Wednesday, June 4, 2008

Nhân Quyền Cho Người Chết

Ðấu tranh giành Nhân Quyền cho các Anh Hùng Vô Danh Những Tử Sĩ Việt Nam Cộng Hòa.


Giao Chỉ

Tin riêng ghi nhận được từ Việt Nam. 58 mẫu đất còn lại tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ, thuộc xã Bình Thắng, quận Dĩ An đã được đơn vị quân đội cộng sản sư đoàn 7 bàn giao xong cho tỉnh Bình Dương, vào đầu tháng 7 - 2007

Giới chức hữu trách tỉnh ủy Bình Dương vừa cho biết đang tổ chức để lo công việc bảo vệ và quản trị. Các cơ sở doanh trại của đơn vị huấn luyện bộ đội đã di chuyển nay sẽ dùng để mở trường học. Khu mồ mả giữ nguyên và cho phép tảo mộ. Muốn cải táng phải xin phép. Ðiều quan trọng hơn hết là tỉnh Bình Dương theo lệnh Thủ tướng coi đây là nghĩa địa dân sự Bình An. Ðang nghiên cứu thể lệ để cho phép dân thường được chôn tại những nơi còn trống trong khu mai táng.

Ðây là một chủ trương hết sức thâm độc của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội.

Không cần phải xóa bỏ nghĩa trang quân đội Miền Nam, chỉ cần đưa ra chiêu bài dân sự hóa rất bình thường. Sau một thời gian đem dân vào chôn ngay các nơi an táng chiến sĩ VNCH . Mạnh ai nấy xây cất kiểu cọ dân sự. Với thời gian, ý nghĩa của mảnh đất lịch sử thiêng liêng không còn nữa. Xét trên một bình diện khác, nghĩa trang quân đội Biên Hòa là phòng tuyến cuối cùng còn lại của Miền Nam, nơi yên nghỉ của 16 ngàn tử sĩ Cộng Hòa đang bị tấn công trong trận sau cùng. Vì sự bình an của chiến hữu nằm dưới mộ phần, chúng tôi lên tiếng kêu gọi hãy đấu tranh nhân quyền cho người chết.

Bản nhận định và đề nghị

Bản nhận định và đề nghị về đề tài này đã được soạn thảo gởi dân biểu Mike Honda và các dân biểu Hoa Kỳ. Nhân danh là một người Mỹ gốc Việt cư ngụ tại San Jose, đơn vị của dân biểu Mike Honda, chúng tôi đã mời ông đến Viện Bảo Tàng VNCH để thảo luận về việc này, thăm mộ bia đem qua từ nghĩa trang quân đội năm 2004, quan sát mô hình nghĩa trang và các tài liệu liên hệ.

Sau đây là bản lược dịch tài liệu liên quan đến đề tài:

“ Human Rights for Unsung Heroes - The fallen Soldiers of South VietNam ”.

1) Vấn Ðề:

Từ năm 1975, người Việt đi tìm tự do đã tiếp tục rời bỏ quê hương trong 30 năm. Ðã có hàng triệu thuyền nhân, tỵ nạn, tù chính trị, con lai và sau đó là đoàn tụ gia đình. Tổng số 3 triệu người định cư trên toàn thế giới và cho đến năm 2007 hiện có 1 triệu 500 ngàn người lập nghiệp tại Hoa Kỳ. Những người còn ở lại Miền Nam là thương phế binh, cô nhi quả phụ và những người chết vì chiến tranh. Trong số đó có rất nhiều anh hùng vô danh, các tử sĩ của Miền Nam đã nằm lại trong lòng đất quê hương.

Trong chiến tranh Việt Nam đã có trên 300 ngàn chiến binh VNCH được chôn cất trong các nghĩa trang quân đội khắp Miền Nam. Kể từ năm 1965, Miền Nam xây cất một nghĩa trang quy mô tại quận Dĩ An, 30 cây số phía Ðông Bắc Sài Gòn. Khu đất 125 mẫu dành để chôn từ 30 đến 40 ngàn chiến sĩ. Trong 10 năm từ 1965 đến 1975 đã có 16 ngàn tử sĩ được yên nghỉ tại đây.

Nghĩa trang này gọi là nghĩa trang quân đội, nhưng chính là nghĩa trang quốc gia Việt Nam tương tự như nghĩa trang Arlington của Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Chúng tôi hiện có đầy đủ tài liệu và mô hình bao gồm tất cả các di tích lịch sử như tượng Thương Tiếc, Cổng Tam Quan, Ðền Tử Sĩ và Nghĩa Dũng Ðài.

2) Tác giả:

Khi viết bản đúc kết về đề nghị này, tôi nhân danh một người Mỹ gốc Việt, cư ngụ tại Hoa Kỳ 32 năm và là giám đốc cơ quan định cư bất vụ lợi IRCC , Inc. từ 27 năm qua tại San Jose . Trước 1975 tôi là đại tá quân lực VNCH , làm việc tại bộ tổng tham mưu, có dịp liên hệ với công trình xây cất và bảo toàn nghĩa trang quân đội tại Biên Hòa.

Cá nhân chúng tôi là một trong số ít những người cao niên còn lại trong quân đội VNCH tại hải ngoại biết được các tin tức về nghĩa trang.

Tôi có sưu tầm hình ảnh, làm mô hình nghĩa trang cho viện Bảo tàng và là tác giả một tác phẩm duy nhất viết về đề tài này. Tựa đề: “16 ngàn tử sĩ ở lại nghĩa trang quân đội Biên Hòa” phát hành năm 1993. Chúng tôi cũng đã tổ chức chương trình tảo mộ nghĩa trang Biên Hòa trong suốt 10 năm qua dưới hình thức thân nhân thăm viếng.

Ngoài ra cũng có rất nhiều người Việt trên khắp thế giới và Hoa Kỳ hết sức quan tâm đến nghĩa trang quân đội tại Việt Nam đã cùng tiếp tay trong việc bảo toàn nơi yên nghỉ của thân nhân và chiến hữu.

Nhưng hiện nay nhà cầm quyền Việt Nam vừa ra thông cáo và bắt đầu áp dụng các thể thức dân sự hóa dưới hình thức làm mất ý nghĩa lịch sử thiêng liêng của khu đất cần được coi là di tích của quốc gia.

3) Bài học:

Là công dân Hoa kỳ, người Việt tỵ nạn đến đất này đã ghi nhận được bài học vĩ đại về câu chuyện phe miền Bắc đối xử với miền Nam sau cuộc nội chiến. Một trăm bốn mươi hai năm trước sau khi tướng Lee ký bản văn đầu hàng tướng Grant ngày 4 tháng 9 năm 1865 đã không có những hành động bạo hành thù hận của phe chiến thắng đối với người thua trận. Ngay cả sau khi tổng thống Lincoln của miền Bắc bị ám sát chết cũng không có các hành động trả thù của chính phủ liên bang đối với quân dân miền Nam. Tượng của tổng thống và tướng lãnh miền Nam vẫn được tôn trọng. Các nghĩa trang của phe thua trận được bảo toàn.

Và sau cùng, các di hài chiến binh miền Nam còn được mai táng trong khu dành riêng tại nghĩa trang quốc gia Arlington tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Tất cả những hành động cao quí đó không hề xảy ra tại miền Nam Việt Nam khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Hàng trăm ngàn quân nhân công chức miền Nam bị tập trung trong tù cải tạo và hàng triệu người phải bỏ nước ra đi.

Sau 32 năm, qua nhiều giai đoạn và nhiều hoàn cảnh, Hoa Kỳ đón nhận một triệu 500 ngàn người Việt đi tìm tự do đến định cư tại đất nước vĩ đại này. Những tân công dân đã đóng góp vào việc xây dựng quê hương mới và đồng thời cũng đã học được bài học lớn về tự do dân chủ, đặc biệt đối với việc gìn giữ các mộ phần chiến sĩ sau cuộc chiến.

Nhưng câu chuyện về quê hương Việt Nam thì hoàn toàn khác biệt. Sau 30 tháng 4 năm 1975 bức tượng Tiếc Thương nổi tiếng của miền Nam bị kéo sập và nghĩa trang quân đội bị cộng sản phá hoại. Tuy nhiên phần kiến trúc còn lại và các mồ mả vẫn tồn tại. Mười năm sau này hoàn cảnh thay đổi và người Việt trong và ngoài nước bắt đầu có cơ hội thăm viếng trông nom mộ phần các chiến hữu.

4) Giá trị tinh thần:

Theo truyền thống Á Châu, di hài tử sĩ và mộ phần là những lãnh vực linh thiêng cần được cả hai phía tôn trọng trong cuộc chiến. Phía Tây Phương cũng có cùng chung quan điểm. Chiến binh miền Nam trong cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ đã được an táng ngay trong nghĩa trang quốc gia Hoa Kỳ cũng như tại các nghĩa trang của quân đội miền Nam khắp các tiểu bang. Sau đệ nhất và đệ nhị thế chiến, nghĩa trang của quân đội Ðức vẫn được phe Ðồng minh bảo toàn.

Nghĩa trang của Quốc Dân Ðảng tại Trung Hoa, vẫn được chính quyền Cộng sản gìn giữ như là một di tích lịch sử của quốc gia.

Cho đến năm 2005, ba mươi năm sau cuộc chiến, chính quyền Cộng sản Hà Nội không hề lưu tâm và đề cập đến nghĩa trang Quân đội của miền Nam tại Biên Hòa. Mặc dù bỏ hoang phế nhưng nghĩa trang này vẫn còn tồn tại với vẻ hùng tráng đặc biệt qua các tượng đài, kiến trúc và mộ phần. Hiện nay vẫn còn Cổng Tam Quan, Ðền tử sĩ và Nghĩa Dũng đài

5) Pháp lý:

Nước Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc từ 20 tháng 9 năm 1997 nên có nghĩa vụ phải tôn trọng các thỏa ước quốc tế.

A- Công ước Geneve 12 tháng 8 năm 1949, chương III điều 120 và 121 nói rõ về trách vụ bảo vệ tù binh và bảo toàn mộ phần của các phe tham chiến.

B- Ðiều 23 của hiệp định đình chiến Geneve ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 về việc bảo toàn gìn giữ nghĩa trang trong vùng trách nhiệm.

C- Ðiều 8 của Hiệp Ðịnh Ðình Chiến Paris ký ngày 17 tháng 1 năm 1973 lại một lần nữa xác định các quốc gia ký kết có trách nhiệm bảo vệ nghĩa trang và phần mộ của phe đối nghịch.

6) MIA Hoa Kỳ và Việt Nam

Sau cuộc chiến tại Việt Nam, chính phủ Mỹ đã được chính quyền Hà Nội giúp đỡ trong việc đi tìm hài cốt binh sĩ. Phe cộng sản Việt Nam cũng nỗ lực đi tìm hài cốt bộ đội để đem chôn cất tại các nghĩa trang khắp mọi nơi. Trong khi đó mộ phần của các chiến binh Nam Việt Nam, của các tù binh và tù cải tạo tại miền Trung và Bắc Việt chưa bao giờ được đặt thành vấn đề. Gia đình thân nhân không có phương tiện để thực hiện công việc tìm kiếm. Ðặc biệt là các mộ phần và di hài chiến sĩ Cộng Hòa tại miền biên giới Cam Bốt, Lào, cùng các phần mộ tù binh tại Hàm Tân, Thanh Hóa và miền thượng du Bắc Việt.

7) Hiện trạng:

Cuối năm 2006 Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh bàn giao khu nghĩa trang quân đội từ giới chức quân sự qua tỉnh Bình Dương. Cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại hết sức quan tâm đến việc này vì những điểm sau đây qua kinh nghiệm nhiều năm:

1) Cộng sản đã phá hủy bức tượng Thương Tiếc nổi danh tại nghĩa trang ngay sau 30 tháng 4 năm 1975

2) Năm 2002 cộng sản cắt bớt hơn 10 thước ngọn tháp của Nghĩa Dũng Ðài.

3) Trước 1975 toàn thể khu nghĩa trang rộng 125 mẫu với 16 ngàn ngôi mộ. Ngày nay chỉ còn lối 10,000 ngôi mộ. Gia đình có di chuyển một phần. Một phần bị phá hoại. Không có ai kiểm tra để biết con số chắc chắn.

4) Phẫn còn lại để bàn giao giữa quân sự và dân sự đã hoàn tất tháng 6 năm 2007 chỉ còn 58 mẫu. Như vậy sau 30 năm do bộ đội quản lý đã sử dụng 67 mẫu đất để làm doanh trại, nhà cửa, lập nhà máy nước Bình An và lập ra Ấp Bình Thắng.

5) Với 58 mẫu đất bàn giao cho phía dân sự cũng chỉ còn lối 30 mẫu có mồ mả.

Phần còn lại cũng đã được xây cất doanh trại huấn luyện và nay tỉnh Bình Dương định dùng làm trường học.

6) Ðiều quan trọng hơn hết là, theo lệnh của Thủ Tướng từ Hà Nội, tỉnh ủy Bình Dương đang nghiên cứu để cho phép dân thường đem thân nhân vào chôn tại đây và coi đất này là khu nghĩa địa dân sự Bình An.

8) Ðề nghị

Tháng 2 ố 2007 Thủ tướng Hà Nội mở đường dây trên mạng gọi là đối thoại trực tuyến với người Việt mọi nơi. Chúng tôi có đưa vấn đề nghĩa trang quân đội VNCH ra hỏi. Tiếp theo ngày 30 tháng 4 - 2007 chúng tôi gởi thư trực tiếp đặt lại vấn đề. Cả hai lần đều không được trả lời.

Ngày nay vì tính cách thời sự đặc biệt của vấn đề, chúng tôi yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra nghị quyết đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội thực hiện các điểm sau đây:

1 # Yêu cầu giữ nguyên tình trạng nghĩa trang quân đội VNCH tại Biên Hòa. Quốc hội Hoa kỳ cần lưu ý xác định rõ ràng với nhà cầm quyền Việt Nam đây là di sản quốc gia và khu đất thuộc về lịch sử. Không thể phá hủy, di chuyển, hay sử dụng qua các mưu đồ chính trị dưới mọi hình thức.

2 # Cho phép thân nhân, gia đình, chiến hữu được thăm viếng, tu bổ, sửa chữa mộ phần và thực hiện các nghi lễ tôn giáo cho người đã khuất. Thân nhân không được xây cất các phần mộ quy mô kiểu cách. Trong khi sửa chữa các mộ phần cũ, phải giữ gìn hình thức đã có từ trước. Tuyệt đối cấm không cho dân sự chôn cất trong khu vực được coi là di sản quốc gia.

3 # Bảo toàn tất cả các công trình kiến trúc hiện có gồm cổng Tam quan, đền Tử sĩ, và Nghĩa Dũng đài

4 # Cho phép và dành mọi sự dễ dàng cho gia đình, thân hữu, chiến hữu cũng như các đoàn thể từ thiện từ Hoa Kỳ về Việt Nam giúp gia đình đi tìm di hài tử sĩ trên toàn quốc để đem về chôn cất tại các nơi thích hợp.

5 # Với các nhận định kể trên, xin quốc hội yêu cầu tổng thống Hoa Kỳ, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao và ông lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam sử dụng mọi ảnh hưởng và quyền hạn để đòi hỏi chính phủ Việt Nam thực hiện các nhu cầu kể trên. Ðòi hỏi này dựa trên căn bản Việt Nam là quốc gia hội viên của Liên Hiệp Quốc, dựa trên sự quan hệ giao thông Việt Mỹ hiện nay và dựa vào tư cách công dân của 1 triệu 500 ngàn người Việt cư ngụ tại Hoa Kỳ.

Trên đây là phần lược dịch bản nhận định và đề nghị chúng tôi gửi đến dân biểu Mike Honda để xin hạ viện cứu xét. Khi dự thảo hoàn tất, chúng tôi sẽ báo tin quí vị để cùng gởi thư xin các dân biêu Hoa Kỳ khắp nơi ủng hộ và chấp thuận.
Bản nghị quyết chính thức của Hạ Viện khi được thông qua sẽ phổ biến rộng rãi.
Trải qua nhiều năm, Hoa Kỳ đã nỗ lực giúp cho quân dân chính miền Nam qua các chương trình định cư nhân đạo. Chào đón thuyền nhân tỵ nạn. Tiếp nhận cựu tù chính trị, con lai và mở rộng chương trình đoàn tụ. Tất cả đều là những người còn sống trên đất tự do.

Chúng tôi tin tưởng rằng ngày nay đã đến lúc chúng ta cùng đấu tranh cho những người đã chết.

Giành lại nhân quyền cho các anh hùng vô danh
Cho các tử sĩ của Việt Nam Cộng Hòa.
***
Cùng đăng trên báo này là:
Bản Anh ngữ gửi dân biểu Mike Honda và các dân biểu Hoa Kỳ.
IRCC, Inc.420 Park Ave. San Jose CA. Tel: 408 971 7878 Email: irccsj@yahoo.com

No comments: