lẫn tư bản và đảng cầm quyền.

Nhưng thê thiết nhất vẫn là những người phế binh VNCH. Ngày xưa lúc chế độ cũ còn, được nói, được hưởng đủ thứ quyền lợi thế nhưng họ vẫn sống bèo bọt, cực nghèo. 30-4-1975, VC vào tóm thu tất cả, thêm vào đó là chuyện trả thù. Lính sống thì đi tù, lính chết thì cầy mộ, còn lính què đui tàn phế, thì bị xua đuổi ra khỏi các quân y viện, làng phế binh và ngay cả ngôi nhà của mình.

19-4-1975 tại Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch, Phan Thiết.
30-4-1975 tại Tổng Y Viện Cộng Hòa-Sài Gòn.

Thảm họa gì đã đến với các thương bệnh binh còn đang điều trị, khi giặc về ? Có ai cầm được nưóc mắt trong cảnh đoạn trường máu lệ, khi từng đoàn thương binh, nối gót đắt dìu ra cổng. Người sáng dắt kẻ mù, kẻ bị thương nhẹ cõng người trọng bệnh. Khắp lối ra vào, máu me vương vãi với nước mắt đoanh tròng của những nạn nhân bị bỏ rơi, không đại bàng, chẳng đồng đội và cũng hết hậu phương. Một số chết vì vết thương quá nặng, số khác sống trong cảnh tàn phế vĩnh viễn, vì vết thương không được tiếp tục điều trị. Đời thê thảm quá, cũng may lúc đó quanh họ, còn có những cô gái bán phấn buôn hương ở Ngã ba Chú Iá, Gò Vấp, những người xích lô ba gác, kẻ cho tiền, người giúp công, đưa hết những bệnh nhân xa xứ, tới bến xe về quê sống tiếp kiếp lính bèo.

Cuộc đổi đời nay đã xa lắc nhưng mỗi lần nhớ cứ tưởng mới hôm qua hôm nay. Ba mươi năm rồi ta còn sống được, để nói chuyện văn chương chữ nghĩa trên đất người, đã là điều đại phúc. Trong lúc đó nơi quê nhà ngàn trùng xa cách, những người phế binh năm nào, không biết nay ai còn ai mất. Nhưng chắc chắn một điều, dù họ có sống hay đã chết, thì hận nhục, thương đau cũng đâu có khác gì. Bởi tất cả đâu có khác gì bóng ma trơi, những mảng đời nghèo hèn tăm tối. Đâu có ai muốn nhắc tới những thân phận hẳm hiu trong vòng đời tục lụy, kể cả những cấp chỉ huy cũ, hiện đổi đời giàu sang, mồm to miệng thét ở hải ngoại. Xin hãy thương lấy ho, hãy cứu vớt họ đang trôi nổi trong ngục tù nghiệt ngã. Phế binh cũng là một phần của tập thể cựu quân nhân hải ngoại. Hãy rớt một chút ân thừa cho những thây người còn sống sót trong bể hận trầm luân. Hãy cho họ một chút tình thương trong cơn hấp hối. Hãy dành cho họ một chút không gian nho nhỏ, trong căn nhà VN to lớn,đã được các cộng đồng tị nạn hoàn thành trên khắp nẻo đường viễn xứ, để họ an tâm chờ đợi luân hồi và một vòng hoa tặng người chiến sĩ ca khúc khải hoàn, mà chắc chắn phải có trong thời gian gần.

Ngày xưa người chinh phụ, giữ sạch tâm hồn và băng trinh tuổi ngọc, để đợi chồng ngoài quan tái, hy vọng cuộc chiến mau tàn, để phu phụ trùng phùng, kết lại mối duyên xưa:

    "Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
    xin vì chàng giũ lớp phong sương
    vì chàng tay chuốc chén vàng
    vì chàng điểm phấn, đeo hương não nùng
    liên ẩm, đối ẩm, đòi phen
    cùng chàng lại kết, mối duyên đến già ..."
    (Chinh Phụ Ngâm)

Nhưng người chinh phụ VNCH lại không có cái diễm phúc đó, vì khi quê hương vừa ngưng tiếng súng, lập từ quan quân cho tới sĩ thứ, những người bại trận, lớp lớp vào tù. Lính chết đã rục tử thi vẫn bị dầy mồ, lính bị thương tàn phế bị xua đuổi ra khỏi cuôc sống. Thử hỏi trên thế gian này, có kiếp người nào, đáng thương hơn người lính VNCH ?

    "Dấu binh lửa nước non như củ,
    kẻ hành nhân qua đó chạnh thương"
    (Chinh Phụ Ngâm)

Cuộc đời thanh niên thời loạn ly, rốt cục chỉ còn lại nỗi buồn thiên cổ, xin hãy nâng ly rượu sầu lên môi mà nhớ.

Xóm Cồn
4-2005
Mường Giang

No comments: