Saturday, May 16, 2009

Những người trấn cửa cuối cùng của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH - Hoàng Khởi Phong

Lực lượng Biệt Cách 81 chuyển quân vào Phước Long tháng 01/1975

Hoàng Khởi Phong

(Một trong những câu chuyện về những “NGƯỜI LÍNH” thật sự đã làm nên Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là bài viết dưới đây của nhà văn Hoàng Khởi Phong, viết về “Hổ Xám Phạm Châu Tài”, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 của Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, người chịu trách nhiệm trấn cửa cuối cùng tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH).

Ðầu năm 1975 vì nhu cầu chiến trường, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù phải chia ra làm hai cánh quân hoạt động cách xa nhau. Ðại Tá Phan Văn Huấn và hai Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 1 và Số 2 đang hành quân nhảy toán trong khu vực Bắc Tân Uyên, Biên Hòa. Riêng Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 do Thiếu Tá Phạm Châu Tài chỉ huy tăng phái cho Sư Ðoàn 25 Bộ Binh hành quân tại Tây Ninh. Giữa Tháng Tư 1975, lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu gọi toàn bộ liên đoàn rút về trấn giữ Sài Gòn, và được trải ra để hoạt động trong một vùng khá rộng chung quanh đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh.

Ngày 26 Tháng Tư, Ðại Tá Phan Văn Huấn - Chỉ Huy Trưởng Liên Ðoàn, sau khi nhận lệnh từ Bộ Tổng Tham Mưu, đã ra lệnh cho Thiếu Tá Phạm Châu Tài - Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 của Liên Ðoàn, đem toàn bộ cánh quân do Thiếu Tá Tài chỉ huy, gồm một ngàn quân thiện chiến về phòng thủ Bộ Tổng Tham Mưu. Thiếu Tá Phạm Châu Tài chuyển quân xong thì trời đã về chiều. Tại Bộ Tổng Tham Mưu Thiếu Tá Tài được Ðại Tá Tòng Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Bộ Tổng Mưu đón tiếp niềm nở. Kế đó Ðại Tá Tòng giao việc phòng thủ Bộ Tổng Tham Mưu lại cho Trung Tá Ðức, Chỉ Huy Phó Tổng Hành Dinh phối hợp với quân số tăng phái của Thiếu Tá Phạm Châu Tài. Ðó lần duy nhất Thiếu Tá Phạm Châu Tài được tiếp xúc với Ðại Tá Tòng, sau đó ông đại tá này biến mất cho tới tận bây giờ.

Trung Tá Ðức đưa Thiếu Tá Tài đi quan sát chung quanh bức tường thành bao quanh Bộ Tổng Tham Mưu, và đề nghị toàn bộ đơn vị của Thiếu Tá Tài vào nằm trong vòng thành, để cố thủ bên trong vòng đai của Bộ Tổng Tham Mưu.

Thiếu Tá Phạm Châu Tài khựng lại trước đề nghị cố thủ bên trong vòng đai. Dường như cả hai vị sĩ quan của Bộ Tổng Tham Mưu mà ông tiếp xúc không một ai nắm vững khả năng của lực lượng Biệt Cách Dù, bởi vì cố thủ hay tử thủ gì đó không phải là chiến thuật sở trường của Biệt Cách Dù. Từ Mậu Thân cho đến Mùa Hè 72, Biệt Cách Dù nổi danh nhất là đánh đêm trong thành phố. Những trận đánh tại Ngã Ba Cây Thị, khi địch đã tràn vào trà trộn trong dân chúng, hay đã lẩn vào trú ẩn trong các căn nhà dân chạy loạn bỏ trống.

Trong tình hình đó lối đánh sát phạt của Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Ðộng Quân chắc chắn sẽ giải quyết được chiến trường nhưng cũng sẽ làm cho nhà cửa, sinh mạng của dân chúng bị vạ lây không ít. Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù đã dương danh trong những trận đánh này, tiến chiếm từng ngôi nhà, từng con ngõ, từng khu phố… Nếu bỏ toàn đơn vị của Thiếu Tá Tài vào nằm bẹp trong Bộ Tổng Tham Mưu, thì chẳng khác gì nhốt một con chim vào trong một cái lồng hẹp, sẽ bị dụ vào thế phòng thủ hoàn toàn thụ động, không có chỗ xoay trở. Thiếu Tá Phạm Châu Tài thẳng thắn trình bày ý niệm phòng thủ của ông là tấn công địch trước, và được Trung Tá Ðức đồng ý để Thiếu Tá Tài hoàn toàn tự do bố trí, trải quân của Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 của Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù.

Ngay từ khi mới ngừng xe ở trước cổng chính của Bộ Tổng Tham Mưu, Thiếu Tá Phạm Châu Tài đã nhìn thấy một điều, ông phải bung quân ra xa. Phải chặn địch ngay trên những con đường chính dẫn về Bộ Tổng Tham Mưu. Lúc đó trời đã nhá nhem tối, Thiếu Tá Tài tạm thời cho quân tập trung vào sân banh của Bộ Tổng Tham Mưu, và đó có lẽ cũng là một đêm hiếm hoi mà binh sĩ của ông tạm có thể coi là có dịp nghỉ ngơi, để lấy lại hơi thở cho chính họ, trước khi phải lao vào trận đánh cuối cùng.

Trong thâm tâm Thiếu Tá Phạm Châu Tài, ông sinh ra ngay tại đất Gia Ðịnh này, lớn lên tại Sài Gòn nên ông có thể nhắm mắt cũng biết, để có thể ngăn chặn địch xung phong vào Bộ Tổng Tham Mưu, đơn vị của ông phải bung ra xa. Phải chặn đánh địch xâm nhập ngay từ khi chúng mới ló đầu ra ở Bà Quẹo, Ngã Tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Trung Tâm Tiếp Huyết, đường Võ Di Nguy… Với một địa bàn quá rộng như thế, phải cần quân số của cả Liên Ðoàn, nghĩa là ba ngàn người. Thế nhưng toàn thể Liên Ðoàn được đưa về Sài Gòn không phải chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là phòng thủ cho Bộ Tổng Tham Mưu. Rất nhiều nơi quan yếu khác cần đến những người lính Biệt Cách Dù, những người lính chuyên về đánh đêm trong thành phố.

Ðêm 26 Tháng Tư qua đi trong yên tĩnh, trọn buổi sáng 27, Thiếu Tá Phạm Châu Tài lo bố trí quân tại những địa điểm cần thiết, để có thể chận đánh, tiêu diệt những chiến xa mở đường của địch quân. Sau khi rải quân xong, Thiếu Tá Phạm Châu Tài được lệnh lên trình diện Trung Tướng Nguyễn Văn Minh Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô. Từ cổng ngoài của Biệt Khu Thủ Ðô, một chiếc xe tuần tiễu Quân Cảnh dẫn đường cho xe của Thiếu Tá Tài đến văn phòng của ông tư lệnh. Trong lúc này Tướng Nguyễn Văn Minh đang bàn thảo với Tướng Ðỗ Kiến Nhiễu, chung quanh hai vị tướng này có vài đại tá. Nhìn thấy Thiếu Tá Tài đi cùng người lính Quân Cảnh, tướng Minh đứng dậy tiến hẳn ra bắt tay rất niềm nở, và nói với Thiếu Tá Tài: “Em về đúng lúc lắm”. Sau một cuộc tiếp xúc ngắn không đầy mười phút, Tướng Minh yêu cầu Thiếu Tá Tài qua thăm phối hợp với Ðại Tá Châu Văn Tiên - Tỉnh Trưởng Gia Ðịnh. Nhiều năm sau này Thiếu Tá Tài được biết, ngay sau buổi hội kiến ngắn ngủi đó (ngày 27 Tháng Tư), Trung Tướng Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô biến mất.

Buổi chiều 27 Tháng Tư, Bác Sĩ Ngô Thế Vinh cưỡi Vespa đến thăm Thiếu Tá Phạm Châu Tài tại Bộ Tổng Tham Mưu. Bác Sĩ Ngô Thế Vinh mang từ trong cốp xe ra một cặp rượu cho Thiếu Tá Tài và nói: “Có Hổ Xám về đây tôi thấy ấm lòng”. Thiếu Tá Tài đưa Bác Sĩ Vinh lên sân thượng của building số 1, một tòa nhà cao sáu tầng nằm đối diện với cổng số 1 của Bộ Tổng Tham Mưu, ở đó Thiếu Tá Tài chỉ tay ra xa, giải thích cho bạn biết những nơi ông đã rải quân chặn địch. Từ nóc tòa nhà cao nhìn ra tứ phía, bạt ngàn tầm mắt là nhà cửa của dân chúng, kể cả những cao ốc khác nằm đó đây trong lòng Sài Gòn, tất cả như co mình lại, lún xuống thấp để chờ những cơn mưa.

Không phải những cơn mưa đầu mùa, mà là những cơn mưa pháo mà Cộng quân đã từng bắn không thương tiếc vào An Lộc, Kon Tum, Bình Long, trên đại lộ kinh hoàng, trên Liên Tỉnh Lộ 7B… Vào lúc này dân khắp nơi đổ xô về Sài Gòn, khiến cho dân số thủ đô của miền Nam gia tăng đến chóng mặt. Dễ chừng có tới bốn triệu con người trong một thành phố chật hẹp. Trên sân thượng này Thiếu Tá Phạm Châu Tài và Bác Sĩ Ngô Thế Vinh cùng không nói nhiều, chỉ trao đổi với nhau những câu ngắn và gọn, nhưng dường như họ đồng cảm với nhau về những suy nghĩ. Cả hai đều có điều kiện để cao bay xa chạy, thế nhưng cả hai cùng đứng lại.

Bác Sĩ Ngô Thế Vinh khi nói với bạn, không bao giờ dùng tên hay cấp bậc. Với ông, Thiếu Tá Phạm Châu Tài là “Hổ Xám”. Danh hiệu này đã thành từ nhiều năm nay do một sự tình cờ, từ khi Thiếu Tá Phạm Châu Tài còn là các toán A trưởng, hoạt động song song với các toán Lực Lượng Ðặc Biệt Mỹ. Các người bạn Mỹ khi phát âm TÀI không chuẩn, nghe như TAI (TIGER), và danh hiệu HỔ XÁM ra đời từ đó. Hổ Xám không phải là một danh hiệu gọi cho kêu, cho oai. Ðể có được danh hiệu này, Thiếu Tá Phạm Châu Tài đã cống hiến cho quân đội toàn bộ tuổi trẻ của ông, đã lao mình vào không biết bao nhiêu trận đánh trong suốt mười năm chinh chiến. Và nếu như HỔ XÁM phải nằm xuống, sẽ có rất nhiều máu của địch quân phải đổ ra.

Chính vì vậy mà trong những ngày sau cùng, đã có rất nhiều lần Thiếu Tá Phạm Châu Tài được các người quen có thế lực, có tiền của rủ ra ngoại quốc, song chưa bao giờ ông có ý nghĩ bỏ lại anh em, bỏ lại đồng đội. Chẳng những thế từ khi cơn bão lửa dấy lên từ bờ sông Thạch Hãn, thổi dọc theo dãy Trường Sơn, thổi xuôi theo Quốc Lộ 1 xuống phía Nam, Hổ Xám Phạm Châu Tài chưa bao giờ có ý nghĩ đầu hàng, ông toàn chỉ nghĩ đến cách nào để chiến đấu với quân địch ở ngay trước mắt. Ông cũng không có thời giờ để nghĩ đến vợ con, ngay cả lúc đã được đưa về trấn cửa Bộ Tổng Tham Mưu, chỉ cách nơi vợ con ông trú ngụ trên đường Trương Minh Giảng gần Ðại Học Vạn Hạnh không đầy ba cây số.

Ngày 27 Tháng Tư rồi cũng qua đi, nhìn chung không khí Sài Gòn cực kỳ sôi động. Vì phải đôn đốc binh sĩ dưới quyền, nằm rải rác chung quanh Bộ Tổng Tham Mưu, trong ngày 27 Tháng Tư, có đôi lần Thiếu Tá Phạm Châu Tài ghé ngang cổng Phi Long của phi trường. Ông nhìn thấy những đoàn người tìm cách chạy trốn ra ngoại quốc qua ngả phi trường. Không mấy hứng thú trước cảnh này, Thiếu Tá Phạm Châu Tài quay về với các binh sĩ của ông.
Trong đêm 27 Tháng Tư, ông cảm nhận được bầu không khí thoi thóp không phải chỉ của Sài Gòn mà thôi. Những tiếng động ầm ì từ phi trường Tân Sơn Nhất, những tiếng súng đại bác bắn đi từ Phú Lâm vọng về, thỉnh thoảng những ánh đèn nhấp nháy của những chiếc máy bay đơn lẻ vụt qua trên nền trời tối sẫm.

Sáng ngày 28 Tháng Tư, trong lúc đang thị sát binh sĩ tại những ổ kháng cự, Thiếu Tá Phạm Châu Tài nhận được điện thoại của một sĩ quan Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu, tự xưng là Ðại Úy X (đã quá lâu nên Thiếu Tá Phạm Châu Tài quên mất tên của vị sĩ quan này). Qua điện thoại vị sĩ quan này lớn tiếng:

- Tôi báo động cho thiếu tá biết, thằng Cao Văn Viên đã bỏ đi rồi.

Thiếu Tá Phạm Châu Tài ôn tồn nói với vị sĩ quan này:

- Ðại úy không nên dùng những ngôn ngữ đó. Dù sao Ðại Tướng Viên cũng là Tổng Tham Mưu Trưởng của toàn thể quân đội, và việc bỏ đi của Ðại Tướng Cao Văn Viên thuộc về lịch sử. Ðể lịch sử sau này sẽ phán đoán việc làm của đại tướng. Tôi sẽ tới Phòng 3 ngay bây giờ, chuyện đâu còn có đó.

Khi Thiếu Tá Phạm Châu Tài quay trở lại Bộ Tổng Tham Mưu, ông không gặp vị sĩ quan đã gọi điện thoại cho ông. Hầu như Phòng 3 trống trơn, Thiếu Tá Tài không còn tin vào cặp mắt của mình. Xe cộ chạy dọc ngang, các sĩ quan cao cấp có xe Jeep chở đầy đồ đoàn trên xe. Người ta chạy tứ tung, kêu gọi nhau ơi ới. Nhìn ra ngoài cổng chính cũng như cổng phụ của Bộ Tổng Tham Mưu người ta ra vào lũ lượt. Vẫn còn những toán lính Quân Cảnh mang sắc phục hành sự tại hai điếm canh, song hình như họ cũng đứng đó bất lực như Thiếu Tá Phạm Châu Tài.

Trong buổi sáng 28 Tháng Tư tại Bộ Tổng Tham Mưu, văn phòng của Ðại Tướng Cao Văn Viên trống trơn. Các phòng, ban của Bộ Tổng Tham Mưu chỉ vài tháng trước nhộn nhịp kẻ ra người vào, quân nhân các cấp ra vào áo quần thẳng tắp, giờ đây sáng ngày 28, Thiếu Tá Phạm Châu Tài thấy cơ quan đầu não của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vắng lặng như tờ. Ông chua chát nhận chân được thế nào là một đoàn quân không có tướng cầm đầu. Ông nghiệm lại từ lúc về trình diện tăng phái về trấn cửa cho Bộ Tổng Tham Mưu, được Ðại Tá Tòng - Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh, tiếp vào lúc xế chiều của ngày 26 Tháng Tư, tới bây giờ là 10 giờ sáng của ngày 28 Tháng Tư, chưa một lần nào Thiếu Tá Tài nhìn thấy bóng dáng ông Ðại Tướng Cao Văn Viên.

Không hiểu trong những giờ phút thập tử nhất sinh như thế này, ông đại tướng ở đâu, làm gì. Ngay cả ông Ðại Tá Tòng cũng biến mất không thấy tăm hơi. Trong sân Bộ Tổng Tham Mưu, quân nhân các cấp người chạy lên, kẻ chạy xuống như là những quân đèn cù. Xe Jeep, xe Dodge phun khói mờ trời đất. Nhiều chiếc xe còn kéo theo cả móc hậu, bên trong đầy đồ đạc, dụng cụ. Ai nấy đều như mê sảng. Trong hoàn cảnh đó, Thiếu Tá Phạm Châu Tài cho dù muốn xin một cái lệnh của cấp trên, cũng sẽ không tìm ra một sĩ quan cao cấp nào để ban hành lệnh.

Khoảng 11 giờ trưa ngày 28 Tháng Tư, Thiếu Tá Phạm Châu Tài gọi điện thoại liên lạc với Ðại Tá Phan Văn Huấn, lúc đó đang đóng quân ở Suối Máu - Biên Hòa, để trình bày tình hình ở Bộ Tổng Tham Mưu. Trong khoảng hai, ba tiếng đồng hồ liền Bộ Tổng Tham Mưu như là cảnh tan chợ chiều. Vào khoảng 3 giờ chiều, Ðại Tá Phan Văn Huấn đích thân lái xe từ Suối Máu về gặp Thiếu Tá Phạm Châu Tài, thì tình hình ở Bộ Tổng Tham Mưu đã dịu xuống, những ai muốn TAN HÀNG khi chưa có lệnh TAN HÀNG đã không còn hiện diện tại đơn vị. Hai vị chỉ huy của Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù trao đổi với nhau vài câu ngắn ngủi, rồi chia tay để mỗi người quay về với nhiệm vụ của mình.

Khoảng 4 giờ rưỡi chiều, một nhân viên của Tổng Hành Dinh Bộ Tổng Tham Mưu liên lạc với Thiếu Tá Tài, mời lên gặp Ðại Tá Trần Văn Thăng, một sĩ quan thâm niên của Cục An Ninh Quân Ðội, không hiểu do lệnh của ai, đã được đưa về thay thế cho Ðại Tá Tòng trong chức vụ Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Bộ Tổng Tham Mưu. Khi hội kiến xong trở ra, Thiếu Tá Tài nhận thấy Ðại Tá Thăng có lẽ là người phúc hậu, một cấp chỉ huy đàng hoàng tử tế, chứ không phải một sĩ quan tác chiến dầy kinh nghiệm. Thật tình mà nói thì Ðại Tá Thăng không phù hợp với tình thế dầu sôi lửa bỏng trong lúc này.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 28 Tháng Tư, trong lúc Thiếu Tá Phạm Châu Tài đang đứng trên nóc một cao ốc gần Bộ Tổng Tham Mưu, nơi bố trí của một toán Biệt Cách Dù thì thấy một phi đội A37 bay vụt qua trên đầu, Thiếu Tá Tài nghĩ là phi cơ của Không Quân đi oanh tạc ở đâu về. Bốn chiếc A37 bay thật thấp xẹt qua các nóc cao ốc, rồi hướng về phía phi trường Tân Sơn Nhất. Thế rồi Thiếu Tá Tài thấy những cụm lửa, khói bốc lên ở phi trường. Té ra không phải là máy bay của phe ta mà là phi cơ địch bỏ bom xuống phi trường. Phản ứng đầu tiên của Thiếu Tá Tài là ra lệnh cho binh sĩ của ông phòng thủ trên các cao ốc chĩa hết súng, kể cả súng cá nhân lên trời đề bắn hạ các phi cơ này, nếu chúng quay lại bỏ bom vào Bộ Tổng Tham Mưu là nơi mà ông chịu trách nhiệm phòng thủ. Tất cả chỉ xảy ra trong vòng vài phút, chỉ một pass bom, song phi đạo chính của phi trường Tân Sơn Nhất đã bị hư hại nặng.

Mãi mấy tiếng đồng hồ sau, qua làn sóng của đài phát thanh Việt Cộng, Thiếu Tá Phạm Châu Tài mới biết được mấy chiếc A37 đó là của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, bị bỏ lại ở ngoài Trung khi các đơn vị ở đó triệt thoái xuống phía Nam. Các phi cơ này do tên CS Nguyễn Thành Trung hướng dẫn, bay từ phi trường Phan Rang vào oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhất.

Sau khi Ðại Tá Thăng nhận nhiệm vụ, lệnh đầu tiên và có lẽ cũng là lệnh duy nhất của ông ban ra trong tư cách Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh là kể từ giờ không một ai được phép RA khỏi Bộ Tổng Tham Mưu, còn người VÀO, thì có lẽ trong giờ thứ 25 này, mấy ai còn nghĩ đến việc quay trở lại một địa điểm sắp làm mồi cho lửa đạn. Sau khi phi trường bị mấy chiếc A37 bỏ bom bất ngờ, vào khoảng 6 giờ chiều, Tướng Nguyễn Văn Chức từ Bộ Tổng Tham Mưu lái xe Jeep ra ngoài, bị lính Quân Cảnh chặn lại, nhưng ông Chức vẫn muốn lái xe ra ngoài, thấy vậy các binh sĩ Biệt Cách Dù can thiệp, và yêu cầu Tướng Chức quay trở lại. Suốt đêm 28, tiếng súng lớn nhỏ ở khắp nơi vọng về, song tại khu vực phòng thủ của Thiếu Tá Phạm Châu Tài tình hình lắng dịu.

Ngày 29 Tháng Tư, Bộ Tổng Tham Mưu đã có một Tổng Tham Mưu Trưởng khác: Trung Tướng Vĩnh Lộc. Vì Tướng Cao Văn Viên đã chuồn, cho nên không hề có lễ bàn giao giữa hai ông tân và cựu Tổng Tham Mưu Trưởng. Dầu sao thì sự hiện diện của một ông tướng cũng vãn hồi phần nào bộ mặt của Bộ Tổng Tham Mưu, khiến cho cơ quan đầu não này có một chút sinh khí. Thiếu Tá Phạm Châu Tài thấy một số tướng lãnh khác cũng tới cùng với khá nhiều sĩ quan cấp đại tá.

Buổi chiều ngày 29 Tháng Tư, Tướng Vĩnh Lộc và một số tướng lãnh hội họp với nhau ngay tại phòng khánh tiết của Tổng Tham Mưu Trưởng. Buổi họp giống như một buổi tiếp tân nhiều hơn là một cuộc họp trong tình thế cực kỳ khẩn trương. Hầu như không một vị sĩ quan nào ngồi trên ghế, có tới vài chục vị đứng quây quần với nhau thành nhiều nhóm. Thiếu Tá Phạm Châu Tài được gọi lên tương kiến trong buổi họp kỳ lạ này.

Cùng đi với Thiếu Tá Tài là bốn người lính cận vệ, và cả Thiếu Tá Tài ai nấy đều trang bị vũ khí khắp người. Thiếu Tá Tài được giới thiệu như là một người hùng. Ông ghi nhận được trong buổi họp này ngoài Trung Tướng Vĩnh Lộc, tân Tổng Tham Mưu Trưởng còn có sự hiện diện của Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, và một chuẩn tướng nữa có bảng tên là Hỷ (không có họ) và sau cùng có chừng mười mấy vị phần lớn là đại tá. Sau khi được các sĩ quan cao cấp bắt tay khích lệ, Thiếu Tá Tài được Trung Tướng Có hỏi thăm về tình trạng đơn vị, và nhắn nhủ:

- Em ráng giữ Bộ Tổng Tham Mưu cho tới sáng ngày mai. Ráng giữ nguyên vẹn cho tới ngày mai. Ðã có giải pháp.

Thiếu Tá Phạm Châu Tài ngửng mặt lên nhìn thẳng vào mắt các tướng lãnh trong phòng họp rồi bằng một thái độ quả quyết, một giọng nói tự tin trả lời cho Trung Tướng Nguyễn Hữu Có:

- Tôi xin cam đoan với quý vị tướng lãnh và các vị sĩ quan trong phòng họp này, là trong đêm nay sẽ không có một con kiến, một con ruồi nào lọt được vào Bộ Tổng Tham Mưu chứ đừng nói tới một thằng Việt Cộng.

Kế đó Trung Tướng Có hỏi Thiếu Tá Tài có cần ông giúp đỡ gì không.

Thiếu Tá Tài nhân đó xin rút một biệt đội của ông đang phải nằm án ngữ tại Lục Quân Công Xưởng về, để tăng cường cho quân số phòng thủ Bộ Tổng Tham Mưu, vì cả đơn vị có một ngàn người còn phải chia mất một phần tư lực lượng, bị xé quá mỏng không có được một đại đội làm tuyến phòng thủ cuối cùng trong Bộ Tổng Tham Mưu.

Nghe vậy Trung Tướng Có bốc điện thoại gọi và cho kết quả ngay. Buổi họp cấp kỳ tại Bộ Tổng Tham Mưu diễn ra không lâu, sau khi các sĩ quan cao cấp rời khỏi phòng khánh tiết, cái không khí đìu hiu của buổi sáng lại diễn ra. Tuy nhiên buổi chiều đó biệt đội phòng thủ tại Lục Quân Công Xưởng được trả về cho Thiếu Tá Tài.

Ðêm 29 Tháng Tư súng nổ ở nhiều nơi vọng về chỗ đóng quân của Thiếu Tá Tài. Binh sĩ dưới quyền ông chạm súng lẻ tẻ với địch ở nhiều nơi, nhưng các đứa con được bung ra không bị một thiệt hại nhỏ nhoi nào. Thiếu Tá Phạm Châu Tài cảm nhận được một điều là tinh thần chiến đấu cũng như hàng ngũ của đơn vị ông vô cùng vững chãi. Cho dù trên cái vòm chỉ huy của quân đội, các ngôi sao cứ tuần tự băng trong bóng tối của trận chiến sau cùng. Ông vững lòng với binh sĩ thuộc hạ, không hề có một ổ kháng cự nào bị bỏ ngỏ.

Ðêm 29 Tháng Tư năm 1975, có thể là một đêm dài vô tận với hầu hết mọi người quân như dân, ai nấy đều co mình lại chờ sáng, thậm chí mắt căng ra không ngủ được, nhưng với Thiếu Tá Phạm Châu Tài thì khác, ngoại trừ những lúc phải đi kiểm soát binh sĩ dưới quyền, ngoại trừ những lúc phải chỉ huy, ông đã ngủ rất ngon trong những giờ trống. Sở dĩ Thiếu Tá Phạm Châu Tài ngủ ngon, vì ông đã xác định hẳn cho cá nhân mình cũng như toàn đơn vị một ý chí duy nhất: Giữ cho được Bộ Tổng Tham Mưu không phải chỉ một đêm nay, mà là nhiều đêm sau nếu cần, cho tới khi nào có được giải pháp cuối cùng cho miền Nam.

Tờ mờ sáng ngày 30 Tháng Tư 1975, Cộng Quân tiến vào Sài Gòn qua nhiều ngả. Thiếu Tá Phạm Châu Tài thầm nhủ với mình là giờ phút cuối cùng đã điểm. Ông liên lạc với các thuộc cấp, dặn dò họ những khẩu lệnh cuối. Qua các máy truyền tin, ông biết bộ binh của Cộng Sản đã được các xe tăng dẫn đầu bứng các chốt kháng cự một cách nhanh chóng. Phía trước của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, những khóa sinh chưa kịp ra trường đã tiến ra mặt trận, mà mặt trận đâu có xa xôi gì. Bên ngoài vòng đai trung tâm huấn luyện chính là nơi trận chiến cuối cùng đang diễn ra. Thế những những người lính chưa kịp ra lò này đã có một bài thực tập tốt về chống chiến xa. Hai chiến xa của địch đã bị bắn hạ tại đây, thế nhưng những chiếc khác vẫn cứ thẳng đường tiến về Sài Gòn. Núp theo sau những chiến xa này, là những chiếc xe vận tải chuyển quân, trên đó chất đầy những cán binh Cộng Sản, với quần áo còn có lá cây ngụy trang trên nón.

Tới Ngã Tư Bảy Hiền, cánh quân này bắt đầu đụng độ với Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 của Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, do Thiếu Tá Phạm Châu Tài chỉ huy, và bị bắn hạ một chiếc dẫn đầu tại Ngã Tư Bảy Hiền. Những chiếc sau vẫn tuần tự tiến tới, thậm chí Cộng quân cũng không hề ngừng lại phản công tại những địa điểm có ổ kháng cự của những người LÍNH cuối cùng. Cánh quân này lướt qua để tiến về trung tâm thủ đô. Các binh sĩ Biệt Cách Dù vừa đánh vừa rút theo với đà tiến của địch. Hai chiếc tăng khác của Cộng Quân bị bắn hạ ở cổng Phi Long, một chiếc bị bắn hạ ở Lăng Cha Cả. Và bây giờ thì Cộng Quân đã có mặt tại vòng đai của Bộ Tổng Tham Mưu. Hai chiếc tăng nữa bị hạ ngay gần cổng Bộ Tổng Tham Mưu. Các binh sĩ Biệt Cách cũng đã rút về, tập họp khá đầy đủ chung quanh cấp chỉ huy của họ, và tuyến phòng thủ cuối cùng cũng đã thiết lập xong. Mấy trăm người LÍNH hờm súng về phía trước, mắt căng ra chờ địch quân tiến vào.

Vào khoảng hơn 9 giờ sáng của ngày 30 Tháng Tư 1975, qua tần số của máy truyền tin, Thiếu Tá Phạm Châu Tài nhận được lệnh của một sĩ quan Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu yêu cầu ngưng bắn. Ông đã khước từ tuân hành lệnh này, và trả lời cho vị sĩ quan này là ông chỉ nhận lệnh trực tiếp với ông Tổng Tham Mưu Trưởng mà thôi. Những người lính Biệt Cách Dù vẫn giữ nguyên vị trí phòng thủ trong vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu.

Vào khoảng mười giờ, Thiếu Tá Phạm Châu Tài nghe trên đài phát thanh truyền đi lệnh của Ðại Tướng Dương Văn Minh, yêu cầu tất cả quân nhân các cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa buông súng. Thiếu Tá Tài bỏ phòng tuyến trở vào một văn phòng của Bộ Tổng Tham Mưu, đích thân gọi điện thoại lên Dinh Ðộc Lập và được Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh tự nhận là Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thiếu Tá Phạm Châu Tài cho biết là bây giờ ông muốn được nói chuyện với Ðại Tướng Dương Văn Minh, vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Ðội.

Khoảng chừng 15 phút chờ đợi dài như một thế kỷ, bên kia đâu dây điện thoại mới nghe giọng nói của Ðại Tướng Dương Văn Minh cất lên:

- Ðại Tướng Dương Văn Minh tôi nghe.
- Thưa đại tướng, tôi là Thiếu Tá Phạm Châu Tài đang chỉ huy Biệt Kích Dù phòng thủ Bộ Tổng Tham Mưu. Chúng tôi được ủy thác phòng thủ tại đây cho tới khi có giải pháp cuối cùng. Cách đây một giờ chúng tôi được lệnh ngưng bắn gọi qua máy siêu tần số, và vừa mới rồi được nghe lệnh của đại tướng trên đài phát thanh kêu gọi ngưng bắn. Chúng tôi xin hỏi lại cho rõ về ngưng bắn là thế nào.

Sau một khắc ngần ngừ, Ðại Tướng Minh nói:
- Mình không còn một cái gì để đánh cả. Em chuẩn bị bàn giao cho phía bên kia.
- Thưa đại tướng, thế có nghĩa là đầu hàng vô điều kiện.

Ðầu dây bên kia lại một phút im lặng nặng nề trôi qua, Thiếu Tá Tài nói tiếp vào điện thoại:
- Thưa đại tướng, chúng tôi được lệnh là cố thủ tại đây, và từ sáng tới giờ chúng tôi đã ngăn chặn được các mũi tấn công của địch. Chúng tôi đã bắn cháy 6 chiếc tăng của Cộng Sản trong khu vực này, mà không hề hấn gì cả. Thưa đại tướng, chúng ta không thể đầu hàng được. Công lao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong bao nhiêu năm sẽ …
- Tùy các em.
- Thưa đại tướng, nếu đầu hàng đại tướng có bảo đảm cho sinh mạng của hai ngàn người đang tử thủ tại Bộ Tổng Tham Mưu không.

Lại một phút nặng nề nữa trôi qua. Sau cùng Tướng Minh nói:
- Xe tăng của địch quân sắp tiến vào đây. Tùy các em.

Và rồi điện thoại bị cúp.
Thiếu Tá Phạm Châu Tài buông điện thoại xuống, quay trở lại với phòng tuyến của mình. Ông đã đi qua những hành lang rộng, những văn phòng khang trang của Bộ Tổng Tham Mưu, song ông không bắt gặp một tướng lãnh nào, một sĩ quan cao cấp nào. Khi nghe câu nói cuối cùng của Ðại Tướng Dương Văn Minh cho biết là xe tăng của Cộng quân đang sắp tới Dinh Ðộc Lập, Thiếu Tá Tài đã định trình bày cho Ðại Tướng Minh biết, là nếu cần ông sẽ mang quân về cứu đại tướng, vì không thể đầu hàng vô điều kiện được, mà phải có một giải pháp nào đó cho quân đội, cho những người LÍNH.

Quay trở ra phòng tuyến của mình, Thiếu Tá Phạm Châu Tài thấy toàn thể đơn vị của ông vẫn còn súng lăm lăm trong tay, mắt hướng ra ngoài chờ địch quân tiến tới.

Ðúng vào lúc đó thì tiếng Ðại Tướng Dương Văn Minh lại vang lên trên làn sóng phát thanh. Bây giờ không phải là lệnh ngưng chiến tại chỗ, chờ bên kia tới BÀN GIAO, mà lệnh ÐẦU HÀNG VÔ ÐIỀU KIỆN.

Các cánh quân Cộng Sản từ xa vẫn tiếp tục xít chặt vòng vây quanh Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng dường như súng thì đã ngưng nổ, và tất cả chìm trong một sự im lặng ngột ngạt.
Khoảng 15 phút sau dân chúng cư ngụ ở gần Bộ Tổng Tham Mưu kêu gọi rối rít:
- Các ông ơi, đừng đánh nhau nữa. Hòa bình rồi. Ði về nhà đi thôi.

Dân chúng ùa tới mang rất nhiều quần áo dân sự, đặc biệt là những áo thun, đưa cho các binh sĩ Biệt Cách Dù:
- Thôi đừng mặc quân phục nữa, thay đồ đi.
Thiếu Tá Phạm Châu Tài tập họp binh sĩ dưới quyền lần chót. Ông không còn ra lệnh cho thuộc hạ nữa, mà nói với những người anh em không may mắn của ông một lần cuối cùng:

- Chúng ta là Biệt Cách Dù, không có vụ đầu hàng. Thôi tan hàng, và lặn cho kỹ. Không có vụ đầu hàng …. Biệt Cách Dù không thể đầu hàng…

Hoàng Khởi Phong
***


"An Lộc Địa sử ghi chiến tích
Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân"

Cô giáo Pha để lại trên tấm bia trước nghĩa trang Biệt Cách 81 Dù tại An Lộc còn có một bài thơ khác của Cô viết tặng cho binh chủng kiêu hùng này của QLVNCH

"Anh Biệt Kích hề ngàn xưa bất hứa
Em thục nữ hề trong trắng ngoài xinh
Ta quen nhau hề Lý Bạch lưu linh
Khi chợt tỉnh hề khối tình trong mộng
Em chỉ muốn hề thương chàng qua bóng
Để rồi mơ hề rồi mộng rồi mơ
Biệt Kích ơi hề tâm ý thành thơ
Xin gửi đó hề chừ thương nhớ mãi"

Bài thơ dưới đây của một người lính Biệt Kích vô danh. Anh là một hạ sĩ trẻ của biệt-đội I. Tháng 1/75 nhảy vào Phước Long.Bị thương và bị bắt. Trong giờ phút cuối cùng của đời người, anh đã cố viết được một bài thơ rất cảm động với mong muốn gửi tặng cô giáo Pha.Anh ấy đã chết sau đó 8 ngày và bài thơ đã được giao lại cho một người bạn đồng cảnh ngộ.Và anh bạn ấy đã học thuộc lòng mang tới vùng đất Tự Do từ lao tù Cộng Sản . Tựa bài thơ đó là "Gửi Em Cô Gái Bình Long"
Thơ rằng :

"Nhớ theo Hổ Xám vào An Lộc
Đội pháo trên đầu như đội mưa
Múa kiếm đứng ngăn thù cửa Bắc
Mà tưởng mình là Nguyễn Huệ xưa.
Trong tiếng đạn reo mù khói trận
Bỗng gặp em, cô giáo như mơ
Em ngồi rũ tóc trong hầm tối
Đọc tiếng kinh cầu, như đọc thơ".

"Lạy Chúa con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Chúa ơi, Biệt Kích là thi sĩ
Thi sĩ cầm gươm như đi chơi".

"An Lộc địa sử lưu chiến tích
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân"
Lời thơ hôm ấy sao hay quá
Nghĩa trang buồn như tiếng lá rơi.

Pha hỡi, bây chừ em đâu nhỉ ?
Cô giáo hôm xưa đã lấy chồng ?
Chúc em hạnh phúc răng long bạc
Còn anh hôm nay vào Phước Long.

Anh theo quân vào nơi hiểm địa
Hét tiếng xung phong đến vỡ trời
Bắn cháy xe tăng như uống rượu
Mà tưởng em đang rót chén mời.

Bóng địch chập chùng nơi cửa ngõ
Ba trăm quân đánh một sư đoàn
Mãnh hổ nan địch quần hồ bại
Anh thối binh về mà thấy oan.

Nửa chừng lại gặp cơn bão lửa
Toán Delta bị kích giữa đàng
Ôi lại Phước Long lưu chiến tích
Anh bị trúng đạn giữa rừng hoang.

Và chừ giờ đang ngồi bó gối
Tay xích chân xiềng trong trại giam
Máu bụng vẫn tuôn ra như suối
Anh biết mình thôi thế là tan.

Nhưng giây phút cuối anh vẫn nhớ
Màu áo hoa dù nón mũ xanh
Nhớ dáng em xưa cô giáo nhỏ
Họa bút thành thơ như tiếng oanh.

"Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lại chinh chiến kỷ nhân hồi"
Xá gì một cõi đi về đất
Biệt Cách lưu danh, Biệt Kích đời".


No comments: